Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
503
115.984.768
 
Văn Hóa Phong Tục, Tập Quán Ngày Tết Qua Tâm Thức Vũ Bằng
Trần Hoài Anh

1. Trong cuộc đời mỗi người, có lẽ ngày tết là những phút giây ấn tượng nhất vì nó gắn với những gì thiêng liêng nhất trong tâm thức và tâm cảm con người. Tết! Chỉ cần nhắc đến danh từ ấy dù trong thời khắc nào của cuộc sống đều thức nhận trong ta những vùng ký ức văn hóa với bao hoài niệm, nhớ mong gắn liền với hành trình sống của con người từ tuổi thơ cho đến lúc trưởng thành.

 

Với tâm hồn nhạy cảm của một nhà văn, không những thế còn là một nhà văn hóa, Vũ Bằng đã cảm nhận ngày Tết thật tinh tế và sâu sắc. Với ông “ Yêu tháng chạp không biết bao nhiêu, nhưng yêu nhất là những ngày giáp Tết, thời tiết sao mà đĩ thế, con mắt tấm lòng sao mà đong đưa thế, lời nói, tiếng chào sao mà duyên dáng tơ mơ thế”. (1) Phải chăng vì thế, trong sáng tác Vũ Bằng, Tết không chỉ là khoảnh khắc của sự chuyển mùa, của tiết thời tuần hoàn theo lẽ tự nhiên của vũ trụ mà còn là một kí ức văn hóa luôn gắn với tâm thức con người mà ở đó văn hóa phong tục, tập quán ngày Tết là một trong những nét văn hóa để lại dấu ấn sâu đậm nhất.

 

2. Tết trong tâm thức văn hóa của người Việt không chỉ để vui chơi, để ngơi nghỉ mà còn là lúc con người trở về với nguồn cội, trở về với những giá trị văn hóa truyền thống, với những phong tục, tập quán “đã ăn sâu vào đời sống xã hội từ lâu đời” ( 2) Vì thế, cũng như mọi người dân nước Việt, những phong tục, tập quán ấy không chỉ ăn sâu vào tâm thức Vũ Bằng mà đã trở thành nỗi ám ảnh của vô thức và tâm linh, được thể hiện sinh động qua những trang viết của ông. Cho nên, chúng ta không lấy làm ngạc nhiên tại sao trong sáng tác của Vũ Bằng lại có nhiều tác phẩm viết về Tết lay động lòng người đến thế, như: Mơ về những cái tết xa với những anh em văn nghệ tiền chiến; Chén trà đầu xuân, Ngoảnh lại trông xuân, Tranh gà tranh lợn với ngày tết Việt Nam… Không những thế, trong tác phẩm tùy bút nổi tiếng Thương nhớ mười hai, ngoài tháng mười hai được đặt tên: Tháng Chạp, nhớ ơi chợ Tết, Vũ Bằng còn dành riêng chương cuối: Tết, hỡi cô mặc áo yếm xanh để hoài niệm và ca ngợi những giá trị văn hóa phong tục truyền thống rất đặc sắc trong ngày Tết của dân tộc, làm thổn thức lòng người. Có thể nói, qua những sáng tác nầy, Vũ Bằng đã khắc họa thật sinh động chân dung Văn hóa tinh thần ngày Tết của dân tộc, vừa truyền thống lại vừa hiện đại, vừa tự sự lại vừa trữ tình, vừa hiện thực lại vừa lãng mạn… Và trong đó, những nét văn hóa phong tục ngày Tết là một phần không thể thiếu của chân dung văn hóa tinh thần ấy.

 

Là người Việt Nam không ai lại không khắc ghi trong tiềm thức về nguồn cội của mình. Điều đó đã trở thành một giòng sinh mệnh văn hóa của dân tộc được lưu giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ, được hiện thực hóa qua nhiều phong tục, tập quán trong đó có phong tục thờ cúng tổ tiên đã đi vào tâm thức dân tộc không chỉ như một giá trị đạo đức mà còn như một giá trị văn hóa. Tục ngữ có câu: “ Chim có tổ người có tông”. Vì vậy, văn hóa phong tục, tập quán ngày Tết qua tâm thức Vũ Bằng, trước tiên là phong tục thờ cúng tổ tiên mà ông hết lòng ca ngợi. Với ông về quê ăn tết không chỉ là ăn tết, mà người ta trở về là để thăm mộ gia tiên, thắp hương bàn thờ, khấn vái ông bà, thăm họ hàng, làng nước. Và trong một ý nghĩa nào đó còn là trở về để tỏ lòng biết ơn với các đấng sinh thành cũng như tự ý thức về sự tồn sinh của bản thân trong mối quan hệ với tông tộc, với gia đình. Cho nên trong cảm thức văn hóa của Người Việt, theo Vũ Bằng Tết mà không về quê “ là không ăn tết, không ăn tết thì không yên tâm được. Có ai bắt buộc họ đâu, nhưng họ cứ về, vì cách gì trong một năm họ cũng phải trở về nhìn lại bàn thờ, ngôi mộ, cây cau, cúng ông bà, thăm họ hàng làng nước một lần, mà lần đó phải là ngày Tết”. ( 3) Vì thế, ông cho rằng đối với tất cả người Việt Nam về quê ăn tết là “trở về nguồn cội để cảm thông với ông bà tổ tiên, với anh em họ hàng, với đồng bào thôn xóm” (4)

