Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
762
116.540.917
 
Tham luận bàn tròn văn xuôi đồng bằng sông Cửu long - Tiền Giang 10-9-200 : ” Không trói buộc văn học vào những cuốn sách”
Trần Quốc Toàn

Lại có lần, từ lâm trường bộ An Biên quá giang tam bản của một bà má, đi dọc sông Trẹm rồi rẽ sâu vô ngọn tới một trạm gác rừng, má Nam Bộ, vừa chèo ghe vừa kể cho nghe những chuyện mình không thể tưởng tượng ra, về những vết sẹo bà mang trên người. Sẹo của trái nổ đứa con gài diệt Mỹ Ngụy mà người mẹ đạp nhằm. Sẹo để lại từ đường dao gỉai phẫu, một sĩ quan quân y Mỹ , mở đường ra đời cho đứa con út khó sanh của bà, đứa con hoài thai trong rừng sâu chống Mỹ.Chuyện óai oăm này tôi viết thành truyện Sẹo u minh, nhà văn Trang Thế Hy có đọc bản thảo, có nhớ, để sau đó mấy năm gặp tôi ông còn hỏi, truyện ấy đã đăng ở đâu chưa? Tôi viết truyện ấy nhưng lại nghĩ, nhân vật anh hùng của tôi đang nhắm mắt chịu đau, tự xăm mình thành tác phẩm văn chương. Sống ở đồng bằng này những năm vừa gỉai phóng, tôi cón kịp hít thở thật sâu sinh khí của thứ văn chương thoáng đãng, giang hồ, ít bụi sách, nhiều hương đồng như thế. Đất này tạo cho tôi hứng khởi để bắt đầu tự tin, dám kể một câu chuyện thật đơn giản, hư cấu rất nhiều, cốt đẩy diễn biến tới được cao trào ( mà tôi cho là hay) anh văn công giải phóng hào sảng, đổ một câu vọng cổ vào chính phút giao thừa chiến khu, để nối liền hai năm cho một cuộc chiến đằng đẵng tới hai mươi năm. Truyện ấy được một cái giải nho nhỏ của báo Văn Nghệ, tôi được biết, truyện ấy, nhà văn Nguyễn Quang Sáng cho điểm cao. Đọc truyện ấy, nhà văn Lê Văn Thảo, khi xuống giảng bài cho một lớp sáng tác dưới này, đã đề nghị tác giả truyện ấy đứng lên để ông coi mặt. Tôi khoe ra như thế mà không mắc cỡ là để có dịp cảm ơn những người đi trước, là để nhắc lại một hiển nhiên là, không phải nơi sinh ra ta, chính nơi ta cắm rễ sống mới là quê hương văn học của ta! Tôi đã sống ở đây, làm thầy dạy chữ rồi học chính những giáo sinh của mình việc đi cộ, chèo ghe, ngủ nóp, cắt lúa; học Mười Đởm gỉoi cảm hóa người trong rừng U Minh, học Ba Trọng giỏi cải tạo đất ngoài đồng Tháp Mười, học đo lòng người bằng công tầm cắt, đo lòng mình bằng công tầm điền.

 

2. Từ nguyên tắc đo này, nhìn lại công việt văn chương của chính mình sau mười năm xa cách Đồng Bằng tôi có nhận xét thế này. Những người viết quyết sống bằng ngòi bút mà dạt lên phố thị, phần lớn sống bằng nghề viết báo. Dạ Ngân của Cần Thơ. Nguyễn Trọng Tín của Cà Mau, Nguyễn Khoa Đăng, Hà Văn Thùy của Kiên Giang, Trần Thị Hoàng Anh, Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Việt Hải, Trần Quốc Toàn của Đồng Tháp đều thế! Nhưng trên ấy chỉ một vài tờ báo thuần văn chương, chẳng thể đủ việc cho lao động nhà văn, làm sao sống bằng văn! Chúng tôi phải hùng hục viết đủ các thứ báo thị trường! Đã làm báo thì phải viết nhanh mới kịp ra nhật trình, đã nhanh thì dễ ẩu, số lượng lấn lướt chất lượng. Trong một ngòi bút lưỡng phân văn báo, sự tăng trưởng văn học luôn theo cấp số cộng trong khi với báo chí là cấp số nhân. Những tác phẩm báo chí ( xin để chữ tác phẩm trong dấu nháy) rất nhanh đạt con số nghìn, rồi hàng nghìn trong khi những tác phẩm văn chương thật sự thì chẳng thêm bao nhiêu, có khi còn ít đi, không phải vì chắt lọc mà vì teo tóp theo luật đào thải của thời gian. Tôi bái phục những người cứ tà tà sống với văn dưới đồng bằng này như Ngô Khắc Tài, Phạm Trung Khâu, Vũ Đức Nghĩa, Lương Minh Hinh, Nguyễn Ngọc Tư, Vũ Hồng, Trần Thôi, Hồ Tĩnh Tâm, Thai Sắc...Nhưng tôi cũng muốn các bạn văn đồng bằng của tôi, tầng tầng mau hơn trong trước tác và sự nghiệp nói chung.

 

3.Muốn vậy, theo tôi, cần mở nhiều hơn nữa những lối vào văn học để được viết nhiều hơn, để ngòi bút chuyên nghiệp hơn. Không nên khăng khăng trói buộc văn học vào những cuốn sách. Khi thưởng ngọan của xã hội ngày càng nghiêng về nghe nhìn, trói buộc như thế chỉ làm văn học ngày càng xa rời đời sống. Văn học nói chung, văn xuôi nói riêng hãy tìm cách sống chung một tác phẩm với điện ảnh, với sân khấu, với âm nhạc, với hội họa. Trong một truyện tranh có một phần hai, một phần ban văn học vẫn hơn là chẳng có tí nào. Văn học nên mềm mại hơn để nếu cần có thể chảy vào các màn hình tinh thể lỏng của những ti vi cực lớn và những điện thọai cầm tay cực nhỏ. Nên chăng, chính chúng ta cũng mềm mại đi để không những làm tròn trách nhiệm của một cái đinh ốc nhỏ trong cỗ máy tuyên truyền lớn như một lãng tụ đã từng nói, mà còn sẵn sàng nhận cả những chuyên ngành nhỏ từ sự phân công của ngành công nghiệp giải trí đang ngày một khổng lồ và phát đạt trong nền kinh tế thị trường. Một lấn nữa xin nhắc lại, trong thế kỉ nghe nhìn này, không nên khăng khăng trói buộc văn học vào các cuốn sách.

Trần Quốc Toàn
Số lần đọc: 2653
Ngày đăng: 18.02.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại