Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
669
116.003.771
 
Di Sản Văn Hóa “Sống” Cùng Thành Phố
Nguyễn Thị Hậu

 

Hình như tôi “có duyên” với mùa thu châu Âu nên những ngày cuối tháng Chín vừa qua tôi lại được đến đây để tham dự một cuộc hội thảo về di sản văn hóa tổ chức tại Krakow – Ba Lan vào giữa những ngày thu đẹp nhất. Sau đó, “hành trình” nho nhỏ của tôi bắt đầu từ Warsaw – thành phố hồi sinh từ đổ nát sau chiến tranh thế giới thứ hai, rồi đến Krakow kinh đô cổ xưa của Cộng hòa Ba Lan, sang Budapest –  “Hòn ngọc bên sông Danube” của Cộng hòa Hungary, qua Prague - Cộng hòa Sec, “thành phố tình yêu”; và Wien - Cộng hòa Áo, “kinh đô âm nhạc Châu Âu”. Chỉ là “đi qua” thôi, nhưng những “thủ đô di sản văn hóa” đã để lại cho tôi ấn tượng khó quên, bởi sự hòa hợp kỳ lạ giữa cuộc sống hiện đại và sức sống “cổ tích” từ di sản văn hóa hiện diện mỗi ngày trong thành phố.

 

Những thành phố này đều là thủ đô  từ thời trung cổ, vì vậy hệ thống thành cổ, cung điện lâu đài, công trình công cộng được xây dựng trong một thời gian dài vài thế kỷ nay được bảo tồn khá nguyên vẹn. Khu vực thành cổ (hay những lâu đài lớn của một dòng họ quý tộc) thường ở trên đồi hay sườn núi, cấu trúc gồm tường thành cao, dày, xây bằng đá hoặc gạch, bên trong là quần thể cung điện, lâu đài, nhà thờ lớn ở trung tâm… xung quanh là khu phố buôn bán và những dịch vụ cho sinh hoạt. Bên ngoài thành có một dòng sông, là đường giao thông và “tuyến phòng ngự” khi có sự cố, nhưng nhờ vậy mà phong cảnh rất nên thơ.

Trong nhiều tòa thành cổ có di tích khảo cổ học. Như trong thành cổ Buda ở Budapest: Khu vực khai quật liền kề với những công trình còn nguyên vẹn, du khách có thể nhìn thấy nền móng của các kiến trúc đã bị sụp đổ, hầm ngầm, đường bí mật sâu dưới lòng đất…Có hố khai quật xong đã lấp cát và trồng cỏ lên trên tạo thành vườn hoa nho nhỏ, có hố được giữ lại, bên ngoài có hàng rào thấp để khách có thể quan sát các tầng văn hóa của di tích. Hiện vật tìm thấy trưng bày trong bảo tàng nhỏ ngay tại tòa thành hay lâu đài ấy. Công trường đang khai quật thì có mái che bên trên bảo vệ hiện trạng, di tích khai quật xong hầu hết được bảo tồn tất cả các lớp kiến trúc làm bằng chứng cho từng giai đoạn, có thể xây dựng vào những niên đại khác nhau. Làm được như vậy vì vật liệu xây dựng hầu hết bằng gạch, đá, trải qua vài trăm năm trong điều kiện khí hậu không ẩm ướt nên vẫn còn chắc chắn. Khu di tích nào cũng có một mô hình đúc bằng đồng đặt gần lối ra vào, thể hiện toàn bộ khu lâu đài, thành cổ, giúp khách tham quan nhận biết tổng thể khu di tích qua các công trình kiến trúc còn nguyên và những phế tích do khảo cổ học khai quật.

 

Hầu như không có công trình nào xây lại mới hoàn toàn trên nền móng cũ, mặc dù có thể làm được điều đó vì tài liệu, hình ảnh và những căn cứ khoa học còn lưu lại khá đầy đủ. Riêng thành cổ Warsaw là một trường hợp đặc biệt vì chiến tranh thế giới lần thứ hai đã biến Warsaw thành những đống đổ nát hoang tàn trong đó có tòa thành cổ xây dựng từ thế kỷ XII, XIII và tồn tại đến thế kỷ XX. Sau năm 1945 Ba Lan đã xây dựng lại thành phố Warsaw và tòa thành cổ như trước chiến tranh chứ không xây dựng mới hoàn toàn. Các công trình trong thành và cả tường thành đều xây bằng gạch (được nghiên cứu phục chế gần như không khác biệt với gạch cũ, có lẽ nhờ thời tiết không nóng ẩm nên ít bị rêu mốc và các loài thực vật gây hại). Trong thành, đường phố hẹp hay quảng trường rộng còn giữ nguyên những viên đá nhỏ lát thành hoa văn hình vỏ sò, hình xoáy ốc… nhìn vừa đẹp, vừa dễ rút nước khi mưa và mùa tuyết tan, giảm trơn trượt khi băng giá. Tôi đã nhìn thấy một người công nhân với xô hồ và chiếc búa nhỏ trong tay, tỉ mỷ cẩn thận gắn lại vài viên đá bị bật lên. Mọi người qua lại đi chậm và nhẹ chân hơn. Những chiếc xe ngựa lăn bánh lốp cốp trong phố cổ rất hấp dẫn du khách vì tiết kiệm thời gian và cho đôi chân nghỉ ngơi. Dạo chơi trên đường phố lát đá như thế này cũng khá mỏi chân, nhất là nếu bạn không quen đi bộ. Hơn nữa người đánh xe trong bộ trang phục xưa còn là hướng dẫn viên nhiệt tình và thú vị, những câu chuyện xưa về thành cổ, về từng địa điểm từng nhân vật lịch sử… sống động hơn qua từng tour ngắn như thế. Bao thế hệ đã đi trên những đường phố khấp khểnh này và sẽ còn nhiều thế hệ nữa…vì sự tôn trọng lịch sử và ý thức bảo tồn quá khứ trở thành thói quen bình thường của cộng đồng.

 

Hai bên đường là những tòa nhà xưa, tiệm ăn, cửa hàng, công sở, nhà hát… hầu như không có kiến trúc mới, càng không có công trình nào cao như nhà thờ. Nhìn từ trên cao những tháp nhà thờ vươn lên in trên nền trời xanh thăm thẳm, là điểm nhấn quan trọng nhất của từng khu vực. Nhà thờ trung tâm ở giữa quảng trường rộng, nơi mỗi ngày diễn ra nhiều sinh họat cộng đồng. Trên quảng trường và vỉa hè có nhiều quán cà phê ngăn cách với đường phố bằng hàng rào gỗ thấp treo những chậu hoa tươi tắn. Thành cổ lúc nào cũng nhộn nhịp khách du lịch nhưng không tiếng động cơ không mùi khói xăng, thậm chí cũng không có âm thanh ồn ào. Nhịp sống nơi thành cổ bình thản êm đềm như không có cuộc sống hiện đại sôi động đang diễn ra bên ngoài bức tường thành.

 

Tháng Mười, mùa du lịch cao điểm ở châu Âu đã qua, vậy mà những thành phố tôi đến không hề vắng du khách. Qua mùa hè nóng nực đông đúc, vào mùa thu thời tiết ôn hòa nên có nhiều đoàn du lịch của người cao tuổi và khách từ châu Á. Cũng là quần thể di tích thành cổ, phố cổ nhưng có nhiều hình thức tham quan nhằm đáp ứng nhu cầu, điều kiện khác nhau của du khách: Tham quan tòan bộ lâu đài, cung điện hay chỉ một phần, tham quan hầm mộ trong lâu đài hay nơi có liên quan đến một nhân vật nổi tiếng (ví dụ tour tham quan các gian phòng hòang hậu Sisi từng sống trong cung điện Mùa hè ở Vienna)…Hay một sinh hoạt đặc biệt như Nhà thờ “con gà” ở quảng trường trung tâm thủ đô Praha chẳng hạn, cứ mỗi giờ là du khách tập trung rất đông, ngước nhìn lên tháp đồng hồ để ngắm chú Gà bằng vàng và những vị Thánh xuất hiện lần lượt sau ô cửa nhỏ, rồi tiếng kèn báo hiệu thời khắc vang lên…Có rất nhiều di tích tham quan miễn phí, nhất là những nhà thờ cổ, nơi ở của các nhân vật lịch sử và danh nhân văn hóa, nhà hát, kể cả những tòa nhà là công sở còn đang hoạt động. Thú vị nhất với tôi là Dinh Tổng thống trong các tòa thành cổ cũng là điểm tham quan của du khách. Tôi được chứng kiến lễ đón khách của Tổng thống Hungary, có Đội danh dự duyệt binh. Du khách vẫn đứng trong sân của Dinh Tổng thống, chỉ có vài cảnh sát làm nhiệm vụ giữ trật tự. Dinh Tổng thống Cộng hòa Sec cũng vậy, ngày vài lần du khách tụ tập vào những thời điểm đổi phiên gác để chiêm ngưỡng đội danh dự bước đi trong trang phục rất đẹp mắt.

