Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
581
116.535.290
 
người Hà Nội, người ở Hà Nội
Sương Nguyệt Minh

Lời tòa soạn:  Thủ đô có bề dài lịch sử của bất kỳ quốc gia nào cũng không ra ngoài quy luật: Hội tụ, sàng lọc, đào thải, lắng đọng và kết tinh.

 

Hà Nội của người Hà Nội. Người của Thăng Long - Hà Nội 1000 năm văn hiến yêu nước, giàu tri thức, thanh lịch, hào hoa của một “miền văn hóa Hà Nội”. Lại có Hà Nội của người ở Hà Nội sống trong không gian hành chính, sống với miền văn hóa khác.

 

Sẽ có nhiều cái nhìn và tầm nhìn khác nhau về Hà Nội và đương nhiên cũng sẽ nhận xét, khái quát khác nhau trong tranh luận; đó cũng là chuyện bình thường của một xã hội dân chủ. Giáo sư sử học - Nhà Hà Nội học Lê Văn Lan, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh tham gia luận bàn vấn đề này và nhà văn Sương Nguyệt Minh là người ở Hà Nội thực hiện.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

Người Hà Nội?

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Thưa các vị! Tôi xa quê, xóm mạc, đi khắp nơi rồi về Hà Nội sinh sống đã 30 năm, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ mình là người Hà Nội, cũng chẳng ai nói tôi là người Hà Nội. Tôi chỉ là người ở Hà Nội. Trong tâm chí của tôi: Dường như có Hà Nội 1, Hà Nội 2 và cả Hà Nội 3 nữa.

 

Trước hết là một Hà Nội căn cốt, tinh hoa, gốc xưa Thăng Long - Hà Nội của giáo sư Lê Văn Lan, của kiến trúc sư Trần Huy Ánh, của nhà báo Cẩm Thúy… nhiều đời sinh sống ở vùng đất địa linh nhân kiệt này.

 

Sau đó là Hà Nội đương đại của những người “ngụ cư” như tôi. Có thể họ là trí thức, cán bộ, công nhân viên nhà nước hoặc tư nhân, là những người lao động phổ thông lam lũ ở các xóm nghèo, hay buôn bán vất vả, lấm láp ở chợ cóc… bởi xu thế di dân trong quá trình đô thị hóa, với văn hóa mọi vùng miền, đa sắc, không thể một sớm một chiều hội nhập trở thành người Hà Nội ngay được. Tôi hỏi đến 30 người ở cơ quan tôi, ai cũng bảo họ chưa phải là người Hà Nội. Ai ai cũng bảo mình không phải người Hà Nội, vậy thì người Hà Nội ở đâu?

 

Giáo sư Lê Văn Lan: Tôi muốn hỏi nhà văn Sương Nguyệt Minh, anh vừa mới định lượng: Có một Hà Nội lý tưởng là Hà Nội văn hiến và một Hà Nội thô phác, từ các vùng quê khác di dân đang trong quá trình hội nhập. Thế còn Hà Nội thứ 3?

 

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Tôi hình dung một Hà Nội thứ 3 là của đồng bào dân tộc thiểu số ở mạn miền núi cao chót vót ở Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức… và người nông dân chất phác thuộc châu thổ sông Hồng, sông Đáy của Hà Tây mới sát nhập trong không gian hành chính Hà Nội với những giá trị văn hóa khác, miền văn hóa đặc sắc khác như xứ Đoài chẳng hạn.

Hình như trước đây Thăng Long cũng thế, từ nông thôn mà ra, đó là con đường đi từ người nông dân đến người kẻ chợ.

 

Giáo sư Lê Văn Lan: Tôi đã có nhiều bài viết, hoặc nói chuyện về vấn đề này. Ở Nhật Bản có thuật ngữ “Ê đô cô”. Ê đô là tên cũ của thủ đô Tô ky ô, là người. Người Nhật tự hào là người gốc Tô ky ô thì nói rằng: "Tôi là ê đô cô". Tôi là người Hà Nội gốc. Ông giáo sư người Nhật bảo: Ông Lan là “Hà Nội cô”.

Thế nào là người Hà Nội? Đã có loạt các tiêu chí trong các hội thảo rồi. Có một tiêu chí khắt khe là: Một người được coi là người Hà Nội phải có ít nhất 3 đời (đời ông, đời cha và con) sinh sống ở Hà Nội.