 

Cùng với phong tục thờ cúng tổ tiên, một phong tục khác không thể không nói đến trong văn hóa phong tục ngày Tết cổ truyền của dân tộc đó là tục thờ cúng ông Táo được Vũ Bằng tường giải thật sinh động, hấp dẫn, có lý có tình không chỉ từ góc nhìn văn hóa phong tục mà còn từ góc nhìn văn hóa gia đình và xã hội. Theo ông “Sự thờ cúng ông Táo và sự tiễn đưa ông Táo lên trời trong hôm hai mươi ba tháng Chạp chứng tỏ rằng người mình lúc ấy đã tổ chức thành gia đình nhỏ, mà cái bếp của ông Táo là tượng trưng cho gia đình, cái bếp là đơn vị nhỏ nhất của xã hội. Cái gia đình ấy, cái đơn vị ấy đồng nhất từ Bắc vào Nam cho nên không có kẻ nào chia rẽ được Nam với Bắc” (5). Trong xã hội hiện đại hôm nay, khi những mối dây kết nối đời sống gia đình đang đứng trước nguy cơ rạn vỡ thì sự lý giải của Vũ Bằng về một phong tục ngày Tết mang ý nghĩa gắn liền với tổ ấm của gia đình đã thức nhận cho chúng ta nhiều nghĩ suy để làm thế nào giữ vững tế bào gia đình trong cơ thể xã hội luôn có những biến đổi văn hóa như thế này!?

 

Không những thế tục thờ cúng và tiễn đưa ông Táo chầu trời trong ngày Tết theo quan niệm của Vũ Bằng không phải là vấn đề mê tín dị đoan. Bởi vì theo ông: “ Nếu bảo tiễn ông Táo là mê tín dị đoan thì cả nước ta đoàn kết ngay cả trong sự dị đoan mê tín: ông Táo ở Bắc, hôm hai mươi ba tháng Chạp, lên chầu trời cưỡi một con cá chép thì cũng ngày ấy ở Trung, ông Táo cưỡi một con ngựa yên cương chĩnh chạc, còn ở trong Nam thì giản dị hơn, đồng bào ta cúng ông một cặp giò – cặp hia để cho ông đi lên Thiên Đình cho lẹ!” (6)

 

Và xuất phát từ góc nhìn văn hóa, Vũ Bằng đã khẳng định: “ Mình là người trần mắt thịt biết thế nào là dị đoan hay không dị đoan, biết thế nào là Tây phương có lý hay Đông phương có lý? Ai bảo phản khoa học em chịu, mà ai bảo cái tục này do quan lại phong kiến đặt ra để ngu dân, lại cũng chịu luôn; nhưng lễ tiễn ông Táo vẫn cứ lễ tiễn như thường vì không làm như thế thì em ăn Tết không ngon. Tội gì mình lại khổ thân mình như thế”. (7) Cũng trong dòng tâm thức văn hóa này, ngoài phong tục tiễn đưa ông Táo, Vũ Bằng còn đề cập đến lễ tiễn ông vãi, lễ tạ trường và lễ tất niên cũng là những phong tục không thể thiếu vắng trong văn hóa ngày Tết. Theo Vũ Bằng: “Trong lễ tiễn ông vãi, người ta đem hết cả những chân nhang trong bát hương đốt quanh năm ra đỗ xuống sông hồ hay đốt đi và thay tro khác vào bát hương. Nhân lúc con cháu dọn dẹp, bày biện lại bàn thờ, ông vãi thừa dịp đi chơi vài ngày để chờ lễ giao thừa lại trở về ăn tết với con cháu trong nhà.

