Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
652
116.548.227
 
Nhà văn Nguyễn Đức Linh : Với tôi, viết cho thiếu nhi mãi là niềm đam mê !
Thế Dũng

Từ tập truyện dài “Cún con đã lớn” do Nhà Xuất bản Tổng hợp Phú Khánh xuất bản năm 1986 và Nhà Xuất bản Kim Đồng tái bản lần 1 năm 1997, tái bản lần 2 năm 1998  với  lượng phát hành hàng chục ngàn cuốn, đến nay Nhà văn Nguyễn Đức Linh đã có khoảng 10 đầu sách viết cho thiếu nhi. Trò chuyện với phóng viên Văn nghệ Trẻ, Nhà văn Nguyễn Đức Linh tâm sự “ Với tôi, viết cho các em thiếu nhi vẫn mãi là niềm đam mê…”.

 

PV : Thưa Nhà văn Nguyễn Đức Linh, xin ông cho biết niềm đam mê ấy đã được bắt đầu như thế nào ?

 

Nhà văn Nguyễn Đức Linh : Xin được hơi dài dòng một chút. Năm 1955 bốn anh chị em tôi theo mẹ cùng nhiều đoàn cán bộ, trẻ em miền Nam, tập kết ra Bắc. Đến Sầm Sơn (Thanh Hóa), anh chị em tôi được ở với mẹ khoảng 10 ngày,  thì được tách cùng những trẻ em khác về các trường nội trú, được gọi là trường học sinh Miền Nam. Thời gian đầu, trường lớp chưa có, chúng tôi phải theo từng nhóm 4-5 em ở chung trong một nhà dân, có các cô chú nấu cơm cho ăn, có các cô bảo mẫu, y tá chăm sóc sức khỏe, giặt quần áo, dỗ dành động viên khi các em buồn tủi, khóc lóc nhớ nhà. Tháng 07 năm 1956 chúng tôi được Nhà nước gửi sang khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc) học tập. Ấn tượng trong thời gian này đã hằn sâu vào tâm hồn thiếu niên của tôi mãi cho tới bây giờ. Đó là, những buổi sinh hoạt đội thiếu niên tiền phong, những bài hát: tiến lên đoàn viên, chiếc đèn ông sao, cô gái chăn cừu …v.v… do thầy là nhạc sỹ  Phạm Tuyên dạy. Đó là những buổi cắm trại cùng với các bạn thiếu nhi Trung Quốc đầy kỉ niệm… Cuối năm 1958, tôi về nước và học trong các trường học sinh Miền Nam ở: Hải Phòng, Hà Đông. Năm 1965 tôi vào học đại học rồi trở thành kỹ sư cầu đường. Giai đoạn từ năm 1970 đến năm 1973 khi công tác ở viện thiết kế bộ giao thông, tôi đã tham gia khảo sát nhiều tuyến đường thuộc các tỉnh miền núi phía bắc. Nghề khảo sát lội suối, trèo đèo, vượt sông đã cho tôi được biết đến nhiều vùng đất thơ mộng :

 

Ai về Đà Bắc quê tôi

Uống chè suối Nánh, ăn xôi Mường Chiềng…

 

Những chuyến đi với bao nhiêu là chuyện ngộ nghĩnh rất trẻ thơ đã dần ngấm vào tôi, như cây chè ở suối Nánh chỉ mọc trên núi cao, người ta đã huấn luyện các chú khỉ để hái búp chè và các chú khỉ này làm việc rất thành thạo. Loại chè này chỉ dùng để tiến cho Vua . Hay loại nếp ở Mường Chiêng đặc biệt vừa dẻo, vừa thơm cũng chỉ để tiến Vua. Tôi cũng khoái chí được “cưa sừng làm nghé để  chơi tró “làm Vua” vài lần… Hoàn thành  nhiệm vụ ở các tỉnh miền núi phía Bắc, tôi lại vào các tỉnh miền Trung, vùng Khu 4 cũ, hoạt động tại các vùng như : Hương Sơn, Hương Khê (Hà Tĩnh), Thanh Lạng, Ma Lâu (Quảng Bình), rồi đi chiến trường B, vào vùng tây Quảng Ngãi, Kon Tum. Sau giải phóng 1975 lại vào Tây nguyên, rồi làm chuyên gia nước bạn Căm pu chia v.v…  Cứ thế, những chuyến đi đã cho tôi biết được nhiều phong tục tập quán, nếp văn hóa  của đồng bào các vùng sâu, vùng xa… Những gì thu thập được sau này tôi đều ít nhiều tái hiện trong các câu chuyện viết cho các em…

 

PV :  Là kỹ sư chuyên ngành khảo sát, thiết kế giao thông,vậy cơ duyên nào để ông trở thành nhà văn viết cho thiếu nhi ?

 

Nhà Văn Nguyễn Đức Linh :  Hồi còn học phổ thông, tôi học môn văn rất bình thường. Nhờ có thói quên và sau này cũng cả do nghề nghiệp, nên tôi hay quan sát và nhớ rất lâu các sự kiện, diễn biến của những sự việc, những con người và những gì xảy ra xung quanh. Sau đó, tôi hay, tưởng tượng và “nối dài” hoặc “mở rộng” các sự kiện đã xảy ra . Cho đến bây giờ đã lớn tuổi và có bốn cháu nội rồi mà tôi vẫn thích trẻ con , thích chơi với lũ trẻ, suy nghĩ về lũ trẻ và thích viết những câu chuyện về lũ trẻ.

 

PV : Được biết, trước đây và sau này Nhà văn Nguyễn Đức Linh còn tiếp tục làm giám đốc một công ty kinh doanh. Thời buổi kinh tế thị trường cạnh tranh quyết liệt, bận bịu với bao công việc lỗ, lãi như vậy, xin ông cho biết lúc nào thì ông dành thì giờ ngồi vào bàn viết truyện cho thiếu nhi ?

 

Nhà văn Nguyễn Đức Linh : Đúng là công việc còn bận rộn với lắm chuyện ngang dọc, chạy ngược, chạy xuôi.  Nên tôi phải thu xếp và tạo ra một thói quen, đó là khi hết giờ làm việc ở Công ty vào buổi chiều, tôi ghi lại những việc cần làm hôm sau, rồi đóng ngăn kéo, khóa cửa phòng lại, không biết gì đến việc kinh doanh nữa. Về nhà, cơm nước xong là bắt đầu ngồi vào bàn viết . Hết viết, tôi lại cho bản thảo vào ngăn kéo khóa lại, không màng gì đến chuyện viết nữa, đi ngủ để có sức cho  công việc của ngày hôm sau. Đã bước vào tuổi 67, nên từ hơn một năm nay, tôi đã giao lại công việc kinh doanh cho người khác, nên có thể dành được nhiều thời gian  hơn cho công việc viết sách cho lũ trẻ.

 

PV : Với một danh mục khá dài các tác phẩm, có những những tác phẩm được xuất bản trong cùng thời gian. Không biết Nhà văn Nguyễn Đức Linh đã “tư duy” cốt truyện như thế nào ?

 

Nhà văn Nguyễn Đức Linh : Đúng là trong cùng một thời gian, tôi thường viết bốn đến năm tác phẩm. Mạch truyện này tắt, tôi dừng lại và lấy truyện khác ra viết tiếp, khi tắt lại chuyển sang truyện khác. Tôi cứ  làm việc kiểu như vậy. Có người bảo, làm việc kiểu này, các câu chuyện rất dễ nhầm lẫn, đầu Ngô, mình Sở,  hoặc  râu ông nọ, cằm bà kia, nhưng rất may là chưa bao giờ tôi bị lâm vào tình cảnh dở khóc, dở cười như thế.

 

PV : Nhiều tác phẩm của ông được chia thành thứ tự, tập 1, tập 2 rồi tập 3, tập 4. Phải chăng ông viết  liền mạch, rồi mới chia ra, hay là theo yêu cầu của “lũ trẻ” ?

 

Nhà văn Nguyễn Đức Linh : Truyện “ Người khổng lồ của em tôi”, tôi đã viết đến tập 4, còn truyện “Bí mật của rừng” tôi đã viết đến tập 2. Đó là theo yêu cầu của các con tôi  và một số bạn nhỏ  mà tôi được tiếp xúc khi đã đọc những cuốn sách này. Nhiều bạn  nhỏ cứ thắc mắc rằng, tên khổng lồ  ba mắt đánh nhau với nữ thần Ponaga như thế nào, kết cục ra làm sao vv… Cũng như nhân vật chính trong “Bí mật của rừng” là Luân  cùng các chú trong tổ khảo sát đường là những nạn nhân vô tình bị bọn Phunrô tập kích, câu chuyện kết thúc tại đây là chưa hợp lý đâu vv… Tuy cách quãng về thời gian, nhưng khi  tôi viết mạch chuyện vẫn  liên tục, không có chuyện nhầm lẫn râu ông nọ cắm cằm bà kia. Còn truyện “Kim thần kê” tôi đã viết đến tập 2 là do mạch truyện cần phải chia ra thành các tập vậy thôi.

 

PV : Có thể nói, “Cún con đã lớn” là tác phẩm đầu tay rất thành công của ông với số lượng in kể cả tái bản lên đến 41.200 bản. Xin  ông  cho biết đôi nét về tác phẩm này ?

 

Nhà văn Nguyễn Đức Linh : Truyện “Cún con đã lớn” được Nhà  Xuất bản Tổng hợp Khánh Hòa  xuất bản năm 1986, khi tôi đã ở tuổi  42, trước sự ngỡ ngàng của bạn bè và anh em trong cơ quan. Quả là tôi bước vào “nghề” viết cũng rất tình cờ. Năm 1982, vợ tôi là cán bộ kỹ thuật cầu đường được chuyển về Ty Giao Thông Vận Tải Phú Khánh công tác. Các con tôi theo mẹ về Nha Trang, còn tôi chưa chuyển được, nên vẫn ở lại Tây Nguyên, thỉnh thoảng mới về Nha Trang thăm vợ con. Trong một lần ra Đà Nẵng công tác, trên đường về tôi có ghé qua thị xã Tuy Hòa (Phú Yên) thăm ba má tôi. Các cụ cho tôi một chú chó nhỏ, bảo đem về Nha Trang cho nó trông nhà và chơi với các cháu. Khi ẳm con chó con lên xe Jeep, con chó mẹ cứ chạy quanh  nhảy lên theo. Như thể nó muốn lôi con nó xuống, không cho tôi đem đi. Ba tôi phải giữ con chó mẹ lại. Má tôi vỗ về con chó mẹ và nói : “để cho nó đi, cho nó còn lớn khôn nữa chớ!”.  Cảnh tượng ấy và câu nói của má tôi cứ làm cho tôi nhớ mãi. Cạnh nhà tôi ở nhờ tại Buôn Ma Thuột, có  anh hàng xóm nuôi một con chó Béc dê to lớn, con chó này rất hung dữ. Nhưng do ở cạnh nhà nhau lâu ngày, nên tôi và con chó lại đâm ra “thân nhau”.  Và câu chuyện “cún con đã lớn” đã manh nha hình thành trong đầu tôi. Hàng ngày hết giờ làm việc, tôi thường ở nhà đọc sách, buồn buồn nhớ vợ con. Chẳng có việc gì làm, tôi lấy giấy bút ra viết nhăng cuội cho vui… Và rồi chỉ trong khoảng bốn tháng, tôi đã viết xong luôn năm chương truyện “Cún con đã lớn”. Tôi sửa tới, sửa lui, viết lại vào một cuốn vở học sinh. Khi về Nha Trang thăm vợ con, tôi đưa cho thằng con lớn của tôi lúc đó đang học lớp 4 đọc. Nó đọc đến đoạn mẹ con con chó chia tay nhau, cảm động quá, nó khóc. Tôi cũng bùi ngùi cùng con.

Tháng 06 năm 1982 tôi được chuyển về Ty Giao Thông Vận Tải Phú Khánh – làm phó giám đốc Xí Nghiệp Khảo Sát Thiết Kế Giao Thông. Tuy công việc bận rộn, nhưng câu chuyện “cún con đã lớn” vẫn cứ ám ảnh tôi. Tôi lại “sữa chữa”, nắn nót viết lại vào cuốn vở học sinh. Từ đầu năm 1983 đến cuối năm 1984 tôi phụ trách đoàn chuyên gia kinh tế kỹ thuật tỉnh Phú Khánh qua giúp nước bạn Campuchia, tại tỉnh Stưng Treng – Thế là chuyện “cún con đã lớn” đành phải xếp vào gầm bàn cất kĩ. Mãi đến tháng 06/1985, tôi mới lôi anh bạn “cún” của tôi ra đưa cho Nhà thơ Đồng Xuân Lan – Là bạn của tôi xem hộ. Xem xong, Lan nói “hay đấy” và bảo tôi nhờ  Nhà văn  Cao Duy Thảo xem hộ. Sau khi đọc xong, anh Thảo nhắn tôi đến nhà và động viên tôi “  truyện này được đấy. Anh viết tiếp cho xong đi, gấp lên để tôi đưa vào kế hoạch in”. Nghe những nhận xét của anh Thảo, tôi khoái quá , tranh thủ buổi tối, ngày chủ nhật tôi cắm cúi viết một mạch trong 4 tháng liền thêm 7 chương nữa. Thế là “Cún con đã lớn” hoàn tất, với tổng cộng 12 chương. “Cún con đã lớn”, là câu chuyện nói về một con chó bị lưu lạc, biết tự mình vươn lên, có tình thương yêu, đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống đồng loại, cũng như lòng dũng cảm, truy đuổi đến cùng thói hư tật xấu. Năm 1986 in lần đầu, số lượng 15.000 bản. Năm 1997 nhà xuất bản Kim Đồng in lần thứ nhất 24.200 bản. Năm 1998 nhà xuất bản Kim Đồng  tái bản in ra lần thứ hai 2.000 bản.

 

PV : Các tác phẩm “Bí mật của rừng”; “ Người khổng lồ của em tôi” và “ Bí mật một kho báu”, cũng được các độc giả “nhí” rất thích ?

 

