Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
705
115.996.889
 
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 2
Đỗ Tư Nghĩa

PHẦN I:     GIA ĐÌNH

 

1. BỐ MẸ HAY CẰN NHẰN

 

Bố mẹ tôi luôn cằn nhằn tôi. Tôi không thể chịu được việc phải ở nhà hơn 10 phút!

 

Tôi nghe điều đó mới thường xuyên làm sao! Dĩ nhiên, bên cạnh những gia đình có sự quan tâm chia sẻ, cởi mở, cũng có những gia đình không được như vậy;  và nhiều người trẻ trở nên tức giận khi bố mẹ họ bảo họ phải làm cái gì. Thường khi, rốt cuộc họ im lặng, không muốn nói gì với bố mẹ họ cả. [1]

 

Cả tôi nữa, thỉnh thoảng tôi cũng đã đấu tranh với mẹ tôi về việc tôi chọn sống đời tôi ra sao. Tôi thường nói, “Hãy để cho con yên! Hãy cứ để cho con làm theo cách của con.”

 

Những bậc cha mẹ luôn có vẻ như đang tạo ra cho con cái họ một thời gian khó khăn. Từ thời xa xưa, những bà mẹ đã từng nói những điều như, “Con hãy làm bài về nhà đi!” “Con hãy tắt TV!” “ Dậy đi nào, nếu không con sẽ bị trễ học đấy!” Đó không phải là một cái gì đó mà ta có thể thay đổi. Nhưng bạn sẽ hiểu được tấm lòng của bố mẹ bạn, khi chính bạn trở thành ông bố, bà mẹ.

 

Bởi vậy, điều quan trọng là bạn có được một trái tim rộng mở. Nếu một người mẹ (hay bố) la hét lên với bạn, bạn có thể nghĩ: “ Mẹ nói to, có nghĩa là mẹ đang khoẻ mạnh, thật tuyệt,” hay, “ Ồ, mẹ đang biểu lộ tình thương đối với mình. Mình trân quý tình thương đó.” Khả năng nhìn bố mẹ theo cách này, là một dấu hiệu cho thấy sự trưởng thành của bạn, một sự trưởng thành đang ngày một gia tăng.

 

Trong toàn bộ thế giới thú vật, con thú cha và con thú mẹ dạy những con non của chúng cách sống còn – cách săn mồi, cách ăn, vân vân. Tương tự như vậy, bố mẹ ta dạy ta nhiều điều, phóng ta về hướng đi đúng. Đây là một điều mà ta sẽ trân quý khi chính ta trở thành người lớn.

Có một câu chuyện nổi tiếng về một chàng trai cô đơn ngồi thất thểu bên đường sau khi cãi nhau với bố anh ta. Anh tin rằng bố anh là một người hẹp hòi, bất công – thậm chí, là một người khùng. Một người quen lớn tuổi hơn anh đi qua, đoán ra nguyên nhân nỗi buồn của anh, và nói, “Khi tôi khoảng 18 tuổi, bố tôi không nói với tôi điều gì ngoài những điều tẻ nhạt, ngớ ngẩn,  khiến cho tôi điên tiết. Tôi đâm ra thực sự chán phải nghe những lời đó. Nhưng 10 năm sau, tôi bắt đầu cảm thấy rằng, mọi sự mà bố tôi đã nói đều có nhiều ý nghĩa. Tôi tự hỏi,  “Bố mình đã tích lũy nhiều sự khôn ngoan như thế, từ bao giờ?”

 

Tôi nghĩ, điều quan trọng là bạn sử dụng chính sự khôn ngoan của bạn để tránh gây ra “chiến tranh” với bố mẹ bạn. Thêm nữa, khi bố mẹ bạn cãi nhau, như nhiều bậc bố mẹ thỉnh thoảng làm, thì điều khôn ngoan nhất cho bạn, là hãy tránh ra xa.

 

2. BIỂU LỘ TÍNH CÁ TÍNH.

 

Bố mẹ tôi luôn chỉ trích áo quần và tóc tai tôi. Nhưng những cái này lại biểu lộ con người của tôi.

