Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
569
116.606.906
 
Về việc thu phí tác quyền tác phẩm của Trịnh Công Sơn: Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Điều quan trọng là đưa ra cách thức phù hợp
Trần Linh

Đầu tháng 3, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, thay mặt gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, gửi văn bản đến các phòng trà, tụ điểm ca nhạc, đơn vị tổ chức biểu diễn để đề nghị thanh toán tiền tác quyền cho việc sử dụng các tác phẩm của anh trai.

 

Thời gian truy thu tác quyền được tính từ 1-7-2006, thời điểm Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam có hiệu lực, và hạn chót của việc thanh toán chậm nhất là ngày 31-3-2008. Mức phí tác quyền là: 300.000 đồng/bài/lần biểu diễn. Một lần nữa, vấn đề quyền tác giả ở VN vốn âm ỉ bấy lâu được làm “nóng” và số phận hơn 600 ca khúc của Trịnh Công Sơn không còn bị... thả nổi. Trao đổi với HNMCN, nhạc sỹ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) - cho biết:

 

- Về tình cảm và nhận thức, tôi chia sẻ với nỗi bức xúc của gia đình anh Sơn về vấn đề bản quyền tác giả đối với các tác phẩm của anh. Trong thâm tâm, tôi rất mong những yêu cầu đó được thực hiện... Với tư cách là người được hưởng quyền thừa kế, gia đình anh Sơn có quyền đưa ra yêu cầu như vậy. Nhưng điều quan trọng là cách thức nào để thực hiện được việc này...

 

- Cụ thể là...?

 

- Nguyên tắc cao nhất trong giao dịch dân sự là sự thỏa thuận. Nghĩa là các bên tham gia mối quan hệ phải đạt được sự hài hòa về lợi ích thì giao dịch mới thực hiện được. Khi một bên đơn phương thực hiện giao dịch mà không được bên kia đồng ý thì sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật... Nhưng kiện được thì mệt mỏi lắm. Các bên phải cùng có thiện chí mới làm việc được với nhau và đi đến kết quả. Ở ta, vấn đề tác quyền vẫn còn mới mẻ với nhiều người vì tâm lý quen xài “hàng chùa” ngấm vào người từ lâu rồi!

 

- Vậy theo ông, mức phí mà Trịnh Vĩnh Trinh đưa ra là cao hay thấp so với mức VCPMC thu hiện nay?

 

- Tôi không đánh giá mức đó cao hay thấp vì nó còn phụ thuộc vào quy mô và hiệu quả kinh doanh của từng đối tác. So với mức phí VCPMC thu hiện nay thì có thể cao hơn. Mức đưa ra phải kỹ càng và chịu nhiều thông số khác. VCPMC buộc phải chia mức phí một cách chi tiết và cụ thể hơn mức 300.000 đồng. Mức phí này có thể quá cao so với nhà hàng nhỏ nhưng có thể còn thấp với nhà hàng có quy mô kinh doanh lớn.

 

- Vì biết rằng, VCPMC có thể không thu được mức phí bản quyền cao đối với phòng trà, tụ điểm ca nhạc... nên nhiều năm nay, gia đình nhạc sỹ Trịnh Công Sơn không ủy quyền cho các ông thu hộ tiền tác quyền?

 

- Có lẽ vậy, VCPMC thu theo số lần sử dụng tác phẩm mà không phân biệt nghệ sỹ nổi tiếng hay không. Trong khi một số người thì muốn mức giá bản quyền đối với tác phẩm của người nổi tiếng phải cao hơn. Tôi nghĩ, người nổi tiếng có tác phẩm hay thì chắc chắn được sử dụng nhiều lần trong nhiều chương trình và như vậy chung quy lại thì mức phí bản quyền thu được phải cao hơn những người khác. Chúng tôi không thể tách bạch người có tên tuổi trong rất nhiều nhạc sỹ có tác phẩm mà một đơn vị sử dụng trong một năm. Tuy nhiên, mức phí thu được cùng lúc ở nhiều người, nhiều đơn vị sử dụng thì còn hơn thu được của một vài nơi lẻ tẻ. Đừng “tham đĩa bỏ mâm” mà cần nhìn vấn đề một cách rộng rãi hơn...

