Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
528
115.991.469
 
Chuyện Cổ Tích Của Ông Ngoại
Diệp Hồng Phương

Chuyện cổ tích thường do bà ngoại kể. Bà ngoại ôm cháu vào lòng vừa kể chuyện, vừa dỗ cháu ngủ; rồi thì bà Tiên, ông Bụt xuất hiện và đi vào giấc mơ êm ả của cháu bà!

Nhưng không lẽ chỉ có bà ngoại là biết chuyện cổ tích? Còn ông ngoại thì sao?

Thời trai trẻ ông ngoại đi đây đi đó nhiều, lúc lớn tuổi thảnh thơi, đem chuyện cổ tích – và chuyện đời thường –kể cho cháu mình nghe chắc cũng có đôi điều thú vị?

 

Nơi ông ngoại kể chuyện là ngoài vườn cây, dưới tàu lá chuối, vào một buổi trưa hè gió mát. Ông nằm võng, thằng cháu ngồi xổm dưới đất, hai bàn tay chống càm, nghếch đầu lên dòm và nghe:

-  Hồi xưa có một anh tá điền nghèo khổ. Anh ta mần ruộng mướn cho ông hội đồng Gian miệt Tắc Sậy, Giá Rai. À “mần ruộng mướn” khác với “mướn ruộng mần” nghen con - Ông ngoại thường cắt ngang để giải thích - Cứ sau mỗi mùa lúa, anh tá điền được trả công đâu chừng bốn chục giạ mà bị trừ nào lúa mượn, lúa vay, lúa thuế… hết sạch! Mần ruộng cũng đói mà không mần thì ông hội đồng đuổi đi, không có đất nương thân…

-  Chuyện này bữa hổm ông ngoại kể rồi! – Thằng cháu ngoại nhíu mày như người lớn. Nó nói khiến ông ngoại nó ngừng kể, dòm nó rồi bật cười:

-  Ủa vậy sao? Bữa hổm là bữa nào…mà..mà… ông ngoại kể tới đâu rồi con?

-  Thì tới chỗ anh tá điền chịu cực không nổi bỏ xứ đi tới một chỗ ông ngoại nói là “muỗi mòng kinh thiên…” á mà!. Ủa mà chuyện này là chuyện đời xưa hay là chuyện cổ tích vậy ông ngoại? – Thằng cháu ngoại nhớ day, ưa thắc mắc, cứ hỏi riết.

-  Thì chuyện đời xưa là … chuyện cổ tích chớ gì? Rồi thì… đầu mùa mưa năm đó anh ta mang nóp bỏ đi – Ông ngoại lại giải thích - Cái nóp là cái tấm đệm bàng được may lại, xếp gọn mang theo bên mình, tối ngủ thì mở ra chui vô nằm khoanh không sợ muỗi “cắn”.

Thằng cháu ngoại trề môi:

-  Con biết cái nóp rồi. Nóp với giáo mang ngang vai nhưng thân trai nào kém oai hùng. Phải hôn ông ngoại?

-  Đó đó… cái nóp nó y vậy đó – Ông ngoại gật đầu– Anh ta đi riết, đi riết cho tới một nơi cây cối um tùm, muỗi mòng “kinh thiên động địa”…thì trời về chiều, lại đang chuyển mưa. Anh lo lắng ngồi nghỉ chân dưới gốc cây suy tính coi phải làm gì. Rồi thì anh bụm hai bàn tay lên tiếng hỏi:

-  Có ai…ở đây…h..ô..n… h…ô…n?

Anh tá điền vừa gọi, vừa hú mấy lần nhưng không ai đáp lại.

 

Sụp tối trời mưa. Mưa mù trời đất. Sấm chớp ì đùng… Anh ta ướt nhẹp, vừa lạnh, vừa mệt, vừa đói. Đêm đó anh nằm co ro trong cái nóp mà cám cảnh cuộc đời mình sao nhiều cơ cực… Rồi anh ta lên cơn sốt vì cảm lạnh, rồi mê man. Đêm đó…

-  Có bà Tiên xuất hiện cho ba điều ước hả ông ngoại? – Thằng cháu ngoại lại chen ngang. Nhưng ông ngoại nó cười nhạt rồi lắc đầu:

-  Sao lại là bà Tiên? Bộ ông Tiên không được sao con? Đêm đó có tới bốn ông Tiên xuất hiện nhưng không cho điều ước, không có ánh hào quang mà họ cầm hai cây đuốc rơm thay phiên nhau cõng anh ta về chòi canh ruộng của mình. Bốn ông Tiên đó là bốn anh em nhà Mười Thiệt.

 

Kể tới đây ông ngoại ngừng lại có vẻ trầm ngâm. Thằng cháu ngoại mới lên chín mà nhạy lắm. Nó áng chừng chuyện “cổ tích” này do ông ngoại đặt ra để kể cho nó nghe vì trong chuyện không có bà Tiên, ông Bụt mà chỉ toàn là lúa, ruộng, sình bùn, muỗi mòng, đĩa, vắt… Cái tên đất lại thiệt khó kêu: đồng Nọc Nạng.

-  Từ đó anh tá điền sống với gia đình anh em nhà Mười Thiệt trong đồng Nọc Nạng – Ông ngoại nhăm mắt lại, hít mạnh rồi thở ra nhè nhẹ để trái tim già cỗi của ông bớt đập mạnh - Ở cánh đồng hoang vu gọi là đồng Nọc Nạng chỉ có bà Mười, bốn anh em họ và…cô Út. Gia đình ông Mười do không chịu nổi sự áp bức của bọn chủ điền nên bỏ xứ vô đây khai khẩn đất hoang, riêng ông Mười ở lại nhà lấy cái chết tố cáo tội ác bọn chủ điền ức hiếp dân nghèo!.…

-  Rồi sao nữa ngoại? – Ông ngoại ưa kể đứt đoạn nên thằng cháu nhắc hoài.

-  Thân phận của anh tá điền cũng giống như hoàn cảnh nhà ông Mười. Anh kể hết nguồn cơn tại sao mình cơ cực, tại sao mình trôi dạt tới đây, rồi đói khát, lạnh lẽo đến nỗi mê man dưới gốc cây trong đêm mưa gió… Anh Hai hỏi:

-  Chú là người Tắc Sậy?

-  Dạ phải.

-  Tên họ chú là gì?

-  Em không biết họ. Người ta gọi em…là thằng Một.

Anh Ba hỏi chen vô:

  • Một à? Một là cái gì?
  • Dạ một mình. Từ nhỏ tới lớn chỉ có một mình.
  • Tía má chú còn sống hay chết rồi?
  • Em… thiệt tình hổng biết.
  • Nhà chú ở đâu?
  • Hổng có.

 

Anh Tư thương tình hỏi:

-  Vậy thì chú sống ra làm sao? Nói rõ nguồn cơn đặng anh em thông cảm?

-  Em không biết tía má là ai. Hồi nhỏ má lượm em về nuôi … Chừng má nuôi em chết, mấy anh chị đuổi em ra khỏi nhà. Em sống ở nhà lồng chợ, rồi mần mướn cho ông hội đồng… Cực quá chịu hổng nổi mới bỏ trốn…

Bà Mười nghe kể, mũi lòng, nói với anh Hai:

-  Nó tứ cố vô thân. Thôi thằng Hai với mấy đứa cho nó ở đây mần ruộng, có gì ăn nấy…

Thằng cháu ngoại bất ngờ hỏi:

-  Anh tá điền vô nhà người ta ở, được kêu thứ mấy?

-  Út.

-  Ủa? Có cô Út rồi mà?

-  Thì…lâu ngày anh ta là Dượng Út!

 

Thằng cháu ngoại cảm thấy thích thú với chuyện cổ tích của ông ngoại. Anh tá điền ở hiền nên gặp lành, hết lúc cơ cực thì được có vợ là cô Út. Hay quá! Nhưng nó biết anh tá điền phải siêng năng giỏi vắn mới phải lòng cô Út…

-  Sau này ở đó có thêm vài ba gia đình nữa trôi dạt vô khai khẩn đất hoang, trồng lúa, kiếm cái ăn trên đồng lầy sông rạch…

-  Trên ruộng có chim cò, dưới rạch có tôm cá phải hôn ông ngoại?

