Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.318 tác phẩm
2.746 tác giả
514
115.869.544
 
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 13 hết
Tuấn Giang

2. Chức năng khí nhạc sân khấu cải lương.

 

Khí nhạc, còn gọi là nhạc đàn, loại nhạc không có lời, trong nền âm nhạc chuyên nghiệp, các nhà lý luận cổ điển và giới lý luận âm nhạc xưa nay thường quan niệm những tác phẩm khí nhạc mới đích thực là âm nhạc. Quan niệm này, xuất phát từ nguyên lý cấu trúc âm nhạc là nghệ thuật của âm thanh, qua âm thanh giai điệu diễn tả sâu sắc, tinh tế những cảm xúc con người trước thiên nhiên và xã hội. Những tác phẩm khí nhạc hoàn toàn diễn tả nội dung tác phẩm tư duy âm thanh âm nhạc, còn những bài hát…ngoài giai điệu âm thanh đã có lời ca phù hoạ làm sáng tỏ chủ đề, nội dung. Người ta thường phân chia nền âm nhạc chuyên nghiệp là những tác phẩm khí nhạc, còn một nhạc sĩ suốt đời chỉ có ca khúc nổi tiếng vẫn là thứ âm nhạc quần chúng. Tuy nhiên, các nhạc sĩ: Mô za, Bethoven, Mendenson, Stravinski, Đơvôrắc…có sáng tác bài hát, nhưng sự nghiệp âm nhạc chính của họ là những bản giao hưởng đồ sộ. Do điều kiện dân trí, sự phát triển khí nhạc ở nước ta còn nhiều hạn chế, dòng ca khúc được coi là nền âm nhạc chuyên nghiệp chính thống, ai cũng viết ca khúc, còn rất ít nhạc sĩ có tác phẩm khí nhạc, nếu có thì sự nghiệp khí nhạc của nhiều nhạc sĩ cũng không lớn. Trước xu thế âm nhạc thị dân hiện đại, ca nhạc nhẹ là âm nhạc đại chúng đang thắng thế trên toàn cầu, các nhạc sĩ viết khí nhạc càng mờ nhạt. Trong vô vàn các ban nhạc nhẹ: Bock treetBoys, Thewall, Moffatts, Therolling Stone, Gunnrose, JaneAddition…trên thế giới chỉ có một ban nhạc biểu diễn những tác phẩm khí nhạc nổi tiếng của các cô gái ban nhạc Born Born. Dù trong hoàn cảnh nào, những tác phẩm khí nhạc bao giờ cũng là nền âm nhạc chuyên nghiệp, đó là âm nhạc đích thực, cấu trúc bằng ngôn ngữ âm thanh diễn tả nội dung tác phẩm. Do đó, những mảng khí nhạc của âm nhạc sân khấu cải lương, có vị trí quan trọng là những phần âm nhạc độc lập, diễn tả nội dung sân khấu. Những mảng khí nhạc ấy, lúc hình thành sân khấu cải lương đã có, nhưng không do các nhạc sĩ sáng tác mà nằm ngay ở phần diễn tấu các làn, điệu, bài bản. Đó là những phần hoà tấu giai điệu âm nhạc không có lời ca, những câu nhạc lưu không, những chỗ ngừng nghỉ của ca, dàn nhạc tự hoà tấu như những khúc dạo để diễn viên diễn…

Khí nhạc sân khấu cải lương lúc mới hình thành là những yếu tố khí nhạc xuất phát từ những giai điệu làn, điệu, bài bản. Khí nhạc còn là phần rất phụ, phần nhỏ bé như là thêm vào những đoạn phụ hoạ, còn diễn tấu chủ đạo của dàn nhạc là đệm cho ca, không phải hoà tấu dàn nhạc. Sân khấu cải lương lúc mới ra đời chưa có khí nhạc diễn tả độc lập, dù có hoà tấu dàn nhạc vẫn là đánh giai điệu của những bài ca. Khi mới ra đời sân khấu cải lương có nhạc mở màn, kết thúc chào khán giả, những ban hát thường mở màn bằng những bài ca chào khán giả, kết thúc lại hát bài hát ấy. Những năm cải lương diễn tuồng Tây, có nhạc mở màn, kết thúc chào khán giả bằng hai hình thức, có ban hát sử dụng những bài hát Pháp mở màn, nhưng không cho diễn viên đứng hát, mà hoà tấu dàn nhạc bằng bài Mardolon, điệu vall…kết thúc, hoặc nghỉ giải lao. Những nhân tố khí nhạc trên sân khấu cải lương xuất hiện đầu tiên từ  những câu nhạc lưu không của làn, điệu, bài bản, cho các nhạc công hoà tấu thêm vào, kéo dài, nhắc lại, đỡ cho người diễn viên khi ca, lúc chuẩn bị chuyển làn, chuyển lớp diễn…Nghĩa là những hình thức khí nhạc đầu tiên của sân khấu cải lương xuất phát từ bài ca, người ca, cần trợ giúp họ lấy hơi, lấp chỗ trống để họ dọn giọng, chuyển làn, chưa có ý thức về sự diễn tả một ý đồ nội dung sân khấu. Khi diễn kịch Tây, người soạn tuồng đã ý thức, có nhạc mở màng (Uvectua) theo hình thức nhạc kịch Pháp có nhạc mở màn, kết thúc vở. Nhưng mới chỉ ý thức là phải có khí nhạc dạo đầu, kết thúc vở cho ra vẻ sân khấu bác học theo kiểu kịch phương Tây, chưa ý thức được phần âm nhạc ấy có nội dung diễn tả như thế nào theo nội dung vở diễn, nên mỗi ban hát làm một kiểu. Có ban cứ mở đầu hát một bài hát Pháp vì diễn tuồng Tây, kết thúc cũng bài hát ấy, dù vở nào cũng chỉ hoà tấu khí nhạc như thế. Còn những ban diễn tuồng Tầu, tuồng Việt, cứ hát mở đầu bằng bài hát kể về ban hát mình và kết lại hát bài “quốc ca” của ban. Sang giai đoạn diễn tuồng Tầu, tuồng Tây từ năm 1930 - 1940, nhiều ban hát bỏ lối hát mở đầu, thay vào đó là hoà tấu dàn nhạc. Hoà tấu một bài, hoặc một đoạn chào khán giả, sau đó mở màn giới thiệu vở diễn. Hà Nội năm 1935, 1940, Ban Tây Thi thường mở đầu bài ca: Kính mời quý ông, quý bà đến xem ban Tây Thi…Những hình thức nhạc mở màn, kết thúc vở không vì vở mà vì thương hiệu của ban hát, hoặc vì sở thích công chúng mà hát, hay hoà tấu những bản nhạc Tầu, nhạc Tây mời chào công chúng, chạy theo mốt thời trang, không xuất phát từ nội dung sân khấu. Vào vở diễn, phần khí nhạc xuất hiện có nội dung, nhưng thường xuất hiện những cảnh chiến đấu, đánh võ, sử dụng bộ gõ. Diễn tuồng Tầu sử dụng thanh la, tiu, chũm choẹ, gõ ầm ĩ, diễn tả sự ồn ào trận đánh, hoặc những cú đánh võ, sử dụng chũm choẹ đánh xoảng một cái thì Bàng Đức lăn ra trong lớp Quan Công Thuỷ chiến Bàng Đức, hoặc Trương Phi thét lên vừa dứt thì xoảng một cái…Những cảnh ấy, đã có khí nhạc, diễn tả một phần nội dung nhưng chỉ là tuỳ hứng của nhạc công như những quy định riêng của mỗi người, không phải là những đoạn hoà tấu dàn nhạc, hoặc có chủ ý viết nhạc diễn tả nội dung. Nên có những ban hát diễn tuồng Tây, cứ tấu những bản nhạc Tây: nhảy vall, nhảy tuýp…Không cần đến nội dung vở diễn, vở nào cũng hoà tấu một bản nhạc nhiều người yêu thích là thành công. Vào thời ấy, khí nhạc cải lương là thế, công chúng chỉ hâm mộ như thế, nhưng dù sao sân khấu cải lương đã cần thiết phải có khí nhạc diễn tả nhiều tình huống sân khấu. Lúc đầu, các thày tuồng đã thấy tầm quan trọng của khí nhạc có chức năng:

- Chuẩn bị dọn giọng, “lấp chỗ trống”, chuyển hơi, chuyển làn cho diễn viên diễn lớp mới.

- Nhạc mở màn, giúp vui, nhảy múa, kết thúc vở chào khán giả.

- Nhạc diễn tả hỗ trợ cho diễn viên ở các tình huống căng thẳng, quyết liệt như các pha đánh võ, đánh trận, gây không khí cho công chúng hồi hộp, lo âu…

Từ thực tiễn sân khấu, các thày tuồng là những người dựng vở đã thấy được vị trí quan trọng cần có phần khí nhạc diễn tả trên sân khấu cải lương. Sự phát huy quan trọng ở bước thứ ba là nhạc diễn tả, hỗ trợ đồng diễn cùng người diễn viên, tạo tình huống tính kịch căng thẳng, quyết liệt của sân khấu mà âm nhạc diễn tả đắc lực cho cảm xúc người xem. Đây là chức năng quan trọng đặc biệt của khí nhạc sân khấu, khí nhạc cải lương. Phần khí nhạc trên sân khấu từ chỗ vô thức đến ý thức do thực tiễn sân khấu đã tạo ra ba chức năng hỗ trợ sân khấu và người diễn viên.

Chức năng đầu tiên của một số nhạc khí tạo nền dạo nhạc đưa hơi, nhờ có đưa hơi người diễn viên mới chuyển hơi, chuyển làn, từ điệu nọ qua điệu kia không lạc giọng, chênh phô. Phần nhạc dạo lấy hơi, có vị trí quan trọng, tạo cảm giác chuẩn bị cảm xúc cho người nghe, còn dẫn người ca vào đúng nhịp, đúng làn, điệu, bài bản. Chức năng dọn giọng không phải lấp chỗ trống, mà là sự ngưng nghỉ của âm nhạc dẫn cảm xúc công chúng đến những ấn tượng âm nhạc mới. Đó là nhạc chuẩn bị những tình huống tình cảm, những lớp diễn tâm lý mới của vai diễn. Nhờ có âm nhạc tăng thêm cảm xúc cho diễn viên, hướng công chúng đồng cảm với xúc cảm của người diễn viên về nhân vật cải lương.

Chức năng nhạc mở màn, chuyển cảnh, nhảy múa giúp vui, kết thúc chào khán giả, là những lớp nhạc lắp ghép những bản nhạc ở ngoài vào vở diễn. Có ông thày thích Mardolon, thì vở nào khi chuyển cảnh cứ tấu lên, hoặc cứ đánh điệu vallse Po Đa Nuýp, hoặc vall Sopanh…kết thúc cần gây không khí hoan hỷ, chào khán giả phấn chấn, rộn ràng. Những ý nghĩ ấy, là sự nhận thức chức năng khí nhạc đầu tiên của sân khấu cải lương về sự diễn tả bằng ngôn ngữ nhạc không lời, còn mạnh hơn cả lời ca. Chức năng thứ ba, khẳng định vị trí của khí nhạc đi sâu vào chi tiết vở diễn, các tình huống sân khấu. Đó là sử dụng bộ gõ diễn tả tình huống, trạng thái tình cảm, biểu hiện ở những trận đánh, ở những trạng thái tình cảm lo âu, hồi hộp, sợ hãi…Đây là bí quyết của diễn tả khí nhạc sân khấu, có tính đặc tả cao.

Thực tiễn sân khấu cải lương, do tập thể nhạc công, diễn viên, thày tuồng, công chúng đã từng bước phát hiện ra vai trò, chức năng của khí nhạc trên sâu khấu cải lương. Đây là những quan niệm khí nhạc của cổ nhân vào những giai đoạn đầu ra đời, phát triển sân khấu cải lương. Những quan niệm khí nhạc ấy, tạo đà phát triển cải lương ngày một hoàn chỉnh, vững mạnh của sân khấu cải lương. Sự phát triển khí nhạc cao, có ý thức tư duy sáng tác khí nhạc mang nhiều chức năng, là những tác phẩm khí nhạc quan hệ chặt chẽ, diễn tả sân khấu cải lương.

