Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
754
116.501.872
 
Nghiên cứu tri thức bình dân
Lê Hải*

Tạm dịch sang tiếng Việt là “nghiên cứu tri thức bình dân”, ngành ethnomethodology được GS người Mỹ Harold Garfinkel (1917-2011) đặt tên bằng cách ghép các từ gốc Hi Lạp là ethno (dân, dân tộc), method (phương pháp) và -logy (ngành học). Với kiến thức cơ bản từ ngành kế toán, Garfinkel bước vào xã hội học trong vòng ảnh hưởng của trường phái giao tiếp biểu tượng (symbolic interactionism) của Talcott Parsons và hiện tượng luận (phenomenology) của Alfred Schutz. Theo ông, hiện tượng xã hội cần được nhà nghiên cứu ghi nhận một cách “tính toán được”, tức là có thể quan sát được và báo cáo lại được (như hệ thống kế toán). Dữ liệu cũng cần được thể hiện để đưa ra các giá trị như là những con số trên bảng cân đối, và giá trị nhất là các cụm từ mang tính phân loại, xếp hạng. Do gắn liền với ngôn ngữ được sử dụng trong tương tác mà bộ môn nghiên cứu tri thức bình dân cũng thường gắn liền với “phương pháp phân tích đối thoại” (conversation analysis), như tên gọi chính thức của hiệp hội quốc tế IIEMCA[1] (The International Institute for Ethnomethodology and Conversation Analysis).

 

Nói một cách đơn giản, ethnomethodology là ngành nghiên cứu những phương pháp mà người dân bản địa sử dụng trong cuộc sống hàng ngày để ứng xử trong cuộc sống xã hội[2]. Thông qua ngôn ngữ người nghiên cứu có thể hiểu được các tương tác xã hội hay chính xác hơn là các hành vi tạo ra hoạt động xã hội. Phân tích  thuộc trường phái này trên một mẩu đối thoại ghi được trong cuộc sống sẽ quan tâm chủ yếu không phải là nội dung hay hình thức của cuộc đối thoại đó, mà là những ngụ ý giữa hai hàng chữ. Với một câu chào đơn giản người ta có thể diễn giải một lượng lớn các nội dung ẩn chứa giữa các dòng chữ. (Ví dụ như trong tiếng Việt khi chuyển cách xưng hô của nhân vật nữ gọi nhân vật nam từ chú sang anh có thể là cả một câu chuyện tình ướt át.) Nhà nghiên cứu cần phải biết “phân biệt giữa những gì được nói ra và những điều được nói đến” (Garfinkel 1967:27). Nghiên cứu này đặc biệt hữu dụng trong khảo sát môi trường sống và lao động (Garfinkel ed. 1986). Bản thân ethnomethodology cũng có điểm chung với nhân sinh quan Mác-xít là coi tri thức trong mối quan hệ với môi trường sống mà nó được tạo ra cũng như phương pháp sản xuất (Freund & Abrams 1976).

 

Môi trường nghiên cứu của ethnomethodology cũng là thực địa, nhưng nếu dịch sang tiếng Việt là điền dã có thể bị hiểu nhầm với cách hiểu điền dã hiện nay ở Việt Nam khá gần với dân tộc ký, tức là ethnography, vốn phổ biến từ thập niên 1920s, cũng gần với các khảo sát dân tộc học của ngành ethnology. Phát triển cùng với trường phái Chicago trong khảo sát xã hội, dân tộc ký nhanh chóng lấn át các phương pháp điều tra xã hội học (survey) và phân tích số liệu, trở thành phương pháp thường được dùng nhất (Francis & Hester 2004:22). Tuy nhiên, khi quan sát và phỏng vấn, người sử dụng phương pháp dân tộc ký vẫn đặt khoảng cách với đối tượng nghiên cứu, luôn coi mình là người bên ngoài trong bối cảnh nghiên cứu. Với ethnomethodology thì ngay từ quá trình quan sát đã là hoạt động nhiều hơn là kỹ thuật đặc thù trong ngày xã hội học, mà là một phần không thể thiếu được trong cuộc sống hàng ngày. Không chỉ nhà nghiên cứu mà tất cả mọi người trong bối cảnh nghiên cứu đều quan sát để rút ra các tri thức ứng dụng ngay lập tức trong hoàn cảnh đó và nâng cấp cho nhiều hoạt động trong cuộc sống hàng ngày. (Ví dụ người sống trong không gian rộng cần nói to để truyền đạt âm thanh sẽ tạo thành đặc tính này) Những điều hiển nhiên trong ứng xử của đối tượng sẽ là mối quan tâm hàng đầu của nhà nghiên cứu nhằm đưa ra giải thích phù hợp.

 

Về cơ bản, phương pháp nghiên cứu của ethnomethodology gồm ba bước chính (Francis & Hester 2004:23). Đầu tiên là ghi nhận những gì có thể quan sát và ghi lại được thành trường hợp (observably-the-case), trong đối thoại, hoạt động, hay bối cảnh. Bước thứ hai là đặt câu hỏi làm thế nào mà trường hợp này được tạo ra như vậy và được nhận biết như vậy. Bước thứ ba là cân nhắc, phân tích và mô tả những phương pháp mà người dân bản địa tại môi trường nghiên cứu sử dụng để tạo ra và nhận biết những đặc tính mà người nghiên cứu đã ghi nhận ở bước đầu tiên (Thuật ngữ chuyên ngành được David Francis và Stephen Hester sử dụng trong giáo trình là self-reflection, analysis of recorded talk and action, và acquired immersion).

