Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
502
116.594.153
 
Chuyện xảy ra ở bệnh viện
Trương Văn Dân

Nguyên  tác : Questioni ospedaliere

Của Dino Buzzati ( Ý ), TRƯƠNG  VĂN   DÂN   Chuyển   ngữ

 

Bồng đứa cháu gái trên tay, mình  đầy máu, tôi hấp tấp lách qua chiếc cổng phụ khép hờ để vào bệnh viện. Tôi không biết có lão gát gan hay anh bảo vệ nào không, cũng chẳng biết là có ai nhìn thấy mình hay đang la mắng gì không. Trong lúc hốt hoảng vì cần làm gấp, tai tôi như ù đi và chẳng nghe thấy gì.

 

Có nhiều khu điều trị sừng sững giữa một khuôn viên rộng.Vừa chạy tôi vừa tiến đến một dãy lầu gần nhất, leo vội mấy bậc thang, tôi bước  ngay vào tiền sảnh. Có một người y tá hay gì gì đấy mặc áo choàng trắng vừa đi ngang qua, dường như ông ta cũng có vẻ vội.

"Thưa ông", tôi ngập ngừng và rụt rè hỏi thăm. Nhưng gã ta  không cho tôi nói hết câu.        " Ông không biết đọc à ? Đây là  khu lâm sàng, và thứ này đâu phải chuyện làm ở đây" vừa nói ông  vừa lấy cằm ra hiệu về phía bé gái đang nằm trên cánh tay tôi, coi như đó là một thứ hàng hoá hay một con bò, một  bé gái đang trong tình trạng nguy cấp và có lẽ sắp chết.

Tôi van  vỉ : " Vậy chỗ nào? Tôi phải đi đâu?". "Thì vào cổng chính đó " gã y tá lớn tiếng một cách khó chịu. " Ông phải vào  khu nhập viện" ( gã ta  phát âm chữ nhập viện bằng một giọng rất là nghi thức), cuối đường, nằm  bên trái đó ."

Tôi hấp tấp  chạy ra đường chính. Sự mệt mỏi làm hai cánh tay tôi như tê liệt. Cái đầu của bé gái lắc lư theo từng bước chân, đánh qua đánh lại như ngầm ý bảo là  hãy bỏ cuộc đi, tất cả đã vô ích.

Tôi đọc thấy mấy chữ "Khu giải phẩu " viết bằng chữ lớn trên một tấm bảng trước một dãy nhà cao. Không chần chừ. Nhưng trên bục  kệ có một bà sơ mặc áo trắng đang đứng, khuôn mặt có vẻ hiền từ. " Thưa ma sơ, làm ơn xem..." Nhưng giọng nói thật dịu dàng của bà ta đang ngăn không cho tôi nói hết câu: " Xin lỗi ông, thế này là không được " bà sơ nói với lòng bác ái của chúa " Nếu ông  chưa  có giấy...chưa có giấy nhập viện...thì không vào đây được". " Nhưng sơ không thấy là cháu bé bị thương nặng lắm sao? Vết thương vẫn còn tiếp tục chảy máu " tôi xuống giọng năn nỉ " làm ơn băng bó vết thương giùm cháu, tôi van sơ mà ". " Ông ơi, việc này đâu phải tuỳ thuộc ở tôi" bà ta trả lời, và giọng của bà ta bỗng trở nên lạnh lùng và rất hành chánh " Không thể cho nhập viện một bệnh nhân như vậy! Ông đừng mất thời giờ nữa. Hãy đến làm thủ tục ở khu nhập viện!" Nằm ở đâu?" tôi ấm ức hỏi lại." Cuối đường kia nè, ông thấy chứ? Dãy lầu sơn màu đỏ ." Trong làn nước mắt, tôi nhìn theo tay chỉ, thấy ở cuối  khu vuờn có một dãy nhà sơn đỏ, trông hơi nhỏ vì tôi đang đứng từ xa. Tôi đứng chết lặng, ngỡ ngàng. " Thật tội nghiệp " bà sơ vuốt ve, giọng bà ta lúc này đã trở nên dịu dàng, và vừa xoa cái đầu đầy máu của cháu bé bà vừa lắc đầu nhè nhẹ " Tội nghiệp con bé quá"

Tôi tiếp tục bước đi, trong tuyệt vọng. Giờ thì tôi không còn sức để mà chạy nữa. Tôi vừa đi vừa nhìn chăm chăm vào cái bóng màu đỏ nằm đàng xa.  Còn bao lâu nữa tôi mới đến được nơi đó?

 

May quá, đang có một người đang đi về hướng tôi. Đó là một người đàn ông khoảng chừng 40 tuổi, cũng mặc áo choàng trắng, có để râu. Có lẽ ông ta là một bác sĩ, tôi nghĩ thế.

" Đi đâu với kiểu này vậy? Ai cho ông vào đây?" Ông ta chặn tôi lại và hình như đang chăm chăm nhìn vào những  vết màu đỏ tươi  trên con đường lát sỏi trắng mà tôi vừa bỏ lại  sau lưng mình. Tia nhìn đầy khiển trách và  như đang buộc tội.

"Bác sĩ ơi, ông không thấy hay sao?" tôi hốt hoảng "Ông làm ơn giúp tôi, ông cứu giùm cháu bé đi, tôi van ông!"

"Nhưng ông vào từ lối nào? Nói đi, từ lối nào" Ông ta lãnh đạm, hỏi vặn tiếp.

