Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
574
116.588.143
 
Võ Đắc Danh viết để khơi dậy lòng nhân ái
Võ Ðắc Danh

 

  • Biết tin mình giải nhất cuộc thi bút kí Việt Nam - Tổ quốc tôi do Tuần báo Văn nghệ Tổ chức anh có bất ngờ?

-Tôi nghĩ viết là một sự giãi bày, là kể chuyện, là tâm sự với bạn đọc những gì mình nghe, mình thấy, mình trăn trở để cùng nhau chia sẻ.Chưa  bao giờ tôi ngồi viết một bút ký với tâm lý viết để dự thi. Mỗi năm tôi viết cho Văn Nghệ khoảng chục bài, nhưng năm nay ngay thời điểm của cuộc thi thì tự nó “dính” vào thôi, chẳng có gì phải bất ngờ. Nếu giải nhất không thuộc về tôi thì cũng là người khác. Tôi quan niệm cuộc thi là một cuộc chơi, nó mang lại cho đời sống văn học một không khí vui vẻ, lành mạnh. Thực chất đây không phải là cuộc so tài. Cũng như các cuộc thi hoa hậu, người đoạt chiếc vương miệng chưa hẳn là người đẹp nhất, vì có rất nhiều người đẹp hơn nhưng họ không tham gia. Nhưng có điều làm tôi khó hiểu, tôi tự thấy “Cổ Tích Trên Đỉnh Mồ Côi” không hay so với “Đất Của Mẹ”, “Canh Bạc”, “Trên Đồng Bưng Sáu Xã”. Ngay cả dư luận xã hội cũng thế, nhưng tại sao nó không thuộc về sự lựa chọn của BGK ?

  • Điều này tôi nghĩ ban giáo khảo sẽ có những lý do xác đáng.Ví dụ như hiệu ứng xã hội mà bài bút kí đã tạo ra được trong công chúng. Đọc lại bút kí Cổ tích trên đỉnh mồ côi, tôi tò mò muốn biết: bà Võ Thị Ba, anh Nguyễn Tấn Bông giờ ra sao? Những đứa trẻ sống trên đỉnh Mồ Côi bây giờ ra sao? Tôi được biết sau khi bài báo đăng tải trên báo chí, nhân vật của anh đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của những người hảo tâm. Sự giúp đỡ - dù ít dù nhiều đều hết sức đáng quý. Tuy nhiên những khó khăn cho những đứa trẻ mà Nguyễn Tấn Bông và dì Ba nhận về nuôi vẫn còn rất nhiều. Và điều mà nhiều người băn khoăn – trong đó có tôi,  đó là : Một bài viết  xuất hiện trên báo một lần. Người ta muốn kiếm đọc cũng không phải dễ dàng. Anh có thể in sách tập hợp các bài viết ấy, nhưng số ấn phẩm cũng chỉ hạn chế. Vậy làm cách nào để những số phận như các cháu Giàu, Thanh, Hà… được nhiều người biết đến cũng như được nhận thêm nhiều sự chia sẻ giúp đỡ của mọi người? Anh có suy nghĩ về điều này?

-Tôi thường xuyên liên lạc với Dì Ba và anh Bông qua điện thoại. Sau khi báo đăng, họ đã nhận được những cú điện thoại từ Hà Nội, Huế, Sài Gòn gọi đến chia sẻ. Bản thân tôi cũng mua vài chục tờ báo gởi tặng bạn bè đồng nghiệp ở các cơ quan truyền thông và post bản thảo lên blog. Các chương trình truyền hình từ thiện như Sức sống mới của VTV, Câu chuyện ước mơ của HTV cũng nhờ tôi cung cấp thêm thông tin về đường đi nước bước lên Núi Cấm để họ làm phim. Sóng truyền hình phủ cả nước, internet kết nối toàn cầu. “Cổ Tích Trên Đỉnh Mồ Côi” lần lượt khơi dậy lòng nhân ái của bà con trong nước, ngoài nước. Nhiều tổ chức từ thiện đã không ngại đường xá xa xôi, mang quà, mang tiền lên tiếp sức với anh Bông để nuôi đám trẻ. Chính anh Bông là người gọi điện cho tôi hay bút ký của tôi đã được giải thưởng trên báo Văn Nghệ. Tôi hỏi vì sao anh biết, anh nói một đồng đội cũ của anh ở Hà Nội điện vào. Anh cũng “bật mí” với tôi một câu chuyện giống như là cổ tích, rằng có một cô gái từ Mỹ gọi điện, gởi thư, gởi hình về và “đặt vấn đề” duyên nợ với anh để cùng anh chăm lo cho “Bà Tiên” và những thiên thần bé nhỏ. Có lẽ cuối năm nay, họ sẽ làm đám cưới.

