Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
779
116.476.128
 
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam: Tư Tưởng Nguyễn Du Qua Đoạn Trường Tân Thanh 2
Nguyễn Đăng Trúc

Chương II

 

Hệ thống tư tưởng trong

Đoạn Trường Tân Thanh

 

 

II.1- Từ nhan đề của truyện

 

Việc chọn nhan đề cho một tác phẩm của mình là điều rất quan trọng cho bất cứ một tác giả văn học nào bất kỳ. Nó cô đọng toàn bộ nội dung của tác phẩm. Và vì thế, khi nghiên cứu sự thay đổi nhan đề một tác phẩm qua thời gian, ta cũng thấy được phương cách hiểu và đánh giá tầm quan trọng của một nội dung nào đó được đề cao. Khởi thủy Nguyễn Du đã lấy tựa đề cho tác phẩm của mình là Đoạn Trường Tân Thanh. Nhưng theo Trần Trọng Kim, dư luận cho rằng Phạm Quí Thích đổi lại là "Kim, Vân, Kiều tân truyện" và rồi dần dà được gọi "theo thói thường mà nhận là Truyện Thuý Kiều"[1].

 

Truy cứu về nguồn gốc truyện Kiều, các nhà nghiên cứu văn học thường nêu lên hai bản tiểu thuyết Trung hoa, và cả hai bản đều mượn tên các nhân vật trong câu truyện để đặt tên cho tác phẩm của mình, hoặc Vương Thúy Kiều truyện, hoặc Kim Vân Kiều truyện.[2] Với việc chọn nhan đề mới là "Đoạn Trường Tân Thanh", và đặc biệt là nội dung độc đáo của phần mở đề và phần kết luận nơi bản văn chữ nôm, ta thấy mục đích của Nguyễn Du khi viết lại truyện nầy chủ yếu không phải là chuyển dịch một câu chuyện, nhưng là mượn lấy một mẫu chuyện mà ông thấy có những chất liệu thích hợp có thể dùng để chuyển đạt tư tưởng của mình.

 

Tầm quan trọng của phần dẫn nhập và kết luận

 

*   Sau câu mở đề gói ghém tất cả luận đề của tác phẩm, đến câu thứ bảy và tám

 

Kiểu thơm lần giở trước đèn

Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh,

 

rõ ràng tác giả dùng một câu truyện giả tưởng, nhưng điển hình để minh chứng.

 

*  Và phần kết uận bắt đầu bằng chữ "ngẫm" để nêu lên quan điểm của tác giả, trả lời cho những chủ đề đặt ra lúc ban đầu.

 

Ngẫm hay muôn sự tại trời (câu 3241).

 

Ở đây chúng ta chưa đi vào việc phân tích phương cách đặt vấn đề, chủ đề nào được nêu ra và luận thuyết như thế nào trong phần kết luận, nhưng hình thức bố cục của bản văn đi đôi với việc chọn lựa một nhan đề mới cho tác phẩm của mình là một chỉ dẫn giúp chúng ta lưu ý đến tầm quan trọng của nội dung nhan đề mới nầy.

 

 

Tựa đề Đoạn Trường Tân thanh

 

"Đoạn Trường" nghĩa là đứt ruột, diễn tả nỗi đớn đau cùng cực.

 

"Tân Thanh" nghĩa đen là "tiếng mới", lời mới.

 

Các nhà nghiên cứu văn học giải thích rằng "Tân Thanh" cũng như sau nầy Phạm Quý Thích còn đổi là "Tân Truyện", hàm ngụ công việc viết lại câu truyện bằng chữ nôm. Nhưng theo thiển ý của chúng tôi, khi đọc toàn bản văn, thì "Tân Thanh" còn cảm nhận như là một lời gợi ý của tác giả về một âm hưởng mới trong nổi đau hàm ngụ trong tác phẩm.

 

 

"Nỗi đau" của ai? Cái gì tạo nên đau đớn?

 

Thông thường thì nỗi đau đớn nầy thường được đồng hoá với nhân vật Kiều, được hiểu như một phụ nữ nào đó gặp phải hoàn cảnh oan nghiệt trong cuộc đời.

