Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
532
115.984.671
 
Một Chút Buồn Cuối Phố
Nguyễn Lệ Uyên

Mẹ tôi, cũng như nhiều phụ nữ khác trên cõi đời này, thường cầu nguyện trước bàn thờ Phật mỗi sáng, mỗi tối. Họ cầu nguyện bình yên, hoà bình; đẩy lùi chiến tranh, tội ác xuống vực sâu muôn năm không ngóc dậy. Đó không chỉ là thói quen của lòng thành mà là ý thức luôn được mặc định. Vậy nhưng những mơ ước ấy không hề đến với thế giới này, một thế giới luôn lềnh bềnh tan nát. Tan nát từ cái lớn cho đến chuyện nhỏ nhất để trở thành căn bệnh trầm kha.

 

Tôi chỉ là con người bình thường nên không đủ hơi sức để nhìn thấy những điều lớn lao kia, nhưng những trái khoáy trước mắt thì tựa như hạt cát bay thẳng vào mắt, đôi khi trở thành cái tát nẩy đôm đốm.

 

Những lúc thất vọng, buồn chán, hễ có cơ hội là tôi về Sài Gòn với Hà hoặc tha thẩn trong thành phố hoặc giúp nàng chở những thùng thuốc tây từ hẻm này sang phố khác. Công việc của Hà bây giờ là mua đi bán lại những hộp thuốc tây trên lề đường. Thuốc rất khan hiếm nên cái giá người mua phải trả không phải là ít, thường thì mắc gấp đôi ba lần. Người bệnh không còn chú ý đến hạn sử dụng. Những cơn đau vật vã, những cơn sốt như lửa nung… khiến người nhà chú ý nhiều hơn đến công dụng theo thói quen. Vả lại người bán không chịu trách nhiệm về những mẫu thuốc có tác dụng ngược hay không. Trong tình cảnh này, chí ít người bệnh cũng có được tâm lý là được uống thuốc, bệnh sẽ khỏi do đó những cơn sốt mê man cũng sẽ được chặn lại. Kết quả ban đầu ấy, ngay cả thầy thuốc cũng không thể hiểu do tâm lý hay do thuốc?

 

Hà có vẻ hể hả với công việc mới mẻ này, mỗi ngày kiếm được khoảng tiền lời bằng với một công chức hạng trung trước kia. Lần đầu tiên nhìn thấy Hà ngồi trước tấm vải rộng, trên đó lổn nhổn những chai lọ, hộp ở góc Hồng Thập Tự Cao Thắng tôi vô cùng kinh ngạc. Kinh ngạc bởi chuyện mua bán này Hà chưa hề tiết lộ một thông tin nhỏ nào với tôi. Chỉ đến khi đứng quan sát nàng luôn tay gói thuốc, miệng luôn giải thích, hướng dẫn cách sử dụng cho người mua tôi tự hỏi: Hà học thuốc từ hồi nào vậy?

 

Hôm nay, tôi quay lại trên con phố vắng. Một quãng dài trên lề đường chừng trăm mét có đến hàng chục người ngồi bán và hàng trăm người chen lấn hỏi mua. Tiếng mặc cả, tiếng giải thích… nổi rậm như một phiên chợ vùng nông thôn.  Tôi bước tới, cúi xuống cầm hộp Carboguanidine chủ trị các chứng đau bụng, tiêu chảy, ợ chua, sình bụng, đầy hơi, ói mửa lên tay nhưng Hà không nhìn thấy. Tôi đổi giọng “tôi hay bị nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn. Có phải uống loại này không?”. Hà nhanh nhẩu: “dạ đúng rồi, thuốc mới qua đường biên”. “Bao nhiêu một hộp thế cô?”. “Sáu đồng. Ngày ông uống ba lần sáng chiều tối; mỗi lần 2 viên”. Mắc gấp 4 lần so với giá trong hiệu thuốc quốc doanh, nhưng không phải ai cũng mua được, cũng không thể mua với số lượng nhiều. Tôi đặt hộp thuốc xuống chỗ cũ. Hà không thèm ngước nhìn cũng không hề phàn nàn người khách khó tính. Nàng còn đang bận thu tiền, thối lại cho khách, bận giải thích, hướng dẫn cho nhiều người đứng vây quanh. Tôi lững thững bước đi, lòng buồn vô hạn. Tất cả đều đã thay đổi nhanh chóng. Ngay cả con đường Hồng Thập Tự cũng thay đổi. Bên kia, nhà thương Từ Dũ cũng thay đổi, trở thành xưởng sản xuất nhân lực quốc gia!

