Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
686
115.982.514
 
Sài Gòn-Những Ngày Không Thứ
Hà Thủy

I. Sau hơn 12 giờ bay từ Mỹ, đến phi trường Đài Loan là đã cảm nhận quê hương gần sát bên cạnh. Xứ nhiệt đới có khác, dù đang ở trong lòng phi trường với nhiệt độ điều hòa, ngoài những người chung quanh hầu hết là người “như mình” thì hình như cái khứu giác cũng nhạy hơn, trong không khí phảng phất một “mùi vị” Á Châu không lẫn đâu được, khó diễn tả, một mùi nồng nồng xông vào mũi, mùi ẩm ướt của đất, của cây cối và có lẽ đúng nhất là một mùi vị tự nhiên, dân dã hơn, không như ở xứ người đi đâu cũng mùi son phấn, mùi nước hoa, mùi của những vật dụng tiện nghi luôn lẩn quất trong không khí; có thể là cảm nhận chủ quan nhưng rõ ràng là khác biệt, khác biệt hẳn không chút hồ nghi; nhớ lại cảm giác lần về cách đây gần 10 năm cũng ở nơi đây, cũng nôn nao chờ đợi chuyến bay tiếp.


Ra khỏi phi trường Tân Sơn Nhất hơi nóng ập vào người, mồ hôi rịn ướt đẩm cả áo, vừa khó chịu lại vừa có một cảm giác quen thuộc gặp lại, thầm nghĩ, thì mình như con cá nước ngọt sống ở vùng nước lợ đã lâu, khi trở về có bở ngở lúc đầu rồi cũng thích ứng nhanh. Đã về đây, Sài Gòn, nơi đã sống từ tuổi hai mươi. Cho dù Huế là nơi sinh ra và lớn lên nhưng chính nơi đây là nơi trải nghiệm hầu hết những vui buồn cuộc đời, những đắng cay hạnh phúc, những chân thật và phù hoa…nơi mới thật định hình một nếp sống, nếp suy nghĩ cả một đời tận cho đến bây giờ cho dù đã xa và sống nơi xứ người khá lâu. Sài Gòn, có thể không cùng sống suốt đời nhưng cứ như là một người tình, vừa nồng nàn vừa lơ đãng, vừa khắc nghiệt vừa bao dung, với nhan sắc đảo điên khi rực rỡ khi tồi tàn… vậy mà khi đã một lần dan díu là không thể nào dứt bỏ được. Đi về nhà giữa trưa, giờ nóng nhất của ngày, vẫn Sài Gòn những con đường đầy bụi bặm, khói và tiếng còi của đông nghẹt xe máy và xe hơi vây quanh đông hơn ngày xưa nhiều, ngồi trên xe máy lạnh vẫn cứ thấy nóng âm ỉ trong người, không sao, ở tuổi nào cũng vậy, trở về luôn gây những bồn chồn, háo hức, huống hồ là đã gần mười năm.


Về nhà, Cư xá Thanh Đa, bây giờ đã khác hẳn xưa, cũng khác với lần về trước, dẫu vậy cho dù cùng Sài Gòn phát triển dữ dội trong mười năm qua, Thanh Đa vẫn cứ còn là nơi khoáng đãng, khung cảnh chưa biến dạng, vẫn còn gợi nhớ những tháng ngày xưa. Ngày đến đây sống cách đã hơn 30 năm, cư xá Thanh Đa như một thị trấn nhỏ êm đềm của ngoại ô Sài Gòn, sông vây quanh, không gian thoáng mát, ruộng đồng nhiều hơn nhà cửa, đêm yên lặng nghe rõ tiếng côn trùng; ngày, mỗi buổi sáng ngồi uống café bên cạnh chợ nghe xôn xao một lúc, chiều cùng bạn bè, một vài xị rượu, dĩa khô cá, dĩa gỏi vịt hay bần hàn lắm thì trái xoài xanh râm ran trò chuyện đủ thứ trên đời, một thời sống rất nhiều khi nghĩ lại không hiểu làm sao mà sống được, vậy mà vẫn sống và giờ vẫn còn lại cái cảm giác bình yên lạ kỳ của một thời sau nầy gần như không gặp lại. Nhớ những ngày vất vả kiếm sống cho đến những ngày khá hơn, dù bận rộn với công việc làm ăn hay sau những thú vui đời thường, có đôi khi hoang đàng quá mức, sớm hay muộn vẫn phải trở về cư xá, căn nhà nhỏ với gia đình, một không gian và không khí không thể thiếu được.

