Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
445
115.986.438
 
Mưa Lạ
Lê Văn Thiện

Có phải chết là hỏi không đáp, đi không đến, gieo không gặt? Trong phòng bệnh A12 rộng thoáng, sạch sẽ, cái chết vô hình vẫn lẩn quất đâu đó, chẳng ai thấy, nhưng dường như ai cũng biết rằng nó ở ngay bên lưng.

 

Phòng có tám người, đều bệnh nặng. Bà nội Vinh vào đây đã hơn tháng. Bà nhận cái giường trong một góc phòng, nơi trước đó nửa ngày người “tiền nhiệm” – một ông già – đã quy tiên. Nghe nói thế, Vinh nổi da gà, nhưng bà không biết. Bà nằm thiêm thiếp, nửa thức nửa ngủ, suốt ngày chẳng nói tiếng nào.

 

Vinh ngồi trước hành lang với mấy tờ báo và những người nuôi bệnh khác. Bộ ba bám trụ kiên trì, lâu ngày ở đây, ngoài Vinh, còn có anh Hiệp, và bà Điều… Ngày thật dài, ngày nào cũng dài. Mệt mỏi. Không làm gì nhưng mệt còn hơn gồng gánh, khuân vác. Người rã rời. Đầu óc đặc sệt, mụ ra. Y tá qua lại lặng lẽ. Những tiếng rên. Mùi thuốc, dầu, mùi “nhà thương” gây gây ám ảnh… Vinh khâm phục nội. Bà cụ không sợ chết. Ở nhà, bà ráng chịu đau để các con không biết, chỉ rên lúc nằm một mình.

 

“Đến 60 mà còn sợ chết, không đáng sống.” Bà đúc kết nhận định của mình về lẽ sống chết, cô đọng, chắc nịch. “Nay má ngót 70 rồi, để má ở nhà.”

 

Nhưng con cháu bu lại, bàn luận, bảo nhất thiết phải đi bệnh viện, mặc cho bà van xin. Bà nói:

“Ngay từ 50, ta đã nghĩ tới cái chết… Không né tránh, mạnh dạn nhìn thẳng vào mặt nó. Suy cho cùng, dù ta muốn tránh cũng chẳng thoát, thế thì ta chấp nhận đối đầu. Không dễ. Để tăng thêm quyết tâm, cần nhớ điều này: “Con người, ai cũng chết.” Ta thuộc lòng, suy ngẫm về nó hàng ngày. Đó là lẽ đương nhiên. Khi nó ngấm vào máu thịt ta, mọi thứ sẽ hóa thành đơn giản, sẽ không có thần chết, không có bất hạnh.”

 

Tốp nhi đồng ăn xong ngủ ngay, không đánh răng, vì chưa có răng. Các lão bà ăn xong đánh bài ngay, không xỉa răng, răng đâu mà xỉa! Rõ quá! Nhưng giữa hai lớp người này có một quãng ngày chắn ngang. Thời gian đó được gọi bằng nhiều tên, nó sẽ đưa họ đến cùng một đích, cái đích nằm kế sau tuổi già, ai cũng biết, có thể hình dung ra, nhưng ít người muốn nhắc đến, dù đã nằm trong phòng A12!

 

Như Vinh, Hiệp cũng ngồi thường xuyên trên chiếc ghế dài trước cửa phòng A12. Anh là cha bé Lãng, bệnh nhân trẻ duy nhất trong phòng. Anh đã ngồi ở đây ba tháng. Trước đó, anh cũng ngồi như thế tại hai bệnh viện đa khoa gần năm tháng. Khủng khiếp. Bé Lãng mắc căn bệnh ác nghiệt – một loại ung thư máu – đã tới giai đoạn cuối. Hiệp ngồi đó, mắt mở trừng trừng, mặt đờ đẫn. Anh ốm giơ xương, râu tóc như người rừng. Không ngờ khổ đau có thể giày xéo một người mạnh lành tới mức này… Hiệp cho biết, cái tổ ấm của vợ chồng anh đã rách nát. Hơn nửa năm lê lết qua các bệnh viện. Bán hết mọi thứ có thể bán được. Anh mất việc. Nợ nần không nhớ xuể. Vợ anh như con mụ lẩn thẩn… Nhưng mọi chuyện chưa dừng ở đây. Bên cạnh nỗi bất hạnh khổng lồ này, trước mặt anh đã hiện ra một “khả năng”, một viễn cảnh mờ mịt: vợ chồng anh chắc sẽ chia tay nhau, sau khi bé Lãng qua đời.

 

Hiệp nói:

“Cưới xong, sống chung vài tháng, tôi nhận ra: tôi và Thanh không hợp tính. Rõ khỉ, làm việc chung mấy năm, tìm hiểu khá lâu, hai đứa lại chẳng nhìn thấy những nhược điểm của nhau, phải đợi khi ở cùng một nhà mới biết! Từ quan niệm sống đến các sở thích vụn vặt chúng tôi đều nghĩ khác. Cãi cọ, xích mích luôn luôn, có thể nói “ba ngày choảng một trận nhỏ, bảy ngày nổ một trận lớn”. Chúng tôi đứng đâu lưng lại, đăm đăm nhìn về hai hướng. Nếu không sửa đổi sẽ mệt to… Chỉ có một thứ rắn chắc trong nhà, là bé Lãng. Bé như sợi dây dài ràng buộc chúng tôi. Nay sợi dây ấy… Cách đây mấy hôm, cha Thanh nói thẳng: cuộc hôn nhân này đã chôn sống con gái ông, nó như đại dịch tràn vào tàn phá gia đình ông.”

 

Chưa hiểu chết là gì, Lãng có thể bình thản nhìn cái hố sâu trước mặt. Bé cũng không biết nói câu: con người ai cũng chết, để tự trấn an.

 

Bà Điều có cách nhìn riêng về chuyện sống chết. Bà nói, lâu nay bà ngại, ít dám nghĩ và nói đến cái chết. Khi vào đây, tiếp cận với môi trường đặc biệt này, nhìn thấy “nó” nhiều lần, bà đâm ra dạn dĩ, và “ngộ”. Bà chế giễu mình:

“Tôi thương cha mẹ, nhưng khi hai vị qua đời tôi không dám tới gần quan tài… Mặt mũi cái chết ra sao mà ta sợ?”

 

Ông Điều to cao rắn rỏi, 64 năm qua chẳng hề đụng đến thuốc thang. Ông thường đùa: “Ai cũng như tôi chắc các bác sĩ chết khô… nhưng người ta nói, dạng này hễ ngã bệnh là “đi” ngay!” Ông chưa đi, nhưng bệnh mới non hai tháng trông ông khác hẳn, và câu ông đùa dường như sắp ứng nghiệm!

 

“Ông ấy còn đấy, nhưng tôi sợ ổng chết. Sợ lắm! Nay, nói thực, tôi muốn đổi chỗ cho ổng… Sáu mươi là trọn đời. Ăn rồi ngủ, ngủ xong lại ăn. Vậy, sống thêm mười năm hay thác ngay lúc này khác gì nhau? … Lỡ mai này, ông Điều nằm xuống… Tháng trước tôi về thăm nhà bốn hôm. Nhiều đêm, không ngủ được, tôi nằm nhìn mấy con gián bò trên tường, lắng nghe gió thổi lào xào sau hè… Xưa nay dường như mình quên lũ gián vẫn có mặt trong nhà… Ra sân rửa mặt, nhìn lên bầu trời đen hun hút, tôi nghĩ được những điều từ trước đến giờ chưa hề nghĩ tới. Trời đất, gió, trăng sao, cao rộng mông lung, bao trùm lấy mình, vừa vuốt ve vừa đe dọa… Nếu đứng lâu thêm, sẽ nghe lũ dế cơm gáy rì rì sau vườn, tiếng gõ khô đanh của ngư dân xua cá từ hướng biển vọng lại. Hóa ra, đời sống không chỉ là cày cấy, học hành, mua bán, cưới hỏi, ca hát… bên cạnh đó còn có cúng vái, vận mạng, bất trắc, ước mơ, sinh sản…”

 

Hơn sáu tỉ người đang sống trên trái đất này, bao nhiêu người có hoàn cảnh như bà? Chắc cũng có nhiều người nghĩ về sự sống và cái chết rất kỹ và sâu?