 

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Có nghĩa là đời con mới được coi là người Hà Nội.

 

Giáo sư Lê Văn Lan: Vâng! Giống như người gốc của một làng và người ngụ cư.

Tôi kể lại câu chuyện xưa: Cụ Chu Văn An người gốc làng Thanh Liệt vì sao cụ lại sang làng Đình Cung ở bên cạnh dựng lớp dạy học. Tôi và giáo sư Trần Quốc Vượng nghiên cứu sự nghiệp, cuộc đời cụ Chu Văn An thì mới phát hiện ra cụ có một điều cấn cái với làng mình. Thì ra ông cụ thân sinh ra Chu Văn An là người Tầu bán phá xa, thuốc ê, tức là xuất thân từ tầng lớp thấp trong xã hội. Ông cụ lấy một người con gái làng Thanh Liệt.

 

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Một cuộc hôn phối “vĩ đại” đã xảy ra.

 

Giáo sư Lê Văn Lan: Vâng! Và kết quả là cụ Chu Văn An. Cái hoàn cảnh xuất thân gia đình ấy chắc chắn có ảnh hưởng đến tính cách Chu Văn An. Cụ làm Thất trảm sớ, chẳng biết chém ai, nhưng đó là bằng chứng biểu hiện cho tính cách “ngạnh trực”, trực tính một cách ngang ngạnh. Chúng ta thôi không nói đến phương diện nhân cách, phong cách nữa mà nói về lệ làng. Chiếu trong nội tịch, lại có một hạng ngoại tịch nữa là dân ngụ cư. Tôi muốn nói đến tính thuần khiết của làng ngày xưa rất cao. Ngụ cư chỉ có thể trở thành nội tịch với điều kiện sống ở làng 3 đời thì mới được vào làng, làm dân nội tịch. Cụ Chu Văn An mới là đời thứ 2…

 

Sương Nguyệt Minh: Không ổn rồi, thưa giáo sư! Theo tiêu chuẩn này, cụ Chu Văn An cũng chưa phải người Hà Nội ư? Vậy thì ai là người Hà Nội?

 

Giáo sư Lê Văn Lan: Tôi nói 3 đời ở Hà Nội, nhưng phải là người có ý thức về người Hà Nội mới quan trọng. Ý thức này có suông thì vô bổ, mà phải biến thành tri thức, phải hiểu mình là người Hà Nội trong hoàn cảnh nào, hoàn cảnh ấy có ý nghĩa ra sao? Mình phải sống cuộc đời có ý nghĩa của mình và truyền cho thế hệ con cháu.  

 

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Có nghĩa là phải thật hiểu lịch sử, văn hóa và cái không gian Hà Nội mình sinh ra, trưởng thành.

 

Giáo sư Lê Văn Lan: Phải hiểu đáo để. Bây giờ người ta cứ ngại dùng khái niệm “đáo để” và dùng bừa. Nguyên gốc “đáo” là tới, “để” là đáy, hiểu tới đáy thế thôi. Trở lại cái con số 3 đời trên kia sẽ là con số ngớ ngẩn, nếu không biến cái ý thức người Hà Nội thành tri thức người Hà Nội thì sẽ thành kẻ ất ơ “bán phá, thuốc ê”, kiếm chác cái hộ khẩu Hà Nội, kiếm chác lợi lộc từ Hà Nội thì sao có thể gọi là người Hà Nội được.

Trở thành người ở Hà Nội mới là bắt đầu, còn phải có ý thức, có tri thức, và làm gì có ích cho Hà Nội thì mới là người Hà Nội căn cốt.

 

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh: Theo tôi được biết thì có nhiều người phản đối tiêu chí phải có 3 đời sinh sống ở Hà Nội.

 

Giáo sư Lê Văn Lan: Có người còn đưa ra tiêu chí chỉ cần có hộ khẩu Hà Nội thì đã là người Hà Nội rồi.

 

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Tôi là tôi không nhất trí với tiêu chí này. Làm sao mà đã hòa nhập, biến cải trở thành dân “nội tịch” nhanh thế.