 

2.1. Mỗi quan hệ khí nhạc với sân khấu.

 

Sau hoà bình lập lại năm 1954, sân khấu cải lương hai miền Nam Bắc có những mức độ phát triển khí nhạc khác nhau, nhưng vai trò khí nhạc là chủ đạo diễn tả tình cảm nhân vật, tình huống sân khấu. Quan niệm chức năng khí nhạc sân khấu cải lương đã thay đổi, cải lương Bắc sau hai năm chỉnh huấn, cải tạo các đoàn sân khấu tư nhân vào tập thể, là cuộc cách mạng khoa học trong nghệ thuật. Các diễn viên thuộc kịch bản, diễn có đạo diễn, hoà nhạc theo tổng phổ, bỏ lối diễn tấu tòng theo giai điệu tuỳ hứng của nhạc công. Đây là cuộc đổi mới sân khấu, đổi mới lối sống và quan niệm nghệ thuật. Sân khấu cải lương Cách mạng XHCN dần dần xa rời quan niệm cả đoàn dựa vào một, hai diễn viên ngôi sao. Những vở diễn mới lấy nghệ thuật biểu diễn đưa lên hàng đầu, từ vai phụ đến vai chính diễn nội tâm sâu sắc, không lấy nghệ thuật ca, diễn ngoại hình để câu khách. Mỗi diễn viên xác định rõ nhiệm vụ quan trọng của mình trên sân khấu, không còn cảnh ăn theo diễn viên ngôi sao, nghệ thuật đồng diễn tập thể nhằm thể hiện nội dung chủ đề tác phẩm, đem đến công chúng hướng thẩm mỹ mới. Những quan niệm mới này có phần đúng, nhưng bỏ diễn viên ngôi sao, hoặc coi thường họ sẽ là sai lầm. Kịch hát dân tộc phương Đông và tuồng, chèo cần có những diễn viên ngôi sao và siêu sao. Trong nhiều nguyên nhân vắng khách của sân khấu cải lương, có một nguyên nhân thiếu diễn viên ngôi sao. Những ai chủ trương loại bỏ diễn viên ngôi sao sẽ làm mất sân khấu cải lương, việc nâng cao nghệ thuật diễn là đúng, nhưng cần có các ngôi sao. Từ chuyển biến nghệ thuật diễn, nghệ thuật âm nhạc nhận thức đầy đủ vị trí, chức năng từng bài ca, từng câu nhạc quan hệ tới kịch bản và sự diễn tả sân khấu. Ca nhạc, khí nhạc không còn là giúp vui, chào khán giả như thông lệ hình thức của sân khấu cải lương cũ. Ca nhạc có quan hệ tác động vào nghệ thuật diễn, tác động tới sự diễn tả sân khấu.

Những thay đổi trong quan niệm ca nhạc sân khấu cải lương về chức năng thể hiện, diễn tả không nằm ngoài yêu cầu ba chức năng đã kể ở trên. Nhưng những thay đổi, có tính đổi mới quan niệm về âm nhạc là thiết thực, trực tiếp quan hệ với sân khấu. Âm nhạc không còn là gây không khí ầm ĩ, lấp chỗ trống, mà âm nhạc xuất hiện có nội dung gắn với vở diễn. Nhạc mở màn không phải là giúp vui, nhảy múa lấp vào những khoảng trống để giải lao, chào khán giả một cách hình thức. Từ âm nhạc đến nhảy múa diễn ra theo yêu cầu nội dung vở diễn, không chạy theo công chúng để có những bài hát, điệu múa ở ngoài vở diễn không có nội dung. Âm nhạc, nhảy múa không phải là giúp vui mà có quan hệ chặt chẽ với nội dung vở diễn. Những quan niệm mới về các môn nghệ thuật phụ trợ không còn là trang sức cho sân khấu, mà đồng diễn tả nội dung, hình tượng tác phẩm. Từ năm 1958 đến năm 1960, cải lương Bắc có những vở diễn thử nghiệm đầu tiên về những quan niệm mới trên sân khấu cải lương thành công. Đoàn cải lương Kim Phụng vở Tình bạn, tác giả Nguyễn Bắc, âm nhạc Nguyễn Xuân Khoát, Chuyện cũ Cổ Loa của Hoàng Luyện, Phan Ninh, âm nhạc Ngọc Thoại. Đoàn cải lương Hoa Mai vở Kiều hồi II, 1958, tác giả Kính Dân, âm nhạc Nhạc Tấn, Kim Sinh. Đây là những vở thử nghiệm đầu tiên đổi mới về âm nhạc. Hai vở Chuyên cũ Cổ Loa, Kiều hồi II, là hai vở cổ, sáng tác nhạc có nội dung gắn với vở diễn. Nhạc mở màn vở Chuyện cũ Cổ Loa, Ngọc Thoại mở màn bằng nét nhạc dựa theo âm điệu bài bản cải lương gợi tả cảnh thành cổ nhớ lại kỷ niệm xưa, có những đoạn khí nhạc diễn tả tình yêu đẹp của Mỵ Châu. Nét nhạc vui tươi trong sáng hồn nhiên le lói, e ấp tâm trạng Mỵ Châu…âm nhạc đã gợi tả ngoại cảnh, không gian, nội tâm nhân vật. So với quan niệm trước đây, âm nhạc thường giúp vui, không có sáng tác nhạc cho vở diễn, đấy là những bản khí nhạc có nội dung gắn với nội dung kịch bản sân khấu cải lương. Trước đây các đoàn cải lương trên cả hai miền Nam, Bắc chỉ lấy bài bản hoà tấu, hoặc nhặt những đoạn nhạc, bài hát ở ngoài hoà tấu vào sân khấu để lấp chỗ trống, thì sau năm 1960 của thế kỷ XX, là sự đổi mới có tính khoa học của sân khấu cải lương. Đoàn cải lương Hoa Mai vở Kiều hồi II,của Nhạc Tấn là nhạc nền có tính chất làm nền cho vở diễn. Tuy âm nhạc chưa có tính diễn tả, chưa phân rõ chức năng của các đoạn khí nhạc áp dụng vào các tình huống tâm trạng nhân vật, nhưng là vở diễn đầu tiên có sáng tác nhạc áp dụng tính khoa học vào sân khấu. Những đoạn sáng tác mới giầu chất cải lương, dù có hơi cổ nhưng đã thành công, hé mở hướng viết nhạc vào vở diễn của đoàn là tất yếu…Phong trào thử nghiệm cải lương viết nhạc mới vào vở diễn lan ra khắp các đoàn cải lương Bắc, có nhiều hướng tìm cách thể hiện mới. Nguyễn Xuân Khoát trong vở Tình bạn, ông viết nhạc thử nghiệm theo hình thức operette, nhạc mở màn, nhạc chủ đề nhân vật, một vài ca khúc tâm trạng cho nhân vật như aria của opera, nhạc diễn tả chân dung nhân vật…Kết quả không thành. Nhưng đó là bài học kinh nghiệm sáng tác nhạc cho sân khấu cải lương, dù là sáng tác nhạc mới vào vở diễn nhưng không thể bắt chước các hình thức âm nhạc operette, opera của nước ngoài vào sân khấu dân tộc. Những vở cổ như Kiều hồi II, âm nhạc Nhạc Tấn, Kim Sinh, hiệu quả âm nhạc sân khấu chưa cao, còn viết như Ngọc Thoại chưa thật rõ về phương pháp, vì mới là vở đầu tay. Người đánh giá là công chúng, nhưng chủ yếu vẫn là giới chuyên môn, một số báo chí, họ chưa quen với hình thức giai điệu âm nhạc mới, nên chưa mặn mà. Con đường cải cách ca nhạc sân khấu cải lương là lẽ đương nhiên, nhưng làm thế nào không có lý luận soi đường. Ngày ấy, công tác nghiên cứu lý luận ứng dụng con non yếu, ít được quan tâm, đúng hơn chưa có đội ngũ nghiên cứu quan tâm đến những nội dung khoa học có tính thời sự, thực tiễn của sân khấu cải lương. Nhưng phong trào sáng tác nhạc cho vở diễn cứ phát triển, sau nhiều năm quan tâm đến kịch bản, đạo diễn đã đổi mới nghệ thuật diễn, đổi mới sân khấu. Sân khấu cải lương Bắc thực sự đổi mới, kịch bản nhiều vở diễn phản ánh con người cuộc sống mới như các vở: Ông Tư Ngang, Nhà gác hai, Bà mẹ sông Hồng, Ánh lửa, Tình bạn, Tiến lên phía trước, Chặn tay chúng lại, Người con gái đất đỏ, Say hương đồng nội, Cưới dưới tròng treo cổ, Mùa hoa đào, Nhạc mùa xuân…Chỉ có mấy năm cải tạo sân khấu cải lương có hàng chục vở diễn đề tài cuộc sống mới, nghệ thuật diễn đổi mới vở diễn có hoạ sĩ trang trí riêng, các hoạ sĩ: Trọng Can, Phùng Huy Bính, Bùi Hy Hiếu, Huy Văn…chuyên trang trí cải lương. Ngày ấy, là mỹ thuật tả thực. Mỹ thuật có vẻ như được công chúng đồng tình, báo chí và giới chuyên môn ít quan tâm, coi là hoàn chỉnh không sai phạm gì, cứ đường cũ mà đi là ổn, phù hợp với tình hình đổi mới nghệ thuật lúc ấy. Vì mỹ thuật cải lương có truyền thống tả thực từ lúc ra đời, nhưng nhiều vở diễn xưa đâu có hoạ sĩ trang trí, cứ lấy cảnh nào phù hợp treo lên là được, phục trang cứ lấy vở nọ mặc cho các nhân vật qua vở kia là ổn. Đó là những vở cổ, còn những vở cải lương cận đại và cuộc sống mới, phục trang có sao mặc vậy cũng xong, nay mỗi vở diễn có hoạ sĩ tham gia là ổn, dù mỹ thuật tả thực là quá cũ, nhưng vào thời điểm ấy chưa thể phát hiện ra điều gì mới hơn. Trong hoàn cảnh ấy, có hoạ sĩ thiết kế vở diễn là khoa học, là đổi mới so với sân khấu cải lương kháng chiến, một thời khó khăn, thiếu thốn, làm gì có hoạ sĩ thiết kế vở diễn. Còn âm nhạc bấy lâu nay vẫn chọn làn điệu cho vở diễn, nhưng sáng tác khí nhạc cho vở mới là chưa. Vào những năm 40 - 45 của thế kỷ XX, có một số nhạc sĩ sáng tác nhạc cho vở diễn có khí nhạc và bài hát nhưng không thành công vì họ xuất hiện quá sớm. Thói quen hoà tấu nhạc đã trở thành quá cũ, nên khi phát động phong trào cải cách ca nhạc cải lương, sáng tác nhạc cho vở diễn là cái mới lan rộng tới các đoàn. Đội cải lương Nam Bộ, nằm trong Đoàn cải lương Trung ương dựng vở thử nghiệm đầu tiên có sáng tác nhạc của Văn Cao. Vở ánh lửa, kịch bản Đoàn Giỏi, Chuyển thể Chi Lăng, Đoàn Chuông vàng vở Mùa hoa đào, Nguyễn Bắc, nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc…Các đoàn đua nhau dựng vở thử nghiệm có sáng tác nhạc, đạo diễn, hoạ sĩ thiết kế mỹ thuật, phục trang. Sân khấu cải lương tiến lên một chặng đường mới, đổi mới toàn diện có tính khoa học, dân tộc, hiện đại.

