Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
832
116.620.188
 
Tìm Hiểu Về Con Người Vua Tự Đức
Hồ Bạch Thảo

Trong các vua nhà Nguyễn, Tự Đức làm vua lâu nhất; lên ngôi vào năm 1848, thăng hà vào năm 1883, tổng cộng 36 năm. Trong thời gian trị vì, Pháp xâm lăng Việt Nam, loạn lạc xảy ra khắp nơi, trách nhiệm của nhà vua đối với lịch sử thật lớn lao. Trước khi nhận những lời phê phán của lịch sử; vua Tự Đức đã tự trách mình qua đạo dụ “ Tự Biếm” vào năm 1876 như sau:

 

“ Trẫm tuổi thơ được nối ngôi báu, nhờ công tổ tiên bấy giờ quốc gia toàn thịnh. Việc nước việc đời, chưa từng kinh nghiệm; không để ý đến lời răn “ lúc yên ổn phải nghĩ đến lúc nguy nan ,” mãi đam mê theo thói vui chơi; cho đến nỗi trên thì trời trách phạt, dưới thì dân oán hờn, ngoài thì ngoại bang giận dữ, trong thì không có kế hoạch tốt hay. Cứ việc đến thì lo, nhưng không giải quyết được công việc. Miễn cưởng theo mưu kế của bậc lão thần (1), bỏ đất đai và dân chúng 6 tỉnh Nam Kỳ, để cầu khỏi nạn chiến tranh và yên xã tắc. Trên 200 năm khai sáng gìn giữ gian nan, bỏ trong một sớm; chính là tội của tên tiểu tử này,kể sao cho xiết! Túng sử có lập được nên công đức cũng không đủ chuộc được tội lỗi. Huống hồ Trẫm lại không công không đức, chỉ trơ mặt trơ thân ngồi nhìn, lần lữa cho đến già yếu; tuy thiên hạ không nỡ trách ta, nhưng lòng ta há lại không suy nghĩ .” ( 朕 冲 齡 阼, 憑 藉 前 庥, 國 家 全 盛 ,政 務 世 故, 未 嘗 留 意. 昧 居 安 慮 危 之 戒, 惟 眈 樂 之 從, 以 致 上 干 天 譴 ,下 畜 民 怨, 外 招 鄰 怒, 内 乏 良 籌, 事 至 而 憂, 無 救 于 事. 勉 從 老 成 謀, 捐 此 南 圻 六 省 土 地 人 民, 以 息 兵 争, 以 安 天 下. 二 百 餘 年 創 守 艱 難, 棄 于 一 旦, 是 予 小 子 之 罪, 不 可 勝 言, 縱 有 何 功 德 亦 不 足 以 贖. 况 無 功 無 德 徒 靦 面 尸 位, 積 日 以 至 于 衰 老, 人 不 忍 斥, 予 豈 何 心 ). (2)

 

Qua lời tự chê trách khá thành khẩn , rõ ràng nhà vua không có đủ khả năng để hoàn thành trọng trách trong giai đọan khó khăn của lịch sử . Ði sâu hơn chúng ta hãy tìm hiểu những yếu tố hình thành con ngừơi của nhà vua như : thể chất , tính tình , giáo dục , gia đình , để hiểu rõ tại sao nét hùng lược quả cảm cần thiết của vị vua anh hùng trong thời loạn lại thiếu vắng trên con người này .

 

A . Tiểu sử vua Tự Đức

 

Tự Ðức tên là Hồng Nhậm ( 3 ) con vua Thiệu Trị, sinh ngày 25 tháng 8 năm Ký Sửu ( 22-9-1829 ) . Thiệu Trị có 64 người con, 29 Hoàng-tử, 35 Hoàng-nữ; nhà vua là con thứ hai, An-Phong-công Hồng Bảo sinh trước nhưng là con vợ thứ. Mẹ là Từ Dụ Hoàng Thái-hậu, tên húy Phạm Thị Hằng, quê quán tại huyện Tân-Hoà, tỉnh Gò-Công; con quan Thượng-thư bộ Lại Phạm Ðăng Hưng. Bà Từ Dụ được tuyển vào cung năm 14 tuổi, một năm sau sinh Diên Phúc Công-chúa, năm 19  tuổi sinh nhà vua.

 

Tháng giêng năm Thiệu trị thứ 3 ( 1844 ) Hồng Nhậm được phong tước Phước-Tuy-công và ở phủ đệ riêng ; lúc này tuy đã khôn lớn, nhưng Từ Dụ vẫn săn sóc lo lắng như hồi còn bé.

 

Tháng 10 năm Ðinh Mùi vua Thiệu Trị mất, Hồng Nhậm được lên kế vị¸ lấy năm Mậu Thân ( 1848 ) làm năm Tự Ðức thứ nhất. Trong bài " Thị Thần Công Dụ " nhà vua giải thích lý do chọn hai chữ " Tự Ðức " làm niên hiệu là để tỏ lòng chân thành muốn nối đức trạch của tổ tiên ( 4 ) . Nhà vua không có con, nên phải nuôi 3 ngừơi cháu làm con nuôi: trưởng là Dục Ðức, thứ hai là Chánh Mông, thứ ba là Dưỡng Thiện .

 

Mô tả chân dung vua Tự Ðức, Tổng-đốc Thân Trọng Huề viết như sau:

" Ngài hình dung như một người nho sĩ, không cao không thấp, trạc người bậc trung; không gầy không béo, có hơi gầy một tí. Da không trắng không đen. Mặt hơi dài, cằm hơi nhỏ, trán rộng mà thẳng , mũi cao mà tròn , hai con mắt tinh mà lành . Ngài hay chít cái khăn vàng mà nhỏ và mặc áo vàng , đi dày vàng của bộ Nội Vụ đóng . Ngài không ưa trang sức, mà cũng không cho các bà nội cung đeo đồ nữ trang, chỉ cốt lấy sự ăn mặc sạch sẽ làm đẹp. " ( 5 )

 

B . Thể chất vua Tự Đức

 

Căn cứ vào tài liệu để lại, được biết thể chất vua Tự Ðức vốn bạc nhược ngay lúc mới sinh, năm lên 3 tuổi bị bệnh tả nên càng thêm mất sức; nhà vua tâm sự :

 

" Ta thuở nhỏ vóc người gầy ốm èo uột lắm. Hồi ta ba tuổi bị bệnh tả cả đêm; lúc đó có vú nuôi  song mẹ ta không bằng lòng, đuổi ra ngoài không cho làm vú nữa. Mỗi khi ta đi tả, hoặc nữa đêm, hoặc hai phần đêm, mẹ ta thường chịu khó thức bồng đỡ luôn ( 6 )

 

Riêng trong Tự Đức Thánh Chế Văn Tam Tập, nhà vua trình bày tỉ mĩ tình trạng sức khỏe như sau:

 

" Vốn bẩm sinh bạc nhược, xưa nay chưa có ai khí chất yếu kém như vậy. Cho nên từ thuở ấu thơ, niên thiếu, cho đến già lão luôn luôn lấy bệnh làm bạn bè, mượn thuốc làm bản mệnh, cơ hồ chưa hề gián cách một ngày. Năm nay đã gần 50 tuổi, mà gân sức càng thấy mệt mõi, ăn uống không tiêu, thường bị uất trệ, sắc mặt xám xanh, thịt da gầy guộc, đầu nặng mắt hoa, nhìn ngó không được rõ ràng như trước, " ( 7 )

 

Tại đạo dụ khác, nhà vua phàn nàn tình trạng sức khỏe suy yếu rất trầm trọng, như ngồi lâu chóng mặt, nói lắm hết hơi:

 

" Trẫm thật lắm bệnh, lại ở chốn thâm cung thấp khí nặng nề, nên ngồi lâu thì chóng mặt, nói nhiều thì hết hơi, dù bụng muốn nói nhưng sức không cho phép. Ðiều này ai cûng rõ là không phải mới xẩy ra, mà xưa nay vốn như thế. " ( 8 )

 

Nói tóm lại thể chất vua Tự Ðức vốn yếu đuối ngay từ lúc mới sinh, rồi bị bệnh tật liên miên, không rời thuốc thang. Lúc gần 50 tuổi thì sức khỏe hầu như kiệt quệ, bởi thế nhiều lúc nhà vua tỏ ra tuyệt vọng, dùng những lời ai oán than vãn cho tình trạng sức khỏe của mình. Nhà vua đã dùng nhiều giấy mực nói về bệnh tật; riêng trong " Tự Ðức Thánh Chế Văn Tam Tập  " chép hai đạo dụ cầu thầy thuốc giỏi, và hai đạo dụ khác nội dung trách phạt các viên Thái-y ( 9 ) bất tài cùng trễ nãi công việc. Dĩ nhiên tình trạng sức khoẻ yếu kém, ảnh hưởng rất nhiều đến sự nghiệp chính trị của nhà vua.

 

C . Tính tình

 

1 . Tính đa cảm .

