Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
727
116.007.318
 
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam và Vấn Đề Triết Học 7
Nguyễn Bạch Trúc

Vấn đề triết học

và văn hóa Việt Nam

 

Trở lại vấn đề của người Việt và văn hóa Việt Nam. Trước làn sóng Tây phương hóa thế giới, trong tiền bán thế kỷ 20 nầy, thời đầu của nỗ lực Việt hóa văn hóa, nhằm thiết định lý lịch riêng của mình đồng thời tìm một chỗ đứng trong lịch sử của văn hóa nhân loại, các học giả của chúng ta đã cố lục tìm lại các tài liệu văn học, để xác định xem văn học Việt Nam có triết học hay không?

 

Theo lối hiểu một cách tổng quát và sơ lược nhất về triết học như là một nỗ lực xây dựng một hệ thống tư tưởng, và trong nỗ lực cố bắt kịp lối nghiên cứu có tính cách khách quan của văn hóa Tây phương đang phổ biến, một số các học giả có thế giá đã đi đến kết luận rằng văn hóa Việt Nam không có suy tư triết học riêng của mình.

 

"Nền văn học một nước không những chỉ có thi văn, kịch bản, tiểu thuyết, mà gồm có triết học và lịch sử nữa...Những tác phẩm về triết học đã hiếm lại phần nhiều là những sách chú giải, phụ diễn (như Tứ thư thuyết ước của Chu An, Dịch kinh phu thuyết và Thư kinh diển nghĩa của Lê Quý Đôn, Hy kinh trắc lãi của Phạm Đình Hổ), chứ không có sách nào là cái kết quả của sự tư tưởng độc lập, của công sáng tạo đặc sắc cả".

 

Và tác giả những nhận xét khách quan nầy, học giả Dương Quảng Hàm, đã đi đến một kết luận rất đáng lưu ý:

 

"Bởi thế, nếu xét về mặt triết học, thì ta phải nhận rằng nước ta không có quốc học, nghĩa là cái học đặc biệt, bản ngã của dân tộc ta" [1].

 

Học giả Trần Trọng Kim không kết luận như học giả họ Dương nhưng cũng nêu lên những nhận xét tương tự về sự vắng mặt của một nền triết học Việt Nam (hạn chế trong khuôn khổ nghiên cứu về nho học) [2].

 

Về mặt lịch sử, chữ triết học và nội dung của nó thật sự xa lạ với nền văn học Việt Nam trước thời các học giả trên. Nhưng điều đáng lưu ý là khi học giả họ Dương đã chỉ lấy tiêu chuẩn của suy tư theo triết học truyền thống của Tây phương - Hy-lạp để đánh giá rằng "nước ta không có quốc học, nghĩa là cái học đặc biệt, bản ngã của dân tộc ta" là một xác quyết rất võ đoán. Tác giả không biết rằng đương thời với tác giả, nhiều nhà tư tưởng Tây phương đang thắc mắc về chính nền tảng tư tưởng truyền thống của họ. Tác giả không biết đến, hoặc không muốn biết đến những thắc mắc đó đã đành, nhưng trong nỗ lực truy cứu Văn hóa của mình, họ Dương cũng không dành một chút suy tư nào riêng để thẩm định thế nào là bản chất văn hóa hầu xét xem lịch sử văn học đó có thực hiện được nền quốc học hay không. Nên, nếu công trình của các học giả uyên bác họ Trần và họ Dương đã cống hiến nhiều dữ kiện cho biết nền Văn học Việt Nam không có triết học theo lối suy tư của truyền thống Tây phương, thì nỗ lực đó có thể có một giá trị khách quan nào đó. Nhưng kết luận từ công trình nghiên cứu nầy về một sự vắng bóng suy tư, một sự phủ định về sự hiện hữu của nền quốc học độc đáo, thì kết luận ấy lại không dựa trên một lý chứng nào vững chắc cả; vì một nổ lực suy tư khác với triết học Tây phương chưa hề được đặt ra.

Chúng tôi dùng chữ có thể, vì vào hậu bán thế kỷ 20, nhiều nhà nghiên cứu, nhiều vị giáo sư triết đã dồn nỗ lực để kết tập lại những mảnh suy tư trong các tác phẩm văn học Việt Nam làm thành những hệ thống triết học của người Việt  [3].

Các công trình nghiên cứu mới về tư tưởng Việt Nam còn ngập ngừng khi dùng chữ triết (triết gia, triết học, triết thuyết...), dường như triết học được hiểu một cách chung là tư duy có hệ thống.

