Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
796
116.540.443
 
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 10 - hết
Đỗ Tư Nghĩa

PHẦN IX: BỨC TRANH TOÀN CẢNH.

 

77. HIỂU SỰ BÌNH ĐẲNG.

 

Thế giới đầy thù hận. Một người có thể làm gì?

 

Trừ phi ta dựng xây được một xã hội xem con người không phải như phương tiện cho một cứu cánh, mà tự thân nó là cứu cánh, thì chúng ta sẽ mãi mãi bị bế tắc trong sự bất bình đẳng, bất hạnh, và bạo động – cái mà có thể gọi là một thế giới của thú tính, nơi mà kẻ mạnh vồ chụp người yếu. Chúng ta sẽ chỉ đơn giản lặp lại những khuôn mẫu tương tự.

 

Điều hệ trọng là chúng ta dạy những công dân của mọi dân tộc xem chính họ và người khác, trước tiên và trên hết, như là những con người. Chúng ta phải nâng cao ý thức của mọi người về quyền con người, qua giáo dục. Trường học phải dạy quyền con người, tôn giáo phải dạy quyền con người, và những chính phủ phải tôn trọng những quyền con người.

 

Trái tim một đứa trẻ không hề phân biệt kỳ thị. Nếu không có người lớn dạy sự kỳ thị, thì trẻ con của mọi chủng tộc chơi vui vẻ với nhau. Và trẻ con không chút quan tâm đến việc bạn chơi của chúng khá giả ra sao, và bố mẹ những bạn đó có nghề nghiệp gì. Chúng mặc nhiên giả định rằng tất cả nhân loại đều bình đẳng.

 

Tận đáy sâu đời ta, mỗi người chúng ta sở hữu một thanh kiếm ngọc, chỉ riêng ta có. Thanh kiếm tâm linh hùng mạnh này xuyên thủng những lực lượng tiêu cực và bảo vệ sự công bằng. Bao lâu mà ta nhận thức rằng, ta sở hữu thanh kiếm nội tâm này và liên tục mài giũa nó vì điều thiện, ta sẽ không bao giờ bị đánh bại. Chắc chắn là ta sẽ chiến thắng.

 

Thanh kiếm ngọc này là trái tim ta, sự quyết tâm của ta. Nếu nó không được mài giũa, nó sẽ trở nên cùn nhụt và yếu ớt; và nếu nó cứ mãi chưa ra khỏi vỏ, nó là vô dụng trong việc chiến đấu với những trở lực. Nó không phải là một thanh kiếm tàn nhẫn và xấu ác chuyên làm hại người khác, mà là một thanh kiếm tâm linh chỉ làm điều thiện và làm lợi lạc cho kẻ khác; và như thế, nó là một kho báu. Những ai không rút kiếm ra khỏi vỏ hay mài giũa thanh kiếm bên trong của họ vì công bằng, là những kẻ sống cuộc đời sợ hãi và rụt rè. Thanh kiếm huy hoàng này là tính cách của bạn. Như thế, mài giũa thanh kiếm bên trong có nghĩa là học tập, phát triển tình bạn và xây dựng một nhân cách vững chắc. Mài giũa thanh kiếm bên trong này là mục đích hằng ngày của mỗi người chúng ta.

 

Tôi đã gặp Nelson Mandela, cựu tổng thống của Nam Phi, vào hai dịp. Tổng thống Mandela chịu đựng 27 năm rưỡi trong tù – gần 10 ngàn ngày – vì những hoạt động chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc (aparthei) của ông. Ông là một kẻ quán quân bất khuất của nhân quyền, người đã đánh dấu sự cáo chung của chính sách phi nhân về phân biệt chủng tộc tại đất nước ông.

 

Nam Phi duy trì một tình trạng kỳ thị hà khắc vô song chống lại đa số công dân nó. Dưới chế độ apartheid, là một tội danh nếu những người Nam Phi da đen đi trên xe buýt “chỉ dành cho người da trắng”, sử dụng vòi nước uống “chỉ dành cho người da trắng,” đi bộ trên một bãi biển “chỉ dành cho người da trắng,” ở trên đường phố sau 11 giờ đêm, đi lại, hay thất nghiệp và sống tại những nơi chốn nhất định nào đó. Tóm lại, những người Nam Phi da đen không được đối xử như là những con người.

 

Vô cùng nhục nhã trước sự kỳ thị không thể tha thứ được mà ông nhìn thấy xung quanh mình, ông Mandela trở thành lãnh tụ của phong trào chống chủ nghĩa apartheid. Lòng nhiệt huyết và quyết tâm cho sự công bằng như thế, là thanh kiếm ngọc mà ông vung lên. Ông học tập, làm việc và giữ một lập trường bất bạo động nhưng kiên quyết chống lại chính phủ, quyết tâm cải thiện triệt để cái xã hội phi nhân này. Ông không bao giờ nhượng bộ, ngay cả dưới những điều kiện khủng khiếp mà ông phải chịu đựng trong nhà tù. Cuối cùng, ông đã thành công trong việc đánh bại một truyền thống kỳ thị tại Nam Phi, từng kéo dài gần 350 năm.

 

Những ai đã chịu đựng sự ngược đãi vì sự công bằng, họ thực sự cao cả. Ông Mandela, người đã từng bị chế nhạo và lăng nhục, bây giờ được toàn thế giới kính nể.

 

 

78. LÒNG DŨNG CẢM LÀ CHÌA KHÓA.

 

 

Đâu là thành tố cốt tủy trong cuộc đấu tranh cho nhân quyền?

 

 

Chỉ khi người ta có dũng cảm đứng lên chiến đấu cho công bằng – dù họ chỉ là một người duy nhất – họ mới có thể dẫn đưa thế giới về hướng của hòa bình và điều thiện. Khi những cá nhân dũng cảm như thế hợp lực và đoàn kết lại trong sự liên đới mạnh mẽ, họ có thể làm thay đổi xã hội. Nhưng mọi thứ đó đều phải bắt đầu từ bạn. Mọi sự theo sau lòng dũng cảm của bạn.

Trong cuốn sách Một đối thoại với tuổi trẻ hôm nay, Rosa Parks, người mẹ của phong trào đòi dân quyền tại Mỹ, viết:

 

“Tôi không có ý niệm nào về việc lịch sử đang được tạo lập ra sao. Tôi chỉ đơn giản chán việc đầu hàng. Dù sao, tôi cảm thấy rằng, tôi đã làm đúng khi đứng lên chống lại người tài xế xe buýt đó. Tôi không nghĩ về hậu quả. Tôi biết rằng tôi đã có thể bị hành hình, hay bị đánh đập khi cảnh sát đến. Tôi chọn việc không nhượng bộ, bởi vì tôi đúng.”

 

Bà Sparks đã tìm thấy lòng dũng cảm để lên tiếng, bởi vì bà tin rằng bà đúng. Lòng dũng cảm luôn phát xuất từ cái đúng, từ sự công bằng. Nó đến từ niềm mong ước làm cái đúng, xây dựng một xã hội công bằng, và trở thành một con người tốt.

 

Nếu chúng ta muốn làm điều tốt, không chỉ cho chính mình mà còn cho thế giới nữa, chúng ta cần lòng dũng cảm. Lòng dũng cảm là sức mạnh khiến cho những hành động như thế có thể được – những hành động mà có vẻ như tầm thường, nhưng chúng thực sự chiếu sáng với sự rực rỡ của điều thiện.

 

Chấm dứt việc bắt nạt ở sân trường là một hành vi dũng cảm. Chịu đựng gian khổ và sống sót qua những hoàn cảnh cam go cũng vậy. Cố sống một cuộc đời lương thiện, hợp đạo đức ngày này qua ngày khác cũng vậy. Trái lại, những người lười biếng, vô tâm hay rơi vào những cách sống xấu, là những người không có dũng cảm để thử thách đời sống hằng ngày. Trong gia đình và giữa bạn hữu, nếu ta phát biểu một cách rõ ràng quan niệm của ta, thì những sự việc sẽ rẽ về một hướng tích cực. Sẵn sàng tiến theo hướng đó và giúp người khác làm như thế, là một hình thức dũng cảm rất đáng ngưỡng mộ.

 

Bất luận ai nói gì, hãy luôn làm cái mà bạn tin là đúng. Nếu bạn có dũng cảm làm như vậy, thì cũng giống như có một vũ khí thần diệu có sức mạnh vô biên.

 

79. QUYỀN CON NGƯỜI.

 

 

Tại sao nhiều chính phủ và chính dân tộc của chúng tôi [1] phủ nhận quyền con người?

 

Những chính phủ sẽ chỉ thay đổi khi chính nhân dân, người này đến người nọ, quyết định đứng lên đòi quyền làm người của họ. Những ai không thể xem tất cả mọi người như là những con người giống như mình, là những người bị bần cùng hóa về tâm hồn. Họ không có nhân sinh quan lành mạnh. Họ không biết suy tư về những vấn đề sâu xa của cuộc đời. Họ chỉ quan tâm đến những quyền lợi nhỏ nhen của họ mà thôi. Xã hội của chúng ta thì đầy rẫy những người bị gặm nhấm bởi tham lam, bóc lột kẻ yếu trong khi nịnh bợ kẻ mạnh, nghĩ rằng quyền lực sẽ mang đến cho họ sự viên mãn. Khuynh hướng tiêu cực này là cái làm cho xã hội trở nên kỳ thị và quên đi quyền con người.

 

Con người cũng có khuynh hướng từ khước và tấn công bất cứ cái gì có khác biệt với họ, cho dù rất nhỏ. Đó là vấn đề.

 

Mọi người có quyền được trổ hoa, phát lộ tiềm năng đầy đủ của mình như là một con người, chu toàn sứ mệnh của mình trên thế gian. Bạn có quyền này, và mọi người khác cũng vậy. Đây là ý nghĩa của quyền con người. Nhạo báng, vi phạm và lạm dụng quyền con người của kẻ khác, là hủy hoại trật tự tự nhiên của sự vật. Trân quý quyền con người và tôn trọng những người khác, là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta.

 

 

80. CÔNG DÂN CỦA THẾ GIỚI.

 

 

Tôi đã nghe từ “công dân của thế giới.” Nó có nghĩa là gì?

 

Nhiều người nghĩ rằng, từ “công dân thế giới” có nghĩa là một người nói trôi chảy một ngoại ngữ ! Nhưng nó liên quan nhiều hơn thế. Một công dân thế giới là một người có thể dễ dàng kết bạn với những người từ những đất nước khác; một người không cho rằng, những giá trị của dân tộc mình có thể áp dụng ở mọi nơi khác trên thế giới; và là một người có thể sống theo một nhãn quan toàn cầu, nhìn vượt lên những ranh giới chủng tộc.