 

Các nhà khảo cứu truyện Kiều thường cho rằng tác giả Nguyễn Du có một tâm hồn đa sầu đa cảm. Nếu tìm hiểu các bài thơ chữ Hán của tác giả, người đọc bắt gặp nhiều lời than vãn về bệnh tật, gầy yếu, tóc sớm bạc vv.. ..Phải chăng tính đa sầu đa cảm thường dễ có trong một cơ thể bệnh hoạn.

 

Ðiều nhận xét trên tuy chưa hẳn là một định luật song ta có thể thấy được ở một số người khác , trong đó có vua Tự Ðức. Thông thường các bậc gánh vác việc lớn thường phải kiềm chế tình cảm; Tự Ðức là một ông vua được đào luyện trong khuôn khổ Nho giáo, lại càng phải thấm nhuần lẽ đó. Tuy nhiên với sẵn tính trời đa sầu đa cảm, nên nhiều khi nhà vua không dằn được nỗi lòng, bộc lô những cảm xúc riêng, thường không có lợi về việc chính trị. Như trong " Tự Biếm Dụ " tác giä đã trình bày về lỗi lầm của mình qua câu :

 

" Ngoài thì ngọai bang giận dữ, trong thì không có kế hoạch tốt hay, cứ viêc đến thì lo, nhưng không giải quyết được sự việc . "

 

Người đồng thời đọc những lời trên chắc không khỏi thương hại nhà vua, nhưng về phương diện lý trí họ không thể đặt trọn vẹn niềm tin về khả năng lãnh đạo yếu kém như vậy, lại có thể  lèo lái con thuyền quốc gia qua cơn bão tố. Tính đa cảm của vua Tự Ðức còn được bộc lộ một cách rõ nét hơn qua bài văn tế người em trai là Kiến Thụy Quận-vương, tại đây tác giả hầu như đã trút bỏ vai trò quân vương, với lời lẽ thống thiết ôn lại những kỹ niệm từ thuở ấu thơ, cho đến lúc cả hai anh em cùng trưởng thành:

 

Tạm dịch

 

Văn tế em thứ tư Kiến Thụy Quận-vương (10 )

(Tứ tế tứ đệ Kiến Thụy Quận-vương văn )

 

Ô hô ! Em mến ,

Ðỉnh ngộ anh hiền .

Tuy do tú khí , ( 11 )

Cũng nhờ tiên thiên . ( 12 )

Nhớ ngày ra gác , ( 13 )

Thơ dại biết gì .

Em chưa học đối,

Anh mới tập thi . ( 14 )

Lo gì , muốn gì ,

Nào hay ý vị .

Gõ vãi , đá cầu ,

Buồn không suy nghĩ . ( 15 )

Bắc tuần hộ giá ,

Phụng mệnh đồng hành .

Thành Ðông cư trú ,

Phủ đệ song song .

Hầu thăm giờ rảnh ,

Vui chuyện quá trung ( trưa ) .

Nhạn không lià bạn ,

Thương mến một lòng .

Trời đất khiến xui ,

Tình cờ vô ý .

Ðùa dỡn bên nhau ,

Giờ đâu còn hý ! ( 16 )

 

Có lẽ Tự Ðức nỗi tiếng là vị vua hay chữ, một phần lớn là nhờ ở tính đa cảm, giúp tác giả tìm được những tứ mới và truyền được niềm cảm xúc sâu đậm của mình qua tác phẩm .

 

2 . Thiếu Cương Quyết

 

Xét về phương diện lịch sử, ta nhận thấy vua Tự Ðức thiếu tính quyết đoán nên đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội. Ðiển hình năm 1859, quân Pháp sau hai lần tấn công Ðà-Nẵng không đem lại kết quả như ý, lại bị bệnh thời khí chết hại rất nhiều, tướng Rigault de Genouilly đã đưa thư xin giảng hoà với ta và đòi hỏi các điều kiện như tự do truyền đạo, tự do thương mãi và nhường cho Pháp một chỗ đóng quân để bảo đảm hoà ước. Tự Ðức mật dụ hỏi các quan, kẻ thì bàn chiến, người thì bàn hoà không có quyết định dứt khoát. Xét về cục diện lúc này, địch gặp nhiều khó khăn, nếu trên dưới một lòng quyết chiến thì có thể đánh bật quân xâm lăng ra khỏi đất nước .

 

Kíp đến khi đồn Kỳ-Hòa thất thủ, Nguyễn Tri Phương bị thương, tình hình đang hồi nghiêng ngữa, nói chuyện hoà lúc này lại càng làm giải đãi lòng quân và đương nhiên phải gánh chịu một hoà ước bất bình đẳng. Nhưng Tự Ðức đã tỏ ra bối rối thiếu cương quyết, lần lượt sử dụng các nhân vật chủ hoà như Nguyễn Bá Nghi, Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp; khiến cho sáu tỉnh Nam-Kỳ bị mất. Việc này dẫn đến một tiền lệ xấu là mỗi lần nghị hoà mỗi lần thiệt thòi về quyền lơi, và tinh thần quân sĩ sa sút đến độ không đánh mà tan. Thiết nghĩ Tự Ðức là người đã từng nghiên cứu nhiều về quốc sử ( 17 ) há lại không biết rằng các bậc anh hùng nước ta thành công trong việc chống xâm lăng đều dựa vào cái thế nhân dân. Xét về cục chiến tranh chống Pháp, Tự Ðức chưa hề sử dụng lực lượng bất tận quí giá đó, lại quá vội vàng chấp nhận những điều kiện trái với nguyện vọng cuả dân, khiến cho đồng bào trong nước đều phẫn nộ.

 

Lại đến lúc sắp mất, di chiếu đặt Hoàng-tử Ưng Chân lên nối ngôi; theo lẽ thường vua có bổn phận phải giúp cho Tự-quân ( 18 ) có đầy đủ uy tín để lãnh đạo quốc gia, nhất là trong hoàn cänh khó khăn đương thời. Nhưng vì tính chần chừ thiếu cương quyết nên Tự Ðức đã để lại lời di chiếu sau đây :

 

" Tính vốn hiếu dâm lại quá bất thiện, vị tất gánh nỗi đại sự ( Tính phả hiếu dâm diệc đại bất thiện, vị tất năng đương đại sự )

 

Nếu quả không đương nỗi đại sự , tại sao lại giao trọng trách ? Lời chiếu thật thà tai hại này dẫn đường cho các quyền thần làm việc phế lập vua ba lần trong bốn tháng ( Tứ nguyệt tam vương ). Qua những chứng liệu vừa trình bày, nếu bảo rằng tính thiếu cương quyết của nhà vua là một nguyên nhân quan trọng làm hư hỏng đại cuộc cũng không phải là quá đáng.

 

3 . Tính Ðam Mê Trí Thức

 

Tổng-đốc Thân Trọng Huề , từng được thấy dung nhan vua Tự Ðức, đã viết về nhà vua như sau:

" Nay xem nguyên bản trong Các , thì thấy có nhiều tờ phiếu Ngài phê dài hơn các quan tâu .. ..chữ đã tốt , văn lại hay , ai cũng kính cái tài của Ngài.

 

Ngài vốn là người hiếu học, đêm nào Ngài cûng xem sách đến khuya. Có 3 tập Ngự Chế thi văn của Ngài đã in thành bản . Ngài lại làm sách chữ Nôm để dạy dân cho dễ hiểu , như sách Thập Ðiều , Tự Học Diễn Ca, Luận Ngữ Diễn Ca " ( 19 )

 

Nhận xét trên phù hợp với lời tâm sự của chính nhà vua, qua phần mở đầu bài tựa cuốn " Ngự Chế Thi Tập " :

 

" Trong những giờ rảnh việc chính trị, chỉ có lạc thú duy nhất là đọc sách. Một mình cần cù, lấy sách giải sách; lĩnh hội được thì sung sướng vô cùng, nhưng cũng chưa dám vội tin, nếu chưa hiểu được thì cho là khuyết nghi để đợi bậc cao minh giảng giãi. Người xưa với ta như cùng đối mặt trò chuyện với nhau trong một nhà " ( 20 )

 

Dưới thời Tự Ðức thực lắm việc, thời cuộc biến chuyển dồn dập như mang hia vạn dặm, trách nhiệm đứng quân vương thực nặng nề, nhưng nhà vua vẫn cố dành những phút rãnh rỗi đến với sách vở, lại lưu tâm đến công việc trước tác, phải nói vua là người đam mê trí thức đến tột bực. Công trình của Tự Ðức về sáng tác, sưu tầm, phê bình, dịch thuật rất lớn; gồm những tác phẩm sau đây :

1 . Tự học giải nghĩa ca .

2 . Khâm định đối sách chuẩn thăng .

3 . Luận ngữ thích nghĩa ca .

4 . Ngự chế Việt sử tổng vịnh .

5 . Ngự chế thi sơ tập .

6 . Ngự chế thi nhị tập .

7 . Ngự chế thi tam tập .

8 . Tự ÐứcThánh chế văn sơ tập .

9 . Tự Ðức Thánh chế văn nhị tập .

10 . Tự Ðức Thánh chế văn tam tập .

11 . Từ Huấn lục .

12.  Phê bình lịch sử trong bộ sử  " Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục "

13 . Dịch " Huấn Ðịch Thập Ðiều " của vua Minh Mệnh .

 

D . Qúa Trình Học Tập

 

Qua bài tựa cuốn " Ngự Chế Thi Sơ Tập ", Tự Ðức cho biết về quá trình học tập  như sau :

" Thời còn làm Hoàng-tôn ( dướI 13 tửôi ) , các thầy được gặp chẳng qua một vài vị Tú-tài già, các sách giáo khoa cũng chỉ là những loại vở lòng Tiểu học, chuyên về âm chữ, phân đọan , đặt câu ; phép dạy dỗ theo tập quán, thực không hợp cách . " ( 21 )

Ðến khi lên làm Hoàng-tử ( từ 13 đến 19 tuổi ) nhà vua mới được thọ giáo với những thầy giỏi hơn và sự học tập cũng có phần tiến bộ hơn trước. Tuy nhiên sự học trong thời gian này cũng không gặt hái được kết quả đúng mức vì những lý do sau đây :

 

- Chức học-quan bổng lộc rất bạc bẽo , nên những nhà Nho nỗi tiếng không muốn đảm nhận .

- Các thầy dạy Hoàng-tử thường sợ phiền lụy , nên không muốn nghiêm khắc với những cậu học trò có nhiều quyền thế , nên sự học của các Hoàng-tử có phần trể nãi .

 

Cũng trong " Ngự Chế Thi Sơ Tập Tự Tự " , Tự Ðức tâm sự như sau :

" Kíp đến khi làm Hoàng-tử, chỉ trong vòng 7 năm trời mới được thầy dạy có phần khá hơn. Các sách Thi, Thư, Tứ Tử cũng chưa học trọn; còn kinh, sử, tử, tập thì hoàn toàn chưa được thiệp liệp, huống chi văn thơ của các nhà khác ! Cũng vì chức Học-quan bạc bẽo  lộc ít, các bậc đại khoa cự Nho chẳng ai muốn lãnh. Tuy chức này tiếng là do triều đình tuyển nhưng thực tế vẫn bị coi thường, nên không đề cử những người hữu dụng vào chức vô dụng đó !

 

Hơn nữa phàm con người tính tuổi trẻ, thường lấy sự phóng túng làm vui, bị câu thúc làm buồn, chỉ muốn chơi đùa cho hết năm tháng nào biết đâu tuổi già sồng sộc sắp đến và sự học có ích như thế nào ? Về phần thầy cũng mong cho trò được tiến thoái tự do, nóng lạnh không liên quan đến mình, thì còn rỗi công đâu mà chỉ trích ! Như vậy là thầy trò cùng dễ dãi cho nhau mà không biết đã làm hại nhau vậy ! "

 

Qua tài liệu đã đề cập, được biết thời gian vua Tự Ðức trực tiếp thụ huấn các bậc thầy tương đối ngắn ngủi và sở học cũng chưa được trau dồi đúng mức. Kíp đến khi lên ngôi vua, có những phút cảm hứng muốn sáng tác, nhưng vì công hàm dưỡng chưa sâu nên đã gây cản trở trong sự diễn tả ý tưởng. Lúc này nhà vua mới nhận ra sở đỏan của mình và bắt tay vào công việc tự học; nhờ tinh thần hiếu học và lòng say mê văn chương nên đã  gặt hái được thành công vẽ vang.

 

Ðoạn văn trích dẫn sau đây nói lên tính cần cù , đam mê trí thức của nhà vua :

" Không may chưa đến tuổi gia quan ( 20 tuổi ) đã bỏ học để gánh vác việc khó khăn. Lúc đó mới tập làm thơ luật, ý tuy đã có nhưng bút diễn không ra lời, vì vậy mới quyết chí vào việc học; trong giờ rảnh việc chính trị, chỉ có lạc thú duy nhất là đọc sách. Một mình cần cù, lấy sách giải sách; lĩnh hội được thì sung sướng vô cùng, nhưng cũng chưa dám vội tin; chưa hiểu được thì cho là khuyết nghi, đợi chờ người cao minh giảng giãi. Người xưa với ta cùng đối mặt trò chuyện với nhau trong một nhà, như kẻ lạc đường có xe chỉ nam dẫn lối. Rồi trình độ học vấn cứ từ từ mà tiến, ý đã có thì lời có thể diễn tả trọn ý, việc suy ra thì lời có thể ứng với việc, ý trong chưa hết thì văn ngoài chưa dứt ; lúc đầu bế tắc, kế đó lĩnh hội được sơ sài và cuối cùng tụ lại bất giác đã được khá nhiều.( 21 )

 

Công bằng mà xét, Tự Ðức có một cơ duyên đặc biệt trên bước đường tự học. Chung quanh nhà vua, đám quần thần như Trương Ðăng Quế, Phan Thanh Giản, Nguyễn Tư Giản đều là những nhà Nho hay chữ. Ngoài ra nhà vua có ba vị Hoàng-thúc Tùng-thiện-vương, Tuy-lý-vương, Tương-an-quận-vương đều là thi sĩ nỗi danh đương thời .

 

Ưng Trình qua cuốn " Tùng-thiện-vương " kể lại như sau :

Tự Ðức triệu Tùng-thiện-vương vào cung để yêu cầu dạy làm thơ. Vương tâu vua xin đừng làm thơ, vì nghề trị nước trách nhiệm nặng nề tâm không được nhàn, nên từ xưa các vị chí tôn dẩu làm thơ thì chỉ tiêu khiển nhất thời mà thôi ; tuy nhiên vì vua thích nên đành phải dạy. Mỗi khi tiếp Thị-vệ đệ tráp Ngự -chế -thi đến, Tùng-thiện-vương bèn mặc áo rộng, tra khăn đen, tự tay mở Hoàng phong ra rồi viết mật sớ, tâu nên đổi chữ nào và vì cớ gì phải đổi.

 

Ngoài tấm lòng yêu văn chương nhiệt thành, nhà vua còn có thêm một khả năng đặc biệt hiếm thấy ở các nhà Nho khác, đó là phương pháp nghiên cứu và hệ thống hoá vấn đề. Ví như khi soạn cuốn sách giáo khoa " Tự Ðức Thánh Chế Tự Học Giải Nghĩa Ca " nhà vua đã dụng công chia ngữ vựng chữ Hán ra thành môn loại, với lối xếp đặt khoa học như vậy giúp cho người đọc dễ lãnh hội :

 

1 . Kham dư loại (địa dư )

2 . Nhân sự loại ( con người )

3 . Chính hoá lọai ( chính trị , giáo dục )

4 . Khí dụng loại (đồ dùng )

5 . Thảo mộc loại ( cây cỏ )

6 . Cầm thú loại ( thú vật , gia súc )

7 . Trùng ngư loại ( tôm cá , côn trùng )

 

Nếu so sánh cuốn sách này với cuốn sách vở lòng chữ Hán thông dụng " Tam Thiên Tự " ; phải công nhận sách của Tự Ðức công phu hơn và cũng có phương pháp hơn. Tam Thiên Tự tuy có vần , nhưng liệt kê ngữ vựng một cách tùy tiện, thiếu sư phạm. Ngược lại tác phẩm " Tự Ðức Thánh Chế Tự Học Giải Nghĩa Ca " được hệ thống hóa bằng cách phân loại và đặc biệt sử dụng thơ Lục Bát là thể thơ quen thuộc với người Việt-Nam nên dễ đọc dễ nhớ. Ðể tiện việc so sánh, xin trích dẫn một vài câu mở đầu của hai tác phẩm :

 

Tam Thiên Tự

 

Thiên trời , địa đất ;

Cử cất , tồn còn .

Tử con , tôn cháu ,

Lục sáu , tam ba .

 

Tự Học Giải Nghĩa Ca

 

Thiên trời , địa đất , vị ngôi ,

Phú che , tái chở , lưu trôi , mãn đầy .

Cao cao , bác rộng , hậu dày ,

Thần mai , mộ tối , chuyển xây , di dời .

 

Tổng quan về học vấn và sự nghiệp văn chương, phải nói tài bộ của vua Tự Ðức đã đi đến chỗ thăng đường nhập thất ( 22 ) vượt xa sự nghiệp chính trị của nhà vua .

           

E Ảnh Hưởng Của Gia Đình Đối Với Vua Tự Đức

 

1.Ảnh hưởng của vua cha Thiệu Trị

 

Dưới thời quân chủ, các Hoàng-tử và vua cha có sự cách biệt rất nghiêm khắc. Dù là con các Hoàng-tử vẫn phải luôn luôn giữ đạo thần tử; khi có chỉ tuyên triệu mới được bệ kiến, chứ không được tự tiện ra vào nơi cung cấm. Hơn nữa lúc trưởng thành các Hoàng-tử đều có phủ đệ riêng, nên sự liên lạc giửa cha con lại càng bị ngăn cách.

 

Riêng vua Thiệu Trị rất đông con ( 64 người ) lại có lắm vợ, tình cảm của nhà vua được ban phát khắp cả tam cung lục viện, thì đâu còn dồi dào để chú ý đến cậu bé Hồng Nhậm gầy yếu bệnh tật.

 

Thực vậy, ngoài bộ " Ðại Nam Thực Lục " là sử của Triều-đình, có nói đến sự lưu ý của Thiệu Trị đối vớI Tự Ðức, không có một tài liệu nào khác đề cập một cách rõ nét về tình cảm giữa hai cha con nhà vua. Phần mở đầu " Ðại-Nam Thực Lục Ðệ Tứ Kỷ " ghi như sau:

 

" Tháng giêng năm Thiệu Trị thứ ba được phong Phước-tuy-công. An-phong-công Hồng Bảo tuy lớn tuổi hơn nhưng thuộc dòng thứ, lại ít học ham chơi ; riêng nhà vua tính tình nhân hậu, thông minh lại chăm học; được Hiến Tổ Chương Hoàng-đế ( Thiệu trị ) cho là giống mình nên đặc biệt thương mến chú ý. Mấy lần phụng sắc chỉ vào chầu, dạy cho đạo làm vua cùng sự vất vả của nhân dân trong việc canh tác "

 

Qua đọan văn trích dẫn, Sử-quan đã dùng ngòi bút nhà nghề khéo léo ca tụng vua Tự Ðức, chê Hồng Bảo, để gián tiếp biện minh cho việc phế trưởng lập thứ. Sử liệu này không giúp cho người khảo cứu thấy được ảnh hưởng thực sự của vua Thiệu Trị đối với Tự Ðức; hay nói một cách khác ảnh hưởng của Thiệu Trị đối với Tự Ðức nếu có cũng mờ nhạt , không thể sánh với tình cha con đặm đà trong dân chúng.

 

2 . Ảnh hưởng của Từ Dụ Hoàng-thái-hậu đối với vua Tự Ðức

 

Qua các tác phẩm của Tự Ðức, được biết nhà vua nhắc đến mẹ nhiều hơn cha; đặc biệt trong bài biểu tạ ơn mẹ nhân dịp Ngũ Tuần Ðại Khánh, Tự Ðức hết sức tán tụng mẹ, coi mẹ là trời, là thầy :

 

" Nuôi con ăn mẹ vậy, dạy con học cũng mẹ vậy; mẹ là thầy vậy.

Sinh con ra mẹ vậy, hiểu lòng con cũng mẹ vậy, mẹ là trời vậy . ( 23 )

 

Những sự kiện trên báo cho ta biết rằng ảnh hưởng của Từ Dụ đối với Tự Ðức thực mãnh liệt; bởi vậy muốn tìm hiểu về Tự Ðức không thể không xét kỹ về Từ Dụ Hoàng-thái-hậu.

 

Căn cứ vào sử liệu, được biết Từ Dụ không phải là người mẹ tầm thường; bà là một nhân vật thông minh khôn ngoan và có cơ tâm rõ rệt. Ðời bà đã thực hiện được những ý nguyện sau đây:

 

- Chiếm được lòng sủng ái của vua Thiệu Trị .

- Huấn luyện cho Tự Ðức chỉ biết có mẹ .

- Vận dụng cho con trai lên ngôi vua .

- Gián tiếp tham dự vào việc chính trị .

 

a . Chiếm được lòng sủng ái của vua Thiệu Trị

 

Từ Dụ Hoàng-thái-Hậu nhủ danh là Phạm Thị Hằng, được tuyển vào cung năm 14 tuổi để hầu vua Thiệu Trị. Dịp này, có hai người con gái miền Nam được tuyển vào cung cùng một lượt, bà và một cô gái khác, ái nữ của Quận-công Nguyễn Văn Nhân. Theo lệ triều Nguyễn, ngôi thứ của cung phi lúc mới nhập cung cao hay thấp căn cứ vào chức tước của người cha. Vì tước Quận-công lớn hơn chức Thượng-thư của thân phụ bà; nên ngôi thứ của con gái quan Quận-công cao hơn bà. Sự kiện trên chứng tỏ rằng lúc mới vào cung hầu Thái-tử Miên Tông, địa vị của bà còn thua sút những người khác.

 

Nhưng nhờ tài khéo léo chiều chuộng nhà vua, ngôi thứ của bà trong cung thăng rất mau: năm Thiệu Trị thứ 3 ( 1843 ) được phong chức Thành-phi, năm Thiệu Trị thứ 6 ( 1846 ) được phong làm Quí-phi, địa vị tối cao đứng đầu cả sáu cung. Bà được sủng ái đến nỗi khi được tuyên triệu vào hầu, nhà vua chỉ gọi là " Phi " chứ không bao giờ kêu tên.

 

Tiến xa hơn một bậc, khi Thiệu Trị ngự triều ỏ điện Khâm-Văn, sai bà ngồi sau vách để nghe các quan tâu và xem vua phán có rõ ràng hay không:

 

" Vua thường ngự triều tại điện Khâm-Văn, sai Lênh-bà ngồi sau vách để nghe các quan tâu và vua ban huấn thị có được rõ ràng chăng . " ( 24 )

Qua các sử liệu vừa trình bày, được biết Từ Dụ xuất thân từ một cung nhân tầm thường, đã vượt lên hàng Quí-phi, coi sóc cả sáu cung, lại được vua ban cho đặc ân buông rèm thính chính. Có được địa vị như vậy, hoàn toàn do sự khôn ngoan thông minh của bà tạo nên, và địa vị này đã giúp rất nhiều trong việc tạo dựng tương lai cho con bà.

 

b. Huấn luyện Tự Ðức chỉ biết có mẹ

 

Qua phần thể chất vua Tự Ðức, được biết thuở nhỏ nhà vua ốm đau bệnh tật liên miên và được Từ Dụ săn sóc suốt cả ngày đêm. Ðối với bà mẹ Việt-Nam thương con, thì việc săn sóc con cái không lấy gì làm lạ ; nhưng điều đáng lưu ý hơn là lời tâm sự sau đây của vua Tự Ðức :

" Hồi ta ba tuổi, bị bệnh đi tả cả đêm. Khi đó có vú nuôi song mẹ ta không bằng lòng, đuổi ra ngoài không cho làm vú nữa. Khi đi tả , hoặc nửa đêm hoặc hai phần đêm, mẹ ta thường chịu khó thức bồng đỡ luôn. Ngày sau ta khôn lớn, được phong Công tước ra ở tư các ( 25 ), mẹ ta còn cấm người vú tới lui. Đến khi ta lên ngôi, ta xin phép mẹ ta cho người vú ấy làm nữ quan. " ( 26 )

 

Sử liệu trên cho biết rằng  thuở nhỏ Tự Ðức có một vú nuôi mà nhà vua rất thương yêu và cũng vì sự thương yêu đó nên Từ Dụ không bằng lòng, bèn đuổi bà vú đi; rồi khi nhà vua tuổi lớn ra ở tư các, bà vú đến thăm  cũng bị Từ Dũ cấm cửa không cho tiếp xúc. Phân tách kỹ hơn ta có thể quả quyết rằng Từ Dũ đã ghen với cả tôi tớ; bà không muốn con trai mình san sẽ tình cảm cho bất cứ ai  và muốn rằng đối với con, mẹ là tất cả !

 

Về phương diện này Từ Dụ cũng đã thành công một cách vẽ vang, vì bà đã uốn nắn vua Tự Ðức đúng như lòng mong muốn. Thực vậy, Tự Ðức quả là người con chí hiếu. Ðạo hiếu của nhà vua được sử sách ghi lại như: ngày chẵn hầu cung Từ Dụ, ngày lẽ ngự triều; hoặc sọan " Từ Huấn Lục " ghi lời mẹ dạy vv.. ..Riêng sách " Từ Dụ Hoàng Thái-hậu truyện " trình bày những chi tiết như sau :

 

" Bản tánh đức vua phụng sự bà chí hiếu lắm. Bà thường khi muốn nghe đọc sử, vua mỗi việc mỗi thừa thuận theo ý bà, chẳng có khi nào dám trái nhan sắc; chừng nào bà hết muốn nghe, bà dạy thôi đọc vua mới thôi, dầu mỏi cách nào đi nữa vua cũng cam chịu. Chẳng những việc đọc sử mà thôi, bất cứ là chuyện chi nhà vua cũng đều nhất nhất thừa hoan theo ý bà . " (27 )

 

Với sử liệu vừa trình bày, cùng liên tưởng đến vận nước khó khån, bổn phận làm vua lúc bấy giờ thực hết sức nặng nề; người xưa thường khuyên rằng " vì việc công nên quên việc tư " ( công nhi vong tư ) , Tự Ðức lại để quá nhiều thì giờ săn sóc hầu hạ mẹ, chữ hiếu của nhà vua xét ra có phần mù quáng .