 

Tôi có thể hình dung rằng, bạn cảm thấy tính cá nhân của bạn đang bị câu thúc nếu bạn bị cưỡng bách phải làm cái mà bố mẹ bạn bảo bạn làm. Tuy nhiên, việc biểu lộ cá tính của bạn, và nổi loạn chỉ vì muốn nổi loạn, là hai việc hoàn toàn khác nhau. [2]

Với tư cách là một phần của một toàn thể lớn hơn – bất luận đó là một gia đình hay một nhóm xã hội – điều quan trọng là ta có tinh thần và sự khôn ngoan để hòa thuận với người khác. Mềm dẻo và dung hòa được những quan điểm khác nhau là dấu hiệu của một cảm thức mạnh mẽ về bản ngã. Thay vì mù quáng đi theo đám đông hay mù quáng chống lại nó, điều hệ trọng là ta tìm kiếm sự cân bằng và hòa điệu. Đạt tới sự khôn ngoan như thế, chứng tỏ bạn có một cá tính mạnh mẽ.

 

Thật là một sai lầm to lớn khi tự cho phép mình trở thành vị kỷ và vô cảm với những người xung quanh ta. Không ai là một ốc đảo cả.  Chúng ta sống, vây quanh bởi gia đình ta, bạn hữu ta, và phần còn lại của thế gian. Tất cả chúng ta đều có quan hệ, liên kết với nhau. Bí quyết là bộc lộ tính cách riêng của ta trong khi sống hòa điệu bên trong mạng lưới của những mối quan hệ.

Cá tính đích thực không phải là vị kỷ. Nó là một cách sống mà sẽ dẫn cả chúng ta lẫn người khác đi về một hướng tích cực, trong cách tự nhiên nhất.

 

 

3. QUÁ ÍT TIỀN

 

 

Mọi thứ mà tôi muốn làm đều cần tiền – mà tôi lại chẳng có đồng xu nào cả! Ước chi tôi có một gia đình khá giả.

 

Bạn có thể xuất thân từ một gia đình nghèo, và cảm thấy thất chí bởi vì bạn không thể mua những thứ mà bạn muốn. Có thể bố mẹ bạn phấn đấu chỉ để đủ trả tiền thuê nhà, hơn là để chu cấp cho những món phụ chi của bạn. Đây không phải là những tình huống bất thường. Nhiều người trẻ cũng ở trong một cảnh ngộ như bạn. Thường khi, họ nghĩ rằng tiền bạc tương đương với hạnh phúc. Nhưng mà họ đang phạm một sai lầm nghiêm trọng. [3]

 

Ra đời trong một dinh thự nguy nga không phải là một đảm bảo cho hạnh phúc, cũng như sinh ra trong một cái lán, không bị kết án phải chịu một số phận khốn khổ. Hạnh phúc hay bất hạnh không dính líu gì với số lượng tài sản vật chất. Ngay cả một gia đình giàu có và xem ra đáng ghen tỵ, có thể đang vùng vẫy với vấn đề trầm trọng nào đó, mà có thể là ta không biết. Thường khi, người ta có vẻ như đang hạnh phúc, nhưng bên dưới, họ có thể đang ẩn giấu một nỗi thống khổ cá nhân nào đó. Cho dù bên ngoài họ xem ra thân thiết gắn bó với nhau thế nào chăng nữa, thì cũng khó mà thấy cái gì ở bên trong trái tim họ. Bởi vậy, đừng bao giờ xấu hổ về tình trạng kinh tế của bạn. Cái đáng nhục, là có một trái tim nghèo nàn, sống một cách bất lương.

 

Một doanh nhân nổi tiếng thế giới một lần nói với tôi, “ Mặc dù bây giờ tôi đã đạt danh vọng và tiền tài, nhưng khi tôi còn nghèo, tôi có một cảm thức lớn hơn về mục đích và sự thành tựu. Thuở đó, tôi đã có những mục đích, và cuộc đời tràn đầy thử thách. Để có lại được cái cảm thức về sự thành tựu đó, bây giờ tôi nhận thức rằng, tôi phải tạo ra một mục đích mới: góp phần vào sự an vui và hạnh phúc của người khác.”

 

Chúng ta thường thấy những người bị lôi kéo vào trong những cuộc chiến khốc liệt về tiền bạc; những người bị chìm đắm trong sự khốn khổ và chán chường  nếu danh tiếng của họ mai một đi; những người hủy hoại đời họ khi họ để cho danh vọng và quyền lực làm chủ cái đầu của họ; và những người sống trong những ngôi nhà xa hoa, nơi mà những thành viên gia đình không thể chịu đựng được nhau. Rất thường khi, những người sống trong những gia đình có vẻ lý tưởng, khá giả, danh giá, thì lại bị gò bó bởi nghi thức, truyền thống và dáng vẻ bên ngoài. Họ có khó khăn trong việc biểu lộ những tình cảm ấm áp, những cảm xúc và sự hồn nhiên đích thực. Và rất thường khi, những người trẻ được số phận ưu đãi, lại gặp khó khăn trong việc đặt ra những mục đích và thành tựu chúng,  bởi vì mọi nhu cầu của họ đều được chăm lo. Do vậy, khi bạn xem xét cho thật kỹ, thì giàu sang, danh vọng hay sự xa hoa có bảo đảm hạnh phúc hay không? Câu trả lời là một tiếng “không” dứt khóat.

