Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
664
116.545.987
 
Cần Thêm Một Dấu Hỏi Cho Độc Giả Việt?
Đặng Thân

(với Mùa mưa ở Singapore của Linh Lê)

 

 

Tôi xin được bắt đầu với cuốn sách được gọi là “tiểu thuyết triết lý” mang tên La Nausée (Buồn nôn) của Jean-Paul Sartre.

 

Với Buồn nôn J-P Sartre đã được trao Nobel Văn học năm 1968. Nhiều người nghĩ đến Sartre là nghĩ đến chủ nghĩa hiện sinh (existentialism[e]), và Buồn nôn chính là cuốn sách gối đầu giường của hiện sinh.

 

 

Linh Lê

 

Vào những năm 1960-70 ở miền Nam có phong trào chạy theo hiện sinh. Trước đó mươi năm, phương Tây cũng rộ lên phong trào hiện sinh, khi lớp lớp thanh niên muốn tìm đến một lối sống tự do, phóng khoáng hơn. Đó là lúc tác phẩm Buồn nôn của Sartre được Phùng Thăng dịch và An Tiêm in lần đầu năm 1967 (dù tác giả hoàn thành nó từ tận năm 1938). Việc dịch một cuốn tiểu-thuyết-triết-lý của một kỳ nhân nước Pháp đã làm điên đảo cả miền Nam. Sau 1975, những năm 1980-90, trào lưu hiện sinh cũng lan rộng, nhất là trong giới trí thức cả nước.

 

Khoan hãy nói về việc người ta cho rằng chủ nghĩa hiện sinh có từ thế kỷ XVII với Pascal Blaise, qua Kierkegaard rồi Nietzsche, Heidegger… hay là hai trường phái hiện sinh hữu thần và hiện sinh vô thần; cũng như là J-P Sartre Sartre tự nhận mình là nhà hiện sinh nhưng cũng chính là người rất ham hố chủ nghĩa Marx. Trước hết xin cùng tìm hiểu hiện sinh là thế nào và, sao việc Sartre “buồn nôn” lại liên quan tới hiện sinh. Xin đến với cái khái niệm và khái quát về hiện sinh do Trần Thái Đỉnh đưa ra trong cuốn Triết học hiện sinh (in đậm hay gạch chân là tôi nhấn mạnh):

 

Nội dung của triết học Hiện Sinh không phải là con người phổ quát, con người viết hoa của Aristote, mà là con người có xương có thịt đang sinh hoạt hàng ngày trong xã hội. Chủ thể tính và nhân vị tự do là hai đề tài chủ yếu của triết học Hiện Sinh.

 

Triết học Hiện Sinh xây dựng trên chủ thể tính, không coi con người là một sự vật của toàn bộ vũ trụ như trong triết học cổ điển nữa mà coi con người như một hữu thể đứng trên vũ trụ và có quyền gán cho vũ trụ một giá trị tùy quan điểm của mỗi người.

 

Con người hiện sinh là con người tỉnh ngộ, dám nhìn thẳng vào sự thật với nhãn quan, với khả năng của mình.

 

Tự do ở đây là tự do hiện sinh, tự do lựa chọn, tự do quyết định. Tự do ở đây là dám là mình. Nếu tôi cứ sống như cái máy, ở trên bảo sao tôi làm vậy, người ta bảo sao mình làm vậy, thì tôi mới chỉ sống như một sinh vật, chưa sống cái kiếp người của tôi. Cuộc sống ù lì đó, sống chỉ để sinh tồn, sống như cây cỏ đó, Sartre gọi là buồn nôn, Camus cho là phi lý, Heidegger gọi là tầm thường. Và con người muốn vượt khỏi cuộc sống tầm thường đó thì phải vượt lên trên mình, phải sống một cách độc đáo (unique). Độc đáo ở đây không có nghĩa lập dị mà chỉ có nghĩa là tự do chọn lấy một lối sống riêng, không bắt chước người khác và cũng không chịu sự sai bảo, kiềm chế của người khác. Độc đáo là tự xác định nhân vị của mình.

 

Chắc rằng mọi người đang sốt ruột muốn tôi đề cập ngay vào Mùa mưa ở Singapore nhưng mà tôi vẫn cứ phải tiếp tục với Buồn nôn cái đã.

 

Đây là một câu trong Buồn nôn (hãy chú ý, Sartre đã viết hoa từ “buồn nôn”):

 

Tôi thấy quanh tôi những mầu sắc quay lòng vòng, một cách chậm chạp, tôi muốn ói. Và như vậy đó: kể từ đó, Buồn Nôn tóm lấy tôi, quyết không rời.

 

Buồn nôn đem đến cho chúng ta điều có thể gọi là văn chương kết hợp với triết học về hiện sinh. Cái “giọt cà cuống” (từ của Hoàng Ngọc Hiến) của hiện sinh là angoisse (trạng thái “âu lo/ bồn chồn/ lo lắng không đâu/ sợ hãi vô cớ”, rất khó dịch ra tiếng Việt [dù tôi ưa từ “bồn chồn” hơn cả]. Có nơi dịch là “xao xuyến” e không ổn). Nhưng mà, cái gọi là âu lo, angoisse, ở triết gia người Đức Martin Heidegger là về hư vô; còn ở Sartre là về hiện hữu. Đối với một con người cô đơn, hoàn toàn cô đơn, thì không phải là sự sợ hãi hư vô, mà là sợ hãi hiện hữu.

 

Tinh thần “Buồn nôn” của Sartre là gì? Ông đã viết trong Buồn nôn như định nghĩa:

 

Tout existant nait sans raison, se prolonge par faiblesse et meurt par rencontre.

(Mọi hiện hữu đều phi lý, kéo dài do yếu đuối, chết vì ngẫu nhiên)

 

Phi lý, đó là nhận thức về ý nghĩa cuộc sống của Buồn nôn. Con người là một hiện-thực-ngẫu-nhiên. Tác phẩm Buồn nôn lúc ban đầu cũng được Sartre đặt tên là Ngẫu nhiên (factum sur la contingence).

 

Tôn thờ hiện sinh, nên vào năm 1946 Sartre đã viết tiểu luận nổi tiếng: “L'existentialisme est un humanisme” (“Chủ nghĩa hiện sinh là một chủ nghĩa nhân bản”).

 

Thưa rằng, tôi đang nói về Buồn nôn nhưng mà cũng là đang nói về Mùa mưa ở Singapore đấy. Nó có đầy đủ mọi yếu tính của “Buồn nôn” và của hiện sinh.

 

Nhưng mà, trước khi vào “Mùa mưa” cũng xin quý vị gặp gỡ một nhà thơ kỳ lạ, người Việt, ở miền Bắc. Xin hãy nghe đoạn thơ này:

 

Anh chưa đến hai mươi mà thấy mình già lắm

Sống thường trực của anh là lợm giọng

Chán chường muốn mửa cuộc đời ra

Mửa cả tiếng chim mửa cả màu hoa

Anh nhìn đâu cũng thấy điều đã quá nhiều lần nhìn thấy

Cả những con người cũng lặp đi lặp lại thành  thiu chảy

Anh quên dần kỉ niệm về sự mát tươi

Bất cứ cái gì cũng giống như miếng thịt hộp đã ôi

Có lúc anh căm hờn bọn làm tâm hồn anh chưa non mà đã cỗi

Bỗng sằng sặc cười lên: Cả sự căm hờn cũng cũ rồi, già nua hàng triệu tuổi

Trong tay một cô gái tóc vàng một đêm anh tưởng mình khám phá lại tình yêu

Sáng mù sương dậy não nề thấy những cái hôn cũng đã mốc meo

Hàng triệu tuổi trẻ như anh mỗi anh đều cô đơn như một sinh vật từ chòm sao Thiên Nga đầu thai lạc