      Đổi mới kịch bản, là những vở diễn đề tài cuộc sống con người mới, xưa nay cải lương quen diễn vở cổ, ca cổ, mỹ thuật cổ. Đổi mới nghệ thuật diễn, đạo diễn dựng vở, diễn viên ca diễn học thuộc kịch bản, bỏ diễn cương, diễn dựa vào diễn viên ngôi sao. Coi hình thức diễn ấy, thiếu tính chuyên nghiệp hoá, đồng diễn tập thể đồng đều cả dàn diễn viên. Diễn theo truyền thống cải lương, kết hợp vận dụng lý luận sân khấu kịch hiện đại, thể hiện tính kịch, hình tượng nhân vật. Mỹ thuật phục trang hiện thực vở diễn. Cuối cùng là âm nhạc, âm nhạc sáng tác khí nhạc, ca khúc mới vào vở diễn. Qua các hướng thử nghiệm trên nhiều vở diễn ngày ấy, có thể rút ra các hướng thử nghiệm âm nhạc của sân khấu cải lương:

- Sáng tác nhạc nền cho vở diễn từ chất liệu khí nhạc là những bài bản, làn, điệu cải lương, ca khúc mới mô phỏng làn điều, bài bản cổ nhạc.

- Sáng tác nhạc diễn tả như Ngọc Thoại, Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc bằng chất liệu âm nhạc mới.

- Sáng tác theo kiểu operette, có nhạc diễn tả, nhạc chủ đề nhân vật.