 

Ít lâu sau này lễ tạ trường đã bỏ vì chữ Hán hết thời, nhưng lễ tất niên thì vẫn giữ nguyên cò bay ngựa chạy từ đồng ruộng đến thị thành: đúng ngày ba mươi tháng Chạp, dân chúng làm cỗ ăn mừng và gọi là cỗ tất niên” (8)

 

Với khát vọng về một cuộc sống an lành, Vũ Bằng còn đề cập đến những tập tục gắn với đời sống tâm linh của dân tộc trong ngày Tết như: tục đi hái lộc, xin xăm, xin quẻ đầu năm để biết “kiết hung”.  Theo Vũ Bằng “cái Tết đẹp nhất, mê ly nhất chính là ở vào giây phút thần tiên đó. Lát nữa, cúng kiến trời đất tổ tiên xong rồi, người vợ thoa tí phấn, điểm một giọt hồng lên má rồi bận cái áo nhung màu hoa sim cùng chồng và con mở cửa đi ra đền Ngọc Sơn, rẽ sang đình Hàng Trống, đi lên Hồ Tây, vào đền Quan Thánh, lễ giao thừa, rồi người thì cầm cành lộc, người cầm hương lộc, đi thong thả về nhà, sự mê ly còn gấp trăm gấp ngàn lần nữa” (9). Và để được sống hạnh phúc, người ta không chỉ cầu mong điều phúc mà còn biết kiêng những điều dữ. Việc không gọi tên con khỉ, con chó, con lợn vì sợ nói đến tên chúng thì không may mắn, kiêng nói đến tên “cầy” trước khi cúng bái cày, kiêng không viết lách trước khi làm lễ khai bút, kiêng buôn bán hàng trước khi làm lễ tiên sư ở quầy hàng, hay tết Hàn Thực kiêng dùng bữa, chỉ ăn ròng đồ lạnh… Hay việc “không được quét nhà vì sợ đuổi thần tài ra khỏi cửa, không được đánh vỡ chén bát để tránh đổ vỡ suốt năm, không được khâu vá vì kim chỉ tượng trưng cho công việc làm ăn vất vả” (10)

 

Cùng với những phong tục trên có những tập quán đã trở thành sinh hoạt văn hóa trong ngày tết của người dân cũng được Vũ Bằng ghi lại thật tinh tế. Đó là tập quán chơi hoa kiểng trong ngày Tết mà theo ông “ đến Tết nhà nào cũng phải có một cành đào hay cây mai, một chậu cúc, cụm hồng nhung hoặc một cặp đỗ quyên có hoa nở đỏ chói để cho vui nhà vui cửa; nhưng có những nhà đặc biệt quan niệm rằng Tết mà không có hai chậu lan chân cua để trưng bày thì cái Tết kém hẳn phần rực rỡ” (11). Hay thú chơi tranh với những bức tranh “mang những hình vẽ khác nhau: Hái dừa, gà mẹ gà con, chuột vinh qui bái tổ, Phúc Lộc Thọ, Thần Trà, Uất Lũy, cóc đi học, Ngưu Lang Chức Nữ, Đinh Tiên Hoàng cưỡi rồng v.v… Bức nào cũng xanh đỏ lòe loẹt, bức nào cũng có những nét hỏm hỉnh mà ngây thơ, bức nào cũng làm cho chúng tôi thích thú”. (12)

 

Chính vì vậy, sau nầy, dẫu đi học trường Tây hoặc đi phiêu bạc khắp mọi miền đất nước, tâm thức văn hóa ấy luôn là nỗi ám ảnh trong ông. Vì theo Vũ Bằng, đây cũng chính là một phần của tâm thức văn hóa dân tộc: “Thì ra những bức tranh gà lợn đó không phải chỉ hòa đồng với tôi, mà hòa đồng với vợ, với con tôi như thế, có lẽ vì chúng tượng trưng cho tinh thần dân tộc Việt Nam mà chúng tôi không biết. Tưởng Tết mà vắng những bức tranh ấy mình cảm thấy nhớ nhung. Tết mà không mua tranh ấy dán lên tường, mình thấy chưa phải hoàn toàn Tết.” (13)  

 

