Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
684
115.983.849
 
Chợ Tết Trong Tâm Thức Vũ Bằng Qua Thương Nhớ Mười Hai
Trần Hoài Anh

 

1. Nói đến chợ Tết là nói đến một vùng kí ức văn hóa rất sâu thẳm trong tâm thức của mỗi người. Nó chính là một trong những giá trị làm nên nét văn hóa độc đáo trong Tết cổ truyền dân tộc. Là một nhà văn, không những thế lại còn là một nhà văn hóa, chợ Tết đã đi vào tâm thức của Vũ Bằng qua tác phẩm Thương nhớ Mười Hai của ông thật sinh động. Nó đã trở thành một nỗi ám ảnh của vô thức và tâm linh để kết tinh thành những dự phóng sáng tạo. Chợ Tết, vì thế đã tạo nên những trang văn đẹp nhất, lung linh nhất trong Thương nhớ Mười Hai nổi tiếng của ông. Đọc “ Tháng Chạp, nhớ ơi chợ Tết” ta thấy chợ Tết đã trở thành một cảm hứng chủ đạo, từ đó tác giả mơ về những vẻ đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc trong ngày Tết được thể hiện qua những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội dân gian… cùng với những lo toan, những buồn vui trong đời người mỗi khi tết đến, xuân về.

 

Vì vậy, có thể nói chợ Tết trong tâm thức Vũ Bằng qua Thương nhớ Mười Hai đã trở thành nơi hội tụ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và cũng là nơi để con người cảm nhận được số phận của kiếp người trong cõi nhân sinh.

 

2. Đến với chợ Tết là đến với một phần quan trọng của không gian văn hóa Tết. Ở đó, người ta có thể mua sắm mọi thứ cần thiết cho ngày Tết từ quần áo mới, gạo nếp,  thực phẩm, hoa trái, cây cảnh đến các văn hóa phẩm gắn với phong tục, tập quán ngày Tết như: liễn, câu đối, tranh ảnh… Cho nên không khí tháng Chạp, nhất là thời gian cận kề ngày Tết bao giờ cũng gợi lên trong lòng người những cảm xúc khó tả, vừa thực lại vừa mộng… và điều đó ta cũng nhận thấy qua tâm thức của Vũ Bằng. Với ông: “ Yêu tháng Chạp không biết bao nhiêu, nhưng yêu nhất là những ngày giáp Tết, thời tiết sao mà đĩ thế, con mắt tấm lòng sao mà đong đưa thế, lời nói, tiếng chào sao mà duyên dáng tơ mơ thế” (1). Không những thế chợ Tết qua tâm thức Vũ Bằng còn mang một ý nghĩa văn hóa tâm linh rất đặc biệt: “ Có những người đến phiên chợ cuối năm thường cố mang một thứ hàng, bất kì nhiều ít, bất kì tốt xấu đi bán, chỉ mong bán chạy chứ không mong lấy tiền, bán như thế là bán cái xúi quẩy của năm cũ đi” (2). Đây cũng là biểu hiện của tín niệm tâm linh, của tinh thần “ Tống cựu nghênh tân” trong Tết Nguyên Đán của dân tộc.

Không chỉ cầu được may mắn, an lành mà năm mới họ còn cầu mong cho mọi người được khôn ngoan, sáng suốt, nên ở một số vùng miền còn có tục “đến phiên chợ Tết  thì đem đồ đi bán và rao “ có ai mua dại ra mua” và không cần bán mà cũng không cần ai trả lời mua hay là không mua” (3). Thật lạ lùng!? Ở một phiên chợ Tết, lại có những người đi bán đồ mà không cần người mua. Thoạt nghe, ta thấy thật vô lí nhưng nghĩ kĩ chẳng vô lí chút nào, vì là người, ai lại đi mua “cái dại” giữa chợ bao giờ!?. Cho nên, những phiên chợ ấy, suy cho cùng chỉ có ý nghĩa văn hóa tâm linh mà thôi và trong tâm thức Vũ Bằng: “ Tất cả những tục lệ ấy, truy tầm ý nghĩa sâu xa của nó, chỉ là biểu hiện nguyện vọng của dân tộc muốn cho mọi sự trong năm mới phải hơn năm cũ” ( 4 ).

