Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
669
116.543.339
 
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 9
Đỗ Tư Nghĩa

67. NHÌN NGƯỜI KHÁC MỘT

     CÁCH TÍCH CỰC.

 

 

Phần lớn những bạn học của tôi và những người lớn mà tôi biết, đều có vẻ như ngớ ngẩn và sai lầm.

 

 

Sẽ tốt hơn nhiều, nếu tìm kiếm những ưu điểm trong người khác – bạn không gặt hái được gì từ việc chỉ trích những cái bất toàn của người khác.

 

Thật vậy, thật là hữu ích nếu mỗi ngày bạn bước lùi lại,  thậm chí một khoảnh khắc, và cố xem xét những tình cảm và những phẩm chất của những người khác, những kẻ mà bạn chỉ trích. Ta nên cầu nguyện cho cho hạnh phúc của những người mà, vì bất cứ lý do nào, không làm ta vừa lòng, làm ta tức giận, hay làm tổn thương ta. Thường khi, điều này không dễ dàng. Nhưng, ta nên tìm cách thấy mặt tốt đẹp của phần lớn mọi người.

 

Bởi vì bao lâu mà ta tiến về phía trước và tiếp tục phát triển, ta không thể không đối mặt với những vấn đề và những đấu tranh nội tâm. Ta không thể thay đổi hoàn cảnh và môi trường của ta – bao gồm cả những người xung quanh ta – nếu không thay đổi chính mình. Nếu ta tiếp tục tự thử thách mình mà không bỏ cuộc, thì dứt khoát ta sẽ trau dồi lòng khoan dung và tâm hồn rộng mơ, và nhờ đó mà trở nên hạnh phúc.

 

 

PHẦN VIII:

 

LÒNG TỪ ÁI.

 

68. QUAN TÂM ĐẾN NGƯỜI KHÁC

 

Có vẻ như hiện nay người ta quá đê tiện với nhau. Ngay cả giữa những người cùng trang lứa với tôi, tôi thấy phần lớn trong số họ không quan tâm đến sự an vui của những người khác.

 

Cách người ta đối xử với người khác, nhất là những kẻ ít may mắn hơn, biểu lộ nhiều về tính cách. Một cử chỉ ân cần duy nhất, có thể để lại một ấn tượng không phai mờ.

Khi tôi vào khoảng 12 tuổi, tôi đi đưa báo. Tôi muốn làm bất cứ cái gì có thể để giúp gia đình, bởi vì  các anh trai tôi đã đi chiến đấu trong Thế Chiến II. Gia đình chúng tôi sống bằng nghề nuôi trồng rong biển; bởi vậy có nhiều công việc nhà, bắt đầu từ sáng sớm. Về sau, trong khi thị trấn còn đang ngủ, tôi thường ở trên lộ trình đi đưa báo. Tôi nhớ, là đã ngồi trên xe đạp trong gió lạnh căm căm, hơi thở phả ra thành những luồng khói trắng, những ngón tay tê cóng. Trên lộ trình đưa báo của mình, tôi hiếm khi thấy mặt ai trong những gia đình mà tôi đưa báo, nhưng trong một lần duy nhất mà tôi thấy, thì họ tỏ vẻ không thân thiện. Thậm chí, những con chó của họ thường gây khó khăn cho tôi.

 

Nhưng tôi sẽ không bao giờ quên sự ấm áp và ân cần mà một đôi vợ chồng trẻ đã biểu lộ ra với tôi. Một hôm, người vợ trẻ đang mang một cái lò nấu bằng than đá vào trong hành lang để nấu cơm. Tôi chào buổi sáng và trao cho cô tờ báo. Chào tôi với một nụ cười ấm áp, cô cám ơn tôi và nhận xét rằng tôi luôn vui vẻ. Trao cho tôi một gói gồm những miếng khoai lang khô dày (một món ăn ưa thích của người Nhật), cô giải thích rằng, chúng đã được gởi đến từ thành phố quê hương của cô tại miền Bắc nước Nhật ngày hôm trước. Cô nói, “ Cô hy vọng là cháu sẽ thưởng thức những lát khoai này” và gởi lời thăm hỏi đến bố mẹ tôi.

 

Vào một dịp khác, sau khi tôi đã hoàn tất việc đưa báo buổi chiều, đôi vợ chồng này mời tôi ở lại dùng bữa tối. Họ hỏi thăm về gia đình tôi. Tôi nói với họ về bố tôi, ông đã lâm trọng bệnh và nằm liệt giường. Người chồng, để động viên tôi, nói, “ Những người phấn đấu khi họ còn trẻ, thực sự là những người may mắn. Hãy học hành chăm chỉ và cháu sẽ đạt được những điều vĩ đại.” Mặc dù chuyện này xảy ra 60 năm về trước, nhưng lòng nhân ái và sự quan tâm to lớn mà họ bày tỏ với tôi vẫn khắc sâu trong tim tôi cho đến ngày nay.

 

69. LÒNG NHÂN ÁI ĐÍCH THỰC

 

Tôi cố gắng đối xử với người khác một cách công bằng. Phải chăng chừng ấy là chưa đủ?

 

Sự ân cần là một phẩm chất của trái tim. Từ “ân cần” trong ngôn ngữ Nhật được thành lập bởi những chữ tượng hình – gồm chữ “người” và “sự quan tâm.” Như thế, ân cần là quan tâm về người khác, cảm thông với họ nhất là khi họ đang phấn đấu chống lại nỗi buồn, nỗi đau và nỗi cô đơn. Những chữ tượng hình này cũng có thể có nghĩa là “vượt trội, xuất sắc.” Một người thực sự ân cần, một người hiểu trái tim một người khác, là một con người phi thường, một học viên danh dự của cuộc đời. Có mối quan tâm như thế đối với người khác là sống trong cách nhân đạo nhất. Nó là một dấu hiệu của một tính cách xuất chúng.

 

Tuy nhiên, có trái tim nhân ái không tương tự như ân cần. Ân cần có nghĩa là hành động dựa trên những tình cảm nhân ái của bạn. Điều ấy đặc biệt đúng khi sự bất công xảy ra. Thật vậy, chúng ta biểu lộ sự yếu đuối bằng cách không hành động vào một khoảnh khắc hệ trọng.

Ân cần có nghĩa là : khi một cá nhân càng đau khổ, càng nhiều khó khăn, thì tình yêu thương mà bạn bày tỏ với họ càng nhiều. Khi làm như vậy, ta có lòng dũng cảm để giúp nhau. Ân cần cũng có nghĩa là nhận ra sự bất hạnh của người khác đúng như nó là, cố gắng hiểu và chia sẻ nỗi khổ của người ấy. Điều này sẽ khiến cho bạn có khả năng phát triển bản thân và đồng thời giúp người khác trở nên mạnh mẽ. Ân cần thì có tính chủ động; đó là việc tự rèn luyện mình trong nghệ thuật khích lệ kẻ khác.

 

Điều quan trọng là không chỉ thông cảm hay thương hại người khác, mà còn phải hiểu những gì mà họ đang trải qua. Sự thấu cảm [1] là hệ trọng. Đôi khi sự thấu cảm của ta có thể cho người khác sức mạnh để tiến bước.

 

Nhiều người trân quý sự ân cần ở người khác và muốn bày tỏ sự ân cần, nhưng đồng thời, không muốn quá bị dính líu. Những người này đã có một ý tưởng sai lầm về bản chất của sự ân cần; họ cứ mãi giữ một khoảng cách an toàn để không làm tổn thương kẻ khác, hay không bị kẻ khác làm tổn thương. Nhưng, trái lại, ân cần có nghĩa là tự cho phép mình gần gũi với những người khác, trân quý và tôn trọng phẩm cách của mỗi người.

 

Tôi nhớ lại một câu chuyện về một thầy giáo tốt bụng, được tất cả học sinh của ông yêu quý. Khi được hỏi về khúc ngoặt quyết định trong đời ông, ông nói về một sự việc xảy ra từ thời thơ ấu của mình. Một mùa đông lạnh, một người mẹ và con gái của bà – họ họ biểu diễn trên đường phố để kiếm chút tiền độ nhật – đến nhà ông. Người mẹ chơi một cây đàn dây và hát trong khi đứa bé gái nhảy múa. Tuyết đang rơi nhẹ, và ông vừa về nhà từ cửa hàng, với một túi bánh ngọt. Ông ngồi ăn bánh trong khi xem hai mẹ con trình diễn. Khi bài ca chấm dứt, một cách hà tiện, ông cho đứa bé gái nửa cái bánh đang ăn dở.

