Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
684
116.546.486
 
Ông Ba Say
Võ Xuân Phương

-Ông Ba say!

-Ông Ba say!

Tiếng trẻ con reo ngoài đường, tôi nhìn ra cửa sổ, thấy một người đàn ông trạc 40 đang đi bên kia đường, rồi quẹo vào quán.

 

Trong khi chờ kết quả kỳ thi tốt nghiệp PTTH tôi về nhà ngoại thăm, chơi, vừa ôn bài thi vào đại học.

 

Nhà ngoại tôi trước ở Diêm Quang, làng xóm quanh năm mằn mặn mùi muối, thời gian chiến tranh ác liệt ngoại dời lên ngả ba, nơi con đường huyện lỵ rẽ về làng cất quán bán nước, nơi quán ngoại có cây xoài to cành lá phủ rợp cả quán, đến mùa hoa xoài vàng ươm mùi thơm nồng, từ đấy quán còn có tên là quán ngả ba cây xoài.

-Có anh Năm ở nhà không Dì?

-Nó đi làm chưa về.

-Dì cho cháu nửa xị rượu,

 

Ngoại tôi lấy rượu và ly đem lại để lên bàn, sát cửa sổ ngó ra cây xoài. Ông Ba say lấy trong túi ra quả xoài vừa cắn vừa uống rượu.

 

Tôi nhìn xuyên qua cửa sổ phòng sau, dáng ông Ba say uống rượu điềm tĩnh, không nói, không cười, mắt đăm đăm nhìn ra ngoài, nhìn suốt con đường dốc núi nắng chang chang lòa cả mắt, tóc ông Ba dài xoăn bám cua lên đầu như chiếc bê-rê rộng chụp phủ xuống tai, cặp lông mày rộng xếch lên đôi mắt sáng, chiếc mũi thẳng, gò má nhô cao, tất cả được hun sạm bỡi cái nắng chang chang vùng biển. Uống gần hết nửa xị rượu, tôi nghe ông lẩm bẩm.

-Chú Ba ngâm thơ Vân Tiên Nghe chú Ba, ngoại tôi ngồi trên giường tre sát cửa quán nói với vào.

-Dạ chuyện gì chứ ngâm thơ Vân Tiên là cháu làm liền. Tính tiền luôn Dì, ông cho tay vào túi lấy tiền, miệng ngâm tràn: Trai thời trung hiếu làm đầu, Gái thời tiết hạnh là câu trau mình. Ông đứng lên chậm rãi ra khỏi quán,

 

Trưa hôm đó trong bữa cơm, tôi hỏi cả nhà sao lại gọi ông Ba say. Cậu tôi quay sang hỏi ngoại, có anh Phúc đến hả má?

-Ừ, nó đến tìm mầy, không gặp, ngồi chơi một lát rồi đi, chắc nó thường uống rượu nên nẫu gọi là Ba say.

 

Thằng Tâm con cậu tôi giải thích: Vì chú Phúc mỗi lần uống tới ba xị rượu, nên lúc đầu nẫu gọi là anh Ba xị, sau trại thành Ba say

 

Con Loan cãi lại, hôm trước chú Quangg đội trưởng và mấy chú nữa vào đây uống rượu, nói chú Phúc với chú Đức bạn thân, cùng uống rượu nhiều nhất ở đây, chú Phúc thua chú Đức một ly, nên tôn chú Đức là anh hai còn mình thứ ba, nên gọi là ba say. Nhưng chú Phúc có bao giờ say đâu! Thằng Tâm cãi lại, con Loan chẳng vừa, khi nãy anh nói chú Phúc mỗi lần uống ba xị, lúc sáng chú uống chưa hết nửa xị, thì sao!

 

Mỗi người giải thích một cách, mợ tôi nói, ngoài trường, mấy thầy kể, có lần chú Phúc ngồi uống rượu ở quán mình, cũng buổi trưa như trưa này, lúc đó có ông Bảy Nữa ở Phước Sơn đi mua ngựa trên An Khê về chạy xe, dắt ngựa qua đây, vào quán kêu một lít rưỡi rượu, đổ vào nón uống một hơi, xong, đưa tay áo lên chùi miệng rồi đi, chú Phúc phục quá tôn làm anh hai, còn mình chịu nhận là thứ ba.

-Ờ, còn thằng Đức lâu nay ít thấy ghé vào chơi, trước kia hai đứa như hình với bóng, như Vân Tiên với Tử Trực, có lần thắng Phúc nói vậy, lâu nay không thấy hai đứa vào quán uống rượu nói chuyện thơ, Lục Vân Tiên và Kiều với mầy. Ngoại tôi nhìn, cậu tôi nói. Các anh ấy bận rộn chuyện làm ăn, cậu tôi nói cho xuôi chuyện.

 

Đêm hôm đó sáng trăng, ánh trăng chớm hạ, khô và mát rượi, cậu tôi và tôi ngồi dưới gốc cây xoài, câu chậm rãi, hút thuốc, uống trà kể về ông Ba say!

 

Hồi trước, ở thôn Diêm Quang có cậu, Đức và Phúc đi học trường tiểu học trên này, cậu đưa tay chỉ về hướng Gò Bồi cách nhà khoảng nửa cây số, rất thân nhau, lên trung học thì học ở trường Bồ Đề Nguyên Thiều, đến năm đệ ngũ, nay là lớp tám, quê mình giải phóng, cậu tham gia cách mạng, Phúc và Đức tiếp tục học lên, từ đó không rõ về nhau, sau này cậu biết, suốt cả thời gian đi học hai anh cũng rất thân nhau, khi lên đại học, Đức vào sư phạm, còn Phúc học ở khoa học.

-Thưa cậu, ba cậu Đức tập kết mà cậu Đức học sư phạm cũng được sao?

-Thời ngụy nó hiểm vậy cháu ạ, nó lôi kéo các con em gia đình cách mạng theo nó. Sau khi ra trường dạy được nửa năm, Phúc bị gọi đi lính, còn anh Đức vẫn tiếp tục dạy.

-Ủa! sao cả hai cậu đều đi dạy mà cậu Đức tiếp tục dạy, còn cậu Phúc lại đi lính hả cậu?

-Cậu Đức học sư phạm, còn cậu Phúc học ở khoa học, sau đó xin dạy giờ, gọi là giáo sư tư nhân, không được hoãn dịch, chỉ có thầy giáo học sư phạm ra mới được hoãn mà thôi. Đến khi 1975, Phúc đi học tập cải tạo, cậu Đức vẫn đi dạy, và cũng thường lên An Trường thăm cậu Phúc, lúc đó cậu bận quá, công việc sau giải phóng rất nhiều cháu à, có tranh thủ cùng Đức đi thăm anh Phúc một lần. Tôi nghĩ thầm hay cậu sợ liên lụy, có lần tôi nghe ngoại than cái thằng cậu mầy ít có tình, nó với thằng Phúc lúc nhỏ như anh em ruột, nhà cùng xóm, học cùng lớp, không lúc nào rời nhau, nhưng khi giải phóng xong, tao nghe nẫu nói thằng Phúc đến trình diện, cậu mày nhìn như một người lạ, rồi lơ.

 

Gió từ phía biển thổi lên mát rượi, cậu tôi ngừng nói, vấn thuốc hút, đóm lửa đỏ lòm, lóe lên soi rõ khuân mặt hơi buồn buồn, có điều gì đó khó nói, ánh trăng sáng quá, cắt rõ nét bóng cây xoài xuống nền đất sỏi dẽ cứng, cánh đồng trước mặt chạy dài theo hướng bờ sông, mất hút tầm mắt, trăng mát rượi, rải đều, phía đường cái người đi xem hát nói chuyện ồn ào, cậu tôi uống một ngụm trà, tiếp tục kể.

 

Học tập về, Phúc lao động rất tốt, hầu như công việc gì của hợp tác xã anh làm đều xuất sắc, năm nào công điểm của anh cũng cao nhất hợp tác xã, anh chăm chú làm vườn, chăn nuôi, anh lầm lũi với công việc, giúp vợ, dạy con, ít giao du với bạn bè, chỉ chơi với cậu và cậu Đức, nhưng với mọi người thì Phúc vẫn hòa nhã, chào, hỏi, rồi thôi, thường thì một tuần hoặc nửa tháng gặp nhau tại đây nói chuyện lung tung, Phúc và Đức học chính qui, tốt nghiệp trước 75, đọc sách, báo nhiều, nên hiểu biết rất rộng và sâu, cậu học tập rất nhiều ở hai anh ấy trong các cuộc chuyện trò lung tung đó.

-Cậu cũng tốt nghiệp đại học rồi mà.

-Ừ, cậu cũng tốt nghiệp đại học, ở bậc phổ thông cậu học bổ túc, mỗi tuần học một ngày, bữa đi, bữa không, về nhà biết bao việc, nào việc cơ quan, nào việc nhà, có thì giờ đâu mà học, rồi cũng lên lớp, cũng tốt nghiệp, sau đó cơ quan giải quyết cho đi học đại học tại chức, mười người tốt nghiệp như cậu, may có một hoặc hai người có trình độ, còn lại là hợp thức để làm việc. Cậu tôi dừng nói, nhìn ra phía đường, con đường đất đỏ chạy ra Gò Bồi, qua trường lúc nhỏ ba người học, cùng đi, về có nhau trong những ngày nắng cháy da mặt, khi xe tụi Mỹ hay Đại Hàn chạy thì bụi mù mịt, hay những lúc mưa tầm tã, có lúc ba đứa chung nhau một mảnh nhựa xanh che mưa! Co ro dựa vào nhau đi về, thế mà đã hai mươi năm! Cậu nói tiếp, Hai anh thường nói chuyện văn thơ anh Phúc khen tuyện Lục Vân Tiên, có đủ các tình: vua – tôi, thầy - trò, bạn - bè, trai - gái, có chung thủy, có phản trắc, lời thơ mộc mạc, dễ hiểu, lắm lúc thô , nhưng cụ đồ Chiểu chú ý cái tình, cái nghĩa để khuyên răn lớp trẻ bây giờ chạy theo lới sống tiền bạc quên đi dạo làm người của ông bà ta xưa! Còn anh Đức thì nói truyện Kiều là tuyệt tác, anh thường nhắc câu nói của Phạm Quỳnh, truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn, để minh chứng giá trị của truyện Kiều với đất nước, cháu biết không, anh Phúc học bên khoa học, ra dạy toán, anh Đức học sư phạm văn, có lần anh Phúc nói ngày xưa các tướng khi ra trận mà gặp tướng đối địch là đàn bà hay con nít thì hãy coi chừng đấy là những kỳ tài! Tôi thêm vào như hai bà Trưng, bà Triệu, Bùi Thị Xuân, Trần Quốc Toản hả cậu, cậu tôi mỉm cười, nói như vậy, ý anh Phúc nói học văn nói chuyện văn là bình thường, còn học toán mà nói chuyện văn là coi chừng! Cậu thấy anh Phúc nói cũng có lý, cậu nghe các bạn nói lại, khi còn đi dạy anh Phúc không bao giờ uống rượu, có lần anh nói, rượu làm người ta đỏ mặt nhưng đen nhân cách, tôi hỏi sao nay cậu ấy lại uống rượu, mà còn có danh là ba say nữa chớ! Cậu tôi lại vấn thuốc hút, những làn khói xanh đen lan tỏa trong bóng râm của tàn xoài, trăng lên dần đỉnh núi, làm bóng cây xoài tròn lại. Cậu tôi chậm rãi nói, khi trưa cháu còn nhớ ngoại nói, sao mấy lúc sau này ít thấy Phúc và Đức cùng đến chơi! Giữa hai anh chưa xảy ra mâu thuẫn gì cả, chỉ là một phút xốc nổi sinh ra ít thân như xưa, chuyện này không ai biết chỉ có cậu và hai nhà anh Phúc và anh Đức biết mà thôi. Hai vợ chồng anh Đức đều là giáo viên, cuộc sống với đồng lương thật chật vật, Đức từ nhỏ đi học, lớn đi dạy, bản chất tiểu tư sản vẫn còn trong người, không quen lao động, thành ra mọi chi tiêu hàng ngày đều bám vào đồng lương,