 

Với ý nghĩa ấy thì chợ Tết là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của dân tộc và nó cũng là một biểu tượng văn hóa truyền thống thấm sâu vào tâm thức của mọi người. Vì thế, việc đi chợ Tết là một nhu cầu tự thân, là một tiếng gọi thao thiết từ trong tâm cảm của mỗi người nhất là người phụ nữ. Và dường như, chợ Tết là nơi để người phụ nữ thể hiện thiên chức và thiên năng của mình. Cho nên, trong tâm thức của Vũ Bằng, đi chợ Tết đối với người phụ nữ là cả một niềm đam mê, hạnh phúc: “ nghĩ cũng kì: ăn thì khểnh, ngủ thì ít, mà làm sao trong những ngày gần Tết, vợ mình lại nhanh nhẹn hơn, đôi mắt sáng hơn và má cũng hồng hơn ? Người chồng cảm thấy rõ rệt như thế; Hơn nữa trong những buổi chiều theo vợ đi chợ Mới, chợ Mơ, Chợ Bằng, chợ Ô Cầu Dền, chợ Đồng Xuân, chợ Đần, chợ Ngăm, chợ Đệp... đông quá, chen chân không được mà sao vợ mình cứ đi dẻo quẹo, không tỏ vẻ gì mệt mỏi, dừng chỗ này mua một thứ, rẽ qua chỗ kia mua một thứ khác, ôm đồm trăm thứ mà vẫn cứ tươi như thường “ (5)

 

Quả thật, chợ Tết bao giờ cũng có một sức hấp dẫn riêng!?  Sức hấp dẫn này phải chăng được tạo nên từ những nét văn hóa rất độc đáo của chợ Tết và điều này làm cho không khí đón xuân thêm sinh động và ý vị. Không những thế, không khí nhộn nhịp của chợ Tết còn phản ánh sự phồn thịnh và khát vọng về một cuộc sống ấm no của con người. Vị thế, ông cha ta đã tâm niệm “ có đói cũng ngày Tết, có hết cũng ngày mùa”. Cái tinh thần nhân văn này đã cho thấy tầm quan trọng, ý nghĩa nhân sinh của ngày Tết trong tâm thức văn hóa dân tộc mà chợ Tết là một phần của ý nghĩa nhân sinh ấy. Và sức hấp dẫn của chợ Tết, phải chăng cũng được khơi nguồn từ ý nghĩa nhân văn này. Bởi theo Vũ Bằng: “chợ Tết có một sức hấp dẫn hết sức kì lạ, muốn về nhưng lại muốn đi, đi để xem thiên hạ mua bán, đi để xem bao nhiêu cái ngon, cái đẹp của quê hương, đi để xem...chợ Tết” ( 6)  Đi để xem chợ Tết, hay đi để sống trong không khí văn hóa Tết, để cảm nhận ý vị của ngày Tết mà nếu không có chợ Tết thì ý vị ấy sẽ nhạt đi rất nhiều. Thử tưởng tượng nếu những ngày sắp Tết mà không có chợ Tết thì không khí đón xuân sẽ buồn tẻ biết chừng nào!? Bởi, chợ Tết là hiện thân của những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Không những thế chợ Tết còn là biểu hiện cho sự sinh động của cuộc sống và cái đẹp. Một cái đẹp bình dị trong sáng nhưng cũng lí thú và thi vị: “ Cái yếm sồi của cô gái quê khéo đa tình lại đeo một lá bùa vàng; chiếc quần là ống sớ của chàng trai chống chiếc gậy tre làm nổi bật cái áo tam giang của cô gái bán dừa; ông thầy bói chít khăng nhiễu nước dừa có nhìn thấy quái gì đâu mà sao cứ nghển nghển trông vào những bức câu đối đỏ của ông đồ bán chữ? Đây là tiếng ới, đó nọ câu cười; mấy ông lái trâu nói tiếng gì mà nghe như tiếng xạ phang, còn các bà bán cây sao hôm nay ăn trầu tươi thế? Nhưng tất cả... tất cả đều thua hai chị em cô hàng bán chiếu cạp điều cười đã xinh, ăn nói lại tình, ô hay, sao chiếu chất cao gần nóc chợ mà mình lại thấy như có hoa nở ở chung quanh? “ ( 7)