 

Trong lịch sử văn học Việt Nam vào thế kỷ 19, cận kề với thời điểm sáng tác truyện Kiều của Nguyễn Du, hai tác phẩm quan trọng khác đó là Chinh Phụ NgâmCung Oán Ngâm Khúc cũng diễn đạt nỗi đau của những người phụ nữ trong những hoàn cảnh đặc biệt. Hẳn nhiên đằng sau những phụ nữ nầy còn là âm vọng của một khối đa số dân chúng và cũng là nỗi thao thức riêng của các tác giả. Nhưng đặc biệt tựa đề Đọan Trường Tân Thanh nêu lên một nỗi đau của không riêng gì ai, nghĩa là của tất cả. Cái gì tạo đau khổ đến đứt ruột, tác giả sẽ diễn tả trong phần dẫn nhập. Nhưng ở đây, khi nổi đau của tất cả được lồng vào nhân vật duy nhất là Kiều, thì cô Kiều đó được ngầm hiểu là tượng trưng cho thân phận kiếp làm người.

 

Nếu Aristote đã nêu lên rằng sự hiểu biết cao độ, nghĩa là triết học, đòi hỏi phải đi đến mức độ phổ quát, thì tác phẩm "Đọan Trường Tân Thanh" không phải là bản văn truy tìm cái chung nơi hòn sỏi, cũng như nơi con người, nhưng là cơn đau chung của kiếp làm người.

 

Và chúng ta sẽ thấy "Cõi người ta" là cái khung duy nhất của điều gọi là suy tư hay tư tưởng của tác phẩm "Đọan Trường Tân Thanh" cũng như của truyền thống văn hoá tạo cảm hứng cho thiên tài Nguyễn Du, và của những người Việt tiếp nhận âm hưởng của tập thơ nầy.

 

II.2- Từ bố cục tổng quát tác phẩm

Đoạn Trường Tân Thanh

 

Dựa vào bản văn hiệu chính của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim [3], toàn bộ tác phẩm Đoạn-trường Tân-thanh gồm có 3254 câu.

Tác phẩm được chia làm ba phần rõ rệt:

  • Mở đề: Sáu câu (1-6)
  • Hai câu chuyển (7-8)
  • Câu truyện nàng Kiều (8-3240)
  • Phần tổng luận (3241-3252) với hai câu kết (3253-3254)

 

Về lối bố cục tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh, vấn đề được nêu lên là sự hiện diện của hai câu kết:

 

Lời quê chắp nhặt dông dài

Mua vui cũng được một vài trống canh.

 

Sau 12 câu thơ tổng luận với nội dung tư tưởng cô động, giọng văn trang trọng, hai câu kết tưởng chừng như bông đùa đã làm cho nhiều nhà phê bình văn chương xem đấy là một âm thanh lạc điệu trong một bản trường ca tuyệt vời. Có người vội đánh giá rằng đây là hai câu thơ tệ nhất đã gượng ghép vào nhằm đánh lạc hướng những phê phán hay phản ứng bất chừng của triều đình nhà Nguyễn. Và người ta tự hỏi phải chăng việc sử dụng lối kết luận như thế là một qui ước của những tác giả đương thời, vừa muốn diễn tả những bực nhọc của mình cũng như phản ảnh những nỗi khổ đau của xã hội, vừa muốn tránh việc có thể làm phật ý giới đương quyền [4].

Nhưng theo thiển ý của chúng tôi, lối diễn tả kỳ lạ nầy của Nguyễn Du có thể phản ảnh thái độ rất đặc biệt của kẻ sĩ Việt Nam.

Khi đã từng viết

 

Bất tri tam bất dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như [5]

 

hẳn tác giả đã mặc nhiên biết về tài năng văn chương đặc biệt của mình. Nhưng đồng thời với nhận thức nầy, kẻ sĩ hẵn không mang tâm tình của một Từ Hải

 

Chọc trời, khuấy nước, mặc dù,

Dọc ngang nào biết trên đầu có ai (ĐTTT, câu 3247);

 

nhưng ý thức sâu xa rằng

 

Có tài, mà cậy chi tài! (ĐTTT, câu 3247).

 

Thái độ khiêm tốn đó, dù nó là một qui ước văn chương đi nữa, thì cũng gợi lên một yêu sách về đạo đức của một kẻ sĩ.

 

Về sự liên tục tư tưởng liên quan đến mạch văn của phần Tổng luận, hai câu văn lạc điệu nầy có sức gợi lên những nội dung ẩn kín buộc đọc giả phải suy tư. Hai câu nầy đi liền với một luận văn, đặc biệt là đi liền với câu

 

Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài (ĐTTT, câu 3252).

