Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.313 tác phẩm
2.745 tác giả
444
115.866.937
 
Rất nhiều điều về Tiểu-thuyết-Đặng-Thân
Đỗ Quyên

(Thử bình điểm cuốn sách 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần]

của Đặng Thân - Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội 2011) #


“Có văn có ích, có văn chơi”

TẢN ĐÀ


@0

Thiển nghĩ, đây là một tác phẩm văn học, khó và cần; với cái mới và cái lạ nổi rõ, cái hay khi hiện khi ẩn không dễ chỉ ra; cái chưa hay cũng vậy. Tôi đọc từ đầu năm 2009, thi thoảng đáo qua; đọc chậm 4 tháng nay từ khi được tin sách đang in. Mà chưa (và có thể sẽ không) thấu. Vậy, xin viết theo cách tản mạn và bổ sung mỗi khi gặp dịp.#

 

@1

Kể từ sau cuốn sách 3.3.3.9 này, chúng tôi đề nghị một khái niệm là tiểu-thuyết-Đặng-Thân trong sáng tác và học thuật của tiếng Việt.

 

Gần như về mọi mặt: thể loại và phong cách, ngôn ngữ và giọng điệu, cấu trúc và chất liệu, nhân vật và cốt truyện, cảm xúc và chất liệu, v.v… Và trên hầu khắp các lĩnh vực liên quan đến chữ nghĩa: từ văn chương tới văn hóa, từ xã hội đến in ấn, từ văn học sử tới trào lưu nghệ thuật, từ tác giả đến độc giả, từ phàm tục tới triết luận, từ đạo đức đến nữ quyền, từ tư duy tới hành động, v.v… Hai câu hỏi sinh tử và kinh điển trong lý thuyết văn học – “Văn học là gì?”, “Văn học để làm gì?” cùng chuỗi các quan hệ dây chuyền (xã hội và văn học, hiện thực/hư cấu và văn học, hình thức và nội dung, cá biệt và điển hình, dân tộc tính và toàn cầu tính…) – và nhiều nan đề trong lao động nhà văn cũng có dịp được tái thẩm định, với tiểu-thuyết-Đặng-Thân.

 

Nhưng – chữ “nhưng” đầu mối – Đặng Thân không phải là nhà văn tạo nên các điều đó như một cá nhân. Thời đại công nghệ liên mạng đã mạng hóa toàn nhân loại, và đang hóa thân vào xã hội và văn học Việt Nam tại một nhân mạng tiêu biểu mang tên Đặng Thân. Lại trở về điều sinh tử và kinh điển khác: quan hệ Nhà văn và Thời đại. Không! Phải nói là Thời đại và Nhà văn mới đúng với Đặng Thân, Thời đại và Tác phẩm mới hợp với 3.3.3.9.

 

@2

Cho tới nay, trong tất cả các cái-gọi-là trào lưu/trường phái văn nghệ, dường như hậu hiện đại gây tranh cãi khốc liệt hơn cả; vì đó… không phải là trào lưu/trường phái! Một trào lưu/trường phái ra đời là để thay thế, phủ định, phát triển, hoàn thiện trào lưu/trường phái thuộc về hệ mỹ học và tư tưởng đã qua về thời gian và một phần không gian nào đó. Các chữ “cách tân”, “cách mạng” thường dùng những khi có các thay thế, phủ định, phát triển, hoàn thiện trong dòng chảy liên tục của văn nghệ thế giới. Hậu hiện đại không như thế: phủ định (một số phần), khai triển, biến dạng thì có; nhưng nó chẳng thay thế cái gì khác. Vì không cái gì giống nó, xét về chủng loại, giống loài. Vì trong nó ẩn hiện những yếu tố của tất cả các trào lưu/trường phái đã có và chưa có để phát lộ khi gặp điều kiện. Các sắc thái của nó, từ thuở ban sơ của văn minh loài người – có người Việt trong đó! – ẩn náu trong văn hóa và xã hội, âm ỉ từ các thập niên 20-30 và bùng lên cả về lý thuyết lẫn thực hành vào những thập niên 60-80 của thế kỷ trước ở xã hội và nhất là văn học nghệ thuật trong một số nước tiên tiến châu Âu (khởi đầu là Pháp) và Hoa Kỳ; và hai thập niên gần đây ở nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Trong vấn nạn hậu hiện đại, chính tên gọi đã là một trong các lý do của những tranh cãi triền miên và nhuốm màu luận chiến#. Chỉ riêng việc gọi tên một sáng tác nào đó thuộc về hoặc mang màu sắc hậu hiện đại hay không đã làm nhiễu tạo loạn không ít các trang báo, các cuộc hội thảo#.

 

Nhưng, với 3.3.3.9, tranh luận về danh xưng chắc sẽ không xảy ra, còn ở nội hàm hẳn sẽ có. Hậu hiện đại mà! Lại là hậu hiện đại theo kiểu Đặng Thân đã nổi lên trong văn học Việt gần mươi năm qua ở truyện ngắn, thơ và tiểu luận - phê bình, từ trong ra ngoài nước, cả trong dòng chính ra tới bờ lề…

 

@3

Phụ đề nêu trên gọi tác phẩm này là “cuốn sách”, đúng như tác giả đã định hướng#. Không rõ khi in thành sách thì sao, chứ trong bản thảo 3.3.3.9, ở những trang thông lệ – kể cả bìa 1 nơi các tác giả hay các nhà xuất bản phải nêu thể loại – không có các chữ “tiểu thuyết”.

 

Nếu như mỗi bài thơ – dù thơ cổ điển – là một định nghĩa thơ, thì có thể nói mỗi tiểu thuyết trong cách viết hậu hiện đại là một định nghĩa tiểu thuyết. (Thơ hậu hiện đại là hai lần định nghĩa về thơ; nhưng đó là chuyện khác, ta đang nói về tiểu thuyết, lại là tiểu-thuyết-Đặng-Thân!) Cùng một số sáng tác dài hơi hậu hiện đại của các tác giả khác trong thập niên năm qua#, quả cân nặng ký nhất từ “trên trời” chính thức ra mắt bằng ấn bản “dưới đất” mang tên 3.3.3.9 đã trình bày một quan niệm khác, một ý niệm lạ trong thể loại tiểu thuyết ở Việt Nam, và có thể cũng trên thế giới. Chúng tôi nghĩ rằng, khái niệm tiểu-thuyết-Đặng-Thân, qua cuốn sách này, có giá trị lớn nhất là thế. Một cuộc cách tân hoàn toàn về nghệ thuật viết và đọc tiểu thuyết Việt Nam đã được hiển lộ đàng hoàng trên văn đàn qua 3.3.3.9!

 

Nhưng, cuộc cách mạng của 3.3.3.9 không đ/(th)ể tranh giành “quyền lực”#. Ngay cả nếu được dư luận xã hội và văn giới thực sự quan tâm, nó mãi mãi có vị thế đồng hành bên lề, mang tinh thần phản biện và tư cách đối trọng. Ý nghĩa hiện thực của 3.3.3.9 với văn đàn là thế. Giá trị lãng mạn của nó: đang và sẽ làm phần dưới (đất) của không ít các sáng tạo hậu hiện đại, và cả không hậu hiện đại, còn và mãi còn treo trên giời. Đó cũng là đặc tính của sinh hoạt văn nghệ hậu hiện đại: không nhất thiết tất cả những gì đã viết ra thì phải in lại trên “mặt đất”. Hơn bao giờ hết, kỹ thuật công nghệ đa chiều đã làm quan hệ ba chiều Thiên - Địa - Nhân trở nên hài hòa hơn, nhân tính hơn. Về mặt này, xã hội phương Đông hưởng lợi nhiều hơn bên phía Tây (luôn luôn “không có gì lạ”!), do việc coi Người giữa Đất - Trời trọng hơn Người giữa Người.

Đặng Thân, kẻ biết dùng hết nội lực của liên mạng vào văn học – cái “văn học là nhân học”!

 

@4

Cầm cuốn sách trên tay – cũng những con tự đã và đang trên mạng – những ai nặng lòng trong việc viết và nhất là việc in ấn, xuất bản Việt Nam không khỏi mừng vui mà tự hình dung những vất vả khó tránh với tác giả và các nhà biên tập. Khi hay tin cuốn sách đã in xong, tôi lặng đi hồi lâu. Vui cho tác giả, một. Mừng cho văn chương Việt, bội phần. Với bất cứ nền văn học nào, khi một tác phẩm “khó” – chỉ tạm nói về nghệ thuật văn chương – được ra đời, người đọc chịu ơn tác giả 7 phần, còn dành 3 phần cho “bà đỡ” – các biên tập viên. Những câu chúc tụng sách mới ra lò cho các đồng nghiệp từng đầy mười ngón tay, nay chạy ra lại thụt vào. Không chịu rơi xuống phủ lên các con chữ đang chờ nơi bàn phím, như đã từng với nhiều cuốn sách khác. Cuối cùng là những hàng chữ đến lúc này cũng chưa hài lòng: Chúc mừng cuộc hôn phối đẹp duyên và chính thức của văn học Việt Nam, của xuất bản sách Việt Nam với dòng văn chương hậu hiện đại của Việt Nam và thế giới!

 

Tôi vụng, đành nói đại nói dài vậy. Mời đọc bài giới thiệu từ nhà văn - nhà biên tập Đà Linh; sáng và gọn: “Một niềm vui văn học mới”# – ở đó có tóm tắt cơ cấu cuốn sách theo 5 nhân vật# với 5 cốt truyện đồng thời, độc lập và xuyên suốt; và liệt kê cả tá đề tài liên hệ của cuốn sách#. Với các độc giả không có nhiều thời gian, không thích triết lý, ngại kiến thức và quen với tiểu thuyết “bình thường”, thì chỉ cần đọc 2 mạch truyện của Mộng Hường và của Schditt với cốt truyện, nhân vật, câu chuyện kể có mở có kết trọn vẹn.

 

@5

Lời bạt#, với câu “Đặng Thân là điển hình của văn chương hậu-Đổi mới” cùng bài giới thiệu mang tựa đề “Cuộc chạy tiếp sức lịch sử (Đặng Thân nhìn từ Nguyễn Huy Thiệp)”# với câu “Nói từ Nguyễn Huy Thiệp đến Đặng Thân là nói từ (chủ nghĩa) hiện đại đến hậu hiện đại”, của nhà lý luận - phê bình Đỗ Lai Thúy mang ý nghĩa “bắt vít đóng đinh” 3.3.3.9 và tác giả của nó lên bảng giá trị của văn học Việt Nam đương đại. Lúc này và trong thời gian tới, chúng tôi không nghĩ đa số giới phê bình và nghiên cứu chịu làm đồng tác giả cùng Đỗ Lai Thúy. Lý do bất đồng không hẳn ở nội dung sắc bén, mà ở tinh thần cổ xúy.

