Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
553
116.485.172
 
Những câu chuyện thời hậu chiến (*)
Huỳnh Như Phương

 

Hầu hết 20 truyện ngắn trong tập sách này của Nguyễn Hồ đều có nhan đề giản dị, thậm chí đơn giản nữa (Cậu Ba, Chị tôi, Chú Năm tôi, Tài Em Sún, Bạn già, Hẻm sâu…), nhưng câu chuyện và tình ý thì không hề đơn giản. Nếu lấy ngày 30-4-1975 làm mốc, phần lớn chất liệu của các câu chuyện diễn ra ở thời hậu chiến, nhưng vẫn giữ đường dây liên lạc và được soi sáng, cắt nghĩa qua những tấm gương hy sinh trong thời chiến. Bông hồng nhung là sự đền bù cho mất mát của một gia đình, tuy muộn màng nhưng kỳ diệu như trong một giấc mơ. Mùa mắm còng, Chú Năm tôi, Giai điệu nhớ kết nối các thế hệ, kết nối quá khứ và tương lai bằng tình yêu và sự cảm thông. Chân dung vô hình, truyện ngắn được chọn làm nhan đề chung cho cả tập, thấm đẫm chất lý tưởng mà trong sáng, chân thật như những khung hình Nguyễn Chiến để lại. Người phóng viên nhiếp ảnh chiến tranh đó “đi chụp hình khắp người ta mà rốt cuộc, một cái hình riêng cho mình thì không có”. Bởi lẽ, “lúc cầm máy ảnh, ống kính của chúng tôi chỉ hướng về phía trước. Phía trước có sức hút kỳ diệu đến nỗi chẳng ai nghĩ đến việc quay ngược ống kính về phía chân dung mình.” (tr. 269). Bức chân dung tinh thần mà người nghệ sĩ đó để lại chỉ có thể nhận ra ở giữa những người thân yêu và đồng đội bằng một trực cảm gần như linh giác của cô con gái.

        

Viết về đời sống hoà bình, Nguyễn Hồ không hướng ngòi bút đến những sự kiện ở “mặt tiền” hay những con người chói chang, rực rỡ. Nhà văn dành những tình cảm thương yêu, trân trọng nhất cho những con người ở dưới đáy xã hội. Kế tục truyền thống nhân đạo, với Chim phóng sinh, Hẻm sâu, Con muỗi, Nàng Đea Chang Kim…, ngòi bút Nguyễn Hồ luôn giữ lòng tin vào con người, dù phải quẫy đạp trên những dòng kinh nước đen hay rơi vào cạm bẫy người, vẫn giữ được lương tri và phẩm giá. Thật ra, viết về chủ đề này mà thuyết phục được bạn đọc thời nay không phải dễ. Nguyễn Hồ không rơi vào bánh xe đổ của những tác phẩm minh họa và dạy đời vì ông không tô vẽ cho sự thật và thi vị hoá cuộc sống. Nhà văn đau đớn với cô Út Mười Một đã bán tuổi trẻ lấy chiếc nhẫn và những đồng tiền nhàu nát từ trong áo ngực để chuộc lại hai công đất cho mẹ (Chị tôi). Nhà văn rộng lượng với khát vọng đổi đời của cô công nhân thu dọn rác muốn cởi bỏ chiếc áo bà ba cũ nát để trở thành người mẫu thời trang (Quán Nai Vàng). Bao cảnh đời đau thương trong xã hội hiện nay, mà nhiều nhà văn dường như lảng tránh, bạn đọc sẽ gặp qua những số phận đa dạng trong cuốn sách này.

      

Tuy nhiên, có lẽ những truyện ngắn hay nhất của Nguyễn Hồ gắn liền với chủ đề thế sự và những nhân vật thuộc “mẫu người xưa mà không cũ”. Đó là Thời và Luân, hai người bạn học do hoàn cảnh đẩy xa nhau, người vào bưng biền tham gia kháng chiến, người ở lại nội thành làm nhà nghiên cứu. Đất nước hoà bình, họ gặp lại nhau trong một cuộc đối chứng giữa cách mạng và khoa học, giữa nhiệt tình và sự hiểu biết, giữa ý chí và quy luật (Bạn già). Đó là ông Tư, một thủ trưởng lịch lãm, bất ngờ với “bài học phá khung” mà một giảng viên trẻ gợi ra cho những “dân chi phụ mẫu thời nay” (Tám chữ o tròn). Đó là ông Năm hăng hái cải tạo thế giới bằng những biện pháp bạo liệt, không hiểu tại sao lòng tốt của mình đã không được người nghèo đón nhận (Ông Năm cải tạo). Đó là ông Ba bất bình trước thế sự, lòng ngao ngán, “hết ý kiến”, nên đành cấm khẩu cho đến ngày nhắm mắt (Cậu Ba). Đó là lão Thậm tứ cố vô thân, ước mơ làm “người chủ tập thể”, đã nhắm mắt xuôi tay không kịp hưởng bảy lượng vàng đền bù cho những tháng năm tận tuỵ giữ gìn chung cư (Chung cư). Những con người đó nhìn thời hậu chiến này với những tâm trạng khác nhau: hồ hỡi có, thanh thản có, dằn vặt có, nặng nề có, ảo tưởng cũng có. Có lẽ đó là những nhân vật sở trường của Nguyễn Hồ. Nhà văn miêu tả họ với sự thấu hiểu, đôi khi pha vị cay đắng lẫn chút humour thâm trầm, mà không nhằm phê phán ai, phê phán điều gì. Tất cả chỉ để nói lên rằng cuộc đời vốn phức tạp như thế, sống là chấp nhận nghịch cảnh, thay đổi được gì cũng là điều không dễ trong một sớm một chiều.

          

(*) Đọc Chân dung vô hình, tập truyện ngắn của Nguyễn Hồ, NXB Hội Nhà văn, 2011.

 

Huỳnh Như Phương
Số lần đọc: 1674
Ngày đăng: 16.01.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mục mới của VCV---Điểm sách - Nguyễn Hòa vcv
Đón đọc Sài Gòn Mưa Vẫn Rơi - Nhiều Tác Giả