Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
500
115.984.790
 
Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai: VĂN CHƯƠNG LÀ TÀI SẢN LỚN CỦA VĂN HÓA VIỆT
Nguyễn Phan Quế Mai

“Làm sao để văn chương Việt Nam đến được với bạn đọc quốc tế? Làm sao để thế giới biết tới diện mạo văn hóa tinh thần của người Việt Nam?” Là những câu hỏi đầy băn khoăn không chỉ với riêng Hội Nhà văn Việt Nam mà còn với tất cả bạn đọc trong và ngoài nước. Xung quanh vấn đề hội nhập thi ca Việt Nam với quốc tế, phóng viên Báo Hải Quan đã có cuộc trao đổi với nhà thơ trẻ Nguyễn Phan Quế Mai (ảnh).

 

PV: Thưa chị, chương trình Ngày thơ Việt Nam năm nay được tổ chức rất thành công, người ta nói nhiều tới con đường hội nhập của thi ca Việt Nam với quốc tế. Chị đánh giá ra sao về triển vọng đưa thơ Việt Nam giới thiệu cùng bạn bè thế giới?

 

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai:

Những người nước ngoài tôi biết đều đánh giá rất cao thơ ca Việt Nam. Họ thôi thúc chúng ta hãy đưa thi ca Việt Nam hội nhập với thi ca thế giới, để bạn bè thế giới hiểu về Việt Nam không chỉ trên phương diện một cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc, mà là một đất nước giàu truyền thống văn hóa, một đất nước có ngôn ngữ đẹp và bay bổng. Ngày thơ Việt Nam năm nay đánh dấu một bước tiến mới về quá trình hội nhập thi ca, với sự tham gia của nhiều nhà thơ, dịch giả và người yêu thơ nước ngoài.

Trong hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam tổ chức vào tháng 2-2010 với 150 đại biểu quốc tế đại diện cho 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đề xuất nhiều sáng kiến rất thiết thực và cụ thể để văn học Việt Nam được giới thiệu nhiều hơn ở các nước. Hiện nay, rất nhiều tác phẩm văn học hay và có giá trị của Việt Nam chưa được đông đảo bạn đọc quốc tế biết đến. Triển vọng thì đã có nhưng công việc giới thiệu và quảng bá ra sao thì cần có một chiến lược đầu tư nghiêm túc và dài hạn với sự tham gia của nhiều cá nhân và tổ chức.

 

PV: Được biết trong Ngày thơ Việt Nam nhiều bài thơ trên gốm đã được dịch sang tiếng Anh. Trong quá trình chuyển thể lời dịch thơ, chị đã gặp những khó khăn gì và giải quyết chúng ra sao để không mất đi vẻ đẹp ngôn ngữ thơ Việt?

 

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai:

Làm thơ đã khó, việc dịch thơ lại càng khó khăn hơn bởi dịch thơ đòi hỏi sự đầu tư kĩ lưỡng về thời gian, kiến thức cùng những trải nghiệm sống. Vốn ngoại ngữ là điều kiện cần nhưng chưa đủ để dịch thơ. Tôi có thuận lợi lớn là đã sống nhiều năm ở các nước nói tiếng Anh, là người làm thơ và được nhà thơ Mỹ J. Fossenbell hỗ trợ trong việc chuyển ngữ 15 bài thơ cổ.

Việc dịch 15 bài thơ này thực sự là một thử thách rất lớn, vì chúng tôi đã có rất ít thời gian. Và để hiểu được nghĩa gốc của các bài thơ, chúng tôi đã phải nghiên cứu, tìm tòi từ nhiều kênh, nguồn khác nhau. Tuy nhiên với tình yêu thơ ca cùng những nỗ lực nghiêm túc trong lao động nghệ thuật, chúng tôi đã cố gắng hết sức mình để chuyển tải một cách trung thực nhất vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ Việt.

 

Để dịch được 15 bài thơ này, tôi và nhà thơ Mỹ J. Fossenbell đã gặp nhau rất nhiều lần và cùng tranh luận thẳng thắn. Chúng tôi cũng kiểm chứng bản dịch cùng một nhà thơ Mỹ khác để đảm bảo ngôn ngữ thơ của bản dịch được hay và chuẩn xác. Tất nhiên, công việc dịch thơ không bao giờ có thể dừng lại, và ngay cả bây giờ, chúng tôi vẫn luôn trăn trở sao cho các bản dịch ngày càng hoàn thiện hơn.

 

PV: Việt Nam đã có những khởi đầu thuận lợi khi đăng đàn thơ thế giới. Tuy nhiên, các dịch giả-những chiếc cầu nối thơ ra nước ngoài thì còn gặp nhiều hạn chế về số lượng và chất lượng. Theo chị, cần những giải pháp gì để khắc phục vấn đề này?

 

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai:

Việt Nam có rất nhiều người giỏi ngoại ngữ và với tình yêu thơ ca ẩn chứa trong mỗi chúng ta, tôi tin rằng nhiều người trong số họ có thể trở thành những dịch giả thơ xuất sắc. Tuy nhiên, điều quan trọng là: Họ dịch để làm gì? Để dịch một bài thơ ngắn, bạn có thể mất hàng tuần, hàng tháng và hàng năm đối với cả tập thơ. Mà dịch thơ ai lại lấy công dịch thuật, vì nhà thơ vốn đã rất nghèo. Vì thế tính trên lợi ích kinh tế không ai dại gì… lao đầu vào dịch thơ cả. Mặt khác trong quá trình dịch thơ chúng tôi thấy nhiều biện pháp tu từ được sử dụng trong thơ Việt tạo nên hiệu quả nghệ thuật cao nhưng nhiều khi trong tiếng Anh lại rất khó tìm được từ đồng nghĩa có thể biểu đạt đúng với ý đồ nghệ thuật của tác giả bài thơ đó.

 

Tuy nhiên, để thơ Việt Nam đến được với sân chơi thơ quốc tế là cả một chặng đường dài. Việc dịch và xuất bản thơ ra thế giới là việc nên làm và cần phải làm ngay. Chúng ta cần có sự hỗ trợ của quý dịch thuật để tài trợ cho việc dịch và xuất bản các tác phẩm thơ tiêu biểu. Nhiều nước đã làm như thế và gặt hái được những thành công. Tôi nghĩ đã đến lúc phải cùng chung tay hành động bằng những bước đi cụ thể như quảng bá văn học qua nhiều kênh khác nhau, hệ thống hóa thông tin về dịch giả và các nhà xuất bản, đầu tư kinh phí nhằm phát triển thương hiệu văn chương Việt…

 

PV: Đối với những người yêu thơ Quế Mai, đọng lại nhất vẫn là sự ấn tượng trước một giọng thơ phóng khoáng, tươi trẻ nhưng không kém phần tinh tế cùng những liên tưởng bất ngờ. Chị thử nhận xét về thơ mình trong một câu ngắn gọn?

 

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai:

Tôi viết như tôi đang sống: giản dị, chân thành, mộc mạc nhưng không kém phần nồng nhiệt và đôi khi hơi “điên”.

PV: Xin cảm ơn chị và chúc chị sẽ thành công hơn nữa!./.

http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacgia.asp?TGID=2153

Nguyễn Phan Quế Mai
Số lần đọc: 1759
Ngày đăng: 02.04.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhà thơ Thanh Nguyên :hãy nghĩ mình đang cùng mọi người leo núi… - Thanh Nguyên
Nhà thơ Lê Khánh Mai: Khi viết tôi không nghĩ đến nữ tính - Lê Khánh Mai
Từ phê bình lập biên bản đến phê bình mở : Nói chuyện với nhà thơ - nhà phê bình Inrasara. - Inrasara
Cuộc Đời, Sự Nghiệp Trương Vĩnh Ký Qua Ngòi Bút Trần ThỊ Nim - Nguyễn Tam Phù Sa
Vùng đất khó dẫn dụ - Phùng Văn Khai
Trò Chuyện cùng Nhà Nghiên Cứu, Biên Khảo Đặng Quý Địch - Mang Viên Long
Nhân cách phải là yếu tố hàng đầu của người trí thức - Phan Hoàng
Đối thoại hậu hiện đại 2 - Inrasara
Nhà phê bình Đặng Tiến: “Thơ là ngôn ngữ tự lấy mình làm đối tượng” - Đặng Tiến
NHÀ NGHIÊN CỨU HÀ VĂN THÙY .Như một kẻ lưu lạc, tôi đi tìm cội nguồn - Hà văn Thùy