Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
577
116.535.411
 
“Nguyễn Trãi” tái ngộ khán giả
Cát Vũ

Hai “vườn” này, vì những lý do khác nhau, đã tạm ngưng diễn trong một thời gian dài, giữa lúc nhiều khán giả vẫn còn náo nức chờ xem.

 

“Bí mật” của Bí mật vườn Lệ Chi.- Từ một kịch bản đoạt giải trong cuộc thi sáng tác kịch bản do Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN tổ chức năm 1984 của tác giả Hoàng Hữu Đản, NSƯT Thành Lộc đã dàn dựng cho Sân khấu IDECAF. Vở được Hội đồng Nghệ thuật của Sở VHTT thông qua, ra mắt khán giả vào năm 2000 và tổng số suất diễn đã lên đến trên 80, trước khi được HTV mời truyền hình trực tiếp tại Nhà hát TP trong chương trình Dưới ánh đèn sân khấu. Thế nhưng, ngay sát giờ trước buổi diễn để trực tiếp truyền hình, vở đột ngột có lệnh ngưng diễn vì cơ quan chức năng cho biết, theo một số “nhà sử học” thì nội dung có một chi tiết không đúng với “sách vở”. Sử chép rằng hoàng hậu Nguyễn Thị Anh rất mực thương yêu vua Lê Thánh Tôn nên không thể có chuyện bà ra lệnh xử trảm bà Ngọc Giao, mẹ của vua Lê Thánh Tôn, như nội dung vở thể hiện.

 

Chỉ là lệnh “miệng”, không có một văn bản chính thức nào gửi xuống đề cập đến quyết định không cho diễn, chỉ là “tạm ngưng” để chờ thêm ý kiến của các nhà sử học nhưng đã 4 năm qua, vở đã bị xếp vào kho. Trong suốt thời gian ấy, Công ty Tổ chức Biểu diễn Nghệ thuật Thái Dương, đơn vị sản xuất vở kịch Bí mật vườn Lệ Chi, đã nhiều lần đề đạt nguyện vọng được có một buổi làm việc với cơ quan chức năng, thậm chí với các nhà sử học để giải trình và đối thoại, tìm hướng mở tích cực cho vở diễn nhưng tuyệt nhiên không thấy ai động tĩnh gì, không có một buổi gặp gỡ nào.

 

 

Nghệ sĩ Thành Lộc và Hồng Vân trong vở Tiếng chim vườn Ngọc Lan

Điều đáng ngạc nhiên hơn là trong cùng thời gian khi vở Bí mật vườn Lệ Chi phải tạm ngưng biểu diễn, vở cải lương Vằng vặc ánh sao khuê của Nhà hát Cải lương Trung ương có cùng nội dung, thậm chí còn có cảnh hoàng hậu Nguyễn Thị Anh truy sát bà Ngọc Giao tới tận chùa, lại được Hội Sân khấu VN trao giải thưởng vở hay nhất trong năm. Vậy cái gì đúng, cái gì sai, đến nay vẫn chưa hề được ngã ngũ. Thật ra, vở kịch Bí mật vườn Lệ Chi không nhằm đào sâu mâu thuẫn giữa hai bà Nguyễn Thị Anh và Ngọc Giao mà nội dung chính là qua vở, cùng nhau suy tưởng về một con người tài đức, trí dũng có số phận gắn liền với một giai đoạn lịch sử. Con người đó là Ức Trai Nguyễn Trãi.

 

NSƯT Thành Lộc, người chịu trách nhiệm dàn dựng Bí mật vườn Lệ Chi, cho rằng anh thực sự rất buồn vì qua những ý kiến phê phán, anh đồ rằng một số “nhà sử học” nào đó đã xem vở không kỹ và chưa có một cái nhìn đúng về cách làm nghệ thuật. Vở kịch không phải là bản photocopy của chính sử mà chỉ mượn chuyện lịch sử để nói về con người, trong đó yếu tố hư cấu mang giá trị của sự sáng tạo. Hơn nữa, lúc dựng vở, anh đã rất kỹ lưỡng khi cho nhân vật Nguyễn Thị Anh một đoạn độc thoại khá dài, nhằm bộc lộ nỗi ân hận của bà khi vội vàng xuống chỉ xử trảm Nguyễn Trãi và Ngọc Giao. Bà rút lại chiếu chỉ nhưng đã muộn vì những kẻ thừa hành đã “cướp cò”!

 

Tiếng chim vườn Ngọc Lan chuyển... lồng.- Không “nặng nề” như Bí mật vườn Lệ Chi nhưng Tiếng chim vườn Ngọc Lan cũng phải mất một thời gian khá dài mới được phép cho dựng lại trên Sân khấu IDECAF vì một lý do “nhạy cảm” là vở đề cập đến chuyện đồng tính, không khuyến khích đề tài này phát triển rộng rãi, chỉ được diễn ở Nhà hát thử nghiệm 5B mà thôi. Ngay khi ra mắt, Tiếng chim vườn Ngọc Lan trên sân khấu Nhà hát 5B đã nhanh chóng gây được tiếng vang vì lần đầu tiên một vở kịch ở TP đề cập đến nỗi đau thầm kín của người đồng tính.