 

Phần chúng tôi, đồng ý về nội dung và tinh thần trong cả hai bài và xin bàn lại vài tiểu tiết về hậu hiện đại; tức là làm tơi ra cho rôm rả mà không hòng kết quả! Bởi cái-gọi-là-chủ-nghĩa/phương-pháp/tinh-thần/tâm-thức/triết-học hậu hiện đại luôn chỉ là những con đường; không là thành Rome. (Xin xem chú thích 39)

 

@6

Hai năm trước, khi làm quen 3.3.3.9, chúng tôi phóng “chuột” rằng, liệu đây là Con Voi hay Con Hổ của tiểu thuyết Việt Nam hậu hiện đại? Ngó nhanh hình thức thể hiện và chủ điểm đã thấy đích thị Con Voi rồi. Nay, hiểu thêm nội dung và phong cách, cho được gọi nó cũng là Con Hổ. Có nhiều thứ hổ: cọp, hùm, ông ba mươi, mèo lớn cho đến hổ đá, hổ giấy! Hy vọng các bài nhận xét, phê bình dịp này dần dần cho thấy 3.3.3.9 là hổ nào.

 

Trường bút và văn phong ở 3.3.3.9 cho thấy thể loại tiểu thuyết mới kham nổi con ngựa bất kham họ Đặng tên Thân. May ra có Từ điển thi x/x loại [chúng sinh] sánh được. Truyện ngắn trong Ma Net như là các bài tập nhỏ cho 3.3.3.9. Dùng lại cách nói khác, Đặng Thân viết tiểu thuyết là “lấy tất cả mình ra làm… diễn đàn”#!

 

Về cơ cấu hình thức và cấu trúc nghệ thuật: 3.3.3.9 hậu hiện đại ở nội thất, mà vẫn hiện đại và tiền hiện đại ở mặt tiền cổng vườn ngõ hậu. Và cổ điển, lãng mạn, hiện thực rải rác khắp nơi. Rõ nhất ở cái kết có hậu của cuộc tình long đong sôi sục rất theo luật trời lệ đời của Mộng Hường. Tức là dù biến hóa kết cấu, vặn vẹo ngôn ngữ, xoay chiều tư duy, cuốn sách vẫn vẹn toàn đầu-mình-tứ chi; rất chuẩn kiểu chương hồi kiếm hiệp lâm ly, phơi-tông nhiều kỳ bài bản thậm chí còn có nhiều hình hài dôi ra. Như người có cái đuôi, cuốn sách này có phần Lời bàn [phím…] của các netizen. Rồi bao nhiêu nữa những “ngón tay thứ sáu”, “ngón chân thứ sáu”, “ruột thừa”, “cục thịt dư”… trong thi thể 3.3.3.9! Nói theo lý luận văn học, Đặng Thân kết hợp hai phạm trù hình thức và nội dung khi kết cấu một tác phẩm hậu hiện đại. Đây là điểm son ít tác giả hậu hiện đại khác làm được. Kết cấu truyền thống (tự sự theo thời gian một chiều, thứ tự trước sau) và kết cấu nghệ thuật (không - thời gian quay đảo, đồng hiện) không còn mâu thuẫn nhau như trong sáng tác hiện đại và tiền hiện đại. Một thú vị nữa, văn bản 3.3.3.9 trộn tạp nhiều hình thức ngôn tự với hai dạng chính là văn chương (kể cả văn vần) và báo chí; nhưng có những khoảng trống, khoảng trắng giữa các thành phần hoàn toàn độc lập. Dùng cách nói của René Char về cấu trúc một bài thơ, thì 3.3.3.9 như là các tiểu khúc “quần đảo”#.

 

Vẻ ngoài, cấu trúc truyện thì hậu hiện đại hoa mắt ù tai, dễ làm độc giả bình dân nản lòng; nhất là các bác các cụ không quen “dùng meo leo nét lích linh”. Tuy nhiên, nếu bác nào cụ nào bập vào một mạch nhỏ mà mê, sẽ nhận ra: kiểu dàn binh bố trận của 3.3.3.9 vẫn lấy cách kể tuyến tính làm trọng. Các trường đoạn xen ngang sặc mùi xếch-xì hay rậm rì tư liệu về du lịch, Kinh Dịch, khoa học… có thể bỏ qua không cần ngoái lại#. Nội dung phụ của 3.3.3.9, song hành cùng các câu chuyện của 2-3 nhân vật tạm gọi là chính, là các vấn đề thời thượng và bổ ích cho những ai ham học hỏi mà lười đọc sách báo. Các ngoại đề của 3.3.3.9 như bách khoa toàn thư, như thư viện các bài báo về 1001 chủ đề của Việt Nam và thế giới cổ kim.

 

3.3.3.9 rất có hơi văn khí truyện – nhận dạng đầu tiên cho sức thu hút của một tiểu thuyết. Hơi thì quá nồng, khí thì thậm đậm. Nhưng có thế mới là con đẻ của Đặng Thân. Ai thích, nghiện. Ai ghét, liệng.

 

Riêng về cấu tứ, không biết trong văn chương thế giới có tác phẩm nào tương tự 3.3.3.9? Hình như không. Dù thế nào, với 3.3.3.9 văn học Việt vẫn có thêm một ấn phẩm đáng giá mang ra trường quốc tế. Bề kích – chứ không phải dung lượng – của các sáng tác bằng tiếng Việt đang thực sự trang sang với 3.3.3.9!

 

Về độ “khủng” – Con Voi – trong cấu tứ truyện, rất có thể 3.3.3.9 là tác phẩm đầu tiên của văn đàn Việt Nam. Nam tiến, và về phía cực tiểu: nhà văn Nhật Chiêu với tập truyện tuyệt ngắn Lời tiên tri của giọt sương – ra cùng dịp và cũng từ lò Nhà xuất bản Hội Nhà văn với cực đại 3.3.3.9 ngoài Bắc – chắc hẳn là Cái Kiến của văn xuôi Việt Nam xưa nay#?

 

Đây là “nghệ thuật sắp đặt” Tạo hóa dành cho văn học Việt Nam thông qua nhánh văn học hậu hiện đại Việt Nam, hay là chủ ý tinh tường của Nhà xuất bản Hội Nhà văn?

 

Kể trên là về thi pháp học hình thức, 3.3.3.9 mang chất hậu hiện đại ngồn ngột và ngùn ngụt. Còn về thi pháp tư duy nghệ thuật, tiểu-thuyết-Đặng-Thân lại thuộc về các khuynh hướng hiện đại và các hình thái trước đó, trong ý niệm căn bản về Con người nghệ thuật, về Không - Thời gian nghệ thuật, và cả về hình tượng nghệ thuật của Tác giả. Những biến tướng, cách làm lạ, sự đảo lệch với nguyên mẫu của 3.3.3.9 không đòi hỏi độ ẩn dụ mà là thăng hoa từ nghệ thuật mô phỏng của thi pháp kinh điển Platon - Aristote. Thực chất, 3.3.3.9 dễ đọc nhờ thế, sau khi gọt đi bóc hết các lớp ngoài thủ pháp hậu hiện đại#. Hình tượng nhân vật hậu hiện đại trong tiểu-thuyết-Đặng-Thân được dựng theo lối ám chỉ của phương pháp truyền thống và hành văn tự truyện, trong khi tiểu thuyết hiện đại dùng ẩn dụ để nghệ thuật hóa hiện thực.

 

Cốt lõi dễ thấy: Nội dung của tiểu-thuyết-Đặng-Thân có thể kể-lại-được; nhất là hai mạch chính về Mộng Hường và Schditt. Hư cấu lẫn phi hư cấu, 3.3.3.9 có hàng trăm lớp lang, nhưng bóc đi gọt ra cùi vỏ, cuối cùng độc giả sẽ gặp nhân – đúng ra là vài cái nhân – của tác phẩm. Tính phi hậu hiện đại này ở văn xuôi Đặng Thân không giống với không ít tác giả văn xuôi hậu hiện đại khác có sáng tác – mang chất thơ, đối tượng bất định – như củ hành: bóc mãi, bóc mãi chả thấy gì ngoài cái… cay mắt#; hay mang kịch tính, đối tượng đồng dạng – như con búp bê gỗ Matrioska: mở con này lại ra một con khác, nhỏ hơn.

 

Đấy là nét quảng đại quan trọng nhất không bị các yếu tố hậu hiện đại phá hủy ở tiểu thuyết 3.3.3.9. Trong khi đó, tính không-kể-lại-được mà phong trào tiểu thuyết dòng ý thức đã từng đẩy đến cao độ hiện nay vẫn còn là phong cách ở không ít sáng tác có tinh thần (hậu) hiện đại ở Việt Nam và trên thế giới. Việc không dùng cách viết dòng ý thức ở 3.3.3.9, có lẽ bởi hai lý do: Nhờ thế tác giả mới cầm gậy chỉ huy được “bản giao hưởng”; Và, cái duy lý ở tiểu thuyết lấy tư liệu, thông tin như nguồn sống không hợp với cái duy cảm mà dòng ý thức chọn làm máu thịt#. (Xin xem tiếp @9)

 

@7

Thể loại là một trong các phá vỡ thậm tệ nhất về văn bản của cái-gọi-là hậu hiện đại.

Sẽ “hoài hơi mà đấm bị bông” khi cứ khăng khăng đòi phân loại ra môn ra khoai các sáng tác hậu hiện đại. Ở @3 chúng tôi đã tán đồng việc tác giả “ứ chịu” gọi thẳng cái này là “tiểu thuyết” trên bìa 1 (như ba năm trước từng không thắc mắc nửa lời, khi nhận từ tay tác giả tập truyện ngắn Ma Net – Nxb Văn học 2008 – cũng chẳng có gì gợi nhắc về thể loại trên tất cả các trang-bìa cần có). Đong đưa thế thôi chứ cái của (nợ!) này đúng là thể tiểu thuyết, theo cách hiểu thông thường nhất mà @6 đã phần nào chỉ ra.

 

Nhưng – một chữ “nhưng” đầu mối nữa! – nó là loại tiểu thuyết gì? Tìm hiểu này sẽ đưa tới nhiều hệ quả đẹp, trong đó có việc xác định giá trị mở lối thông đường của 3.3.3.9 trên lộ trình văn học Việt Nam đương đại, mà nhất là văn học hậu hiện đại Việt Nam.

 

Khó có một cách gọi “chuẩn không cần chỉnh” cho loại tiểu thuyết của 3.3.3.9. Lúc này tốt nhất cứ tạm gọi theo một tiêu chí thi pháp hay thể tài nào đó.

 

Chính tác giả Đặng Thân, về giọng điệu có lúc coi đây là “tiểu thuyết phúng dụ”. Nhà văn Nguyễn Quang Lập, nhìn cấu trúc, thấy “nó vừa giống ‘tiểu thuyết tư liệu’ vừa không”#. Được biết với nhà thơ - dịch giả Dương Tường thì là “phi thể loại”, với nhà lý luận Trần Ngọc Vương: “tiểu thuyết của học giả”. Các mũ đàn hồi quen thuộc khác như “siêu tiểu thuyết”, “tiểu thuyết thử nghiệm”, “tiểu thuyết mở”, “tiểu thuyết trong tiểu thuyết”, “tiểu thuyết đa sự-thế sự”, “tiểu thuyết tư duy”… cũng thật tiện khi nhiều người đang đội lên đầu 3.3.3.9.

 

Xung quanh cái siêu, độ thử nghiệm và tính mở, đã có những bài vở, ý kiến, đáng kể là hai bài át chủ nói trên và các lời bình của dịch giả Nguyễn Hồng Nhung, nhà thơ - nhà phê bình Nguyễn Đức Tùng, một nhóm các nhà chuyên môn#, nhà văn Thủy Hướng Dương#… và tất nhiên không ít các nhận xét búa bổ từ Lời bàn [phím…] của các netizen#. Về tính mở của 3.3.3.9 có thể nói thêm hai điều: Một, với bất cứ chương, đoạn nào – trừ vài chi tiết quyết định số phận nhân vật cụ thể là Schditt và Mộng Hường (à, cả nhân vật Đặng Thân nữa!) tác giả đều có thể viết-thêm-vào, bỏ-bớt-ra mà hầu như không ảnh hưởng hiệu quả nghệ thuật chung; Hai, khả năng để nội dung tác phẩm được độc giả tự mở rộng – một yêu cầu của hậu hiện đại – là rất cao!

 

Xét về chiều kích và độ đa tạp đề tài, tôi hay gọi đùa: 3.3.3.9tiểu thuyết khủ (ù)ng. Nay có kiểu gọi khác, ra dáng toán học: tiểu thuyết cực đại. Và gợi ý vài tên nữa: tiểu thuyết tìm kiếm, tiểu thuyết đa dạng, và cũng có thể dùng – tất nhiên về hình thức – cách gọi của M. Bakhtin: tiểu thuyết đa thanh/tiểu thuyết phức điệu#.  

 

Trở lại tên gọi “tiểu thuyết phúng dụ” (mang ý: hài hước, u-mặc, châm biếm, hoạt kê, giễu nhại, hóm hỉnh, trào lộng, trào phúng, khôi hài, giễu cợt, v.v…).

 

Người Việt nổi tiếng “nói nhanh, đi chậm, hay cười”, nhưng mà cười bằng… miệng. Chứ cười bằng chữ thì thua xa thiên hạ. Đó là một điểm yếu của văn học Việt Nam, không ai không nhận ra! Danh sách tác giả thành danh của dòng tiểu thuyết này trong văn học Việt Nam, từ nam chí bắc, từ ngày khai thiên lập địa tới nay chắc chưa vượt quá mười đầu ngón tay: Vũ Trọng Phụng, Đồ Phồn, Vũ Bão, Hồ Anh Thái, Lê Tự, Nguyễn Việt Hà, Đỗ Minh Tuấn… và nay thêm Đặng Thân#.

Nếu như tiểu thuyết là trận chiến bằng tư tưởng nhân văn và hình tượng ngôn ngữ, làm phản tỉnh xã hội và thế giới, thì tiểu thuyết phúng dụ/hoạt kê là cuộc chiến không cần vũ khí sát thương. Tiếng cười chẳng làm chết người, lại có thể phục sinh con người và cải tạo thế giới một cách hòa bình nhất. Pho tiểu thuyết đầu tiên của châu Âu và cũng là một trong vài tác phẩm vĩ đại nhất, sống lâu nhất của nhân loại – Đôn Kihôtê – đã lấy tiếng cười làm thi pháp nghệ thuật.

Dân tộc Việt có truyền thống “sống tốt” trong các cuộc chiến dựng nước và giữ nước, nhưng lịch sử cho thấy chúng ta “sống tồi” trong thời bình. Biết bao nhiêu nguyên do, trong đó chẳng lẽ không phải là vì công-nghiệp-văn-học-Việt thiếu vắng các máy-cái-tiểu-thuyết lấy tiếng cười là chủ điệu? Tác phẩm truyện thơ như một tiểu thuyết Việt vĩ đại nhất cho tới nay là Truyện Kiều có thể xem như vắng chất hài hước, thiếu điệu cười có tác dụng thay đổi, vượt thắng cái bi kịch#. Thật tiếc: Ngôn ngữ bác học và chính thống của chúng ta đã không ngang tầm với văn hóa dân gian và văn hóa thiền ở cái sự cười#!  

 

Được tôn cao đào sâu ở tiểu-thuyết-Đặng-Thân, chất hài trong văn chương Đặng Thân đến từ khá nhiều yếu tố mà giễu nhại hậu hiện đại là nét chủ. Mong sẽ có nhiều nghiên cứu, phê bình về đặc điểm nghệ thuật này của tác giả 3.3.3.9 trong cao vọng chuyển dạng cải hình cho tiểu thuyết Việt Nam, như GS Phong Lê vừa xướng lên tháng trước tại Hội thảo về cuốn “tiểu thuyết biếm họa” của nhà văn Đỗ Minh Tuấn#. Trên chiếc bàn thạch ba chân là SBC là săn bắt chuột, Thần thánh và bươm bướm 3.3.3.9, cỗ máy cái tiểu thuyết Việt Nam năm 2011 đang “khởi động bằng tiếng cười” cho thập niên thứ hai của thế kỷ 21. V à còn nhiều thập niên sau nữa…

