Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
480
116.586.652
 
Một Ngày Đầu Năm .
Đặng Kim Côn

Vừa rảnh rỗi các công việc xếp các môn sinh thi đấu cho đêm võ đài tại Thành Bình Định, tôi nhờ chủ nhà trọ dẫn đi thăm các vườn cảnh quanh đây. Một trong những nhà có chơi bonsai được giới thiệu chủ nhân là anh Đặng Tấn Tới, tôi hân hoan bắt tay anh, chờ cho người quen giới thiệu đôi bên, tôi nói thêm:

- Tôi thích bonsai, muốn xem để học hỏi, không ngờ chủ nhân là anh Tới, một tác giả thơ, tôi có đọc qua trước 75.

 

Anh Tới có vẻ giật mình, dè dặt nhìn tôi (thật nhanh, loáng một cái chắc là quan sát hết từ đầu đến chân). Tôi cười thầm trong bụng, ở đây tôi nghênh nghênh ngang ngang là một võ sư hướng dẫn môn sinh tham gia võ đài theo lời mời của huyện nhà, coi như là một khách mời danh dự, được ngước mắt ngẩng cao đầu, quan này quyền nọ bắt tay bắt chân, chứ còn ở quê tôi, vào thời điểm đầu thập niên 80, một bước ra khỏi nhà tôi cũng ngó trước ngó sau, cũng e dè, sợ sệt, nên tôi rất hiểu tâm trạng bất an của anh Đặng Tấn Tới lúc này.

 

Có người chủ nhà trọ, mà ban tổ chức võ đài gửi võ đường tôi đến ở, dẫn tôi đi, tôi không biết rõ con người này ra sao, nên cũng có thể anh Tới nhìn tôi qua người đó mà ái ngại chăng. Thôi thì dẫu sao, tôi cũng đã có duyên gặp được một nhà thơ. Tôi cũng hoàn toàn không hiểu nhân thân của anh Tới thế nào, nhưng qua dáng vẻ anh, tôi đoán, anh cũng đang là một phó thường dân, nhưng có lẽ, anh ấy khá hơn tôi nhiều, có được vườn bonsai, nhà cửa khang trang, nước da trắng trẻo, da thịt sởn sơ (nếu gặp ngoài đường chắc tôi tưởng Tới là một cán bộ… lớn).

 

Không để anh phải “lo lắng” lâu, tôi giới thiệu anh, để anh hiểu tôi chả liên quan gì với địa phương này (mà ai biết, thời buổi ma quỷ lẫn lộn này, người ta thiếu gì cách biến hóa), chỉ là một tên võ biền “vô tích sự” thôi “Tôi ở Phú Yên, dẫn học trò đi đấu, đi lòng vòng xem cây cảnh cho hết giờ”.

 

Vẻ căng thẳng của Tới coi bộ nhũn ra, anh dẫn tôi loanh quanh mấy chậu kiểng, nhưng vẫn giữ kẽ, không mấy cởi mở.

 

Đám bonsai không nhiều, loáng chút xíu là hết, tôi vẫn làm như thờ ơ để anh khỏi phải nặng nề, mà lại cũng muốn tạo chút thiện cảm nơi chủ nhân, nên cũng lựa lúc chêm vào chút hiểu biết “Tôi có đọc nhiều bài thơ của anh, thích lắm” vô tình tôi thấy mặt anh vừa xa xôi vừa xám xịt như mây 75 vừa bủa trên đầu, liếc nhanh về phía người dẫn đường, nói một chuyện cây lá vu vơ đánh trống lảng như không nghe, không thấy, không biết, và lại càng không nhớ không thương, thiếu điều xua tay chối bỏ những đứa con văn hóa tiểu tư sản độc hại tai ác của mình. Không cần tinh ý lắm cũng thấy cái vẻ ghẻ lạnh chỉ là chưa kịp nói một câu đuổi khách của anh, làm tôi bối rối “Xin lỗi anh!”

