Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.312 tác phẩm
2.745 tác giả
472
115.865.757
 
Nhà thơ - nhà nghiên cứu Inrasara: Sự thật lịch sử là bất khả, nhưng vẫn được kể lại
Inrasara

Với thế giới, Chàm, Chăm, Hời, Champa… từ lâu vẫn là một bí ẩn. Một bí ẩn với sức lôi cuốn kì lạ. Tháp Chàm và giếng vuông Chăm, vàng Hời hay điệu múa Apsara, nghệ thuật chế tác gốm hay hoa văn thổ cẩm. Bí ẩn từ văn hóa, qua số mệnh dân tộc cho tới con người Chăm. Từ quá khứ xa xăm đến tận thời hiện đại. Động cập đến Chăm là đụng đến vấn đề nhạy cảm, nhạy cảm về thân phận của dân tộc này; thế nhưng nền văn hóa và tâm hồn con người tạo ra nền văn hóa đó vẫn cứ tiềm ẩn hấp lực không thể cưỡng. Buộc người ta luôn hướng mắt tò mò nhìn về nó. Cả giới chuyên môn lẫn người phàm trần mắt tục.

 

Ngay như Thánh địa Mỹ Sơn, dù đã trở thành Di sản Văn hóa thế giới, nhưng ở đó vẫn đựng chứa bao bí ẩn chưa được khai phá. Tập thơ Điêu tàn của Chế Lan Viên “xuất hiện như niềm kinh dị” giữa làng thơ Việt Nam thời Thơ Mới. Sang những năm cuối thế kỉ XX, Tháp nắng của Inrasara ra đời tạo thành “một hiện tượng văn chương”, gọi mời bao nhiêu nhà phê bình giải mã. Và mới đầu năm nay thôi, một tác phẩm nghiên cứu đơn thuần như Có 500 năm như thế của Hồ Trung Tú vừa ra khỏi nhà in, đã nhận bao nhiêu phản hồi từ nhiều phía.

 

Ngay tác phẩm Hàng mã kí ức (NXB Văn học và Phương Nam Book) vừa phát hành, với những truy vấn về lịch sử gần (khoảng ¼ thế kỉ), cũng đã được “so sánh” với cuộc truy vấn xa hơn (hơn 5 thế kỉ), thông qua cuốn sách của Hồ Trung Tú. Cả hai đều nhìn lại lịch sử, văn minh và tâm hồn Chăm - thậm chí, tâm hồn mình.

 

Tại sao như vậy? Chúng tôi có cuộc trao đổi với nhà thơ, nhà nghiên cứu Inrasara với hi vọng lí giải phần nào được niềm bí ẩn này.

 

* Hầu hết sự việc, địa danh, nhân vật… trong Hàng mã kí ức đều là người thật việc thật, tại sao gọi là tiểu thuyết mà không là hồi kí? Nếu là tiểu thuyết, sao không thay tên đổi họ nhân vật? Để tránh va chạm hay vì vấn đề gì khác?

 

- Viết Hàng mã kí ức, tôi cố gắng trung thành với “sự thật” mình từng trải nghiệm. Nếu với tiểu thuyết đầu tay Chân dung cát, tôi đi sâu vào chẩn bệnh những thói tật của Chăm, thì qua cuốn thứ hai này, chủ yếu tôi muốn làm bật lên tinh thần văn hóa Chăm, tâm hồn Chăm. Cho nên, không có chuyện tránh va chạm hay vấn đề nào khác ở đây cả.

 

Còn việc gọi Hàng mã kí ức là tiểu thuyết, đơn giản bởi đây là chuyện kể nhiều tình tiết với các “nhân vật” phát triển tính cách như là… tiểu thuyết. Nhân vật chính là cái “tôi” đầy bất toàn, đi gặp gỡ, nói chuyện, nhận xét, tương tác với các nhân vật phụ khác là: cha mẹ, anh chị em, người thân, kẻ lạ, làng Caklaing nơi sinh ra và lớn lên, trường học, các tên tuổi thế hệ trước ảnh hưởng đến mình, các tác phẩm văn chương Chăm, đời sống ngôn ngữ Chăm, tháp Chàm với ma Hời, triết lí cùng lối viết sử kiểu Chăm… Quá đủ cho tôi xây dựng các tiểu thuyết tiếp theo mà không cần đến hư cấu.