 

Chúng tôi muốn có một gợi ý về cách-nói-trạng, động-thái-cuội của dân gian Việt đã được 3.3.3.9 sử dụng tối đa và hậu hiện đại hóa kỳ cùng. “Quốc hồn quốc túy” đấy! Vũ Trọng Phụng là tác giả đã hiện đại cách-nói-trạng, động-thái-cuội Việt một cách điển hình và quái kiệt trong tiểu thuyết, phóng sự. Tự Lực Văn Đoàn có một hệ hình trạng-cuội rất hiệu quả, và chia đều ở rất nhiều bỉnh bút mà không tác giả nào tạo danh. Phải mất gần nửa thế kỷ sau, một tác giả đương đại là Trần Đăng Khoa, và vài năm mới đây thêm Nguyễn Quang Lập, đã thành tựu ở ký, chân dung, tản văn chính là nhờ giọng-hài-trạng, điệu-tiếu-cuội. Lượng-thông-tin của nghệ thuật Trần Đăng Khoa, nhất là của nghệ thuật Nguyễn Quang Lập, không có trọng lượng thông tin. Nhị vị “thành thần” là do thuật kể mẹo dẫn, trên hết cả là phong thái tự tin chân quê, là tình đắm đuối văn nghệ trong sự thẩm văn độc đáo. Văn chương Đặng Thân có hậu ý triết luận, tình chữ nghĩa tưng tửng, thẩm văn quái lạ, còn trong ý nghĩa thông tin cũng gần như vậy. Nếu không nhờ dòng-máu-phóng-dụ chảy từ đỉnh tóc đến gót chân, thì thân thể 3.3.3.9 chắc chỉ hơn tự điển wikipedia.org đôi chút#!

 

@8

3.3.3.9 là một sáng tác có ý đồ văn chương rõ, chức năng thẩm mỹ chắc, độ mỹ văn sắc. Những gì, về hình thức, ngoài văn học (triết thuyết, lịch sử, tôn giáo, du lịch, khoa học…) đã được khu biệt sáng sủa về tư duy và bắt mắt về trình bày, nhằm hỗ trợ cho đích văn học. Khó có thể coi 3.3.3.9 thuộc vào kiểu loại cận-văn-học, hay là văn học mang tính báo chí, hoặc văn học đại chúng, phản-văn-học, v.v…#.

 

Gọi đấy là “tiểu thuyết đa văn bản” là chuẩn nhất về văn bản. Với mỗi loại văn bản, tác giả có ngôn ngữ trần thuật khác, bút pháp diễn đạt khác, nhất là điểm nhìn nghệ thuật khác nhưng cùng hướng về một quan niệm về thế giới và con người. Kết cục cái Thiện vẫn còn lại trong mỗi người, người Việt hay người Đức, với thế giới này với nước Việt này luôn phải chao đảo – thông điệp nhân bản quen thuộc đó chính là ngọn hải đăng; nhưng của riêng tác giả. Nó không hẳn lóe lên sau mỗi chương đoạn, khiến độc giả dễ chới với trong đại dương chữ 3.3.3.9. Khác với sáng tác hiện đại, sáng tác hậu hiện đại không nêu ra trực tiếp các câu hỏi của xã hội, của lịch sử; mà là các vấn nạn của nghệ thuật. Với 668 trang sách, phải nói là tác giả đã quăng bạn đọc lên bờ quật độc giả xuống ruộng, với nhiều loại văn bản khác loại trên nhiều chủ điểm xa cách.

 

@9

Nhiều mặt đối lập với tiểu thuyết truyền thống mà không là phản-tiểu-thuyết, tiểu thuyết hậu hiện đại theo kiểu Đặng Thân 3.3.3.9 cũng tỏ ra ngược với các loại “tiểu thuyết dòng ý thức”, “tiểu thuyết mới” là những gì thuộc vào các trường phái văn học mạnh và lớn, sinh ra nhiều kiệt tác và tác gia khổng lồ, nổi lên từ thập niên 20 ở Anh, sau tới Mỹ, Trung Hoa, Nhật, làm mưa làm gió ở Pháp, Đức trong các thập niên 50-60 thế kỷ trước, ảnh hưởng tới các nhà văn miền Nam Việt Nam trước 1975 và còn nhiều dư âm – dù không cực đoan như xưa – tới tận bây giờ ở Việt Nam, cả trong và ngoài nước.

 

Với tiểu-thuyết-Đặng-Thân: Độc thoại nội tâm thuần túy là xa xỉ; Chống đồ vật là rất rách việc; Tiềm thức ư, có mà dỗi hơi; Giải trung tâm nên giải tán luôn trung tâm ý thức; Hợp lý và khoa học là tư chất của tác giả 3.3.3.9. Phi logic là phi-Đặng-Thân#; Có chủ đề: không phải một mà 101; Có cốt chuyện, không chỉ một mà 5; Có nhân vật: 101 mạng chính phụ; Phi văn phong bất thành Đặng Thân; Tình tiết, sự kiện đẻ ra 3.3.3.9; Bảo vệ đến cùng thời gian - không gian vật lý; Thế giới quan của “bọ” là phải có luận tưởng cụ thể, mời “chú” hiện tượng bề mặt đi chỗ khác chơi; Ngôn ngữ “dòng ý thức” (lệch ngữ pháp, loạn ý tứ, không viết hoa, chẳng chấm phảy…) không có đất sống; Cuối cùng, pha trộn thể loại thơ-văn xuôi, tùy bút-tự sự cũng là các trò xa lạ: ở đây thơ là thơ, văn là văn, hòa vào nhau nhưng không tan trong nhau.