 

Với một kịch bản mang đậm chất nhân văn cùng với tài nghệ diễn xuất đồng đều của một dàn diễn viên ngôi sao như NSND Diệp Lang, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hồng Vân (nghệ sĩ Thanh Thủy), NSƯT Kim Xuân, Quốc Thảo... Lúc ấy vở đã trở thành một trong những tiết mục “hot” nhất của sân khấu này. Tuy nhiên, do sự biến động về nhân sự, vở đã không thể tiếp tục sáng đèn. Nhận thấy đây là một vở hay, đồng thời có một thực tế là hầu hết diễn viên của vở hiện đang cộng tác với Sân khấu IDECAF nên nơi đây đã đề nghị được dựng lại Tiếng chim vườn Ngọc Lan nhưng phải mất gần 4 năm, nguyện vọng này mới được chấp thuận.

 

Rượu cũ, bình mới?!.- Cũng không có một văn bản nào được ký, song Ban Giám đốc Công ty Tổ chức Biểu diễn Thái Dương (nơi quản lý 2 sân khấu IDECAF và số 7 Trần Cao Vân) cho biết mình đã được “bật đèn xanh” cho phép tái dựng 2 vở nói trên. NSƯT Thành Lộc tiết lộ, Bí mật vườn Lệ Chi vẫn giữ nguyên nội dung cũ, chỉ “rà soát” lại để đẩy tiết tấu lên nhanh hơn. Phần diễn viên sẽ có một vài thay đổi vì trước mắt, nghệ sĩ Tú Trinh đã không còn cộng tác nên anh đang nhắm chuyển vai Nguyễn Thị Lộ cho một trong ba ứng viên: Kim Xuân, Hồng Ánh, Tuyết Thu. Vì tuổi tác nhân vật, các diễn viên “dàn bao” cũng sẽ được tính toán để trẻ hóa cho phù hợp.

 

Dựng lại Tiếng chim vườn Ngọc Lan, nữ đạo diễn Minh Nguyệt cũng sẽ “tái xuất giang hồ” sau thời gian khá dài lo kinh doanh địa ốc. Chị sẽ không phải vất vả lắm vì ngoại trừ vắng Quốc Thảo (vai Thao Hồng), tất cả các diễn viên khác đều đang có mặt. Chỉ thêm diễn viên Hữu Châu sẽ “đúp” vai NSND Diệp Lang (cha Thao Hồng) mỗi khi sức khỏe ông có “vấn đề”.

 

Việc hai vở kịch nói trên được cho phép tái công diễn đã đem lại cho Sân khấu IDECAF nói riêng và sân khấu TP nói chung sự vui mừng và niềm tin. NSƯT Thành Lộc tâm sự rằng, anh rất vui vì đứa con mình đẻ ra sau một thời gian bị nhốt trong lồng kính (dù không èo uột) đã được hít thở không khí bình thường. Với người làm nghề, có vai diễn hay là niềm hạnh phúc. Với khán giả, được thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật nghiêm túc, dàn dựng công phu cũng là được giàu thêm đời sống văn hóa. Và đúng như lời của một nhà thơ Nga, anh tin rằng cái đẹp, trước sau gì cũng sẽ cứu rỗi thế giới.

 

H.1 Nghệ sĩ Thành Lộc và Hồng Vân trong vở Tiếng chim vườn Ngọc Lan:

H.2 :Nghệ sĩ Hữu Châu (giữa) vai Nguyễn Trãi trong vở Bí mật vườn Lệ Chi

Cát Vũ
Số lần đọc: 2430
Ngày đăng: 16.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhà báo Trần Thanh Phương: Vất vả với bút tích các nhà văn - Minh Huyền
Festival Huế 2006: Một Huế xưa huyền ảo - Bùi Ngọc Long
Những bài viết liên quan đến trang Sông Cửu Long: “Văn nghệ Sông Cửu Long” - đứa con cần “giá thú” - Hoài Hương
Những bài viết liên quan đến trang Sông Cửu Long:Trang web - Ngô Thị Kim Cúc
Tham luận bàn tròn văn xuôi đồng bằng sông Cửu long - Tiền Giang 10-9-200 : ” Không trói buộc văn học vào những cuốn sách” - Trần Quốc Toàn
Văn xuôi ĐBSCL : - Trần Minh Trường
Bàn tròn văn xuôi ĐBSCL lần thứ I - Trần Minh Trường
NHÀ THƠ HỮU THỈNH & “BÀN TRÒN VĂN XUÔI ĐBSCL LẦN THỨ I” : ĐBSCL khó khăn nhất, xa nhất, làm được nhiều nhất! - Giáp Nguyễn
Văn xuôi ĐBSCL- Tính chuyên nghiệp chưa cao - C.Thành
Cùng một tác giả