Trời, đất, cây, người đời với anh đều xa lạ, khác

Anh tự biết mình là tình cho của rỗng không

Mà gân anh săn mà máu anh hồng

 

Đó là những câu thơ khủng khiếp trong đoạn 3 của phần I mang tên “Nơi gừ” khét tiếng (được chú thích: “Chữ NGƯỜI bị phá tung ra và chắp lại thành NƠI GỪ”), trong bài thơ “Ta nhìn trời đêm nay và ta đọc” được tác giả viết vào tháng 5 năm 1969. Tác giả nổi tiếng một cách kinh dị đó là Việt Phương (lúc ấy là Thư ký riêng của Thủ tướng Chính phủ VNDCCH); tập thơ gây kinh hãi khắp miền Bắc XHCN ấy mang tên Cửa mở, được xuất bản năm 1970.

 

Vậy là không thể nói miền Bắc lúc đó là một cô đảo. Cùng thời với những cơn “Buồn nôn” rầm rộ ở miền Nam thì miền Bắc cũng có cơn “Buồn mửa” khủng khiếp, cũng có “văn học hiện sinh” của mình.

 

Vâng, tôi đang muốn nói tới cái “tinh thần hiện sinh” hiển hiện rõ nét trong Mùa mưa ở Singapore. Tiếp nối dòng chẩy “Buồn nôn” từ những năm 1960 ở Việt Nam.

Các nhân vật ở đây đều mang tinh thần ấy.

 

Từ một nhân vật phụ:

“Minh Kha khái tính, cuộc sống với áp lực về tiền bạc và sự phân biệt rõ nét giữa các tầng lớp xã hội ở Sing khiến nó bức bối.”

 

Để một nhân vật chính đưa ra kết luận:

“Đất nước, nhiều khi là sự chạy trốn của con người.”

“Cuộc sống nhiều lúc chỉ là một quá trình dài của sự bế tắc và bất lực. Người ta cứ đi kiếm tìm hoài sự giải thoát, mà tìm không ra…”

 

Cái “Buồn nôn” kiểu Sartre hiện ra như giăng lưới, các thực-tại-hiện-sinh cả vô thần lẫn hữu thần. Có lẽ ít ai để ý đến những câu thế này trong cuốn sách của Linh Lê:

 

“Bố lại hỏi những câu hỏi quen thuộc, tôi lại trả lời những câu hỏi như đã được lập trình sẵn.”

“Những chiếc thuyền cứ đưa khách du lịch đi vòng quanh sông, rồi lại đưa về.”

“Nơi đâu cũng thấy nặng mùi “công nghiệp hóa”.”

“Nhiều lúc nơi đây cho tôi cảm giác như mình đang đứng trên một mô hình đồ chơi hiện đại, mà chẳng biết xoay vần thế nào để có thêm nhiều cảm hứng.”

 

"Người ta thờ Phật để mong sự giải thoát. Tôi cũng theo Người, sao tôi mãi lơ lửng giữa những cơn ác mộng và một thực tại mà ánh sáng mặt trời không bao giờ chiếu đến?”

“Hôm nay lại một thằng bạn người Việt của em bị quản lý công trường đánh cho một trận nhừ tử, chỉ vì nó bị mệt, và không đủ sức làm phần việc của ngày hôm nay. Em phát ốm với đất cát, xi măng và những viên gạch thô kệch ở đây.”

 

“Đêm đến, tôi rủ bác Cheng ra chùa, ngồi uống những cốc rượu trắng, nói với nhau về hội họa với thế tục, nói cả về Phật giáo, rồi cuối cùng ai cũng im lặng thở dài, ngao ngán cho cái phận buồn tẻ, leo lắt qua ngày của mình.”

 

 

Bìa tác phẩm

 

“Tớ không được lựa chọn gia đình cho mình, và càng thê thảm hơn nếu để ai trông thấy nó. Chỉ có thể tự biết được rằng, ngôi nhà đó là một địa ngục ma quái.”