Khi có tin chính thức về giải thưởng, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Toại, phó Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu gọi điện cho tôi, nói ACB sẽ tặng anh Bông 10 triệu đồng, chị Lê Hải Lý, Việt kiều Đức cũng vừa gởi mail cho hay sẽ tặng anh Bông 5 triệu đồng. Nghe anh Hà Nguyên Huyến nói ở Hà Nội sẽ có các nhà hảo tâm giúp anh Bông một số tiền nữa. Tôi cũng báo tin cho anh Bông biết là BTC có gởi giấy mời anh ra Hà Nội nhận tặng thưởng trong lễ trao giải. Anh Bông mừng lắm, nói sẽ dẫn theo hai đứa bé. Đúng là một cuộc hội ngộ đầy thú vị.

  • Vậy là – như mọi câu chuyện cổ tích – các nhân vật trong bài bút kí của anh đã đón nhận một cái kết có hậu. Song tôi vẫn không thôi day dứt về điều này: trong hàng trăm bài bút kí của anh, với hàng trăm phận người éo le – thế nhưng không phải ai cũng có một đoạn kết tươi sáng như anh Bông. Và rộng hơn nữa, trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, vẫn còn nhiều lắm những thân phận cơ nhỡ, bất hạnh cần đến sự giúp đỡ của cộng đồng. Vậy phải làm thế nào đây để nhân rộng vòng tay nhân ái, để bớt đi những số phận bất hạnh?

-Đôi lúc tôi cũng chiêm nghiệm lại điều nầy, còn nhớ rất rõ năm 2000, khi bút ký Hồ Sơ Một Vết Thương đăng trên báo Văn Nghệ, kể về chị Bảy Lòng, một nữ thương binh mất khả năng lấy chồng sinh con, chị đã xin một đứa con nuôi, sống trong túp lều rách nát, hàng ngày đội bánh bò đi bán ở một chợ quê để nuôi cháu học từ lớp một đến đại học. Mấy hôm sau, tôi nhận được mail của chị Dạ Ngân cho hay, có cô Thùy Chi là sinh viên ở Hà Nội mang đến tòa soạn gởi 5 triệu đồng cho chị Bảy. Tôi phô tô tờ báo gởi cho ông bí thư tỉnh ủy Cà Mau và cung cấp cho ông cái thông tin về nghĩa cử của cháu Thùy Chi. Vậy là vài tháng sau, chị Bảy có được một ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi ở trung tâm thành phố Cà Mau nhờ sự quyên góp của các tổ chức, cá nhân và chính quyền địa phương.  Cách nay vài tuần, tôi viết về một bà già bán bánh chuối nướng trước nhà sách Sài Gòn, bà nầy sống trong căn nhà chỉ 8 mét vuông ở Phú Nhuận với hai đứa con trai, một khùng, một xơ gan. Từ hôm báo đăng đến nay, ngày nào bà cũng nhận được sự giúp đỡ của những người qua đường, có người cho vài trăm ngàn, có người cho cả triệu đồng, có người giả bộ mua một cái bánh, đưa 50 ngàn rồi bỏ đi, không lấy tiền thối. Nói chung, hầu hết những nhân vật của tôi mang những số phận tương tự như vậy đều được sự giúp đỡ của cộng đồng, dù nhiều hay ít. Nhưng cáy đắng thay, những số phận khác, những người bị vướng vào nỗi oan mất nhà, mất đất như Xin Lỗi Chị, Canh Bạc, Thư Sài Gòn, Đất Của Mẹ, Trên Đồng Bưng Sáu Xã . . . thì lại rơi vào khoảng trống lạnh lùng, vô cảm của chính quyền. Trước câu hỏi của chị: “Vậy phải làm thế nào đây để nhân rộng vòng tay nhân ái, để bớt đi những số phận bất hạnh?”- làm cho tôi cảm thấy nhói lòng. Tại sao ngòi bút của tôi có thể khơi dậy được lòng nhân ái của cộng đồng mà nó lại không thể làm cho cái ác giảm bớt đi ? Câu trả lời nầy xin nhường lại cho các nhà chức trách.

