Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
762
116.614.994
 
100 năm ngày mất Tiểu La Nguyễn Thành (1911-2011): CÒN ĐỌNG LẠI MỘT NHÂN CÁCH ĐẤT QUẢNG
Nguyễn Tam Phù Sa

Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, chí sĩ Tiểu La Nguyễn Thành giữ vị trí trọng yếu suốt quá trình chống Pháp và đồng sáng lập Duy Tân Hội, phong trào Đông Du. Hai phong trào này kéo dài không lâu nhưng dư âm, đến nay vẫn còn ngân vọng. Phía sau cống hiến của các danh nhân lịch sử, cái trân quý còn đọng lại là nhân cách, bên cạnh thân thế, sự nghiệp.

 

Thời Nghĩa hội Cần Vương, về mặt quân sự Nguyễn Tiểu La (NTL) được Nguyễn Thân đánh giá: “Ở Quảng Nam, Quảng Ngãi về tài quân sự Nguyễn Hàm là số một”. Còn với Duy Tân Hội và phong trào Đông Du, NTL không chỉ đóng góp tiền của nuôi quân giết giặc mà còn lo kinh phí để cụ Phan Bội Châu xuất ngoại lẫn kinh phí cho sinh viên du học. Khi cụ mất, cụ Huỳnh Thúc Kháng trong câu đối điếu Tiểu La, viết: “Mấy mươi năm giống trái vẫn còn, nào kinh tế gia, nào quân lữ gia, nào bí mật vận động gia. Trăm lần uốn chẳng cong, đời cựu, buổi tân vị trí nghiễm nhiên giành một chiếu”. Cụ Phan Bội Châu (PBC)- bậc chân tài, nhà ái quốc khả kính cũng không tiếc lời ca ngợi (lược trích): “Hỡi ôi, Tiểu La anh ơi!............ Lịch sử anh thế nào! Nhân cách anh thế nào! Những ai là người, có mắt, có tai, tất đều biết thảy”, đủ thấy cốt cách, công lao NTL được xem trọng đến mức nào.

 

Đọc Hồi ký Phan Bội Châu có câu: “Lịch sử của tôi, hoàn toàn là lịch sử thất bại”. Tài đức vẹn toàn mà nhún nhường tự nhận như thế, thật hiếm lắm. Còn NTL viết: “Một việc chưa thành tóc nhuộm mầu/Non sông ngoảnh lại thẹn mày râu”. Thất bại trong thành công, thành công từ cái thất bại, được các thế hệ kế thừa lấy đó làm bài học yêu nước muôn đời, thì đất nước 80 triệu dân chắc chắn không thiếu người sẵn sàng xả thân khi tổ quốc cần.

 

Niên biểu Phan Bội Châu (*) viết gì về Nguyễn Tiểu La

 

Tôi đến thăm đại tá nghỉ hưu Phan Thiệu Cơ- nguyên Phó Tổng biên tập Báo Quân Giải Phóng (1968-1975), cháu nội cao niên nhất của cụ PBC tại nhà riêng ở quận Bình Thạnh (TP. HCM). Ngạc nhiên, trân trọng lẫn vui mừng vì chính nơi đây, ngoài việc vọng bái, thờ phụng cụ PBC còn có tủ thờ cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ NTL. Ngay cạnh, thẳng góc với gian thờ, một tủ kiếng trưng bày di ảnh các danh nhân lịch sử Việt Nam. Truyền thống nhân cách gia đình, hiển lộ nghĩa tình, lòng tôn kính đặc biệt của hậu duệ cụ Phan. Sinh tiền, cụ Phan (SN 1867), cụ Nguyễn (SN 1863) chung lòng vì đại cuộc, thân mật gọi nhau bằng “anh” và nhân xưng “tôi”. Hai cụ, về lòng yêu nước, chí quật cường là người đồng chí, về gia thất, có điểm chung: vợ cả hiếm muộn con nên cưới vợ kế. Ở trường hợp cụ Phan, vợ kế sinh một trai (thân phụ Phan Thiệu Cơ) một gái. 6 năm sau vợ cả sinh hai con trai, trở thành con cả.

 

Niên biểu PBC hay Hồi ký PBC là tập tự truyện, trần thuật từ khi sinh đến năm bị bắt giải về nước. Nguyên tác chữ Hán, sau đó chính cụ dịch sang tiếng Việt. Dưới đây là một số trích đoạn liên quan đến NTL. Mùa xuân năm Quý Mão (1903), cụ Phan vào phủ Thăng Bình gặp cụ Nguyễn, mật thảo kế hoạch thành lập Duy Tân Hội, qua đó cụ NTL đề xuất chủ trương mời Kỳ Ngoại Hầu Cường Để tham gia hội để thu phục nhân tâm. Niên biểu viết: “Tôi lấy làm phải lắm, liền từ biệt trở ra Kinh. Sau đó tôi lại vào Quảng Nam cáo với NTL, hẹn nhau ngày tháng 2 năm Quí Mão hội kiến Kỳ Ngoại Hầu Cường Để ở nhà quan Bố Phạm Quý Thích”.

