Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
357
116.591.435
 
Chia Tay
Lê Văn Thiện

Từ đồng ruộng về, tắm rửa xong Nam đến nằm nghỉ trên chiếc võng treo dưới gốc xoài. Nhưng Nam vừa nằm được mươi phút đã có khách tới, đó là hai người hàng xóm: chị Sớm và chị Nhành. Chắc nhị vị muốn nhờ viết đơn từ gì đây. Tuy chưa học trọn lớp mười, nhưng ở đây, một xóm quê bé con không có người học cao, Nam được xem là người có nhiều chữ nghĩa.

 

Chị Nhành nhờ viết giấy cớ mất chứng minh nhân dân, xin làm chứng minh mới. Chị nói: “Tháng trước em đã viết giùm đơn về vụ tranh chấp cái vườn dừa, nay lại nhờ nữa, phiền em quá”.

“Không sao, giúp cô bác chút ít, có gì đâu”. Nam nói để chị yên tâm.

“Nam tốt. Chừng nào em cưới vợ chị sẽ qua xách nước, rửa chén”.

 

Chị Sớm hỏi về thủ tục vay tiền ngân hàng. Chị kể rề rà, nói dài dòng từ chuyện này leo sang chuyện kia, nhưng Nam hiểu, nắm được các ý chính của vấn đề. Nam hỏi đùa: “Có đúng nuôi bò không ? Nếu vay về đánh tứ sắc, đổ nợ thì lôi thôi đấy, tiền nhà nước chẳng dễ xơi đâu”.

Chị Sớm cười. “Mình làm ăn thiệt thà, quanh đây ai cũng biết … Em viết giùm cho kỹ cho khéo, để trên huyện người ta không nghi ngại”.

 

Nam viết giấy cớ mất giấy tờ cho chị Nhành. Chuyện ngân hàng của chị Sớm, Nam nói: “Thủ tục vay tiền có nhiều mục đổi mới. Chị đến gặp ông Mộc (thôn trưởng), ông ấy sẽ hướng dẫn cách xin vay”. Hai chị đàn bà cười vui chào về.

 

Ông Thất - cha Nam – bưng lên một mâm dưa hấu đỏ tươi, hấp dẫn.

“Dưa trông ngon quá !” Nam khen.

“Của Hiền cho đấy, nó đến lúc xế”.

 

Hai cha con ra thềm ngồi ăn. Hiền là vợ sắp cưới của Nam, nhà ở làng Xuân Lạc, cách nhà Nam hơn mười cây số. Chỉ còn hai tháng nữa đến ngày cưới. Ông Thất quý trọng cô con dâu tương lai. Ông thường nói với Nam: “Nếu còn sống chắc má con mê con bé này”. Hiền con nhà nghèo, đẹp gái, làm lụng giỏi.

“Hiền ở chơi khá lâu, nó nói vụ bé Còi có vẻ không ổn”.

“Không ổn ?”

“Nhà nó ai cũng phản đối”.

 

Nam thở dài. “Mệt đây. Con cũng cảm thấy cha mẹ Hiền không thích”.

“Hiền nói, bé Còi năm tuổi, hơi lớn. Nuôi những đứa nhỏ, mới sinh vài tháng hoặc trên dưới một tuổi tốt hơn”.

“Tình cảnh Còi đáng thương. Đã làm ơn thì không so đo hơn thiệt”.

“Nó lớn, cô chú nó ở đầy xung quanh đây, mình nuôi đứ đừ, đến khi đủ lông đủ cánh nó sẽ bay về bên ấy, cha mẹ Hiền nói vậy”.

“Họ không thấy cảnh bi đát của gia đình chị Nhã, và chưa gặp bé Còi”.

 

Xưa nay chưa bao giờ Nam nghĩ sẽ xin một đứa bé về nuôi, như con. Làm sao một thanh niên trai trẻ bỗng dưng lại nghĩ ra chuyện lạ như thế. Nhưng tình cờ, hôm đi dự đám ma chị Nhã – mẹ Còi – thấy đứa bé nhỏ xíu mặc đồ tang thì thụp lạy theo sự chỉ bảo của người lớn, Nam thương xót. Chú bé tên Còi. Người ta nói, ít lâu nữa, sau khi cúng trăm ngày chị Nhã, Còi sẽ được đem gởi vào nhà trẻ mồ côi. Cô dì chú bác không ai lãnh nuôi nó, bởi kẻ có lòng thì khổ, còn người khá giả lại thiếu lòng. “Ta sẽ nuôi nó” ! Trong một khoảnh khắc bất ngờ, như tia chớp, ý đó hiện ra trong đầu Nam. Về nhà, suốt nửa tháng, hình ảnh đứa bé côi cút mặc trang phục choán kín tâm trí Nam. Nó hiển hiện khi Nam tắm giặt, lúc ngồi bên mâm cơm, khi cuốc đất ngoài đồng, và len cả vào giấc ngủ.

 

Ông Thất nói, sau mấy phút im lặng: “Chắc Hiền sợ, mới về nhà chồng hôm trước hôm sau đã bị gọi là “mẹ” .”

“Cũng gay. Vậy, con nên làm thế nào đây?”.

Ông Thất ngẫm nghĩ giây lát. “Hơi khó. Qua cách nói, ta thấy rõ là Hiền không muốn.”

 

Có tiếng xe máy chạy vào ngõ. Lại có khách, lại là khách quen. Anh Diêu đến, chở theo một thùng bia. Anh là học trò cũ của Nam… Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, mới bốn tuổi Diêu bị ông ngoại đem gán nợ cho một phú nông, đến bảy tuổi anh đã cầm roi chăn trâu cho chủ. Suốt quãng đời tuổi thơ cơ cực anh không biết một ngày nhàn rỗi, không được sờ đến sách vở. Mãi tới năm kia, ngoài ba mươi tuổi, anh mới cầm cây viết. Lý do khiến anh phải học là chiếc xe máy. Làm ăn phất, anh mua được xe, lái ngon lành, nhưng không có bằng, vì không biết chữ. Anh nhờ Nam dạy kèm, tại nhà Nam, ban đêm… Lớn tuổi học hành vất vả, và ngượng. Nhưng chẳng có cách nào khác. Anh học chậm, khó khổ như người phải gánh vác qúa sức. “Mệt hơn cày ! Cái đầu mình đã chai, tay chân cứng quèo, nói trước quên sau, chưa nghe đã quên !”. Diêu than. Nhưng Nam vui vẻ, kiên trì dạy anh. Muộn, trầy trật, nhưng rồi cũng đơm hoa kết trái. Hơn năm, Diêu đọc thông viết thạo, làm được bốn phép tính. Anh sung sướng như được vàng. Non hai năm,”tốt nghiệp”, Diêu đi thi lấy bằng lái xe. Xong thầy trò làm một chầu nhậu nổ trời ăn mừng ! Một chầu thôi, Nam chẳng tính công sá gì. Nhưng là người biết điều, có trước có sau, Diêu không quên ơn kẻ giúp mình thoát dốt. Anh trả ơn theo cách của anh, lúc bằng mấy con mực con cua, lúc thì chậu cây cảnh quý. Anh trả hoài, trả đều, làm Nam ngại.

Anh Diêu mở thùng giấy, lôi ra mười chai bia, một gói thịt, ba lon coca và một cục nước đá. Coca là phần của ông Thất. Diêu chín chắn, chu đáo, không quên thứ gì, chẳng bỏ sót ai. Nam phàn nàn: “Anh tặng nhiều quá,Nam…mất tự nhiên !”

 

Anh Diêu cười xòa. “ Có gì đâu, em chớ để ý. Hôm qua giỗ bà nội anh, anh giữ lại mấy chai bia, nay hai đứa mình nhâm nhi với nhau” Nhà anh giỗ hơi nhiều đấy! … Nam trải chiếu giữa sân, hai người đối ẩm. Mặt trời lặn. Một chị ở nhà bên cạnh lớn tiếng gọi các con về ăn cơm … Diêu nằm trong số người nuôi tôm sú có tiếng ở Cầu Sắt. Anh nói, yếu tố may rủi chen vào hơi nhiều trong việc nuôi tôm, cũng như nó can thiệp hơi sâu vào đời của mỗi người. Vụ trước anh lỗ đậm, vụ này hòa vốn. Tính trừ năm 1999 đến nay, đây là năm thất bát nhất. Rồi anh thêm: “ Dù ì ạch, nhưng chưa đến mức nguy, anh em mình vẫn có thể uống với nhau vài năm nữa!” Nam an ủi anh mấy câu.

 

Diêu cho biết, sáng nay anh gặp Hiền trong chợ thị trấn. “ So với các cô gái vùng này, Hiền nổi trội nhiều mặt. Ở đây kiếm được người vợ như thế không dễ.” Và anh bảo, nếu Nam đồng ý, ngày cưới anh sẽ bao thầu phần cái rạp và chén bát bàn ghế. Những vật dụng đó anh có sẵn, khỏi phải thuê mướn. Nam bật cười, nhớ lại lúc nãy chị Nhành vừa xung phong lãnh khâu xách nước, rửa chén !

 

Anh Diêu nói về anh Lợi, cha bé Còi. Đó là người đàng hoàng, hiền hậu, chịu khó, nhưng thường gặp xui xẻo. Trong những năm cuối đời, anh ấy phải hứng chịu rất nhiều rủi ro. Hễ anh kiếm được ít tiền là một chuyện vớ vẩn gì đó ập đến, để số tiền ấy bay ra khỏi nhà. Vào mùa mưa lụt, lối xóm bị hư hại phân nửa hoa màu, anh thì mất trắng. Đến lúc phong trào đi núi tìm trầm bùng nổ, người ta trúng nhỏ trúng to, mua máy sắm xe, còn anh ôm vào mình bệnh sốt rét ác tính, chết đột ngột. Gần đây, khi chị Nhã – vợ anh – gặp tai nạn chết dưới sông thì coi như gia đình anh hoàn tất việc gắn kết những hạt ác nghiệt trong xâu chuỗi bất hạnh của định mệnh.

Anh Diêu hỏi, Nam tính chuyện bé Còi thế nào.

 

“Em sẽ đem Còi về nuôi, dứt khoát. Chỉ còn một điểm phải cân nhắc, là bao giờ thực hiện”.

Nam thuật lại những điều Hiền bày tỏ với ông Thất. “Ba má Hiền không muốn, Hiền cũng vậy”.

“Ý định nuôi đứa bé của em hơi lạ, độc đáo. Bà xã anh khen: Nam có thể tu được !”.

“Bà con hiểu, ủng hộ, em mừng. Anh biết không, các báo đăng, lắm người không giàu có gì vẫn nhận nuôi hai, ba chục trẻ mồ côi.”

Anh Diêu cười, nâng ly: “Nào, cụng ly, mừng trên đời có nhiều người tốt bụng !”.

 

*            

Anh Diêu về. Trăng lên cao. Nam nằm tại chỗ, nằm ngửa, vòng tay gối đầu, ngước nhìn trời. Quanh Nam chai ly, chén đĩa la liệt. Một con chó nhỏ ung dung ngồi nhai xương rôm rốp. Ông Thất ra, tưởng Nam say, ông định dọn dẹp. Nam giữ tay ông lại. “Ba để đấy, con sẽ dọn. Đêm thanh vắng, mát mẻ thế này người ta có thể nghĩ ra thơ, nhạc và nhiều điều lý thú hay ho, ba ạ… Ba chớ lo cho con, con chẳng làm gì bậy bạ. Con vừa nghĩ được một ý mới: mai mốt chúng ta sẽ đón bé Còi về, trước ngày cưới, nếu anh em bà con chị Nhã đồng ý… Con không quan tâm Còi sẽ gọi con là cha hay chú ! Chắc Hiền sẽ nhất trí. Hiền yêu con… Có thể nay Hiền còn nghĩ thế này thế kia, nhưng cô ấy sẽ đổi ý. Còn gia đình Hiền nói như thế nào mặc họ. Lẽ nào chúng con lại không lấy nhau chỉ vì chuyện này. Hiền là người tốt, con biết. Con tin rằng … - Nam cười lớn – Sao ba nhìn con chăm chăm thế, con giống đứa say à ? Mới uống năm chai, con chưa say đâu ! … Con đặt Hiền đứng vào vị trí khó, cô ấy phải chọn lựa, “có” hoặc “không”. Nếu Hiền về với con, không coi việc nuôi bé Còi là chuyện lớn, là “có”. Ba nghĩ sao, Hiền sẽ chọn gì ? Hiền tốt, con cũng vậy, người tốt gặp người tốt !”.

 

*

Một buổi chiều, một tháng trước ngày cưới, Nam nhận được lá thư khẩn của Hiền. Thư viết khá dài, chữ lớn, nghiêng ngả, không chấm phết, không xuống hàng ngắt câu, cho thấy nó ra đời dưới tác động của một quả tim đập loạn nhịp. “diệu hiềng gởi văng nam tuy khổ tâm và đau buồn nhưng em vẫn phải viết thư này cho anh vì anh nhất quyết xin đứa bé về làm con cả gia đình em chẳng ai chấp nhận việc đó ba em nói anh thiệt dại dột đương không lại nhảy ra lãnh chuyện khổ dòng họ thằng bé đông đúc chú bác cô dì mấy chục người sao không nuôi nó cơm đâu dư nuôi con thiên hạ đây là tào lao không phải từ thiện má em nói sao bỗng dưng thằng nam chạm điện đó là chuyện của xã hội của các chùa nhà thờ bà con ruột thịt của mình còn nhiều người nghèo khổ sao không giúp đỡ ngoại em nói con nghĩ lại đi con ơi cái thằng ấy không bình thường con mà trao đời con cho nó thì có ngày không cháo mà ăn không áo để bận nên rút lui càng sớm càng hay con ơi mấy đứa bạn em đứa nào cũng trề môi méo miệng tụi nó bảo rằng gã này lãng xẹt không phải thầy tu chẳng phải người phàm nay trẻ đã thế thì sau này già gã còn nghĩ ra những trò quái qủi nào nữa bởi vậy cho nên em phải suy nghĩ và đã nghĩ lại nay mai em sẽ mang đồ sính lễ trả lại cho bác anh ơi phải đi mua sắm các  món đó em thực đau xót em đã bỏ ăn hai ngày anh cũng biết là em thương anh thế nào chúng mình đã gắn bó với nhau hơn bốn năm dài tình nghĩa đầy tràn như nước sông ngày lụt em cũng biết là anh thương yêu em anh đã trăm lần nói vào tai em là anh sẽ không sống được nếu vì lý do gì đó mà chúng mình xa nhau và em là bông hoa lạ làm điên đảo đời anh nhưng anh ơi chuyện này là do anh gây ra xưa giờ em chưa viết chưa gởi cho anh chữ nào nay viết là chia tay luôn em là đứa nhiều tình cảm mủi lòng em biết rồi đây em sẽ khóc nhiều đêm nhưng dù gì đi nữa em mong chúng ta sẽ không coi nhau như kẻ thù”.

Lê Văn Thiện
Số lần đọc: 1691
Ngày đăng: 17.12.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện giếng nước Samari /Niêm hoa vi tiếu - Vũ Ngọc Anh
Người Tình - Nguyễn Hữu Tình
Gái - Nguyễn Hữu Tình
Buồn Quán Nhỏ - Hà Thúc Sinh
Chết - Ngọc Châu
Giáng Sinh Ở Tokio - Nguyễn Thị Hải Hà
Giáng Sinh - Nguyễn Thị Hải Hà
Dòng sông của mẹ - Phạm Phương
Sóng động /Bảy Nữ Thiên Thần… /Nước đã nên thành rượu - Vũ Ngọc Anh
Giá Một Truyện Ngắn - Võ Xuân Phương
Cùng một tác giả
Biển cũ (truyện ngắn)
Nó nằm trong túi áo (truyện ngắn)
Ngày đó (truyện ngắn)
Cực lạc (truyện ngắn)
Ao buồn (truyện ngắn)
Mây Khói Lên Trời (truyện ngắn)
Chết đường (truyện ngắn)
Như Nguyệt (truyện ngắn)
Cho Kẻ Khuất Mặt (truyện ngắn)
Nói Trong Đêm (truyện ngắn)
Mộng (truyện ngắn)
Ngoại Lệ (truyện ngắn)
Chợ Tối (truyện ngắn)
Quá đã (truyện ngắn)
Âm Thầm (truyện ngắn)
Chiếc phao (truyện ngắn)
Ánh Sáng Trước Mặt (truyện ngắn)
Chuyện Tình (truyện ngắn)
Có Miền Sông Nước (truyện ngắn)
Như Là Vô Định (truyện ngắn)
Chuyện Vườn Đào (truyện ngắn)
Róc Rách Suối Ngầm (truyện ngắn)
Cổ tích mới (truyện ngắn)
Người đi (truyện ngắn)
Lơ mơ Ngọ (truyện ngắn)
Kỷ Niệm (truyện ngắn)
Một lối tiện lợi (truyện ngắn)
Chờ Mong Mòn Mỏi (truyện ngắn)
Nắng Quái (truyện ngắn)
Kêu ai (truyện ngắn)
Quán vắng (truyện ngắn)
Mưa Chết (truyện ngắn)
Mưa Lạ (truyện ngắn)
Bàn Tay Ấm Áp (truyện ngắn)
Diễn Viên (truyện ngắn)
Gió đưa (truyện ngắn)
Buồn Một Mình (truyện ngắn)
Chia Tay (truyện ngắn)
Quế (truyện ngắn)
Ôm Đĩ Mất Tiền (truyện ngắn)
Đẹp Và Ảo (truyện ngắn)
Tình Quê Xa Khuất (truyện ngắn)
Thư Giãn (tạp văn)
Mần Ăn (truyện ngắn)
Quả Bóng (truyện ngắn)
Giàu Nghèo Ngổn Ngang (truyện ngắn)