 

Nó cũng bao gồm tất cả những ai làm việc cho hòa bình thế giới, thành khẩn nguyện cầu cho hạnh phúc của toàn nhân loại và làm việc quên mình cho quyền lợi của người khác. Những người có một cảm thức về trách nhiệm đối với tương lai của thế giới,  và hiểu rằng những ai hành động một cách thành khẩn, cũng có thể tự gọi mình là một công dân thế giới. Tóm lại, để trở thành một công dân thế giới, cần thiết phải phát triển tính cách của bạn và cảm thức về nhân loại; có lòng nhân ái, sẵn sàng làm việc cho sự an vui của mọi người và xã hội.

 

Có một câu chuyện nổi tiếng về Chiune Sugihara, người đã giúp đỡ dân tỵ nạn Do Thái trốn thoát cuộc tàn sát hằng loạt trong Thế Chiến II. Vào năm 1940, Sugihara là quyền lãnh sự ở lãnh sự quán tại Lithunia. Một làn sóng người tỵ nạn Do Thái từ Ba Lan, nơi mà những người Do Thái đang bị tàn sát, đến với Sugihara nộp đơn xin visa để băng qua Nhật tới một nước thứ ba. Ba lần Sugihara yêu cầu Bộ Ngoại giao Nhật bật đèn xanh cho ông ta cấp phát visa, nhưng đều bị Bộ Ngoại giao từ chối. Ông vô cùng phiền muộn, nhưng sau cùng đi đến một quyết định: “ Tôi không thể bỏ rơi những người đến nhờ tôi giúp đỡ. Nếu tôi bỏ rơi họ, tức là tôi đang quay lưng với Thượng Đế.” Bởi vậy, ông lờ đi những mệnh lệnh, và cấp phát visa, cứu thoát gần 6 nghìn nhân mạng.

 

Sau chiến tranh, Sugihara bị buộc phải từ chức khỏi bộ Ngoại Giao vì không tuân lệnh. Vào năm 1991, Bộ Ngoại Giao đã phục hồi danh dự cho ông, lúc ấy ông đã mất. Người vợ góa của ông, Sachiko, đã trả lời phỏng vấn của một nhật báo, “ Sinh mệnh của tất cả mọi người là quý giá, không phân biệt chủng tộc. Chồng tôi tin rằng, sẽ không đúng nếu ta từ chối giúp đỡ người hoạn nạn, nhất là khi ta ở trong một vị thế có thể làm một cái gì đó.”

 

Người công dân thế giới đích thực có thể chia sẻ – như là một người bạn – những đau khổ, nỗi buồn cũng như hạnh phúc và niềm vui của người khác, bất kể quốc tịch hay bối cảnh sắc tộc của họ. Người công dân của thế giới có thể đoàn kết với những người khác, để phát huy những quyền lợi chung của con người.

 

Với tư cách là công dân thế giới, giữ lời hứa của mình là điều quan trọng. Những chính trị gia, ngay cả trong đất nước của chính tôi, tạo được một uy tín nhờ đã làm những lời hứa khi họ viếng thăm những dân tộc khác, nhưng họ quên chúng ngay khi họ đặt chân lên vùng đất quê hương. Đó chắc chắn không phải là cách để chiếm được sự tin cậy của người khác.

 

Tình bạn là chiếc chìa khóa. Không bao giờ phản bội tình bạn của mình, nuôi dưỡng và phát triển những sợi dây thân ái, bền chặt – đây là những phẩm chất mà một công dân thế giới phải có.

 

Có lẽ vài người trong số các bạn nghĩ, “ Là một công nhân của thế giới, việc ấy có dính dáng gì đến tôi?” Nhưng, dù muốn hay không, trong thế kỷ này, khi bạn có một chỗ đứng trong xã hội, thế giới trở nên càng hội nhập  hơn.

 

Tổng thống Ai Cập, Hosni Mubarak, chia sẻ với tôi nhận xét sau đây mà ông đã nghe từ một vị quan chức khác: Ngày nay không có đất nước nào thậm chí có thể tự mình sản xuất ra được một hộp diêm. Que diêm đến từ một quốc gia, sulfur từ một quốc gia khác, và chất keo đến từ một quốc gia khác nữa.  Nhiều đất nước phải hợp tác để sản xuất ra ngay cả một hộp diêm.

Việc toàn cầu hóa những hàng hóa và sự sản xuất thì đang diễn ra nhanh chóng một cách khó tin, sự toàn cầu hóa thông tin cũng vậy, nhất là sự phát triển của Internet. Vì những lý do này, việc toàn cầu hóa sự giao lưu từ trái tim tới trái tim, ở cấp độ quần chúng, thì tuyệt đối hệ trọng  trong việc hướng đạo những thay đổi nhanh chóng này, đưa chúng về hướng hòa bình.

 

 

81. CHUẨN BỊ KHỞI ĐỘNG.

 

Tôi có thể làm gì để tạo một sự khác biệt về quyền con người?

 

 

Bạn có thể bắt đầu bằng việc đọc những tác phẩm văn học hay. Bạn sẽ tìm thấy nhiều vấn đề về quyền con người được trình bày trong những tác phẩm như thế.

 

Thậm chí quan trọng hơn nữa, bạn có thể học cách nhận ra những phẩm chất tích cực của người khác. Một trong những bước đầu tiên trong việc thành tựu quyền con người, là trân trọng và công nhận  tính cá nhân trong những người khác.