 

Từ Duy Tân Hội đến phong trào Đông Du, cụ Phan viết: “Tiểu La với tôi thì hết sức vào việc xuất dương cầu viện. Cần thứ nhất có hai việc như sau: 1/- Hành phí; 2/-  Nhân tài ngoại giao và viên hướng đạo. Tiểu La bàn với tôi rằng: Về việc kinh phí chỉ mình tôi với Sơn Tẩu (Cụ Ô Gia Đỗ Đăng Tuyển) biện được xong. Ngoại giao nhân tài hiện nay thật khó, đã không người khác tất phải anh đi, còn hướng đạo viên thì tôi tính sẵn đã lâu ngày. Gánh cái gánh người đưa đường, anh không phải lo không có xe chỉ nam nữa”. Một đoạn khác: “Việc xuất dương thì tôi với Tăng Bạt Hổ, Đặng Tử Kính gánh lấy, còn công cuộc nội đảng thì toàn ủy cho Tiểu La và Ngư Hải (Đặng Thái Thân). Thương hoạch xong, tôi từ biệt Tiểu La. Tôi với ông Tăng thì ngày ấy thành ngày vĩnh quyết với Tiểu La. Than ôi, bạn sống thác chẳng bao lăm người, bể trời quạnh, cõi đêm mưa gió, thoảng năm ba tiếng hồn véo von, đau đớn biết dường nào!”.

 

Bút tích đặc tả quá rõ ràng, có giá trị lịch sử, chuẩn xác tuyệt đối cho thấy vị trí của NTL với Duy Tân Hội và phong trào Đông Du là trọng yếu, không thể xem NTL chỉ là sáng lập viên.

 

Chuyện bây giờ nên kể…

 

 

Thân phụ NTL là cụ Nguyễn Trường- Bố chánh sứ tỉnh Bình Định, hàm Tham tri thời Tự Đức. Lúc cụ Nguyễn Trường mất, cụ NTL 12 tuổi đã cáng đáng việc đưa thi hài cha từ Bình Định về an nghỉ tại quê nhà, sau đó cải táng về Núi Đất, xã Quế Xuân, Quế Sơn. Thời phong kiến, việc có con trai nối dõi tông đường được chú trọng. Cụ NTL có 2 vợ, vợ cả hiếm muộn con, cưới vợ kế cho chồng. 11 năm sau, vợ cả sinh hai con trai, còn vợ kế có 8 người con, 5 trai, 3 gái. Hậu duệ kẻ mất người còn đang sinh sống tại Thăng Bình và tại phía Nam. Về Biên Hòa thăm vợ chồng bác Nguyễn Phấn (con thứ 5 của vợ kế)- cháu nội cụ NTL, tôi khấp khởi mừng khi bác gởi tôi hai bài thơ viết trong tù của NTL (bác Phấn chép tay), nhưng hai bài thơ này đã giới thiệu nhiều lần trên báo giấy lẫn báo điện tử.

 

Năm 1908, tại huyện Đại Lộc (Quảng Nam) nổ ra cuộc kháng thuế không vũ trang. Ngọn lửa đấu tranh bùng phát dữ dội toàn tỉnh rồi lan sang Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Thực dân pháp thẳng tay đàn áp, truy quét các chí sĩ yêu nước. Cụ NTL bị bắt, bị kết án 9 năm biệt xứ, đày Côn Đảo. Cụ mất tại đây vào ngày 11.11.1911, hưởng dương 48 tuổi (1863-1911). Các bạn tù an táng cụ tại Bãi Hàng Dương, dưới chân mộ có cục gạch khắc dòng chữ “1911-Tiểu La” (ảnh). Nghĩa trang bãi đảo, quanh năm gió thổi, nhiều ngôi mộ mất nấm, xiêu lạc. 46 năm sau (1957), hậu duệ đưa hài cốt của cụ về cải táng ở thôn Quý Thạnh, Bình Quý (Thăng Bình) nhờ tìm được viên gạch làm dấu nói trên. Bên lề di tích- nơi yên nghỉ của cụ NTL, xin dẫn lời nhà nghiên cứu sử Trần Viết Ngạc. Khoảng năm 1982, trong một lần về dự hội thảo tại Quảng Nam, thầy ghé mộ NTL thấy một mô đất thấp, không có bia, 2 viên đá xanh làm dấu ở trên và dưới chân mộ; còn tấm tôn ghi ký danh tù nhân đã chết và viên gạch lưu dấu mộ NTL đem từ Côn Đảo về vất lăn lóc bên cạnh. 1984 thầy về, thì mộ vẫn mộ đất, đã có tấm bia nhỏ, nhưng khắc 2 chữ Côn Lôn sai, tôi đồ rằng, các em chăn dắt trâu bò chơi nghịch.