 

không phải làm giảm niềm thâm tín của tác giả về nội dung phần Tổng luận, nhưng muốn nói lên giới hạn tài sức của tác giả trước một nội dung quan trọng nhưng còn nhiều gai góc.

 

Câu truyện Kiều nêu lên là một tượng trưng còn bất cập; phần Tổng luận lại nói đến chữ Tâm, nhưng chữ Tâm ấy gợi lên như một âm vọng của một trực giác, một lời mời đọc giả bước qua câu truyện để chứng thực trong cuộc sống của mình. Phải chăng với nội dung sinh động của chữ Tâm so với những gì đã diễn tả được trong tác phẩm, thì tài của Nguyễn Du đi nữa cũng chỉ  là những "lời quê, chắp nhặt, dông dài"; và trước chữ Tâm ấy, tác giả cũng tự thú rằng những gì đã được viết ra cũng chỉ "mua vui...được một vài trống canh"?

 

Qua nhận xét riêng của chúng tôi về hai câu thơ kết luận nầy, chúng tôi thấy Nguyễn Du đã cống hiến một mặt tính cách siêu vượt của Đạo Tâm, đồng thời thái độ khiêm tốn cần thiết của con người trước chân lý.

 

Chúng ta trở lại phần bố cục của tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh. Ngoài vấn đề hai câu kết luận, thì sáu câu thơ mở đề, hai câu chuyển (7 và 8), cũng như phần tổng luận bắt đầu bằng chữ "ngẫm" đến buộc ta phải xét đến mục đích hình thành tác phẩm nầy.

Khi so sánh với nguyên tác bản văn, học giả Vũ Đình Trác đã nêu lên mười bảy điểm khác biệt quan trọng và đi đến kết luận:

 

Có rất nhiều những điểm dị biệt khác, nhất là về phương diện văn chương - theo ý kiến phần (đông) các học giả - bởi thế tác phẩm của Nguyễn Du có giá trị của một sáng tác phẩm, chứ không phải một dịch phẩm [6].

 

Và đặc biệt học giả họ Vũ đã nêu lên hai điểm khác biệt làm ta lưu ý. Đó là phần mở đầu (điểm khác biệt thứ nhất) và phần kết thúc (điểm sai biệt thứ mười bốn). Hai phần nầy là sáng tác độc đáo của Nguyễn Du.

 

"Truyện Kiều kết thúc bằng sự thăng quan tiến chức đầy danh vọng lợi lộc của Kim Trọng và Vương Quan - Đọan Trường Tân Thanh lại kết thúc bằng quan niệm Tâm đạo" [7].

 

Nếu đọc kỹ câu chuyện[8], ta thấy ngay toàn bộ câu truyện của Kiều chẳng qua được dùng làm thí dụ hay chất liệu để diễn tả luận đề được nêu lên trong phần mở đầu, và biện minh cho Tổng luận, đặc biệt được khởi đầu bằng chữ "ngẫm".

 

Như thế, về mặt tư tưởng, chính phần đầu và phần kết là chủ yếu. Vậy có gì quan hệ khi nêu lên nhận xét nầy?

 

- Trước hết, để có thể đi vào tư tưởng Nguyễn Du một cách nghiêm túc, ta cần ưu tiên đi sát với lối đặt vấn đề của chính tác giả. Nghĩa là những dữ kiện trong truyện Kiều phải được đưa vào cái khung sẵn có trong phần mở đầu.

- Thứ đến, những chi tiết trong truyện Kiều, dù đã được Nguyễn Du sửa đổi cho ăn khớp với luận đề, và có thể có những âm hưởng của các truyền thống văn hoá Nho, Phật, Lão... thì cũng không thể tránh được những hạn chế hay những ràng buộc với nguyên bản. Hẳn nhiên đại thể của câu truyện đã cống hiến những chất liệu cần thiết đánh động tâm tư của tác giả; và tác giả đã chọn lấy câu truyện đó để diễn đạt tư tưởng của mình. Nhưng, nếu chỉ phân tích câu truyện, với những chi tiết lắm lúc gượng ép, và xa lạ với tập tục của cuộc sống dân gian Việt Nam, mà không lưu ý đến chủ ý riêng của tác giả Nguyễn Du (rõ rệt được nêu lên trong phần dẫn nhập và phần kết) thì chúng ta dễ đánh mất phần thiết yếu của tư tưởng Nguyễn Du.