- Cháu nghe các cô giáo thường buôn bán với các cửa hàng,  tôi chen vào

- Số ít thôi cháu! Lại nữa, vợ anh Đức cũng không thuộc loại người này, từ sau giải phóng, anh Đức làm hiệu trưởng, nên thường được các thầy mời nhậu lai rai nhiều, sa đà vào những chuyện phiếm, những bữa nhậu sau buổi chiều, thành quen. Anh Phúc biết điều đó, nên cố tạo điều kiện cho chị Đức tăng thu nhập bằng cách chăn nuôi, có một lần anh Phúc rủ chị Đức đi Quang Hiển mua mì, trước dùng nuôi heo, sau bán kiếm lời, anh Đức không đồng ý, rồi câu chuyện cũng qua, mấy tháng sau, anh Phúc và Đức lên kho hợp tác xã mua thuốc trừ sâu, nhưng không có, anh Phúc về nhà, còn anh Đức gặp bạn vui chơi chiều tối mới về, chị Đức hỏi tiền, thì anh Đức đã tiêu hết rồi, tính đàn bà cháu phải biết đụng đến tiền thì họ cằn nhằn dữ lắm, anh Đức bực tức, và sẵn có hơi men nói luôn: Tôi đi thì chỉ mất có tiền, còn bà đi thì mật hết! Chị Đức ngỡ ngàng, không biết chồng mình muốn ám chỉ gì đây?

- Anh nói cái gì mà mất hết?

- Tại sao hôm trước, thằng Phúc nó rủ bà đi mua mì ở Quang Hiển? Nó với bà có tình ý gì? Chị Đức từ ngỡ ngàng đến tức giận. Cậu biết chị Đức tính rất tốt về quan hệ trong đời sống cũng như công việc ở trường, chị Đức đến nhà anh Phúc nói và đề nghị anh Phúc không đến nhà chị nữa, anh Phúc hứa sẽ không đến chơi, chỉ đến khi cần thiết, mãi sau này cậu biết chuyện, thật là rượu làm đỏ mặt, nhưng đen nhân cách! Sau khi học tập về tính anh Phúc ít nói, lầm lũi, nay càng ít nói và lầm lũi hơn! Bây giờ chỉ còn cậu là người để anh tâm tình, xong về nhà lo làm muối, giúp vợ, dạy con.

- Cháu nghe nói cậu Phúc đủ điều kiện đi Mỹ mà sao không đi, cậu?

- Phúc còn mẹ già, lớn tuổi hơn ngoại, mà mẹ của Phúc không chịu đi, bà đó nói bỏ mồ mả ông bà chẳng đành, lại nữa khi chết thì ở xứ người.

- Cậu Phúc còn có mấy chị em gái, mà cậu!

- Đúng vậy, nhưng anh Phúc không an tâm, anh nói phải chính anh ấy săn sóc cụ! Thật là, phụ mẫu tồn bất khả viễn du, ông bà ta xưa có dạy như vậy.

- Nghe cậu Phúc trước không bao giờ uống rượu, nay lại uống rượu?

