Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
675
116.607.344
 
Sóng Cuộn Miền Hoang Vắng
Minh Khanh

“Chao ôi, con sóng không bờ

Trôi miên man chẳng biết giờ nơi nao…” viết tặng Thành.

 

Đọc xong một mớ công văn, trời đã chiều lắm cái đầu chỉ muốn vỡ tung ra, chỉ muốn ngay lập tức quẳng tất cả vào một xó rồi bỏ đó mà đi đâu cho khuây. Công việc thì nhiều, có muốn bò ra làm ngày làm đêm cũng chẳng thể xong. Tiếng điện thoại reo, điện thoại bàn. Giờ này mà nghe điện thoại bàn thì chỉ có việc công thôi. Đúng là cũng có chờ điện thoại nhưng mà là chờ nhạc chuông của di động kìa.

- A lô…nghe đây! Úi chết, em nghe đây ạ. Dạ tại di động em đang “nghỉ” ạ. Thôi, em biết rồi mà. Việc nhà em cũng tạm ổn rồi chị. Em đi, em đi. Dạ dạ, chị cứ đăng ký đi em không bỏ cuộc đâu. Tại em lo quá đó thôi…

 

Thật tình cũng muốn đi lắm, cái sự muốn này chiến thắng cả nỗi lo.

 

Suốt bốn ngày bò ra làm thật, ai lại đè lúc “thiên hạ” định đi du lịch mà Thanh tra có chết không cơ chứ. Nói như mấy đứa nhỏ hay nói chơi “cho chết luôn”. Bao nhiêu việc dồn tới một lúc mặt mày bơ phờ cả ra. Đã vậy nói là 19 h 15 tối nay mới đi. Thế là lại tranh thủ thêm một ngày từ sáng tới chiều. Mấy đứa nhỏ tổ chức sinh hoạt 8/3 vui quá hả. Đức bảo “cô cứ vui với tụi nó chút đi cô ạ, tới tối mới đi lận mà” tối thì tối, mà đã chuẩn bị cái con khỉ gì đâu. Quăng mấy thứ quần áo linh tinh vào cái ba lô tàng, đức ông chồng mặt nhăn như cái bị “Người gì mà chẳng bao giờ biết lo xa…Bỏ chai dầu vô chưa, khăn, lược,…”. Tức cười quá “…sao cái gì cũng nhắc mà lại không hỏi thử…có tiền bỏ vô chưa, buồn ghê…”, “giỏi…tặng 5 trăm ngàn ăn quà nè…”. Mặt “dày” với chồng cũng được việc đấy chứ. Chờ xe hơi lâu, chờ đợi khiến người ta không mấy thiện cảm. Xe tới, thót lên cái một, ở nhà chồng dặn “đừng ngồi ghế số 1,2,3,4…” gì gì đó. Biết rồi nhưng ghiền lỡ, cứ thích ngồi ngay đầu xe kìa. Không chào ai, vẫn biết sau lưng hàng chục ánh nhìn…chưa thân thiện. Ngủ cái đã. Nhỏ Vân lên sau ngồi ngay bên cạnh. Thế cũng tốt, khỏi lo ồn ào.

 

Biết ngay là chẳng ai cho yên chuyện sớm vậy, thôi thì đủ trò. Bắt đầu là đố, từ đố ăn tới đố cây trái rồi tới cả nói “bậy” lái lái, trại trại cho vui. Nghề của mình mà nhưng mệt quá, hãy cứ đợi đấy tới ba ngày ngồi trên xe cơ mà. Cười thầm trong bụng vì cái anh chàng “đánh mông” miêu tả chữ cái tên của mình. Ông anh bị phạt cái lưng đơ như củi thì làm sao mà chơi trò này nổi, công nhận mấy anh chàng HD viên của đoàn này “lưng dẻo” mà “mông cũng dẻo” quá xá, mấy bà chị, bà cô cười rần rần. Muốn quay lại nhìn mà cái cần cổ cứ như là gãy rồi, thôi nhịn. Uống chút rượu của Thuận rót cho ấm bụng, ngặt nghẹo ngủ tới tận khi qua cầu Mỹ Thuận luôn. Cũng có dậy đấy nhưng cố ngủ vẫn hơn.

  • Dạ, mời quý thầy, quý cô mình…đi chợ nổi Cái Răng ạ…

 

Quái lạ, từ lúc lên xe tới giờ mới để ý nghe giọng nói này, rất ấm và rất mềm mại. Không phải giọng này chắc mình nổi điên với cái không phải là Cái Răng mà là hàm răng chưa được vệ sinh sạch sẽ quá. Đúng là… Nhờ giọng nói ấy mà tôi dễ dàng bỏ qua sự thiếu sót vì chưa được chăm sóc. Anh bạn HD viên nhắc nhở mọi người từng chi tiết cũng như giới thiệu về điểm tham quan sắp tới. Quả thật tôi chẳng nhớ nổi xem anh ta nói những gì nhưng giọng nói thì nghe chừng bắt đầu thấm. Chỉ cần thế. Mắt đang lướt xem thứ gì “họ treo mà không bán” còn đầu thì đang nghĩ xem “thứ gì họ bán mà không treo”. Chưa kịp ngắm mặt anh chàng HD viên ... nhưng đố gì kỳ thế. Chợ nổi là cái chợ họp ngay trên sông, mà trên sông thì chỉ có thể dùng xuồng, thuyền…mua bán với nhau, thế cũng vui. Thuyền nào cũng treo thứ cần bán…Có cái thứ treo không bán đây rồi…Anh bạn HD viên – tên Thành, bảo “cô thấy gì chưa ạ, cái bán mà không treo đấy ạ” “thấy rồi” Khuôn mặt thật dễ mến “cô thấy họ bán bún riêu, phở, cháo lòng…họ đâu có treo?” À ha, cái cười nheo đuôi mắt tinh nghịch trong nắng sớm, mặt sông lấp lánh không biết bao nhiêu là tiếng cười, tiếng rao, tiếng chào và cả niềm mến yêu vừa mới bắt đầu nữa…

 

Cây cầu Cần Thơ nổi tiếng, nằm vắt ngang sông. Nó nổi tiếng không chỉ vì đẹp, vì hoành tráng mà còn vì sự ra đời của nó. Nhưng thôi bản thân nó trọng trách quá nhiều, chẳng ai muốn nhắc mãi những gì không nên xảy ra đã xảy ra với nó. Cây cầu hiên ngang vắt mình qua thế kỉ 21, mai sau đi trên cây cầu này hay là được ngắm nhìn nó với vị trí trên sông thế này cảm xúc bấy giờ chắc sẽ hoàn toàn khác hẳn. Từng đám lục bình rong ruổi nối dài trên mặt sông, hẳn nó đã góp phần làm cho sự mệt mỏi của một đêm đi xe cứ loãng dần loãng dần và biến mất.

 

*

 

Chúng tôi đi trong chiều của miền Tây, đây không phải là lần đầu tôi đi Cần Thơ nhưng tôi đã không gặp lại cảm xúc của những lần đi trước đó.

 

Chiều bình yên, thơ mộng ở cái nơi được mệnh danh là thủ phủ của miền Tây. Tôi cố vận hết mọi ngóc ngách của trí nhớ về một miền đất (năm 1981) chỉ cần nghe mùi đất sình cũng thấy hắt hơi, đêm thò tay khỏi mùng vắt từng nắm muỗi…bụng sinh viên lép kẹp cố tìm chút mùi vị đồng quê mà chẳng ra. Vốn lớn lên ở miền Trung nên cứ tưởng chỉ cần ra rẫy moi đất kiếm đụt khoai lang vùi đống tro lửa mới nhốt khi chiều là…hết đói. Người miền Trung xứ tôi lạc quan nhưng lo xa, đói - mặt toàn xương chỉ có hai hàm răng là đầy đặn và trắng hếu (có gì nhai đâu mà không trắng) nhưng trong nhà thì lúa vẫn còn cho mùa sau, đậu xanh, đậu đen, đậu phộng thì trữ cho đầy các thùng phuy…

 

Mới chỉ cần nhìn thấy mấy ngọn lau phất phơ mà tôi đã nghĩ nhiều đến thế. May sao, hai bên đường bây giờ bớt nhiều rồi hoang vắng thay vào đấy là rất nhiều khu dân cư khiến tầm mắt nhìn của tôi cũng vô tình hẹp lại. Tôi đang tìm sự mướt mát của miền Tây.

 

- Chị, ăn bắp luộc.

Giật cả mình, bắp luộc thì liên quan gì ở đây cơ chứ. Trên xe đang bận ồn ào với những cùi bắp, vỏ bắp…hay thật đấy, xa nhà mà ai cũng hớn hở, tươi rói. Đích thị là không khí của du lịch. Chàng trai HD viên trổ tài nói năng, được đấy. Anh ta chỉ cần điều chỉnh tý chút về tốc độ và nếu có thêm kinh nghiệm đầy mình của những chuyến đi nữa thì thú thật già như tôi cũng mê giọng nói ấy chứ đừng nói gì đến đám con gái trẻ. Không biết nghĩ thế có thiên vị quá hay không…

 

 

Chúng tôi đến Sóc Trăng, thăm chùa Dơi. Chùa Dơi chiều nay nhìn thật cũ, cái cũ kĩ đến vô tư – nó chẳng tự thấy mình... Màu sắc rực rỡ của ngôi chùa phản ánh tự nhiên về một nền văn hóa đang trôi vào dĩ vãng. Tôi vào từng gian, bắt gặp người xưa ở từng cái rui, mè, kèo cột…mùi khói nhang phảng phất linh thiêng. Quả thật tôi chẳng biết mình nên khấn gì , cầu nguyện gì . Ai cũng thế, cái mình đòi hỏi  bao giờ cũng nhiều hơn sự nhận, nó vượt quá ranh giới của được phép. Mô Phật! Phật trời phù hộ cho tôi, chợt nhớ khi chiều chàng HD viên đẹp trai và rất trẻ kia đã nói rất nhiều về các vị Phật, trẻ mà biết thế là tốt. Hiểu biết nhiều khiến con người ta tự tin.

 

Tôi thấy mình cũng tham quá. Ngắm chùa, ngắm người…và mong muốn người khác nhìn thấy mình, nhận ra mình trong bao nhiêu con người xuôi ngược nhân gian. Mong các chư Phật xá tội cho con!

- Này, HD viên! Tôi gọi Thành : “Đố Thành đối câu này của cô “Thăm chùa Dơi đuổi Dơi”. Anh chàng nheo mắt, cái răng khểnh cười thay câu trả lời. Đừng bí quá vậy. Tôi biết, đố người ta hãy để người ta thắng. Tôi im lặng và cười “em xem đánh cờ người bao giờ chưa? Chơi cờ Người thí Người”.

 

Cả tôi và Thành đều ngước nhìn xem dơi đang ở đâu trong chiều Sóc Trăng đầy ngẫu hứng. May mà những cụ tổ của loài Dơi từ xưa đã ý thức về tổ tiên mình, biết giữ gìn truyền thống dòng dõi mình, biết dạy dỗ con cháu mình những gì gọi là chuẩn mực văn hóa nhất. Thành hỏi tôi “Nó đã làm phát nào trên đầu cô chưa ạ?”. Khà! Biết đùa đấy.

 

*

 

Tôi có tới hai người em dâu là gái…miền Tây. Em chồng tôi vẫn hay nói “ thà xứ nào em chịu, chứ miền Tây là em…thua”. Tôi cười “miền Tây và Bắc kỳ khác nhau gì chứ?” Nó bảo “Khác nhiều chị ạ!”. Tôi biết, gái Bắc tuy “cù lần” thật nhưng nhiều thứ nó chẳng “cù lần” tẹo nào.

 

Ông già chồng tôi người Long Xuyên nhưng gia đình chồng tôi xưa có một thời gian sinh sống tại Cần Thơ. Ổng mê mấy món ăn miền Tây dữ lắm và đương nhiên tôi cũng biết nấu vài món mà cha chồng tôi ưa. Món ruột của ổng là mắm nấu. Tôi đã từng được ông nấu cho ăn món lươn xào. Cũng gia vị ấy, công thức ấy nhưng sự nêm nếm vô cùng khác biệt. Ông bảo tôi “nếu con nấu mắm cho ba ăn thì sẽ khác rất nhiều với khi con nấu để con đãi khách” ông không giải thích nhưng tôi hiểu ông và vì ông tất nhiên món mắm tôi nấu đến ngay cả mẹ chồng tôi, em chồng tôi đều phải “ok”. Tôi nhớ đến tất cả những điều trên vì tôi đang ngồi trên một chiếc du thuyền khá lớn và trước mắt tôi món canh chua của xứ sở miền Tây đang được dọn ra.

 

Tôi ăn bằng mắt. Những cọng bông súng tím rịm, những bông so đũa cũng tím rịm. Mấy người bạn của tôi bảo “Hoa gì mà nấu ăn được vậy chị?” Tôi bảo “điên điển đấy”. Thế mà cũng tin, nhìn những cọng bồn bồn lòng tôi se lại. Rau của nhà nghèo mà. Anh chàng HD viên biến mất rồi. Làm gì có ai chia sẻ, hình như anh chàng HD viên này người miệt trong thì phải, vô tình thế không biết, để lát hỏi xem. Kèo nèo, bông súng, lục bình…và rau nhút (ngoài Bắc gọi là rau Rút). Canh chua có mùi của dấm, tôi không ăn được dấm. Lòng tôi nhấn nhá “ Về phương Nam…thương

 

cuộc đời như lục bình trôi…câu hát ngân nga, tiếng ca giao hòa...” đúng là “muôn vàn tâm sự”. Mặc cho sân khấu nhỏ, mặc cho người chia vui, tôi chia buồn với lòng mình. Mặt sông loang loáng chảy, tình tôi thoáng trôi…chẳng ai hiểu mình bằng mình. Thực ra cũng đâu có gì là lạ, nếu ai đó vô cảm không có chút gì lưu luyến với Cần Thơ thì giờ đây họ cũng đang được sảng khoái… Nước trôi, sông trôi, trăng trôi và lòng người trôi. Tôi vốn hay nghĩ ngợi nên đâm ra khó chịu. Giọng nói ấm áp, truyền cảm đâu mất rôi. Có bàn tay nào chìa ra cho, bến cầu tàu loang loáng nước, một chút rượu có là gì. Tôi tìm hoài không thấy niềm vui, không thấy sự ấm áp. Đã bảo là mình tham quá đi thôi.

 

Quả thật “Đêm thế làm sao ta ngủ được” và “Tình dốc cạn rồi…biển cũng say.” Đêm say bí tỉ và lòng tôi sang canh. Sáng mai, Vân - người cùng phòng với tôi, nói “Chị ngủ quá trời, đá cả gối mền xuống đất”. Tôi giỏi quá. Cần Thơ ơi, chia tay.

 

Tôi mượn hình ảnh của người HD viên, cố moi cho bằng được chút dư âm năm cũ. Chịu. Tôi thua thật rồi. Về Tiền Giang thôi, vui như mọi người, cười với mọi người…Và niềm vui đến với tôi như ly cà phê

 

Cần Thơ buổi sớm. Hãy đợi đấy, ánh mắt biết cười của chợ nổi Cái Răng, nụ cười khấp khểnh của Sóc Trăng – chùa Dơi. Hãy đợi đấy.

 

Tôi tự gửi cho mình “ Cám ơn bèo dạt mây trôi. Cám ơn mây trắng ngoài trời đang bay”. Quy luật tự nhiên thế thôi, “bèo vẫn trôi” và thênh thang trời “mây còn dạt”. Không có chuyến đi này tôi làm sao thấy hết được…Lòng tôi “gió trăng phù phiếm”… “Đam mê phù phiếm – trả vay. Đất trời phù phiếm - gió mây khôn cùng. Trái tim (tôi) phù phiếm – mê cung…” Chịu.

 

*

 

Vui tưng bừng, vô hồi kỳ trận. Hằng bảo tôi “Duy hát xong, em kiếm gì tặng Duy nha” tôi lắc đầu nhưng Hằng lại nói “Xếp mà em, tụi tiểu học và mầm non ngán ổng lắm, chỉ có em thôi”. Bộ tôi không ngán “ổng” sao, đụng chuyện hoài. Nhưng thôi được. Người gì mà “ớn” chết đi, suốt buổi không một nụ cười, không một tiếng nói…Đã thế…Tôi lột cây kẹo nhỏ, nhỏ thật là nhỏ - có ý đồ…Hằng cười, cái cười đồng lõa…Chúng tôi vui thế thôi, chẳng mua đâu ra trận cười này, mấy anh em của lữ hành Thống Nhất vui lây.

 

Chị Hằng thường thế, nếu có dịp gần nhau cũng thường hay dùng một phần tai là tai của tôi, một phần lưỡi là lưỡi của tôi – nói trước đám đông giùm chị. Mấy năm gần đây, tôi ít nói. Một lời cân nhắc một lời, chỉ có đùa là không biên giới thôi. Hiệu trưởng của tôi bảo “Chị sắc sảo quá, em út nó sợ chết khiếp” ơn trời tôi là người biết tiếp thu, không nói thì làm…anh chàng HD viên đẹp trai giới thiệu cho người hát một bài, chủ yếu là để được cười vui còn anh ta – chắc cũng mệt lắm rồi…nên tôi chỉ thấy cười mỉm chút đỉnh. Bữa giờ vui miệng gọi tôi bằng “má” – vui không ? Mới cách đây khoảng chục năm, chị Yến sau một lần văn nghệ của Huyện mà tôi là MC, chị bảo “nhiều đàn ông hỏi thăm em lắm đó nghe…”.Vâng, cái giọng Bắc không pha, sang trọng, trong vắt và còn trẻ trung ấy lùi bước rồi. Cái nghề mà phô diễn chừng nào thì hết chừng nấy, chỉ “xài” ở chừng mực nào đó thôi nghe anh bạn trẻ - ấy là nói Thành. Hắn cười mủm mỉm hoài, thấy ghét. Bác tài cũng có một gương mặt thật tươi,

 

tôi chưa thấy chút căng thẳng nào trên mặt anh. Với mái tóc muối tiêu bồng bềnh, nụ cười hết cỡ mà vẫn còn “e thẹn” thế kia thì không cứ gì lúc trẻ…chắc cũng nhiều phụ nữ theo dữ lắm…Tôi thấm mệt, đang định “gật gù” chút đỉnh khi người khác còn mải vui thì xe gặp sự cố. Điều không muốn thường hay rình rập…nhưng chắc là không sao? Anh bạn trẻ cùng đi cặp với Thành – tên Lâm đã thay đoàn giải quyết sự việc rắc rối. Mặt của Thành không một nét nhăn, được đấy – cố mà tập cho cơ mặt đừng động đậy, cái răng khểnh được dịp trổ tài. Thật là một phen hú vía…

 

*** Tối hôm qua là một đêm căng thẳng, tôi ngủ không được. Thần kinh căng như chão…không bạn bè, không người thân để chia sẻ. Tôi đang buồn bực, nếu viết tiếp thì – hoặc là tôi trút sự giận dữ, lời lẽ sẽ không tha cho bất cứ một ai hoặc là tôi sẽ viết với những gì chua xót nhất khiến cho người đọc phải nặng nề lây. Tạm ngừng vậy…Tôi đã không cần đến ai. Mượn lời của ai đó “Chao ôi trống vắng. Kinh hoàng…nhớ” và tôi “Một ánh mắt cười đã thật xa”…

 

Có những thứ nhìn thấy ngoài đường, vô tình nhưng khiến lòng mê say. Ai lại không yêu cái đẹp, tôi không ngoại lệ. Có thể có những người chỉ yêu bằng mắt rồi vô tình cho nó lướt qua (hoặc cố tình cho nó lướt qua cũng được). Tôi khác một chút, đã yêu thì bằng tất cả tâm hồn còn không thì không gì cả. Tôi lý giải bởi lòng tôi đang dậy sóng. Nói “đao to búa lớn” vậy thôi nhưng ai đã biết tôi rồi thì điều đó…bình thường. Trong những mệt mỏi cộng mệt mỏi tôi tìm niềm vui, mặt sông (sông Tiền?) rộng lớn có vẻ như hiền hòa, sáng trắng những vòng sóng. Xuống đò, tôi im lặng tựa đầu vào kế bên và kế bên - Kiên cũng ngồi yên cố tình giúp tôi thư giãn, ai bảo ngồi bên tôi! Cô gái HD viên trên đò – của du lịch…nào đó đang thao thao bất tuyệt những gì cô biết, cô cố nhớ - đã nhớ với những du khách chưa chuẩn bị tâm thế nghe là chúng tôi. Lời lọt tai thì ít, lời rơi xuống sông thì nhiều, với thứ “giáo án” viết sẵn ấy cô biết là người nghe chưa vui, cô trổ tài hài hước bằng lời. Bằng cách ấy cô giúp con đò trôi nhanh sang cồn Phụng ( không biết tôi nhớ có đúng không) mắt tôi nhắm, cơ thể tôi ngủ nhưng riêng tai tôi thức vì ai đó nói “Hôm nay Kiên ráng lên nghe…” giọng đùa mà tôi lại nghe ra chiều trách móc, Thuận.

 

Tình yêu bằng cả tâm hồn của tôi chưa gặp đúng thứ tôi yêu. Chưa bao giờ tôi có quan niệm tình yêu là sở hữu, ôm đồm làm gì cho mệt xác. Thích thì cứ ngắm cứ nghe, giống như ta nghe một bản nhạc hay – một giọng hát hay – một giọng nói hay…muốn nghe thì muốn mãi nhưng khó có nó cho riêng một mình mình. Cũng thế, một bông hoa đẹp muốn ngắm mãi thì mang nó về cho mình nhưng thứ mang về cho mình rồi thì lại không đủ sự đẹp như mình mong muốn. Tôi đang mê say với nhiều thứ tôi vừa mới gặp, tưởng sông hiền hòa là thế, mắt nhìn thấy yên bình là thế…nhưng ai đó ngồi trên đò này rồi mới biết “sóng dậy” ở trong lòng ra sao. May quá đò cặp bến, nếu không lòng tôi sẽ quay mòng mòng vì “say sóng” mất thôi!

 

Bữa ăn trưa ở giữa cồn Phụng, món ăn nóng và không gian nóng. Cái mát của hơi nước sông không đủ độ mạnh. Tôi thò miệng sang bàn của Thuận “Cho mình xin một ly rượu “ai uống cũng được khen đi”. Ly rượu cũng chưa đủ để xua cái ám ảnh lòng tôi nhưng đủ nóng để tôi nuốt trôi tất cả những gì đang ứ tràn thực quản. Hình ảnh một con cá trôi trên cái đĩa ăn giữa bàn với hai bên lườn đã bị tươm tan nát…Tôi

 

 

ăn không được, mặc dù nhìn vào mắt và miệng mọi người tôi thấy họ ăn rất ngon. Vân ngồi xa tôi ở phía bên kia bàn, biết ý Vân gom hết những gì gọi là rau đẩy sang phía của tôi. Tôi xin tới hai đĩa nước chấm “mắm me tươi” ai cũng cười tôi “Bộ nhà thiếu mắm à?”. Tôi uống thêm hai ly nữa. Đủ rồi.

 

Một mình với lục bình bị nhốt ở mé trái của đảo (cồn) sắc tím lục bình giữa trưa sáng rực như phản quang giữa những đậm đà xanh lá. Một vài giọng nói nhẹ nhàng nhưng kéo dài của những cô tiếp viên, giọng nói ít thanh sắc. Áo bà ba, quần đen, tóc kẹp kể luôn cả vóc người nhỏ, eo lưng thon và ngắn là đặc trưng của phụ nữ vùng này…và rất tự nhiên. Văn hóa giao tiếp của người thành phố đã đụng chạm ít nhiều đến từng vùng “đất cùng, sông tận” tôi không nhìn nhiều nhưng tai tôi lại nghe được nhiều. Chia tay với những con rồng quấn cột, khó phân biệt giốmg đực giống cái. Chia tay với hình ảnh của những người giàu thường làm điều “lập dị” khác người và thích được người khác “tôn sùng” và cũng thích được gọi mình là “cậu”. Tôi lại xuống đò cùng mọi người, bây giờ thì “Mây quang dẫu chẳng tạnh mưa. Phập phồng bong bóng cho vừa lòng ai?” Thuận tới “Mình ngồi đây nghe” “Vâng, xin mời”.

 

*** Hai ngày Phan Thiết, lòng tôi lắng xuống bớt hẳn cồn cào, bớt hẳn cô đơn mặc dù phòng nghỉ khách sạn một mình tôi: với cái giường thênh thang, với tiếng máy lạnh “ro ro”với dịch vụ 1 sao trong khi trước khách sạn gắn hẳn 2 ngôi sao rõ to. Tôi nhắn tin nhưng tôi tự nhận tin buồn “ trái tim điện thoại di động của Thành: vừa ngừng đập”. Hi…hi…

 

Chúng tôi được đưa sang một hòn đảo nhỏ khác – gọi là cồn Lân hay Long gì đó. Trời thật nóng, tôi cũng đã mệt lắm, đặc biệt nếu trưa không ngủ tôi rất hay bị đau đầu. Điều đó khiến tôi khó chịu, chúng tôi như dự định được nghe đàn ca tài tử. Giữa trưa nắng, trên hòn đảo người du lịch tương đối đông và có rất nhiều người nước ngoài. Chúng tôi vào một sảnh lớn lợp dừa nước, ngồi ở những chiếc bàn có lẽ làm bằng thân dừa…nước trà được rót ra trong những tách nhỏ. Một nhóm phục vụ, nhạc công và những cô gái chắc có lẽ là diễn viên hát. Nói diễn viên thì hơi quá nhưng đấy là những người chuyên phục vụ đàn ca tài tử. Một cây đàn kìm, một đàn bầu, một ghi ta phím trũng chuyên đàn ca cổ và song loan giữ nhịp. Tôi, may mắn còn giữ trong túi xách vài gói cà phê. Pha cho tôi và Quý mỗi người một ly, tôi ước bây giờ là đêm.

 

Tôi không phải người miền trong, tức từ Trung trở vào. Cha tôi người Nam – mẹ tôi người Bắc, tôi sinh ra ở Hà Nội nhưng tôi chỉ sống ở đấy 12 năm. Mười hai năm đủ để tôi có một thứ tiếng nói “thâm căn cố đế” sửa không được, tiếng Bắc. Mười hai năm đủ để tôi có được một chút vốn liếng về ngôn ngữ của vùng thổ nhưỡng Bắc bộ. Nói không phải để khoe nhưng rõ ràng mười hai năm đầu đời ấy vô cùng quan trọng với cả cuộc đời – quan trọng hơn tất cả  những gì quan trọng nhất của đời tôi, tới bây giờ (tuổi 48) của tôi. Tôi nhắc lại, tôi không phải người miền trong nhưng với tôi, văn hóa và lối sống người trong Nam với tôi tôi biết nhiều hơn, đương nhiên tôi chịu nhận ở nó nhiều hơn. Cây đàn bầu bắt đầu rung, tiếng song loan

 

 

thử nhịp. Tôi có cảm giác xa xôi về những năm 80 khi tôi tập nghe ca cổ, tập đánh tay giữ nhịp theo lời ca. Nhịp của cổ nhạc khó giữ hơn so với tân nhạc, tôi không có âm giọng của miền trong nên khi xưa dù hơi rất tốt, thẩm âm cũng rất tốt tôi cũng không tài nào ca nổi lấy một vài câu. Ngồi đây với một bụng những bản nhỏ, tôi vô tình đánh nhịp song loan tay. Anh bạn HD viên xinh đẹp với nụ cười mỉm, tay với lấy một bông hồng và nghề nghiệp bắt anh ta tặng hoa cho cô gái ca vừa xong. Mồ hôi tôi đổ thành hột. Có triệu chứng của cảm gió. Tiếng ồn ào không phù hợp với không khí dân ca cần sự lắng đọng, tôi không còn hứng thú để nghe. Tuy vậy, tôi cũng xin được cổ vũ cho tinh thần nghệ thuật của tất cả.

 

Sau nghe đàn ca tài tử là đi xuồng ba lá, bước xuống gần như sau cùng, tôi ngồi sát ngay anh bạn chèo xuồng. Hai bên rạch là dừa nước, không phải là mùa mưa nên có lẽ không có vấn đề gì đáng lo ngại. Một vùng quê buồn, nhà cửa chẳng có mấy, thưa thớt. Có lẽ gặp khi có việc gọi nhau cũng không ai nghe. Buồn chết được. Hóa ra cô gái chèo mũi xuồng là vợ anh bạn chèo đuôi xuồng.

- Cả hai vợ chồng cùng làm thế này kiếm được không em?

- Dạ, một ngày bình thường kiếm được ba chục.

Tôi ngắm khuôn mặt hiền khô, người thanh niên hơi gầy. Cô vợ trông cũng còn mướt dữ, chiếc nón lá che không hết ánh nắng chiều chiếu ngang khuôn mặt.

- Em được mấy cháu rồi?

- Dạ hai.

- Đi như vầy ai giữ con?

- Dạ ông bà nội. Thực ra xuồng nhiều quá nên ngồi canh chờ lượt chỉ mình vợ em thôi còn em thì lo làm mướn thêm. Ở đây ai kêu gì làm nấy, không có việc gì là thường xuyên đâu chị. Còn khách đi xuồng thì có hồi nhiều có hồi ít, chèo cả tháng bên công ty họ mới cho lãnh tiền một lần.

- Làm mướn thường em làm gì?

- Dạ nhiều nhứt là đi móc sình, còn không đến mùa thì đi hái nhãn. Dạ ở đây trồng nhãn không hà, đâu có trồng gì khác được. À, còn trồng dừa, bữa nay dừa bán được nên bà con bỏ nhãn trồng qua dừa chứ nếu không nhãn ở đây là nhiều dữ lắm, xuất sang Trung Quốc lận.

 

Đúng rồi, hồi trưa tôi nghe có ai hỏi dừa, đòi uống thứ nước mà ở ngay kế bên xứ sở của kẹo dừa Bến Tre nổi tiếng với giá mười lăm nghìn đồng một trái.

 

Con xuồng cập bến mới, anh bạn chèo xuồng cạy cho mũi xuồng áp sát cây cầu, trước khi bước lên tôi bỏ nhanh vào túi anh ta năm chục ngàn “tặng em về mua bánh cho cháu” “Dạ em xin cám ơn chị”

Tôi không quay lại. Những cây nhãn chưa đến mùa hoa, vẳng đâu đây mùi đất sình mới móc. Con người là thế, muốn chẳng được gặp mà gặp rồi – nghe rồi, biết rồi lại muốn chia tay. Chiếc răng khểnh mới thoáng cười đâu đây. Lòng tôi nhẹ nhõm.

 

*

Đã gần qua hết ngày thứ hai của cuộc hành trình. Tôi biết chẳng ai để ý đến một chút nhỏ nhoi tâm tình của tôi nên tôi mặc sức tung hoành “tư tưởng”. “Nhà vắng xua hồn đi hoang” đằng này “vắng cái nhà nên hồn đi…lung tung” tự cười mình

 

 

và tha hồ quan sát. Vườn nhãn gần như hoang vắng nếu không có gian nhà và những bộ bàn ghế đón khách. Khách cười và chủ nói. Tôi tự mình pha chế trà mật ong, tự mình mời mình và lạc hậu về những câu chuyện. Ai đó pha trò, ai đó thương cảm và ai đó đang tử tế. Người pha trò vì muốn trổ tài hài hước, người thương cảm thì hỏi chuyện sinh nhai, người tử tế thì dọ giá mua…mật ong, sữa ong, phấn ong và…tôi nhức đầu.

 

Tôi nhức đầu thật, trời trưa ngả dần sang chiều. Những vòng sóng không còn lấp lánh sáng trắng, ngọn gió cũng chẳng còn ngọt ngào mơn man như khi lúc mới ra giữa dòng sông. Lòng tôi trùng xuống không còn hào hứng, giá như ngay bây giờ tôi được ngả lưng thì hay biết mấy. Thường là thế, cuối ngày tàn vui. Chia tay với dòng sông, cô gái HD viên khỏe giọng với những lời sau cuối, mời gọi tình cảm của khách vãng lai…biết khi nào mà gặp lại. Anh Thanh, người mà tôi hay gọi đùa là “ông ngoại” còn “sức” còn “tát” hát ân tình với cả một dòng trôi. Ra xe, về Bình Dương con đường đã là trở về. Lòng tôi ai oán “Quơ tay chạm phải nỗi buồn. Quơ tay chạm phải hoang đường …tương tư”. Con người trở về của tôi đã nặng một tâm tình khác. Tôi nghĩ “chẳng ai như mình và cũng chẳng ai nhận ra trong tôi đang chở nặng một tâm tình”. Đồng nghiệp của tôi bảo tôi là kẻ “lãng mạn”, phải thôi. Trong mỗi con người, dù ít hay nhiều cũng đều giữ cho mình một khoảng trống, còn điền gì vào đó thì tự mình nấy biết. Đen tối có, trong sáng có, tội lỗi có và thánh thiện cũng có. Tôi khẳng định: tôi thánh thiện. Bởi “biết yêu người và biết yêu đời” đó là điều mà tất cả mọi con người đều đang cố hướng tới. Tôi yêu người và tôi yêu đời. Lãng mạn là vitamin, lãng mạn là chất xúc tác gây phản ứng mạnh, lãng mạn là “tôi đang bay lên bằng đôi cánh khát khao được sống hết mình”. Nhưng tôi đang chìm xuống, đau đầu thật sự. Chị Hằng mát xa đầu giúp tôi “sao em nhõng nhẽo giữ vậy” tôi nghĩ bụng “thế mới là…em”. Nhưng mà cái “bà” này, chỉ hơn người ta chưa đầy tuổi mà xưng chị ngọt sớt. Cho ăn “nhất” đấy, cứ việc làm chị một cách thoải mái. Tôi từng được khen nhiều hơn chê, chẳng mấy khi bị chê nên cái “cục” kiêu kỳ của tôi cũng rất to. Phạm Điềm, ông bạn thời đi học của tôi bảo “bà sống trong hào quang dữ quá nên bà đâu có thấy được chính bà”. Chấp nhận. Nhưng hào quang ấy là mồ hôi tôi đổ ra, công sức tôi đổ ra, dù không cố ý nhưng nó tự nhiên như thế. Nó bảo tôi, giữa bạn bè mà “bà” đài các quá, “bà” thấy có ai được chiều chuộng được nâng niu như “bà” không? Xin lỗi nha bạn. Khổ quá, được thì tôi yêu hết mình không được thì “không là gì cả”.

 

Sau một giấc chập chờn, tôi mở di động nghe nhạc cho hết sạch sẽ cục pin. Không hiểu sao mà ông xã tôi gọi hoài. Là lo cho tôi…? Kệ! Tối gọi. Những lúc thế này nghĩ ngợi quá xá. May mà Vân đang có nhiều vấn đề cần tôi “tư vấn”, tôi biết cách nói của tôi sẽ khiến Vân cứng rắn hơn khi “ra tay” với ông chồng “bất trị” của mình. Thà thất tình còn hơn là gặp phải một thằng đàn ông không biết yêu (chưa chắc gì nó còn là đàn ông!). Nghĩ như tôi đang nghĩ đúng là “không còn thể thống một nhà mô phạm” vốn đã tạo được nhiều uy tín. Là người rất rất khéo léo, tế nhị…trong ngành sư phạm của huyện tôi về “tâm lý”, mà tôi thì…thất bại dài dài. Không nên đổ lỗi hoàn toàn cho đàn ông, một phần rất lớn của thất bại trong hôn nhân là do chính mình (phụ nữ). Vân đồng ý. Gần đến Đại Nam, anh bạn HD viên trẻ, đẹp trai của tôi ngủ ngon thật (nói “của tôi” vì chỉ tôi nói thế). Tôi biết Thành đang cần tới sự trợ

 

giúp của thuốc và đang cố gắng vượt qua sự mệt mỏi. Định hỏi thăm nhưng thấy không cần thiết, bản thân tôi cũng có ra gì, phải uống tới cả hai viên paradol mới chịu nổi. Không hiểu sao tôi cứ nghĩ vơ vẩn, dù mọi người chẳng ai nhận ra nhưng “tần sóng” tâm tình của tôi đã có người “bắt nhịp”. Cảm xúc của tôi cố không lộ ra nhưng hình như đã bị chặn lại ở đâu đó. Tôi không thể không quan tâm, nhưng tôi chưa tìm ra (điều này tôi chưa hề thất bại bao giờ - đó là linh cảm. Có một người nào đó giống tôi!). Tôi không thích việc giấu cảm xúc của mình và tôi cũng không thích cảm xúc của mình bị người khác phanh phui khi tôi chưa muốn.

Không dưới một lần “Ta lỡ để trái tim mình lỗi nhịp…” và bây giờ đang cố dặn lòng mình “Thôi đừng để trái tim mình lỗi nhịp…”. Trái tim đang đập nhịp khác thường khi phát hiện ra mình cũng là người tiếp nhận được một “thông số lạ” – khó hiểu và phức tạp (tôi đang cố nghĩ: có muôn vàn sự đáng yêu trong những cái vỏ bọc xù xì, thô ráp…và tôi yêu những sự đáng yêu đó). Đấy là sự thật của buổi chiều Đại Nam. Tôi nuốt không nổi một lưng chén cơm. Về phòng nghỉ Vân bảo “tối sinh hoạt xong rồi tắm” tôi không đồng ý. Nếu không làm cho mình sạch sẽ tôi chết ngay lập tức! Vân phì cười và tôi tự thưởng cho mình một ly cà phê gói.

 

Bây giờ thì phải điểm danh thôi. Hôm nay là mùng Tám tháng Ba, ngày của chị em chúng tôi mà. Trong đoàn tham quan lần này: tôi – chức danh phó ban Nữ công. Trên tôi (tuổi): chị Yến, anh Thanh, Hằng, Đình, Lệ, Nhung. Dưới tôi: Chúc, Tươi, Vân, Dân, Quý, Dũng, Thuận, Kiên, Tiến và cả “xếp” Duy nữa. Còn lại: Xuân, Đức là học trò của tôi. Chẳng ai dại mà đụng vào tôi. Tôi và Thuận là thân hơn cả (từ 1990 tới giờ!) hiểu nết nhau như lòng bàn tay, nói làm gì. Bây giờ vẫn thế “ông, bà” với nhau, có việc thì cãi rần trời còn thì tôi buồn vui gì cứ trút vào “ổng” là được. Tôi không cần “đo” cảm xúc của Thuận  dành cho tôi nhưng giữa tình bạn của chúng tôi là những kỷ niệm đẹp. Chỉ có chút đáng trách là cho tới tận trước khi đi chuyến tham quan này “ổng” mới biết tôi sinh ngày 20 tháng 11( Hứ. Không sao. Hắn còn biết tôi hơn hắn một tuổi nhưng hắn bảo “cho dù miểu lớn hơn đình…”.Kệ). Đẹp thì ta cố giữ cho nó đẹp. Nghĩ: cái hồi “ổng” chưa vợ sao mà…nhẹ lắm, chẳng nặng cân như bây giờ, nếu không thế thì làm sao tôi có thể cõng được “ổng” qua sông cơ chứ…Vợ con khá lắm, nuôi tốt lắm. Đúng là cái đồ bụng bự…Dù không là “gì đấy” của nhau thì Thuận cũng không bao giờ cãi là không có gì. Tôi ăn nhất – với hắn. Những người còn lại không ấn tượng, không vướng chút nào để có thể gọi là “bận tâm”.

