Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
507
116.586.143
 
NHÀ THƠ HỮU THỈNH & “BÀN TRÒN VĂN XUÔI ĐBSCL LẦN THỨ I” : ĐBSCL khó khăn nhất, xa nhất, làm được nhiều nhất!
Giáp Nguyễn

Dịp này, trang web “Văn nghệ sông Cửu Long” : (http://www.vannghesongcuulong.org) được ra mắt nhằm giới thiệu tổng quát về hoạt động văn học nghệ thuật của ĐBSCL. Để tìm hiểu thêm một số hoạt động về văn xuôi ĐBSCL và việc quản lý các website văn học, CTV Người Viễn Xứ đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Hữu Thỉnh, Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập báo Văn Nghệ.

 

- Thưa nhà thơ, xin nhà thơ đánh giá tình hình văn xuôi ĐBSCL trước đây và hôm nay?

 

Nhà thơ Hữu Thỉnh: ĐBSCL là vùng đất của Nam bộ. Từ khi có chữ quốc ngữ, Nam bộ lại là vùng “mở cõi” văn xuôi đầu tiên của cả nước. Từ Trương Vĩnh Ký, Hồ Biểu Chánh, Đoàn Giỏi, Sơn Nam, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Bình Nguyên Lộc, Trần Thanh Giao, Lương Hiệu Vui... cho đến Lê Vĩnh Hòa, Lê Văn Thảo, Ngô Khắc Tài, Nguyễn Trọng Tín, Dạ Ngân, Trầm Hương,... cho đến gần đây nhất là Nguyễn Ngọc Tư... thì văn xuôi ĐBSCL đã đóng góp rất lớn trong nền văn học nước nhà trước cách mạng cũng như trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và sau này là thời kỳ đổi mới.

 

Tuy nhiên, những năm gần đây lực lượng viết văn xuôi dường như chững lại và có dấu hiệu tẻ nhạt. Nhiều cuộc thi về tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký... vắng hẳn các cây bút ở đây. Chẳng hạn, Hội Nhà văn đã nhận 182 tiểu thuyết dự thi và rất hiếm các cây bút đồng bằng. Cũng như sắp tới đây, báo Văn Nghệ sẽ in 30 truyện ngắn nhưng chỉ có 2 truyện ngắn là của ĐBSCL.

 

- Nhiều tham luận tại Bàn tròn lần này đặt vấn đề: văn xuôi ĐBSCL chưa tìm đúng hướng đi, nghĩa là chưa tự giới thiệu (tiếp thị), cũng như do tình hình lý luận phê bình văn học chung của cả nước chưa “nhìn thấy” văn học ĐBSCL. Theo nhà văn thì nguyên nhân do đâu?

 

- Nhiều nhà lý luận phê bình cứ nói rằng, văn học chúng ta không có đỉnh cao. Tôi chỉ ra 15 cuốn tiểu thuyết gần đây nhưng không ai đọc. Chẳng hạn như nhà văn Nguyễn Văn Xuân viết cuốn Tống Thị phu nhân mười mấy năm, tôi cho rằng ông viết rất công phu, nhân vật Tống Thị không thua gì một Dương Quý Phi, một Từ Hi Thái Hậu bên Trung Quốc... Nếu như trong sáng tác đáng sợ nhất là sự tẻ nhạt thì trong lý luận phê bình đáng sợ nhất là nói dựa (nói không căn cứ), không chịu đọc tác phẩm. Tính chuyên nghiệp trong văn học thể hiện trình độ trong tác phẩm không phải là số lượng hay là lao động của nhà văn. Tôi đặc biệt quan tâm và có thể nói là ưu ái các tác phẩm văn học ĐBSCL gởi về báo Văn Nghệ, nhưng rất hiếm… Như Nguyễn Ngọc Tư năm ngoái có tập truyện ngắn “Giao thừa” đoạt giải và liền sau đó được kết nạp vào Hội Nhà văn. Nhưng phải nói thật, văn của Nguyễn Ngọc Tư chưa uyển chuyển, mềm mại… Hy vọng sẽ có bước đột phá”.

 

- Vậy theo ông đâu là mặt mạnh nhất của bàn tròn lần này. Và sự “ưu ái”nào từ Hội Nhà văn dành cho văn học ĐBSCL?

 

- “Bàn tròn văn xuôi” lần này đã thành công. Và đây mới chính là nơi thành công cho nền lý luận phê bình vì mỗi bản tham luận đã mang tính lý luận phê bình cao. Vì đây là vùng khó khăn nhất, xa nhất nhưng lại làm được nhiều việc nhất. Đó là đã tổ chức bàn tròn thơ ca năm ngoái (ngày 24.9.2003, “Bàn tròn thơ ĐBSCL” đã tổ chức thành công tại Cần Thơ - NV) nay lại là bàn tròn văn xuôi. Và Hội Nhà văn rất thèm có trang web riêng nhưng ĐBSCL lại đã có trước.

 

Sau khi trả lời câu hỏi trên, nhà thơ Hữu Thỉnh đã nêu ra bốn kiến nghị: “Một là, có trụ sở, con dấu và cần có một phụ bản báo Văn nghệ dành cho ĐBSCL. Hai là, đẩy mạnh lý luận phê bình, phải được tổ chức như hôm nay. Ba là, có tính chiến lược, gấp rút, mạnh dạn thay đổi và bồi dưỡng lực lượng trẻ. Bốn là, các cơ quan báo chí, các nhà xuất bản… cởi mở, công bằng hơn, không nói là ưu ái hơn, cho các sáng tác của vùng ĐBSCL”.

 

Trở lại cuộc trao đổi, chúng tôi đặt câu hỏi:

 

- Thưa ông, việc quản lý văn học trên Internet trong Luật xuất bản (sửa đổi) vẫn chưa được đề cập. Theo ông, cần có những biện pháp gì để bảo vệ quyền tác giả (sở hữu trí tuệ) theo Công ước Berne ?

 

- Đúng là đã đến lúc để đặt vấn đề quản lý xuất bản trên internet vì thực tế thời gian qua nhiều tác phẩm (tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ) bị các NXB, các tòa soạn báo từ chối in đã được tung lên mạng với mức độ phổ biến rất rộng, gấp cả trăm lần số đầu sách in ấn theo phương thức cổ điển. Với những tác phẩm xấu thì tác hại vô cùng ghê gớm, vì đối tượng đọc văn học trên mạng chủ yếu là giới trẻ. Theo tôi, dự án Luật xuất bản (sửa đổi) lần này cần phải đưa xuất bản internet vào phạm vi điều chỉnh. Khi cấp phép cho các trang web hoạt động, cần phải ràng buộc họ về mặt pháp lý. Chủ các trang web phải có trách nhiệm trước cơ quan quản lý, trước xã hội về việc cung cấp thông tin. Xuất bản trên internet tác giả cũng phải chịu trách nhiệm về nội dung tác phẩm của mình. Nếu đó là tác phẩm chưa được thẩm định, có nội dung xấu nhưng tác giả cố tình đưa lên mạng thì tác giả phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi do mình gây ra. Phải có chế tài xử phạt thật nghiêm đối với những hành vi cố tình lách luật.

 

- Xin cảm ơn ông.

 

Giáp Nguyễn
Số lần đọc: 1483
Ngày đăng: 18.02.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại