Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
310
116.590.536
 
Nghe bấc thổi nhớ ngày xưa…
Phan Chính

Điều dễ gặp với những người xa xứ nhiều năm trên đất khách và có thể bên trời Tây xa lắc, dù lúc ra đi trong một hoàn cảnh nào đó, khi trở về cũng nặng lòng da diết nỗi nhớ khôn nguôi. Bạn đứng ở Cảng Cá La Gi (Bình Thuận), nhìn ra Hòn Bà vẫn hình dung được con rùa khổng lồ đang vươn mình trên sóng hướng về phương nam. Kè chắn sóng mấy lớp bê tông vạm vỡ chồm ra cửa biển như mở rộng vòng tay đón đợi những chiếc thuyền khẳm đầy cá từ biển khơi về bến đổ.

 

Nhớ lại cái Chợ Cá Biển ngày xưa chỉ rộng bằng chục nền nhà và những căn vựa cá lụp sụp mái tôn. Đến mùa bấc thổi ở đây như từng cơn gió lẫn vào sương mù, chứa đầy sắc biển, buồn đến hắt hiu. Hình ảnh làng chài Tân Long kéo dài theo doi đất ra tận cửa biển chỉ còn lại trong ký ức có đến từ hơn nửa thế kỷ. Còn bờ hữu ngạn với xóm chài Phước Lộc rợp bóng dừa xanh lưu dấu dịch trạm Thuận Phước của thuở đầu trung hưng Triều Nguyễn. Người xưa phiêu tán theo chặng hải trình từ miền Trung xuôi về Nam ít ra cũng vài bến đã ghé chân qua nhưng nơi này có cửa biển rộng, sóng gió thuận hòa nên chọn làm đất quần cư lập nghiệp. Dinh vạn Phước Lộc còn lưu giữ gần 200 bộ xương cá voi, ngư dân cung kính gọi là ngọc cốt. Thật hiếm bởi ở đây có một bộ xương rất lớn, qua phân tích của nhà nghiên cứu ngành hải dương học trên cơ sở các bộ phận xương, có thể đoán được trọng lượng, chiều dài thì ông “lỵ” này phải trên 20 mét. Nếu với số lượng hiện có như vậy thì nhiều hơn cả các dinh vạn Thủy Tú (Phan Thiết), Vạn An (Phú Quý)…và qua sự gìn giữ, cúng bái cho thấy niềm tin của ngư dân về thế giới tâm linh rất lớn. Điều đó chứng minh thêm về thời gian hình thành làng mạc quần tụ cư dân đã có trên 200 năm bên bờ cửa biển La Gi này. Cho nên dinh vạn Phước Lộc cũng chính là đình làng thờ thành hoàng của dân địa phương. Ngày vía Bà 23 tháng 3 âm lịch hàng năm trở thành ngày lễ hội đậm bản sắc tín ngưỡng dân gian vùng biển, gắn liền với huyền thoại Hòn Bà.

 

Con Sông Dinh phát nguồn từ Núi Ông mang dòng chảy đại ngàn để hòa vào sóng biển mặn quặn mình dưới chân đảo Hòn Bà càng xa xót thêm cho truyền tích một chuyện tình. Trước khi có công trình kè biển chắn sóng, cửa biển La Gi chuyển dịch mở cửa theo mùa. Bờ bên phía Tân Long có mùa cát bồi kéo dài thêm trên nửa cây số và một con lạch xanh um cây mắm có những bộ rể bám vào mặt nước dập dờn. Lúc thủy triều xuống bày ra mặt đất bùn đen cùng đàn còng gió tung tăng như vỡ tổ. Ta thường thấy mỗi dòng sông đều tràn bờ bao điều để nhớ, để thương của một thời mộng mơ trong đời người. Sông Dinh bây giờ phải vắt mình qua phố thị, nhà cửa san sát đôi bờ đầy âm thanh và màu sắc. Còn đâu chiếc đò ngang bến vắng, nay chỉ sót lại tiếng gọi ơi đò trễ chuyến sang sông trong nỗi nhớ mà thôi. Có thời chiếc cầu Long Hội, ghép từ địa danh Tân Long- Phước Hội bắc nhịp nối hai bờ, đơn sơ bằng những cây gỗ rừng nhưng ít mấy ai nhớ đến vì không qua nỗi mùa lũ sau một năm. Vẫn chuyến đò ngang!

 

Ngày xưa ấy, chợ Cũ với những gian nhà lợp lá buông rồi khi thành lập tỉnh Bình Tuy mới bắt đầu lác đác những căn phố xây gạch tap-lô, mái ngói. Đêm tháng Chạp là mùa cá lưới sẫm với cá bẹ, cá thiều, cá dứa…Nồi cháo cá đêm hay bát canh phớt béo ngậy mới thấy là lúc ấm áp giữa mùa bấc tháng chạp co ro như quay quắt, lạnh buốt tận thịt da. Những tiếng lào xào mép lá của những tấm phên vách càng làm cho đêm còn hiu hắt những ngọn đèn dầu.

 

Người “bạn ghe” áo bạc màu nâu vỏ sắn, tay xách đèn măng-xông bước chiếc cầu ván chông chênh nối bờ với con thuyền, ghé ngang quán cốc và chỉ một cốc nhỏ rượu đế đủ nghe ấm lòng rồi vội vã cho kịp con nước kéo neo. Chiếc thúng chai chòng chành trên sóng gào vậy mà ngọn đèn mong manh vẫn hừng hực chong sáng như phận đời người biển cả. Bầy mực nang, mực ống cứ đuổi theo thẻ mực bằng rẻo vải óng ánh để “bắt bóng tìm mồi” làm đầy thêm tay vợt. Khi đêm xuống, ngoài biển ánh đèn giăng câu mực rực sáng, từ xa tưởng chừng một thành phố biển. Hình ảnh phố xưa buồn và thơ mộng như thế. Bến sông cũng là chợ cá, cũng vừa là nơi neo đậu ghe thuyền. Nhưng ở đây lại là mảnh đất sơ khai của La Gi đô hội ngày nay. Mùa bấc có lẽ ở đây là nơi hứng nhiều gió thổi xao xác nhất như khỏa kín màu nắng phai để thấy Hòn Bà trầm tư giữa bức tranh thủy mặc lung linh./.

 

Phan Chính
Số lần đọc: 2355
Ngày đăng: 05.01.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Văn Hoá Đọc, - Nguyễn Lệ Uyên
Cuộc thẩm vấn đầu tiên - Vũ Ngọc Anh
Vui, Đau, Nhức Đầu Năm 2011 - Hoàng Hưng
Cặp Đôi Hoàn Hảo - Khuất Đẩu
Cánh hoa vô ưu - Vũ Ngọc Anh
Óc Thực Tế Mỹ Và Lòng Yêu Nước - Hà Thúc Sinh
Giẫy mộ - Trương Quang Cảm
Xuân Và Tết - Trong Thơ Luân Hoán 3 - Hà Khánh Quân
Xuân Và Tết - Trong Thơ Luân Hoán 2 - Hà Khánh Quân
Xuân Và Tết - Trong Thơ Luân Hoán 1 - Hà Khánh Quân
Cùng một tác giả
Dinh Thầy Thím (tạp văn)
Chị (thơ)
(thơ)
Du xuân Tà Cú (văn hóa)