 

 

  • Có thể nhận thấy hầu hết những trang viết của anh đều hướng về những phận người nghèo khổ. Những câu chuyện hiện lên dung dị như chính cuộc sống thường ngày nhưng lại khiến người ta day dứt. Có bao giờ anh bận tâm đến cái gọi là “kĩ thuật viết” – mà hiện nay trong các trường dạy nghiệp vụ báo chí, nó khá được chú trọng?

-Tôi là con người thô mộc từ cuộc sống đến trang viết, tôi sống hồn nhiên như cỏ cây và cũng viết hồn nhiên như cỏ cây, viết theo dòng chảy tự nhiên của cảm xúc, nghĩ sao viết vậy, không cân nhắc, không tính toán, cho nên cái gọi là “kỹ thuật viết” với tôi nó hoàn toàn xa lạ, thậm chí tôi chưa xác định được rằng mình viết văn hay viết báo. Trong làng báo thì gọi tôi là nhà văn, còn mấy ông trong hội nhà văn thì gọi tôi là nhà báo. Tôi thì không quan tâm đến thứ danh nghĩa nào, cái chính là mình có chia sẻ được với nỗi đau của đồng loại một cách đàng hoàng, tử tế hay không.

  • Miệt mài đi và viết. Sự thành công vốn không bao giờ dễ dàng có được. Để có được hàng trăm bài bút kí đến được với bạn đọc, có thêm những thân phận bất hạnh được sẻ chia, giúp đỡ; anh đã phải đánh đổi/ trả giá điều gì từ chính cuộc sống của mình?

-Tôi thấy hình như chẳng phải đánh đổi hay trả giá gì cả, thậm chí ngược lại, nếu nói rằng hạnh phúc của con người ta là được làm những điều mình thích thì với tôi, đó chính là hạnh phúc. Tôi như con ngựa hoang, thích đi đâu thì đi, thích viết cái gì thì viết, chẳng có sự ràng buộc nào ngoài sự thúc bách của lương tâm.

  • Trong những lần đi thực tế viết bài, anh có thường  gặp phải những trở ngại hay áp lực nào đó khiến cho mình phải chùn bước?

-Cái đó thì nhiều, thậm chí bị thu luôn cái thẻ nhà báo, nhưng chùn bước thì không, tôi chỉ ngoảnh lại cười trừ rồi đi tiếp. Với tôi, những trở lực ấy chỉ là chuyện nhỏ nhoi như hòn sỏi dước chân mình. Còn những gì thuộc về lẽ phải, những gì thuộc về cái đạo của người cầm bút ví như ngọn núi cao đang vẫy gọi mình phía trước. Thế là ngựa hoang leo núi, biết rằng không kém gian nan.

  • “Người thầy” lớn nhất trong nghề báo của anh là ai?

-Tôi không học trường báo chí ngày nào nên không có thầy. Người xưa nói “Học thầy không tầy học bạn”, tôi tâm đắc câu nói ấy. Tôi học ở bạn rất nhiều, bạn đồng nghiệp và bạn đọc. Nếu người cầm bút biết tôn trọng bạn đọc thì mới nghiệm ra rằng chính họ là người thầy vĩ đại nhất của mình. Tôi may mắn có nhiều người thầy như thế, họ là những nông dân, là tiểu thương, là lớp nghèo thành thị, là trí thức, là văn nghệ sĩ, là công nhân. Họ theo dõi tôi từng đường đi nước bước, từng trang viết, từng chi tiết, từng chữ từng câu, từng niềm vui nỗi buồn của từng nhân vật. Tôi không bao giờ dám phụ lòng họ. Với họ, tôi nguyện suốt đời làm đứa học trò ngoan ngoãn để họ chấm điểm cao.

  • Thất bại lớn nhất với một người cầm bút – theo anh – là gì?

-Nhiều thứ lắm, trước hết là sự vô cảm, không nhìn ra sự thật hoặc không dám nhìn thẳng vào sự thật, không dám gọi đúng tên của sự việc. Nhưng thất bại lớn nhất, không thể cứu vãn được đối với người cầm bút là thiếu cái tâm.

  • Có khi nào anh đặt ra câu hỏi: nếu không cầm bút, viết báo nữa ; mình sẽ làm gì?