" Vào cổng" tôi trả lời " Tôi đã  bước qua một chiếc cổng "

"Ôi Chuá ơi! Khuôn mặt ông ta nhăn nhúm lên vì giận dữ "À, bọn bảo vệ làm ăn như vậy hả? Đồ ăn hại! Lại còn không đóng cổng nữa chứ. Hừm...rồi chúng mày sẽ biết... này, ông nói đi, ông vào đây bằng cổng nào?"

"Làm sao mà tôi biết cổng nào!" Tôi nóng tiết trả lời ; Nhưng ngay lập tức tôi sợ là trả lời như vậy có thể làm cho ông ta phật ý, vì tôi còn cần phải nhờ vào sự cứu giúp của ông ta "Từ cổng đó đó, cổng mở mà ". Rồi tôi dợm người định bước đi.

Nhưng ông ta chụp lấy vai tôi, giữ lại." à không, đây là việc cần phải làm cho rõ. Trước khi bỏ đi, ông phải giải thích một cách chính xác là ông đã vào cổng bằng cách nào."

Nghe tiếng tranh cãi, có một người đàn ông khác đang tiến lại. Nhìn vào dáng dấp, tôi nghĩ rằng ông ta cũng là một bác sĩ. Cũng có thể là người có thẩm quyền.

"Ông có muốn nghe một chuyện hài không?" Ông bác sĩ để râu, phẫn nộ, thông tin cho người vừa tới. " Cái  cha này  đi vào đây qua cổng phụ! Hừm,  Bây giờ người ta đi vào đây như vào một cái chợ!  Bây giờ người ta mang bệnh  nhân đi lòng vòng như đi trong nhà mình!"

Người vừa đến, mỉm cười thích thú một cách thật quái lạ. Ông ta gật gật đầu nhưng không đánh mất vẻ bình tĩnh. Sau đó, ông đưa một ngón tay ra sờ lên màng tang bé gái, lúc này đã bất tỉnh, rồi nhấn mạnh vào vòng ngoài vết loét. Tôi thụt lùi, như bị người ta dụi vào một que củi đang cháy đỏ. Nụ cười của người đàn ông lúc này  như mở rộng hơn. Tôi nghe ông ta lẩm bẩm : " phần.... bị nguy rồi" chữ thứ hai là một  danh từ chuyên môn rất khó mà tôi không nghe rõ.

"Phần... nào bị nguy, thưa giáo sư?" Tôi vội hỏi ông ta. "Nhờ ông giúp cho cháu, tôi xin ông...làm ơn giúp cháu trước khi quá trễ."

"Nhưng đây là bệnh viện" ông ta trả lời, bằng giọng điệu của một người ý thức rất rõ về quyền hạn của mình." Cậu có biết  nơi đây là bệnh viện không, cậu bé ! Bệnh viện, chứ đâu phải là khách sạn... Nhưng thôi,  đi lẹ lên, nhanh lên. Cậu phải đi về cuối khu vườn đó! "

Tôi bước đi, một cách máy móc. "Ê ! Ông chưa nói cho tôi biết là ông đã vào đây bằng cổng nào! Ông cần phải báo cáo cho tôi biết chứ! Bộ tính đi luôn hã?" Tôi nghe từ phía sau lưng mình tiếng nói  lớn giọng của ông bác sĩ có râu, đang nằng nặc đòi mở cuộc điều tra. Tôi còn nghe thêm một câu nữa " Đồ vô ý thức!". Nhưng lúc này thì tôi đã cách xa rồi. Tôi chạy, không biết bằng cách nào mà tôi chạy, trên hai cánh tay vẫn bồng cháu gái, khắp người thấm đầy máu. " Quỉ sứ sẽ xé thịt bọn bay" tôi gào lên, chửi mắng bọn bác sĩ, ma sơ, y tá. " Một lũ mắc dịch". Nhưng, tôi biết, dựa vào thủ tục thì họ có lý. " Dịch hạch ! " tôi gào lên, gào lên." Quỉ sa tăng sẽ xé xác chúng mày!"

Trương Văn Dân
Số lần đọc: 2192
Ngày đăng: 12.10.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện Tình Nghe Kể - Mang Viên Long
Thằng Tít-rằn - Từ Sâm
Âm Bản Chiến Tranh - Xuân Tuynh
Chuyện Đi Không Hẹn - Song Thao
Bên Tách Trà Khuya - Mang Viên Long
Và Nhiều Năm Sau Nữa… - Nguyễn Thị Hậu
Hội thi hương - Lưu Thuỷ Hương
Bóng Cũ - Phạm Văn Nhàn
Có Ngọn Đèn Thức Đợi Trong Đêm - Vương Hà
Thơ thẩn - Huỳnh Văn Úc
Cùng một tác giả
Những sợi tóc (truyện ngắn)
Ngã Rẽ (truyện ngắn)
Một áng mây bay (truyện ngắn)
Những gã thợ săn (truyện ngắn)
Colombre (truyện ngắn)
Thời hạn (truyện ngắn)
Chiếc áo dị kỳ (truyện ngắn)
Quyển Sách (truyện ngắn)
Ngọn tháp (truyện ngắn)
Một ngày của Chuá (truyện ngắn)
Những người bạn (truyện ngắn)
Tâm lý trị liệu (truyện ngắn)
Một ngày của Chuá (truyện ngắn)
Paris, ngày trở lại (truyện ngắn)
Về với hư không (truyện ngắn)
Lỗi kết nối (truyện ngắn)
Tòa soạn Quán Văn (tiểu luận)
Cuộc hội ngộ câm (truyện ngắn)
Quán Văn, số 100 (tiểu luận)