Cú “Buồn nôn” này mới ghê rợn làm sao:

“Anh ta lại cười, giờ tôi mới để ý anh bạn cười theo thói quen.”

 

Cảnh ân ái ở “khu công nghiệp” Geylang thêm một khắc họa sắc nét:

“Bàn tay lão luyện và có vẻ sạm màu đi vì “hoạt động” nhiều không làm tôi cương cứng đến độ sung mãn, khi tôi đi vào trong, âm hộ cô tiết ra những chất nhờn lạnh buốt, và tiếng thét mang đầy sắc thái giả tạo.”

 

Một cõi “Buồn nôn” đeo bám con người đến tận già:

“Các cụ già của tôi, bao nhiêu ngày tháng trôi qua rồi… vẫn chỉ có quyền chi phối duy nhất với những quân cờ bé nhỏ, vô hại.”

 

Cái thực tại của địa lý cũng như thể là mồi câu lý tưởng cho tác giả khai triển thế giới hiện sinh “Buồn nôn” đến mức “quây kín” của mình:

 

“Từ ô cửa sổ nhỏ phòng tôi, có thể nhìn thấy một góc thành phố, chỉ toàn là những tòa nhà cao tầng, lung linh bởi ánh điện vàng đỏ. Sao đất nước này xét cho cùng cũng chỉ như vậy thôi.”

“Đất nước bé nhỏ, tôi đi hết các nơi ở Sing chỉ chưa đến một ngày.”

“Nhiều khi giữa những làn khói thuốc, tôi nhớ đến những gương mặt xung quanh mình, lại càng thấy trống rỗng hơn.”

“Vài ba giọt mưa rớt xuống, xác lá bay tứ tung cả một khoảng không gian tối mờ, heo hút.”

Cái “angoisse cà cuống” rõ nhất trong tác phẩm, gay cấn thay, lại hiện lên lúc nhân vật nữ chính đang ân ái (được đặc tả trong những tiếng rên), cũng là “cảnh nóng” duy nhất trong “bộ phim” này:

“Cô ấy bất giác quay mặt sang một bên, và rên lên những âm thanh lạc giọng...”

“Tuyên thở hổn hển thành tiếng, cô ấy lại rên lên, những thanh âm nhạt màu.”

“Tuyên ưỡn người lên, hơi thở gấp gáp, nói không thành tiếng, rồi lại quay mặt sang một bên, rên lên những thanh âm khó hiểu.”

Có điều lớn là tác giả đã xây dựng nên một số nhân vật “hiện sinh dấn thân” thực sự, như người ta có nói về hiện sinh với cái concept gọi là “to overcome itself to become itself” (Tạm hiểu: vượt qua nó để trở thành chính nó”).

Từ cái thực tại “Buồn nôn” định mệnh của những: “Đôi mắt nhỏ bé”, “Sự kiêu hãnh tự kỷ”  (Ý này lặp lại liên tục trong cuốn sách), họ muốn “overcome” ra sao?

Trước hết là “overcome” trong ước muốn:

“Câu chuyện của cuộc đời tôi từ trước đến giờ là một câu chuyện mang sắc màu nhàn nhạt, nhưng đan xen rối rắm. Tôi thèm một cái gì mãnh liệt xuất hiện, kéo mình ra hẳn cái bầu khí quyển này, tất cả những câu chuyện và những mối quan hệ này…”

Rồi đến hành vi:

“Đừng bao giờ khóc trước mặt người khác, nếu phải khóc, hãy khóc trong mưa.”

Và là tư tưởng:

“Thế nào là thật? thế nào là dối? Dẫu sao chăng nữa, từ nhỏ đến giờ, tôi được nghe, được chứng kiến quá nhiều sự thật rồi, mỗi lần nhớ tới vẫn khiến tôi nổi da gà và muốn bỏ chạy, mỗi lần nhớ tới vẫn thấy mình khắc khoải trong vô vọng.”