 

Giáo sư Lê Văn Lan: Nhưng đây đã là kết luận của nhiều cuộc hội thảo. Trước đây, tôi đã nói rất nhiều về vấn đề này, đến mức lãnh đạo Hà Nội phải phiền lòng với tôi, khi Hà Nội mở rộng đến cả huyện miền núi Ba Vì. Thế thì đồng bào người Dao quần chẹt đang lang thang trên sườn núi Ba sống bằng "đao canh đột chủng" đốt nương rẫy trồng lương thực thì cũng là người Hà Nội ư?

Vậy là: Đồng bào người Dao có hộ khẩu Hà Nội, đủ 1 tiêu chí. Đồng bào đang sống trên đất Hà Nội, thêm tiêu chí thứ 2. Đồng bào đang đóng góp sức người sức của để xây dựng Hà Nội, được tiêu chí thứ 3 nữa… Nếu cứ kéo dài mãi các tiêu chí tiếp theo thì sẽ quay trở lại cái tiêu chí lúc đầu mà tôi đã nêu ra: Phải có ý thức là người Hà Nội, cái ý thức ấy không phải để huênh hoang khoe mình là người Hà Nội, mà phải biến thành tri thức có chiều sâu cội nguồn. Không phải như người đạp xe xích lô quần quật suốt ngày, tối về ngủ lăn ra như người nông phu sau một ngày làm lụng vất vả.

 

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Trời! Nói như giáo sư thì tiêu chuẩn người Hà Nội cao lắm. Thảo nào tôi phấn đấu mãi không được.

 

Giáo sư Lê Văn Lan: Vâng! Vâng. Có như thế thì mới có một Hà Nội thanh lịch.

 

Làm một người Hà Nội khó lắm.

Giáo sư Lê Văn Lan: Cái khốn khổ của Hà Nội bây giờ là sự ngu dốt. Họ chỉ cần bám lấy Hà Nội, trúng mánh, hay mới phất bằng chơi chứng khoán là tậu xe hơi mua nhà, mặc comple cavat, nhưng mà “lói” ngọng. Người Hà Nội gốc cũng giàu sang, nhưng người ta có nói ngọng đâu.

Tôi chơi với chú em là nhà thơ Đỗ Trung Quân, mỗi lần ra Hà Nội, Quân đều đến tiệm cà phê gần nhà tôi và gọi điện cho tôi ra đó. Một lần Quân kể câu chuyện này: Anh ơi! Em vừa thấy một xe ô tô con bóng nhoáng dừng trước cửa và một mệnh phụ phu nhân mặt hoa da phấn, chân dài, dép cao gót bước vào, cất giọng oanh vàng rất sang trọng, gọi: “Lày, cho một lâu lóng nhé!”

Đỗ Trung Quân ở Sài Gòn biết tôi người Hà Nội và kể cho tôi chuyện người Hà Nội như thế. Vậy cái bà ấy có phải người Hà Nội không? Vẫn là người Hà Nội đấy chứ, nhưng là Hà Nội 2, Hà Nội 3 gì đó.

Qua các câu chuyện này tôi hi vọng các vị hiểu được ý của tôi như thế nào là người Hà Nội. Tôi muốn nhấn mạnh cái điều, không phải cứ 3 đời, 5 đời là người Hà Nội, không phải cứ có cái quyển hộ khẩu đã là người Hà Nội, mà người Hà Nội là người có tri thức, có trí tuệ về miền đất này.

 

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh: Tôi có dịp tiếp xúc với các bạn trẻ ở Thanh Hóa, Ninh Bình, Hòa Bình, cả các bạn trẻ ở miền Nam đang sống ở Hà Nội, họ là người có tri thức, có ý thức cao trong những tranh luận về kiến trúc. Tôi có nói với họ rằng: các bạn đừng phân vân gì với chuyện mình là người Hà Nội hay không. Các bạn đến với Hà Nội, học ở Hà Nội đang đấu tranh, đang làm cho Hà Nội tốt đẹp thì các bạn đã là người Hà Nội rồi. Còn những người đến đây, như giáo sư Lê Văn Lan nói, họ đến kiếm chác, đánh chén, mưu lợi không chính đáng thì dù có sống ở Hà Nội bao nhiêu đời cũng chẳng phải người Hà Nội. Mỗi người đến Hà Nội dù chỉ một ngày nhưng làm cái gì đó tốt cho Hà Nội thì rất xứng đáng được gọi là người Hà Nội.

 

Nhà báo Cẩm Thúy: Nói như kiến trúc sư Trần Huy Ánh thì nhiều người chưa đến Hà Nội, chưa sống ở Hà Nội vẫn có thể được coi là người Hà Nội?