 

Đau đớn, thời buổi thực dụng tế nhị quá, người ta sợ bất kỳ ai, nhất là chuyện văn hóa, cho dù là chuyện thơ văn vô thưởng vô phạt, cảm thấy mình có lỗi, tôi vội vã chào chủ nhà, từ giã, không đợi uống một ngụm trà, cho dù, đang mới Mồng 4 Tết, chắc chủ nhân cũng sẽ có ý mời cho đủ lễ… Bình Định.

 

Rút kinh nghiệm, tôi lang thang một mình. Cũng nhân tình cờ gặp anh Đặng tấn Tới, tôi chợt nghĩ tới một người bạn tù, anh Mang Viên Long, nghe nói cũng ở đây, một thị trấn nhỏ, chỉ có một con đường chính, không khó khăn mấy để hỏi thăm tên anh, ai cũng biết nhà văn, thầy giáo Mang Viên Long, đang là một “chuyên gia” ổ khóa chìa khóa, nhà ở trước chợ Bình Định. Tôi mò đến.

 

Từ xa tôi đã nhận ra anh, một thời anh dạy học ở Tuy Hòa, cũng đã mấy lần tặng tôi mấy tập truyện ngắn của anh, sau 75, ở trại tập trung Ngân Điền, vì anh có thời gian đi 9 tuần Thủ Đức nên cũng bị lùa vào đây, ở chung với tôi, và anh em cũng đã khá thân nhau. Mặc dù đã mấy năm không gặp, nhưng anh cũng nhận ra tôi dễ dàng. Anh em tay bắt mặt mừng. Thấy anh có công việc tôi cũng mừng. Thấy vui vui, tôi đùa:

- Lâu nay anh có vô thăm lại Tuy Hòa không?

- Không, có dám đi đâu đâu!

 

Tôi cười:

- Không sợ bỏ mấy em trong đó nhớ sao?

Bất ngờ, anh Mang Viên Long mặt xanh lè, run lẩy bẩy, lắp bắp không ra lời:

- Ô… ô… n…g… ông đừng giết người không gươm dao chứ!

- Ô hay, gì vậy anh Long?

- Ông… đi đi.

 

Tôi trớt quớt, tẻn tò thụt lui, mà dĩ nhiên là giận cành hông. Đầu năm xui xẻo quá, chắc ra ngõ gặp… pê đê rồi (gặp gái thì làm gì đến nỗi xui dữ). Mấy ông này giỡn mặt “nhà binh” quá, không biết oai danh Võ đường Đặng Kim Côn rồi, đúng là… những con người văn vẻ thì biết chi tới đám võ biền!

 

Tôi lủi thủi về nhà trọ.

Vô duyên năm mới, buồn hiu. Thiệt tình!

 

Buổi chiều, cơm nước xong, sắp dẫn học trò vào cổng, chuẩn bị cho đêm đấu thì anh Mang Viên Long tìm đến nhà mời… đi uống nước!

 

Tôi từ chối, không phải vì còn giận, mà vì năm đệ tử đang đợi tôi vào chung. Không có thì giờ đi uống nước, nhưng cũng có thì giờ nghe anh giải bày.

“Ông mới đến đây, không hiểu hoàn cảnh tui, bà vợ tui bả… bịnh nặng quá, ghen đêm ghen ngày, ghen chết ghen sống, ghen ốm ghen o, bất kể giờ giấc nào, bất kể với người đàn bà con gái nào…

- Ai bảo ông trăng hoa chi lắm!

- Nữa! Tội quá, tui lạy ông. Tui chắp tay lạy ông. Mấy năm nay tui dở chết dở sống, mới đêm qua, đang nằm trên giường với bả, bả giựt mình hỏi, ông mới nói chuyện với con nào. Trời đất, bà ngủ giùm, khuya rồi? Bả kêu, tui mới thấy rõ rành rành, nó mới mở cửa đi ra đó. Trời ơi, con nào giờ này, con ma thì có.

- Không có lửa sao có khói?