 

“Vốn yếu đuối, nên tôi muốn được chết trước, để ông Điều nhà tôi gánh vác giùm cái việc chôn cất nặng nề… Ông ấy dữ tướng, như con gấu, nhưng tốt bụng, rất thương yêu vợ con, mấy mươi năm qua đã giành làm tất cả những việc nặng nhọc cho tôi… Mọi người rồi ai cũng chết, tất nhiên, nhưng lắm người không muốn nhớ điều đó… Mấy tháng ở đây tôi thấy và hiểu được nhiều điểm đơn giản mà sâu sắc, hay ho.”

 

Anh Hiệp nói, như nhà hiền triết:

“Xã hội loài người mỗi ngày một tiến lên, khác đi, đẹp hơn, nhưng trọng lượng và áp lực của cái chết đối với chúng ta vẫn không thay đổi!”

 

*

Buổi sáng âm u, trời mưa nhỏ, dai dẳng. Chị Thanh – vợ Hiệp – thay anh, ngồi trên chiếc ghế dài. Chị ốm yếu, xanh mét, mang kính cận. Trông dáng chị hiền lành, không giống người đàn bà anh Hiệp mô tả: khó tính, hay gây gổ, cứ ba ngày lao vào choảng anh một trận nhỏ… Một bà mập mạp tới ngồi cạnh chị, hỏi thăm bệnh tình bé Lãng. Chị Thanh lắc đầu. Chị nói, vẫn vậy, giống như tuần trước, tháng trước. Thằng bé mỗi ngày một yếu thêm. Tốn gần sáu trăm triệu. Thay máu nhiều lần. Hình như nay nó không còn là nó nữa. Máu của những người lạ, của ai đó giúp bé sống, nhưng làm nó thay đổi tính nết? Bé cáu gắt, hung hăng, hay la hét. Một lần nó mắng mẹ: “Đồ quỷ!” Chị Thanh khóc sướt mướt: “Đây đâu phải là Lãng của mẹ!” Bác sĩ bảo, căn bệnh chó chết hành hạ bé, khiến nó như thế, không phải do máu lạ. Ông bà nội, ngoại vái van sưng mồm, đội bánh đội chuối đến cầu cúng mòn các sân chùa.

 

“Nói chị nghe, chúng tôi không hạp nhau, mà vẫn lấy nhau. Chẳng hiểu tại sao! Đâu có ai bắt ép. Tự nguyện, như tự đưa đầu vào thòng lọng. Chắc do số mình đen, nó xui khiến thế!” Thanh tâm sự.

Bà mập nuôi mẹ chồng, ở phòng A19. Bà kể, mẹ chồng bà là một cụ ngoài 70, như cọp, rất sợ chết. Cụ than thở con cái bất hiếu, chưa nuôi mẹ đúng mực, chỉ đưa cụ đến các bệnh viện rẻ tiền với những thầy thuốc lơ mơ, mới ra lò! Ai tới thăm, phải biết ý, đừng mở miệng nói tiếng “chết”, nên khen cụ đã có vẻ khỏe, tướng tốt hơn hôm nọ hôm kia.

 

“Chán phèo! Em biết không, con người sống chết, giàu nghèo có số cả!” Bà mập thở dài. “Chừng ấy tuổi vẫn chả hiểu gì, khổ thân! Cứ ăn, uống cho lắm vào rồi có kêu cũng muộn!… Thế này nhé, 80% dân ta sống ở thôn quê, nhưng gần 70% số người nằm trong các bệnh viện là dân kẻ chợ! Thống kê mới đấy. Chẳng phải dân quê không có tiền vào nằm viện đâu! Cái chính, dân phố hít nhiều bụi bặm, nghe tiếng ồn quá độ và tộng vào bụng nhiều thực phẩm có hại, như bột ngọt, đường hóa học, hàng chục hóa chất trong các loại nước ngọt, rượu, và thức ăn đóng hộp, cùng dư lượng phân vô cơ thuốc trừ sâu trong rau quả.”

 

Chị Thanh nói:

“Từ lâu các nhà khoa học đã khuyến cáo nên dùng đường vàng, hạn chế ăn đường trắng, nhưng mấy ai nghe… Hơn ba ngàn năm trước, một nhà thông thái Hy Lạp đã nói về việc ăn nhiều: một phần ba số thức ăn ta ăn vào để nuôi sống mình, còn hai phần ba là nuôi các thầy thuốc”.

 

“Quá hay! Thế đấy, người dân bây giờ đẹp, giàu, giỏi lắm nhưng tối ngày chỉ lo săm soi quần áo, tóc tai, rồi chúi mũi vào màn ảnh nhỏ với mấy chuyện tình yêu ướt át. Phần đông lười đọc, cứ đem so số dân với số sách báo in ra là biết!… Chuyện ăn còn dài. Như, ăn trứng, thịt thế nào cho đúng. Như, ta thường nghe ti-vi nói về rau củ. Lâu lâu lại có người la om lên, rau bẩn rau sạch! Thế nào là rau sạch? Chỉ các vị nông dân, các mệ trồng, buôn rau mới biết rau nào sạch! Đọc báo sẽ biết được nhiều chuyện… Chị phì nhiêu không phải do cái miệng vận động nhiều. Chị ăn bình thường, hơi ít nữa là khác, vẫn tăng cân. Chị ý thức (bà vỗ trán) sức khỏe trên hết! Không cầu nguyện suông, chị muốn nắm chắc sinh mạng mình một cách sáng suốt, khoa học… Nên biết, các báo ghi, số tử cả nước nằm ở khoảng sáu phần ngàn. Nhưng vùng quê chị, một xã nghèo, con số đó dưới ba phần ngàn. Bà con ở đấy thế nào? Tiềm tiệm, đủ ăn thôi, chẳng có mấy người dư tiền để xài sang, tẩm bổ cái dạ dày. Thế là, rõ rồi, khảnh ăn sống lâu!… Ăn ít, vừa phải, vẫn không táo bón, không suy dinh dưỡng, bởi cơ thể của ta co giãn, nó tự điều chỉnh, tự thích ứng, tốt như máy Nhật vậy!” Bà cười khà khà.

 

*

Đến 12 giờ trưa, trời vẫn mưa, nặng hạt hơn lúc sáng. Các mái nhà của dãy phố bên kia đường trắng mờ như bị một lớp sương bẩn bao phủ… Loan – cô gái trẻ – tới ngồi giữa bà Điều và Vinh. Loan nuôi cha, mới vào một tuần. Bà Điều nói với cô gái những chuyện bà đã nói nhiều lần: bệnh ông Điều nặng. Bà ngồi đây đã mấy tháng. Trước, bà rất nhát, sợ chết. Nay, bà sẵn sàng chết thay chồng. Ông Điều hơi cục cằn, nhưng tốt. Mấy chục năm qua bà không phải làm gì đổ mồ hôi, ông ấy giành làm tất. Ông trời vô tình, muốn hại con người hiếm có như vậy. Nói dại, nếu ông mất đi, bà sẽ sống chuỗi ngày còn lại thế nào? Thời gian ở đây đã biến trí óc hời hợt, trẻ con của bà trở nên chín chắn, già dặn… Loan ngáp dài, than:

 

“Mưa mãi… Bước vào cổng bệnh viện là nghe đủ thứ chuyện rầu rĩ… Mình buồn, trời lại mưa, càng buồn thêm!… Loài người, nếu không ăn vẫn sống, và về già không chết, cùng bay hết lên trời, thì sao?”

 

Một cô y tá ra nói, ông Điều hấp hối. Bà Điều và chị Thanh chạy vào phòng. Mưa lớn, dưới đường xe chạy phải bật đèn. Mưa xối mạnh, đè mấy ngọn cây xà cừ trước cổng nghiêng ngả… Vinh và Loan ngồi nhìn mưa.

