Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
660
116.003.481
 
Đặng Thân đã tạo ra một thế giới nghệ thuật đi xa hơn những gì nhiều nhà văn hàng đầu khác đã làm[*]
Phạm Xuân Thạch

Trước hết, tôi thấy quyển 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] rất gây hứng thú. Ví dụ như đoạn Đặng Thân viết về đạo Phật chẳng hạn, có đoạn viết về âm nhạc cổ điển, hoặc là có một đoạn vớ vẩn viết về hơn chục cách chết ở trên đời này… đều hứng thú. Tất nhiên, có những đoạn tôi cũng rất là dị ứng, như đoạn Đặng Thân viết về giấc mơ, có mấy nghìn tráng sỹ hô “Sát Khựa! Sát Khựa!” Có thể tôi là người dân tộc chủ nghĩa nên tôi rất là dị ứng với cái đó. Nhưng mà, chính cái cảm xúc ấy lại khiến cho tôi thấy đây là một cuốn tiểu thuyết chứ không phải là cái gì khác.

 

Thú thực, tôi lại rất đồng tình với ông Đỗ Lai Thúy[**] khi ông so sánh hoặc tạo sự liên tưởng với những gì mà ông Nguyễn Huy Thiệp đã viết… Thực ra thì nhìn nó khá rườm rà trong cấu trúc. Nếu chúng ta nhìn ra sự thực mà nói thì thấy là nó vẫn là tiểu thuyết thôi. Bởi vì chạy từ đầu đến cuối có hai câu chuyện chạy song song nhau, một câu chuyện về một anh người Đức, và một câu chuyện của một cái cô quê ở Tiên Lãng. Và nó vẫn kể theo kiểu sinh ra như thế, đẻ ra như thế, lớn lên như thế rồi là trải qua thăng trầm như kiểu cô Kiều rồi kết thúc là như thế. Nó vẫn là tiểu thuyết. Và nó là tiểu thuyết ở phương diện thứ hai nữa là nó có một tham vọng cũng rất là tiểu thuyết. Vì là tiểu thuyết cũng như là ngôn ngữ thì nó liên quan đến một chuyện, đó là tuyến tính. Ngôn ngữ là phải tuyến tính, mà tiểu thuyết cũng có tính tuyến tính, kể câu chuyện tuyến tính. Nhưng mà tiểu thuyết nó quái ở cái chỗ rằng là nó luôn luôn tìm cách phá vỡ cái tính tuyến tính ấy, ở chỗ nó bầy cuộc sống không chỉ theo chiều dọc của thời gian, mà theo cả chiều ngang của hiện thực nữa. Và ở chỗ này thì tôi thấy rằng tôi lại rất đồng tình với ý tưởng của ông Thân, và tôi nghĩ rằng ông Thân là người làm rất là nhuần nhuyễn kỹ thuật này. Nghĩa là đưa vào được cực kỳ nhiều các loại tiếng nói, cả những cái thứ vô cùng là vớ vẩn, có thứ có bạn đọc kêu là dị ứng về cái chuyện ông đưa các comment của các netizen ở trên mạng vào trong đó. Tôi lại nghĩ ngược lại, thậm chí là tôi hơi tiếc là ông Thân còn chưa đưa được nhiều lắm. Bởi vì chính nó tạo cho chúng ta cái cảm tưởng, đúng ra là cái hình ảnh về cuộc sống này. Bởi vì cuộc sống này có những thứ chúng ta thấy rất thích, mà cũng có những thứ chúng ta vô cùng là dị ứng. Và đấy mới là cuộc sống.

 

Ở đây thì tôi nghĩ rằng quyển tiểu thuyết này nó có một phương diện mà tôi đồng tình: đó là nó tạo ra một thế giới nghệ thuật, tạm cho một cái khái niệm như vậy. Và cái thế giới nghệ thuật ấy thì đi được xa hơn rất là nhiều những thứ mà ông Thiệp đã làm ở trong những cái như là “Tướng về hưu”, hay là “Không có vua”, hay là gì đó. Tất nhiên, ở đây tôi muốn nói thêm một điều là cái cách mà ông Thúy làm, tôi nói thật rằng là tôi rất là e dè, và đấy cũng là sự e dè giành cho ông Thân. Đấy là gì? Cái nguy cơ so sánh theo kiểu hệ hình ấy, tức là từ Nguyễn Huy Thiệp đến Đặng Thân, tôi rất hiểu đấy là so sánh hai cách cảm nhận của cuộc sống, hai cách cảm nhận của hiện thực, và ông Thúy có quyền làm như vậy. Đặt ra câu hỏi kiểu như là so sánh thi pháp của ông Thúy với cả thi pháp của ông Thân, hay là đặt ra câu hỏi tại sao ông Thiệp là truyện ngắn, ông Thân là tiểu thuyết so sánh với nhau, tôi nghĩ cái đấy là những câu hỏi thừa. Chả khác gì ông Thúy vẽ một con ngựa lại dắt con trâu ra bảo tại sao con ngựa của ông Thúy không giống con trâu. Tôi nghĩ đấy là sai. Cái cách của ông Thúy là hoàn toàn đúng. Tôi rất ủng hộ cách đó. Nhưng có một điều ở đây là gì, là văn học Việt Nam phát triển, tại vì tôi làm về lịch sử văn học tôi thấy văn học nó phát triển không theo những cái quy luật rạch ròi, nên cái cách làm của ông Thúy sẽ đụng đến một nguy cơ là chúng ta giải hóa cả một hiện thực rất là rộng lớn, rất là phức tạp của văn học Việt Nam vào một cái hệ hình nào đó. Tôi chỉ cảnh giác một nguy cơ như vậy.

