Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
591
116.452.113
 
Một Người Đen Bạc Đỏ Tình
Hà Thủy

Chiều cuối tuần trên xứ người, trong cửa tiệm lớn và khá sang trọng, tôi đang lúi húi chọn quần áo bổng giật mình vì đằng sau có người vỗ mạnh vào hai vai, quay lại nhìn, một người đàn ông lớn tuổi với gương mặt quen quen. Chưa kịp phản ứng anh đã cười lớn hỏi:

 

- Phải chú H. không ?

 

Giờ thì đã nhận ra anh:

 

- Dạ đúng rồi, anh Đ. phải không?

 

-Trời đất! ở đằng xa anh thấy ngờ ngợ đến hỏi phải có đúng không, lâu quá rồi không gặp. Đâu ngờ lại gặp em ở đây.

 

Đúng là tính cách người miền Tây Nam bộ, chưa biết đúng hay không là đã vỗ vai vồn vã thân tình, nếu có lầm người chắc cũng cười xòa xin lỗi nghen, thật thú vị vì đã lâu trên xứ người chưa hề gặp kiểu chào hỏi nầy. Đã hơn mười năm rồi không gặp anh cũng già đi nhưng trông vẫn mạnh khỏe, điệu bộ còn nhanh nhẹn hoạt bát. Hỏi chuyện nhau sơ sài một vài câu biết anh vẫn ở quê nhà, từ môi giới qua đây để mua một số máy móc về làm ăn, nghề kinh doanh vẫn như xưa, rồi mời anh:

 

- Anh em mình kiếm quán cà phê nói chuyện chơi.

 

- Anh tiếc quá, gặp em quá muộn, qua đây đã nửa tháng giờ mới rãnh nhờ mấy người quen dẫn đi mua ít quà về cho có, xong là phải về chuẩn bị tối nay về nước, nôn quá, lâu rồi đi bỏ việc, cứ lo lo. Sorry nghe. (trời đất! lại biết Sorry nữa, kiểu nầy chắc đã qua lại nhiều lần hay tiếp xúc với khách nước ngoài nhiều rồi).

 

Nói xong đưa cho tôi một card visit là anh liền chia tay với lời nhắn:

 

- Thôi gấp quá anh đi đã, có về nước nhớ ghé anh nghe, lúc đó mới nói chuyện nhiều. Thôi anh đi đã tụi nó chờ ngoải. À nầy gặp bà xã anh đây nầy.

 

Một người đàn bà trạc bốn mươi khá đẩy đà, gương mặt đẹp phúc hậu vừa tiến đến, tôi vừa chào vừa ngỡ ngàng, đâu phải bà vợ anh hồi xưa đâu, mà thôi anh nầy đâu có gì lạ. Chào hỏi giới thiệu xong là anh đi ngay, trông vẫn cứ còn tất bật. Gặp bất ngờ, chia tay cũng vội vã, nhiều cảm động vì lâu rồi có người còn nhớ đến mình, bồi hồi nhớ lại một thời đã sống ở quê nhà.

 

Quan hệ thoạt đầu chỉ là khách hàng với nhau. Dạo đó đã tôi đã ngoài ba mươi vào làm một ngân hàng tư, nhân viên hạng tép riu xếp chỉ đâu đánh đó, suốt ngày chạy rông ngoài đường gặp khách hàng, cho vay thì ít, đòi nợ là chính, mệt nhưng thoải mái vì không bị gò bó lại có thể rong chơi khắp thành phố. Anh Đ. lúc đó là một trong những khách hàng, một khách hàng từ hồi còn làm ăn nhỏ trầy trật nhưng khá uy tín, bỏ ngân hàng một thời gian nay đã lập thành một công ty khá lớn cần vốn nên quay lại để phát triển thêm. Không hiểu sao tôi lại được phân công làm việc với anh và từ một quan hệ với khách hàng lại có một thời sống và cư xử với nhau như bạn bè, một người bạn vong niên.