 

Thấy vậy, bố ông giận dữ chạy tới bên ông và đánh đòn ông. Người cha quay sang hai mẹ con, cúi chào một cách lễ phép, và xin lỗi về sự thiếu hào phóng của con trai mình. Ông cũng nhất quyết yêu cầu con trai phải cúi đầu xin lỗi. Sau khi trao cho người mẹ và đứa bé gái những túi gạo nhỏ, ông lấy những cái bánh còn lại của con trai và trao cho bé gái.

 

Người cha muốn con trai mình hiểu rằng, tất cả mọi người đều bình đẳng và đáng trọng. Khi cậu bé lớn lên, cậu không bao giờ quên bài học này, và trở nên nổi tiếng về lòng nhân ái đối với người khác.

 

Tôi cũng nhớ lại vị chủ tịch của tổ chức của chúng ta, Tsunesaburo Makiguchi, người đã trở thành một vị hiệu trưởng nổi tiếng tại Tokyo. Khi ông còn là một thầy giáo tiểu học tại Hokkaido, trong những trận bão tuyết, ông thường đi ra ngoài để gặp những học sinh của mình khi chúng đến. Ông cũng luôn để sẵn nước nóng trong phòng học, dịu dàng nhúng những bàn tay lạnh cóng của lũ trẻ vào nước ấm và hỏi chúng, “ Thế nào? Có đỡ lạnh không?”

 

Về sau, ông Makiguchi dạy học tại một trường nơi mà những học sinh đến từ những gia đình nghèo. Bên cạnh việc săn sóc 8 thành viên gia đình riêng của mình, trước khi rời nhà, ông thường chuẩn bị bữa ăn trưa cho những đứa trẻ đến trường mà không được ăn. Ông thường đặt thức ăn trưa tại một chỗ kín đáo, ở đó, những đứa trẻ nghèo có thể lấy thức ăn mà không cảm thấy ngượng ngùng..

 

Trái tim con người có năng lực để trở nên từ ái, và năng lực đó là rất lớn.

 

70. DŨNG CẢM GIÚP ĐỠ KẺ KHÁC.

 

Nếu ta bị từ khước hay thậm chí bị chế nhạo vì cố giúp một ai đó, thì sao? Hoặc, nếu nhã ý đó lại khiến họ phật lòng, thì sao?

 

Chắc chắn ta không biết được là một người khác sẽ đáp ứng như thế nào. Đôi khi những ý định thành khẩn của bạn sẽ hoàn toàn bị từ khước, hay bạn có thể bị trêu chọc hay thậm chí bị chế nhạo. Dù vậy, hãy nhớ rằng nếu điều này xảy ra, thì quay lại giận người mà bạn đang cố giúp, cũng không có lợi cho ai cả. Để cho nỗi sợ hãi làm tê liệt bạn, cũng là điều dại dột..

 

Sau cùng, điều đáng kể là ý định của bạn. Xin bạn hãy có lòng dũng cảm đi theo những mách bảo của lương tâm mình, khi có dịp giúp đỡ kẻ khác. Đời bạn sẽ mở rộng, chỉ bao lâu mà bạn có hành động vì người khác, bất luận là họ có thể phản ứng như thế nào trước lòng tốt của bạn. Sự ân cần tương đương với sức mạnh; bởi vậy, bạn càng ân cần với người khác, bạn càng trở nên mạnh mẽ hơn.

 

Tsunesaburo Makiguchi, vị chủ tịch đầu tiên của Soka Gakkai, không ưa thấy người khác chỉ đứng nhìn và không làm gì cả. Ông tin rằng người tốt mà nhát gan, không chiến đấu chống lại cái ác, thì sau cùng sẽ bị nó đánh bại. Ông Makkiguchi thường hay nói:

 

“Không làm điều tốt, thì có hiệu quả tương tự như làm điều xấu. Giả sử, một ai đó đặt một tảng đá lớn giữa đường lộ. Điều này là xấu ác, bởi vì nó sẽ gây rắc rối cho những ai đi qua. Rồi, một ai đó đi tới và thấy vật cản lớn đó, nhưng – ngay cả khi biết rằng nó sẽ gây khó khăn cho giao thông – vẫn cứ để nó ở đó với thái độ, “ ờ, mình không đặt nó ở đây.” Điều này dường như là một đáp ứng vô hại, nhưng, thực ra, không di chuyển tảng đá, là đang gây ra sự bất tiện cho những người qua đường tương lai, tác dụng cũng xấu như việc đặt nó lúc ban đầu.

 

Phần lớn mọi người đều có một tia lửa của hơi ấm hay lòng nhân ái trong trái tim họ. Không ai sinh ra đời mà có trái tim lạnh. Nhưng nếu, khi thời gian trôi qua, người ta chôn vùi hơi ấm của họ sâu trong tim mình vì sợ bị tổn thương, họ sẽ trở nên lạnh lùng và khô cứng. Một cách tương tự, những ai vị kỷ và nghĩ rằng mọi người khác đều chống lại họ, sẽ có khuynh hướng tự vũ trang với sự chai lì vô cảm hay tính tự phụ. Hành vi như thế là hành vi thiếu nhân tính.

 

71. BÀY TỎ SỰ ÂN CẦN CỦA BẠN.

 

Cách tốt nhất để giúp người khác là gì?

 

 

Điều hệ trọng là niềm mong ước chân thành muốn nhìn thấy người khác hạnh phúc. Và đó là một điều mà mỗi ngày ta nên nỗ lực để đạt tới. Ông Miiguchi thường phân loại hành vi tốt đẹp thành 3 loại: hành vi nhỏ, vừa và lớn. Điều này cũng áp dụng cho sự ân cần : nhỏ, vừa và lớn.

Giả sử rằng bạn có một người bạn thường xuyên cần tiền. Biếu tiền cho bạn hữu là một hành vi của cái tốt nhỏ, còn giúp bạn hữu tìm một chỗ làm, là một hành vi của cái tốt vừa.

 

Nếu bằng hữu của bạn đang đau khổ do sự vô trách nhiệm và lười biếng, thì cả một món quà lẫn một chỗ làm,  cả hai đều không giúp ích được gì. Số tiền sẽ bị phung phí, và chắc chắn người bạn đó sẽ mất việc do những thói quen tiêu cực của mình. Cái tốt lớn, trong trường hợp này, có nghĩa là giúp người đó đối mặt và nhổ bật rễ cái bản chất lười biếng, là một nguồn gốc gây ra sự khổ của người bạn đó – nói cách khác, biểu dương và giúp vào việc truyền đạt một hệ thống niềm tin đúng.

 

Chúng ta đều biết rằng, chỉ làm việc để riêng bản thân mình có hạnh phúc, là chưa đủ. Không ai trong chúng ta có thể hạnh phúc trọn vẹn, nếu những người khác xung quanh ta đang vùng vẫy phấn đấu. Bởi vậy, sự ân cần và quan tâm nhất mà ta có thể làm, là chia sẻ những lời dạy bổ ích với người khác.

 

Thường khi, những nỗ lực để làm cái tốt lớn dễ bị hiểu lầm. Không nghi ngờ gì, cả bạn nữa, cũng có thể gặp một sự oán giận nào đó khi bạn cố giúp một ai đó một cách quá ân cần. Nhưng, mặc dù những nỗ lực của bạn có thể không được trân trọng ngay bây giờ, bao lâu mà bạn hành động với sự chân thành tối đa, sau cùng, người ta sẽ tin cậy bạn. Chẳng sớm thì muộn, họ sẽ thật sự biết ơn về tình yêu thương, lòng nhân ái và hành vi ân cần to lớn mà bạn đã bày tỏ ra với họ.

 

 

72. TIẾP CẬN ĐỜI NGƯỜI KHÁC.

 

 

Tôi muốn là loại người mà thực sự có thể tiếp cận đời người khác bằng cách nào đó.

 

 

Sự cao cả của một người được biểu lộ qua lòng từ ái đối với người khác. Lòng nhân ái và sự ân cần với người khác cọng hưởng với cả khái niệm về từ bi của Phật giáo lẫn khái niệm cốt lõi của Kytô giáo về  tình yêu. Nhìn từ một viễn cảnh rộng hơn, chúng ta hiện hữu ở đây là nhờ hơi ấm, lòng nhân ái và sự hỗ trợ không chỉ của những người xung quanh ta, mà còn của mọi sự trên Trái Đất này và trong toàn vũ trụ.

 

Tất cả mọi sinh vật – hoa, chim, mặt trời, đất – nâng đỡ lẫn nhau trong một bản giao hưởng đẹp đẽ của sự sống. Từ sự ra đời của hành tinh này hơn 4 tỷ năm về trước, hình thức sự sống này theo sau hình thức sự sống kia đã được thai nghén và nuôi dưỡng. Cuộc sống con người là một phần của cái chuỗi tiến hóa đó. Nếu tại bất cứ điểm nào, một mắt xích bị thiếu từ cái chuỗi đó, thì không ai trong chúng ta được sống còn hôm nay. Tất cả chúng ta là bằng chứng rằng, xâu chuỗi này đã không bị đứt đoạn.

 

Sự sống sản sinh ra sự sống mới – chắc chắn đây là sự ân cần trong hình thức căn bản nhất của nó. Đào sâu hơn vào trong ý tưởng này, tôi nghĩ rằng, chúng ta có thể nói Trái Đất tự thân nó là một cơ thể sống khổng lồ tràn đầy sự ân cần. Hoạt động của toàn vũ trụ cốt yếu là một vận hành  của lòng từ bi.

 

Những người thực sự đáng ca ngợi đều có tinh thần tự cải thiện và phát triển;  và liên tục phấn đấu để trên hết tự phát triển chính mình, đó là sự ân cần đích thực đối với người khác.

 

 

73. ĐỐI MẶT VỚI SỰ

     VÔ CẢM.

 

Tôi luôn luôn bị trêu cợt bởi vì tôi bị khuyết tật.

 

 

Những ai cười nhạo hay chế giễu bạn, họ tàn nhẫn và sai quấy. Họ tạo ra một gánh nặng của nghiệp bất thiện cho chính họ bằng cách phớt lờ cái quyền của bạn : quyền được được tôn trọng và được đối xử như một con người. Nhưng để cho những lời chế nhạo của họ chạm tới bạn, là một sự bại trận. Tuy nhiên, sức mạnh của bạn là một chiến thắng.

 

Bởi vậy, một cách cốt yếu, bạn phải trở nên mạnh mẽ hơn. Bảo vệ quyền của bạn cũng là một phần của cuộc đấu tranh cho nhân quyền. Làm cho những quyền của bạn được người khác công nhận, không phải chỉ là làm cho họ hành xử một cách thông cảm. Hãy tự hào về chính bạn như là một cá nhân, bất kể cái khuyết tật của bạn. Hãy tự hào về sứ mệnh của bạn trên đời. Muốn ân cần với người khác,  ta cần phải mạnh mẽ. Ta cũng cần phải mạnh mẽ để bảo vệ nhân quyền, không chỉ của chúng ta, mà còn của những người khác nữa.

 

 

74. CHẬN ĐỨNG SỰ BẮT NẠT.

 

 

Tôi thấy quá nhiều kỳ thị và sự bắt nạt trong môi trường quanh tôi.

 

Sự bắt nạt là chiến tranh thu nhỏ. Tính nhỏ nhen, cao ngạo, ghen tỵ, và ích kỷ – tất cả những cảm xúc hèn hạ và có tính hủy hoại đó đều vi phạm nhân quyền. Trên một qui mô lớn hơn, chúng biểu hiện như là chiến tranh và tội ác.

 

Bất luận vì lý do gì, sự bắt nạt là sai trái. Có thể là những kẻ bắt nạt có những cái cớ của họ – có thể họ muốn trút nỗi đau của họ lên người khác. Nhưng dù lý do hay động cơ nào, thì sự bắt nạt và kỳ thị là không thể biện minh được.

 

Nói cho cùng, sự bắt nạt là một tội ác chống lại nhân loại. Một phần của cuộc đấu tranh cho nhân quyền, là đứng lên chống lại những ai đang làm những điều có tính hủy hoại và gây đau đớn cho người khác. Một phần khác của cuộc chiến đấu đó, là bảo vệ những người tốt.

