Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
699
116.601.033
 
Hủ Tíu Nam Vang
Nguyễn Linh Khiếu

Đầu những năm 90 thế kỷ trước, sau chuyến đi khảo sát xã hội học ở miền Tây Nam bộ, chúng tôi có lưu lại Sài Gòn mấy hôm. Đây là lần đầu tôi tới thành phố phương nam xa xôi ngập tràn nắng gió này, cái gì cũng lạ. Đi cùng tôi là một nhà xã hội học kỳ cựu, trong quá trình tác nghiệp, tôi học được ở anh rất nhiều về chuyên môn, nghiệp vụ.

 

Chúng tôi nghỉ lại ở một nhà khách thuộc Hội phụ nữ ở đường Võ Văn Tần. Người đồng hành với tôi là một nhà khoa học rất thông minh và hóm. Anh có biệt danh là người rất “tốn vợ”. Chả là anh đã vài lần ly hôn rồi. Tại thành phố này cũng có một người vợ cũ và hai con của anh đang sinh sống. Mỗi buổi sáng, cậu con trai ước chừng 7 - 8 tuổi của anh đi xích lô đến đưa bố và tôi đi ăn sáng. Bố con chia ly xa cách lâu ngày gặp nhau quấn quýt không muốn rời, nước mắt cứ trào ra trông có gì tồi tội. Cậu mới vào Nam vài năm nhưng đã nhại đặc sệt giọng Sài Gòn. Nghe phát âm rất láu lỉnh và ngộ nghĩnh. Cậu dẫn chúng tôi đi dọc phố đến một cửa hàng ăn rất đông người. Đó là tiệm Hủ tíu Nam Vang Hồng Phát bên đường Võ Văn Tần.

 

Thấy khách, những người chạy bàn, đon đả, hồ hởi mời chào, tíu tít dọn bàn, kê ghế, mang nước, rau sống, ớt và nhiều hộp đựng gia vị khác nhau…thưa gửi hỏi món ăn liến láu nhặng nhạu… rẹt một cái, tất cả đã tinh tươm, ngon lành. Đúng là một phong cách phục vụ tôi chưa từng thấy bao giờ ở ngoài Bắc. Cậu con trai cất giọng: he, chú cho ba tô hủ tíu. Chữ tíu-íu-tếu bao giờ cũng kéo dài và cao vút lần nào nghe tôi cũng thoảng thốt bất ngờ. Phát âm lạ và hay quá. Tôi không làm sao có thể phát âm được như thế. Không hiểu sao, mấy chục năm rồi cái âm thanh “ba tô hủ tíu” ấy vẫn cứ văng vẳng mãi bên tai tôi.

 

Sau này, tôi có nhiều lần quay lại Sài Gòn, nhưng tôi cũng không gặp cậu con trai của nhà xã hội học. Tôi gặp lại cậu ấy, lần cuối trong đám tang của anh. Sau chuyến công tác đó vài năm, anh đột ngột ra đi khi mới 50 tuổi. Tôi đã trở lại Sài Gòn nhiều lần, nhưng tôi cũng chưa khi nào quay lại tiệm hủ tíu Nam Vang trên đường Võ Văn Tần, mặc dù, lần nào tôi cũng cố gắng ăn đôi tô hủ tíu nhưng thú thật chưa bao giờ tìm lại được hương vị hủ tíu thơm ngon lạ lùng như mấy bữa ăn ở tiệm đó.

 

Biết chuyện, có một người bạn Sai Gòn gốc nói với tôi rằng, sở dĩ tôi ấn tượng vì tiệm Hồng Phát đó chính hiệu là một người từ Campuchia về mở tiệm. Tô hủ tíu tôi ăn lần đầu đó là hủ tíu xịn, hủ tíu Nam Vang còn hủ tíu bây giờ đã pha trộn rất nhiều, đã được chế biến theo thị hiếu của người Sài Gòn pha trộn. Hủ tíu có nguồn gốc từ Phnông pênh, do những người Tiều ở đó sáng chế ra. Nguyên thủy chỉ có hủ tíu và thịt heo nạc, thịt băm ăn kèm với hắc xì dầu, đường phèn, rau xà lách và giá. Nước lèo được nấu từ xương ống heo được ninh nấu rất công phu cho nước thật trong, ngọt. Khi theo chân những người Khrme gốc Việt hồi hương Sài Gòn những năm 70, hủ tíu đã được thêm thắt nhiều cho hợp với khẩu vị của người Sài Gòn tứ chiếng. Những nguyên liệu mới như: gan lợn, tôm sú tươi, trứng cút, mực khô, hành tía, tỏi, tôm khô, cần ta, hẹ, húng quế, cải cúc…

 

Mỗi khi trở lại Sài Gòn, nhớ hương vị xưa, lần nào, ăn sáng tôi cũng tìm món hủ tíu. Thế nhưng không sao tìm lại được hương vị xưa, cảm giác xưa. Có phải hủ tíu xưa ngon hơn bây giờ không. Hay đó chỉ là cảm giác của món ăn lạ lần đâu được thưởng thức. Hay do ấn tượng lần đầu gặp đất và người phương Nam. Hay là do sau chuyến đi ấy người đồng hành của tôi đột ngột ra đi. Hay vương vấn những giọt nước mắt chia ly của bố con nhà xã hội học. Hay chỉ vì cái cách cậu con trai của anh gọi: he, chú cho ba tô hủ tíu. Chẳng biết vì lẽ gì nhưng mỗi lần tới Sài Gòn tiếng gọi hủ tíu của cậu bé lại vang lên cao vút trong trẻo và hình như phảng phất âm hưởng buồn./.

 

Hà Nội, 23. 8. 2011

Nguyễn Linh Khiếu
Số lần đọc: 2040
Ngày đăng: 23.09.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Quê Nội Có Mưa Không? - Võ Thụy Như Phương
Nefelejcs – Đừng Quên Em của Nguyễn Hồng Nhung - Nguyễn Quỳnh USA
Đọc: Đạo Đức Kinh- Lão TỬ - Nguyễn Hồng Nhung
Trước, Sau - Thụy Vi
Một Câu Hỏi, Đủ Nhức Đầu - Thụy Vi
Lòng Sân Hận - Phạm Thanh Chương
Xin Giử Gìn Màu Lúa Chín Quê Hương - Huyền Chiêu
Như Mùi Nắng Mới… - Thụy Vi
Dửng dưng và bất lực - Nguyễn Thị Hậu
Mạn về sông Tô - Du Nguyên
Cùng một tác giả
Ngựa biên (tạp văn)
Miền yêu -1 (tạp văn)
Miền yêu -2 (tạp văn)
Phồn sinh (nghệ thuật)
Cây gạo gù (tạp văn)
Miếu mòi (tạp văn)
Nhớ hoa đào (tạp văn)