 

Anh lớn hơn tôi gần mười tuổi, người dong dõng cao, đen thui, mặt mày bặm trợn với cặp mắt sâu và dữ , có giảm bớt vẻ giang hồ nhờ đã lớn tuổi lại ăn mặc khá nghiêm chỉnh lịch sự, nói năng ào ào to tiếng nhưng không gay gắt, thoạt rất khó có cảm tình nếu không nhờ thỉnh thoảng cười tươi với nụ cười trông rất thật thà chân tình, người lúc nào cũng loay hoay, bận rộn như không yên được một chỗ, nghề anh là nghề xây dựng cơ sở hạ tầng cho nhà xưởng, đường xá nên cũng chẳng lạ, nghề nghiệp chọn người hay người chọn nghề nghiệp thì lâu dần cũng sẽ hình thành nên con người phù hợp. Bấy giờ là thời kỳ mới đổi mới hoạt động kinh doanh, xây dựng, nhà đất ào ào nên nghề của anh rất thịnh, quy mô và địa bàn hoạt động của anh khá rộng tận đến những tỉnh lân cận, nghề lại nghề cứ phơi người ngoài trời nên làm việc với anh lắm khi tôi mệt phờ cả người. Chẳng có gì đáng nói ngoài những công việc cần và phải làm với nhau đều ổn thỏa, có chăng là qua rất nhiều lần gặp gỡ, từ một người nhìn như không thể hợp với mình lại rất vô tình dần dần hình thành nên một mối quan hệ bạn bè vượt qua những liên hệ đến công việc và khác biệt lối sống, với lần đầu tiên biết được một con người khá lạ lùng và thú vị cho dù chỉ trong một khoảng thời gian cũng không lâu lắm.

 

Nhớ lần đầu tiên chuyện trò ngoài công việc là sau một buổi chiều làm việc hết sức vất vả căng thẳng trong một công ty nước ngoài, cuối cùng công ty anh cũng ký được hợp đồng lớn, ra khỏi công ty sau khi cho những cộng sự về hết hai anh em ngồi trong một quán trên đường đi Vũng Tàu cạnh bờ sông Thị Vải, anh thở phào nói:

 

- Thôi vào đây cho tiện, làm lai rai tạm một chút đã.

 

Nhìn anh có vẻ mệt mỏi khác những lần trước, hỏi:

 

- Ủa, anh vừa ký được hợp đồng lớn đáng lẽ phải tươi lên, sao lại trông phờ phạc vậy.

 

- Ừ thì quá vui nhưng suốt gần hai tháng lo lắng chuẩn bị mất ăn mất ngủ vì cái hợp đồng nầy, bây giờ xong lại mới thấy mệt. Đây là hợp đồng lớn đầu tiên của anh, lớn thì không nói vì cũng chỉ bằng năm ba cái anh đã làm cọng lại nhưng đây là cái hợp đồng giữa công ty với công ty lại là công ty nước ngoài, xưa nay nói vậy chứ chỉ làm kiểu cò con, chụp giựt, hợp đồng miệng với nhau là chính, sau cái nầy sẽ có uy tín hơn, mà chú không hiểu đâu, anh từ một thằng bốc vác ở Cảng nay ngồi làm việc với một thằng nước ngoài nghĩ lại đời mình trải qua một chặng đường dài thấy người cũng nao nao.

 

Kể ra lâu nay tôi với anh cũng đã khá thân tình nhưng chuyện trò cũng chỉ lặt vặt những chuyện đời thường, đôi khi ngồi ăn với nhau cũng vội vàng cho xong bữa, chỉ có hôm nay mới được khoảng thời gian thoải mái. Vài dĩa mồi mấy chai bia, chiều trời đã dịu lại, gió từ sông thổi mát nhẹ, tôi không hỏi gì thì tự dưng anh kể chuyện đời anh trong suốt cả giờ đồng hồ. Ngồi nghe anh kể mới thấy đời mình cũng khá lao đao lận đận mà so với anh thì chẳng kể vào đâu.

 