Trong ba phương thức thử nghiệm âm nhạc, giới chuyên môn đồng tình hai phương pháp sáng tác trên, còn phương pháp của cố nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát coi là không thành công. Ngày ấy, phương thức sáng tác âm nhạc cho vở diễn chưa hiểu sâu sắc mối quan hệ của khí nhạc sân khấu. Nhưng qua ba phương thức thử nghiệm ấy, các nhạc sĩ đi theo hai phương pháp. Hai phương pháp ấy đến nay vẫn chưa hoàn toàn thống nhất trong giới nhạc, cá biệt có nhạc sĩ còn viết nhạc chủ đề cho nhân vật. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trong vở: Tàn héo những ước mơ, viết nhạc chủ đề mô tả chân dung ông bố là một ông già bảo thủ, yêu thương chăm chút cô con gái, ông coi mọi việc ở đời đều do ông sắp đặt, để cô con gái hết một đời côi cút, già nua. Một nhân vật có cá tính điển hình cho thói trì trệ, bảo thủ. Đỗ Hồng Quân chọn nét nhạc mòn cũ, quen thuộc mô tả chân dung ông khá thành công, mỗi khi ông xuất hiện nét nhạc vang lên, báo trước một ấn tượng, một nỗi lo, sự ác cảm cho mọi người. Nét nhạc chủ đề ấy thật giản đơn, khắc hoạ tính bảo thủ, trì trệ, nặng nề như hòn đá tảng cố hữu không sao thay đổi. Mỗi lần ông bước ra sân khấu với dáng đi vững trãi, nặng nề, bản lĩnh tự tin, thì nét giai điệu: đô, son, đô, sòn, đô…lại vang lên chỉ có ba nốt diễn tấu khắc hoạ chân dung ông khá toàn vẹn. Như vậy, trong thử nghiệm thất bại của ông Khoát không phải là bỏ đi cả, những ý tưởng của ông về nhạc mở màn, nhạc diễn tả là đúng với sự cách tân khí nhạc cải lương, là ý tưởng khoa học của các nền nghệ thuật tinh hoa thế giới, nhưng không bê nguyên xi, hoặc bắt chước họ để ép duyên vào kịch hát dân tộc. Qua gần 100 năm sáng tác nhạc cho sân khấu cải lương, ngày nay có thể tổng kết hai phương thức sáng tác khí nhạc:

- Sáng tác nhạc diễn tả, miêu tả, đặc tả cho vở diễn dựa trên chất liệu làn, điệu, bài bản cải lương..

- Sáng tác nhạc, bài hát mới dựa trên chất liệu thang âm bảy âm.

Hai phương thức sáng tác nhạc cho vở diễn cùng song song tồn tại, để  vở diễn có tính ca nhạc dân tộc, hiện đại. Phương thức thứ nhất, hợp với các nhạc sĩ có vốn ca nhạc cải lương. Phương thức thứ hai hợp với các nhạc sĩ chưa có vốn ca nhạc cải lương vẫn viết nhạc cho cải lương thành công, có hiệu quả cao.

Quan hệ khí nhạc với sân khấu cải lương là tác động ảnh hưởng, chi phối lẫn nhau bình đẳng trong sự hỗ trợ, diễn tả nội dung tác phẩm sân khấu. Trong mối quan hệ lô gích biện chứng ấy, kịch bản thế nào âm nhạc sẽ thể hiện như thế, nhưng thực tiễn sân khấu không ít vở cải lương chưa đến mức bi quan, sướt mướt, tuyệt vọng, tan nát thì âm nhạc lại làm cho vở diễn sụt sùi nước mắt như mưa. Vì âm nhạc là tiếng hát trực tiếp tới công chúng, công cụ biểu đạt tác phẩm sân khấu là con người diễn viên, nên đạo diễn, nhà chỉ đạo nghệ thuật, là người đem lại sự công bằng, bình đẳng cho mối quan hệ biện chứng âm nhạc với sân khấu. Người chỉ đạo nghệ thuật, đạo diễn dựng vở hoàn toàn xử dụng âm nhạc theo yêu cầu diễn viên nhạc công nhấn vào cái bi, cái hùng tráng, chất trữ tình trong sáng bằng âm nhạc. Âm nhạc hoàn toàn biến đổi một vở diễn anh hùng ca, trữ tình thành vở diễn bi luỵ, mất phương hướng. Âm nhạc có tính chất quyết định hình thức, nội dung vở diễn trên sân khấu cải lương. Âm nhạc quan hệ mật thiết trong sự diễn tả vở diễn. Qua hàng ngàn lượt vở diễn trên sân khấu cải lương, đa số các nhạc sĩ viết nhạc nghiêm chỉnh tỏ rõ mối quan hệ âm nhạc với diễn tả sân khấu. Họ thường viết nhạc mở màn: gợi mở bối cảnh không gian, tình huống vở diễn, dẫn dắt cảm xúc người xem hướng vào chủ đề của vở. Nhạc chuyển cảnh, thường tiếp nối từ kết thúc màn đang diễn, sau đó gợi mở nét nhạc mới cho màn tiếp theo dựa vào nội dung của lớp diễn mở màn. Nhạc cao trào, thường có âm vang lớn, là điểm nhấn mạnh của toàn bộ tác phẩm âm nhạc trong vở, những đoạn nhạc cao trào ấy, bắt đầu sự diễn tả nội dung tính kịch. Nhạc kết thúc vở, có ý là chào khán giả, nhưng tiêu điểm là kết thúc vở diễn, đoạn nhạc ấy viết công phu, là đoạn kết toàn bộ tác phẩm âm nhạc, là đoạn kết của vở. Nội dung diễn tả kết thúc vở theo kịch bản, thể hiện bằng âm nhạc, dù đoạn kết là bi ai, tan vỡ, hay anh hùng ca trữ tình… thì chất âm nhạc bao giờ cũng đem lại vẻ đẹp tâm hồn, hướng tới bình minh thời đại. Mối quan hệ khăng khít, bền chặt, lôgich, biện chứng giữa âm nhạc sân khấu, sân khấu cải lương là quan hệ nội dung, biểu hiện bằng âm nhạc diễn tả cùng diễn viên trên sân khấu. Hiệu quả cuối cùng của âm nhạc đem lại cái đẹp tâm hồn trong sáng, lành mạnh, hướng tới cái thiện của bản chất con người.

 

2.2. Giá trị ca nhạc, khí nhạc trên sân khấu cải lương.

 

Giá trị âm nhạc trên sân khấu cải lương là đem lại cảm xúc thẩm mỹ bằng âm thanh, giúp công chúng nhận ra những điều sâu lắng, thầm kín nhất của tâm lý, tình cảm nhân vật. Dù âm nhạc là nghệ thuật âm thanh, sự diễn tả nội tâm trừu tượng những ý tưởng tác phẩm, nhưng bằng hình tượng âm nhạc có sức gợi tả, biểu cảm, đặc tả khá cụ thể trong tưởng tượng của người nghe. Người nghe cảm thụ tình cảm thẩm mỹ, vui buồn, đau thương, lạc quan, tin tưởng…bằng nhiều xúc cảm, tưởng tượng khác nhau của người nghe, âm nhạc hướng họ tới những tình cảm thầm kín của nhân vật. Giá trị của âm nhạc là diễn cảm khi ngôn ngữ, tiếng nói, hành động nhân vật bất lực, âm nhạc xuất hiện làm người xem hoàn toàn cảm nhận được tiếng nói trái tim. Đó là sự diễn tả sâu sắc của những tác phẩm khí nhạc, trên phim, trên sân khấu thường xuất hiện những đoạn nhạc đắt giá vào đúng lúc, đúng chỗ, là sự diễn tả mãnh liệt nhất của âm nhạc. Ngay cả bài ca, nếu nhạc sĩ biết tiết kiệm chất liệu, chắt lọc bài ca thì những chỗ con người nhân vật kịch bất lực, bài ca ấy sẽ là tiếng nói nội tâm sâu sắc nhất. Do đó, giá trị của âm nhạc có ba tác dụng trong vốn ca nhạc sân khấu cải lương.