 

c . Vận động cho con trai lên ngôi báu

 

Việc phế trưởng lập thứ sau khi Thiệu Trị mất, là một việc làm bất thường gây sự kinh ngạc đối với dư luận đương thời . Theo lẽ thường tình, Hoàng-tử Hồng Bảo con lớn vua Thiệu Trị lên nối ngôi , nhưng khi di chiếu tuyên đọc tại điện Cần-Chánh thì không có tên Hồng Bảo , thay vào đó là Hồng Nhậm con Từ Dụ Hoàng Thái-hậu được lên làm vua (tức Tự Ðức ) . Tiếp tục nghi lễ Hồng Nhậm khóc lạy lãnh mạng ; trong khi đó Hồng Bảo phẫn uất thổ huyết hơn một đấu , nằm ngã vật giữa điện đình ( 28 ) . Có nhiều sự nghi ngờ về biến cố lịch sử này; phải chăng tờ chiếu bị tráo đổi ? Từ Dụ Hoàng-thái-hậu có thực sự nhúng tay vào việc vận động cho Hồng-Nhậm lên ngôi không ?

 

Dĩ nhiên các bộ sử của triều Nguyễn đều phủ nhận việc làm này và chê hạnh kiểm Hồng Bảo, cùng đề cao vua Tự Ðức vv.. ..Tuy nhiên rãi rác đó đây qua thư tịch, người khảo cứu có thể bắt gặp một vài dấu vết tình cờ, gián tiếp trả lời câu hỏi nêu trên .

 

Bộ sử " Ðại-Nam Chính Biên Liệt Truyện " kể lại về giấc mộng của Từ Dụ như sau :

" Một hôm lệnh-bà nằm mộng thấy thần nhân mặc áo rộng đai to, đầu bạc mày trắng, cầm một đạo sắc bằng giấy vàng chữ đỏ trên có dấu ấn tỷ và một xâu chuỗi minh châu trao cho lệnh-bà và bảo : " Xem đó sau sẽ hiệu nghiệm " . Lệnh-bà nhận lấy rồi có thai, sinh ra vua Tự Ðức đúng như lời trong mộng . "

 

Khó biết được giấc mộng có thực hay không, nhưng điều chắc chắn là người đầu tiên loan báo giấc mộng này , không ai khác hơn là bà Từ Dũ . Thiết nghĩ bà là ái nữ quan  Thượng-thư bộ Lại , chắc phải hấp thụ một nền giáo dục nghiêm khắc , quyết không thể khinh suất thốt ra lời thiếu khiêm tốn nhắm loan truyền những dự triệu Ðế Vương, trong khi Hồng Nhậm chỉ là con thứ ; vì như vậy có thể mang tội . Vậy đây chỉ có thể là một dự mưu , nhắm mục đích thần thánh hoá Hoàng-tử Hồng Nhậm để chuẩn bị tranh chiếc ngai vàng .

Hơn nữa bà là người có cơ tâm, lại có dịp buông rèm thính chính; chắc phải có thừa thông minh nhận được vị Đại-thần nào có uy tín với vua để tìm cách kết thân. Ngược lại , các quan Đại-thần ắt cũng nể sợ muốn kết bè đảng với một nữ nhân vật được vua tin cậy ,  luôn luôn có mặt sau hậu trường chính trị . Mặt khác Từ Dũ rất được vua sủng ái, giửa bà và vua là một cặp vợ chồng tâm đầu ý hợp , chắc chắn có những đêm trường tâm sự trong chốn khuê phòng, đó là những cuộc vận động hữu hiệu nhất .

 

Với những sự kiện vừa trình bày, có thể kết luận rằng bà là nhân vật chủ chốt trong việc vận động cho Hoàng-tử Hồng Nhậm lên ngôi báu .

 

d. Gián tiếp can dự vào việc chính trị

 

Qua bài Tụng dâng lên mẹ nhân dịp " Thánh thọ lục tuần đại khánh " ( 29 ) Tự Ðức viết :

" Việc quốc kế dân sinh ,

Hỏi thăm để vui vẻ nhận điều tốt .

Nhưng mẹ không can dự vào việc triều chính ,

Phép nhà giữ cẩn thận nghiêm trang . " ( 30 )

 

Ðem đối chiếu đọan văn trên với những điều đã tìm hiểu được về Từ Dụ Hoàng-thái-hậu, ta nhận thấy Tự Ðức viết những lời trên nhắm mục đích biện minh cho mẹ ; chứ con người đầy cơ tâm và thông minh như bà, không thể hỏi việc chính trị với lý do giản dị là để biết điều tốt , mà không có ý kiến phê phán . Và ý kiến của Thái-hậu , người được vua coi là trời , là thầy, ắt phải là một quyết định. Vậy thì việc Từ Dụ gián tiếp tham dự vào việc chính trị là một điều hiển nhiên không thể chối cãi được .

 

Thực ra điều này không những chỉ xảy ra dưới thời Tự Ðức, mà đã có trước đó dưới thời Thiệu Trị, và sau đó kể từ khi Tự Ðức thăng hà cho đến khi Thành Thái lên ngôi .

 

Như trên đã đề cập, dưới thời Thiệu Trị khi vua ngự triều, Từ Dụ được ngồi sau vách để nghe các quan tâu và vua ban lệnh có rõ ràng hay không. Dĩ nhiên lúc trình bày lại cho vua nghe , Từ Dụ không thể làm công việc đơn giản của chiếc máy ghi âm, và chắc rằng bà đã chứng tỏ sự thông minh quán xuyến của mình để được vua yêu bằng những lời phân tách nhận định vấn đề, đó là giai đọan đầu tham dự vào việc chính trị. Ðến khi lòng tin của đấng quân-vương đã được củng cố, Từ Dụ chắc đã nói lên những lời có lợi cho con bà, vây cánh của bà và ngược lại vô hiệu hoá ảnh hưởng của phe Hồng Bảo. Lịch sử ghi nhận rằng phe Từ Dụ đã chiến thắng vẽ vang trong cuộc chạy đua giành giật ngôi báu ; ngược lại đối thủ của con bà là Hoàng-tử Hồng Bảo đã phẫn uất thổ huyết hơn một đấu, nằm bất tỉnh giửa điện Cần-Chánh ngay trong buổi tuyên đọc di chiếu .

 

Kíp đến khi Tự Ðức lên ngôi, một phần vì thương con yếu đuối nhu nhược ; một phần vì kẻ thù của mẹ con bà là Hồng Bảo vẫn còn là mối đe dọa , nên bà lại càng lưu ý vào việc chính trị và cuối cùng đã loại được Hồng Bảo. Sự việc xảy ra sau khi Tự Ðức lên ngôi, Hồng Bảo âm mưu với một số tín đồ Thiên-Chúa giáo để tìm cách dành lại ngôi báu ( 31 ) . Cuối tháng giêng năm 1851 , ông bị bắt lúc sửa soạn đáp tàu sang Âu-Châu, sau đó được vua Tự Ðức tha cùng hứa lo cho ông được sung túc , nhận con ông làm con nuôi và ban cho 100 nén bạc và 1 nén vàng . Sau khi tha ông lại tiếp tục dự mưu , cho các đồng đảng ra ngoài để tìm ngọai viện . Việc phát giác , triều đình kết tội lăng trì , nhưng Tự Ðức giảm xuống chung thân, rồi trong ngục thất ông đã chết bằng giây thắt cổ ( 32 ) ; ngoài ra các con của ông đều bi giam và đổi sang họ Ðinh là họ của mẹ. Tiếp đến cuộc phản nghịch của Ðoàn Trưng, âm mưu lập con trưởng của Hồng Bảo là Ðinh Ðạo bị thất bại, cả gia đình Hồng Bảo gồm tám người đều bị xử thắt cổ .

 

Sách " Từ Dụ Hoàng-thái-hậu truyện " còn cung cấp thêm chứng liệu sau đây về việc vua Tự Ðức tỏ vẻ hối hận về vụ Hồng Bảo, lúc đọc sử Tàu cho mẹ nghe :

" Vua đọc đến đọan em vua Hán Văn đế là Hoài-nam-vương Trường An làm phản bị phát giác. Hán Văn-đế triệu em về kinh đô Trường-An tha tội, rồi đày qua đất Thục. Dọc đường Hòai-nam-vương nghĩ giận mình lầm lỗi rủi ro, lại buồn vì nỗi có ông anh làm vua mà không dung được một thằng em , liền nhịn đói mà chết. Hán Văn đế nghe tin xót thương khóc lóc thái quá. Nhân dân lúc bấy giờ có câu hát rằng :

 

Một thước vải còn có thể may mặc chung với nhau .

Một đấu thóc còn có thể ăn chung với nhau .

Anh em hai người không dung nhau được ! "

Lệnh-bà dạy rằng :

- Người bạo nghịch như vậy mà trong lòng không biết tự oán trách mình , cững đáng làm lạ .