Mọi sự tùy thuộc vào quan điểm của bạn. Thay vì nghĩ rằng, bạn không may mắn chỉ vì bố mẹ không có nhiều tiền hay thiếu học vấn, hãy chấp nhận rằng đây là một tình trạng chung. Bạn sẽ thấy rằng, cái nhãn quan này sẽ cho phép bạn phát triển thành một người thực sự nhân ái. Bạn sẽ nhận thức rằng, những gian khổ của bạn chính là cái chất liệu mà sẽ khiến cho bạn có thể mở rộng tấm lòng, và trở thành một người có chiều sâu và thực chất.

 

Sự thực là, chỉ bằng cách nếm trải khó khăn mà bạn mới có thể trở thành loại người có khả năng hiểu được những tình cảm của người khác. Nỗi đau và nỗi sầu muộn của bạn sẽ nuôi trồng mảnh đất của bản thể nội tâm bạn. Và từ đó, bạn có thể làm nở ra bông hoa đẹp đẽ của lòng từ ái và niềm ước mong làm việc cho hạnh phúc của mọi người.

 

Tiền bạc, danh vọng và của cải vật chất chỉ đem lại sự thoả mãn chóng qua, một cái gì đó có thể gọi là hạnh phúc “tương đối”. Tuy nhiên, những hiền nhân thường xây dựng hạnh phúc tuyệt đối bằng cách chuyển hóa đời họ từ bên trong. Khi ta phát triển một trạng thái tâm thức bao la và chói lọi như một cung điện tráng lệ, thì bất luận ta đi đâu hay làm cái gì ta có thể gặp phải trong đời, không có gì có thể làm xói mòn hay hủy diệt được hạnh phúc của ta.

 

 

4. HÒA THUẬN VỚI BỐ MẸ

 

Ước chi tôi đã có bố mẹ tốt hơn.

 

Gia đình nào cũng có một loạt hoàn cảnh và vấn đề riêng, mà chỉ những thành viên của nó mới có thể hiểu đầy đủ. Bạn có thể tự hỏi, tại sao bạn được sinh ra trong gia đình bạn. Hay, tại sao bạn không diễm phúc có một ngôi nhà đẹp hơn, một gia đình ấm cúng hơn và khá giả hơn. Có thể, thậm chí bạn muốn bỏ nhà mà đi. Tuy vậy, một điều tôi có thể nói, là: bất luận bố mẹ bạn thuộc loại người nào, họ là bố mẹ của bạn. Nếu bạn không có họ, bạn sẽ không tồn tại. Xin hiểu cái ý nghĩa sâu xa của điểm này. Bạn được sinh ra trong một gia đình đặc thù, tại một nơi đặc thù và trên hành tinh Trái Đất này vào thời điểm đặc thù này. Bạn không được ra đời trong một gia đình nào khác. Sự kiện này bao trùm ý nghĩa của mọi sự.

 

Không có gì xảy ra tình cờ ngẫu nhiên,  và người ta đã có sẵn mọi thứ bên trong mình để có hạnh phúc. Bởi vậy, không có kho tàng nào quý giá hơn chính sự sống. Bất luận tình huống của bạn khó khăn đến mức nào đi nữa; bất luận bạn cảm thấy bị bố mẹ bỏ quên ra sao đi nữa,  thì bây giờ bạn đang hiện hữu – vẫn còn trẻ và diễm phúc có một tinh thần trẻ trung mà với nó, bạn có thể tạo dựng một cuộc sống hạnh phúc nhất, từ khoảnh khắc này trở đi. Đừng hủy hoại hay làm hỏng tương lai quý giá của bạn bằng cách đầu hàng sự tuyệt vọng hôm nay.

 

Hãy dũng cảm khích lệ mình tiến lên, tự nhắc nhở mình rằng, nỗi đau và nỗi sầu muộn càng sâu, thì hạnh phúc chờ đợi ta càng lớn. Hãy có sự quyết tâm trở thành một trụ cột của gia đình bạn. Cho dù bạn có một người bố (hoặc mẹ) nghiện rượu, hay lâm trọng bệnh; cho dù gia đình bạn đang trải qua những lúc khó khăn vì thất bại trong việc làm ăn, cho dù bạn phải chịu đựng nỗi đau khi nhìn thấy bố (hay mẹ) bị phê bình và đả kích, thậm chí một cách oan uổng, hay cho dù bạn bị bố (mẹ) bỏ rơi – tất cả những tình huống có vẻ như nghịch cảnh này có thể được xem như là dưỡng chất để thúc đẩy bạn tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.

 

Bất luận là bạn bị bố mẹ đối xử ra sao, rốt cùng, việc trở nên hạnh phúc chính là trách nhiệm của bạn, chứ không phải của họ. Quyết tâm trở thành “mặt trời”, xua tan mọi bóng tối trong đời ta và bên trong gia đình ta, việc ấy tùy thuộc vào mỗi chúng ta. Bất luận cái gì xảy ra, điều hệ trọng là bạn sống một cách tự tin, với xác tín rằng bạn là “mặt trời”. Dĩ nhiên, trong đời có những ngày có nắng và những ngày có mây âm u. Nhưng ngay cả vào những ngày có mây, mặt trời vẫn chiếu sáng. Cho dẫu ta đang khổ đau, điều hệ trọng là ta phấn đấu để giữ cho mặt trời chiếu sáng rực rỡ trong trái tim ta.

 

Tôi quen một người trẻ, mồ côi cha; mẹ anh lâm trọng bệnh, mất khả năng làm việc, còn chị gái anh thì đang nằm nhà thương. Trong khi chịu đựng quá nhiều gian khổ trong tuổi trẻ, anh đã leo lên một ngọn núi cao trong đời, vượt lên trước những người khác khá xa. Tôi tin rằng những người trẻ nào đối đầu với những gian khổ như thế, họ sẽ là những nhà lãnh đạo của thế kỷ 21.

 

 

5. HÀNH XỬ VỚI LỜI KHUYÊN.

 

Tôi không thích người ta nhất là bố mẹ tôi chỉ ra những thiếu sót của tôi.

 

Trong đời, một trong những điều làm phẫn chí nhất, là khi ta nghĩ ta là như thế này, trong khi những người xung quanh ta lại nghĩ về ta một cách ngược lại. Tuy nhiên, những người khác  có thể thường hay thấy những cái về ta mà ta không thể thấy. Điều này là rất tốt, bởi vì tương tự như một tấm gương cho phép bạn nhìn khuôn mặt mình, những người xung quanh bạn có thể có tác dụng như một tấm gương,  qua đó bạn thấy những khía cạnh khác của chính bạn.

 

Những bình luận của những người gần gũi với bạn có thể giúp bạn tập trung cá tính của bạn về một hướng tích cực. Sự giáo dục, sự hướng dẫn, lời khuyên, những lời cảnh báo và thậm chí những khiển trách mà bạn tiếp nhận, đều  có thể được dùng, một cách tích cực, để hướng bạn đi theo con đường đúng. Trái lại, từ chối , không chịu lắng nghe lời khuyên của người khác,  nổi loạn chỉ làm cái mà bạn muốn và gây khó chịu cho mọi người – dưới lớp ngụy trang là biểu đạt cá tính của bạn  –  đó chỉ là những hình thức của sự ngoan cố mà sẽ không làm lợi lạc gì cho ai cả.

 

Có những người chỉ ra những thiếu sót của bạn và giúp bạn vứt bỏ những thói quen xấu của bạn tận gốc rễ, điều ấy sẽ cho phép bạn, về lâu về dài, rèn đúc cá tính của bạn trong một cách thức mà sẽ hữu ích cho bạn. Nếu, ngược lại, những gốc rễ của những thói quen xấu đó vẫn còn, thì chúng sẽ dần dần tác động xấu tới đời bạn, đưa đẩy bạn về một hướng có hại và có tính hủy hoại. Khi bạn có thể nhận thức điều này, bạn sẽ thấy rằng việc từ chối lắng nghe lời khuyên là rồ dại. Điều hệ trọng, là hãy trở nên khôn ngoan,

 

 

6. QUÁ NHIỀU BÓ BUỘC HẠN CHẾ

 

Bố mẹ tôi đặt quá nhiều bó buộc lên tôi. Dường như họ không hiểu rằng tôi không còn bé bỏng nữa. Bằng cách nào tôi có thể thuyết phục cho họ tin điều đó?

