Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
716
115.983.589
 
Bóng Cũ
Phạm Văn Nhàn

Những tiếng động trước sân nhà đánh thức tôi dậy sớm trên bộ ván gõ đã có từ lâu. Hình như bộ ván gõ này, có lẽ gần trăm năm, cũng như cái tủ thờ, cái bàn tôi ngồi khi chiều uống nước của ông nội bác để lại. Trong thời chiến tranh Việt Pháp, từ một vùng quê trù phú lúa gạo và cây trái, từ một sân ga mà quân Pháp xây dựng  để chuyển quân. Tiếng súng nổ, nhà ông nội bác của tôi phải bỏ vùng quê ra đi, bỏ lại ngôi nhà ngói ba gian trong một vườn trồng toàn cây vú sữa. Và chỉ đem được bộ ván gõ, cái tủ thờ và cái bàn, như những vật giá trị nhất của đời ông. Từ đó nó trở nên quen thuôc, rất quen thuôc với chị em chúng tôi trong ngôi nhà của ông tôi xây cất. Ngôi nhà này. Ngôi nhà cũng có gần trăm tuổi, mái ngói âm dương cũ kỹ, tường vách loang lỗ những vết vôi bong ra, cho dù bà chị cả hằng năm vẫn  cho quét vôi và tu bổ lại thường xuyên. Nhưng vách vẫn loang lỗ và tróc từng mảng vôi, nham nhở. Bỡi trận lụt năm 1952, nước lên mấy ngày ngập tới mái nhà.

 

Tiếng động trước sân. Tôi mở tung cách cửa sổ, nhìn ra ngoài. Đứa cháu gọi tôi bằng bác đang bưng những cái bàn nhựa, ghế nhựa để chuẩn bị cho vợ nó bán thức ăn sáng. Đứa cháu thấy tôi hỏi:

- Bác dậy sớm thế. Đêm qua bác có ngủ được không?

- Được cháu ạ. Ngủ ngon nữa là khác. Vợ chồng cháu chuẩn bị bán cái gì thế?

- Dạ, mì quảng, cơm gà.

- Sống được không cháu?

- Tạm ổn qua ngày bác ạ.

Không khí ban mai mát rượi. Tôi ngồi lại bên cái bàn uống nước kê giữa nhà. Mở tung những cách cửa sổ và cửa lớn. Mặt trời vừa lên. Trong không khí ban mai, làm tôi dễ chịu. Tôi lại giống ông tôi ngày nào, cũng thức dậy sớm, ngồi pha một bình trà đậm, nhâm nhi chờ sáng.

Tôi bây giờ cũng thế. Nghiện trà.

Bà chị cả lại bưng cái phích nước sôi lên, và hỏi:

- Cậu dậy sớm thế?

- Quen rồi. Tôi trả lời cho qua.

- Để tôi xếp mùng cho cậu.

- Thôi. Việc ấy để tôi làm.

Tôi lấy trà từ trong cái hộp trà xanh Thái Nguyên. Loại trà nhỏ cánh lá, móc câu. Tôi pha đậm. Đứa cháu vào hỏi :

- Bác dùng mì quảng?

- Không. Bác không ăn sáng. Chỉ uống trà thôi.

- Dạ.

Tôi ngồi nhìn ra khoảng sân. Chẳng mấy chốc những người đi làm buổi sáng tới dựng xe gắn máy trước đường để vào ăn. Thời buổi này mà có mặt bằng sạch sẽ như trước sân nhà để bán là một điều hạnh phúc, vì không cần phải thuê mặt bằng. Nghe đâu đắt lắm. Bán buôn chẳng lời bao nhiêu.

 

Lâu lắm, tôi mới trở lại ngôi nhà mà tôi đã sinh ra và lớn lên từ ngôi nhà cổ này. Ngày xưa, phải nói là như thế, đất chung quanh ngôi nhà còn trống. Ông tôi dành một khoảng đất trồng toàn cây sa-bô-chê. Trồng  vài trụ thanh long. Trước nhà còn có xây hòn non bộ, một hồ thả cá kiển. môt bụi bông trang. Hồ cá kiển, về đêm có gắn bóng đèn bốn gốc tỏa ánh sáng rất đẹp khi ngồi nhìn những con cá long nhãn bơi lội trong hồ. Một buổi sáng thức dậy tôi thấy ông tôi ngồi buồn bên hồ cá kiển mà ông từng nâng niu. Tôi còn nhớ ông nói: sao có lũ người ác thế bỏ thuốc cho cá chết hết. Tôi nhìn vào trong hồ, những sợi thuốc lá dùng cho những người đàn bà ăn trầu còn nổi trên mặt nước. Tôi hiểu ai đã phá hồ cá kiển của ông tôi. Chỉ có thằng Long trong xóm. Cái thằng đi quậy phá từ làng trên xuống xóm dưới, chẳng ai dám đụng tới nó. Trước cổng còn có hai cây bông điệp. Một loại hoa vàng nhỏ, mà mỗi lần có giỗ chạp, ông tôi bảo tôi trèo lên cây bẻ hoa điệp. Cái thích thú của tôi khi trèo lên để bẻ những cành hoa điệp vàng rất dễ thương và quen thuôc đó. Một lọai hoa có sắc vàng tươi nhưng không có hương thơm ngào ngạt, chẳng khác nào cô gái quê. Nhưng bây giờ thì không còn nữa. Tất cả chỉ còn lại trong tiềm thức của một người già như tôi, hôm nay trở về tiếc nuối khoảng thời gian đã qua trong ngôi nhà mà tôi đã lớn.  Đất chung quanh nhà cũng không còn nữa, mà là nhưng ngôi nhà của mấy người em cất lên. Đất mắt như vàng, để không làm gì trong khi họ cần có một chỗ để ở.