 

Một nhận xét quan trọng nữa liên quan đến bố cục của tác phẩm, đó là nỗ lực hệ thống hoá tư tưởng. Chúng ta sẽ còn nhiều dịp đào sâu điểm nầy khi phân tích và lý giải phần dẫn nhập và phần tổng luận. Nhưng ở đây, khi đối chiếu với những tác phẩm như Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc chẳng hạn, thì rõ rệt bản văn Đoạn Trường Tân Thanh, không còn là một tác phẩm văn chương tiểu thuyết nhằm kể một câu truyện. Nguyễn Du đã đưa ra những thắc mắc, trực giác được để nêu lên toàn bộ ở phần dẫn nhập. Tiếp đó, thay vì dùng ngôn ngữ trừu tượng lập luận từng điểm như lối văn triết học trong các kinh sách Trung hoa hay Tây phương, tác giả dùng một câu truyện để chứng minh. Và trong phần tổng luận, Nguyễn Du nêu lên những nhận định riêng của mình ăn khớp với kinh nghiệm rút ra từ câu truyện để giải đáp những vấn đề nêu lên trong phần dẫn nhập. Về mặt hệ thống hoá tư tưởng, sau tác phẩm Lĩnh Nam Chích Quái (ở quyển I) do Vũ Quỳnh hiệu chính, hẳn tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh nổi bật ở điểm nầy.

 



[1] Xem Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim, hiệu chính và chú giải truyện Thúy Kiều, Nguyễn Du, Tân Việt, Sài gòn xb in làn thứ 8, tựa, trang VI.

 

[2] Dư Hoài: Vương Thuý Kiều truyện; Thanh Tam tài nhân: Kim Vân Kiều truyện.

 

[3] Bản văn dùng làm tài liệu nghiên cứu dựa vào bản  1995, do nhà xb Văn hoá Thông tin, đã in lại theo bản in lần thứ 8 của nhà xb Tân Việt, Sài Gòn

 

[4] Xem hai câu thơ cuối cùng của Chinh Phụ NgâmCung Oán Ngâm Khúc:

-     Tương hội, tương kỳ, tương ký ngôn

Ta hồ trượng phu đương như thị (của Đặng Trần Côn)

-     Ngâm nga mong gửi chữ tình

Đường nầy âu hẳn tài lành trượng phu (của Đoàn Thị Điểm diễn nôm)

-     Phòng khi động đến cửu trùng

Giữ sao cho được má hồng như xưa (Ôn Như Hầu)

 

[5] Ba trăm năm nữa, ôi không biết

   Thiên hạ còn ai khóc Tố Như? Thanh Hiên thi tập, bài 78, "Độc Tiểu Thanh Ký".

 

[6] Hán Chương Vũ Đình Trác, Triết lý nhân bản Nguyễn Du, Hội Hữu, xb, California, 1993, tr. 278.

[7] Sđd, tr. 155.

[8] Xem  "Kiểu thơm lần giờ trước đèn,

Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh" (câu 7-8)

 

 

Nguyễn Đăng Trúc
Số lần đọc: 5593
Ngày đăng: 25.10.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam: Tư Tưởng Nguyễn Du Qua Đoạn Trường Tân Thanh 1 - Nguyễn Đăng Trúc
Edmund Husserl - Suy-Tư Trong Tinh-Thần Descartes- 3 - Nguyễn Quỳnh USA
Đọc Và Fê-Bình Sein Und Zeit/ Nguồn-Sống Và Thời-Jan Của Heidegger 5 - Nguyễn Quỳnh USA
Nhớ Nguồn 6- hết - Nguyễn Đăng Trúc
Nhớ Nguồn 5 - Nguyễn Đăng Trúc
Nhớ Nguồn 4 - Nguyễn Đăng Trúc
Một Tí “Rilke” - Nguyễn Quỳnh USA
Nhớ Nguồn 3 - Nguyễn Đăng Trúc
Nhớ Nguồn 2 - Nguyễn Đăng Trúc
Đọc Và Fê-Bình Sein Und Zeit Nguồn-Sống (Bản-Thể)Và Thời-Jan của Martin Heidegger (1889-1976)- 5 - Nguyễn Quỳnh USA
Cùng một tác giả
Nhớ Nguồn 1 (tiểu luận)
Nhớ Nguồn 2 (tiểu luận)
Nhớ Nguồn 3 (tiểu luận)
Nhớ Nguồn 4 (tiểu luận)
Nhớ Nguồn 5 (tiểu luận)