- Tui sắp quỳ xuống đây, ông Côn! Tui cũng phải làm ăn, cũng phải tiếp xúc với khách hàng, thỉnh thoảng họp hội văn học huyện…

- Thì sao? Nghĩa là có gì?

- Có gì, khách hàng thì nam có, nữ có, bạn viết thì trẻ có già có…

- Giấu đầu lòi đuôi rồi.

- Ông mà còn không hiểu tui thì ai mà không nói tào lao được, có con nhỏ, tốt nghiệp trường viết văn, lại ưa tới nhà hỏi tui chuyện này chuyện khác… chuyện kinh nghiệm viết lách…

- Vậy sao ông không lạy nó mà lạy tui?

- Làm sao mở miệng nói với nó được?

- Vậy chờ bả xách chổi rượt hả?

 

Thở dài…

- Vậy là tui không được phép thăm ông nữa? Tui cũng quen bả mà, tui đến thăm bả?

- Tui sợ ông quá rồi, ông lỡ miệng tào lao một cái là… xong đời cô Lựu!

- Giá sử, tui thăm bả, ông làm bộ nổi… Hoạn Thư lên coi?

- Trời, ông kêu tui “lại cái” hả?

- Thì nổi ghen đùng đùng lên, cho bả biết… lễ độ.

Thở dài.

 

Nhưng rồi tôi không có nhiều thì gian để nghe Mang Viên Long “tâm sự đời tôi” nữa, và cũng không thấy hào hứng để quay lại nhà anh “tào lao” thêm lần nào.

 

Mùa Xuân vẫn cuốn cuộn trôi theo giòng đời, là một võ đường được khán giả An Nhơn ái mộ, tôi được các tổ chức võ đài trong huyện nhiều lần mời trở lại tham gia, ngay tại Thành Đồ Bàn cũng có, các xã gần đó cũng có, nhưng tôi không dám thày lay quay lại thăm hỏi các nhà văn nhà thơ ấy nữa.

 

Đã 30 năm trôi đi. Mang Viên Long thì nghe nói đã cởi bỏ vướng bận, đi tới đi lui, dung dăng dung dẻ, đi họp đi hành… một mình. Thỉnh thoảng tôi cũng có đọc Đặng Tấn Tới, Mang Viên Long trên mạng, mong tìm chút hơi hướm của một thời xưa tôi.

 

Tháng Giêng 2012

Đặng Kim Côn
Số lần đọc: 1701
Ngày đăng: 29.01.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cô bé như cơn mưa chợt đến... - Phạm Nga
Lộc Đầu Năm - Lê Ký Thương
Nguiễn Ngu Í , những trang văn giữa cơn điên - tỉnh - Phan Chính
Quê Hương Và Ký Ức Di Truyền - Nguyễn Thị Hậu
Phi mai bất thành... Tết - Văn Thành Lê
Xứ người, Tết năm ấy - Khải Nguyên
Bàn Lại Chuyện “Việt Nam Đón Mèo, Châu Á Chào Thỏ” - Hà văn Thùy
Ngày Xuân Nói Chuyện Cây Mai (phần II) - Vương Trung Hiếu
Cỏ sẽ lên xanh - Nguyễn Thị Hậu
Ngày Xuân Nói Chuyện Cây Mai (phần I) - Vương Trung Hiếu
Cùng một tác giả
Một Phút (tạp văn)
Sông Núi Trở Màu (truyện ngắn)
Trăng Lý Bạch (truyện ngắn)
Thế Kỷ Nào (truyện ngắn)
Vượt Ngục (truyện ngắn)
Vỡ Tổ (truyện ngắn)
Kinh Kha (truyện ngắn)
Thiền Tăng Và Tôi (truyện ngắn)
Đã Tạnh Mưa Chưa? (truyện ngắn)
Vĩnh Cửu (tạp văn)
Tình Xưa (truyện ngắn)
Mộng Du Chiều (truyện ngắn)
Qua Sông (truyện ngắn)
Chiếc Răng Giả (truyện ngắn)
Quên. (truyện ngắn)