Kinh nhất là trong cảnh người cha của Minh Tuyên đánh xác vợ (đây có lẽ là cú “overcome” kiểu “ác dâm” khá độc ở những típ người nhiều ẩn ức, bất lực trước hoàn cảnh “Buồn nôn” của mình và xã hội, mà những người như họ không ít):

“Ông ấy lôi cái roi sắt hay đánh mẹ trước đó, ông ấy lại đánh mẹ lần nữa, lần này chỉ đánh được cái xác thôi, không còn tiếng van xin khóc lóc thảm thiết nữa. Ông vừa đánh vừa gào to “đồ dâm đãng”, “đồ đĩ thõa”, “sao mày không chết sớm đi”, hai chị em em ngồi ở một góc và ôm nhau khóc, hết lời xin ông ấy dừng lại, nhưng ông cứ đánh vào cái xác đấy cho đến khi cả mặt, tay chân và cơ thể mẹ em bật ra máu. Sau đó, cha lôi em ra, đưa cho em tờ giấy vẽ, và bắt em vẽ lại gương mặt của mẹ lúc đó, phải vẽ chính xác hiện trạng lúc đó.”

Vậy, họ muốn “become” thế nào?

 

Đây, là cú “become” của một gái bao:

“Thì tôi đúng là “gái” mà. Có điều tôi khác họ. Tôi sẽ là người chọn khách.”

Tình yêu “vô điều kiện” cũng là một sự dấn thân để “become”:

“Buổi chiều màu xám nhạt kết thúc trọn vẹn bằng một nụ hôn, tê dại và nồng nàn, đồng thời mở ra một chương mới trong cuộc đời tôi, từ nay về sau, tôi biết cuộc sống của mình sẽ hoàn toàn thay đổi. Tôi rạo rực, hồi hộp, xen lẫn niềm hạnh phúc đến nghẹt thở. Từ nay về sau, tôi biết đây là tình yêu lớn nhất và cuối cùng trong đời mình.”

 

Điều quan trọng, chúng ta thấy tác giả đã ngầm đưa ra một cuộc hiện sinh “become” đích đáng: “hiện sinh vượt ngục”. Những cuộc “vượt ngục” khá ngoạn mục, có thể nói là độc đáo, hay còn có thể nói là chưa từng có trong văn học Việt.

 

Như là cái quan niệm tình yêu như gió:

“Yêu đương ở đời là gió. Nó chẳng mất đi và cũng chẳng theo chân người lâu dài. Nó sẽ tan biến khi ta cứ say đắm mà níu giữ, và sẽ quay lại khi ta chẳng mong đợi.”

 

Đến, hay đi, cũng là cả-cuộc-ngẫu-nhiên (Ha, rất là “contingence”). Ấy thế mà, để đến với tình yêu, người ta cũng phải “vượt ngục”, để đến với “cứu rỗi” chăng:

“Tuần tới chúng ta lại chơi tiếp, trận cờ hôm đó sẽ hay hơn hôm nay, vì cô đã phá được một nhà tù trong tâm rồi.”

 

“Tất cả những cảm xúc yêu đương thế này, tôi nghĩ ai cũng từng đi qua ít nhiều. Và cái thời khắc ấy, tôi tin ai cũng từng ít nhất một lần mong nó kéo dài mãi! Chỉ cần một lần như thế, bất cứ ai trong chúng ta, cũng từng là người rất tử tế.”

 

Thế rồi, để chia tay một tình yêu, người ta cũng phải “vượt ngục”:

“Cô thắng rồi. Trong tâm cô chẳng còn lại nhà tù nào cả, chỉ có một cái hồ rất sâu thẳm mà thôi.”

Giữa hai cuộc “vượt ngục” ấy, phải chăng “người đời” cần phải suy nghĩ lại về cái quan niệm tình yêu như địa ngục của mình?