 

Thế nhưng, trong một tiền kiến nào đó, đã có những khơi mầm cho những cuộc tranh cãi giữa một bên là "tại sao lại không Việt triết", và bên kia là "làm gì có Việt triết và tại sao lại cần có Việt triết? ".

 

Cương thường, Đạo giáo, Học thuật, hay Triết...nơi mỗi từ ngữ có chất chứa một khát vọng chung của bản tính con người, và hàm ngụ  một giải đáp riêng gắn liền với lịch sử với những cuộc phiêu lưu cá biệt của nó. Từ cái chung chỉ thoáng nhìn ra mà sẽ không bao giờ, và không một mảnh lịch sử nào sở đắc, một triết gia bên lề, Karl Jaspers, cũng không ngại gọi Socrate - Đức Phật - Đức Khổng - Đức Giê-su là những đại triết gia  [4].

 

"Họ (các vị nầy) ở trong thời gian vượt lên thời gian. Mỗi vị, ngay cả vị cao cả nhất, hẳn nhiên cũng ở vào một nơi nhất định và mặc lấy những chiếc áo của lịch sử. Nhưng dấu chỉ đặc trưng của tính cao cả là nó không lệ thuộc lịch sử nhưng trở thành siêu lịch sử. Những gì thể hiện có tính cách chung với những nét nổi bật nhất của những người đương thời lại được các vị ấy chuyển hóa và mang lấy một ý nghĩa vượt thời gian. Cao cả không phải chỉ là người vận dụng sự hiểu biết để cập nhật thời đại của mình, nhưng xuyên qua hoàn cảnh tư tưởng đụng đến vô tận. Vì thế mà cái cao cả  siêu việt xuyên qua cuộc đời và sự nghiệp của họ đã làm cho họ thành một khuôn mặt vốn để nói với mọi thời đại, với mọi người" [5].

 

Hẳn nhiên tính cao cả của con người theo cách dùng chữ của K. Jaspers không có gì buộc trói vào trong khuôn khổ giới hạn của một lối nhìn nơi một nền văn hóa cá biệt của truyền thống triết học Tây phương - Hy-lạp, dù nó đang tràn lan trong thời đại chúng ta và được hiểu lầm như một cái gì tất định phải là phổ quát. Vì thế, có Việt triết hay không có Việt triết, dù không dựa vào khuôn khổ có tính cách chuyên môn của một truyền thống văn hóa Tây phương đi nữa, thì vấn đề đặt ra là có nên phiêu lưu làm thêm một vòng tròn mới của Đông phương, của Việt Nam ngược lại hay chồng lên vòng tròn của Parménide để tranh đua với đời không! hay đã đến lúc cần khiêm  tốn lắng nghe một âm vọng chung dội lên từ "Tâm duy vi" cư ngụ nơi sâu kín của mỗi con người qua từng bao thời đại, và đã để lại vết tích không phải chỉ nơi sách vở và cuộc sống của Tổ tiên chúng ta mà vẫn còn âm vang trong cuộc lữ hành của mỗi con người Việt Nam hôm nay.

 

Vào thời kỳ ban đầu của trào lưu Việt hóa Văn hóa Việt Nam trong tiền bán thế kỷ 20 nầy, thời mà các người làm văn hóa vận động hết sức lực để hoặc giữ cái học cũ hoặc vứt bỏ hết tàn dư hũ Nho để vươn mình lên cho kịp cái học mới, Sào Nam Phan Bội Châu lên tiếng như sau trong cuốn Phàm lệ của cuốn Khổng Học Đăng:

 

1- Mục đích người làm bản sách nầy là cốt phù trì nhân đạo; nếu ai không để lòng vào nhân đạo thời xin chớ đọc...

5- Hễ ai đọc bản sách nầy, trước phải lập định một cái chí khí tự nhiên rằng: "Ta là Khổng Tử, là Mạnh Tử, tà là Bá lạp đồ (Platon) ta là Khang Đức (Emmanuel Kant), chẳng qua đời tuy có xưa nay, đất tuy có đông tây, mà tâm lý in như nhau, thánh hiền tức là ta, ta tức là thánh hiền; ta chỉ là người hậu tiến của cổ nhân mà thôi". Có chí khí ấy thời đọc cuốn sách nầy mới thích.

Nếu ai chưa đọc sách nầy mà trước đã có một ý kiến sẵn: định làm nô lệ cho người đời xưa, hay định làm nô lệ cho người đời nay xin chớ đọc " [6].