 

“Mưa có từ bao giờ? Chắc trời tạo ra nó để tô điểm cho những chuyện buồn?” Loan gục gặc đầu, tán thưởng câu nói của mình. “Xem truyền hình, nếu để ý anh sẽ thấy, khi người thân chết, thiên hạ khóc thương giống hệt nhau. Iran giống Ấn Độ, Tây Ban Nha. Palestine giống Nga, Israel. Nét mặt của họ bị phết lớp keo tang tóc, biến dạng… Nếu lúc chào đời con người không khóc, mà cười, thì sao?”.

“Hồi còn đi học, lúc mới biết đọc những cuốn sách triết Tây, anh nghĩ: Không rõ, khi tạo ra mọi vật, ý của thượng đế là muốn loài người làm đẹp trái đất hay hủy hoại nó… Ý em thế nào?”

 

“Để em nghĩ xem”.

 

“Người ta đã làm nhiều chuyện rồ dại, từ đó sinh ra vô số tai họa… Anh ước, trên đời không có đau bệnh, con người cứ đến tuổi nào đó thì ngã ra chết, lặng lẽ, êm ái. Ta sẽ bỏ hẳn tiếng “chết”, gọi nó là ra đi, phiêu du.” ./.

 

Lê Văn Thiện
Số lần đọc: 1731
Ngày đăng: 27.08.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cỏ Hát Tìm Nhau - Vương Hà
Làm Quen - Thảo Trường
Những đóa mẫu đơn - Đặng Phú Phong
Châu long - Trần Yên Hòa
Hồi chuông tắt lửa - Thế Nguyên
Đi với những thứ li ti - Vũ Lập Nhật
Cát Trắng Bạc Đầu - Trần Quang Phong
Tiệm thịt con vẹt - Nguyễn Quốc Vương
Một Lần Li Hôn - Trần Minh Nguyệt
Một Thuở Tạo Sơn - Quý Thể
Cùng một tác giả
Biển cũ (truyện ngắn)
Nó nằm trong túi áo (truyện ngắn)
Ngày đó (truyện ngắn)
Cực lạc (truyện ngắn)
Ao buồn (truyện ngắn)
Mây Khói Lên Trời (truyện ngắn)
Chết đường (truyện ngắn)
Như Nguyệt (truyện ngắn)
Cho Kẻ Khuất Mặt (truyện ngắn)
Nói Trong Đêm (truyện ngắn)
Mộng (truyện ngắn)
Ngoại Lệ (truyện ngắn)
Chợ Tối (truyện ngắn)
Quá đã (truyện ngắn)
Âm Thầm (truyện ngắn)
Chiếc phao (truyện ngắn)
Ánh Sáng Trước Mặt (truyện ngắn)
Chuyện Tình (truyện ngắn)
Có Miền Sông Nước (truyện ngắn)
Như Là Vô Định (truyện ngắn)
Chuyện Vườn Đào (truyện ngắn)
Róc Rách Suối Ngầm (truyện ngắn)
Cổ tích mới (truyện ngắn)
Người đi (truyện ngắn)
Lơ mơ Ngọ (truyện ngắn)
Kỷ Niệm (truyện ngắn)
Một lối tiện lợi (truyện ngắn)
Chờ Mong Mòn Mỏi (truyện ngắn)
Nắng Quái (truyện ngắn)
Kêu ai (truyện ngắn)
Quán vắng (truyện ngắn)
Mưa Chết (truyện ngắn)
Mưa Lạ (truyện ngắn)
Bàn Tay Ấm Áp (truyện ngắn)
Diễn Viên (truyện ngắn)
Gió đưa (truyện ngắn)
Buồn Một Mình (truyện ngắn)
Chia Tay (truyện ngắn)
Quế (truyện ngắn)
Ôm Đĩ Mất Tiền (truyện ngắn)
Đẹp Và Ảo (truyện ngắn)
Tình Quê Xa Khuất (truyện ngắn)
Thư Giãn (tạp văn)
Mần Ăn (truyện ngắn)
Quả Bóng (truyện ngắn)
Giàu Nghèo Ngổn Ngang (truyện ngắn)