 

* Tại sao anh lại chọn một cấu trúc tiểu thuyết phức tạp, vừa hòa trộn các thể loại, giọng văn, vừa có vẻ giễu nhại như thế?

 

- Viết Hàng mã kí ức, tôi hoàn toàn loại bỏ sự cố ý làm phức tạp vấn đề. Để sự việc diễn ra giản đơn nhất có thể, nên trật tự thời gian được tuân thủ khá chặt chẽ. Giữa các chương hay trong mỗi chương.

 

Phức tạp chăng là sự có mặt các thể loại, là điều rất khó tránh trong nỗ lực làm phô bày bản chất sự việc hay tính cách các nhân vật. Có chương được viết như hồi kí (“Cha, mẹ, anh chị em & con sông quê hương”); có chương đọc như tiểu luận (“Bốn cứu cánh của đạo sĩ Bà-la-môn & thơ”); hay như tùy bút văn học (“Thơ như là con đường”)… Các thể loại khác nhau xuất hiện đầy ngẫu hứng, qua một giọng kể xuyên suốt là giọng phi nghiêm cẩn.

 

Tôi ngày càng nhận ra rằng khó có thể kể chuyện một cách nghiêm túc được. Dù là chuyện tốt hay xấu, hay hoặc dở, buồn hay vui, khôi hài hay rất mực nghiêm túc… đi chăng nữa, cũng vậy.

 

* Thế nào là hàng mã? Nó khác hàng giả thế nào? Tại sao không là hàng giả kí ức mà là hàng mã kí ức?

 

- “Giả” là thứ không phải thật mà được làm ra với vẻ bề ngoài giống thật để mang giá trị như đồ thật, làm ra với mục đích đánh lừa một phía có thể không biết. Trong khi “mã” cũng là “đồ giả”, nhưng ai cũng biết là giả; giả nhưng vẫn chấp nhận nó, ở cả hai phía: người làm ra và người tiêu thụ. Ở Hàng mã kí ức, tôi - với tư cách kẻ làm ra - biết kí ức tôi được thể hiện qua con chữ chỉ là đồ giả, tôi nhìn nhận nó giả, tôi không ý đồ đánh lừa người đọc - với tư cách kẻ tiêu thụ - rằng nó là đồ thật, hoặc giả thật.

 

* Các tinh thần tùy tiện, giải sân hận, nghệ sĩ tính, ham nghệ thuật ham chơi,… có phải là đặc tính chính của Chăm? Tôi thấy nó bàng bạc và có vẻ bàng quan khắp tác phẩm này. Cạnh đó còn có cái gì khác?

 

- Thi sĩ để làm gì, nếu không tự ban cho mình nhiệm vụ lưu giữ kí ức dân tộc? Không phải lưu giữ như sử gia hay nhà nghiên cứu, mà là như một thi sĩ. Tôi gọi đó là “lập biên bản” tinh thần dân tộc. Chăm là dân tộc ham chơi, làm chơi, làm để chơi. Hãy tưởng tượng một dân tộc sống trên dải đất miền Trung khắc nghiệt, cằn cỗi với hết hạn hán đến lũ lụt, giao thông hiểm trở, nhưng họ đã dựng nên bạt ngàn tháp với nhiều phong cách khác nhau, sáng tác bao nhiêu là văn thơ.

 

Người Champa đã đến đất này

đào mương trồng lúa/ đốt rừng làm rẫy

yêu nhau/ sinh con đẻ cái

làm thơ rồi ra đi

gởi Mĩ Sơn ở lại.