 

Khi bạn không thể làm cho những kẻ bắt nạt ngừng xâm phạm người khác qua những nỗ lực của riêng bạn, hãy nói với ai đó mà bạn tin cậy. Hãy nghĩ thật kỹ về một cách nào đó để cải thiện tình huống.

 

Bất luận cái gì xảy ra, xin đừng tự ty nếu bạn không thể giải quyết vấn đề. Ngay giờ đây, cho dẫu bạn không thể làm hay nói một cái gì đó thích đáng, thật là quan trọng để thừa nhận rằng, sự chế nhạo hay bắt nạt, đều là hành vi sai trái.

 

Nếu bạn lao vào trong cuộc tranh chấp để rồi bị đánh bại, điều đó sẽ không giải quyết được gì cả. Thay vì nghĩ rằng mình vô dụng, tốt hơn bạn nên tập trung vào việc tự phát triển chính mình, để có thể có một tác dụng tích cực trong tương lai.

 

 

75. HÀNH XỬ VỚI BẠO ĐỘNG.

 

Nhiều người trẻ đang trở nên bạo động. Một vài người thậm chí còn tự hào về điều đó. Tôi có thể làm được gì không?

 

 

Tôi được biết rằng theo sau thảm kịch bang Colorado tại trường trung học Columbine, mà trong đó 13 học sinh bị bắn chết, tổng thống Clinton đã nói, “ Chúng ta phải gần gũi với con cái chúng ta và dạy chúng biết biểu lộ cơn giận dữ của chúng và hóa giải những xung đột của chúng bằng lời nói, chứ không phải bằng vũ khí.” Tôi hoàn toàn đồng ý. Không gì làm trái tim tôi đau nhói hơn là sự kiện rằng những người trẻ, những người sở hữu tiềm năng vô hạn cho tương lai, lại hủy hoại chính đời họ và đời những người khác.

 

Khi tôi còn trẻ, tôi mất người anh trai cả cho Thế Chiến II. Anh là một người nhân hậu, bất đồng một cách dữ dội với đường lối hành động của nước Nhật. Đau đớn về việc Nhật xâm lược Trung Quốc, anh nói, “ Quân đội Nhật tàn nhẫn. Tôi cảm thấy vô cùng tiếc cho nhân dân Nhật.”

 

Tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh mẹ tôi từ phía sau, cái lưng nhỏ bé của bà run rẩy trong sầu khổ trước hung tin về cái chết của người con trai cả trong chiến tranh. Ngay cả lúc ấy, tôi cảm thấy một cách sâu sắc rằng, chúng ta nên bãi bỏ chiến tranh và bạo động khỏi trái đất này, bất luận điều gì xảy ra.

 

Dĩ nhiên, điều hệ trọng là phải kiểm soát những yếu tố bên ngoài của bạo động bằng cách giải trừ vũ khí, bổ sung thêm những đạo luật và ký kết những hòa ước giữa những dân tộc; tuy vậy, sau cùng, cần phải hiểu rằng, bạo động khởi lên từ thú tính bẩm sinh, một phần trong bản chất của con người. Đó một trạng thái nơi mà người ta bị chao đảo bởi những ham muốn bản năng, và không có cảm thức nào về lý tính hay đạo đức. Cho dù chúng ta có thể đã xóa sạch tất cả những khí giới khỏi hành tinh này, thì bạo động sẽ không bao giờ chấm dứt, trừ phi ta kiểm soát được thú tính bên trong ta. Vì chính lý do này, ta cần thay đổi con người của từ bên trong.

 

Tôi vẫn thường kêu gọi một cuộc “thi đua nhân đạo”, trong đó mọi tôn giáo, vốn dạy sự khoan dung và sự quan tâm, hãy thi đua để xem mỗi tôn giáo có thể vun trồng được bao nhiêu cá nhân quan tâm tới người khác. Trong bất cứ trường hợp nào, cây chìa khóa là một nền giáo dục đặt nền tảng trên phẩm giá của mỗi cá nhân.

 

Bạo động là điều xấu tuyệt đối. Bất luận điều mà bạn nói có đúng ra sao, nhưng nếu bạn dùng tới bạo lực để chứng tỏ nó, thì bạn là một kẻ thua cuộc. Cho dẫu nhờ hành động bạo lực, bạn có vẻ như đang chiến thắng, rốt cùng, bạn sẽ kết thúc trong chiến bại.