-  Ừ! Y chang vậy. Ở Nọc Nạng chim cò tôm cá nhiều vô số kể. Lúa gạo dư ăn, dư để…Ai mần được bao nhiêu ruộng thì mần. Có sức mần, có sức ăn – Ông ngoại ngồi xổm dậy ngừng kể để vấn điếu thuốc. Tờ giấy quyến mỏng tanh, nhỏ xíu se tròn nhúm thuốc trên bàn tay ông ngoại thành điếu thuốc một đầu lớn, một đầu nhỏ. Thằng cháu nhìn điếu thuốc mà mắc cười.

 

Thấy ông ngoại tự dưng im lặng, thằng cháu ngoại cũng im theo. Hồi lâu sau ông ngoại nó thở dài, kể tiếp:

-  Sống trong gia đình bà Mười, anh em thương yêu đùm bọc nhau. Đồng ruộng mênh mông lại phì nhiêu, cuộc sống hết sức no đủ, hạnh phúc. Nhưng chẳng đặng bao lâu…thì…

-  Cô Út có bầu hả ông ngoại?

-  Mầy hỏi lãng xẹt. Có chồng thì phải có bầu chớ sao? Nhưng mà cô Út có bầu hai tháng thì chuyện mới xảy ra. Dè ngay lúc bà con mình đập lúa đem về nhà phơi thì mấy thằng lính Tây, lính mã tà, tay sai địa chủ ngoài Giá Rai chống xuồng vô kêu đong lúa ruộng. Tụi nó nói đất này là đất ông hội đồng Ham có giấy tờ bằng khoán hẵn hoi… Ai mần ruộng này phải đong lúa cho ông hội đồng 40 giạ một công.

-  Kỳ vậy? Đất ổng hồi nào?

-  Tức mình là chỗ đó. Đất mình khai khẩn đổ mồ hôi, sôi nước mắt… tới lúc có lúa nó vô nói đất của nó, rồi nó giựt lúa của mình. Nó dựa súng ống của thằng Tây đi cướp lúa của dân.

-  Ai chịu? – Thằng cháu ngoại hiểu được đó là bất công, là trái lẽ phải.

-  “Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan” mà con! Ông bà mình nói vậy rồi. Lần này nông dân nghèo không thể để nó đè đầu cởi cổ nên chống cự lại. Anh em nhà Mười Thiệt tay dao, tay mác ra cản tụi lính xúc lúa. Bà con chung quanh cũng giáo mác ra tiếp sức… Anh tá điền tức Dượng Út vừa lo vợ mình đang giê lúa ngoài bờ rạch, vừa lo cho mấy anh mình manh động nên vác cái phãng cỏ chạy ra.

 

Trận chiến không cân sức. Súng nổ, đạn bay, người chết…

Ông ngoại chép miệng, thở dài:

-  Anh Hai chết, anh Ba chết…Anh tá điền dượng Út bị thằng lính Tây bắn vô tay máu chảy có vòi… Nhưng cái phãng bén ngót kịp vớt vô cổ thằng lính Tây. Nó chết tại chỗ… Tụi lính làng bỏ chạy!

 

Thằng cháu có vẻ hả hê nhưng nó không biết chuyện thằng lính Tây chết là chuyện quan trọng, còn chuyện năm sáu con người nông dân vì hột lúa của mình đứng ra chống lại tụi cướp, bị bắn chết tại ruộng mình… là chuyện chẳng ai quan tâm xét xử. Một tuần sau ngày thằng lính Tây chết, mấy trung đội lính Tây, lính làng kéo vô bố ráp bắt dượng Út dẫn đi.

 

Bà Mười nhào ra sân ôm tay thằng lính làng, gào lên:

-  Mấy người giết hai đứa con tui, giết năm sáu nhơn mạng xứ này. Ai đền mạng? Ha?

Thằng lính đạp bà Mười té ngữa…Cô Út chạy theo níu tay chồng giựt lại. Anh Út lo cái thai trong bụng vợ mình nên ôm thằng lính, kéo ra xa.

Tụi lính Tây đốt nhà bà Mười, bắt anh Út đày đi biệt xứ.