- Khi anh Phúc học tập về, má anh Phúc đi bắt cua về dã vắt với rượu bắt anh uống, đây là phương thuốc Nam, làm tan máu tụ của những người bị đánh, hoặc té, lại nữa anh Phúc thường chơi với anh Đức mà anh Đức lại uống rượu, cứ nói làm tí cho ấm bụng, lâu thành quen.

- Sao cậu Phúc rất ít uống rượu và khi uống rất ít mà lại gọi là ba say hả cậu?  Cậu tôi mỉm cười

- Chuyện con nít đấy mà! Lúc còn học tiểu học, sau lên trung học các cậu rất thích đọc truyện Tàu, sau đó lại mê kiếm hiệp, khi đọc tam quốc chí thấy có ba ông Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi vào vườn đào kết làm anh em kết nghĩa, sống chết có nhau, sướng khổ cùng hưởng, các cậu thích quá cũng vào chùa Long Phước, ra sau vườn, đứng dưới gốc xoài vái thề làm anh em kết nghĩa. Khi gặp nhau nói chuyện, anh Phúc ca tụng làm trai phải có bi, trí, dũng, còn Đức lại cho phải là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, cứ cãi nhau mãi, gặp là cãi, vì vậy Phúc được tụi bạn đặt biệt danh là ba say, còn Đức là năm cuồng.

- Còn cậu có biệt danh gì không cậu? Tôi mạnh dạn hỏi, cậu tôi mỉm cười. Vậy mà cháu nghe giải thích rất nhiều chuyện, có lúc thần bí, có lúc như truyện kiếm hiệp.

- Cuộc sống là vậy, ai cũng cứ hiểu và nói theo suy nghĩ của mình, sao thấy nghe được là được, ít ai hiểu đến nơi đến chốn và gốc gác của nó.

 

Trăng lên cao, phía sân bãi đã vãn hát, tiếng nói chuyện của người đi xem về râm ran khắp các ngả đường về xóm xa. Tôi ngồi im lặng, nhớ dáng ông ba say khi trưa, bước ra khỏi quán, đi về cuối dốc, giọng khàn khàn ngâm: Vợ Tiên, Tử Trực chị dâu. Chị dâu, em bậu có đâu lỗi nghì. Cái nắng đầu hè đã gay gắt chiếu thẳng vào dáng lầm lũi đi về xóm muối, toát lên vẻ cô đơn, chịu đựng, sự cô đơn ít ai biết! Ai là người hiểu mình đây!./.

 

Tháng 5 năm 1988

Võ Xuân Phương
Số lần đọc: 1246
Ngày đăng: 20.01.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cây Đa Cần Cái Miếu… - Nguyễn Hải Triều
Người Chiến Binh Ánh Sáng 2 - Cao Thu Cúc
Chuyện Cổ Tích Của Ông Ngoại - Diệp Hồng Phương
Hãy đi đi! - Đặng Chương Ngạn
Bền Đậu - Xuân Tuynh
Bến Nước Mười Ba - Trần Minh Nguyệt
Người Chiến Binh Ánh Sáng - Cao Thu Cúc
Quế - Lê Văn Thiện
Sáu Bẹo - Mang Viên Long
Vàng Bông Vạn Thọ - Nguyễn Lệ Uyên
Cùng một tác giả
Đêm Nghe Gà Gáy (truyện ngắn)
Hoa Mai Nở Muộn (truyện ngắn)
Gió Chướng *** (truyện ngắn)
Đường Chỉ Tay (truyện ngắn)
Ông Ba Say (truyện ngắn)
Chợ Hoa Ngày Tết (truyện ngắn)
Đêm Nghe Gà Gáy (truyện ngắn)
Mùi Lạ (truyện ngắn)
Rượu Người (truyện ngắn)
Hơn - Sức (truyện ngắn)
Bọn Bốn Đứa (truyện ngắn)
Bông Sen Trắng (truyện ngắn)
Hương Bùn (truyện ngắn)