 

Cũng quan trọng nếu phát triển một nhãn quan vững chắc về nhân tính, nhận thức được rằng, mặc dù người khác có thể khác với ta, tất cả chúng ta đều là những thành viên của gia đình nhân loại. Theo một nhà khoa học, thì khả năng phân tích hoạt động trên một cấp độ rất nông cạn của bộ não, trong khi khả năng tổng hợp liên quan đến quá trình xử lý thông tin rất phức tạp, tinh tế, ở một cấp độ sâu hơn.

 

Những ai mà có thể hòa thuận với tất cả mọi loại người, xem họ như là những kẻ bình đẳng, như bè bạn, những người ấy biểu hiện sự xuất chúng đích thực của tính cách họ. Họ là những người có văn hóa và có giáo dục thực thụ.

 

Trái tim ta càng phong phú, nhân tính của ta càng phong phú, thì ta càng có thể công nhận và trân trọng nhân tính nơi kẻ khác. Kẻ nào bắt nạt và xem thường người khác, kẻ ấy chỉ làm giảm sút nhân tính của mình.

 

Quyền con người là mặt trời làm sáng rực thế giới. Do đó, tình yêu nhân loại, lòng nhân ái, sự ân cần cũng vậy. Tất cả những phẩm chất đó thắp sáng thế giới chúng ta. Ánh sáng của chúng khiến mọi loài hoa đua nở hoa rực rỡ trong xã hội, khiến cho mọi người có thể bộc lộ tiềm năng độc đáo của họ.

 

Sứ mệnh của bạn là làm cho mặt trời của quyền con người mọc lên trên bầu trời của thế kỷ 21. Để làm như vậy, trước hết, hãy làm cho mặt trời dũng cảm của tình yêu nhân loại mọc lên trong trái tim của riêng bạn. Francis Williams Bourdillon đã diễn đạt rất khéo điều này trong bài thơ “Ánh sáng” của ông:

 

Đêm có ngàn con mắt,

và ngày chỉ có một,

Thế nhưng ánh sáng của thế giới rực rỡ chết đi

khi mặt trời hấp hối.

Khối óc có ngàn con mắt,

và trái tim chỉ có một,

Thế nhưng ánh sáng của toàn bộ sự sống chết đi

khi tình yêu lịm tắt.

 

 

82. TÌNH BẠN VÀ HÒA BÌNH.

 

 

Tình bạn đóng vai trò nào trong việc kiến tạo một thế giới hòa bình?

 

 

Tình bạn là một trong những nền tảng chính của nhân tính. Nó là một lực đẩy hướng về nền hòa bình thế giới và sự cải thiện xã hội. Nó là một bước đầu tiên trong tiến trình thực hiện một xã hội hài hòa. Bằng cách mở rộng phạm vi của tình bạn, ta có thể tạo ra nền tảng cho một xã hội hòa bình.

Trong một thế giới lý tưởng, tất cả mọi người sẽ là bạn hữu của nhau. Nhưng ta biết rằng,  thật không may, thế giới ngày nay không được như vậy.  Đó là lý do tại sao việc tích cực xây dựng tình bạn với càng nhiều người càng tốt, là vô cùng hệ trọng.  Ta phải đối mặt với những thách thức của thực tế và làm những thay đổi nào mà ta có thể, cho dù chúng nhỏ bé tới đâu. Sự tích lũy của những nỗ lực như thế, sẽ dần dà dẫn đến nền hòa bình thế giới bền vững.

 

Tôi rất tự hào có được nhiều người bạn có tính cách và năng lực xuất chúng khắp thế giới. Và tôi có những người bạn này, bởi vì tôi đã luôn trân trọng mỗi người và mỗi lần gặp gỡ. Ngay cả những công trình  quan trọng nhất, thực ra, rút lại chỉ là những mối quan hệ một-một (giữa hai người), tích lũy qua tháng năm. Nó luôn là một-một – luôn luôn như vậy.

 

Nhiều năm kinh nghiệm đã dẫn tôi đến chỗ kết luận rằng, không có gì cao cả hơn và mạnh mẽ hơn những mối dây từ trái tim đến trái tim giữa những người cùng chia sẻ những hy vọng,  ước mơ và cùng cam kết làm việc cho xã hội. Những người như thế có một xác tín sâu sắc và một triết lý vững chắc. Họ phấn đấu để sống một cuộc sống xứng đáng và đóng góp một cái gì đó có giá trị vào xã hội của họ. Sự đoàn kết và hợp tác giữa những người có nguyện vọng vị tha như thế, là những lý tưởng cao nhất của tình bạn. Nếu những tình bạn cao cả như vậy ngừng tồn tại, thì thế giới sẽ bị đắm chìm trong bóng tối vĩnh viễn.

 

Phạm vi tình bạn cá nhân của chúng ta là một phần của phạm vi tình bạn toàn cầu, nó chỉ là một. Một giọt mưa từ bầu trời, một giọt nước từ con sông, hay một giọt nước từ đại dương – tất cả đều chỉ là một giọt nước, cho đến khi chúng tích lũy lại. Những người bạn mà ta có được trong cái phạm vi nhỏ bé của riêng ta, góp phần vào việc làm lan rộng tình bạn khắp thế giới. Có được một người bạn đích thực, là một bước tiến trong việc kiến lập nền hòa bình thế giới.

 

 

83.    QUAN TÂM VỀ MÔI TRƯỜNG.

 

A. Tôi rất quan ngại về môi trường. Há chẳng phải là có một cái gì đó thực sự bất ổn với con đường mà nhân loại đang đi?

 

 

Có đấy! Hủy hoại thiên nhiên là hủy hoại nhân loại. Thiên nhiên là ngôi nhà của chúng ta. Dĩ nhiên, mọi sự sống trên hành tinh này,  bao gồm cả đời sống con người, được sinh ra từ môi trường thiên nhiên. Sự tồn tại của ta có được là nhờ thiên nhiên, chứ không phải nhờ máy móc và khoa học. Sự sống trên hành tinh này không phải là nhân tạo. Chúng ta là những sản phẩm của thiên nhiên.

 

Có nhiều lý thuyết về nguồn gốc của nhân loại. Một một số người nói rằng, những con người nguyên thủy đầu tiên xuất hiện tại châu Phi; những người khác nói rằng, những con người nguyên thủy xuất hiện tại nhiều địa điểm khác nhau khắp trái đất, gần như đồng thời. Bất luận lý thuyết nào đúng, thì không thể chối cãi rằng, chủng loại người được sinh ra từ thiên nhiên.

Do vậy, chúng ta càng tự mình quay mặt, trở thành xa lạ với thiên nhiên, thì chúng ta càng trở nên mất quân bình. Tương lai của chúng ta như là một chủng loại, là rất u ám trừ phi chúng ta nhận ra điều này.

 

Vấn đề của chúng ta không có gì mới mẻ. Nhà triết học Pháp thế kỷ 18, Jean Jacques Rousseau, tác giả của The Social Contract (Khế Ước Xã Hội), đã kêu gọi con người trở về với thiên nhiên. Văn minh, ngay cả trong thời đại của ông, đã trở thành quá máy móc, quá lệ thuộc vào khoa học, quá tập trung vào lợi nhuận, bóp méo đời sống con người làm cho nó thành ra xấu xí. Rousseau chống lại sự phát triển đầy rủi ro này.

 

Thật vậy, tất cả chúng ta đều muốn khoẻ mạnh. Vì lý do đó, chúng ta muốn thở không khí trong lành, thấy những bông hoa và cỏ cây xinh đẹp. Chúng ta trở về với thiên nhiên y hệt như một hoa hướng dương quay về phía mặt trời. Chúng ta phải công nhận rằng, bất cứ hành động nào phủ nhận khuynh hướng này là một sai lầm khủng khiếp. Tất cả tiền bạc trên thế giới sẽ thể nào không mua được bầu trời xanh. Mặt trời và làn gió nhẹ thuộc về mọi người.

 

Không ai phủ nhận rằng, khoa học đã cải thiện cuộc sống của ta. Nhưng chúng ta cần phải tạo ra sự tương xứng giữa sự tiến bộ của khoa học với sự tiến bộ trong sự cam kết của ta – cam kết kết duy trì và bảo vệ môi trường của mình. Chúng ta cần một sự cân bằng.

 

Chẳng hạn, chúng ta phải nhớ đến những khu rừng. Khí oxy mà ta thở, và giữ cho ta sống, nó đến từ đâu? Từ những khu rừng, từ những loài rong biển. Rong biển phải mất hằng tỷ năm để tạo ra loại oxy này.

 

Còn nước thì sao? Phần lớn nước mà ta dùng đều đến từ những mạng lưới sông ngòi. Bất luận mưa hay nắng, nước vẫn chảy qua những con sông. Tại sao? Cây cối và đất xung quanh chúng hấp thụ nước, trữ lại dưới đất, từ đó nó rỉ liên tục từng chút một vào trong những con sông. Nếu không có những khu rừng và những ngọn núi rắn chắc, thì tất cả lượng mưa rơi xuống trong một ngày, sẽ lập tức chảy vào những con sông và chảy ra biển, hệt như một cái bồn tắm trút hết nước khi ta kéo cái nút chặn lên.

 

Đất là một món quà khác của rừng. Những con thú nhỏ và vi khuẩn giúp vào việc chuyển hóa những rễ cây và lá chết của cây thành đất mầu mỡ. Không có đất ấy, ta không thể trồng những loại ngũ cốc và rau cải. Ta sẽ không có thực phẩm, và nhân loại sẽ tiêu vong.

 

Nhiều sản phẩm khác cũng đến từ rừng. Không có rừng, ta sẽ không có những băng cao su, không có giấy, không có bàn ghế và đồ đạc bằng gỗ – không có nhà ở. Tất cả những thứ này cũng là những món quà của rừng.

 

Rừng tạo ra không khí mà ta thở, nước ta uống, đất mà trong đó ta trồng thực phẩm – thật vậy, nhờ cây cối mà mọi phương diện của đời ta mới có thể có được.

 

Và tôi nghĩ, hiếm khi ta làm sự nối kết để thấy rằng, trừ phi ta chăm sóc rừng, ta sẽ không thể bắt cá ở biển. Không có rừng, tất cả lượng mưa sẽ chảy xuống sông, rồi ra biển. Lượng mưa đó cũng mang theo vố số phù sa theo với nó. Phù sa sẽ che khuất những dòng nước, ngăn cản ánh sáng và hạ thấp nhiệt độ của biển, làm cho nó quá lạnh đối với nhiều loại cá.

Rừng cũng tạo ra những dưỡng chất mà sau cùng tìm đường ra tới biển, và trở thành thực phẩm cho sự sống ở biển.