 

Ông ngoại kể tới đây thì co nấm tay lại tâm trạng hết sức uất ức. Có lẽ chuyện “cổ tích” không có bà Tiên, ông Tiên đã làm ông ngoại và thằng cháu ngoại có nhiều suy nghĩ. Chuyện cổ tích luôn trọn vẹn, có trước có sau, ở hiền gặp lành. Còn chuyện đời xưa của ông ngoại khác hẵn. Người cần cù hiền hậu luôn gặp nạn và nghèo, bọn gian ác đầy quyền uy, luôn giàu có. Cái lý lẽ công bằng không có trong “chuyện cổ tích” của ông ngoại?

 

*

-  Bữa nay ông ngoại khỏe rồi he? Kể chuyện nghe ông ngoại ui! – Thằng cháu ngoại mấy bữa nay buồn vì ông ngoại bệnh, ho hoài, không kể chuyện được. Buổi trưa thay vì ông ngoại nằm ngoài võng, nó ra đó nằm, bắt chước ông ngoại, tằng hắng, rồi nói mình ên: “Hồi xưa ở đồng Nọc Nạng… có anh nông dân tên la…”.

Nhưng thằng cháu ngoại thấy mình “bế tắc nội dung” nên chạy vô nhà níu vai ông ngoại, lắc mạnh. Nó buộc ông ngoại phải ra nằm võng kể chuyện cổ tích cho nó nghe. Không nghe ông ngoại kể chuyện, nó thấy buồn lắm

 

Ông ngoại nhỗm dậy, rời giường, ờ một tiếng:

-  Ờ thì ông ngoại kể chuyện đây. Bữa nay ông ngoại thấy khỏe… khỏe rồi…

Vậy là nhịp cầu của hai ông cháu được nối lại. Ông nằm võng, thằng cháu ngồi chồm hổm, nghe. Ông ngoại nghĩ bụng ở đời có chuyện muốn kể ra, muốn giải bày mà không có ai nghe thì…khốn nạn lắm thay. May mà ông có thằng cháu ngoại. Cho nên…

- Hồi xưa ở đồng Nọc Nạng có anh nông dân…

- Khúc này ông ngoại kể rồi à nha…

-  Rồi sao được mà rồi? Anh nông dân này tên là Đất chớ có phải anh tá điền dượng Út tên Một đâu? – Ông ngoại nhìn thằng cháu, giải thích. Thấy nó cười khì, ông mới nói tiếp - Anh Đất là con bà Út trong đồng Nọc Nạng. Gia đình bà Út bị địa chủ vô giành đất, lấy hết lúa, còn bắt ông Út đày đi biệt tích. Cho nên bà Út đặt tên cho con mình là thằng Đất. Đất là cái mơ ước cả đời của người nông dân nghèo khổ…

 

Ông ngoại nói một hơi có vẻ mệt ôm ngực ho một tràng dài khiến thằng cháu ngoại lo ngại. Nó làm thinh để ông ngoại nghỉ mệt nhưng ông ngoại kể tiếp bằng giọng nói êm hơn, nhẹ hơn, như người ta ôn lại quá khứ của mình:

-  Anh Đất lớn lên trên cánh đồng phì nhiêu, rộng mênh mông nhưng thiếu ăn, lúc nào cũng bị tụi lính làng xã dòm ngó. Thân phận con người ta còn thua con chim  trên trời, con cá dưới nước, nào được thong thả tự do…

Một hôm, anh Đất hỏi bà Út:

-  Má ơi… Con là thanh niên, con là người lớn rồi phải hôn má?

Bà Út trả lời:

-  Con mười sáu tuổi rồi. Là thanh niên chớ còn gì nữa…

Anh Đất cười, kê miệng sát tai mẹ, nói:

-  Con gia nhập Thanh niên Tiền phong rồi má ơi. Nay mai sẽ…

Bà Út mừng mà lo. Bà thổi tắt ngọn đèn, ôm con vô lòng, thì thào:

-  Con đừng hé chuyện này cho ai nghe, biết chưa? Hết đêm đen thì trời lại sáng…

Nói với con mà bà Út như muốn nói với mình. Trời sẽ sáng và bà mong nay mai ông Út sẽ về…

-  Nhưng mà ông Út đâu có về. Có lẽ ông Út chết rồi nên mới bóng chim tăm cá, biệt mù ải nhạn. - Ông ngoại thở ra –Bà Út vẫn ở làng quê Nọc Nạng với gia đình hai người anh, với bà con mình.