Đại thể thì anh dân Đồng Tháp Mười, Long An, nhà ở vùng sâu, làm ruộng là chính, với sản vật thiên nhiên chung quanh thì không đói nhưng nghèo, anh em đông đến tám đứa nên cứ đứa nào lớn là tự kiếm đường đi làm ăn. Đến anh và thằng út thì cũng được đi học, hai anh em một lớp, ngày chèo xuồng bốn tiếng đi về, khi anh hơn mười tuổi mới học đến giữa lớp nhì thì cả xóm bỏ làng đi vì chiến tranh, từ đó gia đình anh sống trên chiếc thuyền mưu sinh trên khắp mọi vùng sông nước miền Tây làm đủ thứ nghề gặp đâu làm đó. Chiến tranh càng khốc liệt thì sông nước cũng không yên nên cả nhà lại giạt về Bình Chánh ở khu giáp Sài Gòn, nhờ người cậu anh vào làm bốc xếp trong cảng Sài Gòn. Anh thoát cảnh đi lính cũng nhờ hoàn cảnh sống và một chút may mắn, hồi lênh đênh sông nước chẳng có nơi cư trú nhất định nên chẳng ai biết đâu để gởi giấy đi quân dịch, có bố ráp lính trên bờ thì ở yên dưới sông, bố ráp trên sông thì kiếm chổ nhảy lên bờ hay lái tàu vào nơi xôi đậu, khi vào làm ở cảng thì được cho ngủ luôn trong cảng, đang còn sống phấp phỏng suốt mấy năm thì hết chiến tranh. Sau năm 75 anh rời khỏi Cảng, buôn bán mánh mung đủ thứ trên đời, có một thời phất lên từ thu mua phế liệu suốt từ Nam chí Bắc rồi lại tan nát tù đày mấy năm, ra tù lại trở lại đời sông nước, làm tài công vận chuyển hàng hoá, thấy không khá theo bạn bè theo nghề xây dựng, rồi nghề dạy nghề rốt cuộc cũng lại trở lại sông nước nhưng lại khai thác cát dưới lòng sông để san lấp mặt bằng, nhờ thời buổi mới công việc ngày càng phát triển cho đến giờ.

 

Kể đến đây thì anh lại thở phào nói:

 

- Giờ thì tạm ổn, cũng đủ nuôi vợ nuôi con.

 

Tôi hỏi anh:

 

- Nghe anh kể anh đi lung tung làm ăn suốt vậy thì anh lấy vợ hồi nào.

 

Anh cười cười:

 

- Thì nói vợ mà cũng không phải vợ, anh “tình duyên” lận đận lắm chú ơi, giờ vẫn chưa hết.

 

- Mỗi lần ra công trường thấy mấy đứa con anh cũng làm việc với anh, về công ty cũng thấy chị lo lắng chăm sóc công việc thì lận đận gì nữa.

 

Anh cười có chút bẽn lẽn:

 

- Ừ, có bốn thằng con đang ở trong nhà, mỗi thằng con mỗi bà, có hai thằng cùng tuổi, thằng nhỏ mới 6 tuổi con của bà bây giờ. Có bà đã lấy chồng khác, có bà còn ở vậy nhưng bà nào con nào cũng thương, cũng phải lo lắng chăm sóc hết nên mới khổ.

 

Thì đây là tình duyên lận đận, hồi còn trẻ cho đến nay toàn làm ăn lang bạt khắp chốn, đến mỗi nơi mỗi gieo tình, sống bấp bênh như vậy đâu dám lấy ai làm vợ, không biết có số đào hoa hay không nhưng được cái chân tình lại chịu khó làm ăn, có tiền nhiều hay ít vẫn sống và cư xử phóng khoáng đến xả láng nên được nhiều cô thương yêu, quyến luyến, có cô dù đã lâu rồi đến giờ vẫn còn thương. Cũng lạ anh nầy suốt đời cứ tất bật, lo toan làm ăn tính toán thì giờ đâu để yêu với đương nhưng rồi nghe ra anh không cà phê thuốc lá, không ăn nhậu đàn đúm với bạn bè, đang ngồi đây dù chỉ lai rai tôi cũng đã uống bốn chai trong khi anh chỉ một chai vẫn còn gần một nửa, ai cũng tứ đổ tường một thứ một chút còn anh nầy chắc chỉ một món đàn bà. Mà cái cách yêu thương mỗi miền mỗi khác, miền Trung và có thể là cả miền Bắc trai gái thích nhau đã khó, lại phải một thời gian dài yêu thương rồi mới đến chuyện trao thân, trao thân là gởi phận suốt đời, người miền Nam tính tình bộc trực lại khác, thích nhau yêu nhau là biểu lộ ngay, dễ dàng đi đến tình dục như một điểm nhấn khẳng định tình yêu, còn mức độ mặn nồng, quyến luyến hay sống đời sẽ tính sau, anh nầy người Nam bộ rặc lại thể lực sung mãn nên tình cũng phung phí khắp nơi, bây giờ thì ngoài vợ chính còn phải lo cho mấy bà lẽ. Anh nói chuyện vẫn giọng sang sảng, liếc nhìn bà chủ quán khá lớn tuổi nhưng còn mơn mởn nghe kể chuyện bụm miệng cười anh lại khẽ nói: “ Chú thấy chưa, vậy mà không thương sao được”. Giờ mới thật hết biết với anh. Sau lần nầy thì bẵng độ gần nửa năm không thấy anh ghé lại tưởng đâu anh đã có nhiều tiền trả hết nợ nần nên không cần ngân hàng nữa, công việc lu bu tôi cũng quên dần.