 

Sự sống là một xâu chuỗi. Mọi sự vật có tương quan với nhau. Khi bất cứ mắt xích nào bị trục trặc, những mắt xích khác cũng bị ảnh hưởng. Chúng ta nên nghĩ về môi trường như là một người mẹ – Mẹ Đất, Mẹ Biển, Mẹ Trái Đất. Không có tội danh nào tệ hơn là làm hại mẹ của mình.

 

B. Há chẳng phải là những vấn đề môi trường quan hệ đến mọi người hay sao?

 

 

Chỉ có trí tuệ, văn hóa và niềm tin tôn giáo mới có thể dẫn ta ra khỏi thú tính vốn phá hoại tự nhiên một cách vô tâm, để lại một bãi hoang cằn cỗi, tiêu diều. Quá trình sa mạc hóa hành tinh chúng ta, có quan hệ với sự sa mạc hóa của tinh thần con người. [2]

 

Chiến tranh là thí dụ cực đoan nhất của sức mạnh hủy hoại này. Chiến tranh hủy diệt cả thiên nhiên lẫn tinh thần con người. Thế kỷ 20 là một thế kỷ của chiến tranh. Chúng ta phải biến thế kỷ 21 thành một thế kỷ của sự sống. Thế kỷ 21 phải là một thế kỷ mà trong đó chúng ta biến sự sống thành ưu tiên hàng đầu trong tất cả mọi lãnh vực của hoạt động con người – trong thương mại, trong chính quyền, trong khoa học.

 

Chúng ta nương tựa vào Trái Đất, chứ không phải là ngược lại. Trong sự ngạo mạn của mình, ta đã thẳng thừng bỏ quên điều này. Nhà du hành vũ trụ Xô Viết Gagarine, người đầu tiên nhìn Trái Đất từ không gian, tuyên bố rằng nó là một hành tinh xanh. Đây là một lời chứng vĩ đại. Màu xanh của đại dương, màu trắng của những đám mây – chúng là bằng chứng rằng Trái Đất là hành tinh đầy nước, một hành tinh lấp lánh sự sống. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ  thật là quan trọng phải có một triết lý công nhận rằng, mọi sự trong vũ trụ đều sống động và thiêng liêng.

 

 

84. THỰC HÀNH VIỆC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG.

 

 

Làm thế nào để đối phó với những vấn đề xem ra nhỏ bé, chẳng hạn như việc xả rác?

 

 

Ném rác và hộp nhôm xuống vệ đường là hành vi ích kỷ của một người sống trong một trạng thái có thể gọi là  thú tính. Những hành động như thế chứng tỏ tính ích kỷ  - chúng không quan tâm gì đến người khác. Đó là một cách sống thiếu tự nhiên. Một người yêu thiên nhiên thì không thể xả rác. Ném rác bừa bãi là ném đi nhân tính của mình. [3]

 

Tương tự như vậy, một người yêu thiên nhiên có thể trân trọng những con người khác, trân trọng hòa bình; họ có tính cách phong phú, không bị ràng buộc bởi những tính toán ích kỷ về lợi lộc và thua thiệt cá nhân. Những ai sống một cách tính toán,  rốt cuộc cũng tính toán giá trị của họ theo cách tương tự. Một cuộc sống như thế thì hết sức bị hạn chế.

 

Người ta có thể nghĩ rằng, không có phần thưởng nào dành cho việc nhặt những rác bẩn mà người khác đã xả. Nhưng thật quan trọng để làm việc này vì lòng yêu thiên nhiên – mà không cần đến lời khen nào cả.

 

Chỉ qua những hành động vị tha như thế,  mà ta có thể sống cách tốt nhất như là một con người. Bởi vì khi kỹ thuật đã tiến bộ tới mức độ như hiện nay, thì càng quan trọng hơn bao giờ hết, là mỗi người cần phát triển một ý thức về sự bảo vệ môi trường. Bất cứ sự cải thiện hời hợt  nào về vật chất chỉ là ảo tưởng, trừ phi chúng ta nâng cao chất lượng cơ bản của cuộc sống chúng ta.

 

 

85. VAI TRÒ CỦA CÁ NHÂN.

 

 

Với tư cách là một cá nhân, tôi có thể tạo ra nhiều sự khác biệt không?

 

 

Tuyệt đối có thể. Mỗi nỗ lực cá nhân là hệ trọng, và thế nhưng nói suông về bảo vệ môi trường thì dễ hơn nhiều, so với việc thực hành nó. Đôi khi có những trở ngại – và đôi khi, thậm chí việc thực hành nó có thể đe dọa đến tính mệnh nữa.

 

Tôi tự hỏi không biết bạn đã nghe nói về nhà hải sinh vật học Rachel Carson người Mỹ hay chưa. Bà viết một cuốn sách gây chấn động gọi là Silent Spring (Mùa Xuân Lặng Lẽ), xuất bản năm 1962, mạnh mẽ phê phán vấn đề gây ô nhiễm môi trường.

 

Vào thời điểm đó, những loại thuốc trừ sâu rất mạnh như DDT đang được dùng khắp nước Mỹ. Ban đầu chúng có vẻ hữu hiệu, nhưng dần dần người ta bắt đầu bị nhiễm bệnh và cho thấy những dấu hiệu bị đầu độc từ những chất hóa học đó. Những côn trùng hữu ích, cá và chim đang biến mất khỏi vùng đó. “Không còn chim để hót,” R. Carson viết, “một mùa xuân lặng lẽ đang chờ đợi chúng ta.”