 

Xen giữa đường phố và quần thể công trình kiến trúc là những vườn hoa nho nhỏ, luôn có tượng đài nhân vật, sự kiện lịch sử, danh nhân văn hóa, không hoành tráng phô trương mà hòa hợp với công viên hay quảng trường xung quanh. Những công viên lớn vốn là khu rừng ở trong và ven thành phố cũng được coi là “di sản cảnh quan đô thị” không chỉ vì nó “có tuổi” mà còn vì nơi đây bảo tồn tự nhiên nhiều loại thực vật, động vật nhỏ. Trong công viên Chopin ở Warsaw những chú sóc những chú chim công mạnh dạn đến gần để nhận những mẩu bánh mỳ vụn từ tay người đi dạo. Mùa hè, mùa thu khu rừng ngoại ô thành phố là nơi người dân đến hái nấm, hái quả dại, nghỉ ngơi cùng gia đình, bạn bè trên thảm cỏ xanh thảm lá vàng…

 

Quan sát “cuộc sống” của những di sản văn hóa có thể nhận thấy giữa bảo tồn và bảo tàng không hề tách rời, bảo tồn di tích cổ là làm cho chúng trở thành những “bảo tàng mở”, những “bảo tàng mở’ mang lại sức sống cho di tích được bảo tồn. Điều đó tạo điều kiện cho công chúng có thể tiếp cận di sản văn hóa một cách dễ dàng nhất, tiếp nhận những giá trị lịch sử - văn hóa một cách phong phú hấp dẫn nhất. Bảo tồn di sản văn hóa cũng không chỉ giới hạn trong phạm vi di tích, mà đã trở thành một bộ phận quan trọng của quy hoạch đô thị và được ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển đô thị. Một đô thị mà lịch sử luôn hiện diện trên đường phố bằng từng viên gạch, từng ngôi nhà bằng những tượng đài tuyệt đẹp. Một đô thị được lưu giữ ký ức bằng những công trình cổ xưa, bằng âm nhạc cổ điển bằng những bức danh họa… trong từng ngôi nhà từng quán hàng từng tiệm cà phê… Lịch sử và ký ức đô thị hiện lên thật đẹp, vẻ đẹp của quá khứ dành tặng tương lai. Di sản văn hóa được lưu truyền như một vẻ đẹp vĩnh cửu.

 

Mặc dù tự “cảnh giác” với hội chứng “đi Tây về chỉ ngợi khen Tây” nhưng quả thật, tôi đã nhận được nhiều kinh nghiệm từ việc bảo tồn và “phát huy giá trị” di sản văn hóa của những thành phố này. Họ cũng đã qua “một thời đạn bom, một thời hòa bình”, cũng từng chịu sức ép của quá trình “đô thị hóa, hiện đại hóa” sau chiến tranh và trong quá trình phát triển kinh tế, nhưng họ gìn giữ trân trọng di sản văn hóa trước hết là cho đất nước mình, và sau đó “hữu xạ tự nhiên hương”, di sản trở thành của thế giới. Họ đã thành công từ một điều giản dị: di sản văn hóa phải có một đời sống của chính nó, nhờ con người và vì con người./.

 

Ảnh: Krakow, Poland, June 23-25, 2008

personales.unican.es

 

Nguyễn Thị Hậu
Số lần đọc: 2128
Ngày đăng: 28.02.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Con Kiến Bò Trong Tai - Lê Văn Thiện
Nỗi Đau Lớn Nhất Trong Đời Tôi - Tôn Nữ Hỷ Khương
Lên ngọn suối gặp "Vùng rừng nóng bỏng". - Nguyễn Anh Tuấn
Đêm Nằm Nghe Pê-Đê Hát - Phạm Nga
Giải mã chân dung - Xuân Sách
Một Lần Lên Bà Nà - Chế Diễm Trâm
Vườn Vải Xưa Còn Nhòa Lệ Máu... - Nguyễn Anh Tuấn
Hành Hương Chùa Núi Tà Cú - Phạm Nga
Những người giữ đảo - Văn Thành Lê
Thiên Đường Thứ Hai - Minh Nguyễn
Cùng một tác giả
Những mảnh vỡ (26) (truyện ngắn)
Café một mình (tạp văn)
Những mảnh vỡ… (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (2) (truyện ngắn)
Truyện rất ngắn (3) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (4) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (5) (truyện ngắn)
Sông gốm (tạp văn)
Những mảnh vỡ (6) (truyện ngắn)
Happy end (tạp văn)
Những mảnh vỡ (7) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (8) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ 9 (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (10) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (31) (truyện ngắn)
Say bờ (tạp văn)
Những Mảnh Vỡ (11) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (12) (truyện ngắn)
Nhà thờ (tạp văn)
Những mảnh vỡ (13) (truyện ngắn)
Nắng lạnh (tạp văn)
Chùa trong phố (tạp văn)
(tạp văn)
Những mảnh vỡ (14) (truyện ngắn)
Sân bay (tạp văn)
Tháng tư về (tạp văn)
Những mảnh vở (15) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (16) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (17) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (18) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (19) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (21) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (20) (truyện ngắn)
Mùa Thu Berlin (tạp văn)
Cà Phê Mùa Thu (tạp văn)
Mùa Thu Xanh (tạp văn)
Những Mảnh Vỡ (22) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (23) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (24) (truyện ngắn)
Cao Nguyên (tạp văn)
Những mảnh vỡ (25) (truyện ngắn)
Bạn Xa Xứ (tạp văn)
Vùng Biên (tạp văn)
Sơ Tán (tạp văn)
Những mảnh vỡ (27) (truyện ngắn)