Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
457
116.587.178
 
Văn chương Việt hiểu qua lăng kính Động lực học
Lê Hải*

Động lực học (dynamics system) là mô hình ứng dụng rất nhiều trong các ngành kỹ thuật và tin học, đặc biệt là cho hệ thống tự động. Cách dịch tiếng Việt này phần nào bắt nguồn từ ngành học trước đó về chuyển động và lực (kinetics) trong các hệ thống cơ khí thông minh như robot (còn gọi là cánh tay máy – manipulator). Mô hình này mà trung tâm là hệ thống phản hồi (feedback system) dần được nâng cấp với hỗ trợ từ lý thuyết toán động học thành ngành điều khiển học (cybernetics) mà triết lý được áp dụng rộng rãi vào các ngành xã hội nhân văn [1].

 

Tuy nhiên cách hiểu cybernetics trong xã hội học tránh tiếp cận từ mô hình toán cao cấp mà qua mô hình hóa-lý như động cơ hơi nước, với cách trình bày dễ hiểu hơn, như tác động của nhiệt làm chất lỏng là nước biến thành khí sinh ra lực, biến chuyển năng lượng từ dạng này sang dạng khác theo định luật bảo toàn năng lượng của vật lý, hay phản ứng tạo khí từ chất rắn theo định luật bảo toàn phân tử của hóa học. Tiếp cận từ nghiên cứu sinh vật học cũng đưa ra những mô hình tương tự, ví dụ như chiến dịch của Mao giết chim sẻ để khỏi ăn lúa làm triệt tiêu hệ thống điều chỉnh tự nhiên, làm tăng số côn trùng có hại cho lúa và kéo theo là mất mùa nặng hơn.

 

Đó chính là cách tiếp cận của Niel L. Jamieson để hiểu Việt Nam qua văn chương mà cụ thể là những tuyển tập văn thơ mà ông đã sưu tập trong hơn 10 năm, từ 1963 đến ngày 29.IV.1975, xuất bản thành quyển sách đã trở thành giáo khoa cho sinh viên Mỹ học về VN suốt từ 1993 cho đến nay [2]. Khởi đầu là sinh viên ngành văn học dân gian, viết luận văn về Việt Nam từ góc nhìn của ngành nhân học, Jamieson tiếp nhận hệ thống lý thuyết về điều khiển học từ triết gia Gregory Bateson (1904-1980), người xây dựng tư tưởng điều khiển học cho các ngành nhân học, tâm thần, tư tưởng tiến hóa và triết học tư duy (epistemology) từ vốn kiến thức cơ sở trong ngành sinh vật học, kinh nghiệm nghiên cứu trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn [3], và nền tảng triết học thu nhận từ học giả gốc Ba Lan Alfred Korzybski (1879-1950).

 

Áp dụng mô hình này, Neil Jamieson nhìn thấy tư tưởng âm-dương (yin-yang) như là hệ thống nền tảng (root paradigm) chi phối toàn bộ hệ thống ý nghĩa, là vũ trụ quan của người Việt, từ những phân chia cơ bản như âm là lạnh, dương là nóng, cho đến thức ăn và các định chế trong chính trị. “Cơ thể con người được coi như là một vi hệ thống (microcosm) của thế giới tự nhiên, và tương tự vậy gia đình là hệ thống thu nhỏ của thế giới xã hội. […] Cả hệ thống giáo dục chính thức lẫn xã hội hóa ở mức gia đình nhấn mạnh đến chuyện dạy trẻ em những hành vi phù hợp trong định chế này, tạo ra cơ sở cho hệ thống xã hội đã hoạt động trong xã hội Việt Nam hàng trăm năm liền” (Jamieson 1993:12). Âm và Dương chuyển hóa qua lại và tự động kiềm chế nhau trong một hệ thống cân bằng tự nhiên.

 

Nhìn xã hội như một quá trình nhiệt động lực học [4], Bateson cho rằng điểm quan trọng nhất trong lịch sử là khi tính chất thay đổi, và những người còn giữ hệ giá trị cũ bị thiệt hại, còn hành vi xã hội bị điều khiển từ sự thay đổi cân bằng của hệ thống. Jamieson nhìn xã hội Việt Nam trong thế kỷ 20 trong mô hình tương tự như vậy, với các thành viên tương tác và trao đổi với người khác, đóng góp kết quả của hành động của chính bản thân mỗi người và của những người khác trong những thông tin mới mà qua đó điều chỉnh hành vi tiếp theo của mình. Có lúc quá trình này khiến người ta thay đổi hành vi và đồng thời thay đổi thay đổi tính chất của hệ thống bằng cách thay đổi phương thức truyền bá hệ giá trị trong toàn bộ xã hội. Các mối quan hệ giữa những thành viên trong xã hội như vừa mô tả sơ lược có thể đo đạc qua các tín hiệu chuyển giao ý tưởng qua lại, mà tiện lợi nhất chính là văn chương, đặc biệt là những tác phẩm phổ biến trong xã hội.