Nhà văn Nguyễn Đức Linh : Giữa năm 1986 tôi dẫn đoàn cán bộ kĩ thuật đi thị sát, làm đường tránh đập thủy điện sông Hinh ở Phú Yên. Được thấy khí thế làm việc hăng say lao động của anh em thanh niên, trong tôi dậy lên nguồn cảm xúc với bao kí ức vui buồn. Về nhà, tôi viết một mạch gần ba tháng xong luôn tập truyện “Theo chân đoàn khảo sát”. Đầu năm 2000, tôi gửi bản thảo ra nhà xuất bản Kim Đồng. Sau đó, nhà văn Nguyễn Quang Lập ở Nhà xuất bản Kim Đồng gọi điện trao đổi với tôi, nên   tên sách được đổi lại là “Bí mật của rừng”.  Và, Nhà xuất bản Kim Đồng Hà Nội đã in với số lượng 2.000 bản. Cũng trong đợt này, tôi được nhận giải khuyến khích cuộc thi “hưởng ứng cuộc vận động sáng tác truyện và truyện tranh cho thiếu nhi (năm 1999 – 2000). Tôi vừa hoàn thành tập hai “Bí mật của rừng” và mới gửi bản thảo ra nhà xuất bản Kim Đồng Hà Nội. “Bí mật của rừng”, kể chuyện một cậu bé 14 tuổi đi theo đoàn khảo sát giao thông. Cậu bé cũng trải qua biết bao vất vả, khó nhọc như người cán bộ  khảo sát thiết kế giao thông. Niềm vui được đi đây, đi đó  qua bao rừng rậm núi cao, biết được các phong tục tập quán của dân tộc ít người… Còn cảm xúc giúp tôi hình thành câu chuyện “ Người khổng lồ của em tôi” rất tình cờ. Công ty tôi ở trên đường 2/4 gần cầu Hà Ra, Nha Trang. Một buổi sáng đi làm, đầu tôi nặng trĩu, có lẽ do áp lưc công việc. Tôi lấy xe đạp, thúc thắc đạp qua cầu Xóm Bóng lên Tháp Bà thư giãn. Tôi ra sau tháp, ngồi bên các khối đá to lớn phía bờ sông, thả tâm hồn vu vơ và chợt nghĩ, lúc mở rộng bờ cỏi, thế nào nữ thần Ponaga cũng phải có đánh nhau. Về bà mẹ xứ sở của thị tộc này, thì có rất nhiều truyền thuyết. Tôi có thằng con trai thứ hai, trước ngực, gần nách vai trái của nó có một cái bớt đỏ như son, to bằng đồng xu. Ngó những gộp đá to lớn, nằm chen chúc nhau bên sườn đồi, tôi liên tưởng mơ hồ một vài chi tiết… Và, cứ thế ,  chuyện “Người khổng lồ của em tôi” đã dần hình thành trong đầu tôi. Mấy tháng sau, tập 1 mang tên “Năm điều ước” đã viết xong. Cuối năm 1987 đã xuất bản và phát hành với  số lượng 25.000 quyển. Năm 1999 tôi gửi 2 bản thảo ra Nhà xuất bản Kim Đồng – Hà Nội. Sau khi đọc bản thảo tôi gửi ra, nhà văn Nguyễn Quang Lập ở Nhà xuất bản Kim Đồng Hà Nội lại gọi điện thoại kích lệ “ bác Linh ơi, với cái mạch này, truyện “Người khổng lồ của em tôi” bác có thể viết nhiều tập nữa đấy, viết tiếp đi…”. Sau đó, trong năm 1999 Nhà xuất bản Kim Đồng đã lần lượt xuất bản tập 1 “Năm điều ước” và tập 2 mang tên  “Cây bút thần”.  Tháng 6/2011 tôi đã gửi ra Nhà xuất bản Kim Đồng tập 4 mang tên “ Mũi lao của người khổng lồ”. Còn tập 4 “Chiếc nhẫn thần” tôi đã viết gần xong. Riêng chuyện “Bí mật một kho báu”, thì được hình thành  một cách bất ngờ đầy thú vị. Thường thì sách tôi viết ra đều có độc giả sát bên cạnh hàng ngày là con tôi. Trong  chuyện “Người khổng lồ của em tôi” có nhân vật tướng cướp văn võ song toàn. Mà trong tậ 2 tôi lại cho nhân vật này chết đi. Một buổi trưa trong khi đang ăn cơm, thằng con tôi nói : “ông tướng cướp Cẩu Nẹc, ba lại cho chết, tội quá. Tiêu cực xã hội làm ổng hư hỏng chứ bản chất ổng có xấu đâu…”. Thế là sau mấy đêm suy nghĩ, tôi  đã tách hẳn nhân vật tướng cướp này ra và hư cấu thêm để thành một cuốn truyện riêng – Đó là truyện “Bí mật một kho báu” được Nhà xuất bản tổng hợp Phú Khánh và sau đó Nhà xuất bản Kim Đồng in Tiếp với số lượng tổng cộng hơn 10.000 bản.

 

PV : Thực tế những năm gần đây, các độc giả “nhí” quả là đã choáng ngợp với sự phát triển vừa nhanh, vừa mạnh, vừa khó kiểm soát của mạng intenet, các trò chơi điện tử đã “hút” các em như một ma lực. Thưa Nhà văn Nguyễn Đức Linh, liệu các tác phẩm viết cho thiếu nhi có còn sức hấp dẫn đối với các em ?