 

Chiều tối tôi tạt qua thăm nàng với tâm trạng chán chường. Thấy bộ dạng không bình thường, nàng hỏi:

- Anh sao vậy? Đau gì à?

Tôi lắc đầu. Hà ngồi ghế đối diện cầm tay tôi nói:

- Anh xanh quá. Để em lấy thuốc…

Tôi trả lời cộc lốc, bình thường không hề có:

- Không cần.

Hà trố mắt nhìn tôi như nhìn một vật thể lạ.

- Có chuyện gì không bình thường à?

- Hồi sáng anh đến chỗ em, nhìn thấy cách buôn bán của mấy người tôi thật sự xấu hổ.

 

Hà sững người. Hai má đỏ lên rồi chuyển sang tái xanh có thể nhìn rất rõ dưới ngọn néon trên trần.

- Trời, tưởng chuyện gì… Làm em hết hồn.

- Em thay đổi nhanh quá!

- Không buôn bán thì lấy gì cho mọi sinh hoạt hằng ngày? Anh cũng biết sau khi ba em bị bắt đưa đi cải tạo, nhà bị tịch thu. May mà còn căn nhà nhỏ bên Phú Nhuận làm chốn nương thân…

- Anh không nói chuyện đó.

- Chuyện nào? - Hà hỏi với tâm trạng bồn chồn.

- Cái cách em buôn bán: coi mạng sống con người như…

- Anh thôi cái giọng ấy đi. Thời buổi này đã đảo lộn mọi trật tự rồi. Mạng sống là cái gì trong mớ thuốc hổ lốn kia? Toàn những cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi, thuốc bổ, thuốc thoa ngoài da…

- Nhưng nếu bị dị ứng, bị phản ứng phụ thì sao? Ai chịu trách nhiệm? Vả lại em học thuốc hồi nào mà chỉ định này nọ cho người sử dụng?

- Tất cả đều do thói quen. Chịu khó một chút là biết tất. Trước khi làm nghề này, em nghe con Hạnh chỉ dẫn. Anh nhớ nó không, dược năm 3 giờ cũng ngồi chợ. Tối về em lấy toa ra đọc, rồi nhớ như học thuộc lòng ấy mà.

 

Nghe Hà giải thích, tôi chán ngán đến tận cùng. Đúng là mọi trật tự đều bị đảo lộn. Điều tôi không thể ngờ là con gái nhà tử tế, là sinh viên văn khoa lại có thể “thích nghi” nhanh chóng với sự xô bồ, đảo lộn đến vậy. Vẻ nhu mì đáng yêu ngày nào đã biến mất; thay vào đó là đôi tay thoăn thoắt, miệng lưỡi như một anh chàng mãi võ sơn đông rao bán cao đơn hoàn tán. Tôi ngồi im, không động đến ly nước Hà đặt trên bàn, cũng không nhìn nàng, không bắt chuyện thêm câu nào nữa. Tôi thật sự mệt mỏi vì hẫng hụt trước những thay đổi gần như tận gốc rễ. Tôi tự hỏi: bản chất của Hà như vậy sao, hay do hoàn cảnh đưa đẩy. Bản lĩnh của một cô gái từng đăng đàn diễn thuyết với đồng môn tại giảng đường lớn về trách nhiệm tuổi trẻ trước thời vận đất nước, lúc này có vẻ như khôi hài lố bịch.

 

Trong căn phòng khách nhỏ, tôi cảm thấy lẻ loi cô độc hơn bao giờ hết.

- Thôi anh về.

- Anh giận em à?

- Không. Mỗi người có quyền quyết định về bản thân mình.

 

Đang bắt đầu vào mùa khô, đất trời ngột ngạt. Đoạn từ nhà thờ Ba Chuông ngược về Sài Gòn, những ngọn đèn trên cao, cái sáng cái tối, tù mù như đang đi trong rừng. Nhiều tin đồn, rằng nhiên liệu dự trử không còn, lại nói các kỹ sư miền Nam bị bắt đi cải tạo nên không còn ai biết vận hành máy móc, kỹ sư miền Bắc thì chỉ có thể vận hành các loại máy của phe xã hội chủ nghĩa. Những loại máy móc tư bản chế tạo lạc hậu, nô dịch, phản động… nên chuyện thiếu điện thiếu nước là lẽ đương nhiên. Vả lại, mọi người dân nay mai sẽ sống trong thiên đường xã hội chủ nghĩa thì cần gì những thứ cũ mèm kia! 

 

Khi đạp xe lên dốc cầu Trương Minh Giảng, tự dưng mắt tôi ngước nhìn lên tầng cao Đại học Vạn Hạnh, nơi đã bao nhiêu lần đón đưa Hà. Bóng dáng Hà bay chấp chới đâu đó trong lớp sáng tối nhập nhoà của những bóng đèn không đủ sáng, nhưng có thể trông thấy rất rõ những áo quần giăng la liệt từ các trụ đỡ ngoài hành lang. Những mảnh vải lòng thòng xám xịt có vẻ như những dự báo về ngày mai không mấy sáng sủa. Tôi không rõ (vì lịch sử không ghi lại) khi các triều đại Việt Nam soán ngôi của nhau, thì binh lính phe thắng thế có treo áo quần, nón dấu lên văn miếu ngoài Hà Nội hay văn miếu trong thành nội Huế không? Nếu có thì truyền thống về phép tôn sư trọng đạo của người Việt “cao” đến vậy sao? Còn không thì hậu duệ của họ lại tệ bạc với sự học đến thế sao? Chữ nghĩa luôn được đặt ở những vị trí trang trọng, luôn được con người tôn kính bỡi nó mang lại nguồn tri thức vô bờ cho con người. Vậy mà cái “văn miếu” nhỏ Vạn Hạnh thay vì làm cho nó sáng lên, đẹp lên thì bên ngoài, họ lại “triển lãm” những mẫu vải vô cùng phản cảm: Những chiếc nịt vú, quần lót chen vai thích cánh với những áo quần vài kaki Nam Định lay lắt qua lại trên sợi dây như thể loài người đang trầm mình trở lại thời bán khai. Điều này khiến tôi nhớ lại bộ Bách Khoa toàn thư hôm nào ở ty giáo dục tỉnh L. Những gì họ tự xưng là ưu việt, tinh hoa… được phơi bày rõ ràng trước mắt một cách trần trụi, ngột ngạt đến không thể nào chịu đựng nổi.

 

Tính ưu việt ấy còn nhìn thấy trên lề đường bị đào xới, lật tung lên một cách nham nhở để chen vào vài lãnh rau xanh. Quanh Sài Gòn Gia Định, không chỗ nào là không có những ô đất nhỏ trên lề như vậy. Những ô ấy hầu hết đều ở ngay trước các cơ quan luôn treo một tấm biển sơn màu đỏ chói, kẽ hàng chữ vàng hực…

 

Về đến nhà đã thấy ba tôi ngồi đợi sẵn ở gian phòng khách. Tôi chào ông và ngồi xuống. Ông nói ngay:

- Con không nên đi đứng lung tung như thế, mọi người chú ý sẽ khổ thân.

- Con chỉ đi thăm bạn rồi về, đâu có vi phạm các lệnh cấm đang ban hành?

- Biết vậy. Nhưng thời buổi này đã đổi thay, không thể lường hết mọi chuyện có thể xảy ra. Sau mấy vụ phản ứng bên phía tôn giáo, hình như người ta siết chặt vấn đề an ninh hơn. Họ lại áp dụng chính sách của Thương Ưởng chia thành khu phố, khóm, tổ rồi tất cả mọi người từ già đến trẻ không bắt phải ở đoàn thể này thì cũng phải vào đoàn thể nọ, vào kỳ hết để dễ bề kiểm soát… Mọi lời ăn tiếng nói phải hết sức cẩn thận. Hớ hênh dễ bị thiệt thân. Ba chỉ nhắc chừng có vậy, con phải biết giữ mình.

 

Tôi ngồi nhìn ông cụ. Ba tôi già hơn, gầy xộp đi. Ông lo lắng là phải. Bác Tư-xích-lô phía đầu hẻm bên kia bị bắt mấy hôm nay không rõ nguyên nhân. Ông ta một chữ cắn đôi không bể, suốt ngày còng lưng trên chiếc xích lô đạp. Nếu có thể thì xếp bác vào thành phần cơ bản, bồi dưỡng thêm thì bác có thể là nòng cốt cho khu phố. Vậy mà bác cũng không thể ung dung đạp xe. Giờ thì đang ngồi ở đâu đó để khai báo, để phản tỉnh. Thời buổi này, tất cả mọi chuyện đều có thể xảy ra, không ai có thể lường trước mọi chuyện. Ngay cả bản thân tôi cũng thế, trong vòng có mấy tháng đã phải chịu đựng và chứng kiến không biết bao nhiêu chuyện lớn nhỏ, bay qua đầu như cơn lốc xoáy.

 

Ba tôi chợt hỏi:

- Bao giờ con đi?

- Thưa, mai con phải xuống trường. Sáng thứ hai có cuộc họp gì đó. Những cuộc họp như thế này không thể vắng mặt. Ngoài chuyện dạy, tụi con còn học chính trị nghị quyết, họp hành liên miên.

Ba tôi nhìn tôi với ánh mắt bao dung và cũng đầy lo âu:

- Vẫn biết những cuộc họp như thế là vô bổ đối với tuổi trẻ các con, nhưng trong thời điểm tranh tối tranh sáng như thế này nhất thiết không được vắng mặt và chọn một thái độ “an ninh bản thân”. Có thể nói đó là điều hèn, nhưng lúc này điều mà ta tạm gọi là hèn kia rất cần thiết, không thể khác được. Ba nói vậy con có hiểu không?

- Thưa ba con hiểu. Hàng ngày con phải đối mặt với bao nhiêu điều trái khoáy lạ lẫm, những mệnh lệnh kèm theo những ngấm ngầm đe dọa đã buộc mọi người phải tuân theo như những tên nô lệ thời Trung cổ.

- Họ thiết lập trật tự trên nền tảng distature không phải là điều mới lạ. Hàng triệu người dân Đông Âu, Xô Viết, Trung Hoa…  đã phải đeo cái distature vào cổ, cõng trên lưng như một kiếp đọa đày rồi. Lịch sử giờ đang lặp lại với dân tộc Việt Nam. Con hãy nhớ lấy và cố tránh không gây bất kỳ sự chú ý nào của những người nắm quyền chỉ huy.

- Con sẽ hết sức chú ý về điểm này.

- Chuyện này nữa – Ba tôi suy nghĩ hồi lâu – Con phải nhớ là đừng nên làm chuyện gì quá nổi trội, cũng chớ nên nhếch nhác tiêu cực. Cả hai đều là những phản biện về hành vi cá nhân làm cho cấp chỉ huy chú ý và rất dễ bị cho vào tròng nếu như anh ta hay trong đám bạn bè không ưa con.

- Con sẽ ghi nhớ - Tôi nhỏ nhẹ.

Ba tôi nở nụ cười:

- Con có gặp Hà không? Thật tội cho các con. Nếu không xảy ra bi kịch lớn này thì cuối năm nay các con đã cưới nhau rồi. Ba Hà thế nào rồi. Có tin tức gì mới không?

- Trước nghe Hà nói đang bị giam ở Xuyên Mộc nhưng chưa được phép thăm nuôi. Có nhiều khả năng sẽ di chuyển ra Bắc, tận biên giới Việt-Trung.

- Cầu Trời Phật phù hộ cho tất cả những người đang rơi vào vòng tù đày không có bản án. Ba không nghe con nhắc nhở gì đến Hà?

- Cô ấy thay đổi quá nhanh.

Ba tôi nhổm người lên như bị điện giật, chồm gần như sát vào mặt tôi.

- Sao con nói sao? Thay đổi quá nhanh là sao?

- Hà ra lề đường, ngồi bán thuốc tây.

- Tưởng chuyện gì ghê ghớm. Bán thuốc tây thì có việc gì phải hoảng lên nào?

- Nếu chỉ có vậy không thôi thì đâu có gì đáng nói? Đằng này ba biết không – Tôi ngập ngừng chọn từ ngữ sao cho có vẻ con nhà mô phạm – Hà bày bán những loại thuốc quá hạn, chưa học thuốc giờ nào lại dám chỉ định liều dùng, chỉ định các loại thuốc trị bệnh cho khách hàng. Con đã cãi nhau với cô ấy.