 

Hủy phá và sáng tạo. Hủy phá để sáng tạo. Và, hủy phá trong sáng tạo… Đó là tinh thần thoát thai từ tư tưởng Shiva. Nhìn ở bề sâu thẳm tâm hồn Chăm, tinh thần “tạm bợ” và “vĩnh cửu” cùng song hành tồn tại; tư tưởng “an phận” và “phiêu lưu ngang dọc” cùng có mặt. Có mặt nhiều khi ngay trong một sinh thể. Một kẻ tưởng nhát hèn nhưng cũng đã dũng cảm quyết liệt đáo để, đặc chất Chăm. Ta có thể lí giải tại sao sống xen cư và cộng cư với người Kinh hơn hai thế kỉ, cộng đồng Chăm vẫn giữ được truyền thống văn hóa độc đáo cùng tinh thần cốt cách Chăm rất đặc thù của mình.

 

* Anh từng nhận nói: “Tưởng chỉ tiểu thuyết mới là hư cấu, ngay cả công trình sử học rán ưỡn ngực trịnh trọng khách quan để ra vẻ khả tín, vẫn chỉ là hư cấu. […]. Ngay cả với lịch sử của một cá nhân được kể lại. Kí ức luôn đánh lừa ta, kẻ trong cuộc. Lõm bõm, nhảy cóc, trơn trợt, hụt hẫng”. Tại sao anh lại đưa quan niệm này vào/ và nhân tiểu thuyết này được viết?

 

- Không phải chúng ta đã từng bị đánh lừa, từng bị chịu đựng bởi “sự thật lịch sử”, những “ghi lại từ sự thật mắt thấy tai nghe” cùng bao hồi kí các loại sao? Kẻ nào cũng đoan chắc như vôi quệt tường rằng chúng là sự thật thật nhất. Nhưng “sự thật” là gì? Sự thật trường Pô-Klong nơi tôi ngồi ghế suốt thời gian trung học chẳng hạn; chưa vội đề cập lịch sử trường, riêng cái sự kiện trường bị pháo kích, ngay sáng hôm sau thôi, các bạn tôi mỗi người kể mỗi khác. Nhật kí tôi ghi chi tiết sự kiện ấy, 40 năm sau đọc lại, đọc lại thấy khá buồn cười: nó quá sai lạc.

 

Con người là bất toàn, “sự thật” qua cái thấy, cái biết của con người thì càng bất toàn, huống hồ sự thật kia bị khúc xạ qua ngôn ngữ đầy bất toàn của hắn. Đó là chưa kể đến tính vụ lợi của người kể kia cố ý bóp méo, xuyên tạc nó. Tóm lại, tất cả chỉ là thứ xếp đặt đầy tính hư cấu. Kí ức được kể lại trong Hàng mã kí ức đều là người thật việc thật, dù tôi gắng thành thật nhất có thể, nhưng rồi qua xếp đặt của tôi, nó vẫn cứ là tiểu thuyết.

 

* Nó có liên quan/ tương tác/ ám chỉ/ đối thoại… gì với cuốn sách Có 500 năm như thế của Hồ Trung Tú (cũng viết về Chăm, và anh viết lời giới thiệu)?

 

- Đấy, Hàng mã kí ức mới xảy ra một phần tư thế kỉ thôi mà đã vậy, huống chi Có 500 năm như thế. Cả hai đều là hư cấu, trong khi cái sau chỉ là một hư cấu trá hình. Hoặc Hồ Trung Tú nghiên cứu theo “định kiến” có sẵn, hoặc định kiến được hình thành trong quá trình anh tiếp xúc với các “sự thật”, từ đó anh triển khai và mở rộng hướng nghiên cứu theo chiều hướng đó.

 

* Như vậy, tất cả đều không đáng tin ư?

