Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
721
115.994.088
 
Các cải tổ tại Miến Điện bắt đầu thu hút du khách
Trần Ngọc Cư

Jennifer Chen, Wall Street Journal, 9-12-2011, Trần Ngọc Cư dịch

http://blogs.wsj.com/scene/2011/12/09/myanmars-reforms-take-hold-and-tourists-follow/?mod=rss_asia_whats_news

 

YANGON, Myanmar – Đêm thứ Sáu tại Yangon (Ngưỡng Quảng), nhìn quanh không thấy gì hứa hẹn. Bên ngoài trời tối như mực, đèn đường vẫn còn hiếm hoi. Một trận mưa mùa xối xả đã đẩy gần hết mọi người vào trong nhà, khiến đường phố càng thêm tiêu điều. Khi chiếc taxi chúng tôi chậm rãi vòng vèo để tránh né các ổ gà to tướng nằm lác đác trên các con đường, tôi nhận thấy không có dấu hiệu gì sinh động trong khu phố trung tâm thời thuộc địa đang đổ nát này.

 

Bên trong quán Monsoon (Gió Mùa), một tiệm ăn nằm trong một căn nhà hai tầng duyên dáng, không khí hoàn toàn đổi khác. Các người hầu bàn khéo léo di chuyển giữa các bàn ăn, tay nâng chiếc khay chất đầy thức uống và các món ăn nóng hổi đang bốc hơi. Các du khách khác đang rảo mắt qua tấm thực đơn dài liệt kê các đặc sản Đông Nam Á, trong khi một nhóm nhân viên Liên Hợp Quốc thoải mái ngồi uống rượu gin và nước khoáng. Một chiếc bàn dài dần dần được các phụ nữ Miến trong lứa tuổi 30 ngồi vào, họ đưa ngón tay lên hôn gió với nhau và ríu rít khen nhau về quần áo -- chỉ là một bữa đi ăn ngoài bình thường với bầu bạn.

 

Tuy vậy, không lâu trước đây, tình trạng bình thường không phải điều tôi đã dự kiến về cố đô Miến Điện này. Là một cư dân sống lâu dài tại Bangkok, tôi đã từng đi du lịch nhiều nước châu Á, nhưng chưa bao giờ đi đến Yangon, trước đây được gọi là Rangoon. Cũng như nhiều du khách khác, tôi đâm ra e ngại, chỉ vì đã có lời kêu gọi của nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi đòi tẩy chay du lịch Miến Điện. Trong những năm gần đây, bà đã nới lỏng lập trường của mình. Đảng của bà, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, đã ra một tuyên bố vào tháng Năm nói rằng đảng này hoan nghênh các du khách đến Miến Điện nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đi du lịch có trách nhiệm. Khi có cơ hội theo chồng đến ở Rangon vài ngày vào mùa Hè vừa qua, tôi đã buông bỏ những dè dặt của mình.

 

Mặc dù chỉ cách Bangkok một giờ bay, nhưng trong nhiều cách Yangon cho ta cái cảm tưởng đang làm một cuộc hành trình đi lùi vào dĩ vãng. Việc quản lý kinh tế quá kinh khủng đã để lại một cơ cở hạ tầng đổ nát. Những chiếc Totoya mui kín, 20 năm tuổi, rệu rã, được đem ra làm tắc xi tư nhân, cửa xe đôi khi được ràng rịt bằng những sợi dây thép. Các loại cây leo và các cành lá từ trong các căn nhà gỗ trệt đổ nát đâm nhánh ra ngoài. Các cơ sở uy nghi một thời được dùng làm văn phòng cho giới chức hành chính thuộc địa ngày nay trông thật thảm hại, với các cửa kính bị lấy mất và tường vôi phủ mốc. Các hàng hóa mang nhãn hiệu phương Tây gần như không thấy xuất hiện, đây là hậu quả của các chính sách tẩy chay hàng tiêu thụ [do Nhà Nước chủ trương] và của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây.

 

Tuy thế, vẻ phong nhã trong thời kỳ sa sút của Yangon lại tạo ra một sức quyến rũ nào đó so với dáng vẻ đồng phục ngày một gia tăng tại các thành thị châu Á. Trường hợp này cũng giống như một nhà quí tộc đã đến hồi suy vi, nhưng vẫn cố bám lấy danh giá. Những dấu vết của thành phố này trong địa vị một tiền đồn thịnh vượng của Đế quốc Anh được tìm thấy khắp nơi tại đây. Khu trung tâm Yangon nom giống như một bộ sưu tầm tuyệt vời về kiến trúc thời thuộc địa tại Đông Nam Á, bao gồm toà nhà gạch đỏ làm trụ sở Toà án Tối cao và Văn phòng Bí thư thời trước, nơi mà cha của bà Aung San Suu Kyi, một vị anh hùng dân tộc đã bị ám sát vào năm 1947.

 

Cái không gian làm nền cho sự ngưng đọng thời gian ở nơi đây càng tăng thêm sức quyết rũ giản đơn của nó, như tôi đã khám phá tại khách sạn Governor’s Residence, một khách sạn 48 phòng được điều hành bởi công ty Orient-Express. Tọa lạc ngay trong khu vực dành cho các sứ quán, với cây lá xanh um, hành lang và nhà hàng của khách sạn nằm trong ngôi nhà làm bằng gỗ tếch từ thập niên 1920 với các hàng hiên được chạm trổ công phu. Âm thanh từ chiếc gồng bằng đồng trắng được gióng lên khi chúng tôi vừa đến, và hai người gác cổng trong bộ xà rông truyền thống đưa chúng tôi đến bàn tiếp viên, nơi đó khăn lau mát lạnh và các ly trà sả đang chờ. Thế giới hiện đại ít khi xâm nhập vào nơi đây: tín hiệu Wi-fi vẫn còn chợt hiện chợt biến và xe cộ cũng ít qua lại. Vào những buổi chiều oi bức, chúng tôi ngồi tránh cái nóng bên cạnh một hồ tắm hình cánh quạt, mãi ngắm những đám mây vần vũ báo hiệu cơn mưa, với âm thanh duy nhất là tiếng ve sầu làm gián đoạn sự tĩnh mịch.