 

Anh trở lại vào một buổi xế trưa, cũng dáng vẻ tất bật và lần nầy tôi cũng lại theo anh đến công trường anh làm theo yêu cầu công việc. Bây giờ anh đã có xe hơi riêng và tự lái, công trường ở tận Bình Dương nên phải lái xe nhanh, nhìn anh lái xe muốn rợn người, lái xe trên đường xá đầy xe cộ mà cứ như đang lái tàu trên sông Tiền sông Hậu đầy lục bình, may mà hồi đó xe cộ còn tương đối ít chứ như bây giờ thì tôi và anh đã hóa kiếp mấy lần rồi. Công trình khá lớn với nhiều hạng mục nên đến hết buổi chiều mới tạm xong, lên xe về anh cười nói:

 

- Biết là chiều rồi nhưng mong chú thông cảm đợi anh độ một tiếng anh có chút công chuyện rồi mình về.

 

- Không sao nếu anh có chuyện cần tôi đợi cũng được.

 

Anh lại cười cười:

 

- Chú thông cảm, phải đến thăm bà nhỏ gần đây một chút lâu rồi không ghé.

 

Ngồi quán cà phê đợi gần hai tiếng anh mới trở lại, trên đường về hỏi anh:

 

- Bộ bà nầy mới hả?

 

- Ừ, mới quen khi xuống làm ở đây, cũng được mấy tháng rồi, mà thương lắm nghen.

 

Nhớ sực lại tôi hỏi anh:

 

- Vậy sau lần ngồi với anh bên sông Thị Vãi anh có gặp lại bà chủ quán không?

 

Lại cũng cười:

 

- Thì cũng có chút đỉnh.

 

Chẳng hiểu chút đỉnh nghĩa là sao, tôi chợt phì cười. Anh như hiểu ý nói:

 

- Số anh cũng lận đận khổ vì đàn bà lắm chú ơi, thấy ai cũng thương nên làm nhiêu cũng không thấy đủ, phải gắng làm hoài, bởi vậy giờ mới cần đến chỗ chú. Yên tâm, xong công trình nầy là anh khỏe.

 

Kể anh nầy cũng lạ, suốt đời đam mê công việc làm ăn, cố kiếm tiền để rồi phung phí cho một đam mê khác, niềm đam mê nầy lại làm hứng khởi để trở lại quần quật kiếm tiền, cứ theo một vòng luân lưu tưởng như không dứt, ít nhất là cho đến giờ nầy. Nếu nói có đam mê là hạnh phúc thì quả thật anh nầy đang rất hạnh phúc, chưa thấy lúc nào buồn bã hay bi quan cho dù cứ nghĩ đến cái đam mê của anh cũng thấy mệt cả người, thầm nghĩ có lẽ anh nầy thuộc dạng ngoại lệ hay là mình đam mê chưa đủ. Cứ vậy cho đến khi tôi chuyển công tác đến chỗ khác thì không còn trực tiếp làm việc với anh nữa nhưng chỗ tôi làm lại ở gần công ty cũng là nhà của anh nên thỉnh thoảng cũng qua lại hỏi han, một thời gian ngắn sau thì tôi xuất cảnh chẳng còn có dịp nào để hỏi thăm tin nhau mãi đến giờ mới tình cờ gặp ở đây.

 

Gần hai năm sau tôi về thăm nhà, gần một tháng bận rộn thăm viếng gia đình, bạn bè rồi đi đây đi đó thật tôi cũng quên mất, mãi cho đến một chiều ra một huyện ngoại thành nhìn những công trình xây dựng bụi mù mịt mới sực nhớ lại anh, chiều hôm sau theo địa chỉ trên tấm card visit tôi đến thăm anh. Công ty giờ ở tận Nhà Bè cũng vẫn là nhà ở, căn nhà một trệt ba lầu bình thường như những căn bên cạnh ngoài trừ có bảng hiệu, công ty ngành nầy toàn làm ở ngoài cả nên vắng lặng chỉ có một thư ký đưa tôi gặp ngay anh trong phòng làm việc. Vồn vã hỏi han nhau một chút là anh kéo tôi lên lầu, cười nói:

 

- Lên đây cho thoải mái, làm lai rai chút đi rồi đợi mát trời kéo nhau ra quán. Anh bây giờ cũng uống được chút chút rồi nghen, gặp chú mừng quá.