 

Hàng đêm bà Út nuốt nước mắt vì thương nhớ chồng…- Nói tới đây ông ngoại đổi giọng, cất tiếng ca nghe não ruột- Từ là từ phu tướng, bảo kiếm sắc phong lên đàng. Vào ra ngóng trông tin chàng. Em luống trông tin chàng. Oi gan vàng dạ đau.. Đường dù xa ong bướm, xin đó đừng phụ nghĩa tào khang…

-  Ông ngoại ca mùi quá chừng. Nhưng mà …nhưng mà ông ngoại kể chuyện… anh Đất đi.

Có lẽ lời ca làm ông ngoại xúc động. Ông im lặng thiệt lâu mới kể tiếp được:

-  Anh Đất đi biểu tình khởi nghĩa trên huyện, lên tỉnh rồi gia nhập Vệ quốc đoàn. Anh Đất thành anh lính đầu trần chân đất đúng như câu hát bữa hổm con hát “Nóp với giáo mang ngang vai nhưng thân trai nào kém oai hùng”… Rồi thì đời trai chinh chiến nên anh Đất cứ đi, cứ đi…

-  Đi rồi có về Nọc Nạng không ông ngoại?

-  Chín năm sau anh Đất mới về. Về thì…bà Út đã theo mây theo gió rồi!..- Nói tới đây ông ngoại sụt sùi, nước mắt rưng rưng…- Anh Đất ở lại Nọc Nạng ít ngày, gời gấm các cậu nấm mồ của má, rồi lại đi… Thời cuộc đổi thay mấy lượt… Ông Đất theo đơn vị về tận U Minh là vùng căn cứ cách mạng, sống ở đó rồi… cưới vợ. Vợ ông Đất là cô y tá của đơn vị…

 

Thằng cháu ngoại chợt hiểu ra. Nó ê một tiếng:

-  Là bà ngoại phải hôn? Con biết rồi… Trong nhà có cái túi cứu thương ông ngoại nói là kỷ niệm của bà ngoại lúc ông ngoại bị thương. Chuyện này là… chuyện “cổ tích” của ông ngoại với bà ngoại. Hì hì…

Ông ngoại ừ một tiếng xác nhận thằng cháu ngoại nói đúng:

-  Sau đó bà ngoại đẻ ra má của con. Rồi má con đẻ ra con…Hết chuyện!

Ông ngoại định chấm hết thì thằng cháu ngoại níu võng:

-  Chưa hết chuyện được. Ông ngoại ăn gian nghen. Còn chuyện “cổ tích” tía với má con thì sao? Bữa nay ông ngoại không kể mai mốt phải kể cho con nghe?

 

Ông ngoại lắc đầu. Cơn ho bất chợt kéo tới. Ông ho một hơi…

Thằng cháu ngoại đưa ông vô nha. Vào nhà nhưng ông ngồi đó chớ không nằm nữa. Ông nhìn thằng cháu ngoại thấy rõ tuổi thơ của nó sướng hơn mình, sướng hơn ông Một nhiều lắm dù cho cái hoàn cảnh của nó cũng không khác với ông Một hồi xưa …

 

Ông ngoại thở dài giấu đi nỗi buồn từ quá khứ đang kéo về. Vợ và con gái ông chết trong chiến tranh. Ông lính già tên Đất bước vào thời bình ở tuổi bốn mươi sáu và ở vậy cho tới nay. Thằng cháu ngoại được ông “lượm” về nuôi năm chín mươi bảy, không lẽ ông gọi nó là con? Thì thôi gọi là cháu ngoại. Tía má nó là ai làm sao ông biết?./.

 

Diệp Hồng Phương
Số lần đọc: 2010
Ngày đăng: 18.01.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hãy đi đi! - Đặng Chương Ngạn
Bền Đậu - Xuân Tuynh
Bến Nước Mười Ba - Trần Minh Nguyệt
Người Chiến Binh Ánh Sáng - Cao Thu Cúc
Quế - Lê Văn Thiện
Sáu Bẹo - Mang Viên Long
Vàng Bông Vạn Thọ - Nguyễn Lệ Uyên
Chiếc điện thoại trong tủ lạnh - Vũ Lập Nhật
Giả Vờ Yêu Nhau - Tiêu Đình
Đĩ Xược - Nguyễn Lệ Uyên