3. Trong tâm thức của Vũ Bằng tất cả những phong tục, tập quán của người Việt trong ngày Tết đều được ông lý giải từ góc nhìn văn hóa và cũng từ điểm nhìn văn hóa này ông tìm thấy sức sống của dân tộc, bản sắc của dân tộc, cốt cách của dân tộc. Ông cho rằng tục tiễn ông Táo, tục không quét nhà, tục xông đất thoát thai từ sự tín ngưỡng thờ Thần Đất và: “ Có người bảo sự tin tưởng đó có từ lúc dân ta bắt đầu định cư và sống về nghề nông” (14).  Rồi ông khẳng định: “ Có từ lúc nào cũng được, nhưng tựu trung thì cũng chẳng có hại gì, vì tin Thần Đất như thế cũng như thờ cúng ông bà cha mẹ, ai cũng phải nhận là một tục hay mà người phương Tây không thể cho là dị đoan mê tín” (15). Và cũng từ góc nhìn văn hóa  mà những lý giải của Vũ Bằng về phong tục tập quán của dân tộc trong Tết cổ truyền như: viết câu đối dán ở cột trước cửa và ngoài sân, mua trầm để đốt trên bàn thờ, treo tranh gà lợn trên tường, thăm mộ gia tiên nội ngoại, trồng nêu, vẽ vôi bột, gói bánh chưng, lau dọn nhà cửa, chúc nhau ngày tết, đi chùa để cầu trời khẩn Phật… đều có một ý nghĩa nhân văn sâu sắc vì lẽ: “ cứ tin như thế, người ta thấy đời đẹp hơn, đáng yêu hơn”. (16) Phải chăng, chính niềm tin mang màu sắc tâm linh này giúp con người sống nhân ái hơn, chân thiện hơn, hoàn mỹ hơn khi mà họ không còn đủ niềm tin vào cuộc đời trần thế đầy nhiễu nhương và bất an này?! Bởi vì trong tâm thức Vũ Bằng về văn hóa Tết nói chung và văn hóa phong tục, tập quán ngày Tết nói riêng thì quan niệm về tết của dân tộc ta “đã cao thượng lắm rồi, nó khác hẳn đạo Phật, đạo Lão, nó không tách ra khỏi cuộc sống mà lại đi vào cuộc sống, dựa vào cuộc sống mà vươn lên, nó thực tiễn và tiến bộ…” (17)

 

Chính vì vậy tìm về với văn hóa phong tục tập quán ngày Tết qua tâm thức Vũ Bằng là tìm về những giá trị nhân văn được thể hiện qua những phong tục tập quán ấy. Phải chăng đó cũng chính là thông điệp mà nhà văn muốn gởi đến chúng ta trong những ngày xuân ngọt ngào, ấm áp sau những tháng ngày lận đận áo cơm.

 

Và cũng như Vũ Bằng tôi nguyện cầu: “ xin Trời Phật phù hộ cho không bao giờ có những ngày xuân, ngày Tết không có hoa và bướm, không bao giờ có những người không được thương yêu, không bao giờ có những cây không nảy lộc, những cặp mắt không sáng ngời và cũng không bao giờ lại có những con người xảo trá, tham tàn độc ác…” (18) để cho nhân loại này mãi mãi có cuộc sống an lành, hạnh phúc và đầy ắp tình yêu thương không chỉ trong những ngày xuân mà trong tất cả mọi ngày của cuộc sống …

                                                                        

Gò Vấp, 15 / 12 / 2011

Thêm một Tết ly hương…

 

Chú thích:

 

(1) (3) (6) (7) (8) (14) (15) (16) (17) (18), Vũ Bằng Toàn tập, tập 1, Nxb văn học , Hà Nội, 2006, tr.776. tr.766, tr.773, tr.772, tr.775, tr.787, tr.787, tr.787, tr.767, tr.798

(2) Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tổng hợp Tp HCM, 2000, tr. 234

(4) (5) (9) (10) (11) 12) (13), Vũ Bằng, Thương nhớ Mười Hai, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 1993, tr.202, tr.209, tr.217, tr.295, tr.198, tr.220, tr.222.

 

Trần Hoài Anh
Số lần đọc: 2587
Ngày đăng: 24.01.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ý nghĩa của tên gọi Việt Nam và định hướng văn hóa - Nguyễn Đăng Trúc
Văn-Hóa Việt-Nam 9 - Nguyễn Thế Thoại
Văn-Hóa Việt-Nam 8 - Nguyễn Thế Thoại
Văn-Hóa Việt-Nam 7 - Nguyễn Thế Thoại
Văn-Hóa Việt-Nam 6 - Nguyễn Thế Thoại
Văn-Hóa Việt-Nam 5 - Nguyễn Thế Thoại
Văn-Hóa Việt-Nam 4 - Nguyễn Thế Thoại
Văn-Hóa Việt-Nam 3 - Nguyễn Thế Thoại
Văn-Hóa Việt-Nam 2 - Nguyễn Thế Thoại
Văn-Hóa Việt-Nam 1 - Nguyễn Thế Thoại
Cùng một tác giả
Thanh Thảo và Thơ (tiểu luận)