-Có hai công việc mà tôi đam mê. Đó là viết bút ký và làm đạo diễn phim tài liệu. Và tôi cũng đã từng đặt câu hỏi và cũng đã tự trả lời.

 

  • Tôi thỉnh thoảng có đến chùa, và những lời cầu nguyện mà tôi thường nghe thấy đó  là: cầu sức khoẻ, cầu danh lợi, cầu phát tài phát lộc… Còn anh – đã khi nào anh cầu cho bản thân mình điều gì đó?

-Tôi rất trân trọng niềm tin, lòng hướng thiện của con người đối với tôn giáo. Và tôi cũng nhận thấy rất rõ cái ác luôn xuất phát từ những kẻ ngoại đạo, vô thần. Riêng tôi, tôi tâm đắc nhiều với các học thuyết của Không Tử, Lão Tử và Trang Tử, trong đó, Trang Tử giúp tôi lòng tự tin và sự thanh thản trong đời sống, trong công việc. Tôi nghĩ người ta cầu nguyện chẳng qua vì người ta thiếu tự tin. Với tôi, cái gì tôi muốn thì tôi quyết làm cho được chớ không cầu nguyện hay vái van. Kể cả hồi trước tôi muốn vợ cũng vậy.

 

  • Nếu có một lời gan ruột nhất về quãng đường gần 30 năm lặn lội làm báo của mình, anh sẽ chia sẻ với chúng tôi điều gì?

-Như tôi đã nói trên, viết là một cách để giải bày khi mình cảm thấy có nhu cầu muốn viết.Nhà văn Sơn Nam từng nói với chúng tôi, đại khái rằng, bước vào con đường nầy mà nghĩ để kiếm danh thì đừng có hòng, coi chừng móc bọc. Còn nếu viết báo, viết văn mà làm giàu được thì mấy ông Ba Tàu Chợ Lớn làm hết rồi, không tới lượt mình đâu. Nghĩa là cả cái lợi lẫn cái danh đều không có. Tôi càng nghiệm càng thấy ông già nói đúng. Cái lợi thì rõ ràng đã không có rồi. Còn cái danh, đôi lúc mình thấy có đó, nhưng suy cho cùng cũng chỉ là danh ảo mà thôi. Sự ảo tưởng ấy đã xô đẩy bao nhiêu con người trở thành những con thiêu thân, cuối cùng thì người không ra người, ngợm không ra ngợm. Có người biết thế nhưng không quay lại được. Quan niệm Phật giáo cho rằng đó là nghiệp chướng. Cho nên, điều tôi tâm đắc là, sống trong cái vòng nghiệp chướng đầy cô đơn và khổ ải nầy, nếu chúng ta không thương yêu nhau, không chia sẻ với nhau, không tử tế với nhau thì đừng bao giờ nghĩ rằng mình tử tế với mọi người, với đồng bào đồng loại.

PHONG ĐIỆP thực hiện

Võ Ðắc Danh
Số lần đọc: 2102
Ngày đăng: 18.10.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về hội thảo chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn, GS Phan Huy Lê:Một nhu cầu lịch sử cấp thiết và chính đáng - Phan Huy Lê
Hoàng Như Mai & những nhân vật văn hoá Việt Nam - Hoàng Như Mai
Vũ điệu salsa và một Phan Ý Ly khác - Phan Ý Ly
Nhà văn Lý Lan: “TÔI TỰ CÂN BẰNG MÌNH” - Huỳnh Kim
Bá Nha - Tử Kỳ ! : Trò chuyện với Thái Doãn Hiểu tác giả thi nhân việt nam hiện đại - Thái Doãn Hiểu
Đạo diễn Việt Linh: TÔI MUỐN MÌNH GIỐNG… CÂY DỪA - Huỳnh Kim
Hát opera bằng... pop! - Hương Lan
Hồ Hữu Thủ : Ý tưởng là rác. Sáng tạo phải như đoá hoa đang nở! - Phan Hoàng
Nhà thơ Hoàng Lộc: “Tôi sẽ về lại quê...” - Đặng Ngọc Khoa
Về việc thu phí tác quyền tác phẩm của Trịnh Công Sơn: Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Điều quan trọng là đưa ra cách thức phù hợp - Trần Linh
Cùng một tác giả
Mùa trái mắm (tạp văn)
Nhớ đồng (tạp văn)
Nồi cháo trắng (truyện ngắn)
Thư Sài Gòn (tạp văn)