 

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh: Đúng thế. Tôi có chơi thân với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, anh ấy sáng tác ca khúc “Nhớ mùa thu Hà Nội" rất nổi tiếng: "... Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng/ Cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau/ Phố xưa nhà cổ, mái ngói thẫm nâu/ Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội..."

Tôi dẫn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ra Hồ Tây, nghe lại cái bài hát ấy: “Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi/Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời.”...

Tôi nhìn thấy mép nước đập vào bờ cỏ, bỗng rùng mình. Tại sao mình ở Hà Nội bao nhiêu năm rồi, lên Hồ Tây bao nhiêu lần rồi mà không phát hiện ra vẻ đẹp tinh tế, xao lòng của Hà Nội, của Hồ Tây như thế. Chỉ có Trịnh Công Sơn với tâm hồn rung động yêu Hà Nội da diết mới viết nổi ca khúc hay.

 

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Thế thì Trịnh Công Sơn cũng là người Hà Nồi rồi.

 

Giáo sư Lê Văn Lan: Các thầy đang nói rất hay. Cho tôi xin hai phút. Các vị vừa tôn Trịnh Công Sơn cũng là người Hà Nội. Tôi cũng chơi với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trong một buổi uống rượu, tôi có hỏi: Ông viết: "bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời" nhưng ông có biết con chim thế nào không? Sơn ngớ ra vì không biết, vừa rượu vừa lảng. Sau rồi Sơn hỏi nhỏ tôi: “Thế thì con chim ấy là con gì?” Đấy là câu chuyện để nói: làm một người Hà Nội khó thế đấy.

 

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh: Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ra Hà Nội lần đầu năm 1978, gặp nhiều văn nghệ sĩ và ông được đi nhiều nơi thăm thú Hà Nội, nhưng ông đã biết Hà Nội qua văn thơ, sách báo và có tấm lòng yêu Hà Nội từ lâu. Ra Hà Nội, chạm chân vào đất Hà Nội để lòng thổn thức hơn, Hà Nội lung linh hơn nên cảm xúc sáng tác mới thăng hoa như thế. Nói câu chuyện về Trịnh Công Sơn với sáng tác về Hà Nội để tôi muốn nói rằng: chẳng cần hộ khẩu, mà cũng chẳng cần nhiều đời ở Hà Nội lắm đâu cũng có thể là người Hà Nội. Người đã yêu Hà Nội, thương Hà Nội, làm việc có ích cho Hà Nội như thế thì cũng đã là người Hà Nội lắm rồi. 

Tôi làm dự án vẽ lại phố cổ bằng công nghệ 3D, trong quá trình làm mới đi ngược lại lịch sử 36 phố, thấy cái chùa thuộc làng Tân Khai xưa. Nghe tên Tân Khai thì đã là cái vùng đất mới khai mở rồi. Chính là Bát Sứ ngày nay.

 

Giáo sư Lê Văn Lan: Chính là Hàng Cót chứ. Đến thời nhà Nguyễn xây Hoàng Thành co lại khoảng 200m ở mặt đông ấy, dôi ra mảnh đất trống ở ria thành. Dân tứ xứ mới đổ bộ vào, nhiều nhất là dân Thanh Hóa mở phố và đặt tên cho cái đền là Tân Khai, cạnh đấy là Tân Lập. Nhưng, mà không phải đất mới đâu, nó là đất cổ nằm trong Hoàng Thành, mới là mới so với ngoài thành.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh: Có lẽ dấy lên ý thức giữ gìn truyền thống, bản sắc người Hà Nội là từ phong trào Đông kinh nghĩa thục. Lúc Tây hóa ào ạt thì tầng lớp những người trí thức lo lắng và đứng lên bảo vệ giá trị Nho giáo, Phật giáo, và văn hóa dân tộc. Qua cọ sát Đông - Tây như thế phong trào lan rộng ra giới doanh thương, đến tận gia đình, thanh thiếu niên… Qua cọ sát, và thanh lọc mới ra “Tứ trấn đàng trong, ngũ quảng đàng ngoài”, nhưng lọc quyết liệt nhất là đầu thế kỉ 20 từ năm 1900 đến 1941. Đấy là thời kỳ Hà Nội thanh lọc đẹp trau chuốt nhất.