 

Năm 1997, mộ NTL được UBND huyện Thăng Bình đầu tư kinh phí tôn tạo, trùng tu, trong khuôn viên 104m2, trở thành di tích lịch sử mang ý nghĩa giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Thế nhưng, một lần nữa bia khắc sai chữ “thi Hương” thành “thi Hội”. Tôi thầm nghĩ thầy Trần Viết Ngạc xem nhầm, nhưng xác minh đúng là có việc đáng tiếc này. Năm 1885, cụ NTL ra Huế dự thi Hương, nhưng do vụ binh biến kinh thành Huế, kỳ thi không tổ chức được. Cụ về quê lo việc nước, không màng chuyện khoa bảng. Cụ chưa đỗ cử nhân, không thể khắc vào bia chữ “thi Hội” được. Có lẽ nên khắc phục để tránh bia ghi một đàng, sử sách ghi một nẻo. Cũng nên lưu giữ viên gạch và tấm tôn từ Côn Đảo đưa về, dẫu gì cũng là di tích. Không rõ hiện nay có còn?

 

 

mộ cụ Nguyễn Thanh

 

Cụ Nguyễn Phấn có hai con gái (cháu gọi cụ NTL bằng cố) là nhà thơ. Nguyễn Thị Bích Ngọc nói với tôi: “Em thường thấy ông cố về báo mộng: hài cốt ông còn nằm ở Côn Đảo”. Chuyện mộng và thực, các nhà khoa học cũng đau đầu khi phân định, chỉ nên tin rằng: đem được viên gạch làm dấu có dòng chữ “1911-Tiểu La” về quê là đã đem được hài cốt của cụ về đúng nơi cụ muốn về. Giả như, cụ báo mộng là thật, thì việc yên nghỉ ở Côn Đảo- thắng cảnh tỉnh Kiên Giang cũng là phần phước gia đình. Mùa thi đại học 2011, tôi nhận được tin, 4 cháu nội ngoại của bác Phấn đều đỗ. Tiệc mừng của các cháu còn là “tiệc lòng” của người đưa thông tin này, vì chắc chắn cả 4 cháu đều đạt điểm sử- môn học từ nhà trường đến thực tế, phải biết trân quý lịch sử dân tộc, phải dốc lòng học tập, vì các cháu là hậu duệ của các cụ. Vấn đề tâm linh, không ai nghĩ việc cho đi nhận lại, nhưng lòng thành kính luôn được soi sáng.

 

Ngoài niềm tự hào là con cháu danh nhân Quảng Nam còn vinh dự là hậu duệ của các cụ. Việc vọng bái, thờ phụng để tỏ lòng biết ơn tiền nhân là bổn phận, trách nhiệm. Xao nhãng việc “Uống nước nhớ nguồn” là có lỗi với quê hương, với danh nhân Việt Nam.

 

(*) Nhóm nghiên cứu sử địa, xuất bản tại Sài Gòn 1971. Nguyễn Khắc Ngữ chú thích. Đại tá nghỉ hưu Phan Thiệu Cơ cung cấp tư liệu.

Nguyễn Tam Phù Sa
Số lần đọc: 2361
Ngày đăng: 04.09.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chủ bút Bách Khoa - Nhiều Tác Giả
Thảo Trường -1936- 2010 - Đặng Tiến
Trần Mai Châu: làm thơ, dịch thơ và bàn về thơ - Huỳnh Như Phương
Sơn Nam, Việt Nam - Đặng Tiến
Nhà Thơ Nữ Christina Rossetti (1830 –1894) - Đỗ Tư Nghĩa
Nhà Thơ Nữ Sara Teasdale ( 1884 – 1933) - Đỗ Tư Nghĩa
Truyện Hồ Minh Dũng: Huế, Tình, Thực tại hay Dĩ vãng, ... - Nguyễn Vy Khanh
Võ Phiến- 2 - Thụy Khuê
Võ Phiến-1 - Thụy Khuê
Khảo cổ tư duy - Lê Hải*
Cùng một tác giả
Ước (thơ)
4 truyện ngăn ngắn (truyện ngắn)
4 truyện cực ngắn (truyện ngắn)