Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
445
116.599.155
 
Đền Bà Ru Con
Tiêu Đình

Sách địa phương chí có ghi: “Bà chúa Dụ Xá là người đàn bà tài năng, yêu nước, biết cầm gươm múa võ, cưỡi ngựa bắn cung. Bà rất mực yêu thương vùng đất và con người Lũng Sơn nhiều đời được pha trộn, thay thế, bổ sung giữa máu và văn hóa Đại Việt - Chămpa. Bà có giọng hát trong veo, cao vút như tiếng chim sơn ca. Bà Dụ Xá đã từng giúp chúa Nguyễn mở mang và xây dựng Lũng Sơn thành vùng đất sớm trù phú, tấp nập người mua kẻ bán từ trên nguồn xuống, từ dưới biển lên. Nếu là nam nhi, hẳn bà đã làm tướng soái thống lĩnh ba quân dũng cảm xông pha trận mạc, công to chức trọng trong triều đình. Sau khi chết, để tưởng nhớ công ơn bà, vua Gia Long đã cho lập đền thờ và phong tặng bốn chữ “Liễu Hạnh khả phong”, tục gọi là bà chúa Dụ Xá”.

 

Nội tôi không kể về bà Dụ Xá theo cách ấy. Ông chỉ đặc biệt lưu tâm đến giọng hát và nội dung những câu hát tương truyền rằng của bà: “Lạnh rừng chim vịt kêu chiều/ Gẫm thương quân tử khăn điều vắt vại…”; “Rối đường ngựa hí qua đèo/ Thiếp về nửa gánh buồn theo truông dài…”; Ngồi buồn, vọc nước, giỡn trăng/ Tháng Giêng lúa tốt xanh đằng Lũng Sơn…”. Sau những chênh chao cuộc sống, nghiệm lại thấy cách cảm nghĩ của ông nội tỏa rộng hơn trong sinh hoạt ruộng rừng của người dân quê tôi. Về sau, nhiều câu hát của bà được dân trong vùng mắc vào quai nôi, treo vào đầu võng để à ơi ru con cháu. Dường như mỗi lần cất lên những câu hát mượt mà tình quê ấy, người ta cảm thấy yên tâm hơn, như đang có bàn tay của bà chúa vạn năng vuốt tóc cháu con, phủ dụ an lành.

 

Rồi không biết từ lúc nào, đền thờ bà chúa Dụ Xá được người dân trong vùng gọi nôm na là đền “Bà Ru con”. Giai thoại về bà được truyền tụng nghiêng theo chiều hướng khác. Những khuya trăng sáng, những trưa vắng gió người ta nghe đâu đó trên ngọn cây thị cao lớn cạnh ngôi đền có tiếng ru con của bà Dụ Xá vẳng rơi trong hương thị thơm lừng. Đúng là cái giọng có một không hai, phồng cao và trong vắt. Vài người còn kể đã trông thấy cánh võng đung đưa trên cành thị vươn dài gần kín cả một sào đất. Chẳng ai dám phá cây thị là vì thế. Rễ thị ngày càng lồi lên, rồng rắn nhỏ to trên mặt đất. Mấy đứa trẻ chúa nghịch trong xóm cũng chỉ biết đứng nhìn những quả thị xanh vàng lủng lẳng tỏa hương, nuốt ực nước bọt mà nhớ câu thần chú cổ tích: “Hú thị, hú thị rớt bị bà già…”

 

Nói là đánh Tây nhưng thời đó ở Lũng Sơn chẳng thấy ông Tây mắt xanh mũi lõ mặt mày thế nào. Những đêm trăng sáng, chị tôi vẫn thường dẫn tôi ra đám đất trống ngoài bìa rừng để xem các anh chị chơi trò đánh trận. Cờ Tây là một tàu lá chuối ướt trăng, bết bụi; hai bên cởi trần giành cờ, vật nhau đến bạc thếch da thịt. Khuya lắc khuya lơ trên đường trăng trở về, ai nấy đều mình mẩy rưới bụi, bóng lộn mồ hôi, hàm răng cười như nạm vàng. Thế rồi bùm một cái xuống sông, đứa nào đứa ấy sạch trơn bụi, láng mướt da trăng.

 

Thời đó, nói đến súng Tây, máy bay Tây tôi không sợ bằng tiếng chim “te te hoách”. Người ta cho rằng loài chim này có thể phát hiện mùi tử khí trước cả hàng giờ, xa cả cây số. “Te te hoách, te te hoách”, chúng bay kêu thành bầy đàn rộn rã hay chậm đều một vài con cũng nghe như đang mang rải sự chết thê lương rợn lạnh khắp nơi. Khi loài chim báo điềm chết chóc ấy bay ngang đền Bà Ru con mà kêu thì đố ai không lạnh xương sống.

 

Chiến tranh ác liệt hơn, ít còn nghe nói về giọng ru con của bà Dụ Xá trên ngọn thị. Việc cúng kiến tại đền Bà cũng không còn linh đình. Đến lệ rằm tháng Giêng, tháng Bảy dân làng cũng không mổ heo, tụ họp đông đúc như xưa. Chúng tôi không được phân phát hết sức hỉ xả những quả chuối, cục xôi…để so bì phần hơn thua mà buồn vui, cười mếu với nhau. Có phải đền Bà không còn hiển linh như xưa nữa? Chính tôi, cái thằng sợ ma nhất xóm, vẫn dám đứng gần bài vị thờ Bà để tận mắt trông thấy những đám rêu khô nám trầm tư gửi thân vào thành đền như vệt buồn năm tháng. Đã có nhiều hơn những bình vôi, ông táo cũ chất chồng dưới gốc cây thị già. Cũng đã có người dám phá lệ, trèo lên thân cây để hái quả, bắt tổ chim cà cưỡng. Trừ ngày rằm và mồng một, cái bộng cây hun hút không còn thấy khói hương thường nhật, khách bộ hành cũng bớt lo sợ mỗi lần dừng chân nghỉ mát dưới bóng thị.

 

Rồi một ngày, có quả bom Tây nổ ngay cạnh đền Bà Ru con, cạy bật rễ cây thị già phơi nắng. Giọng ru ngọt ngào “Thiếp là con gái Lũng Sơn…” của người đàn bà huyền thoại không biết đã tan hoang về đâu. Và tôi đã ra đi khỏi làng từ đó, khi dưới cơn mưa cuối xuân, một tược thị nõn nà vừa nhú cao hơn đầu người.

*

Người đàn bà có khuôn mặt sáng rỡ và giọng mời khách dẻo keo ngồi lút nửa người trong mớ hoa quả, bánh kẹo, hương đèn, vàng mả. “Chú thím có đặt chỗ ở lại không? ”. Giữa rừng người bán mua, tôi nhìn vợ có ý dò hỏi. Thực ra chuyến đi này là do nàng xếp đặt kế hoạch. Phụ nữ thường nhạy bén hơn với những khám phá tâm linh. “Anh ơi, nghe nói ngoài Trung có đền Bà linh thiêng lắm. Hay ta thử ra đó một chuyến xem sao. Thấy hai đứa chúng nó cưới nhau lâu rồi mà chưa có con, em ngại lắm…”. Tôi chiều nàng, một phần cũng muốn có chuyến về Trung thư thả tuổi hưu trí. Mấy lần trước đến đi như khách cứ cảm thấy chênh vênh, hẫng hụt một cái gì đó lớn lắm. Vợ tôi đảo mắt quanh đám người già trẻ, gái trai chen nhau cùng vô số xe con, xe máy dưới nắng:

-Chắc bị lỡ đường mất, phải tính ở lại đêm, anh há?

-Chú thím không lo trước dễ bị hết chỗ đấy. Các nơi người ta về đây có khi phải mất đến vài ba ngày tham quan và lễ xin tại đền Bà, đền Ông.

 

Vợ tôi dân Nam bộ, trong lúc chờ người đàn bà cẩn trọng gói các lễ vật, nàng tò mò luôn miệng hỏi đền Ông có xa không, linh thiêng không, đẹp bằng đền bà không? Phần tôi, cứ thắc mắc, đền Ông nào ở vùng đất này? Anh chạy xe ôm giải thích: “Đền Ông mới được xây dựng đây thôi chú ơi, phú quý sinh lễ nghĩa mà, ở tuốt trên ngọn đồi Đá Chồng kia - Anh ta chỉ tay về phía chói chang mặt trời- Là do ban đêm người ta hay thấy một đốm lửa xanh bay từ đền Bà lên đồi Đá Chồng nên mới lập ở đó một đền Ông”. Có đôi ông bà cũng vui chứ chú”. Anh còn bình luận thêm một câu cảm xúc: “Đền Ông nhỏ hơn nhưng cũng góp phần nuôi sống biết bao bà con tại đây”.