 

Cuốn sách của bà thông báo những sự kiện này cho công chúng và thúc giục nhà nước phải cấm những thứ thuốc trừ sâu nguy hiểm đó. Lập tức sau khi cuốn sách của bà được xuất bản, bà bị đả kích dữ dội.

 

Bà bị tấn công bởi những công ty khổng lồ mà đã tạo được những tài sản kếch sù từ việc sản xuất thuốc trừ sâu – và bởi những quan chức và chính trị gia “ở trong túi” của những công ty đó – bởi vì điều mà bà nói là đúng sự thực. Những cuộc tấn công như thế xảy ra mọi lúc, bất cứ khi nào một ai đó nói ra một sự thật khó chịu. Chúng ta phải học để nhìn xuyên suốt những “thủ thuật” của những người có quyền lực.

 

Tất cả những người có liên hệ với công nghiệp thuốc trừ sâu, ngay cả những tạp chí nông nghiệp, đều hợp lực lại thành một chiến dịch để làm mất uy tín  của bà. Một tờ báo viết, “Cuốn sách của bà thì nguy hiểm hơn những loại thuốc trừ sâu mà bà kết án.” Những tổ chức nghiên cứu cũng tham gia vào chiến dịch – những tổ chức nghiên cứu này,  không cần phải nói, đã nhận những khoản tiền lớn từ những công ty hóa chất.

 

Đó là một chiến dịch lớn để dập tắt cuốn Mùa xuân lặng lẽ. Ngay cả Hội Y học Hoa Kỳ cũng phát biểu rằng, những tác dụng của thuốc trừ sâu không tạo ra sự đe doạ nào cho con người khi được dùng theo đúng chỉ dẫn của những nhà sản xuất.

 

Nhưng Rachel Carson đã không chịu đầu hàng. Và thậm chí bà còn đi xa hơn, tuyên bố rằng những thuốc trừ sâu chỉ là một phần của câu chuyện về những loại độc dược mà đang đe doạ thế giới của chúng ta. Sau cùng, bà chiếm được sự ủng hộ của nhân dân, và phong trào bảo vệ môi trường bắt đầu lan rộng ra khắp nước Mỹ, và khắp thế giới. Ngọn đuốc của niềm tin tiếp tục cháy sau khi bà qua đời vào năm 1964, và đã phát triển, chuyển hóa sâu sắc ý thức quần chúng.

Trong cuốn The Sense of Wonder (Cảm thức về sự Kỳ diệu), Carson đã để lại cho thế hệ trẻ những lời sau đây: “Những ai – những nhà khoa học cũng như dân thường – cư ngụ giữa cái đẹp và những huyền bí của Trái Đất, thì không bao giờ cô độc hay chán ngán sự sống.”

 

Một câu ngạn ngữ Kenyan nói rằng chúng ta nên đối xử tốt với Trái Đất; nó không phải là một món quà từ cha mẹ ta, mà là một món tiền ta vay từ con cái ta. Những người lớn của thời đại ta đang để lại một di sản buồn thảm cho những người trẻ hôm nay và những đứa con mà bạn sẽ có. Với triết lý của họ – rằng việc làm tiền là mục đích quan trọng nhất trong tất cả – họ đang bán rẻ cái di sản của bạn : sức khoẻ, văn hóa, môi trường và thậm chí sự sống mà thiên nhiên đã bảo vệ và nuôi dưỡng qua bao nhiêu kỷ nguyên.

 

Nó là di sản của bạn, bởi vậy, bạn phải hành động. Bạn, những người vẫn chưa quên cái đẹp và sự kỳ diệu của Trái Đất, hãy lên tiếng! Sự đấu tranh của bạn để bảo vệ thế kỷ 21, thế kỷ của bạn, thế kỷ của sự sống, đã bắt đầu.

 

Một khẩu hiệu phổ biến nói rằng “Hãy nhân ái với hành tinh chúng ta,” nhưng trong thực tế, hành tinh này đã từng nhân ái với chúng ta. Đằng sau mỗi chúng ta có không chỉ 4 tỷ năm của lòng nhân ái từ Trái Đất, mà còn có lòng từ bi của toàn vũ trụ từ vô thủy. Bởi vậy, điều thật hệ trọng là hãy đừng vu khống hay hạ thấp giá trị  đời ta. Sự sống là kho tàng quý giá nhất trong tất cả những kho tàng. Mỗi người trong các bạn là không thể thay thế được. Những kẻ mang giữ sự sống – vũ trụ, Trái Đất, và những bà mẹ – đều nâng niu con cái họ. Điều quan trọng nhất cho thế kỷ 21 là: chúng ta cần nới rộng ra khắp xã hội cái sự ân cần chăm sóc tuyệt đối và nền tảng đối với sự sống, lòng từ bi sâu xa đối với sự sống.

 

Nếu chúng ta làm như vậy, thì chiến tranh và sự áp bức nhân quyền sẽ biến mất. Sự hủy hoại môi trường cũng sẽ như vậy.

 

 

 

LỜI CUỐI

 

 

Những người trẻ là chìa khóa của tương lai. Vâng, nói thì thật dễ. Nhưng tôi biết rằng, nhiều người trong các bạn tự hỏi, liệu các bạn có thể làm gì thực sự xứng đáng, một cái gì đó có giá trị lâu dài, khi thế giới đang ở trong sự hỗn loạn như thế. Mặc dù vậy, bởi vì bạn là bạn, tôi biết rằng bạn có thể. Và bạn sẽ có thể.