Vốn ca nhạc ấy là: làn, điệu, bài bản, bài hát mới, sáng tác khí nhạc, những tác phẩm nhạc không lời cho vở diễn. Giá trị đầu tiên là vốn ca làn, điệu, bài bản cải lương. Về thẩm mỹ, đây là vốn bài bản cố định, là những quy định của kịch bản cải lương phải có, nhưng giá trị thẩm mỹ, là thẩm mỹ của nhạc truyền thống Việt Nam. Thẩm mỹ truyền thống (tradition) là nền nếp, một đặc tính tốt đẹp lưu giữ, truyền lại từ đời này qua đời khác. Truyền là sự tiếp nối, thống là lưu lại, một truyền thống là sự lưu truyền, tiếp nối không có quy định mà nó tự tồn tại, phát triển trong xã hội. Nói đến nhạc truyền thống Việt Nam, là nền âm nhạc lâu đời, hàm chứa những phẩm chất cao đẹp, trong đó có sự kết tụ từ nền âm nhạc dân gian, phát triển thành nền âm nhạc chuyên nghiệp. Sự kế thừa ấy, là truyền thống tốt đẹp, là những tinh hoa của nền âm nhạc trước đó, tác động, tiếp nhận phát triển nối tiếp vào cuộc sống mới: Giá trị bài bản, làn, điệu ca, hát cải lương là giá trị thẩm mỹ truyền thống của nền ca nhạc Việt Nam, bao gồm nền âm nhạc dân gian, bản địa Nam Bộ, những làn, điệu dân ca, những bài bản sáng tác mới. Giá trị thẩm mỹ của nền âm nhạc truyền thống trong vốn ca hát cải lương là:

- Giá trị thẩm mỹ cổ điển thính phòng

- Giá trị hơi thở dân gian, phát triển nhịp sống mới

- Tính nhân văn cao cả, cái đẹp nhân bản của truyền thống văn hoá dân tộc.

Tính thẩm mỹ cổ điển thính phòng là giá trị thẩm mỹ âm nhạc cổ điển Việt Nam, xuất hiện cùng với nền văn học cổ điển Việt Nam, trong những bài bản lời cổ. Đó là hình thức đàn ca tài tử, phát triển lên sân khấu cải lương. Ngày nay, truyền thống ấy đang phát triển mạnh ở Nam Bộ. Hằng năm, hoặc hai năm một lần kết hợp với chương trình truyền hình VTV3, tổ chức các cuộc thi đơn ca tài tử chuyên nghiệp. Ngoài ra, các địa phương còn tổ chức Nhạc hội, thi đàn ca tài tử quần chúng, nuôi dưỡng phong trào ca nhạc tài tử dân gian Nam Bộ, tiếp nối truyền thống cha ông vào nhịp sống thời đại.

Giá trị hơi thở dân gian, phát triển nhịp sống mới, là sự phát triển lời ca vào các bài bản cổ, làn, điệu cổ. Trong nhạc tài tử hiện nay, hoặc trên sân khấu cải lương chất dân ca là đưa các bài dân ca các vùng miền trên cả nước kể cả dân ca các dân tộc vào ca nhạc cải lương, hoặc ca nhạc diễn trong các vở cải lương. Chất dân ca tươi mới ấy, có tính hoà nhập dân ca các dân tộc trên cả nước chỉ có ở ca nhạc cải lương, có tính bảo tồn, phát triển hơi thở dân ca vào cuộc sống, còn đặt lời mới vào các bài dân ca cổ, hoặc những làn, điệu, bài bản cải lương, đây là tiếp nối truyền thống dân ca, là sự phát triển đặc biệt của vốn ca nhạc cải lương. Tuy nhiên, đặt lời mới vào các làn điệu cũ, ca nhạc sân khấu tuồng, chèo đã làm và kịch hát dân tộc thường làm. Nhưng cái đặc biệt là sự bảo tồn hơi cổ nhạc, phát triển tình cảm tư duy nhịp sống mới, thổi bùng lên nhịp điệu tân cổ giao duyên, là cái độc đáo của ca nhạc cải lương. Liên kết chặt chẽ thẩm mỹ dân tộc, hiện đại, thành hai vế bảo tồn, bảo cổ, phát triển cái mới, tạo ra sự hoà nhập nghệ thuật cải lương với các loại hình nghệ thuật hiện đại cùng tồn tại. Giá trị thẩm mỹ tân cổ, là giá trị thẩm mỹ hiện đại trong hướng phát triển nghệ thuật dân tộc, hiện đại, đáp ứng công chúng mới.

Tính nhân văn cao cả, cái đẹp nhân bản của truyền thống văn hoá Việt Nam, là một đặc tính của nền nghệ thuật dân tộc, nhưng cái độc đáo của cải lương là giá trị ấy được lưu giữ như nguyên bản ở làn, điệu, bài bản. Những làn, điệu, bài bản ấy là mẫu thẩm mỹ bất biến, dựa vào tiêu chí thẩm mỹ để sáng tạo các lời ca trên làn, điệu, bài bản cổ, hoặc sáng tác làn, điệu, bài bản mới, không có mẫu thẩm mỹ cổ điển ấy, làn, điệu, bài bản cải lương sẽ đánh mất những giá trị thẩm mỹ dân tộc. Lịch sử phát triển ca nhạc cải lương từng diễn ra những vở diễn, những làn, điệu, bài bản, đặt lời mới phản lại thẩm mỹ dân tộc, truyền thống. Đó là những giai đoạn lộn xộn của sân khấu cải lương thời kỳ của chủ nghĩa văn học lãng mạn, văn học hiện thực phê phán, ca nhạc cải lương từng phụ hoạ đắc lực cho thứ âm nhạc bi quan, mất niềm tin ở cuộc sống con người, làm cho không ít nam thanh, nữ tú nhảy lầu, thắt cổ… Cái đẹp của tính nhân văn cao cả là hướng con người vươn tới cái thiện, tin tưởng ở cuộc sống mới, vươn lên làm chủ cuộc đời, đóng góp tích cực cho cuộc sống tương lai.