 

Khu đền Bà rộng, được khoanh vùng bằng tường rào xây gạch kiên cố. Không như ngày xưa gai tre cỏ dại tấp hờ, bốn bên mòn những lối chân vượt chắn. Hình như chỗ này xưa kia là một cây xoài lòng thòng trái xanh, trái vàng. Hình như chỗ kia có con mương nhỏ riu ríu nước trong nước đục. Hình như chỗ tôi đang đứng người ta vẫn hay đặt lờ thả thỏ, tát đìa bắt cá. Nhiều cái hình như, chỉ là hình như, bồng bềnh theo dòng người bách bộ trên con đường dẫn vào đền Bà vừa được bê-tông. Lạ cả người cả đất, nhưng cây thị năm nào vẫn quen quen như mới gặp hôm qua. Không biết nó đã trải qua bao lần thay tượt đổi cành?

-Anh, anh xách giùm em chiếc túi….

 

Vợ tôi chuyền ra sau túi xách đựng nước uống và áo khoác để sửa lại mái tóc, dáng đi. Nàng vẫn thế, nói cười như sáo nhưng khi đối mặt với thần linh bao giờ nàng cũng tỏ ra trang nghiêm, đĩnh đạc. Chỉ nhìn cung cách của nàng và những phụ nữ nối nhau đứng chờ trước bàn lễ đủ thấy đền Bà uy nghi mức nào. Thêm vào đó, ngoài số người bán buôn ăn theo, số người trực tiếp phục vụ tại đền Bà dễ chừng cũng trên cả chục. Người bảo vệ, người quét dọn, người hướng dẫn chung, người tiếp nước, người giúp khách bày trí lễ vật, người đứng chôn chân một chỗ để gõ chuông gọi Bà về…. Không như hồi xưa chỉ một lão Mốc giữ đền, lại hay bỏ lên rừng đốn củi để trâu bò vào ăn cỏ, ỉa đầy sân.

 

Tôi nhích chậm chạp từng bước ngắn theo sau vợ. Nàng không đồng ý cho tôi dạo ngoài sân đền để ngắm cảnh và mơ về cái thời thơ ấu của mình. Anh phải toàn tâm toàn ý mới linh nghiệm được, nàng nói với ánh mắt khẩn cầu và vẻ mặt nghiêm nghị. Trước mặt, sau lưng tôi còn khá nhiều người lạ từ các nơi khẽ bước, khẽ nhìn nhau nửa như dò xét nửa như cảm thông. Qua khỏi cánh cửa gỗ nâu láng, lòng đền mở rộng với nền gạch ngoại sạch sáng bóng. Đoàn người tỏa ra hai bên, chen nhau trước bàn thờ Bà khói hương sặt sụa. Người quỳ lạy, người cung kính bái, người hơi khom lưng cúi đầu đứng chờ đến lượt mình lễ Bà. Chỉ riêng tôi là cố giương mắt xem cho rõ tận mặt Bà. Cái đền mốc rêu, lỗ chỗ gạch vỡ, nhiều cỏ dại và lá khô ngày xưa làm gì có tượng Bà rực rỡ sắc màu như hôm nay. Khuôn mặt tròn, nụ cười quá ngưỡng, đôi môi dày và hai mắt khá sắc của Bà hoàn toàn khác với hình ảnh bà chúa Dụ Xá còn đọng lại trong trí tôi. Bàn tay, tim óc ai đó đã nặn nên tượng bà với tư duy tưởng tượng khá phong phú.

 

Vợ tôi nhắm hờ đôi mắt, lâm râm khấn bà. Tôi nghe tiếng được tiếng mất, hình như nàng đang cầu xin một đứa cháu trai kháu khỉnh: “Ơn bà…gia đình tôi…”. Người đàn bà nói giọng Trung đứng gần tôi tỏ ra đáo để nhưng lại thực tế hơn: “Trăm lạy Bà, ngàn lạy Bà, xin Bà phù hộ độ trì cho con xin con số đầu để gỡ gạc…, con hứa lần này mà trúng là con không đánh số nữa…., tối ni con trúng ngày mai con sẽ hậu tạ bà…”. Bà ta vừa khấn vừa vái lia lịa vào mông cô gái đang cúi lạy phía trước.