 

Tần số lạ tôi gặp, không phải là Thuận.

Tối hát karaoke, Thuận tự biết phải ga lăng với mấy bà bạn xinh đẹp. Tôi mắc cười: “phận sự” của “ổng” đấy. Làm không xong là ta trừ điểm đàn ông cho coi. Tốt. Tôi ngồi trong góc, ngẫu nhiên thôi bởi phòng quá chật, sự thật là tôi đang cố hết sức vượt qua chính mình. Tôi nhấn chìm mọi cảm giác. Bia bọt với tôi không thành vấn đề, vả lại giờ này không ai có thể kiểm soát được tôi. Tôi đã cố ý bỏ qua nhưng Thuận thì không. Ngồi cách tôi tới hai người nhưng nâng ly lần nào cũng gọi tên tôi. Cẩn thận đấy, mọi ngóc ngách trong tôi mà thức dậy thì đêm nay sẽ có đàn ông say. Dọa gớm thật. Nếu so tửu lượng tôi với Hằng một chín một mười, sức khỏe tôi không bằng Hằng (do cú đập mạnh xuống lòng đường 2007 – may tôi còn sống). Thôi, bỏ qua sự vụ đó, bây giờ mới là quan trọng. Hôm nay là ngày các bà, các chị “vùng lên” mà, cho phép “hư” một chút cũng không sao. Tổ chức được không khí như hôm nay

 

quả là giỏi, vận động được một trăm phần trăm tình cảm của mọi người. Không phải là do phục vụ, cũng không do công việc “hậu cần”, cũng chẳng vì nghĩa vụ…mà là vì tình cảm thôi. Hay thật, ông anh “bác tài” cũng có mặt, thiếu mỗi Lâm – anh bạn luôn

nhường lời, không tranh vui và rất tế nhị…Không biết vì sao? Ở những cuộc vui hết mình thế này tôi không bao giờ cân nhắc khi ngắm nhìn ai và không cả cân nhắc khi thoải mái với ai. Vui. Hết sức gắn bó, hết sức yêu thương  không một mảy may nghĩ ngợi và quả thật cũng cần một lời bình: “hết sức mô phạm”. Thuận đến ngồi bên tôi. Rất hiểu bạn mình. Ở đây, trước mặt đông người nghe bạn, sự gần gũi cũng cần thiết, rất đáng yêu nhưng…bạn ơi…Tôi ra ngoài hai lần. Tôi đã giải mã được những “thông số” quan trọng, giờ thì tôi biết tại sao tôi lại cảm động như vậy. Cám ơn chuyến đi và cám ơn đêm nay. Tôi hiểu mình. Và tình cảm, cảm xúc của tôi đã giàu có hơn lên rất nhiều. Ngẫm nghĩ câu thơ của chính tôi “mây quang dẫu chẳng tạnh mưa…”. Rõ ràng trời không có mây mà mưa thì không chịu tạnh. Thế là đành phải “phập phồng bong bóng cho vừa lòng ai” …Chao ôi, cái “tháng bảy mưa ngâu ơi. Tôi van nài tạnh đi vài giọt. Trái tim tôi giờ buồn vui gì cũng chật…”. Bây giờ chưa đến tháng bảy nhưng lòng tôi mưa ngâu thì đã sụt sùi. Đã có ai đó trông thấy tôi ủy mị, yếu đuối và đa tình chưa vậy? Chắc là chưa. Tôi thật sự xúc động, nếu ai đó tỉnh táo hơn tôi cho tôi là kẻ khác thường, cho tôi là đồ vớ vẩn gì gì đó thì mặc kệ. Hoặc ai đó biết mà không chịu nhận đó là sự thật thì cũng cứ mặc kệ. Tôi là tôi, nên cảm xúc của tôi luôn luôn là của tôi. Có lẽ vì như vậy nên “Lời của gió” Thuận đề nghị tôi song ca đã bị bỏ qua, bạn thân ơi thông cảm cho tôi vậy.

 

Lòng tôi như mặt đất chờ mưa, chờ cơn mưa thật lòng tưới mát. Chỉ cần bớt đi cái se khô mùa đông, bớt đi sự rát bỏng mùa hạ, mặt đất sẽ tự mình mềm mại. Tự nguyện làm một mặt đất bình thường cho muôn sự sinh sôi, tốt tươi và đẹp đẽ…

Có cần kết thúc không?

 

Đoạn kết

 

Tôi hát hết mình với “Biển nhớ” với “Lệ đá”…đấy là lúc không có ai, chỉ có mấy chị em chúng tôi. Tươi bảo tôi “Chị mà hát rồi…thì… tụi em hát với ai?”. Vô duyên. Tôi biết mình là ai mà. Chỗ đông người cần vui, tôi luôn biết kìm chế và nép mình vào bóng tối.

 

Khuya, Vân nói “Hình như Thuận gọi điện thoại” vui thế thôi. Tôi tội nghiệp vậy sao?

 

Trước khi đi tour miền Tây này, tôi có lời mời của hai tour khác không kể tour tham quan của cơ quan tôi. Một chuyến đi Sài Gòn, với những người bạn thành đạt “Vào đấy mà làm đế vương nhất dạ” tôi không “ok”, lý do: trong số đó có người yêu cũ của tôi và rất nhiều người (bạn) hiếu kỳ muốn xem thử lý do gì chúng tôi đã không chọn nhau…Chuyến thứ hai: Tuy Hòa, diễn đàn “thơ tình miền Trung…” gì gì đấy. Không phải ai khác hiếu kỳ, mà là tôi. Chuyến đi thứ nhất, tôi sẽ vô tư. Chuyến đi thứ hai, tôi cân não. Nhưng với tour miền Tây này, điều tôi không thích nhất vẫn là phụ nữ. Tôi ích kỷ, hẹp hòi, đố kỵ, kênh kiệu…vớ vẩn với phụ nữ. May sao đêm nay lại là đêm của Tám tháng Ba!

