Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
445
116.603.498
 
Nhà thơ Phạm Tấn Dũng: Không muốn chấm, phẩy vào mạch thi ca...
Phạm Tấn Dũng

Ở Quảng Nam, Phạm Tấn Dũng là một trong số rất ít người làm thơ theo lối vắt dòng ngẫu hứng và hầu như không sử dụng dấu chấm câu. Ngồi trò chuyện với anh về thơ, tôi đọc câu “ca dao tân thời” làm lời mào đầu: “Phạm Tấn Dũng ở Điện Bàn/ Văn xuôi chặt khúc xuống hàng thành... thơ!”.

 

- Hay! Tay nào làm câu ca dao “cà khịa” này vui quá. Nhưng cũng xin thưa thiệt, cái kiểu thơ “nhìn” vào cứ thấy giống văn xuôi và cứ thích là xuống dòng không phải riêng tôi làm đâu và tôi cũng chưa từng đem văn xuôi ra “phổ” thơ bao giờ. 

 

- Vậy cái gọi là “thủ pháp” của thơ anh là gì?

 

- Tôi làm thơ trước hết là để chuyển tải những gì “nhập” vào tôi, qua đó “thoát” ra với mong muốn được chia sẻ. Tôi viết tự nhiên, có gì viết nấy, chộp được gì trên ngọn cỏ lá cây thì viết ra... Mạch nghĩ, mạch cảm của tôi vì thế không ngay hàng thẳng lối, không bằng đầu bằng đuôi, và thêm nữa tôi cũng không muốn chấm, phẩy vào mạch chảy thi ca và mạch nghĩ của mình.

 

- Phải chăng, đó là kiểu làm thơ không phải vì... chú tâm làm thơ, hay đây là một cuộc chơi thơ bằng lối tư duy khác?

 

- Thơ với tôi là một cuộc chơi không đầu không cuối, song vô cùng nghiêm túc. Tôi nghĩ, với thơ thì không đùa chơi, không giễu nhại được nên tôi chơi rất đường hoàng. Nếu không chú tâm làm thơ thì đâu có ý này ý nọ “nhập” vào mình và chắc chắn cũng không “thoát” ra được gì. Với tôi, thơ như là cái “nghiệp”, nó thường xuyên tra vấn tôi, khiến tôi cũng tự tra vấn mình. Tôi tự nhận thấy mình là người khắt khe với thơ. Nhiều bài hì hụi làm, xong đọc lại thấy dở, thế là vứt thẳng tay và quên luôn. Nhiều bạn thơ của tôi thi thoảng có bài nào mới họ cũng đưa tôi đọc, hễ tôi cảm thấy dở là chê liền, nhất quyết không bóng gió ỡm ờ... Cũng xin nói thêm, tôi chưa bao giờ gân cổ kêu gào cách tân, đổi mới thơ như một số người, nhưng tôi luôn nỗ lực tìm kiếm giọng điệu riêng và tách khỏi tâm lý bầy đàn.

 

- Và thơ anh đã có giọng điệu riêng và đã tách ra khỏi tâm lý bầy đàn?

 

- Chưa “riêng” lắm nhưng tôi tự nhận thấy thơ mình ít ra là không giống với số đông. Tôi không thích những bài thơ giọng điệu quê mùa lý lơi đồng ruộng. Có nhiều người mấy chục năm làm thơ vẫn một giọng ấy, đều đều, nhàm nhàm, không khiến ai phải trăn trở, động não và đặc biệt là... giống nhau quá (giống với những bài của chính mình và với rất nhiều người khác). Có ai đó nói với tôi rằng, thơ phải như nguồn thác đổ từ đỉnh núi xuống, hòa vào sông rồi ra biển. Nếu chỉ là nước đổ trên mặt bàn, lấy ngón tay vẽ khéo đến mấy thì cũng chỉ là những vệt nước sẽ bốc hơi, biến mất trong thoáng chốc... Tôi tâm đắc với ý kiến này và nghĩ, với người làm thơ, có khát vọng và dám “viết trẻ”, “viết mới” là một điều chính đáng.

 

- Nghiêm túc và quyết liệt là thế, vậy anh nhận thấy mình đã là người “viết trẻ”, “viết mới” chưa? Và, tập thơ “Phía sóng” được xuất bản năm 2008 của anh nằm ở “ngưỡng” nào?

 

- Như đã nói, tôi là người luôn nỗ lực tìm kiếm giọng điệu riêng. Tập “Phía sóng” là tập hợp của một chặng đường nỗ lực như vậy. Và thành thật mà nói, đó là dấu gạch nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa cũ và mới...

Chuyện đang say thì có khách. Hai công nhân đang làm việc cho Công ty Tư vấn thiết kế mỹ thuật Trung Du của Phạm Tấn Dũng đến trao đổi về bức phù điêu đang làm cho khách, hình như có vướng gì đó. Anh quyết rất nhanh: “Đập bỏ làm lại từ đầu, không cạo sửa chắp vá lôm côm được”. Rồi anh quay sang phía tôi: “Mình làm thơ cũng vậy, thấy chưa hài lòng là bỏ, làm lại từ đầu”.