 

- Xưa anh chẳng rượu bia nay sao lại uống ?

 

- Uống cũng vừa phải thôi, không uống không được, thời buổi nầy làm ăn giao thiệp không có chút bia rượu khó nói chuyện, còn làm ăn dài dài mà đã nghỉ được đâu. Gặp lại chú anh mừng lắm, chú là người biết anh từ những ngày đầu anh làm ăn ngành nầy cũng hơn 15 năm rồi còn gì.

 

- Về bây giờ thấy nhiều người giàu có quá, không tưởng tượng nổi, mà anh bây giờ chắc cũng thành đại gia rồi phải không.

 

- Đại gia gì chú ơi, cũng đủ ăn và làm được đôi việc cho gia đình là may lắm rồi.

 

Anh chẳng thay đổi gì nhiều so với lần gặp trước ở Mỹ, tóc bạc hơn một chút, thêm cặp kiếng lão khi làm việc nhưng giọng nói vẫn sang sảng kể chuyện. Bây giờ thì cũng khá ổn, lão luyện trong nghề lại có uy tín nên công việc đều đặn, con cái chẳng có đứa nào hư hỏng, những đứa lớn cho mua nhà mua cửa, dựng vợ gã chồng hướng dẫn ra làm ăn riêng, cũng ngành nầy nhưng bung ra các tỉnh, vài đứa nhỏ cho đi du học các nước thỉnh thoảng qua thăm, đã về xây nhà và vườn tược khá lớn ở xóm cũ nay đã thành một thị trấn khá đông đúc nhộn nhịp….Nghe anh kể đúng là một người có thể gọi là thành đạt và hạnh phúc, tôi hỏi:

 

- Vậy thì anh còn làm gì nữa cho mệt, nghỉ ngơi rong chơi phải sướng hơn không.

 

- Nghỉ chưa được vẫn còn nhiều chuyện làm chưa xong, mà nghỉ làm gì, suốt gần 50 năm ròng làm việc quen rồi, bây giờ mà nghỉ thì buồn chết, không còn phải gắng sức làm nhưng vẫn cứ làm khi nào làm không nổi thì tính.

 

Ngồi nhẩm tính anh nay cũng quá 60 chỉ vài năm nửa đã là tuổi “cổ lai hy” , không hiểu lấy đâu ra sức khỏe và nghị lực để duy trì suốt hằng chục năm ròng nhất là với thời buổi bây giờ làm ăn cạnh tranh ngày càng gay gắt, e chỉ có sự đam mê công việc lâu dần đã trở thành quán tính không cưỡng lại được.

 

Có tiếng bước chân lên cầu thang, một người phụ nữ trạc 40 ăn mặc khá sang, đẹp mặn mà người tròn lẳng trông sung mãn nhìn muốn nóng cả người đến chào, nghe anh giới thiệu:

 

- Chú H. bạn anh ngày xưa ở bển về và đây là bà xã anh.

 

Bà nầy lại không phải là bà vợ anh tôi gặp cách đây hai năm, khi đã khuất trong nhà tôi nhướng mày tròn mắt nhìn anh, anh lại cười bẽn lẽn:

 

- Thì anh đã nói số anh “lận đận tình duyên” lắm….

 

Thật hết biết. Dù biết anh đã lâu chẳng bất ngờ lắm nhưng đến giờ mới gọi là phục sát đất, lại còn nghe loáng thoáng:

 

- Chú biết không, bà nầy…, mà thương lắm nghen./.

 

 

Hà Thủy
Số lần đọc: 2045
Ngày đăng: 13.03.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cặp Đôi Bi Tráng - Khuất Đẩu
Chú Gấu Bông - Hòa Văn
Thằng Người Gỗ - Đặng Hồng Quang
Khúc Tuyệt Mù - Nguyễn Đạt
Thị Xã - Trần Yên Hòa
Rượu Người - Võ Xuân Phương
Phóng Sinh Chữ Nghĩa - Phan Trang Hy
Chiếc lá - Hòa Văn
Như Một Dòng Sông - Nguyễn Hữu Duyên
Đẻ Khó - Huỳnh Văn Úc