Vua tâu :

- Việc của anh con cûng thế , con mỗi mỗi không an tâm , con lấy làm buồn lắm !

Lệnh-bà dạy :

- Phép nước không thể bỏ được ; việc ân nghĩa giửa hai anh em lẽ đâu lại riêng tư . Lời hát quê của nhân dân đâu đủ làm phiền lòng vì việc anh em không dung nhau . Trong thân tộc chớ để trọng quyền , vì e rằng khó chế . Người đời khi lâm hồi biến , biết sao vuông tròn được ! " ( 33 )

 

Qua sử liệu vừa trình bày, có thể suy luận rằng Từ Dụ là một trong những nhân vật chủ trương tiêu diệt gia đình Hồng Bảo nhắm mục đích " nhổ cỏ phải nhổ cả rễ " riêng Tự Ðức chỉ vì yếu đuối mù quáng nghe lời mẹ , nên đành phải nhận một vết nhơ đối với gia tộc và lịch sử; nhưng thâm tâm nhà vua vẫn luôn luôn hối hận đau khổ về việc này.

 

Thực ra không phải chỉ riêng vụ Hồng Bảo mà suốt 36 năm trị vì của vua Tự Ðức, ảnh hưởng của Từ Dụ Hoàng-thái-hậu chẳng khác gì đám mây đen, bao phủ cả sân khấu chính trị thời bấy giờ . " Từ huấn lục " của Tự Ðức là một cuốn sách ghi lời chỉ dạy của Thái-hậu, những đêm đọc sử cho mẹ nghe là những buổi nhân chuyện xưa nói chuyện đời nay , để bà bảo cho những việc nên làm , những người nên dùng vv.. .. Bọn gian thần thời bấy giờ biết được ảnh hưởng của Từ Dụ rất lớn, nên đã tìm cách lui tới mua chuộc .

 

Về điểm này, Phan Bội Châu , một nhân vật sống cách thời Tự Ðức không xa đã ghi nhận được nguồn dư luận đương thời đối với Từ Dụ Hoàng-thái-hậu và ông đã công phẫn trình bày trong cuốn " Việt Nam Vong Quốc Sử " như sau :

 

" Trong nước có Thái-hậu họ Phạm, mẹ vua Tự Ðức đã ngu lại tham , thường can dự vào việc triều chính . Vua Tự Ðức việc gì cûng trình qua Thái-hậu rồi mới thi hành. Nguyễn Văn Tường ( 34 ) thường lấy những vật quí người Pháp hối lộ , đem hiến cho Thái-hậu để kết bè đảng . Hôn bà gian tặc lộng quyền trong ngoài, làm đảo điên quốc chính, các bậc chính nhân quân tử bị hãm hại , có kẻ bị chết chém có người bị cách chức về quê . "國 中 有 太 后 范 氏 愚 而 貪, 爲 嗣 德 翼 宗 之 生 母, 干 預 朝 政, 翼 宗 事 事 稟 求 太 后 乃 行, 阮 文 詳 即 以 法 人 所 餌 之 重 賂, 結 母 后 心, 昏 婆 姦 賊, 表 裏 弄 權, 癲 倒 國 政, 陷 害 正 人 君 子, 或 則 橫 被 刀 斧, 或 則 黜 削 歸 里 . ( 35 )

Có người dễ dãi cho rằng Từ Dụ can dự vào việc chính trị là do lòng thương con. Dưới cặp mắt bà , vua Tự Ðức chỉ là cậu bé Hồng Nhậm bệnh tật yếu đuối cần được che chở đùm bọc, và tâm sự của bà cũng giống như tâm sự bà mẹ Việt-Nam trong ca dao :

 

Ví dù cầu ván long đinh ,

Cầu tre lắt lẽo gập ghềnh khó đi .

Khó đi mẹ dắt con đi ,

Khó về mẹ cũng không hề bỏ con .  

 

Tuy nhiên sự việc không quá đơn giản như vậy, bằng cớ là sau khi Tự Ðức mất, Từ Dụ lúc này đã trên 70 tuổi, cái tuổi mà con người ta có quyền gác bỏ thế sự, thì một lần nữa bà lại dấn thân vào việc chính trị. Nguyên sau khi quân ta tấn công vào đồn Mang-Cá bị thất bại, xa giá phải bôn ba ra Quảng-Trị ; tới đây bà nhất quyết đòi trở về Huế. Rồi bà xuống dụ cho người gọi Hàm Nghi từ chiến khu về, nhưng vua không nghe lời. Tháng 8 năm Ất Dậu bà ban đạo dụ khác tấn phong Hoàng-tử Ưng Kỳ lên làm vua, lấy niên hiệu là Ðồng Khánh; nội dung đạo dụ hoàn toàn đề cao người Pháp và kết tội phe chủ chiến Tôn Thất Thuyết là nghịch thần . ( 36 ) Chắc chắn khi làm công việc trên, bà chịu áp lực mạnh của ngọai bang. Tuy nhiên nếu bà là một người có tâm hồn yêu nước, thì sẽ vui lòng cùng vua Hàm Nghi ra chiến khu Tân-Sở ; hoặc vì già yếu muốn trở về Huế tĩnh dưỡng, thì cũng nên lấy cớ già yếu và lý do phụ nữ Việt-Nam không quen can dự vào việc triều đình để từ chối việc hợp tác với Pháp, có như vậy bà mới tránh khỏi vết nhơ trong lịch sử .

 

Qua những chứng liệu đã trình bày , có thể kết luận rằng Từ Dụ Hoàng-thái-hậu là mẫu người đàn bà rất say mê việc chính trị , cũng giống như một số phụ nữ lừng danh trong lịch sử các quốc gia khác . Nhưng vì truyền thống dân Việt-Nam thời xưa không mấy thiện cảm với phụ nữ chi phối việc triều đình ; nên bà không dám công khai xuất hiện trước sân khấu chính trị. Ðiều đáng buồn là quan điểm chính trị của bà rất cạn hẹp , chỉ cầu sự an toàn cho hai mẹ con ; nên có thể nói vua Tự Ðức đã lầm vào chữ " hoà " của giặc ( 37 ), phần lớn do bà ảnh hưởng .

 

C . Ảnh hưởng của vợ đối với vua Tự Ðức

 

Xét về Tự Ðức, ta thấy ở nhà vua tình mẫu tử phong phú đặm đà bao nhiêu, thì tình vợ chồng lại càng nghèo nàn nhạt nhẽo bấy nhiêu. Phải chăng con người ta được dồi dào về phương diện này , thì phải chịu khiếm khuyết về phương diện khác ; hay vì khiếm khuyết ở chổ này , nên phải tìm nguồn an ủi ở chổ khác ?  

 

Sở dĩ chúng tôi đặt vấn đề như trên, vì có dư luận cho rằng vua Tự Ðức bị bất lực về cuộc sống vợ chồng. Ðiều nghi vấn này khó có thể giải đáp được một cách trọn vẹn, vì đây là bí mật chốn phòng the, sử sách không bao giờ dám đề cập tới. Tuy nhiên qua đạo dụ ra lệnh cho dân chúng và quan lại ai có phương thuật tài năng được phép tự tiến cử, nhà vua hé cho ta thấy một chút bí mật về việc không con nối dõi của ngài :

 

" Mỗi nghĩ đến thương mến sâu xa của đức Hoàng-khảo ( 38 ), và lòng nhân từ phúc hậu của đức Thánh-mẫu ( 38 ) nên ta muốn hưởng thú vui có con , để khỏi thẹn với công ơn hai thân ; song đến già rồi cũng chỉ buồn lo thì biết làm sao ? Muôn đời sau biết nói sao đây ! Vậy chẳng thà chịu trăm lần lừa dối, để mong một lần công hiệu . Cầu cái không thể được chỉ muốn làm hết sức người để trời rũ lòng thương , và mong được cái không thể cầu là muốn trời chưa nỡ tuyệt lòng người vậy . "

 

Qua đọan văn vừa trình bày , khiến người đọc không khỏi ngạc nhiên ở hai nhóm chữ cầu cái không thể được ( 求 其  不 可 得 cầu kỳ bất khả đắc ) và được cái không thể cầu ( 得 其 不 可 求 đắc kỳ bất khả cầu ) . Thiết tưởng đối với một người đàn ông lành mạnh thì việc có con cái là lẽ thông thường ; tục ngữ há chẳng bảo rằng :

 

Cả sông đông chợ ,

Lắm vợ nhiều con .

 

Về vợ , nhà vua có cả tam cung lục viện nên có rất nhiều điều kiện để có con; cớ sao phải than cầu cái không thể được và mong được cái không thể cầu  ? Suy nghĩ thêm về câu văn bóng gió này , có thể hiểu được là nhà vua đã biết rằng mình không thể có con , hay nói một cách rõ hơn cuộc sống vợ chồng của nhà vua có điều trục trặc bất thường .