Tôi không biết cầu xin gì nên buột miệng nói những lời mà trước đó không nghĩ: “Đức Bà trăm tay nghìn mắt ơi, nếu vạn năng linh thiêng xin Bà hãy phù giúp để cho quốc thái dân an…”. Tôi cố khấn thật nhỏ, không để  những người xung quanh và nhất là vợ tôi nghe được.

 

Vợ chồng tôi ra khỏi đền Bà khi mặt trời chỉ còn cách núi Chúa một cây sào giữ vịt của bác Sáu. Một vùng trời đỏ rực ở hướng tây, một rừng người đứng, đi, nằm, ngồi ở xung quanh. Xa xa trước mặt là cánh đồng quê  trải kín một tấm thảm bình yên xanh mướt. Vợ tôi bỗng quay sang: “Anh biết bà nói tiếng Bắc quỳ cạnh em cầu xin gì không? Bà cầu xin cho chồng con được thăng quan tiến chức, giàu có, sức khỏe, thành đạt. Bà ta nói nghe như trong phim, con đường chính trị nhiêu khê lắm, chồng con mà không được Bà phù hộ dễ chừng sẽ mất ghế như chơi…. Còn con bé búng ra sữa quỳ trước mặt em lại cầu xin cho tình yêu không tan vỡ. Khi nó quay lại, em thấy đôi mắt đỏ hoe…”.

Tôi hiểu, thoát ra khỏi ám ảnh thần linh, vợ tôi đang dần trở về với con người thực của nàng, con người nói cười hồn nhiên vô tư như sông nước Nam bộ.

 

Đi dọc theo rất nhiều hàng quán thì chúng tôi gặp một tốp xe ôm ào tới săn đón. “Cô chú lên đền Ông hay về nhà trọ?”. “Cô chú đi đâu lên xe tui đưa về…”. Tốp xe ôm vây quanh chúng tôi, rồi lại tản ra đón khách tiếp. Vợ tôi dường như vừa đánh rơi sức mạnh tâm linh và đã thấm nỗi mệt đường xa nên quyết định ngày mai mới sang đền Ông. Vừa nằm nghỉ lưng, chưa kịp tắm rửa, nàng đã ngáy khò khè. Tôi, một mình, ra ngắm ký ức tuổi thơ lang thang, bay nhảy trên những ngọn đồi thẫm đen màu hoàng hôn quê. Gió núi rượi mát mơn man tuổi đời.

 

Đêm. Tiếng con ễnh ương um oa, tiếng ếch nhái oàm oạp. Đâu đây độ lượng và hồn nhiên vẳng lên giọng ru con trong vắt, hình như là của bà Dụ Xá, từ một phía thẳm sâu ký ức có ngôi đền loang lổ dấu rêu, tềnh toàng gạch ngói.

 

À ơi…ngồi buồn vọc nước giỡn trăng

Tháng Giêng lúa tốt xanh đằng Lũng Sơn

 

Hẳn là vào giờ này bà chúa Dụ Xá đang ung dung hát ru, an nhiên phủ dụ yên bình. Nên bà hoàn toàn không hay biết rằng, có những đứa con trần gian đang cầu xin bà quá nhiều điều ham muốn./.

 

Tiêu Đình
Số lần đọc: 1398
Ngày đăng: 20.01.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cây Đa Cần Cái Miếu… - Nguyễn Hải Triều
Người Chiến Binh Ánh Sáng 2 - Cao Thu Cúc
Chuyện Cổ Tích Của Ông Ngoại - Diệp Hồng Phương
Hãy đi đi! - Đặng Chương Ngạn
Bền Đậu - Xuân Tuynh
Bến Nước Mười Ba - Trần Minh Nguyệt
Người Chiến Binh Ánh Sáng - Cao Thu Cúc
Quế - Lê Văn Thiện
Sáu Bẹo - Mang Viên Long
Vàng Bông Vạn Thọ - Nguyễn Lệ Uyên
Cùng một tác giả
Ngoài Tầm Bão Xoáy (truyện ngắn)
U 60 (truyện ngắn)
Freud Lắc Đầu (truyện ngắn)
Hương Dủ Dẻ (truyện ngắn)
Sóng Xao Bến Rì (truyện ngắn)
Riêng Trong Riêng (truyện ngắn)
Giả Vờ Yêu Nhau (truyện ngắn)
Đền Bà Ru Con (truyện ngắn)
Xóm núi (truyện ngắn)