Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.318 tác phẩm
2.746 tác giả
471
115.868.657
 
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 2
Tuấn Giang

CHƯƠNG II

Đặc điểm ca nhạc tuồng

 

Nền ca nhạc sân khấu nhân loại hình thành từ những hình thức ca nhạc dân gian nguyên hợp – nghệ thuật Fonclore là những loại diễn kể hát rong trên hè phố, nơi đông người ngoài quảng trường… Từ những trò diễn xướng dân gian ca múa nhạc tiến lên sân khấu kịch hát, nhưng mỗi châu lục ra đời các thể loại khác nhau. Phương Tây thể loại trò rong sử thi diễn trên bục, thanh xướng kịch, ballad… tiến thẳng lên nhạc kịch opera. Opera lấy âm nhạc chủ đạo, hình thức nói lối, nói theo nhịp điệu, không nói tự do. Phương Đông từ những trò diễn xướng dân gian tiến lên sân khấu kịch hát, âm nhạc chỉ làm chức năng phụ họa, hỗ trợ cho kịch, vì thế nói lối tự do không theo nhịp điệu âm nhạc. Những hình thức sân khấu kịch hát nhân loại có nhiều nét giống nhau lúc mới ra đời, khi phát triển hoàn toàn khác biệt nhau. Opera lấy âm nhạc làm chủ đạo, kịch hát phương Đông lấy câu chuyện kịch làm chủ sân khấu diễn kể. Âm nhạc giống nhau ở hai hình thức: nói lối, hát, nhưng chi tiết lại khác nhau giữa hát ca khúc và hát làn điệu mang tính dân gian. Nhiều hình thức ca nhạc dân gian ấy đang tồn tại trong đời sống các vùng Đông Nam Á.

Ca nhạc sân khấu kịch hát Việt hầu hết 54 dân tộc đã có từ xa xưa là các loại diễn xướng dân gian sử thi Tây Nguyên: Kể khan, Lễ bỏ mả, Hạn Khuống Thái, Then,Tày, Nùng, sử thi Chăm, Khme, Việt… Những hình thức diễn kể ấy, thai hình thành hai loại: nói lối và hát bài bản. Nói trong sử thi các dân tộc nói ngữ khí, ngữ điệu, biểu hiện tính thiêng, tính bi hùng, tôn nghiêm kể về các vị thánh thần, tướng quân diệt trừ giặc dã yêu ma… Âm nhạc sân khấu hình thành từ những hình thức diễn xướng dân gian, hai loại nói lối (làn điệu), hát bài bản. Ca nhạc tuồng hình thành từ nhạc truyền thống các trò diễn xướng dân gian đồng bằng Bắc Bộ mang ngữ điệu, ngữ khí lên sân khấu. Sân khấu tuồng một nét đặc sắc phản ánh những sự kiện lịch sử xã hội, con người bằng khúc ca bi tráng, đây là sự hoàn chỉnh các mặt tinh thần sân khấu Việt. Tính sử thi hùng tráng – tuồng, tính trào lộng – chèo, tính dân dã – kịch dân ca. Mỗi hình thức sân khấu phản ánh hoạt động tinh thần, tình cảm con người từ thành thị đến các miền dân tộc, mang bản sắc văn hóa vùng miền, đặc tính ca nhạc dân gian. Ca nhạc tuồng, sân khấu tuồng mang dấu tích ca nhạc dân gian, trò diễn tâm linh qua những hình thức hát nói, hát bài bản. Âm nhạc tuồng mang đặc tính khác biệt ca nhạc chèo, cải lương, hát tuồng cổ âm nhạc không gào như rock & blues mà hét. Hát tuồng đi với nhạc cụ âm thanh bộ gõ hòa tấu, trống chiến giống như trong tăng bua ranh dàn nhạc giao hưởng, tiu cảnh, chũm chọe… bộ gõ nhiều nhạc cụ giống trong dàn nhạc giao hưởng. Kèn sô na giống như kèn oboa hòa cùng hát, nếu hát nhỏ cả dàn nhạc kia sẽ chèn ép giọng ca không nghe được gì, nhưng là hét nên phải dàn nhạc mạnh mới phù hợp tính chất diễn tả âm nhạc. Khi tuồng phát triển, các thể loại âm nhạc thay đổi theo đặc điểm sân khấu diễn kể.

 

Tuồng sử thi là các vở cổ, âm nhạc diễn tả chất bi hùng, hát nói ngữ điệu ngữ khí. Nghệ thuật nói lối, hát bài bản, hòa tấu dàn nhạc âm vang lớn cùng sân khấu hoành tráng.

Tuồng xã hội, phản ánh nhịp sống con người đương đại, nói lối, hát bài bản trữ tình, ngọt mùi bi lụy – tuồng Xuân nữ.

 

Tuồng hài, giống kịch nói, hát không vận khí, những điệu hát Nam, Khách chuyển hóa giai điệu mang tính bi, trữ tình khôi hài cười cợt.

 

Những đặc điểm nội dung tuồng trên, hình thức ca diễn mỗi loại tuồng khác nhau, lối hát nói, vận dụng dàn nhạc khác nhau. Đây là đặc điểm ca nhạc tuồng, ca nhạc sân khấu kịch hát Việt khác biệt sân khấu opera, kịch drammyzican châu Âu và phương Tây.

 

1.Đặc điểm ca nhạc làn điệu, bài bản.

 

Làn điệu, bài bản tuồng là hai hình thức âm nhạc khác nhau, khác trong cấu trúc giai điệu, hình thức diễn tả, khác nhau thang âm, điệu thức. Mỗi làn điệu, bài bản mang tính diễn tả riêng tâm trạng tình cảm nhân vật, đặc tính sân khấu.

 

Làn điệu, bài bản, tuồng chung nguồn gốc âm nhạc dân ca nhưng cấu thành mỗi làn điệu diễn tả phong phú, quy luật chuyển hóa âm chủ, âm chính (âm cơ bản) trên giai điệu mỗi làn điệu, bài bản tạo những gai điệu mới. Mỗi giai điệu mới trong làn điệu, bài bản thể hiện một tính chất âm nhạc. Tính co giãn là đặc tính chung cả làn điệu, bài bản. Tính co giãn mang tính dân gian, cấu trúc mở nhưng không ngẫu hứng tùy tiện. Tính bác học là những khuôn nhịp một bản nhạc. Tính co giãn trong làn điệu mang tính dân gian vì làn điệu chưa có nhịp, chỉ hát nói trên tiết tấu, nhưng co giãn có thời hạn theo thời gian không quá dài, không quá ngắn. Một câu nói hường, bạch, xưng danh nóng vội nói nhanh, thư thái tâm tình nói chậm theo tốc độ vừa phải, chậm, nặng nề chậm, nhanh, nhanh vừa, không thể chậm hơn hoặc nhanh hơn. Bài bản hát trên giai điệu có nhịp phách hòa theo dàn nhạc, người hát có thể dừng lại nói lối, sau vào hát, hoặc ca lơi nhịp nhưng mọi thời gian co giãn không thể chậm hơn vượt ra ngoài dàn nhạc, đó là tính điều khiển học trong ca nhạc sân khấu dân tộc, tuồng chèo cải lương. Mỗi hình thức sân khấu còn ẩn chứa những đặc tính dân gian – bác học – điều khiển học theo cảm nhận linh cảm âm nhạc. Mọi người đàn ca tung hứng tự khắc hòa nhập sự diễn tả tình cảm thành những quy phạm chung, tính tài tử và xúc cảm sân khấu. Làn điệu, bài bản ca nhạc tuồng đặc điểm chung:

  • Tính co giãn – dân gian – bác học.
  • Quy luật chuyển hóa làn điệu bài bản.
  • Tính quy phạm điều khiển học trong dàn nhạc tuồng.

 

Tính co giãn là đặc trưng ca nhạc sân khấu dân tộc tuồng chèo cải lương, dù hát trên giai điệu làn, bài bản cùng dàn nhạc người diễn viên có quyền ngưng nghỉ, nhanh chậm theo văn cảnh tình huống kịch. Đây là sự khác biệt kịch hát Việt Nam với nhạc kịch phương Tây: operette, opera bup phê, opera com mích… Vì sao có hiện tượng tự do ngừng nghỉ, nhanh chậm mà cả dàn nhạc vẫn hòa tấu theo, là tính điều khiển học trong tập thể đàn ca của diễn viên với dàn nhạc. Đó là tính bác học trong các dàn nhạc sân khấu dân tộc, tính bác học ấy quy định ở nhịp điệu bằng những tín hiệu dàn nhạc thông qua: người hát, dàn nhạc. Người hát đón câu hát nói lối, dàn nhạc sẽ nghỉ sau nốt nhạc hạ âm ngân dài, hoặc lên giọng dàn nhạc đón điệu hát mà vào. Tín hiệu dàn nhạc, một nhạc cụ đàn bầu, kèn đưa hơi trước người hát luồn theo, hoặc một tiếng gõ người hát nghỉ dàn nhạc hòa tấu. Mỗi tín hiệu nằm ngay trong hàng âm mỗi bài bản, làn điệu người diễn viên và dàn nhạc cứ tung hứng diễn tả hòa đồng. Một đặc tính liên kết hai đặc điểm dân gian, bác học lại là âm nhạc sân khấu kịch hát tuồng chèo cải lương chỉ là phù trợ cho nghệ thuật diễn, nên không gian âm nhạc dành cho diễn viên sân khấu. Đây là sự khác biệt ca nhạc sân khấu phương Đông với nhạc kịch phương Tây, qua các tên gọi dịch thuật khá chính xác: Nhạc kịch, nhạc quyết định kịch, kịch hát, kịch quyết định nhạc.

 

Tính co giãn, dân gian bác học còn thể hiện bằng quy luật chuyển hóa hàng âm một điệu hát Nam, Khách, chuyển âm tựa (âm chính), chuyển hơi tạo điệu thức mới, làn điệu, bài bản mới. Đang hát Khách vui chuyển qua buồn, hát Nam xuân trong sáng chuyển qua Nam ai ngậm ngùi… Quy luật chuyển hóa bậc âm, chuyển hóa làn điệu là sự biến hóa âm nhạc mang tính dân gian bác học để âm nhạc theo sát lời ca. Những người đàn hát hòa nhập diễn tả xúc cảm sân khấu, là tính quy phạm điều khiển học.

 

Những quy phạm điều khiển học trong dàn nhạc, người diễn viên ca diễn cùng một lúc thể hiện hai tình cảm: tình cảm là người hát với dàn nhạc chuẩn xác, tình cảm người diễn viên trong vai diễn nhân vật sân khấu. Thể hiện sự phong phú, phức tạp, sâu sắc của người diễn viên tuồng chèo cải lương. Những quy phạm dàn nhạc sân khấu tuồng một hình thức sân khấu dân tộc.Tuồng là sân khấu kinh viện có lệ thức dân gian gắn với trình thức bác học làm phong phú ca nhạc tuồng dân tộc, bản địa.

 

1.2.Đặc điểm làn điệu tuồng.

 

Làn điệu tuồng diễn tả âm nhạc qua hát nói trên giai điệu mang tiết tấu nhịp điệu, cách điệu ngôn ngữ tượng hình, tượng thanh. Đây là kỹ thuật nói lối tuồng chèo cải lương tạo cảm giác người nghe thấy hình ảnh tượng hình, thấy âm thanh tượng thanh. Những hình thức hát nói sân khấu dân tộc truyền cảm, xúc động, ấn tượng là nội dung thẩm mỹ của làn điệu.

 

Làn điệu liên kết bài bản, liên kết tình huống sân khấu, liên kết các sác thái tình cảm, diễn tả mỗi đặc tính sân khấu. Làn điệu tuồng thể hiện mầu sắc âm nhạc khác nhau, kỹ thuật diễn tả ngôn ngữ. Người diễn viên nói theo ngữ điệu ngữ khí từ lời thơ phản ánh hiện thực cuộc sống, thể hiện qua ngôn ngữ văn học. Những đặc tính riêng diễn tả ngôn ngữ tượng hình, tượng thanh, người diễn viên phải minh họa qua hình thức hát nói.

 

Nói tượng hình, diễn viên hát nói diễn tả như vẽ ra hình ảnh để công chúng nhìn thấy, sờ thấy, mường tượng ra hình ảnh như câu nói: Lòng người nhẹ như mây bay, khi phát âm nhẹ nhàng đến chữ mây bay tạo hình ảnh: mây i bay, tiếng chiêng boong boong… người hát nói diễn tả tiếng trống tùng tùng, tiếng âm thanh nẩy có độ vang để người nghe mường tượng ra âm thanh loại nhạc gõ. Kỹ thuật phát âm tượng thanh phải luyện phát âm chữ boong sắc nẩy đanh như cái dùi gõ vào chuông. Những hình thức phát âm tượng hình, tượng thanh tạo cảm xúc cụ thể ấn tượng chinh phục công chúng, một đặc điểm hát nói làn điệu. Đặc điểm hát nói làn điệu tuồng:

  • Cấu trúc giai điệu tự do, không khuôn nhịp
  • Tính co giãn, diễn tả tượng hình tượng thanh
  • Nội dung theo sát lời ca sân khấu.

 

Làn điệu tuồng mang tính ngôn ngữ sân khấu dân gian – bác học, hát nói ngữ điệu ngữ khí theo quy luật lời ca, chuyển hóa nhịp điệu hàng âm, làm cầu nối tới mọi trạng thái tình cảm con người. Làn điệu tuồng mang đặc điểm chung cấu trúc giai điệu làn điệu, những nét riêng mỗi làn điệu, hình thành kỹ thuật hát – nói riêng diễn tả ấn tượng ngôn ngữ ca nhạc tuồng.

 

1.3.Đặc điểm bài bản.

 

Bài bản tuồng chia ba hệ thống: những bản Khách, Nam, những điệu Lý, sau khi tuồng cách tân thêm kỹ thuật hát ca khúc mới. Bài bản tuồng cổ có ba hệ thống, tuồng mới bốn hệ thống: nói lối, hát những bản Khách, Nam, những điệu Lý, hát ca khúc.

 

Ba hệ thống bài bản tuồng cổ mỗi hệ thống là loại bài bản, hệ thống riêng. Điệu Khách 7 loại, Nam 4 loại. Thực tiễn sân khấu tuồng những hệ thống bài bản trên còn nhiều phép biến hóa, tạo các điệu mới. Hệ thống những điệu hát Nam xuân có các loại: Xuân dựng – huy hoàng. Xuân thiền hát khi vào chùa, những cảnh tình cõi phật. Xuân tẩu, hát khi chạy trốn, làm những việc bí mật, gian dối… Riêng điệu xuân có 4 loại: xuân vui, xuân dựng, xuân thiền, xuân tẩu.

 

Điệu Nam chia 5 loại: Nam Ai buồn thương, Nam tẩu chạy trốn, nam biệt chia ly, giã từ… Nam Lý, Nam xuân ai. Nam Lý là hát Nam qua điệu lý, hoặc Lý qua Nam, từ câu Nam bắt vào Lý Năm canh, Chiều chiều… Nam xuân ai, một hình thức lý đượm buồn vui, vui buồn sự diễn tả phong phú của làn điệu. Như Điệu Nam, điệu KHách chia nhỏ phản ánh những tính chất nhạc điệu cung bậc tình cảm khác nhau. Kỹ thuật hát bài bản là hát ngữ khí, ngữ điệu các loại láy rền, láy lệ, luyến ngân… diễn tả tình cảm. Bài bản tuồng cổ có hai loại kỹ thuật hát láy lệ và luyến láy tạo sắc thái tình cảm bài bản. Bài bản tuồng giống như làn điệu chuyển hóa âm cơ bản sang những điệu mới từ một bài bản thành 5 – 7 loại bài bản trên một làn điệu bài bản. Bài bản hát tuồng đặc điểm:

  • Chuyển hóa bài bản, tạo điệu mới
  • Co giãn nhịp điệu diễn tả nội dung lời ca
  • Tính quy phạm nhịp phách bài bản, người hát với dàn nhạc.

 

Mỗi đặc điểm bài bản một đặc tính âm nhạc mang đặc tính diễn tả: tình cảm nhân vật, không gian sân khấu. Bài bản tuồng là những mô hình giai điệu âm nhạc cấu trúc khép kín nhưng không đóng khung như khuôn nhạc nhạc kịch opera. Mỗi bài bản co giãn, biến hóa theo sát lời thơ như đặc trưng âm nhạc sân khấu dân tộc là hỗ trợ cho sân khấu kịch. Kịch là chính, hát là phù họa, đồng diễn tả nội dung vở diễn.

 

Ngoài những làn điệu bài bản, tuồng cách tân thêm kỹ thuật hát ca khúc mới. Tuồng xuất hiện thêm kỹ thuật hát ca khúc mới: Tuồng mới xuất hiện năm 1965 từ vở Má Tam, Chị Ngộ tiếp theo gần 100 vở tuồng mới. Sau năm 1957, tuồng cổ, tuồng mới có sáng tác nhạc nền, ca khúc mới nhằm ba mục tiêu: dân tộc – hiện đại, cách tân nghệ thuật cổ, theo tinh thần khoa học xã hội chủ nghĩa. Nhạc nền, phần khí nhạc thay thế hòa tấu bài bản cổ, viết nhạc nền mang chủ đề diễn tả phong phú: nhạc mô tả chân dung nhân vật, hoàn cảnh thời gian, không gian, diễn tả nội tâm, nhạc mở màn, chuyển cảnh, cao trào kết thúc… Nhạc nền làm nền cho vở diễn, khái niệm này chỉ đúng khi hòa tấu bài bản cổ làm phần nền khí nhạc. Từ ngày tuồng cách tân ra đời, sáng tác khí nhạc cho vở diễn, khái niệm nhạc nền không phù hợp nội dung. Mỗi vở diễn dù nhạc là phù họa, các nhạc sĩ chủ ý viết nhạc diễn tả, khắc họa hình tượng tính cách, nhạc mô tả… Những hình thức âm nhạc ấy không phải làm nền vở diễn, âm nhạc độc lập diễn tả theo nội dung sân khấu. Âm nhạc khí nhạc không phải nhạc nền – nhạc sân khấu. Đến phần khí nhạc sân khấu, xuất hiện ca khúc mới, những ca khúc mới sáng tác cho từng vở, một số nhân vật chính, chủ đề vở… Mỗi vở tuồng thường là 2, 3 nhiều là 10 – 15 ca khúc cho các loại tình huống, nhân vật…

 

Có nhạc sĩ khoe rằng vở này mình viết 12 bài hát, vở kia 18 bài hát… đôi khi tính bài, tính nhịp để thanh toán, vì thế hầu hết mỗi loại tuồng chèo cải lương, thống kê có gần ngàn bài hát mới cho các vở diễn, nhưng chẳng bài hát nào sống trong công chúng, quả là lãng phí và lạm phát âm nhạc.

 

Những bài hát mới có cần cho vở tuồng mới, theo cấu trúc mới, sáng tác khí nhạc cần ca khúc mới, nhưng mỗi vở chỉ nên có một hai bài, thậm chí là một bài do nhạc sĩ lựa chọn chỗ cần xuất hiện nhất. Hát bài hát mới với làn điệu có khác nhau, nếu theo kỹ thuật chèo là i i, tuồng ư ư,, hát mới ô a… cộng minh. Qua ví dụ cho thấy kỹ thuật nhả chữ tạo hơi khác xa nhau, không chung một hướng. Hát mới vào tuồng hoàn toàn hát theo kỹ thuật thanh nhạc dân tộc, không theo kỹ thuật bài bản, không theo kỹ thuật thanh nhạc. Hát luyến láy gần phong cách dân ca, kỹ thuật làn điệu. Hầu hết những bài hát mới sáng tác dựa trên âm điệu bài bản tuồn,g diễn viên tạo kỹ thuật mới: hát bài bản – hát dân ca thành một ca khúc mới vào tuồng chèo cải lương. Những sáng tác mới không mang âm điệu bài bản, nhiều diễn viên không hát nổi, nếu diễn viên giỏi nhạc mới, hát trôi chảy nhưng hiệu quả không cao. Hát kỹ thuật bài bản tuồng thêm kỹ thuật hát ca khúc mới, diễn tả nội dung những vở tuồng đương đại. Ca nhạc bài bản tuồng bổ xung thêm bài bản mới đứng ngoài bài bản cổ là những ca khúc trong tuồng.

 

1.4.Đặc điểm làn điệu bài bản tuồng.

 

Làn điệu, bài bản tuồng là hai hình thức âm nhạc sân khấu, mỗi hình thức đáp ứng những yêu cầu đặc tính tình cảm con người, nội dung sân khấu. Phần đầu nói tới ba đặc điểm làn điệu bài bản mang đặc tính biến hóa hình thức âm nhạc, chưa bàn đến đặc điểm nội dung âm nhạc.

 

Nội dung làn điệu bài bản tuồng cổ, diễn tả đặc trưng nội dung tuồng: bi hùng. Tuồng cổ những vở xưa chỉ một đề tài quân quốc, hai nội dung: bi – hùng. Sau khi phát triển vào đằng trong tuồng có bốn nội dung: bi – hùng – trữ tình – hài hước. Tuồng sau Cách mạng tháng tám dần đổi mới hướng tới nhịp sống con người đương đại, là điểm quan trọng chuyển hóa nội dung làn điệu bài bản tuồng. Thông thường chuyển hóa nội dung mới, hình thức mới. Riêng kịch hát tuồng chèo cải lương giữ nguyên hình thức làn điệu bài bản cũ, diễn tả nội dung mới. Đây là sự chuyển hóa ba đặc điểm hình thức làn điệu bài bản ứng dụng vào thực tiễn nội dung mới. Tính co giãn của làn điệu bài bản tạo ứng diễn trong mọi hoàn cảnh, quy luật chuyển hóa âm chủ theo nội dung mới. Tính quy phạm dàn nhạc là tính bác học làm những điệu hát  phù hợp hoàn cảnh, điều kiện đương đại. Làn điệu, bài bản hát tuồng giữ nguyên những hình thức nói lối, những điệu Nam, Khách vào vở diễn mới. Tuy nhiên sau những năm cuối thế kỷ XX, nhiều vở cách tân đổi mới tuồng bỏ các loại nói lối: Thán, Bạch, Xướng, Ai, chuyển sang nói thường. Những hình thức cách tân ấy, dẫn đến đổi mới làn điệu chưa có dịp bàn tới, như là ngoại lệ. Suốt thời gian nửa thế kỷ từ 1957 đến 2000, cách tân tuồng các vở diễn còn sử dụng làn điệu bài bản, đặc điểm diễn tả nội dung:

  • Tâm trạng, tình cảm nhân vật.
  • Tình huống sân khấu, tính kịch.
  • Gợi tả không gian thời gian, tính cách thân phận nhân vật.

Những đặc điểm nội dung làn điệu, bài bản tuồng thể hiện tính liên kết logic một hình thức sân khấu giữa nội dung và hình thức. Tính dân gian, bác học và hiện đại của làn điệu, bài bản tuồng đặc tả vở diễn qua hệ thống kỹ thuật: nói lối, hát bài bản, hát dân ca, hát mới trong tuồng cổ, tuồng đương đại. Mọi sự bảo cổ, đổi mới tuồng vì công chúng và xu thế nghệ thuật thời đại.

 

2.Đặc điểm dàn nhạc tuồng.

 

Dàn nhạc tuồng cổ cấu trúc 8 nhạc cụ, mỗi nhạc cụ giữ vị trí riêng trong hòa tấu dàn nhạc, đệm cho hát. Ban nhạc có bộ gõ, bộ hơi, hai bộ chủ, bộ dây kéo, dây gẩy là những nhạc cụ mầu sắc. Dàn nhạc có nhiều hình thức cấu trúc nhạc cụ khác nhau từ ba đến tám hoặc nhiều hơn, mục đích diễn tả nội dung sân khấu biểu hiện thần khí tuồng.

Dàn nhạc tuồng cổ từ triều Nguyễn thường cấu trúc 8 nhạc cụ:

  • Trống chiến
  • Trống cái
  • Trống chầu
  • Thanh la
  • Chũm chọe
  • Kèn bầu
  • Đàn nhị
  • tiêu

Biên chế dàn nhạc tuồng lấy số 3 – 7 – 8 – 9 là những con số thuộc tâm linh từ vô cực sinh thái cực, thái cực chuyển sinh lương nghi có âm và dương. Âm dương vận động chuyển biến sinh tứ tượng: thiếu âm, thiếu dương, thái âm, thái dương. Tứ tượng sinh bát quái, tám quẻ thể hiện tám phương trời. Dàn nhạc tuồng trùng hợp vào các số vũ trụ, tiểu vũ mang tính tâm linh. Theo kinh dịch hệ số từ 1 đến 10, có hai hệ thống âm dương, những số lẻ là dương, số chẵn âm. Từ số 1 đến 5 là con số phát triển, từ số 6 đến 10 là thành. Thành theo kinh dịch là sự tồn tại do sinh mà có. Số một bắt đầu khởi sự, số ba sinh kim phát triển mãi mãi. Dàn nhạc tuồng chỉ ba nhạc cụ hòa tấu đầy phong cách hào khí tuồng: trống chiến, kèn bầu, nhị (hoặc tiêu, đàn nguyệt, bầu). Dàn nhạc tuồng 8 nhạc cụ là dàn nhạc phường bát âm, ban nhạc tâm linh tang ma người Việt. Dàn bát âm đã xuất hiện vào thời Lý, xưa là dàn nhạc lễ trong cung đình. Dàn nhạc bát âm có tám nhạc cụ:

  1. Trống
  2. Sênh tiền
  3. Kèn bầu
  4. Sáo
  5. Đàn nguyệt
  6. Nhị
  7. Đàn tam
  8. Đàn bầu

Tám nhạc cụ mang tám mầu âm, âm sắc khác nhau: da, sắt, gỗ… hòa âm tạo chất nhạc bi thương. Dàn bát âm phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ, sau chuyên phục vụ tang ma, lễ hội, đồng bóng. Dàn nhạc tuồng phổ biến ba và tám nhạc cụ thuộc nguồn gốc dàn nhạc tâm linh. Dàn nhạc tuồng là dàn nhạc Thuần Việt như dàn nhạc chèo, dàn bát âm. Dàn nhạc tuồng đặc điểm chung:

  • Xuất xứ từ dàn nhạc tâm linh dàn bát âm.
  • Cấu trúc theo quan niệm vũ trụ âm dương ngũ hành người phương Đông – người Việt.
  • Chất liệu dân gian.

Dàn nhạc tuồng như sân khấu tuồng hình thành từ những dàn nhạc dân gian vào cung đình, về dân gian trở thành dàn nhạc sân khấu. Hòa tấu dàn nhạc mang tính dân gian, bác học, cấu trúc theo quan niệm âm dương ngũ hành. Dàn nhạc tuồng thể hiện tính khí nhạc, các nhạc cụ hòa hợp các tố chất dân gian tạo âm sắc đặc biệt sân khấu tuồng. Dàn nhạc tuồng một nét văn hóa dân tộc bản địa, cổ xưa thuần Việt, những dàn nhạc tuồng phát triển sau này làm mất nguồn gốc thần Việt.

 

2.1.Nội dung diễn tả.

 

Do cấu trúc dàn nhạc chất liệu dân gian, dàn nhạc tuồng tạo âm sắc dân gian, bác học mang tính cung đình cổ xưa. Dàn nhạc tuồng phát triển thêm trống cơm, tiu cảnh, kèn Triều Quảng, đàn Tây… tuồng biến thể. Dàn nhạc tuồng mang đặc tính phong cách từng loại tuồng. Dàn nhạc tuồng thêm trống cơm, tiêu, sáo, hòa tấu đậm chất âm nhạc đồng quê, giảm chất cung đình cổ kính linh thiêng. Dàn nhạc tuồng Xuân nữ đầy chất trữ tình mùi mẫn, bi ai càng xa dàn nhạc tuồng cung đình. Dàn nhạc tuồng Nam Bộ thêm những nhạc cụ Triều Quảng tạo âm thanh mới vui tươi sáng láng, đậm mầu văn hóa ca nhạc Trung Hoa. Vào những năm đầu thế kỷ XX, cùng cải lương diễn Triều Quảng, ca nhạc tuồng biến đổi trên cả ba miền ca Triều Quảng vào tuồng. Dàn nhạc tuồng chuyển qua ba bước biến đổi dàn nhạc, dàn nhạc gốc bát âm, sau thêm nhiều nhạc cụ dân gian hòa tấu. Nội dung dàn nhạc diễn tả mang âm hưởng đồng quê, bước cách tân thứ nhất, nội dung dàn nhạc tuồng xa rời dàn nhạc cung đình bi hùng cổ điển. Bước phát triển thứ hai dàn nhạc hòa đồng nhạc kịch Trung Hoa, ảnh hưởng hát Quảng, nội dung diễn tả hòa nhập âm thanh mới càng xa rời nguồn gốc. Dàn nhạc tuồng diễn Triều Quảng, tuồng xuân nữ tăng chất trữ tình cải lương bi lụy. Bước thứ ba những năm cuối thế kỷ XX, dàn nhạc tuồng thêm nhạc cụ phương Tây, ghi ta gỗ, điện, organ, kèn trompet… có thời nhạc khí hóa, giao hưởng hóa các dàn nhạc dân tộc. Dàn nhạc tuồng phá tung truyền thống tâm linh cổ điển thành dàn nhạc đời thường, mốt thời trang âm nhạc modern. Dàn nhạc tuồng qua thời gian biến đổi nội dung diễn tả theo nhịp điệu sân khấu, đáp ứng những xu hướng công chúng mới. Là quá trình phát triển dàn nhạc, phá bỏ khuôn mẫu cổ, luật cổ trở thành dàn nhạc đời sống đương đại. Dàn nhạc tuồng cung đình, tâm linh trở thành mực thước kinh điển của thời xa xưa. Qua những dẫn giải phát triển dàn nhạc tuồng nổi lên nguồn gốc nội dung diễn tả âm nhạc tuồng là dàn nhạc tâm linh thuần Việt. Nội dung diễn tả thay đổi, ban đầu âm nhạc chỉ thể hiện: bi hùng, sau thêm trữ tình và hài hước. Nội dung diễn tả 4 đặc tính: bi – hùng – trữ tình – hài hước.Nhưng đặc điểm nội dung cơ bản âm nhạc tuồng diễn tả: Bi – hùng.

 

Chất bi hùng thể hiện mọi cung bậc dàn nhạc đến từng nhạc cụ, kèn bầu thổi hơi xuân vui, hơi oán bi thương, ngậm ngùi… đây là sự đa dạng, độc đáo các nhạc cụ dân gian. Những nhạc cụ dân gian có tính biến ảo diễn tả nội dung theo làn điệu, bài bản tuồng. Ca nhạc tuồng, làn điệu, bài bản, dàn nhạc là phương tiện diễn tả nội dung vở diễn, mang đặc tính sân khấu tuồng.

 

3.Kết luận.

 

Ca nhạc tuồng gồm làn điệu, bài bản, dàn nhạc nhạc tuồng. Dàn nhạc tuồng cấu trúc nhạc cụ sắp xếp theo quan niệm dàn bát âm, dàn nhạc tâm linh. Dàn bát âm từ dân gian là dàn nhạc đệm cho ca, diễn trò diễn Cầu hồn, Phục hồn, Đưa linh trong tang ma người Việt. Những trò diễn dân gian ấy hình thành làn điệu, có nói lối, diễn trò nghi lễ tâm linh.

 

Những hình thức ca diễn tang ma, hát cửa đình, lễ hội… thuộc loại âm nhạc tâm linh. Tâm là niềm tin, linh là vật thiêng. Khái niệm tâm linh, biểu hiện hai quan niệm vô hình và hữu hình. Vô hình là cái trong lòng người, hữu hình những vật thiêng biểu hiện cụ thể đình làng, chùa miếu, cây đa, giếng nước, điểm canh… Mỗi vật thiêng có sức mạnh tập hợp lòng người, bảo tồn truyền thống từ lâu trong tiềm thức người Việt. Từ quan niệm vật thiêng sinh ra tế lễ, hình thành ca nhạc, trò diễn mang tinh sân khấu. Ca nhạc tuồng ra đời từ trò diễn tâm linh nên hát nói mang ngữ điệu, ngữ khí, dàn nhạc tuồng bê nguyên xi dàn bát âm vào tuồng là gốc tích còn mối liên hệ đến ngày nay. Nguồn gốc ca nhạc tuồng, các điệu hát, nói, bài bản chung thang âm – âm nhạc dân gian đồng bằng Bắc Bộ: đồ rề pha son la đố. Là thang âm gốc hình thành các điệu hát tuồng xứ Bắc, khi tuồng vào đằng trong làn điệu, bài bản thêm chất dân ca ba miền. Nghiên cứu thang âm làn điệu, bài bản tuồng không ảnh hưởng nhạc Hoa, nhạc Chăm pa. Những bản nhạc Quảng, nhạc Chăm vào tuồng, hoặc cải lương từ ngoài đưa vào, xuất phát từ ba điều kiện: đòi hỏi số đông công chúng, do hoàn cảnh vở diễn, các diễn viên chơi trội lúc ca diễn hát bài Quảng, bài Chăm pa.

 

Thực tiễn phân tích cấu trúc thang âm điệu thức ca nhạc tuồng, không có mối liên hệ nhạc tuồng với nhạc Hoa và Chăm pa. Ca nhạc tuồng chỉ có mối liên hệ với các điệu dân ca Bắc – Trung – Nam, tạo sự phong phú làn điệu bài bản tuồng. Mối quan hệ dân gian, tâm linh ca nhạc tuồng đến nay còn ngày một gia tăng gắn tuồng với các lễ hội tâm linh miền duyên hải, đồng bằng Bắc Bộ. Tuồng với công chúng tâm linh hội làng, chùa miếu… Tuồng Việt ngày nay mang tính tâm linh giống như người  Khơme diễn kịch Rô băm ở chùa tháp, quanh Phun sóc. Những dẫn chứng đặc điểm nguồn gốc ca nhạc, dàn nhạc tuồng có thể kết luận nguồn gốc tuồng ra đời:

- Từ trò diễn xướng dân gian tâm linh

- Tuồng mới xuất hiện vào thời Nhà Nguyễn cuối thế kỷ XIX.

- Ca nhạc tuồng là văn hóa thuần Việt.

 

Những nghiên cứu ban đầu tìm hiểu nguồn gốc, đặc điểm ca nhạc tuồng chứng minh những hình thức nói lối làn điệu ca nhạc tuồng từ thực tiễn cuộc sống mang ngữ điệu, ngữ khí lên sân khấu. Tuồng hình thành từ trò diễn xướng dân gian phong tục tâm linh, tiến thẳng lên sân khấu mang tính quy phạm, niêm luật kinh điển là trường hợp đặc biệt khác chèo, cải lương. Sự luật lệ hóa sân khấu tuồng giống như nhạc kịch opera châu Âu từ những hình thức diễn xướng dân gian Ballad, raratorio, thanh xướng kịch… tiếng thẳng lên opera thành nhạc kịch, lấy âm nhạc chủ đạo, mọi sự ca diễn theo quy phạm dàn nhạc. Tuồng từ trò diễn dân gian tiếng thẳng lên sân khấu mang niêm luật quy phạm sân khấu, ca nhạc chỉ là phù họa nghệ thuật diễn. Qua nghiên cứu thực tiễn ca nhạc tuồng, tác giả khẳng định: tuồng ra đời năm 1285, là sân khấu cung đình nhà Trần còn là giai thoại lịch sử thuyết này không vững chắc bởi thiếu bằng chứng khoa học.

Tuồng một hình thức sân khấu tâm linh xưa còn nhiều gắn bó trong tâm thức con người, xã hội đương đại. Tuồng một đặc phẩm văn hóa cổ, cần bảo tồn truyền thống và phát triển trong nhịp sống xã hội mới.

Tuấn Giang
Số lần đọc: 3350
Ngày đăng: 18.12.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 1 - Tuấn Giang
Bảo tồn nghệ thuật cổ ca Hát Bội phải là một quyết tâm. - Trịnh Thanh Thủy
Tiến trình phát triển của bài chòi : Phần IV: Những lá bài và kết quả của sự giao thoa văn hóa Việt – Chăm - Nguyễn Lệ Uyên
Tiến trình phát triển của bài chòi : Phần III: Đánh bài chòi - Nguyễn Lệ Uyên
Tiến trình phát triển của bài chòi : Phần II: Sân khấu bài chòi - Nguyễn Lệ Uyên
Tiến trình phát triển của bài chòi : Phần I: Hô bài chòi - Nguyễn Lệ Uyên
Nguồn gốc bài chòi Phú Yên - Nguyễn Lệ Uyên
Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba ,Người góp phần chấn hưng, bảo tồn, truyền bá, phát huy nền âm nhạc dân tộc - Võ Quê
Ưng Bình Thúc Giạ Thị sống mãi với lời ca Huế - Võ Quê
Tây Tiến ,Thơ: Quang Dũng - Tăng Tấn Lộc
Cùng một tác giả
Đặc trưng xiếc (nghệ thuật)
Thực trạng xiếc. (đối thoại)
Tổng luận ca trù (nghệ thuật)
Hát Cung văn (văn hóa)