Lát sau, lại có khách. Lần này là Đỗ Thượng Thế, một cây bút thơ khá nổi khác của Quảng Nam. Bỗng nhiên, Phạm Tấn Dũng chuyển đề tài cuộc chuyện trò sang hướng khác.

- Tôi rất thích những người làm thơ như Đỗ Thượng Thế. Tiếc là ở Quảng Nam, người làm thơ như Thế không nhiều.


- Ý anh muốn nói là người “viết trẻ”, “viết mới” không nhiều?


- Đúng vậy. Thơ Quảng Nam bây giờ có quá ít “người trẻ viết” và “chông chênh”. Đã vậy, một số người chưa kịp định hình đã biến mất tiêu, có người trẻ nhưng lại viết già, viết bằng thi liệu và thi pháp cũ, có cảm giác như “Trên đôi cánh chuồn chuồn động bóng nước ươn” (thơ Đỗ Thượng Thế)... Tính ra, số người trẻ làm thơ chỉ còn lại vài người, trong đó có cái tên đáng nhớ là Ngô Thị Thục Trang. Số người “viết trẻ” thì có đông hơn, nhưng so với tương quan chung của cả “binh chủng thơ” thì vẫn ít. Trong đó, có thể kể tới những Phùng Tấn Đông, Nguyễn Chiến, Huỳnh Minh Tâm, Đỗ Thượng Thế, Trương Vũ Thiên An... Riêng tôi thì thuộc dạng nửa già nửa trẻ nhưng đang “viết trẻ”.

 

- Nhưng nhiều chắc gì đã tốt, vì để đánh giá một vùng thơ hình như người ta không căn cứ vào số đông?

 

- Đúng là có ít người làm thơ nhưng thơ hay thì vẫn tốt hơn nhiều người làm thơ nhưng thơ dở. Tuy nhiên, trong một tập hợp tương đối đông đảo nhưng ít người tạo được dấu ấn quá thì xem ra cũng buồn. 

 

- Và anh đang lo cho một viễn cảnh không lấy gì làm phấn khởi của thơ xứ Quảng?

 

- Tôi không có đủ sức để lo. Tuy nhiên, tôi cũng không nghĩ viễn cảnh sẽ kém vui, vì những gì tôi vừa nói là cảm nhận của riêng tôi ở thì hiện tại. Thơ là một cuộc chơi dài, đầy thử thách và cũng lắm bất ngờ. Chúng ta có quyền chờ đợi và hy vọng...

Quá trưa, trời đột nhiên bừng vỡ nắng sau chuỗi ngày dài miên man mưa và lạnh. Chia tay, Phạm Tấn Dũng chỉ tay vào hàng rào nhà mình, bảo: “Mai mốt, thế nào mình cũng đập bỏ cái này, làm lại...”

 

Phạm Tấn Dũng sinh năm 1962 tại làng Bảo An, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam. Ngoài tập thơ riêng “Phía sóng” in năm 2008, anh còn có thơ trong các tuyển tập Chưa mưa đà thấm, Bảo An Đất học, Thơ Quảng Nam mười năm, Trăm năm thơ Đất Quảng... Hiện tại, anh đang tập hợp bản thảo để in tập thơ riêng thứ hai với tiêu đề khá ấn tượng: “Du du dẫn dẫn”.

 

 

Bức tranh

 

Anh tỉnh dậy như thế thức giấc

tiếng chim ban mai như thể lần đầu

 

Anh về với màu vàng

bên trang thơ tàn sức

sau lúc gặp người đàn ông không

biết mình là ai

chợt thấy to hơn chiếc bóng

như lửa đòi cháy trong mưa

 

Anh về với màu xanh đen

sau đêm sao rớt

tắt ánh nhìn thiếu phụ

khúc sông buồn thổn thức đò sang

 

Anh về với màu tím xa xôi

sau khúc xa em

không thể nhớ lúc nào em khóc

ở lại nỗi buồn mắt khô

 

Anh trở về

sau chặng nghêu ngao chiều xanh

sau những lần chín trên bàn rượu

vò nát - xếp lại - vỡ tung

 

Anh về...

 

PHẠM TẤN DŨNG

PHAN CHÍ ANH thực hiện

Phạm Tấn Dũng
Số lần đọc: 2143
Ngày đăng: 09.07.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về Bảo Tồn Di Sản Văn Hóa Sài Gòn - Nguyễn Thị Hậu
NHÃ THUYÊN : Mỗi tác phẩm là một sự vong thân…? - Nhã Thuyên
Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu: Đi tìm “Hoa mộc miên biên giới” - Nguyễn Linh Khiếu
Bài phỏng vấn nhà thơ Ðặng Hiền - Đặng Hiền
Dịch giả Nguyễn Khánh Long: Linda Lê luôn ám ảnh bởi “viết” và “chết” - Nguyễn Khánh Long
Richard Millet: Chúng ta đã giết chết Pháp văn - Trần Vũ
người Hà Nội, người ở Hà Nội - Sương Nguyệt Minh
Biển và chiến lược biển Việt Nam - Sương Nguyệt Minh
TRAO ĐỔI VỚI NGUYỄN VIỆN VỀ TIỂU THUYẾT - Nguyễn Viện
Carlos Fuentès, truyện kể ‘‘Nhiễm phúc gia đình’’ - Trần Vũ