 

Nếu xét thêm về cách cư xử của nhà vua đối với bà vợ chính Lệ Thiên Anh Hoàng-hậu, lại tìm thấy sự bất thường khác . Lệ Thiên Anh Hoàng-hậu là con gái quan Ngự Tiền Đại-thần Vũ Xuân Cẩn . Bà nhập cung năm Thiệu Trị thứ ba ( 1843 ) và được phong đến chức Quí-phi , đứng đầu sáu cung. Nhưng đến năm Tự Ðức thứ 35 ( 1882 ) tức là sau 39 năm kết nghĩa vợ chồng , bà bị khiển trách và giáng xuống Trung-phi qua đạo dụ như sau :

 

" Hoàng Quí-phi họ Vũ gắn bó với Trẫm đã lâu , niên kỷ cũng đến tuổi giai lão. Trẫm đãi rất hậu , mới phong đến bậc nhất trong hàng cung giai để coi sóc sáu cung , đôn đốc kính cẩn siêng năng cho yên lòng Trẫm , thật là vinh hạnh thay .

Tưởng rằng tuổi càng cao, thì đức càng sáng để xứng với ân mệnh . Không ngờ từ đó tới nay , mảy may không lưu ý , siêng nhác mặc người, không hề răn dạy, phàm công việc không khỏi gây phiền, thực cô phụ chức phận; đó là tự mình lười biếng thì đâu còn đốc suất được người. Song Trẫm thường khoan dung , không nỡ nặng lời quở trách .

 

Từ khi Trẫm bị bệnh nặng tới nay; đáng lẽ phải chăm chỉ lo lắng gấp bội , luôn luôn đứng ngồi hầu hạ bên giường và cho Trẫm ăn uống đầy đủ thích nghi, mới xứng với địa vị cao cả và đạo vợ chồng . Cớ sao môt niềm trễ nãi , lại không thấy chút tình ưu ái . Ðến nỗi việc dâng cơm nước thường ngày cũng cố ý trì trệ, no đói thất thường ; vậy thì sự phụng dưỡng ở đâu và thuốc thang nào còn bổ ích ? Ðạo vợ chồng lấy điều thuận làm chánh , chủ quỹ ( 39 ) làm đầu tất phải sớm tối siêng năng điều dưỡng không khuyết , thế mà còn lo chưa an tâm , chưa xứng vị ; huống hồ chậm trễ bất kính thì tình nghĩa chức phận ở chỗ nào ?

 

Gia dĩ cậy thế được yêu , mỗi lần quở phạt sắc mặt tỏ vẻ ta oán , tiêu pha xa xỉ lại còn dám nài nĩ mong ân . Sao không nghĩ lộc vị hưởng đến như vậy là hơn người bội phần , có gì thiếu nữa đâu mà còn đòi hỏi không chán . Nếu như kẻ khác bắt chước theo thì tội ai gánh . Lỗi ngươi dồn dập quá nhiều sao chưa mảy may sửa đổi ?

 

Ôi ! Pháp luật là chung cho mọi người , có tề gia mới mong trị quốc , ví phỏng cứ như lệ cũ mỗi mỗi dung tha , thì kẻ không hiểu biết sẽ thỏa theo điều trái ; lấy điều may được tha thứ cho là đắc ý , không một chút sợ mà sửa đổi , như thế đâu phải là đạo thành toàn . Bởi vậy phải trừng phạt một kẻ để cảnh giác hàng trăm , có thấy hình phạt thì mới biết ơn . Vậy giáng Hoàng Quí-phi họ Vũ xuống làm Trung-phi song vẫn giữ nguyên chức và cai quản thượng-nghi , không cần thay thế để tránh lạm dụng ; khiến cho ngươi nhìn lại danh nghĩa , sửa lỗi đổi mới , may được đẹp đẽ về sau , đó là ân nghĩa trọn vẹn .

 

Nhược bằng cứ như tật cũ, không chịu sửa mình thì chỉ là cây gỗ mục không thể chạm khắc được , còn kể làm gì ! Ngươi phải kính sợ ! Trẫm không nói lần thứ hai .

 

Kính đấy !

Ngày 24 tháng 12 nåm Tự Đức thứ 35 (40 )

 

Ðạo dụ vừa trình bày cho ta những  nhận xét sau đây: Lệ Thiên Anh Hoàng-hậu là bà vợ chính của Tự Ðức, khi bị giáng trách thì bà đã có gần 40 năm chung sống với nhà vua, và cả hai đều trên năm mươi tuổi. Thế mà chỉ vì lỗi lầm không mấy nặng nề bà bị giáng xuống Trung-phi ; đó là một điều nhục nhã cho bà và cûng là điều đáng đặt câu hỏi về vua Tự Ðức. Có phải đây là một cơn thịnh nộ nhất thời như chính sử chép chăng ? ( 41 ) Quyết không phải ! Vì không ai giận vợ với một lý do đơn giän là dọn cơm trễ , lại có đủ kiên nhẫn ngồi viết một bài văn trách phạt dài hơn 400 chữ , bố cục đã chặt chẽ, lời lẽ lại đanh thép! Vậy ở đây chỉ có thể là một cơn ba đào mãnh liệt được nhen nhúm bởi những đợt sóng ngầm trước đó . Những đợt sóng ngầm là những chuỗi ngày buồn bả nhạt nhẽo của cặp vợ chồng không con , trục trặc trong việc ái ân chăn gối, " nét mặt ta oán " ghi trong đạo dụ, được hiểu thay cho những tiếng thở dài não nuột của người đàn bà sống những chuỗi ngày lê thê trong chốn thâm cung , không phải bị thất sủng, mà ở vào hoàn cảnh " Tuy trong gang tấc , mà ngoài quan san " .

 

Nếu là người tin số Tử Vi có thể bảo rằng cung tử tức và thê thiếp của nhà vua rất xấu. Lệ Thiên Anh Hoàng-hậu đã không đem lại hạnh phúc cho vua, mà cả bà Học-phi vợ khác của Tự Ðức cũng bị đồn rằng có tư tình với viên Đại-thần Nguyễn văn Tường . ( 42 )

 

Tất cả những điều đã tìm hiểu , có thể giúp cho việc đính chính bài thơ nỗi tiếng " Khóc Thị Bằng " chép dưới đây; có thuyết  gán cho Tự Ðức là tác giä :

 

Khóc Thị Bằng

 

Ớ Thị Bằng ơi đã mất rồi!

Ớ tình ớ nghĩa ớ duyên ôi.

Mưa hè nắng chái oanh ăn nói,

Sớm ngỏ trưa sân liễu đứng ngồi.

Đập cổ kính ra tìm lấy bóng,

Xếp tàn y lại để dành hơi.

Mối tình muốn dứt càng thêm bận,

Mãi mãi đeo hoài cứ chẳng thôi.

 

 Thực vậy , xuyên qua cuộc sống lứa đôi  , Tự Ðức không phải là mẩu người đam mê về tình ái . Ảnh hưởng của vợ đối với Tự Ðức thật không đáng kể ; hoặc nếu có chăng thì vấn đề vợ con chỉ là một sự khổ lụy cho nhà vua mà thôi .

 

                                                            *

 

 

Làm vua không phải là một công việc dễ dàng, trong lịch sử đã có những ngừơi tự xét khả năng mình không thể gánh vác được, nên đã từ chối ; có những bậc cha mẹ khóc lóc năn nĩ, lấy cớ con mình tài hèn phúc bạc xin đừng đưa lên làm vua .

 

Qua sự tìm hiểu về con người vua Tự Ðức về các khiá cạnh : thể chất, tính tình, học vấn, cha mẹ, người phối ngẩu ; người nghiên cứu có thể mạnh dạn nói rằng nếu lúc trẻ Hồng Nhậm ( tên húy của Tự Đức ) được tham dự một cuộc trắc nghiệm về hướng nghiệp, thì kết qủa cho biết rằng làm vua không phải là nghề tốt cho chàng và bản thân Hồng Nhậm cûng không có tham vọng đó . Nếu  được dành trọn đời vào công việc sáng tác thì rất thích hợp, và sự nghiệp văn chương của Hồng Nhậm sẽ rạng rỡ chẳng kém gì các vị chú ruột như  Tùng-thiện-vương Miên Thẩm hoặc Tuy-lý-vương Miên Trinh .

 

Ðiều đáng buồn cho Hồng Nhậm và cho lịch sử nước ta là Từ Dụ Hoàng-thái-hậu có chủ ý khác. Với tham vọng của một ngừơi mẹ, bà quyết dành cho con trai chức vụ quí báu nhất đời, đó là ngôi vua. Đâu có ngờ rằng 36 năm làm vua của Tự Ðức là 36 năm đau khổ, vì không đối phó nổi với thời cuộc, và cuối cùng đành phải chịu tội trước lịch sử làm một ông vua gây nên cảnh vong quốc !

 

 

CHÚ THÍCH

 

( 1 ) Ý chỉ Phan Thanh Giản .