 

 

Buổi sáng ở Đại Nam, chúng tôi dậy thật sớm. Tối (cần một lời chúc) ai đó chúc tôi ngủ ngon và tôi đã ngủ không ngon. Suốt đêm chập chờn…quỷ tha ma bắt tôi. Tối qua tôi về trong chuyến xe cuối, tất cả từng người từng nhóm người lặng lẽ, chia tay lúc nào không rõ. Tôi trước khi ngủ đã phải gửi đi một tin nhắn “…Mây quang dẫu chẳng tạnh mưa. Phập phồng bong bóng cho vừa lòng ai”. Vừa lòng ai, ai vừa lòng. Trái tim tôi mấy năm nay lười biếng cuộn mình mà ngủ, nay nó không chịu  nằm yên nữa rồi. Đanh đá chua ngoa như người đàn bà bị cướp mất chồng, tôi đành hanh mắng mỏ trái tim mình. Không được tôi lại quay ra dỗ dành, mơn trớn nó. Thế không phải là tội nghiệp tôi sao? Một MK đa tình, quyến rũ (dẫu biết là không đẹp) một MK lịch lãm, bặt thiệp – một MK ăm ắp tình yêu thương…Và một MK thông minh, nghịch ngợm…Tôi đành sống với một cái xác mấy chục năm về trước của tôi mà an ủi tôi.

 

Tôi trêu ghẹo tất cả những ai có thể trêu ghẹo, tất cả những gì có thể trêu ghẹo. Tôi khiến cho mọi người phải cười ngay từ sáng sớm…Họ, mọi người không biết rằng tôi càng bực bội, khó chịu thì cười lại càng tươi. Không hiểu sao cứ y như o xy đang thừa mứa trong lồng ngực, tôi phải tìm đủ mọi cách để thải nó ra. Một thứ năng lượng thừa vô duyên…

 

Chúng tôi cùng chụp ảnh lưu niệm, tôi không thích cái trò này lắm nhưng cả đoàn cùng chụp, không được để mình thiếu như thế. Giữa mọi người tôi cũng phải có một cái mặt để khoe chứ.

 

Ban đầu tôi đi cùng mọi người, trèo qua “chín bậc sinh thành” tôi nói đùa với Thành như thế khi trèo lên chín bậc đá vào thăm kim điện. Thăm kim điện xong tôi hỏi Thành khi trèo xuống chín bậc nữa Thành nói “chín bậc sinh tử”. Tôi cười “Không, chín bậc yêu thương” chứ. Tôi biết  Thành không rành lắm về một tập tục sống của người miền núi phía Bắc. Nhà ở trên sàn cao và lên sàn xuống sàn ấy phải trèo qua chín bậc…Bước ra hành lang phía sau điện, Thành dắt mọi người đi sâu trong hang động, một thứ hang động giả…nhưng mát. Tôi ngồi lại trên một ghế đá, mặc dù vừa nói với Thành là “Em đưa đi thăm đâu cô theo đi đó”. Cạnh tôi là một bà cụ đang ngồi nghe radio. Gió lung linh khắp chốn, theo đến hang cùng ngõ tận vậy mà chẳng xua đi chút nóng nào của lòng tôi. Bước theo đoàn người lên xe điện tới thăm vườn thú. Khi xuống xe tôi rủ Vân “Uống cà phê đi, tao xem tới con thú 101 rồi, ngán lắm!” Vân cười đồng tình. Đoàn người đã tách khỏi chúng tôi.

 

Đoạn sau cùng thiết nghĩ cũng không cần phải kể, uống cà phê xong tôi và Vân đi bộ khắp nơi, tôi không vui và không chịu đựng được nên cứ để cho lòng mình nát bét ra. Miễn không ai thấy là được. Tôi về đúng giờ cơm…xe lăn bánh và chúng tôi quay về, kết thúc cuộc hành trình…

 

Chuyến đi tôi gặp chính mình, trong một con người khác, trong cái buổi tối mà tôi nói rằng tôi đã giải mã được thông số quan trọng khiến trái tim tôi “đập nhịp khác thường” ấy. Có ai hỏi tôi (ngoài tôi) về điều ấy đâu mà phải “khai báo” thành khẩn cơ chứ. Rồi sẽ qua thôi, tôi đã vượt qua một cách ngoạn mục nhiều “cú” như vậy mà. Tôi quá sớm khi tự hào rằng khó có gì đánh gục được tôi, Thuận đã từng biết tôi như vậy. Nhiều người bạn của tôi đã phải gọi tôi bằng “thằng” vì sự chai đá, lì lợm của tôi. Đã hơn một lần tôi tự hỏi “có ai đó trông thấy tôi ủy mị, yếu đuối và đa tình chưa vậy?”. Có ai đó cần một lời giải thích của tôi chưa? Chưa, vậy nên…im lặng.

 

Một chuyến đi lưu lại trong tôi lâu nhất có lẽ là ánh mắt cười lấp lánh của buổi sáng sớm ở chợ nổi Cái Răng, nụ cười khấp khểnh của chùa Dơi – Sóc Trăng, sự tươi mát của buổi sáng Đại Nam khi trèo lên – bước xuống “chín bậc sinh thành, chín bậc yêu thương” và cuối cùng là âm giọng nam trung ấm áp, nhẹ nhàng len lỏi trong từng mao mạch…đến không biết cách nào quên.

 

 

Bây giờ

 

Lòng tôi như mặt đất chờ mưa, chờ cơn mưa thật lòng tưới mát. Chỉ cần bớt đi cái se khô mùa đông, bớt đi sự rát bỏng mùa hạ, mặt đất sẽ tự mình mềm mại. Tự nguyện làm một mặt đất bình thường cho muôn sự sinh sôi, tốt tươi và đẹp đẽ…

 

*

 

Ta cần một đoạn kết ư? Cuộc đời làm gì có đoạn kết kia chứ. Chỉ có hết và còn, còn và hết. Với tôi không có kết thúc. Ngày mai tôi từ chối chuyến đi Sài Gòn, không cần phải quay về dĩ vãng như vậy. Tôi thích làm toán cộng với tương lai, tôi thích những con người mới, tình yêu luôn mới và tình tôi luôn mới. Tôi thích cười tươi với ngày mai…Như thế tốt hơn với tôi.

 

14/3/2011

Minh Khanh
Số lần đọc: 1299
Ngày đăng: 06.01.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Riêng Trong Riêng - Tiêu Đình
Nạp Phi - Huỳnh Văn Úc
Sài Gòn Sài Gòn - Lê Nguyệt Minh
Ô long triều bát hướng - Trần Hạ Tháp
Ngày Ấy Chưa Xa - Ngô Văn Cư
Đường Chỉ Tay - Võ Xuân Phương
Với những người đi tìm chân lý - Vũ Ngọc Anh
Dưới Dàn Bông Huỳnh Anh - Nguyễn Đức Thiện
Món Quà Vô Giá - Nguyễn Thị Hải Hà
Âm Thanh Và Tinh Thần Giáng Sinh - Nguyễn Thị Hải Hà
Cùng một tác giả