 

- Dù sao đi nữa, con người vẫn truy tìm ngọn nguồn sự thật lịch sử, vẫn cứ kể chuyện. Hậu hiện đại đòi hỏi ta tiếp nhận các “sự thật” được kể lại này với con mắt mở lớn. Của một nhân loại đã trưởng thành. Đó là bức thông điệp của Hàng mã kí ức, nếu muốn gọi như thế.

 

Cũng xin nói thêm, tôi muốn cảnh báo rằng hãy cẩn trọng với “sự thật”, với những “hồi kí” các loại. Càng cẩn trọng hơn với các vấn đề do lịch sử đặt ra. Với đất nước Việt Nam đa dân tộc, nhiều biến động qua các giai đoạn lịch sử thì càng cẩn trọng. Truy nguyên nguồn cội hay đặt lại vấn đề lịch sử không phải là điều không thiết yếu, dù đau lòng tới đâu. Bởi quá khứ đã từng chỉ cho hiện tại nhận ra bao lỗi lầm tai hại. Miễn là ta biết nhìn nó bằng con mắt tự thức và đẫm tình người. Còn lại, thì hãy chôn quách nó đi. Để mà lo sống nữa chứ, phải không?

 

- (Nội dung căn bản của bài này đã từng in trên báo Lao động, số ra ngày 3.7.2011)

 

“Thế giới đã nói nhiều về bí ẩn Chăm... - những bí ẩn Chăm xa xưa với bao nhiêu kỉ lục… Tôi thì khác, tôi muốn kể câu chuyện về những huyền bí của đời sống Chăm hiện đại. Chăm đương sống cuộc sống kì diệu của ngày hôm nay…”.

 

“Như câu chuyện tôi sắp kể ra đây, cuộc đời tôi và mảnh đời của những người xung quanh thế giới tôi, sự kiện hay sự việc tôi biết, tôi trải nghiệm, cuốn sách tôi đọc - từ vùng tù mù hay ngỡ sáng rỡ của kí ức tôi. Ai biết được, nó thật đến mức độ nào!? Nhưng tôi vẫn cứ tin nó thật. Thật mà chưa hẳn đúng thật. Bởi chúng được kể lại qua giới hạn ngôn ngữ của tôi, hiểu biết của tôi, hệ thẩm mỹ của tôi, triết lí của tôi, theo lợi ích/ vô vị lợi của tôi. Dẫu sao đi nữa, lịch sử luôn cần được kể lại. Lịch sử một đất nước, một dân tộc, một cộng đồng hay một cá thể. Dù nhỏ bé hay vô danh nhất.

 

Và đây là câu chuyện của tôi…”.

(Trích Hàng mã kí ức, trang 8).

 

 

 

 

Lý Đợi (thực hiện)

Inrasara
Số lần đọc: 2312
Ngày đăng: 12.07.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhà thơ Phạm Tấn Dũng: Không muốn chấm, phẩy vào mạch thi ca... - Phạm Tấn Dũng
Về Bảo Tồn Di Sản Văn Hóa Sài Gòn - Nguyễn Thị Hậu
NHÃ THUYÊN : Mỗi tác phẩm là một sự vong thân…? - Nhã Thuyên
Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu: Đi tìm “Hoa mộc miên biên giới” - Nguyễn Linh Khiếu
Bài phỏng vấn nhà thơ Ðặng Hiền - Đặng Hiền
Dịch giả Nguyễn Khánh Long: Linda Lê luôn ám ảnh bởi “viết” và “chết” - Nguyễn Khánh Long
Richard Millet: Chúng ta đã giết chết Pháp văn - Trần Vũ
người Hà Nội, người ở Hà Nội - Sương Nguyệt Minh
Biển và chiến lược biển Việt Nam - Sương Nguyệt Minh
TRAO ĐỔI VỚI NGUYỄN VIỆN VỀ TIỂU THUYẾT - Nguyễn Viện
Cùng một tác giả
Hành trình Katê (dân tộc học)
Muộn (thơ)
Tạ ơn (thơ)
La cà tết kinh (tạp văn)