- Vớ vẩn. Con không nghe cha ông thường nói “thước dạy thầy, cây dạy thợ” sao?

- Ngay cả ba cũng nghĩ được vậy? Vậy thì tính mạng của con người được đặt ở đâu? Ở dưới đáy những đồng tiền kia?

- Ba không có ý định nói như con nghĩ, nhưng những gì Hà bán ra cho khách hàng tất nhiên là những thứ xoàng, ít khi gây những phản ứng phụ. Vả lại nhà chỉ có mỗi một mình anh Tùng cáng đáng mọi chi tiêu, giờ ra nông nỗi ấy, Hà không ra ngồi chợ thì lấy gì nuôi sống gia đình?

Tôi thở dài, không phản ứng. Một lúc sau tôi hỏi ba:

- Công việc của ba giờ có tiếp tục không?

- Ông chủ cũ đã bỏ đi, nhà máy bị tịch thu theo diện vắng chủ. Công nhân và các kỹ thuật viên cao cấp mỗi người mỗi ngả, chưa biết bao giờ mới hoạt động lại. Có lẽ ba cũng chọn giải pháp chạy chợ như những người khác thôi.

- Thật kinh khủng – Tôi kêu lên nho nhỏ.

- Con nói sao? – Ba nghiêng người về phía tôi.

- Không. Không có gì đâu ba. Sáng mai con phải xuống trường sớm. Con sẽ không đánh thức ba dậy để chào ba đâu – Nói và tôi đứng lên, leo lên thang gác. 

 

(Trích từ truyện dài Sau chiến tranh)

Nguồn:  tạp chí Thư Quán Bản Thảo, số 50. Bản tác giả.

Nguyễn Lệ Uyên
Số lần đọc: 1716
Ngày đăng: 04.02.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đêm Nghe Gà Gáy - Võ Xuân Phương
Tìm Dâu Thảo - Khải Nguyên
Vầng Trăng Xa Khuất - Ngô Thị Ý Nhi
Lời Thề Bị Bội Phản - Xuân Tuynh
Những Mảnh Vỡ (29) - Nguyễn Thị Hậu
Bước Chân Trên Đỉnh Sông Hồng - Văn Chấn Ngọc
Chợ Hoa Ngày Tết - Võ Xuân Phương
Sóng biển hồn người - Nguyễn Minh Phúc
Quy Hoạch Của Diêm Vương /Hội Thi Dáng Đẹp - Tiêu Đình
Thành phố cao nguyên - Đặng Chương Ngạn
Cùng một tác giả
Nhớ…. (truyện ngắn)
Chiếc ly vỡ (truyện ngắn)
Cha con và chị và em (truyện ngắn)
A lô... Tôi xin lỗi (truyện ngắn)
Nhan sắc (truyện ngắn)
Bão xa (truyện ngắn)
Vợ chồng già (truyện ngắn)
Thở dài (truyện ngắn)
Từ mái trường xưa (truyện ngắn)
Sông xa (truyện ngắn)
Buổi sáng mát mẻ (truyện ngắn)
Sông chảy về núi (truyện ngắn)
Cưới vợ ăn tết (truyện ngắn)
Đồng làng (truyện ngắn)
Mưa trên sông ĐăkBla (truyện ngắn)
Lá thư bỏ quên (truyện ngắn)
Vòng trắng (truyện ngắn)
Về Tuy Hòa (truyện ngắn)
Bóng Nắng (truyện ngắn)
Cả làng hát karaoke (truyện ngắn)
Hương Cau (truyện ngắn)
Về Làng (truyện ngắn)
Mùa Tết (truyện ngắn)
Giấc Mơ (truyện ngắn)
Chân dung tự họa (truyện ngắn)
Nhân dân ơi, xin chào (truyện ngắn)
Lên Non Hái Trái (truyện ngắn)
Những Kẻ Căm Lặng (truyện ngắn)
Buổi Sáng Trong Làng (truyện ngắn)
Còn cọng rau dền (truyện ngắn)
Chìm Sâu Xuống Đáy (truyện ngắn)
Văn Hoá Đọc, (tạp văn)
Đĩ Xược (truyện ngắn)
Vàng Bông Vạn Thọ (truyện ngắn)
Tàu Khuya (truyện ngắn)