Trở lại phố Tân Khai, có câu chuyện rất giản dị: Phố ấy có chuyện cãi nhau, thực ra là đôi co nói to với nhau. Có người hỏi: “Ai cãi nhau thế nhỉ?” Người khác bảo: “Họ đâu đấy, chứ không phải người phố mình đâu.” Người ta có ý thức giữ gìn lối sống như thế, họ nghĩ rằng phố Tân Khai họ ở không có chuyện cãi nhau, nếu có thì phải là người ở nới khác đến.

Tôi có ngồi nói chuyện với anh Phó Đức Phan anh ruột nhạc sĩ Phó Đức Phương, anh Phan nói: “Ừ, đúng đấy. Ngày xưa, cùng phố người ta nghĩ ăn đời ở kiếp với nhau mới sống tử tế thế chứ. Nếu sống “ăn xổi ở thì” sống ở nhà này được vài tháng rồi bán đi mua nhà khác, hay mua nhà đất gom đó chờ giá lên bán kiếm lời lại đi tìm nơi ở mới thì chắc không tử tế thế đâu.

Tôi tình cờ chứng kiến ở hiệu chữa xe máy, khách trả tiền rồi lưỡng lự phàn nàn: “Dân phố với nhau mà tính thế à?" Ông thợ sửa xe ấy nhẹ nhàng nói: “Thôi, bác cứ yên tâm để tôi xem lại, có lẽ tính nhầm.”

 

Một ông ở phố Hàng Giấy, tôi biết ông ấy ở đó lâu rồi, lúc đương chức, muốn vẽ cái gì thì anh em đến vẽ cho, lại đòi hỏi nhiều chuyện, tiênmf bạc lung tung, quan hệ bừa bãi, anh em phàn nàn: "Ông ấy cũng dân phố đấy mà sống chả ra gì".

Tôi cũng đã tuổi 50 rồi, có học trò, có bạn bè, tôi biết có nhiều gia đình ở Hà Nội, nhưng con cháu lười lắm. Lại có nhiều anh em ở địa phương khác về và làm được nhiều việc tốt cho Hà Nội.

 

Nơi hội tụ, sàng lọc.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Em cũng nghĩ như kiến trúc sư Trần Huy Ánh. Có phải đất Kinh kỳ nó lạ đến mức tất cả những người tài giỏi ở nơi khác phải về đất kinh kỳ thì mới phát tiết tinh hoa được. Ví dụ như Giải nguyên Nguyễn Công Trứ chẳng hạn, nếu không về Hà Nội thì không có cái phong cách “ngất ngưởng” ấy không?

 

Giáo sư Lê Văn Lan: Chắc chắc là có, nhưng không hoàn toàn như thế. Trước hết, đất kinh kỳ có một hạt nhân quan trọng gọi là đất đô thị có cấu trúc hai phần: phần đô và phần thị; ta gọi thành phố thì cũng có cấu trúc: phần thành và phần phố. Một nửa là trung tâm chính trị, một nửa là trung tâm kinh tế.

 

Đô thị Việt Nam quán xuyến suốt từ xưa đến nay, kể cả đô thị điển hình là Hà Nội thì vẫn là đô thị chính trị là chính, là chủ thể. Cái bộ phận kinh tế đô thị làm kinh tế để phục vụ cho đô thị chính trị. Mấy cái bà dệt vải, mấy cái anh may lọng chỉ cần khéo tay hay nghề, "đất lề nghề chợ" là phục vụ được.

