Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
772
116.476.352
 
Lời Tiên Tri Của Giọt Sương – bản hợp xướng với những tấu âm lạ...
Nguyễn Hữu Tình

Ở tuổi lục thập nhi nhĩ thuận, Nhật Chiêu – nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học, nhưng lại được đông đảo độc giả gần xa biết đến nhiều hơn với tên gọi là nhà văn, một "nhà văn trẻ" ở tuổi tóc nhuốm màu thu.

 

Nhà văn với nụ cười hiền lành như Bụt và đôi mắt nheo nheo như đang cười bước vào nghiệp sáng tác một cách bất ngờ và nhẹ tênh như chơi...

 

Nếu nói văn chương, trong hành trình đi tìm cái đẹp, suy cho cùng là một trò chơi: trò chơi đuổi hình bắt bóng, thì nhà văn Nhật Chiêu là một người chơi đích thực trong cuộc chơi ấy cùng với độc giả của mình...

 

Vậy trong cuộc chơi nghệ thuật này, ai là hình ai là bóng?

Nhà văn là hình, độc giả là bóng? Nhà văn là bóng, độc giả là hình?

Hay chính nhà văn là hình mà cũng là bóng?

Đuổi hình bắt bóng hay nhà văn tự mình đuổi bắt chính mình?

Và khép lại cuộc đuổi bắt ấy, ai bắt được ai: bóng bắt hình hay hình bắt bóng?

 

Có cần chăng những câu trả lời?

 

Khi cuộc chơi chỉ đặt ra vấn đề duy nhất: đó là chơi.

 

Và mỗi người chơi chỉ cần ...chơi... như...chơi...như...chơi...

 

Bước vào thế giới của Nhật Chiêu, nơi những cuộc chơi kì thú luôn vẫy gọi. Ở nơi đó, có một người chơi luôn chơi hết mình với trò chơi nghệ thuật lung linh kì ảo được thiết kế trên điệu nhảy mê đắm parody (giễu nhại): mải mê, say đắm và hồn nhiên.

 

Chơi và chơi. Chơi như một cách tìm lại... Chơi là một cách trở về...

 

Sau những cuộc dạo chơi dài hơi khởi từ những tập truyện ngắn Người ăn gió và quả chuông bay đi (2007), Mưa mặt nạ (2008), Viết tên trên nước (2010), cuộc trở về trên hành trình hướng tìm cái đẹp của mình, nhà văn đã đưa đến cho độc giả một cuộc chơi mới đầy ấn tượng với tập truyện tuyệt ngắn Lời tiên tri của giọt sương, xuất bản vào những ngày chuyển thu năm 2011.

 

Lời tiên tri của giọt sương, hơn cả một tập truyện ngắn – truyện tuyệt ngắn, là bản hợp xướng với những tấu âm lạ được cấu thành từ 109 tấu khúc (fugue).

 

Mỗi tấu khúc mang một thanh âm riêng. Có thanh âm vọng lên từ lòng đất. Có thanh âm về từ thiên đường. Có thanh âm của Chúa. Có thanh âm của Người. Có thanh âm của tiếng cười, thanh âm của tiếng khóc. Thanh âm của thiện. Thanh âm của ác. v.v...

 

Tất cả được phối trên nền nhạc parody lúc trầm, lúc bổng, lúc du dương, lúc đứt đoạn, chơi vơi...

 

Tiết điệu parody luôn được gia tăng, đổi nhịp và chen giữa những bước chuyển là những dấu lặng liên tiếp đầy dụng công như khoảng trống trong tranh thủy mặc, như khoảng lặng trong thơ Haiku, như khoảng trắng trong kĩ thuật vườn khô Nhật Bản (khô sơn thủy)...

 

Trong bản hợp xướng ấy, thế giới mà Nhật Chiêu xây dựng và đem đến cho chúng ta là một thế giới mà cái hàicái bi hòa lẫn trong nhau.

 

Sử dụng yếu tố nhại, ở Lời tiên tri của giọt sương, Nhật Chiêu đã làm mới những điều tưởng chừng quá quen, quen đến độ hóa tầm thường.

 

Ở đó, tính chất giễu nhại đã được đẩy đến đỉnh cao nghệ thuật theo nghĩa chơi...

 

Lời tiên tri của giọt sương là một cuộc chơi – một cuộc vui (cái hài) mà xót xa đau (cái bi).