 

Trong số các phương pháp được áp dụng còn có thủ thuật làm ngưng các giao tiếp ngày thường bằng cách đưa ra một hành động bất thường, gọi là breaching hay tic-tac-toe experiments, để xem phản ứng của đối tượng giao tiếp (Hippen et al. 2011). Trên nguyên tắc, để làm lộ ra các nguyên tắc qui định trong ứng xử chúng ta cần phải tạm ngưng quá trình tự nhiên đang tạo ra hiện thực. Garfinkel phân biệt hai loại hình khác nhau trong tri thức bình dân, một là sản phẩm của quá trình đó, và một là quá trình mà chính những người đang tương tác tạo ra mà không phải lúc nào cũng ý thức việc mình đang làm. Trật tự xã hội là một quá trình liên tục và là đối tượng bị thay đổi hoặc thậm chí diễn giải sai lạc. Nghi lễ hạ thấp uy tín cũng là một quá trình đáng chú ý (ví dụ như cuộc điều trần của Bill Clinton trong vụ Monika Lewinski). Sau Garfinkel còn có nhiều biến thể và phát triển khác nhau trong cùng trường phái ethnomethodology, ví dụ như Aaron V. Cicourel đặt tên cho hệ phái của mình là Cognitive Sociology, Dierdre Boden cố gắng kéo ethnology gần lại với symbolic interactionism, Harvey Sacks tập trung vào các qui luật chung trong đối thoại, còn Don Zimmerman được coi là có quan điểm cực đoan, bác bỏ các góc nhìn truyền thống (Hippen et al. 2011).

 

Như một hệ phái với cấu trúc thống nhất từ góc nhìn xuống đến phương pháp nghiên cứu và trả lời từ những câu hỏi nhỏ trong một bối cảnh xã hội đến câu hỏi lớn như đâu là trật tự xã hội (Douglas & Kardash 2007, Collin 1997), ethnomethodology còn ảnh hưởng mạnh vào các tranh cãi trên tầng triết học thời đương đại, mà có lúc còn có thể coi là triết học nhận thức (Szacki 2003:874-876).

 

Tham khảo:

 

Garfinkel, Harold (1967) 2003, Studies in Ethnomethodology, Blackwell

Garfinkel, Harold ed. 1986, Ethnomethodological Studies of Work, Routledge

Collin, Finn 1997, Social reality, Routledge

Heritage (1984) 2003, Garfinkel and Ethnomethodology, Blackwell

Francis, David & Stephen Hester 2004, An invitation to ethnomethodology: language, society and social interaction, Sage

Maynard, W. Douglas & Teddy Kardash 2007, Ethnomethodology, trang 1483-1486 trong G.Riztzer ed. Encyclopedia of Sociology, Blackwell

Freund, Peter & Mona Abrams (1976) 2007, Ethnomethodology and Marxism: Their Use for Critical Theorizing, trang 377-393 trong Theory and Society Vol 3 nr.3 1976

Szacki, Jerzy 2003, Historia myśli socjologicznej, PWN

Hippen, Cole & Danielle Yates & Kit Mason 2011, Ethnomethodology, power point slide from UMSL lecttures at http://www.umsl.edu/~keelr/3210/3210_lectures/ethno.html



[1] Trang mạng ở địa chỉ www.iiemca.org, với các hội thảo thường niên được giới thiệu tại trang http://www.iiemca-conference.org/, cũng như phân nhánh ở Úc ở địa chỉ www.aiemca.org.

[2] Cho nên tác giả sử dụng thuật ngữ “nghiên cứu tri thức bình dân”. Tại Việt Nam hiện đang có khái niệm “tri thức dân gian” (folklore knowledge) do GS Ngô Đức Thịnh xây dựng, cũng khá gần với góc nhìn này, cũng như các khái niệm như là “tri thức bản địa” (indigenous knowledge) và “tri thức địa phương” (local knowledge), có thể đọc thêm ở trang nhà của khoa văn hóa ĐH QG tp.HCM: http://www.vanhoahoc.edu.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=1434&Itemid=121. Khái niệm này cũng vừa được TS Nguyễn Thị Diệp Mai sử dụng trong công trình nghiên cứu văn hóa ứng xử tự nhiên (góc nhìn của GS Trần Ngọc Thêm) ở vùng U Minh, cực nam Việt Nam.

 

Lê Hải*
Số lần đọc: 2572
Ngày đăng: 01.01.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trao Đổi Lại Với Giáo Sư Dương Chấn Ninh Về Kinh Dịch - Hà văn Thùy
Trao đổi về giống chim - Vương Trung Hiếu
Tây Cũng Tam Sao Thất Bản - Vũ Anh Tuấn
Hội thảo Thơ Việt Nam Hiện Đại Nhìn Từ Miền Trung: Những Vấn Đề Còn Đó… - Bùi Công Thuấn
Hướng đi tới cho tranh chấp Hoàng Sa-Trường Sa - Thái Văn Cầu
Nhân ngày 1/12(2011) Ngày Thế Giới Phóng Chống HIV/AIDS: Đức Giáo Hoàng không dùng bao cao su - Vũ Ngọc Anh
Lâu Đài Sụp Đổ Suy Ngẫm Từ Công Trình Khoa Học Lớn - Hà văn Thùy
Hiểu Việt Nam qua Wikileaks - Lê Hải*
“Thông Điệp Lọ Lem” - Vũ Ngọc Anh
Đa Đoan - Nguyễn Càn Tử
Cùng một tác giả
Quê Mẹ (truyện ngắn)
Hiện tượng học (tiểu luận)
Bàn về mỹ nghệ (nghệ thuật)
Việt Nam là gì? (nghệ thuật)