 

Mọi sự sống đều có liên quan với nhau. Chính vì giác quan ta có khả năng hạn chế, mà ta đặt quá nhiều tầm quan trọng vào sự chia cách giữa “họ” và “chúng ta.” Do sự tương liên này, cho nên, nếu dùng bạo lực, thì bạn không chỉ làm tổn thương hay hủy hoại người khác, mà còn chính bạn nữa. Những ai dùng bạo lực và hạ thấp đời người khác, những người ấy thực sự tự hạ thấp và làm hỏng chính đời mình.

 

Thật là quan trọng để hiểu rằng, yếu tính của bạo động là sự hèn nhát. Bởi vì một người hèn nhát, y mới quay sang dùng bạo động. Y thiếu lòng dũng cảm để đối thoại. Mahatma Gandhi đã nói một cách hùng biện rằng, “Bất bạo động không phải là một bình phong cho sự hèn nhát, mà nó là đức hạnh tối cao của những người dũng cảm… Sự hèn nhát hoàn toàn không tương thích với bất bạo động. Bất bạo động tiền giả định khả năng để đánh trả.”

 

Khả năng đối thoại là bằng chứng cho trí năng của mỗi người. Dĩ nhiên, những lãnh tụ tối cao của dân tộc phải chịu trách nhiệm chính cho hiện trạng của xã hội đương đại, nơi mà bạo động đang phổ biến. Những người nhận trọng trách trong lãnh vực chính trị, giáo dục, và truyền thông đại chúng cùng chia sẻ trách nhiệm. Tuy vậy, chỉ đơn giản chỉ trích họ, sẽ không thay đổi được gì cả. Bạn không có cách nào khác hơn, là từng người một đứng lên, tin rằng những nỗ lực của bạn có thể đóng góp vào việc xây dựng một xã hội tốt hơn từ nay về sau. Bạn có thể bắt đầu bằng cách mở rộng cái phạm vi bất bạo động trong môi trường trực tiếp của bạn.

 

Trong khuôn khổ của tổ chức Soka Gakkai Quốc Tế, tuổi trẻ Hoa Kỳ đã và đang thực hiện những hoạt động để kêu gọi chấm dứt bạo động. Họ đang đưa 3 lời cam kết này vào thực hành:

 

  1. Tôi trân quý cuộc đời của riêng tôi.
  2. Tôi sẽ tôn trọng mọi sự sống.
  3. Tôi sẽ truyền cảm hứng tới những người khác.

 

Khi mỗi chúng ta có khả năng trân quý đời ta, chúng ta sẽ tự nhiên có khả năng trân quý đời của người khác, nữa.

 

Điều quan trọng là bạn làm một cái gì đó. Phải bắt đầu bằng bước chân đầu tiên. Zero là zero, cho dù được nhân bởi một con số khác. Nhưng nói như như câu ngạn ngữ phương Đông, “Một là mẹ của hằng vạn.”

 

76. BẠO HÀNH VỚI PHỤ NỮ.

 

Hiện nay, hình như có sự gia tăng trong bạo hành thể xác và tình dục đối với phụ nữ. Phải làm gì?

 

Không có gì thô tục cho bằng bạo hành với phụ nữ. Không được phép khoan hồng với bạo động. Tất cả đàn ông nên nhớ điều này, và nên xem những phụ nữ (đồng thời với mình) như chị em gái, mà cuộc đời của họ phải được nâng niu trân trọng. Thật xấu hổ cho phái mạnh, nếu họ không hành xử dịu dàng.

 

Mặc dù vậy, thật hệ trọng là phụ nữ phải biết tự bảo vệ mình với sự khôn ngoan và cẩn trọng. Nhiều hội đoàn tự nguyện giúp phụ nữ. Khi bạn nhận thức được là đời bạn quý giá ra sao, bạn sẽ làm mọi thứ có thể được để bảo vệ nó. Một điều cũng rất  quan trọng,  là chú ý lắng nghe lời khuyên của bố mẹ và bằng hữu mà bạn có thể tin cậy.