Văn hóa cung đình, văn hóa bác học hình thành một phần nhờ hệ thống trường học thế nên mới có Văn Miếu, Quốc Tử Giám. Trường vỡ lòng thì ở đâu cũng có, chỉ cần đỗ tú tài thôi, không học được tiếp, không thi được tiếp thì ngồi ở một cái làng nào đó gõ đầu trẻ. Nhưng, đạt đến trình độ đại tập là làm được đủ các văn bài mới đi thi hương thi hội thi đình được. Nông thôn thì không có trường đại tập, nhưng Thăng Long có hàng chục trường đại tập. Các ông nghè, ông thượng thư chán chính sự cũng quay ra mở trường đại tập. Ông thám hoa Vũ Khải mở trường Hà Nam ở ngay bên Bờ Hồ, ông nghè Phan mở trường đại tập Hồ Đình ở ngay chỗ cây đa báo Nhân Dân hiện nay. Tất cả muốn được học lên cao hơn, muốn thành sĩ phu cao cấp đều phải về học ở trường đại tập. Những người đến học trường đại tập đều là người tài, có sự cạnh tranh, đua nhau, cọ sát, giao lưu... mới tạo ra tài năng. Đó là quy luật đô thị Hà Nội. Những người tài giỏi, đỗ đạt cao như: Vũ Diễm, quê huyện Thiên Lộc (nay là Can Lộc, Hà Tĩnh), Nguyễn Bá Lân, quê ở Cổ Đô, Sơn Tây, Nhữ Đình Hiền, quê ở Hoàng Trạch, Hải Dương, Nguyễn Công Thái, quê ở Kim Lũ, Hà Đông được mệnh danh là "Tràng An tứ hổ" cũng về Hà Nội học trường đại tập mà ra. Một thế giới chữ nghĩa của những người thông minh hơn người tụ tập ở đó mà sinh ra các tài năng. Ở các đại phương chỉ có một hai ông quan ngồi đó cai trị dân, còn ở Hà Nội đất kinh kỳ thì có cả một hệ thống quan lại đầy chữ nghĩa. Tôi vẫn cứ nhấn mạnh nhắc đi nhắc lại là người Hà Nội phải có tri thức.

 

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Tôi còn muốn nói đến yếu tố địa linh cũng sinh ra nhân kiệt. Hà Nội là vùng đất địa linh, mà trong Chiếu rời đô đã ghi là: "thành Đại La, đô cũ của Cao Vương ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi mãi muôn đời."

 

Đất địa linh nhân kiệt nhưng cũng là nơi hội tụ, hội tụ để sàng lọc, đào thải, lắng đọng và kết tinh sinh ra những nhân tài. Hình như công thức "Hội tụ, kết tinh, lan tỏa" của Thăng Long-Hà Nội là định đề của giáo sư Trần Quốc Vượng!

 

Giáo sư Lê Văn Lan: Có một câu hỏi: Tầng lớp nào tiêu biểu nhất cho Hà Nội? Lúc còn sống, ông Trần Quốc Vương khẳng định là: "Tầng lớp cán bộ." Ông ấy chủ thuyết hẳn hoi đấy. Đi đâu gặp, tôi cũng chào: "Chào ông cán bộ!"

 

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Còn giáo sư Lê Văn Lan thì khẳng định là: Trí thức.

 

Giáo sư Lê Văn Lan: Phân biệt tính nông thôn với tính đô thị của Hà Nội là cần thiết lắm.

 

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Vâng! Và cả nội đô và ngoại biên nữa. Nên mới có chuyện thế này: Một người sống ở Thanh Xuân, hay ở Cầu Giấy, ở Hoàng Mai đang đi làm gì đó ở Hàng Ngang, Hàng Da..., có bạn bè  điện thoại hỏi: "Ông đang ở đâu đấy?" Thì người ta trả lời rằng: "Tôi đang ở trên phố." Trong dân gian, người ta tự ý thức đã là phố thì phải là 36 phố phường. Chẳng hạn, ở hướng tây nam Hà Nội, phố phường tính từ Ô Chợ Dừa giật trở lại. Còn như Thanh Xuân, Định Công, Cầu Giấy,... được coi là vùng ngoại biên, dù các khu vực này đã trở thành quận nội thành lâu rồi.

 

Giáo sư Lê Văn Lan: Cái đó có thật đấy. Sự tinh lọc lâu đời nhất ở địa bàn trung tâm đâu. Có hạng người thế nào thì sẽ có cách ăn uống, sinh hoạt tương ứng như thế. Dân kẻ chợ khó tính, cầu kỳ trong ăn uống. Có nhóm khác lại sành mặc, nhóm khác nữa thì sành chơi.

 

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Tôi hình dung có một không gian sống nhất định như lấy tâm làm Hồ Hoàn Kiếm và vạch ra một bán kính tương đối thì có một nhóm người trí thức, thương gia... để lọt vào không gian sống ấy là chẳng dễ.

 

Giáo sư Lê Văn Lan: Không gian sống khu vực Bờ Hồ xưa ấy là văn hóa công thương. Công thương rất khác với nông dân, nông dân lại rất khác với nông dân mất đất cầu bơ cầu bất. Cụ Nguyễn Trãi viết trong Bình Ngô đại cáo: “Dương gậy làm cờ tụ họp bốn phương manh lệ". Lệ là cái đám nông nô. Manh là nông dân. Người nông dân mất đất phải đi lưu tán gọi là lưu manh, gốc là thế. Dân công thương thì nhắm lợi nhuận, nên rất năng động. Họ phải có những phẩm chất ấy mới sống được ở khu 36 phố phường. Văn hóa công thương và tầng lớp thị dân hình thành ở đây, và là vấn đề cực kỳ quan trọng mà một số người lãnh đạo văn hóa vẫn chưa nhận ra có một vùng tiểu văn hóa công thương và tầng lớp thị dân.

 

Nhìn về tương lai.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Tôi thấy Hà Nội phát triển rất lộn xộn. Xin kiến trúc sư  Trần Huy Ánh cho một ý kiến về quy hoạch tương tai của thủ Đô Hà Nội…

 

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh: Tôi thấy không nên quá lo lắng và sốt ruột...

 

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Tôi xin lỗi kiến trúc sư Trần Huy Ánh, tôi xin 1 phút. Tôi thấy rằng: Hiện nay Hà Nội với phần hồn cốt tinh túy, thanh lịch, văn hiến vẫn như một dòng chảy âm thầm mãnh liệt, không dứt. Theo quy luật phát triển của xã hội thì Hà Nội vẫn phải hội nhập cái mới, vẫn phải xây dựng. Hình như cái mới chưa bị sàng lọc làm cho Hà Nội tốt đẹp nhưng cũng có nhiều cái mới chưa bị đào thải đang làm cho Hà Nội tan nát?

 

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh: Chẳng có một đất nước phát triển nào mà không có chuyện lộn xộn trong buổi ban đầu. Ngay cả Singgapore, Malayxia, thậm chí nước Mỹ cũng có chuyện đầu cơ nhà đất. Nhiều khu nhà ở xây lên không ai mua ở, các đại gia cũng đang nợ đầm đìa... sẽ bị quy luật kinh tế nó điều chỉnh. Quy hoạch Hà Nội vẫn đang rất nan giải, trước sau cũng sẽ được sắp xếp lại, những cái gì không phù hợp sẽ bị tan biến đi thôi. Hà Nội bao nhiêu lần tách ra nhập vào, nó có thể đúng với một thời và sẽ được điều chỉnh để đúng cho lâu dài. Chẳng hạn khu 36 phố phương trước đây là nơi ở của các gia đình danh giá. Theo thời gian thì sinh con đẻ cái, nhu cầu tách hộ, một nhà lớn chia thành nhiều nhà nhỏ. Thế rồi sống xập xệ quá, người ta lại bán đi ra Gia Lâm, Thanh Xuân ở. Có một tầng lớp giàu có mới nổi, họ có tiền mua lại nhà ở phố cổ. Bây giờ, có thể có một số người trưởng giả khuyết thiếu mỹ học xây nhà chưa đẹp; dần dần con cái họ đi học nước ngoài về, sự kết tinh tốt hơn và sẽ dần dần xây nhà đẹp hơn.

 

Giáo sư Lê Văn Lan: Tôi tán thành với nhà văn Sương Nguyệt Minh là có Hà Nội 1, Hà Nội 2, Hà Nội 3...Tôi cũng rất tán thành cái điều chúng ta đang quan tâm coi trọng là Hà Nội 1 phải giữ gìn, phát huy. Nhưng thêm cái kinh nghiệm của Trung Quốc. Cứ thời nào rối loạn nhiều thì họ nhắc đến thời hoàng kim Nghiêu Thuấn. Thế thì cái Hà Nội 1 văn hiến, thanh lịch, hào hoa là hoàng kim Nghiêu Thuấn đấy.

 

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: hiện nay người ta đang nói Hà Nội văn hiến, hòa hoa, thanh lịch đang bị mai một đi. Tôi đồ rằng không phải. Cái mà chúng ta đang nhìn thấy nhốn nháo xô bồ, bụi bặm, gánh hàng rong, nói ngọng, chửi nhau, đi xe thì lách lên phía trước cướp đường nhau ấy là thuộc về Hà Nội 2, Hà Nội 3,... Hà Nội thứ n. Hà Nội văn hiến, thanh lịch, hào hoa không hề mất đi, vẫn đang còn và như một dòng chảy lớn âm thầm mãnh liệt.