Giá trị những bài ca cải lương là phần giai điệu âm nhạc có cấu trúc các hơi nhạc của một hình thức sân khấu cải lương, nhờ hơi nhạc ấy, để nhận diện sân khấu cải lương. Nhờ có hơi nhạc tạo ra bốn đặc điểm ca nhạc sân khấu cải lương, phát triển tính thẩm mỹ sân khấu cải lương. Dựa vào bốn đặc điểm ca nhạc cải lương để thể hiện những tính chất vở diễn, có giá trị thay đổi hướng phát triển cải lương qua từng giai đoạn lịch sử. Đặc điểm cái hài của sân khấu cải lương phát triển mạnh trong nền kinh tế thị trường, sân khấu cải lương đề cao tính văn nghệ giải trí. Cái vui hài, có ý nghĩa phê phán, xây dựng nhân cách con người xã hội mới. Sân khấu xã hội hoá, cải lương Nam đang phát triển mạnh cái bi, hài. Cái hài là sân khấu giải trí, cái bi, hài kết hợp thành sân khấu phê phán, ngợi ca con người trong cơ chế thị trường, những vụ làm ăn thua lỗ, dẫn đến gia đình tan vỡ, cái bi của những người hám lợi, đã là tiếng cười cảnh tỉnh mọi người hãy sống trách nhiệm hơn với mình với cộng đồng. Nhiều vở cải lương Hội diễn năm 2005, của các nhóm xã hội hoá thể hiện cái bi, một cái bi của cô gái nhảy lầu trong vở Trái tim em nói là bài học cảnh tỉnh mọi người về lối sống, và những khát vọng ham muốn cá nhân, cần gắn mình với cộng đồng. Trong cuộc sống hôm nay, mỗi cá nhân tách khỏi cộng đồng sẽ là những hành động sai lầm, cộng đồng và cá nhân, cá nhân với cộng đồng, là mối quan hệ trách nhiệm mà cả xã hội phải quan tâm. Mối quan hệ ấy, không dừng lại ở một quốc gia dân tộc, mà trong lối sống của toàn nhân loại. Mối quan hệ cá nhân với cộng đồng càng không thể tách rời, đó là mối quan hệ toàn cầu hướng mọi người tới tình yêu thương, truyền thống đạo lý nhân cách làm người. Cấu trúc của làn, điệu, bài bản cải lương ngoài những giá trị thẩm mỹ, truyền cảm, biểu cảm, còn có một giá trị quyết định là sự tồn vong của kịch bản cải lương. Đây là giá trị hay chức năng nhiệm vụ của làn, điệu, bài bản cải lương, là sự chắp nối những bài ca thành kịch bản của sân khấu cải lương.

Từ giá trị quyết định tồn tại thể loại sân khấu cải lương là giá trị tối cao, là mối quan hệ bất biến của làn, điệu, bài bản ca cải lương mới sinh ra mọi giá trị thẩm mỹ nghệ thuật cải lương.

Giá trị khí nhạc cải lương, là giá trị gắn kết kịch bản cải lương bằng những đoạn khí nhạc khi trình diễn trên sân khấu cải lương. Nếu phần ca nằm ở trên từng trang viết của tác giả biên kịch xen giữa lời thoại, bài ca, lời thoại thì phần khí nhạc và bài hát mới không có trong kịch bản. Có một số rất ít các tác giả soạn kịch chuyển thể cải lương còn ghi nhạc mở màn, nhạc chuyển cảnh. Những soạn giả đề bằng chữ viết trên văn bản kịch là rất ít, còn đa phần các kịch bản cải lương không đề phần khí nhạc và ca khúc mới. Hầu hết các kịch bản cải lương từ xưa đến nay, không có đề phần khí nhạc vào trong kịch bản, nếu tác giả nào có đề chỉ là gợi ý cho nhạc, thực tiễn không có nhạc trong cấu trúc kịch bản cải lương. Phần khí nhạc và ca khúc, nằm ngoài kịch bản cải lương, chỉ khi trình diễn trên sân khấu mới có phần khí nhạc, hát bài hát mới.

Từ xưa đến nay chưa ai quan tâm đến sân khấu luôn có hai kịch bản là hai công trình khoa học. Kịch bản văn học của tác giả kịch, còn kịch bản sân khấu là của tập thể: đạo diễn, nhạc sĩ, hoạ sĩ, diễn viên âm thanh, ánh sáng, … là một tập thể sáng tạo ra vở diễn trên sân khấu.

Đây là một quá trình sáng tạo kịch bản cải lương trên sân khấu, nhất là sau ngày hoà bình năm 1954 của thế kỷ XX, phần sáng tác nhạc đặt lên vị trí quan trọng, sau bài bản phải có, cần có khí nhạc và ca khúc mới cho mỗi vở diễn. Điều ấy, như một tiền lệ sân khấu cải lương, vào giai đoạn ra đời, phát triển cải lương từ 1918 đến 1954, phần khí nhạc không cần lắm. Vì quyết định sống còn của kịch bản là vốn bài ca, bài ca cấu trúc kịch bản cải lương đã hoàn chỉnh một kịch bản. Phần khí nhạc không cần có, bởi xử dụng ngay làn, điệu, bài bản hoà tấu lấp chỗ trống là đủ, hoặc lấy những bài nhạc ở ngoài xã hội được công chúng yêu thích, hoà tấu, là “đại thành công”. Nhưng từ ngày sân khấu cải lương đi vào chính quy, hiện đại, tính khí nhạc đã thành giá trị đích thực trong mối quan hệ sân khấu với âm nhạc. Dù nằm ngoài kịch bản, nhưng những đoạn khí nhạc do nhạc sĩ sáng tác, không chỉ nối những lớp kịch, màn kịch thành vở diễn hoàn chỉnh có tính bác học. Phần khí nhạc có giá trị diễn tả cùng diễn viên, biểu hiện những tình cảm sâu lắng, tinh tế, mãnh liệt nhất của âm nhạc không lời. Giá trị thẩm mỹ khí nhạc nêu cao tính tưởng tượng phong phú cho công chúng về cảm xúc đằng sau những tình huống, tính kịch, những biểu cảm tình cảm, tính cách nhân vật. Phần khí nhạc có giá trị làm cho vở diễn đậm đặc không khí âm nhạc, nâng cao thẩm mỹ trí tuệ. Âm là cái trục không gian, nối vở diễn với công chúng. Giá trị của những đoạn khí nhạc là:

- Liên kết những màn, lớp kịch, gợi mở cảm xúc

- Làm phong phú trí tưởng tượng người xem, tạo ấn tượng mạnh mẽ trực tiếp tới công chúng.