 

Như vậy trong tâm thức của Vũ Bằng, chợ Tết có một sức hấp dẫn kì lạ. Đó là sức hấp dẫn của cái đẹp được hình thành từ những điều bình dị của cuộc sống, một cuộc sống không màu mè, không làm dáng, không giả tạo của lối sống văn hóa đô thị hiện đại ngày nay với những siêu thị hàng hóa ngập tràn trăm thứ, với máy lạnh, máy tính tiền, xe đưa, xe đẩy… kể cả những cô nhân viên xinh đẹp tươi cười mà sao nhiều lúc ta cảm thấy lạnh lùng, xa lạ... Và từ đó, ta càng thấy yêu hơn cái “bình dị”, “quê mùa” nhưng vô cùng ấm áp của những phiên chợ Tết truyền thống ngày xưa của dân tộc mà Vũ Bằng đã ghi lại trong tâm thức của mình khi hồi tưởng về những ngày đi chợ tết: “ nhìn vào cái gì cũng thấy đẹp, trông người nào mình cũng thấy tươi, thấy cái gì mình cũng muốn mua. Cái ống bương cắt chéo góc, ngày thường ai mà thèm để ý, ấy thế mà mình cũng muốn mua để về trồng mấy giò lan “đồng tiền”; cái chút chít bằng đất ra cái chết gì, ấy thế mà mình cũng muốn mua cho trẻ vì bây giờ ở phố phường không có bán, mà cả hai chị em cô bán chiếu nọ mình cũng muốn mua luôn đem về vì nó ngộ quá, y như thể một cặp búp bê Nhật Bản. Nhưng mà nghĩ một cách tội lỗi thế thôi, chỉ vì tán láo tán lếu tí thôi, chớ đâu dám đi sâu quá”. (8) Có phải, vì những cái đẹp bình dị này mà chợ Tết trong tâm thức của Vũ Bằng mang tính nhân bản sâu sắc.

 

Vì vậy, tìm về chợ Tết qua tâm thức của Vũ Bằng là tìm về với những giá trị văn hóa truyền thống trong tết cổ truyền của dân tộc. Cho nên cùng với nhiều giá trị văn hóa truyền thống trong ngày Tết cổ truyền dân tộc như: phong tục thờ cúng tổ tiên, phong tục đưa ông Táo chầu trời, phong tục kiêng kị và những lễ hội trong ngày Tết như hội Chọi trâu, hội Lim... thì chợ Tết cũng là một giá trị văn hóa truyền thống  mà chúng ta cần phải bảo tồn và phát huy.

 

3. Sống trong thời đại ngày nay, khi mà mọi giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mai một trước quá trình đô thị hóa, khi mà nhiều phong tục tập quán ngày Tết bị giản lược theo nhịp sống công nghiệp, khi mà những chiếc bánh chưng, dưa hành, củ kiệu, câu đối… người ta có thể sản xuất hàng loạt và bày bán đầy dẫy trong các siêu thị thì việc hướng về không gian văn hóa của chợ Tết ngày xưa để nhìn lại những giá trị đã kết tinh thành những kí ức văn hóa, thành những hoài niệm trong mỗi người là việc vô cùng ý nghĩa. Bởi lẽ, đối với người Việt Nam ngày Tết không chỉ để vui chơi, giải trí mà đó còn là lúc trở về với nguồn cội, với tổ tiên, với giòng sinh mệnh văn hóa của dân tộc để cảm nhận một cách thiêng liêng nhất cái tình tự dân tộc mà ngày thường có thể bị chìm lấp trong cuộc sống áo cơm lận đận của phận người. Và đây cũng chính là sợi dây kết nối các thế hệ với nhau trong cộng đồng dân tộc. Nó trở thành một  thứ sức mạnh của tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Cho nên dù ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì người Việt Nam vẫn luôn nhớ lũy tre làng, nhớ cây đa, bến nước, sân đình, nhớ chợ làng mà trong đó những phiên chợ Tết là những điều khiến lòng ta khắc khoải nhất… vì vậy: “ về quê ăn Tết, đối với tất cả người Việt Nam là trở về nguồn cội để cảm thông với ông bà tổ tiên, với anh em họ hàng, với đồng bào thôn xóm; về quê ăn Tết tức là để tỏ cái tinh thần lạc quan ra chung quanh mình, tỏ tình thương yêu cởi mở và biểu dương những tinh thần, những kỷ niệm thắm thiết vì lâu ngày mà quên đi mất” (9)