Về nhà, căn nhà nhỏ trong cư xá, nhà vẫn còn có mẹ, bất cứ từ nơi đâu, bât kể lúc nào, ở tuổi 20, 30 đã đành cho đến tuổi 40 rồi 50 mỗi lần trở về Huế, Bà Rịa hay Sài Gòn trong căn nhà có mẹ là lại được trở về một nơi chốn bình yên, vô nhiễm. Lần nầy trở về gia đình tập trung đầy đủ bên cạnh mẹ còn khỏe mạnh và đầy minh mẫn, một thoáng ngạc nhiên, anh em đã có gia đình riêng lại ở xa, thời buổi nầy gặp mặt đầy đủ là quá hiếm hoi, rồi nhận ra một may mắn, hôm nay cũng là ngày giổ đứa em kế, khẻ thở dài, mới đó mà đã 25 năm, chết vì bịnh, một căn bịnh không đáng chết nếu ở trong một thời buổi và hoàn cảnh khác, cách đó gần một năm một thằng bạn thân chết sau khi mỗ vì không kịp mua một thứ thuốc đã tưởng dễ dàng như mua bao thuốc lá; đã có một thời sinh mạng quá mong manh và tức tưởi. Sum họp gia đình vẫn luôn là một ước ao, càng lớn càng hiếm hoi, với những người xa xứ có khi xa vời như mộng tưởng, thời buổi nầy nghe tưởng nói như đùa vẫn cứ là thực tế, số lượng người về dường như đã làm quên mất những rong rêu chìm khuất. Về, chỉ là đi về như Sài Gòn về Huế, Huế về quê đã là lắm nổi, huống hồ… có ai cất nổi những gánh nặng hệ lụy khôn cùng để đi về mà lòng thanh thản. Ngay ở xứ người, nơi cứ tưởng cá nhân, cái riêng tư là trên hết, những ngày lễ nhìn nhũng người bản xứ hối hả về với gia đình, cá nhân về với gia đình nhỏ, gia đình nhỏ về với gia đình lớn, tất cả đều rộn ràng, hối hả mua sắm chen chúc đi về mới thấy cái hơi ấm tự nhiên mà thôi thúc của gia đình.

Giờ thì đã về, sẽ có gần hai tháng trước mặt, không dứt bỏ hẳn được vẫn cố tạm quên mọi việc, bỏ lại sau lưng. Bữa ăn với gia đình vui và đầm ấm, ly bia mát uống cạn, người lấm tấm mồ hôi lại thấy khỏe ra, hỏi han cười nói râm ran, cái mệt mỏi của chuyến đi dài như biến mất hay trốn đâu mất và rồi lạ chưa, lòng đã nghe râm ran tiếng gọi bạn bè. Nhấc máy gọi vài đưa bạn báo tin trước đã về, hẹn mai uống café và ngủ thiếp trong cái nóng ngầy ngật buổi xế trưa. Tiếng reo của chiếc điện thoại bên cạnh khiến thức giấc, giọng một đứa bạn hỏi, có khỏe không, trả lời, dĩ nhiên là khoẻ, và rồi, tụi tau sẽ xuống gặp ngay. Gặp, nghĩa là rồi sẽ kéo nhau ra quán chuyện trò và dĩ nhiên là nhậu. Sài Gòn như đã từ xưa và bây giờ là cả toàn quốc, bạn bè sáng gặp café, ngày cật lực làm ăn kiếm tiền, chiều gặp nhậu, chính cái lối sống hồn nhiên, năng nổ, cởi mở của Sài Gòn đã quyến rũ lây lan cả nước.


II. Sài Gòn, vẫn còn nhớ rõ cảm giác đầu tiên đến Sài Gòn ở tuổi 18. Cho dù Huế luôn êm ả đã cảm thấy tù túng, tuổi trẻ sung mãn, hừng hực, luôn ao ước những chuyến đi xa, muốn biết thêm những vùng đất mới lâu nay chỉ biết trong sách vở và Đà Lạt, Sài Gòn vẫn là những cái tên quyến rũ đầu tiên. Đến Đà Lạt trước, sửng sờ với phong cảnh đẹp và thời tiết dịu dàng của thành phố cao nguyên, đi quanh bờ hồ liễu rũ cứ tưởng như đang ở trong một cảnh phim nào của của phương Tây, đêm ngây ngất nhìn sương sa xuống mờ dần ánh đèn đường, ngày nao người với những cô gái da trắng nõn, má cứ hồng trong gió lạnh, nhưng rồi thành phố cũng quá buồn, từ Huế đến Đà Lạt cũng cứ như chuyển từ thị trấn trầm ngâm nầy sang thị trấn trầm mặc nọ, có khác nhưng không mới, không có những nhộn nhịp, quyến rũ gì cho tuổi trẻ đang còn cuồng cẳng cứ muốn lao đi như ngựa không cương. Phải là Sài Gòn, và rồi cứ háo hức nôn nóng suốt 6 giờ trên chuyến xe Đà Lạt-Sài Gòn. Sài Gòn mênh mông, chỉ một khu vực là đã rộng và nhộn nhịp hơn cả thành phố Huế. Sài Gòn với những cảm nhận đầu tiên hào nhoáng, sang trọng đầy sức sống đã đành, ấn tượng nhất vẫn cứ là lối sống tự nhiên và thoải mái như không câu nệ điều gì. Buổi sáng quán café điểm tâm ở mỗi góc phố đông đúc người đủ mọi thành phần từ bình dân cho đến sang trọng, buổi trưa lại đầy quán ăn, buổi chiều đầy quán nhậu, dưới những tàng cây trên đường những người đạp xích lô, xe ba gác dù lam lũ vẫn thoải mái với ly bia, đọc báo hay ngân nga vài câu vọng cổ. Chiều về đường phố ngợp người, trai thanh gái lịch, nhìn những cặp yêu nhau trạc tuổi tự nhiên nắm tay nhau dạo phố nói cười rộn rã mới thấy thương cho mình và bạn bè ở Huế, yêu nhau mà cứ phải lén lút, e ngại đủ điều. Sài Gòn, lần đầu đến và dù choáng ngợp, thích thú khám phá những điều mới lạ cũng vẫn có lúc thoáng ngậm ngùi, chua xót. Chiến tranh còn đó, mãnh liệt, tang thương như không hiện diện ở nơi đây, từ xa xôi như miền Trung, Cao nguyên, gần như những tỉnh phụ cận, tất cả đều gánh hết mọi nhọc nhằn, nghèo khổ, đạn bom và đâu đó quanh đây có nhiều bạn bè vừa giã từ trường lớp, đổ máu từng ngày cho chỉ một Sài Gòn xa hoa và bình yên. Tuổi trẻ rồi cũng chóng quên và Sài Gòn vẫn cứ quyến rũ.

Chiều nắng đã vãn, bên bờ sông Thanh Đa với bốn đứa bạn, đầu tuần nên đứa nào cũng đến từ nơi làm việc, áo quần giày dép tươm tất,đã gần mười năm gặp lại, từ tuổi tứ tuần giờ là ngũ thập đã đi quá nửa nên đứa nào cũng già đi, tóc lốm đốm bạc, có đứa bạc phơ, công việc ổn định và khá giả hơn trước nhiều nên đứa trước gầy ốm nay đầy đặn, thằng trước gọn gàng nay mập mạp, hồng hào phương phi, nói năng rổn rảng, toát lên nét thoải mái tự tin, nói lâu không gặp chỉ là không gặp mặt, thực ra vẫn thường xuyên liên lạc biết rõ tin tức nhau nên cũng chẳng cần hỏi han chi nhiều, cứ chuyện trò, cụng ly thoải mái. Sài Gòn, công việc nào dường như cũng bắt đầu hay kết thúc bên bàn nhậu, ai cũng quen bia rượu nhưng giờ đã thấy khác, không còn sôi nổi, mạnh mẽ dốc cạn cả ly bia như trước; tuổi tác, sức khỏe và cả trách nhiệm đã khiến phải dè chừng hơn, dẫu vậy dù có dè chừng cũng đủ làm những người về có vui cách mấy cũng không chịu nổi, cứ như thằng “nghiệp dư” đụng kẻ “chuyên nghiệp”, vui, thì quá vui, thân, có còn thân tình như trước không, không rõ được, đã hơn mười lăm năm sống ở hai môi trường khác biệt, quá lâu, có biết bao tác động với mỗi người, chỉ còn hy vọng gặp lại nhau bằng những ký ức một thuở. Chia tay nhau cũng gần nửa đêm, gió từ sông mát rượi, hơi lành lạnh, người liêu xiêu vừa vui lại vừa rã rời mệt mỏi, mới là buổi đầu, sẽ còn biết bao cuộc gặp gỡ trước mặt, đã một khoảng thời gian rất dài sống với anh em bè bạn, đã từng “cùng một lứa bên trời lận đận”, một thời “bạn bè như lá mỏng/ xanh nổi buồn như nhau” cho đến ngày ra đi sống ở xứ người, sá chi mệt mỏi.

Thức giấc lúc 4 giờ sáng, không thể ngủ được vì cái chênh lệch múi giờ, cơ thể còn chưa thích ứng vẫn như đang Mỹ giờ mới đang xế trưa, mấy giờ ngủ vừa qua chỉ là thiếp đi vì men bia rượu tối qua. Đứng trước hành lang nhà, cả cư xá còn đang mờ mờ, những dãy cao tầng của cư xá rõ nét nguyên thủy như những ngày mới đến sống đầu thập niên 80. Dạo đó dân cư xá toàn người tứ xứ, chẳng ai có việc gì làm rõ rệt, ở lại là ở lậu, có mua nhà cũng mua lậu, sống hồi hộp từng ngày, may mà nơi đây hơn một nửa là dân lậu nên cũng tạm yên thân, một thời kỳ khó khăn và khó chịu lạ lùng . Một thời vẫn nhớ rõ, cái nhớ không mãnh liệt nhưng tồn tại cho đến giờ, một khoảng đời sống đơn điệu, những cảm giác lẫn lộn lung tung, giữa bất ổn và an phận, bất mãn và chịu đựng, hoang mang và hy vọng…hầu như có đủ và tương lai, với rất nhiều người dường như chỉ còn hy vọng theo những con tàu vượt biển. Bạn bè cũ hồi đó thất lạc đâu mất hay ở quá xa, bạn giờ là những người hàng xóm, những người thường gặp trong quán café hay quán nhậu bình dân; bạn nầy cũng là thú vị, đến từ tứ xứ Nam, Trung, Bắc, đủ độ tuổi chênh lệch nhau, chẳng ai biết ai trước đây làm gì, ngồi với nhau cứ chuyện trò ởm ờ, vô thưởng vô phạt, thoạt đầu cũng nghi kỵ nhau, cái thời nó thế, sau nhận ra ai cũng “gạo đong từng bữa” nên dần dần thân nhau, thân theo kiểu ai cũng cần có bạn chuyện trò, rồi qua thời gian sàng lọc, từ thời khó khăn đến ổn định rồi khá giả, rất nhiều người đã biến mất hồi nào không hay, rất nhiều gương mặt chỉ còn nhớ lờ mờ, nhưng rồi cũng còn có được những người bạn sau nầy gặp lại vẫn thân tình, cùng bồi hồi nhớ lại một khoảng thời gian và không gian đã cùng nhau trải qua đặc biệt và khó quên. Cứ vậy, gần 20 năm sống và lăn lộn với Sài Gòn, trải qua bao giai đoạn, bạn bè dù cũng biết bao người đến và đi trong đời vẫn lưu lại những dấu ấn tình thân rõ nét. Khi đã xa hẳn Sài Gòn, vừa bận rộn mưu sinh nơi xứ người, bạn bè lại quá hiếm hoi, môi trường và không gian sống cứ làm loãng dần đi, có thân tình lắm cũng chỉ trong khoảnh khắc gặp gỡ, ai cũng vậy cứ quay lưng là trở lại đời riêng, rất riêng, riêng lắm khi đến vắng lặng, cô đơn. Có một ngày nhớ về Sài Gòn mới nhận ra rằng biết bao nhiêu bạn bè còn đó và vẫn cứ tin rằng còn thân tình như những ngày xưa.


III. Cũng phải mất hai tuần mới quen và bắt kịp dần với nhịp sống. Sài Gòn phát triển và mở rộng đến ngạc nhiên, những vùng ngoại ô trước đây hoang vắng nay cũng đông đúc không kém nội thành. Sài Gòn “ngựa xe như nước”, “nước” chảy đầy những đường phố suốt ngày đã đành, mỗi sáng và chiều “nước” lại ngập tràn tận những con hẽm lớn nhỏ tìm lối thoát. Người đông như kiến, chuyển động chậm chạp trong nôn nóng giữa trời nóng nung người. Bây giờ thì khó lòng tìm được nét thanh lịch vốn có của người Sài Gòn, ai cũng nón bảo hiểm sùm sụp, phụ nữ lại dấu mặt với khăn chống bụi, đàn ông thì nhăn nhó cau mày như chực nổi nóng, áo quần nhễ nhại biến màu vì bụi đường và mồ hôi. Sài Gòn càng lúc càng đông như không còn kiểm soát nổi, chen chúc giành giật nhau từng tấc đường, tất bật với cuộc mưu sinh, bận rộn làm giàu, quay cuồng hưởng thụ, rất khó lòng cho những ai yếu đuối, thích an nhàn an phận. Nghĩ lại, ừ thì ở đâu cũng vậy, ở xứ người như ở Mỹ cũng phải vật vã mưu sinh, có khác chăng đời sống Sài Gòn cứ như sóng lớn ầm ầm, còn xứ người bề mặt tưởng bình yên mà sóng ngầm chảy xiết.

Những ngày gặp gỡ anh em bè bạn tiếp nối không dứt. Cảm động, tất cả anh em bè bạn lớn nhỏ vẫn còn y nguyên tình cảm, còn nhớ những kỷ niệm những tháng ngày đã cùng trải qua, nhiệt tình đến bất ngờ. Gặp, những người bạn thuở hàn vi đứa tài năng đứa may mắn nay giàu có đến khó tin; gặp, những đứa em ngày nào còn ngơ ngác với Sài Gòn nay đã lão luyện thành “tinh”; gặp lại, những người bạn một thời chia sẻ lận đận nay vẫn còn cơ hàn như suốt kiếp; gặp, những ông anh một thời lẫy lừng đầy bản lãnh nay đã về hưu, dù vẫn còn sang sảng thể hiện những ước mơ đã có mòi lạc điệu với thời thế; gặp lại, những đứa bạn đã rất lâu lắm không gặp từ thuở thanh xuân lưu lạc đâu đó tưởng đã lãng quên hẳn nay ngỡ ngàng, thú vị nhìn nhau. Sài Gòn gặp gỡ, vẫn luôn là những cuộc nhậu kéo dài không dứt như một thể hiện cụ thể, rõ ràng không hoa mỹ, đã ngồi được với nhau là tình cảm rồi, chỉ cần ánh mắt, tay nâng ly, cụng mạnh, nốc cạn là nói được rất nhiều điều không cần nói cho dù đôi khi cũng không hiểu nói gì. Còn may vẫn còn có những khoảng lặng. Những tối với vài thằng bạn bên bờ sông Thanh Đa, gió mát rượi, nhìn bên kia sông những chung cư cao tầng đèn đóm sáng rực mới thấy đang có được một khoảng trống hiếm hoi, uống túc tắc, chuyện trò cũng túc tắc, làm sao khác được khi đêm gợi nhớ những ngày rất xưa ở Huế bên bờ sông Hương. Lại có những chiều đến nhà thằng bạn ở Thủ Đức ẩn khuất yên ả, một căn lục giác trong vườn dành cho bạn bè đến nhậu, cơn mưa đầu mùa tháng 5 lấm tấm trên mặt chiếc ao nhỏ bên cạnh, ly rượu thuốc nồng và ngon quá quên cả e ngại cái mùi vị bí ẩn được ngâm tẩm từ cây lá Tây nguyên. Đêm ngoại ô yên tĩnh, cảm giác nao nao buồn buồn tuổi xế khi thằng bạn với giọng ca ấm “ngựa già leo dốc núi/ tình sầu lên ý khơi….”, lời nhạc làm gợi nhớ hình ảnh quê ngoại, một thị trấn nhỏ, chiếc xe thổ mộ với con ngựa già ốm yếu lừ đừ chở khách trên con đường làng cát trằng. Đã gần nửa thế kỷ rồi, ừ hí, đã già lúc nào không hay.