 

Thành thử ngôi nhà của ông tôi  để lại. Ngôi nhà từ đường lọt thõm vào bên trong, cũ kỷ. Cái cũ kỷ thật dể thương của một người trở về sau bao nhiêu năm mang kiếp người lận đận. Chến tranh, tù tôi, xa xứ. Và hôm nay, ở cái tuổi thất thập cỗ lai hy tôi trở về và ngủ lại trong ngôi nhà này. Ngủ lại trên bộ ván gõ này. Mà khi chiều, người chị cả hỏi tôi cậu có cần ngủ chiếu không, tôi trải. Tại sao phải trải chiếu nhỉ. Bộ ván gõ mát rượi. Rồi chiếc mùng hơn mấy mươi năm tôi quên nó đi thì hôm nay được treo lên. Sao nghe thân thương quá đỗi. Cũng như khi chiều, tôi mới trở về. Cái đầu tiên là tôi lên căn gát nhỏ. Cái cầu thang vẫn như xưa, chật chội chỉ vừa đủ một người lên xuống. Trên gát bẩn thỉu, bụi bặm, để toàn những thứ lỉnh kỉnh. Cái bàn thấp ngày xưa tôi ngồi học, phải duỗi chân xuống gầm bàn trên gát mới ngồi viết được, nay không còn. Bà chị cả đứng dưới cầu thang nói: nhà chẳng còn ai, nên chẳng ai lên cái gát này làm gì nữa. Tôi im lặng. Cái bóng cũ như đè xuống tôi. Trong tìm thức xa xôi hiện về . Rõ lắm. Rõ như mới hôm qua . Căn gát này là nơi tôi sinh hoạt hằng ngày. Một thế giới riêng biệt của riêng tôi. Thì bây giờ, hôm nay, tôi đưa ngón tay quẹt một đường dài trên tấm ván lót sàn. Bụi bám vào ngón tay một đường dài sâu. Lớp bụi thời gian muôn đời còn đọng lại đó, để ngày hôm nay tôi trở về nhìn thấy. Lớp bụi của những ngày còn đi học. Lớp bụi của những ngày còn đam mê chữ nghĩa. Những câu văn vụng dại, ngây ngô được viết ra. Những nét vẽ nghệch ngoạc không trường lớp cũng được phát họa từ căn gác này treo la liệt trên vách tường xây thấp. Nhưng chẳng bao giờ trở thành họa sĩ. Vẽ để chơi. Vẽ theo sở thích của mình. Để nhìn để ngấm một mình. Nỗi đam mê chẳng ai biết ấy bây giờ chỉ còn lại trong lớp bụi thời gian trên căn gát xép này, mà chỉ có tôi, hôm nay, đã gần bảy mươi, tóc trên đầu đã hai màu đen trắng mới thấy lại hình bóng cũ của tôi qua lớp bụi thời gian, khi lấy ngón tay quẹt vào lớp bụi đóng trên ván. Tôi nói với bà chị cả: thỉnh thoảng chị cũng nên dọn dẹp. Có lẽ tôi nói cũng chỉ để nói thôi, vì ai cũng già hết rồi. Dọn sao nổi.

 

Cứ để thời gia trôi qua, đọng lại trên những lớp bụi này. Như hôm nay, tôi trở về ngủ lại trong ngôi nhà này. Nhìn lại bà cô, người cuối cùng của dòng họ còn sống, nằm bất động. Gầy đét như thân củi khô chỉ còn chút hơi thở để sống còn. Bất động. Bóng cũ lại về với tôi trên thân xác của một bà cô sống không ra sống, chết cũng không ra chết của một kiếp người, mà ngày xưa bà trẻ và đẹp. Lớp bụi thời gian còn đó, trong ngôi nhà từ đường. Những bàn thờ uy nghiêm trong gian nhà thở. Bộ ván gõ mà tôi nằm ngủ. Buổi sáng ngồi uống nước trà nhìn ra khoảng sân thấy lòng chùng xuống. Nghĩ lại bà cô nằm bất động như thân củi mục, khô đét. Nghĩ lại lớp bụi thời gian trên căn gát xép của tôi. Thời gian có chờ đợi ai đâu. Hình ảnh bà cô trước mắt. Những tỉnh vật trên căn gát bám đầy bụi. Và tôi, ở cái tuổi hôm nay không biết bụi sẽ bám khi nào.

 

Đang nghĩ, thì bà vợ đến hỏi: đêm qua ông ngủ có thấy ai về không? Ai về. Tôi chỉ thấy bóng cũ đang về với tôi trên từng bước chân, trong ánh mắt nhìn những tỉnh vật. Vợ tôi cười. Và tôi cũng cười. Nụ cười vui trên hai gương mặt có nhiều vết nhăn thời gian./.

 

Amarillo, 6/8/2011

Phạm Văn Nhàn
Số lần đọc: 1786
Ngày đăng: 24.09.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Có Ngọn Đèn Thức Đợi Trong Đêm - Vương Hà
Thơ thẩn - Huỳnh Văn Úc
Mặc áo soi gương - Lưu Thuỷ Hương
Mộng Bá Vương - Quý Thể
Bàn Tay Ấm Áp - Lê Văn Thiện
Viên Đạn Định Mệnh - Hoàng Ngọc Hiện*
Đêm Sương Trôi Rơi - Vương Hà
Con Heo Đất - Minh Nguyễn
thiên thu - Hoàng Chính
Xanh như lá - Lưu Thuỷ Hương