 

Hướng nghiên cứu của Neil Jamieson mở ra một con đường hữu dụng cho giới trí thức ngành kỹ thuật có thể ứng dụng để bàn chuyện xã hội một cách khoa học. Những trình bày của ông trong tác phẩm kinh điển vừa kể không chỉ cung cấp hiểu biết về Việt Nam cho độc giả tiếng Anh, mà còn sẽ giúp người vốn văn chương Việt đạt tầm tư duy mới trong triết học hệ thống.

 

[1] Phần nào qua công của nhà toán học Mỹ Charles Sanders Peirce (1839-1914), sau này là triết gia và lý thuyết gia cho trường phái thực dụng xã hội (social pragmatism) Mỹ (có thể đọc thêm tại từ điển triết của ĐH Stanford http://plato.stanford.edu/entries/peirce/), cũng như triết gia Karl Deutsch (1912-1992). Tại Việt Nam, theo báo chí thì đương kim phó thủ tướng nguyên là bộ trưởng giáo dục, phó chủ tịch ủy ban và hiệu phó đại học bách khoa tp.HCM Nguyễn Thiện Nhân từng nghiên cứu bậc tiến sĩ ngành cybernetics ở Đức. Dynamics có thể dịch chính xác hơn là “động học” để phân biệt với kinetics và gần nghĩa hơn với nghĩa “năng động” thường được dùng để mô tả các nền kinh tế đang chuyển hóa mạnh như ở Việt Nam (dynamic economy).

 

[2] Jamieson, Neil L. (1993) 1995, [Hiểu Việt Nam] Understanding Vietnam, University of California Press. Có thể đọc một phần trên thư viện mạng của Google tại địa chỉ http://books.google.co.uk/books?id=nC0LAJITUmsC&printsec=frontcover hoặc download toàn phần từ http://library.nu/docs/BO3HCRFLTX/Understanding%20Vietnam

 

[3] Vợ đầu của ông chính là giáo sư đầu ngành trong nhân học văn hóa Margaret Mead. Độc giả phổ thông có thể sẽ rất thích thú khi đọc tác phẩm Bateson 1979, Mind and Nature: A Necessary Unity, Dutton kết nối giữa tư duy và tự nhiên, đặc biệt là chương 2 về 16 điều mà “mỗi học sinh đều biết”. Giới nghiên cứu chuyên ngành trong nhân học, tâm thần, sinh vật hay triết học tư duy có thể muốn đọc các bài viết sâu hơn với Bateson (1972) 1987, Steps to an Ecology of Mind, Jason Aroson.

 

[4] Có thể đọc thêm mục về Jamieson trên trang Wikipedia tiếng Việt cũng do tác giả bài này thực hiện http://vi.wikipedia.org/wiki/Neil_Jamieson.

Lê Hải*
Số lần đọc: 1924
Ngày đăng: 14.11.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Giambattisty Vico và điểm khởi đầu cho lịch sử văn hóa - Lê Hải*
Von Herder và văn hóa dân tộc - Lê Hải*
Nhà thơ Hà Thượng Nhân đã từ trần - Nhiều Tác Giả
Nhà thơ Chim Trắng qua đời - Chim Trắng
Văn Hiến Nền Tảng Của Minh Triết – 9 hết. - Nguyễn Đăng Trúc
Văn Hiến Nền Tảng Của Minh Triết - 8 - Nguyễn Đăng Trúc
Văn Hiến Nền Tảng Của Minh Triết – 7-1 - Nguyễn Đăng Trúc
Văn Hiến Nền Tảng Của Minh Triết - 7 - Nguyễn Đăng Trúc
Văn Hiến Nền Tảng Của Minh Triết - 6 - Nguyễn Đăng Trúc
Văn Hiến Nền Tảng Của Minh Triết - 5 - Nguyễn Đăng Trúc
Cùng một tác giả
Quê Mẹ (truyện ngắn)
Hiện tượng học (tiểu luận)
Bàn về mỹ nghệ (nghệ thuật)
Việt Nam là gì? (nghệ thuật)