Gần 2 tháng, với gia đình, với bạn bè anh em, tìm lại những khung cảnh cũ những nơi chốn đã từng sống… tạm quên tháng ngày xa xứ, quên luôn cả tuổi tác, mà có không quên cũng không còn chổ để nhớ. Chỉ khi đến một lúc rã rời, đi về đầu cứ váng vất, chân liêu xiêu, vui buồn không rõ mới biết rằng đã là quá mức, bạn bè thì đông, tình cảm tràn đầy mà người về chỉ một, khi cứ được phủ đầu tới tấp thì dù đến thánh cũng phải lao đao. Chuyến bay trở về lại đời thường nơi xứ người mang nhiều cảm giác lẫn lộn, vừa mệt mỏi lại vừa tiếc nuối, vừa thỏa mãn lại vừa thất vọng nhưng trên tất cả là một chút hoang mang không còn rõ quê mình giờ là đâu, không chỉ là Sài Gòn và những nơi chốn từng qua, mà cả ở nơi chôn nhau cắt rốn, hồn quê mang theo trong tâm thức giờ đã nhạt theo lối sống hiện nay, quê người thì rể đã cắm khá sâu, khi qua cơn hưng phấn mới biết tuổi giờ đã lười biếng, cơ thể không còn dễ dàng thích ứng những lối sống khác biệt nhau, chọn lựa đời người bây giờ là chọn lựa tùy nghi. Biết là vậy nhưng khi ngồi yên lặng nơi xứ người, nhớ về Sài Gòn người vẫn cứ xôn xao và náo nức, Sài Gòn đã là một phần trong máu thịt. Sài Gòn, sống ồn ào, hổn độn mà rất hồn nhiên, với những vòng quay không dứt cả ngày lẫn đêm. Khi đã quá bình yên đến chán ngắt thì lại thèm về, để sống với Sài Gòn, sống như những ngày không thứ, tháng không năm. Sài Gòn, thiệt tình!

 

Hà Thủy
Số lần đọc: 2247
Ngày đăng: 29.02.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Di Sản Văn Hóa “Sống” Cùng Thành Phố - Nguyễn Thị Hậu
Con Kiến Bò Trong Tai - Lê Văn Thiện
Nỗi Đau Lớn Nhất Trong Đời Tôi - Tôn Nữ Hỷ Khương
Lên ngọn suối gặp "Vùng rừng nóng bỏng". - Nguyễn Anh Tuấn
Đêm Nằm Nghe Pê-Đê Hát - Phạm Nga
Giải mã chân dung - Xuân Sách
Một Lần Lên Bà Nà - Chế Diễm Trâm
Vườn Vải Xưa Còn Nhòa Lệ Máu... - Nguyễn Anh Tuấn
Hành Hương Chùa Núi Tà Cú - Phạm Nga
Những người giữ đảo - Văn Thành Lê