 

@10

Trong văn xuôi, rõ nhất ở tiểu thuyết, từ văn bản đến xuất bản, xét cho cùng, tùy quốc gia/dân tộc và văn hóa bản địa, người viết phải vượt qua ba cửa ải ta-bu (cấm/kiêng kỵ): Cửa ải chính quyền/thể chế (các ta-bu chính trị, thời cuộc); Cửa ải xã hội (ta-bu văn hóa, phong tục); Cửa ải độc giả (ta-bu văn chương, ngôn ngữ). Và nhà văn, cũng xét cho cùng, phải có giấy thông hành mà Đất Trời bác mẹ sinh thành ban cho để đi qua ba cửa đó: cái Tâm, cái Tình và cái Tài. Lịch sử văn học Việt Nam và thế giới cổ kim có không biết bao nhiêu tác giả và tác phẩm minh họa cho tam giác nói trên. Ta: Ba người khác và Tô Hoài, Thời của thánh thần và Hoàng Minh Tường, Chuyện kể năm 2000 và Bùi Ngọc Tấn; v.v.. và v.v… Tây: Lolita và V. Nabokov; Những vần thơ của quỷ Satan và S. Rushdie; Một ngày của Ivan Denisovich và A. Solzenisyn; v.v.. và v.v…

 

Các cửa số 1 và số 2 tưởng khó vượt, bởi đụng tới sinh mạng và danh dự của tác giả và tác phẩm, nhưng nếu Đất Trời bác mẹ ban cho cái Tâm, cái Tình đủ lớn thừa rộng, thì nhà văn vẫn có thể chọn không gian và thời gian mà lách qua. Một lần nữa, lại xét cho cùng: khó lọt nhất vẫn là cửa ải nghệ thuật nơi đòi hỏi nhà văn cái Tài thực#.

 

Trong số các tác giả văn xuôi - kịch quan trọng của văn học cách mạng Việt Nam hiện đại và đương đại, có lẽ Tô Hoài là đệ nhất dung hòa ổn thỏa ba cửa ải ta-bu, đưa đến được độc giả một số tác phẩm mang chở nan đề mà vẫn có sự bày biện nghệ thuật cao. Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Khải dường như ở hai phía khác, khi phải tự xử lý “giấy thông hành ba chữ T”. Nguyễn Đình Thi vẻ như chẳng khéo dùng cái Tình, khiến những gì đến được độc giả – tiểu thuyết – lại không để đời; cái đáng giá nhất là các vở kịch đã không đến được độc giả khi cần. Ngược lại, Nguyễn Khải rành rẽ cái Tình và cái Tài của mình, mà khu biệt cái Tâm để mãi các năm cuối đời có nó thì phải dùng qua các sáng tác thuộc về thể ký như là các giai phẩm đạt nhất cho đời.

Truyện Kiều là kiệt tác, bất tử trong tâm trí người Việt; tác giả Nguyễn Du đã nâng Tâm-Tình-Tài của mình may mắn có được lên mức thượng thặng qua các hành vi văn học giữa một xã hội nhiều biến động và nhiễu nhương vào loại nhất của lịch sử Việt Nam#.

 

Chúng ta còn nhiều thời gian và điều kiện hậu hiện đại để đặt nhân vật chính trong diễn đàn hôm nay lên “tam giác ba chữ T”. Riêng tôi nhận thấy ở anh một người làm văn chương hiểu rõ đất nước và con người Việt Nam – đất nước và con người của anh, của tất cả chúng ta – hay dở trên từng xăng-ti-mét, từ quán cà-phê vỉa hè nhìn ra hồ Giảng Võ đến lề lối xuất bản nơi đầu phố Nguyễn Du. Trong 3.3.3.9, ngay từ bản thảo trên mạng, tôi không thấy có vấn đề ta-bu số 1. Mới đọc thì tưởng tá lả các ta-bu số 2 ở các trang dày đặc ngôn từ tục tằn, lênh láng các màn làm tình, chát chúa các chuyện cửa Phật sân Chúa… Cuối cùng, tôi chỉ còn lo cho ta-bu số 3 là các xử lý nghệ thuật. Và anh đã qua, với cuốn sách đã ra! (Đặng) Thân có dấn… thân không? Dấn! Là một văn sĩ thuần túy và độc lập, cuối cùng vẫn là dấn cái thân chữ cái xác nghĩa để phá ta-bu nghệ thuật viết lách trong khi đưa xã hội và con người lên bàn mổ. Một điểm trùng nhau giữa hai tác giả Đặng Thân và Nguyễn Huy Thiệp. Nhà văn Sylvester, người Argentina từng phải sống ngót 20 năm xa xứ, mấy tháng trước đăng đàn một câu “đúng người đúng việc” ở đây#.

 

@11

Nhận xét gọn về một số ý, phần cụ thể của 3.3.3.9:

 

+ Việt tính là một nỗi dày vò lớn của cuốn sách. Thực ra là nhân tính được dân tộc hóa, địa phương hóa: từ Mộng Hường, Schditt, Đặng Thân tới hàng loạt nhân vật phụ Phật, Hitler, Trần Huy Bớp…  Lạnh lùng và táo bạo, tác giả bảo vệ Việt tính bằng các ví dụ phản-Việt-tính. Trong chữ nghĩa, Đặng Thân là một người yêu dân tộc, yêu con người đến khổ sở. Một bảo đảm bằng vàng cho 3.3.3.9: quậy phá văn chương dàn trời, câu lời ngổ ngáo ngập đất tiểu-thuyết-Đặng-Thân vẫn là một sản phẩm đứng đắn!