 

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh: Tôi đang đồng hành cùng các bạn trẻ với dự án Hành trình xanh cùng Hà Nội. Vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội sẽ có 1 cuộc triển lãm ở Vân Hồ với chủ đề Hà Nội với Hà Nội. Bọn tôi có 5 cái suy nghĩ về Hà Nội: Một là, sông Hồng với Hà Nội. Hai là, vành đai xanh sông Nhuệ với vương quốc văn hóa ở phía Tây. Ba là, đi qua một dòng sông ở Hà Nội thì cư xử của mình thế nào? Bốn là, con người Hà Nội đi lại ra sao? Năm là, đối mặt với hậu quả đô thị hóa là úng ngập thì thoát khỏi nó như thế nào?

Những suy nghĩ của các kiến trúc sư trẻ sẽ được bày tỏ đầy hi vọng và lạc quan. Người ta không băn khoăn rằng họ đang đứng ở đâu trong 1 thành phố có mấy chục dân tộc cùng sinh sống. Đấy là một thái độ tích cực đối với tương lai Hà Nội.

 

Giáo sư Lê Văn Lan: Nhà văn Sương Nguyệt Minh vừa nói đến không gian lõi cốt Hà Nội thì chúng ta phải giữ được không gian lõi cốt ấy. Cái không gian lõi cốt ấy nên gọi đúng cái tên của nó là thành phố với những thị dân, lấy lại cái tên là thành phố Thăng Long. Có nghĩa là nó đúng là không gian đô thị với những thị dân. Còn cái mênh mông bao quanh nó, gồm những làng quê, những người nông dân... đã có quyết định hành chính thì nên gọi là tỉnh Hà Nội.

Một là, bảo tồn và phát triển cái không gian đô thị lõi cốt đặc quánh, "lắng hồn núi sông" tinh hoa 1000 năm là “miền văn hóa Hà Nội”.

 

Hai là, không gian ngoại ô với các "thị dân non", (đây là thuật ngữ mà Khoa Đô thị học trên thế giới đã xác định từ thế kỷ 17-18 rồi). Miền văn hóa này trên một cái hằng số mênh mông là 3 chữ nông: Nông thôn, nông dân, nông nghiệp. Cả cái không gian mênh mông ấy mới nổi lên lác đác dăm ba cái đô thị, thì chúng ta phải giữ được cái hồn ấy, bảo tồn, phát triển. Tránh đô thị hóa gấp gáp, không kiểm soát. Từ cái lõi cốt “miền văn hóa Hà Nội” của thành phố Thăng Long làm hạt nhân để đô thị hóa, phát triển phần còn lại tỉnh Hà Nội.

 

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Thưa các vị! Có những cái nhìn khác nhau về Hà Nội và những nhận xét, khái quát khác nhau về Hà Nội với tinh thần thẳng thắn, dân chủ. Xin cảm ơn các vị - những người yêu thương Hà Nội nồng nhiệt đã tham gia cuộc Bàn tròn này.  

 

Sương Nguyệt Minh
Số lần đọc: 1879
Ngày đăng: 02.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Biển và chiến lược biển Việt Nam - Sương Nguyệt Minh
TRAO ĐỔI VỚI NGUYỄN VIỆN VỀ TIỂU THUYẾT - Nguyễn Viện
Carlos Fuentès, truyện kể ‘‘Nhiễm phúc gia đình’’ - Trần Vũ
Claire Simon phỏng vấn Trần Huy Minh - Trần Vũ
Tiểu thuyết, sức trẻ và sự từng trải - Nguyễn Khắc Phê
Nhà văn hải ngoại Lê Thị Diễm Thuý: “Tôi muốn hiểu hơn về đất nước nơi mình sinh ra...” - Lê Thị Diễm Thuý
Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh là một giải thưởng trí thức - Inrasara
Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai: VĂN CHƯƠNG LÀ TÀI SẢN LỚN CỦA VĂN HÓA VIỆT - Nguyễn Phan Quế Mai
Nhà thơ Thanh Nguyên :hãy nghĩ mình đang cùng mọi người leo núi… - Thanh Nguyên
Nhà thơ Lê Khánh Mai: Khi viết tôi không nghĩ đến nữ tính - Lê Khánh Mai