 

- Theo đánh giá của ông, việc đòi tác quyền của Trịnh Vĩnh Trinh lần này liệu có khả thi?

 

- Nếu chị Trinh chuyên tâm và kiên trì theo đuổi việc này thì biết đâu lại có thể thực hiện được. Chúng tôi mất hàng bao năm nay, phối hợp với các cơ quan hữu quan, rồi đòi những quy định, chính sách của nhà nước can thiệp, anh em  cũng lao tâm khổ tứ mà có đòi được nhiều đâu... Tôi chỉ lo việc đòi đường đột mà không có lộ trình cụ thể và giải pháp tối ưu sẽ khó đem lại hiệu quả...

 

- Có thông tin, một số phòng trà và tụ điểm ca nhạc ở TP.HCM “tẩy chay”, không để cho ca sỹ hát nhạc Trịnh sau khi nhận được thông báo trên. Chung quy, người chịu thiệt thòi nhất vẫn là công chúng?

 

- Việc tẩy chay hay không tôi không bình luận, nhưng đúng là công chúng thiệt thòi nếu ta làm không khéo. Làm thế nào để phía sử dụng vẫn sử dụng mà phía thu tác quyền vẫn thu tác quyền mới khó. Tôi vừa được văn phòng đại diện phía Nam của VCPMC cho biết, sắp tới, đại diện gia đình anh Sơn sẽ ký hợp đồng ủy quyền để VCPMC thu hộ phí bản quyền tác phẩm của anh...

 

- Trong trường hợp đại diện gia đình nhạc sỹ chỉ ký để VCPMC thu hộ một phần tác quyền qua Internet, nhạc khách sạn, máy bay, nơi bán lẻ, điện thoại di động và ở nước ngoài thì sao?

 

- Việc này VCPMC chưa gặp. Chúng tôi sẽ bàn bạc và hỏi kinh nghiệm các nước để thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng quyền tác giả của chủ sở hữu đối với tác phẩm...

 

- Cuối cùng, xin được hỏi ông về số tiền tác quyền lâu nay VCPMC thu hộ nhạc sỹ mà chưa được ủy quyền?

 

- Tác quyền của anh Sơn không ai xâm phạm được. Gia đình anh không ủy quyền nhưng trong các hợp đồng thu gộp của các đơn vị vẫn có phần tác quyền của anh Sơn và chúng tôi vẫn để riêng chờ gia đình đến làm việc. Trong khoảng một năm trở lại đây, VCPMC từ chối không nhận tác quyền tác phẩm của anh Sơn. Chúng tôi không có trách nhiệm thu hộ vì gia đình không ủy quyền.

 

- Xin cảm ơn ông!

Trần Linh
Số lần đọc: 1655
Ngày đăng: 30.03.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về việc “Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động”- Kết luận quá vội vàng, chưa đủ chứng cứ khoa học và thiếu sức thuyết phục - Trần Lưu
“VĂN HỌC VIỆT NAM: Cần một bứt phá về tư tưởng” - Khánh Đoàn
Thẻ hành nghề để nghệ sĩ ý thức hơn đạo đức nghề nghiệp - Kim Anh
GS Lê Văn Lan: Phác thảo phim triều Lý quá dễ dãi... - Hoàng Hường
Đạo diễn Song Chi: Tôi kể chuyện đời với cả tấm lòng - Ngô Thị Kim Cúc
Văn học đang mất dần sức mạnh? - Tuy Hòa
Sự trở lại của vết xước - Ty Vy
Nhiều NXB đang “lưu ban”! - Bùi Hoàng Tám
Inrasara: Sẽ không có cuộc cách mạng thơ trong tương lai gần. - Kiều Thu Huyền
Nhà văn có đang...viết văn? - Thụ Nhân