 

Những nạn nhân của bạo hành thường hay bị thương tổn sâu sắc về tinh thần cũng như thể xác. Họ mất niềm tin vào nhân tính của họ và thường hay cảm thấy bị hoen ố như thể đời họ đã bị hủy hoại. Nếu bạn là một nạn nhân của bạo hành, xin hãy nhớ rằng, bất luận thế nào đi nữa, thì phẩm giá của bạn sẽ không bao giờ thay đổi. Hãy dốc hết nghị lực, hãy vững vàng. Hãy tự nói với mình, “Tôi không phải là một người mà sẽ cho phép một chuyện như thế hủy hoại đời mình.” Ở mức độ sâu xa nhất, không ai có thể hủy hoại đời bạn. Bất luận bạn đã bị thương tổn đến đâu, bạn vẫn có thể duy trì cái phẩm giá nền tảng của bạn – không ai có thể lấy đi cái đó từ bạn mà không có sự đồng ý của bạn.

 

Ta biết rằng hoa sen trắng thanh khiết mọc trong một cái ao bùn lầy. Tương tự như vậy, một trạng thái tối cao của sự sống có thể mọc lên trong khi ta đang sống trong một thực tại đau đớn nhất.

 

Bất luận bạn có thể cảm thấy xuống tinh thần đến đâu, thì ở một nơi nào đó, đang có một ai đó cũng đang đau khổ một cách tương tự; và bạn, nhất là bạn, có thể giúp người đó, vì bạn hiểu được tâm trạng của họ. Và trong trái tim người khác, có tình yêu mến chân thực mà bạn có thể khám phá ra.

 

Bạn có thể không cảm thấy mấy ưa thích việc kể những ưu phiền của mình với người khác, nhưng chỉ cần có một người mà bạn có thể tham vấn về những kinh nghiệm của bạn, cũng sẽ tạo ra sự khác biệt toàn diện trong thế giới quan của bạn. Bạn không nên chịu khổ một mình. Có một tiềm năng khó tin, ẩn giấu bên trong đời bạn. Nếu bạn tự mình bỏ cuộc, thì sự việc thậm chí càng kinh khủng hơn, bởi vì nó sẽ phóng đại sự hư hại đã có. Đừng bao giờ để cho sự đau khổ khiến cho bạn từ bỏ bản ngã thực của mình.

 

Nói ra thì có vẻ như kỳ lạ, nhưng mà những ai đã đau khổ nhiều nhất, hay những ai bất hạnh  nhất, họ có thể trở nên những kẻ hạnh phúc nhất. Với những giọt lệ bạn nhỏ xuống, bạn có thể thanh tẩy đời bạn và làm cho nó chiếu sáng. Dũng mãnh tiến lên, đó là điều cốt tủy của sự sống.



[1] Thấu cảm [ empathy] : Sự đồng cảm sâu sắc. Bác sỹ Đỗ Hồng Ngọc thường nói, trong mối quan hệ giữa bác sỹ và bệnh nhân, phải có sự thấu cảm. Ông chủ trương nhìn “ bệnh nhân” như một “ con người” – chứ không như một  “ cái máy” cần sửa chữa. Quan niệm này không có gì mới mẻ, vì đó cũng là quan niệm của mọi vị lương y đích thực xưa nay. Nhưng phải thừa nhận rằng, trong thời buổi hiện nay, khi mà số bác sỹ có lương tâm hình như không nhiều lắm, thì tiếng nói của ông là rất đáng trân trọng !

 

 

 

Đỗ Tư Nghĩa
Số lần đọc: 2432
Ngày đăng: 01.03.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 8 - Đỗ Tư Nghĩa
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 7 - Đỗ Tư Nghĩa
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 6 - Đỗ Tư Nghĩa
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 5 - Đỗ Tư Nghĩa
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 4 - Đỗ Tư Nghĩa
“Nhà thơ Xuân Ly Băng – Cuộc đời và Tác phẩm” - Nguyễn Văn Hoà
Thể Loại Và Cấu Trúc - Mai Bá Ấn
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 3 - Đỗ Tư Nghĩa
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 2 - Đỗ Tư Nghĩa
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 1 - Đỗ Tư Nghĩa
Cùng một tác giả
Tự Thú 1 (chân dung)
Tự Thú 2 (chân dung)
Tự Thú 3 (chân dung)