 

Cuốn sách của Sào Nam Phan Bội Châu nói về cái học của Khổng, nhưng tác giả nhắc trước khi đọc "Ta là Khổng Tử", vì hàm ngụ một cái gì chung bên ngoài cuốn sách đang nói với ta hôm nay cũng như đã nói với Khổng Tử đời xưa. Cuốn sách đó không diễn tả hay minh chứng một kiến thức nào về sự vật, để  dùng làm phương tiện thăng quan tiến chức, "tranh ngôi thứ xôi thịt trong đình làng..., loè loạt khoe khoang, lấy om cơm túi bạc làm mồi hạnh phúc..., xu quyền phụ thế, lấy đồng bào chủng tộc làm mồi vinh thân " [7] hay để làm một cái gì khác bất kỳ, nhưng chỉ như một dấu tích của một nhân chứng thao thức làm người thuộc lãnh vực của "cõi người ta".

 

Như thế, Triết học có đáng đặt vấn đề trong thời đại tân kỳ chúng ta đang sống hay không? Có Việt triết hay không? Và để làm gì? Trước khi trả lời, chúng ta nên thắc mắc: Ai chất vấn ta để ta có câu hỏi nầy và buộc ta phải trả lời? Ta có thể đào bới tận cùng cái "" hay cái "không" trong tầm tay của ta, của cả lịch sử triết học Đông - Tây và ta cũng không hề biết được từ đâu câu chất vấn đó đến với ta cả.

 

"Con người đã muốn giết Thượng-đế" "tạo sa mạc khi dập tắt suy tư phát xuất khởi từ câu chất vấn kỳ bí nầy, nhưng như lối nói đầy cảm hứng thi ca của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, "Nước đi đi mãi", Non vẫn gọi về.

 

Câu chất vấn xuất hiện như bên lề của các câu hỏi thông thường của ta về triết học, phải chăng đó chính là cái bản lề của mọi suy tư! Vì mọi nền văn hóa qua đi với lịch sử, nhưng cái bản lề nầy đã là nguyên nhân của sự ngạc nhiên nguyên ủy, tồn tại mãi mãi với con người, dù các giải đáp của các nền văn hóa con người có thể bị đào thải qua dòng thời gian.

 

Và cuối cùng, từ câu chất vấn nguyên sơ nầy ta tự hỏi:

  • Nàng Âu Cơ dằn vặt suốt đời về một Lạc Long Quân khi ẩn khi hiện có phải là suy tư không?
  • Nguyễn Du từ "cõi người ta" thắc mắc về Tài trong tầm tay tranh chấp với Mệnh làm người không hiểu được, có phải là suy tư không?


[1]  Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn học Sử yếu, Bộ Giáo dục, Trung tâm Học liệu xuát bản, in làn thứ mười, 1968 các trang 157-158.

[2]  Xem Lệ Thần Trần Trọng Kim, Nho giáo, quyển hạ, Bộ Giáo dục, Trung tâm Học liệu xuất bản 1971, trg. 380.

 

[3] Chẳng hạn xem Hán chương Vũ Đình Trác, VN trong quĩ đạo thế giới, của Liên đoàn VNCG tại Hoa Kỳ, Ban Văn hoá xuất bản 1985.

 

[4] Xem Karl Jaspers, Les Grands Philosophes, cuốn 1, Socrate-Bouddha, Confucius, Jésus, éd Plon, trad. C. Floquet et autres, ed. 1989.

[5]   Sđd., tr. 36.

 

[6] Sào Nam PHAN Bội Châu, Khổng Học Đăng, 9-I, nhà sách Khai  Trí xuất bản, 1973, phần Phàm lệ, 1929.

 

[7] Sđd.

 

 

Nguyễn Bạch Trúc
Số lần đọc: 1617
Ngày đăng: 03.12.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam và Vấn Đề Triết Học 6 - Nguyễn Đăng Trúc
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam và Vấn Đề Triết Học 5 - Nguyễn Đăng Trúc
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam và Vấn Đề Triết Học 4 - Nguyễn Đăng Trúc
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam và Vấn Đề Triết Học 3 - Nguyễn Đăng Trúc
Suy-Tư Ba, Mấy Vấn-Đề Cơ-Bản. Chân-Lí Và Cái Có Thực - Nguyễn Quỳnh USA
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam và Vấn Đề Triết Học 2 - Nguyễn Đăng Trúc
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam và Vấn Đề Triết Học 1 - Nguyễn Đăng Trúc
Ludwig Wittgenstein, Cương-Lĩnh Luận-Lí Và Fê-Bình Triết-Học - Nguyễn Quỳnh USA
Đọc Và Fê-Bình Sein Und Zeit/ Nguồn-Sống Và Thời-Jan Của Heidegger 6 - Nguyễn Quỳnh USA
Mills và Tư duy xã hội học - Lê Hải*