Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
662
116.546.063
 
Lên Với Xứ Hoa Đào
Xuân Tuynh

 

Tôi với Hòa, cô cháu ở Hà Nội vô, hai cậu cháu liều lĩnh làm một chuyến du ngoạn Đà Lạt; lên với xứ hoa đào giữa mùa mưa. Mặc cho có lời can ngăn của người thân trong gia đình: “Lên Đà Lạt mùa này chỉ có ngồi trong khách sạn mà nhìn ra ngoài đồi ngắm trời gió mưa và hứng chịu cái giá lạnh tê tái!”.

 

Bất chấp gió mưa và những lời khuyên can, hai cậu cháu vẫn lấy vé xe đò lên Đà Lạt. Bởi nhẽ nếu không lên Đà Lạt trong dịp này thì chẳng biết đến bao giờ cô cháu tôi mới có điều kiện vô thăm Đà Lạt. Từ Hà Nội vô Đà Lạt ngót hai nghìn cây số, đi máy bay hay tàu hỏa cũng rất tốn kém. Với đồng lương công chức thời nay dễ mấy ai đi được.

 

Từ Nha Trang lên Đà Lạt, đi theo đường mới chỉ có hơn một trăm cây số, rút ngắn so với đường cũ một trăm cây số. Tuy vậy, trời mưa sương mù dày đặc, đèo núi dốc quanh co hiểm trở, xe chạy chậm, mất hơn ba giờ mới lên được Đà Lạt.

 

Điều kỳ lạ, ở Nha Trang gió mưa tầm tã, ngược lại trên Đà Lạt trời lại nắng, đường phố hanh hao, khác hẳn với nhận định của mọi người ở Nha Trang. Thế mới biết thời tiết thay đổi khó lường. Nhiều lúc tôi nghĩ: thời tiết cũng giống như cuộc sống của con người. Vận động, đổi thay, nay tốt, mai xấu, nay đúng, mai sai chẳng theo một quy luật nào cả cứ lộn tùng phèo như con quay.

 

Hai cậu cháu vô nghỉ ở khách sạn Bảo Thịnh do người nhà gọi điện đặt trước. Bảo Thịnh tọa lạc ở 15 bis đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, ngay trung tâm thành phố. Là một khách sạn nhỏ nhưng đầy đủ tiện nghi. Chủ khách sạn một phụ nữ ngoài bốn mươi tuổi, tính tình vui vẻ. Biết chúng tôi là khách của người thân lại từ Hà Nội lần đầu lên Đà Lạt, chị tận tình chỉ bảo đường đi, lối lại trong thành phố và cả cách giao tiếp khi đi mua sắm...

 

Đà Lạt thời điểm này đang hối hả trang điểm cho thành phố bước vào Festival hoa Đà Lạt - 2012 khai mạc vào đêm 31-12-2011. Khắp nơi trong thành phố, đi đến chỗ nào cũng thấy hoa tươi đủ loại trưng bày rực rỡ, hương thơm tỏa ngào ngạt, ong bướm bay tưng bừng.

 

Cơm trưa xong, hai cậu cháu thuê một chiếc taxi của hãng xe Mai Linh, với phương thức thuê bao trọn buổi với giá 450.000đ, đi thăm quan các khu danh thắng nổi tiếng của Đà Lạt. Cậu thanh niên lái taxi chừng ba mươi tuổi, một chàng trai đất Hà Thành vô làm ăn sinh sống ở Đà Lạt gần chục năm. Biết chúng tôi là người đồng hương, cậu ta rất nhiệt tình, chở chúng tôi đi chậm rãi để ngắm thành phố và còn tình nguyện làm hướng dẫn viên cho chúng tôi khá sành điệu.

 

Điểm đầu tiên cậu cháu chúng tôi đến là đồi Mộng Mơ. Đồi Mộng Mơ nằm cách xa trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 5km về phía tây nam. Đây là một quả đồi nhỏ, phía sau đồi có đường xuống khe suối chảy róc rách dưới chân những hàng thông cao vút, mơ màng. Đến đồi Mộng Mơ du khách được hưởng một bầu không khí yên tĩnh, trong lành, thỏa sức ngắm những giò phong lan đủ màu sắc tỏa hương thơm dịu ngọt. Đây được coi là điểm thăm quan đầu tiên của du khách đến với Đà Lạt. Điểm thăm quan tiếp theo là Thung lũng Tình Yêu. Ai đã từng đến Thung lũng Tình Yêu trước thập niên 80 của thế kỷ trước, giờ gặp lại thấy khác xưa rất nhiều. Thung lũng Tình Yêu xưa kia hoang sơ, buồn tẻ, nơi được dành riêng cho những cặp tình nhân đến tự tình thì giờ đây là nơi dành cho hết thảy mọi người đến thưởng ngoạn. Đây được coi là điểm nhấn của Đà Lạt. Thung lũng Tình Yêu này được xây dựng đường sá đi lại thuận tiện, đẹp đẽ. Có nhiều ki ốt, ghế đá để cho du khách ngồi nghỉ ngơi ngắm cảnh. Dưới mặt hồ có ghe thuyền, xe đạp nước mang hình những con thiên nga, đại bàng, cá voi... cho du khách thỏa sức lướt trên mặt hồ gây cảm hứng. Ngoài ra còn có dịch vụ câu cá, phi ngựa, ngồi trên bờ hồ thưởng thức những món ăn đặc sản của núi rừng. Thú vị nhất là trò chơi cưỡi ngựa đi dạo trên bờ hồ. Điều đáng chú ý chủ nhân của những chú ngựa oai phong ở đây không chỉ người Đà Lạt mà còn có cả người nước ngoài làm dịch vụ cho thuê ngựa. Hai cậu cháu tôi hòa vô dòng người đông như trẩy hội dạo chơi trong Thung lũng Tình Yêu khá lâu. Cô cháu tôi hồn nhiên, say sưa với cảnh sắc, chiếc máy ảnh trên tay làm việc liên tục. Chụp hết cảnh này sang cảnh khác. Đã qua cái tuổi thanh xuân, nhưng đến Thung lũng Tình Yêu tôi vẫn thấy như mình trẻ lại. Trời đã về chiều. Sương mù bao trùm khắp thung lũng hai cậu cháu mới chịu chia tay với Thung lũng Tình Yêu, lên xe đi thăm dinh thự, chùa chiền.

 

Đà Lạt có ba dinh, dinh 1, dinh 2 và dinh 3. Trước đây cả ba dinh đều mở cửa đón khách du lịch vô thăm quan. Nhưng hiện nay dinh 1 và dinh 2 được cải tạo, làm khách sạn, duy nhất còn lại dinh 3 dành cho du khách vô thăm quan. Bước chân vô dinh 3, thăm nơi làm việc, nơi ăn ở của gia đình vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của Việt Nam. Bước chân lên sàn nhà được lát bằng gỗ quý láng bóng khiến lòng tôi bồi hồi nhớ về lần đầu tiên, cách đây ba mươi sáu năm lần đầu tôi tới đây. Ngày ấy miền Nam giải phóng vừa tròn hai tháng, đơn vị tôi sau khi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, về đóng quân ở thị xã Nha Trang, cơ quan sư đoàn bộ tổ chức cho cán bộ chiến sĩ lên thăm Đà Lạt. Lúc đó tôi còn khoác trên mình bộ áo lính, chân đi dép cao su, khi bước lên sàn nhà gỗ láng bóng, tôi trượt chân ngã nằm sóng soài trên sàn nhà mát rượi, vội chống tay ngồi dậy. Tôi đã ngồi khá lâu trên sàn nhà, suy nghĩ miên man. Ở trong một dinh thự sang trọng, lộng lẫy, nơi ở của vua chúa dù chỉ chốc lát, cảm xúc đầu tiên của tôi là nhớ về mẹ, thương mẹ tôi suốt cả cuộc đời sống lam lũ, chân lấm tay bùn, chốn quê nghèo biết đến bao giờ mẹ mới được bước chân đến những nơi này!?

 

Trong dinh thự lúc này không có khách thăm quan, hai cậu cháu chậm rãi đi thăm hết phòng này sang phòng khác, từ nơi ở của nhà vua, của hoàng hậu Nam Phương đến nơi ở của hoàng tử Bảo Long... đến nơi nào cũng thấy sang trọng. Vua Bảo Đại khi còn trị vì, nơi ngự chính của Người ở kinh đô Huế, ngoài ra ở các tỉnh như Nha Trang, Đà Lạt... đều có dinh thự lộng lẫy để hàng năm, vào mùa hè cả gia tộc vào nghỉ mát. Riêng với Đà Lạt, ngoài nghỉ mát, Bảo Đại còn có thú vui vô rừng săn bắn. Tôi từng được nghe người trong dòng tộc họ Nguyễn ở Huế kể: Bảo Đại rất say mê săn bắn. Mỗi khi đặt chân lên đất Đà Lạt là lập tức Người xách súng, phi ngựa cùng đoàn tùy tùng lao vô rừng. Chúng tôi dành thời gian ở dinh 3 khá lâu. Hai cậu cháu xem tỉ mỉ từng chiếc ly uống rượu, cái chén ăn cơm đến đồ dùng thường nhật của nhà vua và hoàng hậu. Thứ đồ nào cũng có giá trị cả về tiền bạc và mỹ thuật. Được sống ít phút trong Bảo Đại tôi thầm nghĩ: Làm vua quan thời nào cũng sướng. Phải chăng mục đích tối thượng của họ làm vua quan để được hưởng thụ vinh hoa phú quý, thỏa sức vơ vét tiền bạc, của cải của con dân, vun đắp cho riêng mình. Ôi! nhân dân, chỉ có nhân dân là muôn đời sống cơ cực, bị bọn cường hào cướp bóc tiền bạc, của cải, đất đai mà chỉ có biết khóc than thảm thiết!

 

Rời khỏi dinh, hai cậu cháu ra ngoài cổng, nhìn thấy các bà, các cô gái bầy bán khoai nướng. Khá nhiều du khách ngồi ăn khoai lang nướng. Có cả người Tây cũng ăn khoai nướng. Hai cậu cháu tôi cũng ngồi xuống cạnh một bếp khoai nướng. Thời tiết lạnh lẽo, ngồi bên bếp than rực hồng, chậm rãi bửa củ khoai nóng bốc khói nghi ngút bỏ vô miệng quả là thú vị. Khoai lang dẻo là đặc sản của Đà Lạt. Nó vừa dẻo, vừa thơm ăn mãi mà không biết ngán. Khoai lang dẻo Đà Lạt, ngoài luộc, nướng thông thường, người Đà Lạt còn khéo léo chế biến nhiều món ăn từ khoai khá ấn tượng. Du khách mỗi khi đến với Đà Lạt, lúc ra về ai cũng hứng thú mua khoai sấy về làm quà cho người thân.

 

Bữa cơm chiều, hai cậu cháu vào một quán cá hồi, ở đối diện khách sạn Bảo Thịnh nơi chúng tôi nghỉ. Cá hồi là món ăn đặc sản của Đà Lạt. Loại cá này sống ở xứ lạnh. Sông suối ở Đà Lạt là môi trường sinh sống của cá hồi. Sáu giờ tối mà quán vẫn vắng tanh, không có một người khách nào. Tôi thầm nghĩ: quán này dở lắm sao mà giờ này vẫn vắng khách! Tôi kêu một nồi lẩu đầu cá hồi và một dĩa bún. Nhân viên phục vụ bưng nồi lẩu ra, tôi hỏi:

- Sao quán vắng khách vậy, em? - Cô gái nở một nụ cười rất duyên:

- Chưa đâu. Chừng tám giờ trở đi mới đông khách. Hôm nay có hai xe khách du lịch đặt trước rồi.

 

Nồi lẩu sôi bập bùng, mùi cá hồi thơm phức bốc lên. Thưởng thức món lẩu cá hồi quả là ngon thiệt, béo, ngọt, thơm, xương cá hồi nhai lâu có vị bùi. Lẩu cá hồi ăn với bún lá rất khoái khẩu. Ai ăn dù chỉ một lần sẽ nhớ đời.

 

Buổi tối, hai cậu cháu dạo chơi chợ đêm Đà Lạt. Chợ Đà Lạt họp khác với chợ ở Nha Trang và nhiều thành phố khác dưới xuôi. Chợ họp suốt từ 5 giờ sáng đến 11 giờ đêm. Chợ bày bán đủ thứ. Nhiều nhất vẫn là các mặt hàng nông, hải sản của địa phương. Nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú, nhưng được du khách quan tâm đến nhiều là áo rét và hàng thổ cẩm. Áo rét ở Đà Lạt rất rẻ, chỉ có khoảng một trăm ngàn đến hai trăm ngàn đồng là có được một chiếc áo len hoặc áo bông vừa ý. Người Đà Lạt rất khéo bán hàng. Khách đã bước chân vô tiệm là khó lòng bước ra. Các cô gái bán hàng mời chào thân thiện, khách xem hàng, ưng thì mua, không ưng thì thôi, người bán vẫn vui vẻ không hề tỏ thái độ bực dọc. Phải chăng đây là nét đặc trưng, là cách ứng xử rất văn hóa của người dân xứ hoa đào.

 

Sau một đêm ngủ ngon trong bầu không khí yên tĩnh của thành phố cao nguyên, sáng ra cả thành phố bảng lảng trong sương mù. Chúng tôi ngồi trong một quán cà phê ở triền dốc, gần chợ Đà Lạt. Nhâm nhi tách cà phê nóng nhìn xuống thành phố đang hiện dần ra trong màn sương trắng, những tòa biệt thự đủ màu sắc ẩn mình dưới những hàng thông cao vút đẹp như một bức tranh làm nao lòng người. Uống cà phê xong, hai cậu cháu thong thả đi bộ dọc đôi bờ hồ Xuân Hương. Hồ Xuân Hương mùa này nước trong xanh, hai bên bờ hồ, dưới những gốc thông già có nhiều ghế đá cho khách bộ hành dừng chân nghỉ ngơi. Người Đà Lạt có phong trào đi bộ quanh bờ hồ Xuân Hương vào mỗi buổi sáng. Các cụ ông, cụ bà cùng với thanh thiếu niên nam nữ từ 5 giờ sáng đã hối hả đi bộ quanh bờ hồ. Hồ Xuân Hương nay có nhiều dịch vụ phục vụ du khách như du thuyền trên hồ, nhà hàng thủy tạ... Đi bộ dạo chơi trên bờ hồ Xuân Hương tôi có cảm giác như đi dạo quanh hồ Tây ở Hà Nội. Cũng có bóng liễu rủ mặt hồ êm đềm, cũng có bầy sâm cầm nhỏ bay lượn chập chờn trên mặt hồ. Chỉ có khác là hồ Xuân Hương dài, rộng hơn nhiều lần so với hồ Tây Hà Nội. Chia tay với hồ Xuân Hương, hai cậu cháu đi bộ dọc đường phố lên vườn hoa. Đường phố Đà Lạt rất sạch và đẹp. Dưới lòng đường và cả hai bên hè phố không hề có một cọng rác, một đầu mẩu thuốc lá vương vãi. Đường phố sạch bong không có bụi bặm. Người dân Đà Lạt rất có ý thức giữ gìn thành phố xanh, sạch đẹp. Theo một chị phụ nữ chừng năm chục tuổi đi bộ cùng chiều với cậu cháu tôi nói: “Những năm trước đây đường phố Đà Lạt cũng không được sạch đẹp như bây giờ. Chỉ sau năm hai ngàn trở lại đây, nói chính xác từ khi có lễ hội hoa ra đời, lãnh đạo thành phố phát động một phong trào “Toàn dân tham gia giữ gìn đường phố sạch đẹp”, khi đó mọi người mới có ý thức làm vệ sinh đường phố thường xuyên và nhắc nhở nhau giữ gìn vệ sinh hè phố”.

 

Vườn hoa Đà Lạt nằm giữa trung tâm thành phố. Trên một khu đất rộng mênh mông, ước chừng hơn chục ha. Đường đi lại trong vườn được lát gạch hoa, hoa trồng theo từng khu, từng chủng loại khác nhau, riêng biệt rất khoa học. Đà Lạt được mệnh danh là: “Thành phố ngàn hoa” quả không sai. Hoa Đà Lạt đa dạng, phong phú về chủng loại. Tôi không phải là nhà sinh học, cũng không am hiểu nhiều về hoa. Nhưng vô vườn hoa Đà Lạt tôi có cảm nhận như lạc vô thiên đường của muôn loài hoa. Có thể nói không thiếu bất cứ loài hoa nào trên thế gian lại vắng mặt ở vườn hoa Đà Lạt. Đến vườn hoa Đà Lạt, điều làm tôi cùng với nhiều du khách thích thú là đi dạo trong khu vườn đào. Hàng trăm, hàng nghìn cây đào to, nhỏ đủ loại. Có nhiều cây gốc to bằng bắp chân, cao quá đầu người. Cây nào cũng dầy đặc nụ. Những nụ hoa chúm chím như trái ớt xiêm chuẩn bị nở hoa vô đúng dịp đón xuân mới Nhâm Thìn. Lạc trong rừng đào, say sưa ngắm nhìn những nụ đào đang cựa mình hé nở, lòng chúng tôi bỗng rạo rực khi nghe có tiếng hát xa xa bay lại: “Ai lên xứ hoa đào / đừng quên mang về một cành hoa / cho tôi bớt mơ màng chiều chiều nhìn mây trôi xa xa...”. Cái giai điệu của bài hát ngọt ngào, da diết làm cho lòng tôi quyến luyến với Đà Lạt, với hoa đào không muốn chia tay. Tôi thầm cảm ơn người nhạc sĩ đã sáng tác ca khúc: “Ai lên xứ hoa đào”.

 

Đà Lạt đã từng có nhiều nhạc sĩ có mặt và đã có hàng trăm ca khúc viết về Đà Lạt. Nhưng qua sàng lọc của thời gian, đến nay vẫn chỉ đọng lại hai ca khúc: “Ai lên xứ hoa đào” của Hoàng Nguyên và ca khúc: “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ. Thế mới biết cái sự nghiệt ngã của sáng tạo nghệ thuật là vậy!

*

Tôi sống ở Nha Trang hơn một phần tư thế kỷ, đã có biết bao lần lên Đà Lạt, lên với xứ hoa đào giờ không còn nhớ được. Suốt từ thập niên 90 của thế kỷ trước về tới những năm đầu của thế kỷ 21, tôi làm công tác tổ chức biểu diễn ở các đoàn nghệ thuật từ kịch nói sang ca múa nhạc của Khánh Hòa, hàng năm tôi đều có đôi ba lần đưa đoàn lên biểu diễn ở tỉnh Lâm Đồng, thành phố Đà Lạt, một vùng đất hứa của nghệ thuật biểu diễn. Khán giả Lâm Đồng nói chung, thành phố Đà Lạt nói riêng rất yêu kịch nói và ca múa nhạc. Lần nào đoàn lên biểu diễn cũng rất đông khán giả. Vì vậy, mỗi lần lên Đà Lạt tôi bận bịu với công việc tổ chức biểu diễn nên hiếm có dành thời gian đi thăm thú, thưởng ngoạn phong cảnh Đà Lạt. Lần này đi cùng cháu gái tôi mới thư thái đi thăm đây đó, mới cảm nhận sâu sắc phong cảnh và vẻ đẹp kiêu sa của Đà Lạt, của xứ hoa đào.

*

Lên Đà Lạt, lên với xứ hoa đào trong dịp đầu xuân này, rất tiếc còn một nơi không được đến thăm đó là đồi Cù. Tôi yêu thích phong cảnh ở đồi Cù, một quả đồi thoai thoải, cỏ mọc tự nhiên nhưng rất mịn màng, đều đặn, xanh mướt như tấm thảm xanh bao phủ lấy cả quả đồi. Vào những chiều thu mát mẻ hoặc những đêm trăng sáng, bạn bè rủ nhau ra nằm trên thảm cỏ xanh đồi Cù mà ngắm trăng sao thì còn gì sướng bằng. Tôi đã từng có những đêm như thế với người yêu trên đồi Cù. Nhưng đồi Cù giờ đây đã trở thành sân gôn, quyền sở hữu riêng của những đại gia, của những ông tai to, mặt lớn. Thường dân và những công chức nhỏ bé chẳng còn cơ hội đến với đồi Cù. Đồi Cù giờ chỉ còn sống trong tâm tưởng của tôi và những ai trước đây đã từng đến với đồi Cù mà thôi!

 

Chia tay với Đà Lạt, với xứ hoa đào mà lòng tôi còn vương vấn mãi không sao rứt ra được. Cô cháu tôi tỏ ra nuối tiếc: “Giá như, cậu cháu mình được ở chơi thêm một ngày nữa cậu nhỉ”. Nhưng sao mà ở thêm được nữa. Vé máy bay cứu hồi của cháu đã gần tới giờ bay. Hai cậu cháu đành phải giã từ Đà Lạt mà lời ca da diết của nhạc phẩm: “Ai lên xứ hoa đào” cứ vang vọng bên tai: “... Người về từ hôm nao, mà lòng vương vấn thương / chân tôi như hương khói mà hồn thầm mơ mầu hoa trên má ai!”.

 

Xin ngàn lần cảm ơn đất trời đã ban tặng cho ta một Đà Lạt tuyệt vời; một Đà Lạt mộng mơ.

 

Đà Lạt - Đầu Xuân 2012

Xuân Tuynh
Số lần đọc: 1619
Ngày đăng: 28.12.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về Rừng Ăn Cá Lóc Nướng Trui - Mây Ngàn Phương
Tiếng Nguồn - Nguyễn Hồng Nhung
Giữa Cơn Thèm... Kịch - Nguyễn Hàng Tình
Thức với Mũi điện Khe Gà - Phan Chính
Mù Căng Chải, Sóng Sánh Mùa Vàng - Minh Nguyễn
Nguyễn Trung Bình - Qua Cái Nhìn Bè Bạn - Trần Tuấn*
Sông Đà - bài thơ của Quang Dũng thành kỉ vật kháng chiến tại Bảo tàng tỉnh Hòa Bình - Bùi Phương Thảo
Kỉ niệm hai năm ra đi của người trẻ dáng nâu, một tập thơ, một đời người… - Liêu Thái
Hà Nội 40 Năm Xa / ngày 4 tháng 10 năm 1995... - Thế Phong
Hòn Bà, nỗi buồn xanh - Phan Chính