 

Thậm chí, đáng kể nhất còn phải là những cú “vượt ngục” kiểu tự sát oanh liệt như một “chiến sỹ hiện sinh” của cô gái người Việt, Thúy Quỳnh, hay nhất là của mẹ Minh Tuyên, một trong những bà mẹ người Việt đau thương nhất.

 

Tự tử, thật sự là một vấn đề triết học nghiêm túc, nhất là đối với các nhà hiện sinh luận. Đó là một cú “overcome” để “become” một cách vĩ đại, một trải nghiệm tao nhã nhất đời, khi mà trong cuộc dấn thân bất hủ của hiện sinh, có lúc người ta còn sẵn sàng phớt lờ hay coi thường cả vũ trụ và Thượng Đế.

Với cuốn tiểu thuyết thứ hai này, Linh Lê đã bước lên một bước tới triết lý.

 

Từ triết lý tâm linh:

“Nếu cái này tồn tại thì cái kia hình thành. Cái này phát sinh thì cái kia phát sinh. Cái này không tồn tại thì cái kia không hình thành. Cái này diệt thì cái kia diệt.”

“Đừng tạo ra bất cứ nhà tù nào trong tâm mình, sẽ thấy thanh thản hơn.”

 

Đến triết lý xã hội và đời sống:

“Bọn người Việt Nam, cả đàn ông lẫn đàn bà, đều có máu phụ tình.”

 “Cái sau cùng của mọi điều trong cuộc sống, rất có thể là…trống rỗng. Cái ta có được ở đời chỉ là cảm giác.”

 

Và, hãy nghe đây triết lý về tình yêu:

“Hãy yêu ai đó bằng một trái tim trống rỗng.”

Thưa rằng, quẻ Hàm, quẻ bàn về tình cảm nam nữ luyến ái trong Kinh Dịch, cũng đã đề xuất hai chữ “hư tâm”.

 

Ấy là tôi vừa nói về cái mối liên quan giữa Mùa mưa ở Singapore với Buồn nôn của Sartre và “buồn mửa” của Cửa mở. Có điều “angoisse” trong tôi là sao tác giả không lao thẳng vào tâm linh độc giả Việt mà thêm một dấu hỏi cho nhan đề, để nó thành “Mùa mửa ở Singapore” thì đột biến biết bao, thức tỉnh chừng nào.

Hay là chúng ta được quyền nén mình chờ đợi cho mùa sau, một Mùa mửa ở Sài Gòn[1] sẽ ra đời?

 

8-22/8/11



[1] Tác giả Linh Lê, sinh năm 1986, đã từng du học tại MalaysiaSingapore, nay sống và làm việc tại Sài Gòn.

Đặng Thân
Số lần đọc: 2471
Ngày đăng: 26.08.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Khi người ta cúi mặt - lượm những mảnh vỡ bản thể - Miên Di
Du Tử Lê, Màu-Xanh-Vàng-Phai - Đặng Phú Phong
Tâm thức hiện sinh trong thơ Cát Du - Trần Hoài Anh
Đi Trong Tâm Thức Trở Về - Nguyễn Thánh Ngã
Vết Của Những Viên Ngọc - Trầm Thanh Tuấn
Đọc Tập Thơ Dã Quỳ Tím Của Huỳnh Dũng Nhân - Bùi Chí Vinh
Cảm Thức Của Những Mùa Hương - Trần Hữu Dũng
Đỉnh Ảo, Một Đời Thơ - Nam Dao
Nhưng nhức nỗi buồn thế hệ - Hoàng Xuân Hoạ
Giọng châm chọc của Linda Lê - Lise-Hélène Smith
Cùng một tác giả
Thùng Thuốc Nổ (truyện ngắn)
Cú Hých Về Nguồn (truyện ngắn)
ngái em (thơ)
Người thầy của em. (truyện ngắn)
Yêu (tuyển truyện)
Ma nhòa (truyện ngắn)
6i +Hi i (thơ)
Đặng Thân: Viết (phỏng vấn)