 

+ Lối dùng các trích dẫn kinh viện, suy diễn ra vẻ khách quan của tác giả về học thuyết, tông giáo là thuật áp đặt không khoan nhượng; nhất biên đảo. Áp đảo bằng sự thông minh và tài bắt bẻ (có phần liến láu), bằng tư duy tinh quái và tốc độ dẫn truyện ào ào hơn thác đổ, bằng kết cấu thiên la địa võng của ngôn từ và văn bản, v.v… Giọng chính của tác phẩm là độc đoán, tác giả là Thượng đế, là kẻ biết tuốt. 3.3.3.9 còn giữ đặc điểm át chủ của phương pháp hiện đại và hiện thực, trong mục đích tải đạo lộ liễu.

 

+ Ngôn-ngữ-Đặng-Thân xứng đáng cho các khảo cứu nhà nghề. Hóm Bắc kỳ và bạo Nam kỳ; khi sâu sắc lúc nhạt phếch; vừa tri thức vừa cà nhây; khó chịu mà không buông được – tất cả dồn vào mục tiêu thuyết phục, dụ mị độc giả. Điệp từ “Ui mèo!”# của Mộng Hường; “Lâm tiên sinh chỉ được cái tiếu lâm!”# (nói về Lâm Ngữ Đường) là hai giữa trăm ngàn ốc vít, bù loong trong cỗ máy 3.3.3.9. Chất phản biện của tác phẩm cũng hiện rõ trong phản-tu-từ, chơi-xấu-chữ, đảo-điển-tích, v.v... Dưới mỗi con tự của Đặng Thân luôn có một… cái hố!

 

+ Kỹ thuật gây cười hậu hiện đại dùng giễu nhại văn bản và tu từ vốn rất cực đoan, dễ làm mất cá tính tác giả#. Vẻ đồng phục này dễ làm nhờn tác phẩm. Đó cũng là một cản trở cho các độc giả bình thường quen nồng độ pha trò vừa phải#. Tiểu-thuyết-Đặng-Thân đã không là ngoại lệ!

 

+ “Trò chơi làm hại tiểu thuyết hậu hiện đại như thế nào?” nên là câu hỏi đầu tiên cho các nhà sáng tạo hậu hiện đại, qua ví dụ 3.3.3.9. Phần Lời bàn [phím…] của các netizen là một trong các độc đáo; dù nhiều tác giả khác cũng đã làm nhưng không triệt để và dằng dai như Đặng Thân. Trong thủ pháp trò chơi, đây như là phần mạo hiểm nhất, làm hỏng cái duyên của một sáng tạo văn học chăng#? Sự chủ quan và độc tôn khiến đa số các ý kiến là khen; các ý chê thường “vuốt mặt nể mũi” và còn bị tác giả phủ định hoặc thanh minh thanh nga bằng các câu thơ/vè rất tếu táo! Cái hóm, cái lanh, mà trên cả là cái thiện, cái tâm của tác giả khiến phần Lời bàn cùng cả tập truyện vẫn trôi vào mắt độc giả. Quan trọng: Các netizen không sắm vai đồng tác giả, chỉ làm bình luận viên.

 

@12

Chúng tôi đang muốn viết tiếp mà e không xuể, vậy xin nêu ra như những gợi ý để chúng ta cùng nghiên cứu tiếp: So sánh vị trí và phong cách viết giữa Đặng Thân với Nguyễn Huy Thiệp (theo Đỗ Lai Thúy#); So sánh kỹ thuật viết của Đặng Thân với Phạm Công Thiện, Nhật Chiêu…; Tính văn xuôi; Tính văn hóa đại chúng; Tính trò chơi; Chất hài hước; Chất tôn giáo; Chất “sex”; Ngôn-ngữ-Đặng-Thân trong 3.3.3.9; v.v…

Ôi! Rất nhiều điều về tiểu-thuyết-Đặng-Thân!


Vancouver, 25/2/2009 - 5/1/2012



 

Đỗ Quyên
Số lần đọc: 2566
Ngày đăng: 10.01.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hãy cúi mặt nhận diện chính mình - Lê Huỳnh Lâm
Tình và xuân trong thơ linh Lân xứ võ - Lâm Bích Thủy
Phân giai cấp qua khẩu vị - Lê Hải*
Lê Thánh Thư Viết Trong Bóng Tối - Vũ Trọng Quang
Nhớ lại ý nghĩa Thi Ca của Cổ Nhân: Đọc tập thơ Kinh Vô Thường của nhà thơ Võ Thạnh Văn - Nguyễn Đăng Trúc
Chạm Bóng – Chạm Vào Cõi Nhân Sinh - Trần Hoài Anh
Ngoảnh Lại 15 Năm... - Hoàng Hưng
Để Có Thể Ăn Xà Bông ! - Nguyễn Đông Nhật
Lý Luận - Phê Bình Trong Ngòi Bút Trần Hoài Anh - Lê Tú Anh
Lời Tiên Tri Của Giọt Sương – bản hợp xướng với những tấu âm lạ... - Nguyễn Hữu Tình
Cùng một tác giả
Hôn - 2 (thơ)
Em (thơ)
Thai phu (truyện ngắn)
Ăn tim (truyện ngắn)
Thư về thơ (phê bình)