 

Nhà văn Nguyễn Đức Linh :   Tại các nhà sách lớn ở thành phố Nha Trang, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Buôn Mê Thuột vv…, tôi thường thấy tình trạng, sách ở quầy “văn học thiếu nhi” rất khiêm tốn. Hoặc có nhà sách không đề bảng “văn học thiếu nhi” mà là “văn học tuổi mới lớn” và chỉ có các đầu sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, có thêm là “tuyển tập truyện ngắn Việt Nam dành cho thiếu nhi”, hay các đầu sách tái bản “dế mèn phiêu lưu ký”, “Đất rừng phương nam”… Ngoài ra là các đầu sách dịch như  “Người săn hồn ma”, “Săn lùng ma cà rồng” vv… còn lại là toàn  tranh truyện  đủ loại. Ấy vậy mà cũng tại những quầy sách này, luôn có những bạn thiếu nhi lớn nhỏ, tụm năm, tụm ba đứng ngồi đọc sách “chùa”. Có lần tôi hỏi một cậu bé  đang đọc cuốn “Đất rừng phương nam” của Đoàn Giỏi  : “sao cháu không mua đọc mà lại đứng “đọc nhờ” ở đây ?”. Cậu bé bẻn lẻn cười : “cháu không có tiền mua nên phải vào đây đến cả chục lần đọc “chùa” mới hết đấy!”.  Tôi lật bìa 4, giá sách là 39.000 đồng. Tôi mới nghiệm ra rằng, các tác phẩm viết cho thiếu nhi vẫn còn rất hấp dẫn đối với các em. Miễn là sách phải hay, phù hợp với lứa tuổi của các em.

 

PV : Được biết, không chỉ viết cho thiếu nhi, mà ông còn có một số tác phẩm dành cho người lớn cũng không kém phần gay cấn, hấp dẫn ?

 

Nhà văn Nguyễn Đức Linh : Hiện nay, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân Dân đã hoàn thành  khâu biên tập và đang làm tiếp các để in cho tôi tập truyện ngắn “ Chuyện của một người lính”. Tôi cũng đang tranh thủ hoàn thành cuốn tiểu thuyết “Nấm mồ hai chiến sỹ”. Việc đánh giá hay dở, còn tùy thuộc vào nhận xét của bạn đọc. Tuy nhiên, viết cho các em vẫn mãi là niềm đam mê của tôi, với 04 đầu sách đang viết cùng một lúc, cũng sắp xong.

 

PV : Vâng ! xin cảm ơn những chia sẻ của ông và xin chúc Nhà văn Nguyễn Đức Linh tiếp tục gặt hái những thành công mới./.

 

Thế Dũng (thực hiện)

Thế Dũng
Số lần đọc: 2647
Ngày đăng: 08.09.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguyễn Hữu Hồng Minh - Nhà thơ hiện nay như con sói trụi lông... - Nguyễn Hữu Hồng Minh
Nhà thơ - nhà nghiên cứu Inrasara: Sự thật lịch sử là bất khả, nhưng vẫn được kể lại - Inrasara
Nhà thơ Phạm Tấn Dũng: Không muốn chấm, phẩy vào mạch thi ca... - Phạm Tấn Dũng
Về Bảo Tồn Di Sản Văn Hóa Sài Gòn - Nguyễn Thị Hậu
NHÃ THUYÊN : Mỗi tác phẩm là một sự vong thân…? - Nhã Thuyên
Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu: Đi tìm “Hoa mộc miên biên giới” - Nguyễn Linh Khiếu
Bài phỏng vấn nhà thơ Ðặng Hiền - Đặng Hiền
Dịch giả Nguyễn Khánh Long: Linda Lê luôn ám ảnh bởi “viết” và “chết” - Nguyễn Khánh Long
Richard Millet: Chúng ta đã giết chết Pháp văn - Trần Vũ
người Hà Nội, người ở Hà Nội - Sương Nguyệt Minh