( 2 ) Tự Ðức , Tự Ðức Thánh Chế Văn Tam Tập , quyển nhị , Tự Biếm Dụ

( 3 ) Hồng là chữ đầu của tên , được lấy theo thứ tự trong bài " Ðế Hệ Thi " nguyên văn như sau:

 

Miên , Hồng , Ưng , Bửu , Vĩnh .

Bảo , Quí , Ðịnh , Long , Trường .

Hiền , Năng , Kham , Kế , Thuật .

Phúc , Tộ , Bách , Gia , Xương .

Bài thơ này được Minh Mệnh ban ra vào năm 1823 để phân biệt những con cháu thuộc dòng dõi nhà vua với những dòng khác , chỉ những người trong dòng này mới có thể lên làm vua . Như con Minh Mệnh : Miên Tông ( Thiệu Trị ) ; cháu : Hồng Nhậm ( Tự Ðức ) ; cháu 3 đời : Ưng Lịch ( Hàm Nghi ) ; cháu 4 đời : Bửu Lân ( Thành Thái ) ; cháu 5 đời : Vĩnh Thụy ( Bảo Ðại ) cháu 6 đời: Bảo Long ( con Bảo Ðại ) . Nên nhớ đây chỉ là chữ đầu của tên , riêng họ là Nguyễn ; vậy muốn gọi đầy đủ họ tên Vĩnh Thụy , phải gọi là Nguyễn Vĩnh Thụy , hoặc Nguyễn Phứơc Vĩnh Thụy .

( 4 ) Tự Ðức , Tự Ðức Thánh Chế Văn Tam Tập , quyển 4 , tờ 3b, 4a .

( 5 ) Trần Trọng Kim , Việt-Nam Sử Lược , trang 473 .

( 6 ) Tạ Quang Phát , Từ Dụ Hoàng Thái Hậu , trang 50 .

( 7 ) Tự Ðức , Tự Ðức Thánh Chế Văn Tam Tập , quyển 3 , tờ 12b .

( 8 ) Tự Ðức , Tự Ðức Thánh Chế Văn Tam Tập , Quyển hai , tờ 3a .

( 9 ) Thái-Y : thầy thuốc của nhà vua .

( 10 ) Tự Ðức , Tứ Tế Tứ Ðệ Kiến Thụy Quận-vương Văn , Tự Ðức Thánh Chế Văn Tam Tập , quyển 10 .

(11 ) Tú khí : khí thiêng hun đúc .

( 12 ) Tiên thiên : bẩm sinh .

( 13 ) Con vua đến tuổi phải ra ở lầu gác riêng .

( 14 ) Ðối : câu đối , thi : thơ ; câu đối và thơ là hai môn học thời xưa .

( 15 ) Hai anh em theo vua cha Thiệu Trị đi kinh lý miền Bắc , gọi là " Bắc tuần ngự giá "

( 16 ) Nhớ đến sự đùa dỡn ngày xưa không còn cười được nữa , trước cảnh tang tóc nó đã trở thành những kỷ niệm đau khổ .

( 17 ) Xin xem phần văn nghiệp .

( 18 ) Tự quân : vua kế vị .

( 19 ) Trần Trọng Kim , Việt Nam Sử Lược , trang 473 .

( 20 ) Tự Ðức , Tự Ðức Thánh Chế Văn Tam Tập , quyển 10 , bài số một .

( 21 ) Tự Ðức , Ngự Chế Thi Sơ Tập Tự Tự , quyển 10 , tờ 1a .

( 22 ) Thăng đường nhập thất : học vấn đến bậc cao minh là thăng đường , dò đến chỗ sâu kín là nhập thất .

( 23 ) Tự Ðức , Tự Ðức Thánh Chế Văn Tam Tập , quyển 11 , Ngũ Tuần Ðại Khánh yến Phẩm Cẩm Ngọc Biểu , tờ 7 b .

( 24 ) Quốc Sử Quán triều Nguyễn , Ðại-Nam Chính Biên Liệt Truyện , nhị tập , quyển 2 tờ 5a .

( 25 ) Tư các : gác riêng dành cho Hoàng-tử .

( 26 ) Từ Dụ Hoàng-thái-hậu Truyện .

( 27 ) Từ Dụ Hoàng-thái-hậu Truyện .

( 28 ) Nguyễn Khuê , Tâm Sự Tương An Quận-vương Qua Thi Ca Của Ông .

( 29 ) Lễ mừng thọ Từ Dụ 60 tuổi .

( 30 ) Tạ Quang Phát , Từ Dụ Hoàng-thái-hậu , Việt-Nam Khảo Cổ Tập San , số 5 , 1968 , trang 153-166 .

( 31 ) Tâm Trạng Tương An Quận-vương Qua Thi Ca Của Ông , trang 211 .

( 32 ) Giáo-sư Bửu Cầm cho rằng đó là một cái chết khả nghi , người ta không tin là tội nhân tự tử , nhưng bị giết . (Dẫn bởi " Tâm Trạng Tương An Quận-vương Qua Thi Ca của Ông " trang 314 )

(33 ) Từ Dụ Hoàng-thái-hậu Truyện , trang 53 .

( 34) Nguyễn Văn Tường : một viên quan Đại-thần nắm trọng trách về ngoại giao thời bấy giờ .

( 35 ) Phan Bội Châu , Việt-Nam Vong Quốc Sử , Tập San Đại Học Văn  Khoa , niên khoá 1959-1960 , trang 6 .

( 36 ) Từ Dụ Hoàng-thái-hậu truyện , trang 200 .

( 37 ) Phan Khoang , Việt Nam Pháp Thuộc Sử ,  Trang 274 : Vua Tự Ðức than với quần thần về việc viên Đại-diện Pháp phản đối sự tăng cường phòng thủ ở cửa bể Thuận-An như sau :

" Sở ngôn sở hành của họ như vậy , làm sao mà tin được . Phòng bị là một việc thường của một nước ,lẽ nào bắt người ta bó tay đừng làm gì cả mới bằng lòng sao ? hèn chi các tỉnh có phòng bị thì họ đều muốn triệt đi , để trước sau lấy một chữ hoà mà phỉnh gạt ta cho được "  .

( 38 ) Xưng cha vua đã mất là Hoàng-khảo , mẹ vua là Thánh-mẫu .

( 39 ) Chủ qũy tức là người vợ chính , thường nắm ngân quỹ trong gia đình .

( 40 ) Tự Ðức , Tự Ðức Thánh Chế Văn Tam Tập , quyển 9 , tờ 11b , 12a , 12b ,13a .

( 41 ) Quốc Sử Quán triều Nguyễn , Ðại-Nam Chính Biên Liệt Truyện , tập 2 , quyển 4 , tờ 3a , 3b ghi như sau : Mùa đông tháng chạp năm Tự Ðức thứ 35 giáng làm Trung-phi . Lúc đó công vụ đa đoan , vua làm việc quên ăn nên kém sức khỏe , phải dùng thuốc . Bọn cung nhân dâng cơm chậm trễ , làm trái ý vua nên Hoàng-hậu bị giáng xuống làm Trung-phi .

( 42 ) Phan Khoang , sách đã dẫn , trang 335 : có người nói bà Học-phi Nguyễn-thị ( vợ vua Tự Ðức ) mẹ nuôi vua Kiến Phúc có tư tình với Nguyễn Văn Tường . Một hôm vua Kiến Phúc đau , Tường vào thăm và trò chuyện với bà . Vua nghe được và có hăm dọa ; Tường thấy thế nguy , bèn xuống Thái-Y viện bốc một thang thuốc để dâng vua uống , ngày hôm sau thì vua băng .

 

Hồ Bạch Thảo
Số lần đọc: 3090
Ngày đăng: 23.10.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thăng Trầm Po Nagar Nha Trang - Nguyễn Lục Gia
Trung Quốc từng nêu việc đánh chiếm An Nam để gây áp lực với các nước Ðông Nam Á - Hồ Bạch Thảo
Đóng góp của John K. Whitmore cho các nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á - Lê Hải*
Do Đâu Qui Ninh Thành Qui Nhơn Và Diên Ninh Thành Diên Khánh? - Nguyễn Lục Gia
Vịnh Xuân Đài: Duyên Cách Và Sự Kiện - Nguyễn Lục Gia
Họ Tộc Lê Văn, Cuộc Chia Ly Gần Hai Thế Kỷ - Diệp Hồng Phương
Công Nghiệp Tiên Chúa Nguyễn Hoàng - Nguyễn Lục Gia
Từ một cuộc hành quân phối hợp dưới thời nhà Thanh, thử so sánh khả năng hàng hải giữa hai nước Trung Việt thời bấy giờ. - Hồ Bạch Thảo
Một Cuộc Phiêu Lưu Quân Sự Của Nhà Thanh Và Sự Vụ Đòi Người Từ Phía Thanh Triều - Nguyễn Lục Gia
Việt Nam - Philippines: 0-2 trên sân bóng biển Đông - Đinh Kim Phúc
Cùng một tác giả
Biển Giao Chỉ (lịch sử)
109. Vua Lê Uy Mục. (tiểu luận)