 

Các bạn trẻ đang sống tại nước Mỹ, có một cơ hội hy hữu. Nước Mỹ tặng cho bạn sự tự do trên một phạm vi lớn, nhưng đồng thời, nó có những đám mây đen. Với tất cả những ưu điểm và nhược điểm của nó, trong một phương diện, nó phản ánh một tình trạng của thế giới hiện tại của chúng ta như một toàn thể. Bởi vậy những vấn đề mà các bạn – những người đang sống tại Mỹ – đang phải đối mặt, theo nghĩa đó, cũng là những vấn đề của tất cả mọi người, mọi nơi. Và sự thành công của bạn là niềm hy vọng không chỉ của nước Mỹ, mà của toàn thế giới.

 

Những vấn đề mà bạn đối mặt trong những năm tuổi trẻ của bạn, khó lòng được giải quyết trong một ngày. Nhưng bất luận chúng có vẻ vô vọng như thế nào chăng nữa,  nếu bạn đối mặt với chúng với lòng dũng cảm, tôi tin rằng sớm hay muộn bạn có thể vượt qua chúng.

 

Hãy tiếp tục học tập, tiếp tục cố gắng, tiếp tục cho tới khi bạn đã biến sự chiến bại thành ra chiến thắng sau cùng – đó là con đường đích thực của tuổi trẻ.

 

 

DAISAKU IKEDA

 

VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ:

 

Dakaisu Ikeda là chủ tịch của Hội Soka Gakkai Quốc Tế (SGI), một trong những phong trào cách tân phát triển nhanh nhất và năng động nhất trên thế giới hiện nay. Với 16 triệu thành viên tại 156 nước, SGI phát huy giáo dục, trao đổi văn hóa quốc tế, và thiết lập nền hòa bình thế giới. Triết lý của SGI dựa trên những lời dạy của Nicheren, một  nhà cải cách người Nhật, sống vào thế kỷ thứ 13. Nicheren đã dạy sự thiêng liêng của đời sống con người, trên mọi thứ khác.

Với tư cách là lãnh tụ từng gây cảm hứng cho hằng triệu người, Daisaku Ikeda đã đặc biệt chú tâm đến sự phát triển của tuổi trẻ, qua suốt 40 năm lãnh đạo tổ chức Soka Gakkai. Vào tuổi 19, ông tin theo những lời dạy của Nicheren và tiến lên kế tục vị cố vấn tinh thần của ông, Josei Toda, như là chủ tịch của Soka Gakkai vào năm 1960.

 

Trên cương vị một nhà hoạt động cho hòa bình, ông Ikeda đã du hành tới hơn 50 nước, gặp gỡ và tổ chức những cuộc đối thoại với nhiều người – bao gồm cả những lãnh tụ chính trị và  trí thức, áp dụng niềm tin mãnh liệt của ông, rằng sự hiểu biết và sự thành tựu hòa bình thế giới bắt đầu với những cuộc tiếp xúc giữa dân tộc này với dân tộc khác. Bên cạnh  hằng trăm những bằng danh dự và bằng khen được tặng cho ông khắp thế giới, ông nhận giải Hòa Bình của Liên Hiệp Quốc vào năm 1983.

 

Ông Ikeda là nhà sáng lập của vô số những cơ sở văn hóa và giáo dục khắp thế giới, gồm hệ thống trường Soka tại Nhật, Malaysia, Singapore, và Hong Kong, cũng như Đại Học Soka, mà chi nhánh mới nhất của nó sẽ được mở tại Aliso Viejo, California, vào năm 2001.

Ông đã viết hơn 200 cuốn sách, nhiều cuốn trong số đó đã được dịch sang dăm bảy thứ tiếng. Ông cũng là tác giả của vô số sách cho thiếu nhi và nhiều tập thơ.

 

 

* VÀI NÉT VỀ NGƯỜI DỊCH:

 

+ Sinh năm 1947, tại Quảng Trị.

+ Tốt nghiệp Triết học, Đại học Văn khoa, Huế.

+ Hiện sống một mình, ở nhà thuê, tại Dalat.

+ Địa chỉ liên lạc:   thythu12@ gmail.com

 

 

HẾT



[1]  Our own people: Chính dân tộc của chúng tôi, tức nước Mỹ. Tác giả đang nói chuyện với giới trẻ Mỹ. [ Từ people còn có nghĩa là “ nhân dân.” ].

[2] Câu nói này rất sâu sắc, và cũng rất đúng!

[3] Chúng ta cần lưu ý: Một hành vi [ hay câu nói] tưởng chừng rất nhỏ của ta, cũng có thể phô bày toàn bộ nhân cách của ta!

 

Đỗ Tư Nghĩa
Số lần đọc: 1824
Ngày đăng: 03.03.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 9 - Đỗ Tư Nghĩa
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 8 - Đỗ Tư Nghĩa
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 7 - Đỗ Tư Nghĩa
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 6 - Đỗ Tư Nghĩa
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 5 - Đỗ Tư Nghĩa
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 4 - Đỗ Tư Nghĩa
“Nhà thơ Xuân Ly Băng – Cuộc đời và Tác phẩm” - Nguyễn Văn Hoà
Thể Loại Và Cấu Trúc - Mai Bá Ấn
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 3 - Đỗ Tư Nghĩa
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 2 - Đỗ Tư Nghĩa
Cùng một tác giả
Tự Thú 1 (chân dung)
Tự Thú 2 (chân dung)
Tự Thú 3 (chân dung)