 

Chắc chắn là tôi có thể hiểu được điều mà bạn đang nói. Không ai thích bị người khác kiểm soát, và thật tự nhiên để ao ước rằng ta có thể làm cái điều của riêng ta, và người khác không quấy rầy ta trong mọi lúc. Tôi biết vài học sinh mơ về sự tự do mà họ sẽ được hưởng nếu không có luật lệ nào, nếu họ có nhiều tiền bạc và thời gian, và không có những ông bố bà mẹ cằn nhằn họ. Nhưng, thực ra, đó là một nhãn quan nông cạn về xã hội con người.

 

Tự do thực thụ, rốt cùng, tùy thuộc vào cái mà bạn quyết định hiến mình cho, với tất cả trái tim bạn. Nó không có nghĩa là chỉ la cà lêu lổng và không làm gì cả. Nó không phải là tiêu tiền như nước. Nó không phải là có mọi thời gian rảnh rỗi trên đời. Nó không phải là những cuộc đi nghỉ dài. Chỉ làm như mình thích không phải là tự do – đó không gì khác hơn là sự tự nuông chiều. Tự do thực thụ nằm trong sự thử thách trước mắt, để phát triển chính mình, để đạt tới cái mục đích mà bạn đã chọn.

 



[1] Sự “ im lặng” này, thường là một cuộc… “ chiến tranh lạnh” rất dai dẳng!

[2] Các bạn trẻ lưu ý: Có sự “ nổi loạn” đích thực, và sự “ nổi loạn” giả tạo. Các vĩ nhân của thế giới – như chúa Jesus, Phật Thích Ca, Lão Tử, Socrates…– họ đều là những kẻ “nổi loạn” đích thực.Những kẻ nổi loạn đích thực có tâm hồn sáng tạo, có tư duy độc lập, họ không chịu bất cứ sự nô lệ nào trong tư tưởng, bất luận nó đến từ đâu. Phải công bằng mà nói, sự “nổi loạn” của giới trẻ hiện nay –  trừ một số ngoại lệ –  đa phần đều là sự “nổi loạn” giả tạo: sự “nổi loạn” của họ chỉ là hời hợt bên ngoài. Họ cố tạo sự “nổi trội” bên ngoài, qua cách ăn mặc lố lăng, tóc tai … nhưng bên trong, họ chỉ là một kẻ “nô lệ” của thời trang, của dư luận, của các phương tiện truyền thông đại chúng …

[3] Đây không chỉ là một sai lầm của giới trẻ, mà là của đa số người – kể cả “thế hệ già” – trong xu thế “thực dụng”  hiện nay. Tính thực dụng, theo nghĩa xấu, theo chúng tôi, bây giờ đã có qui mô toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam mới có.

 

 

 

Đỗ Tư Nghĩa
Số lần đọc: 1873
Ngày đăng: 08.02.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 1 - Đỗ Tư Nghĩa
Thanh Thảo - Ông Hoàng Của Trường Ca - Mai Bá Ấn
Chợ Tết Trong Tâm Thức Vũ Bằng Qua Thương Nhớ Mười Hai - Trần Hoài Anh
ROBERT FROST: Dừng Chân Tuyết Xuống Rừng Chiều - Nguyễn Đức Tùng
Đọc Và Fê-Bình Sein Und Zeit Nguồn-Sống (Bản-Thể)Và Thời-Jan của Martin Heidegger (1889-1976)- 6 - Nguyễn Quỳnh USA
Hòa bình nơi cửa Phật - Nguyễn Đăng Trúc
KỶ NIỆM 95 NĂM SINH (1916-2011) VÀ 65 NĂM MẤT (1946-2011) NHÀ THƠ BÍCH KHÊ: Ô! Mắt Bích Khê - Mai Bá Ấn
Diện mạo Văn học Thành phố Hồ Chí Minh - Nhìn từ phương diện đội ngũ nhà văn và người đọc - Trần Hoài Anh
Thi Sĩ Mùa Xuân Nguyễn Bính - Chế Diễm Trâm
Quan niệm về Tác phẩm văn học của lý luận - phê bình văn học đô thị miền Nam 1954-1975 - Trần Hoài Anh
Cùng một tác giả
Tự Thú 1 (chân dung)
Tự Thú 2 (chân dung)
Tự Thú 3 (chân dung)