 

Từ chỗ này ta lại thấy rằng cái mà ông Thân đã viết, nếu ở góc độ so sánh khác, thì lại nên làm so sánh kể cả với, xin thưa là Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Những ý tưởng xuất hiện ở trong kiểu như Số đỏ của Vũ Trọng Phụng là cái nỗ lực đưa được cái tính đa dạng của văn hóa thị dân vào trong tiểu thuyết, nó xuất hiện từ trong Số đỏ. Chỗ này chỗ khác, ở những nhà văn khác, cũng đã có, nhưng, phải nói rằng là, tôi thì tôi đánh giá một điều là ông Thân đã làm được, đã đi tiếp một con đường mà tôi đã nhận thấy ở trong Nguyễn Việt Hà, tôi nhận thấy ở trong chẳng hạn như là một số nhà văn như Nguyễn Hữu Hồng Minh, hoặc kể cả Tạ Duy Anh, kể cả Hồ Anh Thái. Tôi đã nhận ra cái ý tưởng làm cái cách đó, ví dụ Tạ Duy Anh ở trong Đi tìm nhân vật, thì tôi nói thẳng ông Thân là người đi được xa nhất trên con đường này. Và ông ấy hoàn chỉnh tạo ra được hẳn một cái kết cấu về thế giới, nên tôi nói cái con đường từ Nguyễn Việt Hà, Hồ Anh Thái đến ông Thân thì ông Thân đi được xa nhất. Ông Thân tạo ra được một thế giới riêng về nghệ thuật với tính phức tạp của nó. Và có lẽ cái chỗ này thì tôi mượn một điều tôi viết về Nguyễn Bình Phương, tức là “tiểu thuyết như một trạng thái của đời sống chứ nó không phải là một câu trả lời về đời sống.”

 

Tại sao tôi nói chuyện ông Thúy lại liên quan đến chuyện ông Thân. Bởi vì cái nguy cơ của ông Thúy lại là nguy cơ mà ông Thân rất có thể là sẽ gặp phải vào lúc này. Đó là gì? Ngày xưa người ta phê phán tiểu thuyết, một số người cách đây mấy chục thập niên người ta nói rằng tiểu thuyết mà viết theo kiểu biểu tượng hai mặt thì là có vấn đề, là nguy hiểm, và tiểu thuyết phải trong sáng. Thực ra thì tôi thấy văn chương làm sao mà trong sáng được. Văn chương chắc chắn là nó phải có tính biểu tượng, nhưng mà chúng ta lại thấy rằng, tính biểu tượng hai mặt là chuyện bình thường, nhưng mà nếu văn chương chỉ có biểu tượng hai mặt thôi thì lại nguy hiểm. Tôi thì tôi thấy quyển tiểu thuyết mà hôm trước ông Thân có nói với tôi rằng ông sẽ viết một quyển gồm ba cột viết song song với nhau thì ý tưởng đó tôi thấy rất thú vị.

               

Tôi cho rằng quyển 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] nguy cơ nhất là có một số hình tượng nó đơn giản đến mức mà người ta dễ nhận ra (kiểu như là cái hình tượng cô Mộng Hường) và làm giảm giá trị của cuốn tiểu thuyết. Đó là một vài cách đọc của tôi khi đọc tiểu thuyết này. Tất nhiên, đây là cuốn tiểu thuyết tạo cảm xúc rất là hứng khởi, và nó có một sự cuốn hút rất là mạnh mẽ.

 

7/1/2012

 

[*] Phát biểu tại Tọa đàm về “3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] của Đặng Thân” do Trung tâm Văn hóa Pháp (l’Espace) tổ chức tại Hà Nội chiều ngày 7/1/2012.

[**] Xem bài “Cuộc chạy tiếp sức lịch sử (Đặng Thân nhìn từ Nguyễn Huy Thiệp)” của Đỗ Lai Thúy trên Văn Nghệ số 53 (31/12/2011).

Phạm Xuân Thạch
Số lần đọc: 1749
Ngày đăng: 08.02.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trí thức … bại là an ? - Vũ Ngọc Anh
Thân Phận Trí Thức - Vũ Ngọc Anh
Mùa Xuân Miến Điện - Khuất Đẩu
Trí thức làng Vũ Đại - Nam Dao
Giáo sư TQ gọi dân Hong Kong là 'đồ chó' - Khuất Đẩu
Con Tem Rồng Trung Quốc Hù Dọa Ai? - Khuất Đẩu
RỒNG … có thực không ? - Vũ Ngọc Anh
Chẳng Đáng Là Cái “Luỵ” Cho Văn Chương - Khải Nguyên
Đôi Điều Nói Lại Về Chữ Tân - Hà văn Thùy
Cậu Un “Em Chả! Em Chả!” - Khuất Đẩu