 

Và phải chăng về quê ăn Tết còn là để chúng ta cảm nhận được hết những giá trị văn hóa truyền thống về Tết cổ truyền của dân tộc mà trong đó chợ Tết là một trong những giá trị không thể thiếu. Tìm về với chợ Tết, phải chăng là tìm về với một nét văn hóa đã ăn sâu vào tâm cảm mỗi người như một phần không thể mất trong tinh hoa văn hóa dân tộc. Nghĩ về chợ Tết không chỉ chúng ta nghĩ về cái không khí nhộn nhịp của ngày Tết mà còn nghĩ về hình bóng của bao người phụ nữ Việt Nam tảo tần chịu thương, chịu khó lặn lội thân cò để lo cho cuộc sống của gia đình không chỉ trong những ngày Tết mà cả những ngày bình thường của cuộc sống. Đó cũng chính là hình ảnh của bà ta, mẹ ta, chị, em ta, dì ta và cả “cô láng giềng” ngày nào của ta nữa... Phải chăng, đó cũng là điều Vũ Bằng đã cảm nhận về chợ Tết trong tâm thức của mình qua tác phẩm Thương nhớ Mười Hai nổi tiếng của ông mà mỗi khi đọc lại tác phẩm này lòng ta không khỏi rưng rưng, se sắt khi những nét văn hóa của chợ Tết ngày xưa đã mất dần trong những chợ Tết hiện đại ngày nay, dù lắm tiện nghi nhưng sòng phẳng và lạnh lùng.

Bỗng dưng thấy vang vọng đâu đây giọng thì thầm của ai đó đang đọc bài thơ Chợ Tết của thi sĩ Đoàn Văn Cừ ngày xưa ấy…

 

Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,

Sương hồng lam, ôm ấp nóc nhà gianh

Trên con đường viền trắng mép đồi xanh

Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết… (10)

Ôi ! cái ngày xưa mầu nhiệm ấy… Biết đến bao giờ!?

 

 

Chú thích:

(1) (2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) (9) Vũ Bằng toàn tập, tập 1, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. tr 776, tr. 766,  tr.766, tr. 766, tr. 767, tr. 767, 769, tr. 769, tr.766

(10) Dẫn theo Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2003, tr.185

 

 

Trần Hoài Anh
Số lần đọc: 2800
Ngày đăng: 01.02.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
ROBERT FROST: Dừng Chân Tuyết Xuống Rừng Chiều - Nguyễn Đức Tùng
Đọc Và Fê-Bình Sein Und Zeit Nguồn-Sống (Bản-Thể)Và Thời-Jan của Martin Heidegger (1889-1976)- 6 - Nguyễn Quỳnh USA
Hòa bình nơi cửa Phật - Nguyễn Đăng Trúc
KỶ NIỆM 95 NĂM SINH (1916-2011) VÀ 65 NĂM MẤT (1946-2011) NHÀ THƠ BÍCH KHÊ: Ô! Mắt Bích Khê - Mai Bá Ấn
Diện mạo Văn học Thành phố Hồ Chí Minh - Nhìn từ phương diện đội ngũ nhà văn và người đọc - Trần Hoài Anh
Thi Sĩ Mùa Xuân Nguyễn Bính - Chế Diễm Trâm
Quan niệm về Tác phẩm văn học của lý luận - phê bình văn học đô thị miền Nam 1954-1975 - Trần Hoài Anh
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam: Tư Tưởng Nguyễn Du Qua Đoạn Trường Tân Thanh 12- hết - Nguyễn Đăng Trúc
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam: Tư Tưởng Nguyễn Du Qua Đoạn Trường Tân Thanh 11 - Nguyễn Đăng Trúc
Mấy Ý Nghĩ Về Thơ - Quang Dũng
Cùng một tác giả
Thanh Thảo và Thơ (tiểu luận)