 

Tuy nhiên, sự thay đổi đang dần dà xâm nhập vào Yangon. Đầu năm nay, chính phủ đã đem bán đấu giá hằng chục công thự có giá trị văn hóa (heritage buildings). Một số trong những kiến trúc ấy có khả năng bị thay thế bằng những nhà cao tầng hiện đại. Nhưng đây đó, tôi vẫn phát hiện được những kiến trúc uy nghi được gói trọn trong giàn giáo bằng tre (bamboo scaffolding) chuẩn bị cho việc trùng tu. Toà Thị sảnh -- một dáng vẻ kỳ lạ phương Đông với tháp chùa và những trụ cao hoành tráng -- vừa được sơn bằng một thoáng màu hoa tử đinh hương.

 

Những nét đặc trưng của đời sống tư sản (trung lưu) cũng đang trổi dậy. Gần khách sạn chúng tôi có một siêu thị chất đầy các kiểu thời trang mới nhất nhập cảng từ Nam Hàn. Các bảng quảng cáo về một buổi trình diễn của ngôi sao hip-hop địa phương, nghệ sĩ Ye Lay, -- với tóc chải keo và áo vét an toàn đen -- được dán khắp thành phố, trong khi các quảng cáo khác rao bán dầu ăn và áo pô-lô hiệu Giordano. Ban ngày, giới chuyên môn ăn mặc đúng thời trang thường đến thưởng thức món pizza và sandwich (bánh mì kẹp thịt) tại quán Sharkey, một quán ăn quang đãng và là một nơi bán đồ mỹ vị với món phô-mát và kem lạnh cực kỳ ngon do nhà hàng làm lấy. Ban đêm, con cái trong lứa tuổi tin của các đại gia mới nổi (nouveau riche) thường tụ tập tại quán Ginki Kids, nơi có hệ thống âm thanh bật ra những bản nhạc rock nghe đinh tai nhức óc.

 

Một hôm, chúng tôi theo một doanh nhân nổi tiếng và gia đình ông đến ăn sáng-trưa (brunch) tại Trader’s Hotel (Khách sạn Thương gia), nơi các gia đình giàu có thường tụ tập đông đảo vào cuối tuần. Những bạn đồng hành của chúng tôi nói rằng đất nước Miến Điện đang bắt đầu cởi mở. Mặc dù cuộc bầu cử năm ngoái bị các nhà phê bình phương Tây cho là một trò gian lận, nhưng chính phủ dân sự hiện nay đã bắt đầu những bước hướng tới dân chủ.

 

Từ khi được phóng thích từ tình trạng quản thúc tại gia vào năm ngoái, bà Aung San Suu Kyi -- người không được hội đồng quân nhân trước đây chấp nhận – đã gặp các viên chức chính phủ cấp cao. Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ, từng tẩy chay cuộc bầu cử năm 2010, sẽ chọn ứng cử viên để tham gia cuộc bầu cử quốc hội bổ túc sắp đến. Chính phủ của nhiều nước khác đang nhìn nhận có tình trạng băng tan tại Miến Điện: Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hilary Clinton đã đến thăm nước này vào tuần trước. Những chuyển biến này đã dẫn đến thái độ lạc quan dè dặt của các cư dân chán nản tại thành phố Yangon. “Thay đổi đang diễn ra, nhưng hãy còn chậm”, người vợ của nhà doanh nghiệp đồng hành nói vậy.

 

Nguồn:

http://blogs.wsj.com/scene/2011/12/09/myanmars-reforms-take-hold-and-tourists-follow/?mod=rss_asia_whats_news

 

Trần Ngọc Cư
Số lần đọc: 1431
Ngày đăng: 11.12.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Christa Wolf, nhà văn nổi tiếng nhất của Đông Đức đã ra đi ở tuổi 82 - Hiếu Tân
Khế ước tan vỡ - Trần Ngọc Cư
Giải Goncourt được trao cho 'nhà văn ngày Chủ nhật' - Hiếu Tân
Trung Quốc diễu võ giương oai - Phạm Nguyên Trường
Các ông lớn ở châu Á đụng độ trên biển - Phạm Nguyên Trường
Kiếp sau của Tây Tạng - Hiếu Tân
Sự sụp đổ của các chế độ độc tài - Phạm Nguyên Trường
Bài nói của tổng thống Barack Obama nhân sự kiện nhà cách mạng thiên tài Muammar Gaddafi “đang sống chuyển sang từ trần”. - Phạm Nguyên Trường
Những mối lo ở phía Đông của nước Nga - Phạm Nguyên Trường
Bọn độc tài bị lật đổ, số phận của chúng ngày càng gay go thêm - Phạm Nguyên Trường
Cùng một tác giả
Tan Chảy (nhìn ra thế giới)
Siêu cường tất yếu (nhìn ra thế giới)
Vương quốc trung bình (nhìn ra thế giới)
Khế ước tan vỡ (nhìn ra thế giới)
Khóc Kim Jong Il (nhìn ra thế giới)
Tương lai quan hệ Mỹ-Trung (nhìn ra thế giới)
Khuấy động Biển Đông (nhìn ra thế giới)