 

Cái nhại luân phiên hoán chuyển tương hợp nhau trong 109 siêu truyện trên ba cấp độ: nhại đời, nhại người nhại chính mình để rồi đau đời, đau người đau chính nỗi đau của mình.

 

Xưa, đọc Thủy Hử của Thi Nại Am, người đời truyền lưu tên tuổi của 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc. Giờ, trong những ngày cuối Đông, ngẫm suy những lời tiên tri mà giọt sương – vị sứ giả của trời – để lại cho người qua 109 siêu truyện.

 

Xin thử đọc và hãy cảm:

Nhại

MỘT HÔM Cóc hiện ra với tôi mà nói, "Coi chừng đó, ta sẽ viết về mi mà lưu truyền trong thế giới Cóc và chắc chắn mi sẽ là nhân vật tồi nhất!" (truyện số 9, chùm TRUYỆN HƯ, Trang 130)

 

 

Thư gởi Swift

XIN NGÀI CHO PHÉP TÔI ĐƯỢC TỰ TỬ, bởi tôi không còn chịu nổi MÙI NGƯỜI. (truyện số 7, chùm TRUYỆN HƯ, Trang 126).

 

Cá Sấu

CHƯA LÀM CẤP TRÊN HÀI LÒNG, con cá chép vượt vũ môn chỉ hóa thành cá sấu, được phái đến đầm lầy làm CHÚA và bắt đầu nhận quà biếu của cư dân Đầm, vừa nhận vừa rơi nước mắt.

(truyện số 14, chùm TRUYỆN ĐÂU, trang 111)

 

(...)

Tập truyện gồm 109 truyện tuyệt ngắn. Có những truyện độ dài chỉ một câu. Như chiều dài lá cỏ...

Đọc xem:

Chúa đánh vần

TÔI nặng TỘI

 (truyện số 7, chùm TRUYỆN MÊ, trang 158)

 

Có những truyện chỉ hai từ. Như một tiếng thở dài, chậc lưỡi...

Chết đánh vần

CHỜ HẾT...

(truyện số 8, chùm TRUYỆN MÊ, trang 160)

 

Có những truyện dung lượng được nén chặt trong một chữ. Như một cái chớp mắt của người...nhận ra...

Sử thi nàng Sita

(mới phát hiện, tuyệt ngắn)

Đất

(truyện số 9, chùm TRUYỆN AI, trang192)

 

(...)

Điều này đã làm cho những định nghĩa về truyện ngắn – những định nghĩa vốn dĩ đã không đứng vững cùng với sự phát triển của thực tiễn sáng tác văn chương – đã bị đỗ vỡ thực sự. Truyện tuyệt ngắn của Nhật Chiêu, ngay ở tính cực ngắn này, đã để lại trên nó dấu ấn của nụ cười hiền lành, hiền như cái cười mà nheo mắt....ha ha........... Nỗi đau đời và ...cực lạc chính ở đây!...

 

Cực lạc là đâu?

ĐÂY, Tố Nữ đáp.

(tập Hồ Xuân Hương)

(truyện số 3, chùm TRUYỆN ĐÂU, trang88)

Nguyễn Hữu Tình
Số lần đọc: 2040
Ngày đăng: 06.12.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phiên Bản Của Một Nỗi Buồn - Lê Huỳnh Lâm
Giấc Mơ Trên Bọt Sóng - Nguyễn Đông Nhật
Bùi Huy Phác - Cát Bụi Thân Một Hạt - Nguyễn Khôi
Cảnh Giang, Tình Thơ Trầm Tích - Ngô Minh
Mô tả Đậm đặc trong truyện ngắn của Lưu Thủy Hương - Lê Hải*
Điểm sách 1Q84 của Haruki Murakami - Nguyễn Thị Hải Hà
Đọc Mặt Nạ Thâm Cung – Tiểu Thuyết Của Trần Hoàng Trúc (Nxb Thanh Niên 2011) - Đoàn Minh Tuấn
Rừng – Kinh Dương Vương, Sự Hóa Thân Lộng Lẫy Trong Hội Họa – Văn Chương - Ngô Nguyên Nghiễm
Tiểu thuyết Le Boujoum của Cung Giũ Nguyên và cái nhìn về số phận con người. - Phạm Văn Quang,
Thức một miền xanh - Miền thương yêu nhân hậu - Lâm Xuân Vi