Sự liên kết các màn lớp kịch ở ngoài kịch bản, là giá trị khí nhạc thể hiện đặc tính diễn tả sân khấu nêu cao nghệ thuật diễn tả, biểu cảm trong tình cảm công chúng với các nhân vật, không gian, thời gian, tình huống sân khấu. Âm nhạc có giá trị gợi mở cảm xúc hoàn cảnh vở diễn, tăng sự hấp dẫn hứng thú, khoái cảm của người xem về quê hương tươi đẹp, tình cảm cao cả…chỉ có âm nhạc mới gây cảm xúc mạnh mẽ. Làm phong phú trí tưởng tượng, là giá trị của nhạc không lời, bởi cùng một lúc nhiều người nghe về nét nhạc gợi tả không gian sân khấu, bình minh, quê hương, hoài niệm…nhưng mỗi người lại tưởng tượng ra cái cụ thể của riêng mình mà họ đã trải qua. Bằng những ấn tượng riêng ấy, họ mới thấy vui sướng, day dứt, ấm áp tình người, hơi thở là quê hương ấn tượng không phai mờ. Giá trị của khí nhạc gợi mở, cảm xúc của công chúng đến những tình cảm ấn tượng, buồn đau, cao thượng, tốt đẹp đáng nhớ, làm cho vở diễn hấp dẫn, hoàn chỉnh một kịch bản cải lương. Những ca khúc mới sáng tác vào vở diễn nằm ngoài kịch bản, những bài hát có giá trị gây ấn tượng tình cảm về tình huống sân khấu, hoặc tình cảm nhân vật. Thường những ca khúc viết cho vở diễn nói về tình cảm nhân vật, ngợi ca mối tình đẹp, hoặc những kỷ niệm thiêng liêng một thời đã qua của một nhân vật, hay nhiều nhân vật. Những ca khúc mới có thể viết về sự thay đổi cuộc đời nhân vật, hay thời đại mới, mỗi ca khúc viết cho vở diễn gần như xuất phát từ một sự kiện trong kịch mới cần có ca khúc, bằng không những làn, điệu, bài bản đã quá đủ để thể hiện vở diễn. Nên ca khúc, khí nhạc, xuất hiện khi thật cần thiết, khí nhạc còn có nhiều chức năng quan hệ với sân khấu. Do đó cần xuất hiện nhiều đoạn khí nhạc, còn ca khúc rất hạn chế, vì thế nhạc sĩ cần tiết chế, mỗi vở chỉ viết một, hoặc hai ca khúc có giá trị diễn tả. Nhiều ca khúc sẽ nhiễu loạn cùng bài bản, ca khúc sẽ mất ấn tượng. Giá trị ca khúc là gây ấn tượng khó quên bằng giai điệu hay, lời ca đẹp để lại ấn tượng sâu sắc cho công chúng về một sự kiện nào đó, tình yêu đẹp, những hoài niệm đã qua, mất mát, đau thương…Giá trị thẩm mỹ các ca khúc là nét nhạc tươi mới, mạnh hơn bài bản, làn, điệu, khi không còn sức, diễn tả nổi một hiện tượng của sân khấu. Ca khúc mới sẽ hỗ trợ đắc lực sự thành công của ca nhạc và sân khấu.

Mối quan hệ và giá trị ca khúc sân khấu cải lương là tăng thêm sức diễn tả cảm xúc mới, hoàn chỉnh vở diễn trên sân khấu cải lương, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ mới của công chúng ở những thời đại khác nhau.

 

2.3. Mô hình bảo tồn, phát triển ca nhạc cải lương

 

Ca nhạc cải lương hình thành tư đàn ca tài tử là ca nhạc dân gian, phong tục, nhạc thiêng, sau chuyển thành ca nhạc thính phòng, thưởng thức vui chơi, giải trí ở các nhà hàng, khách sạn. Ca nhạc tài tử tách thành hai dòng: ca nhạc dân gian tài tử, nhạc phong tục, ca nhạc tài tử thính phòng trên sân khấu. Bộ phận ca nhạc giải trí dần phát triển lên ca nhạc sân khấu, có ba đặc điểm trong vốn làn, điệu, bài bản. Đó là tính tự sự trữ tình, bi, hùng…Sau do sự phát triển phong phú của sân khấu cải lương, vốn ca nhạc đã hoàn chỉnh bốn đặc điểm ca nhạc phù hợp với nghệ thuật cải lương thể hiện các điểm: trữ tình, bi, hùng, hài. Mỗi đặc điểm đáp ứng một tính chất sân khấu, vốn làn, điệu, bài bản ca nhạc cải lương trở thành một hình thức âm nhạc cấu thành kịch bản cải lương, thể hiện sự hoàn chỉnh sân khấu cải lương. Ca nhạc cải lương có bốn đặc điểm thể hiện nội dung tính chất, phong cách sân khấu cải lương, nếu thiếu một trong bốn đặc điểm ca nhạc ấy, nghệ thuật cải lương sẽ không thể tồn tại. Dù trong một kịch bản thường thể hiện cả bốn đặc điểm trữ tình, bi, hùng, hài, nhưng có những kịch bản chỉ thể hiện hai đặc điểm bi, hùng, hoặc bi, hài…Nhưng muốn hay không bốn đặc điểm ấy vẫn là nền tảng của sân khấu cải lương, nên mô hình bảo tồn là: bảo tồn bốn đặc điểm ca nhạc cải lương.

Bảo tồn chất trữ tình nằm ngay ở vốn làn, điệu, bài bản cải lương, là bảo tồn thang âm, điệu thức, làn, điệu, bài bản cải lương. Thang âm, điệu thức là âm thanh cấu thành làn, điệu, bài bản, những bản nhạc ấy là giá trị ca nhạc mang phong cách sân khấu cải lương. Đó là bảo tồn cấu trúc giai điệu làn, điệu, bài bản cải lương. Phương thức bảo tồn là bảo cổ làn, điệu, bài bản. Không thay đổi cấu trúc thang âm giai điệu bất cứ làn, điệu, bài bản nào. Nói như thế có vẻ không phù hợp với đặc trưng ca nhạc, nghệ thuật cải lương, vì cải lương là cải cách, cải tiến, cách tân, nhưng đưa ra mô hình bảo cổ, giữ nguyên thang âm, điệu thức như là một việc làm không tưởng. Nhưng đây là một thực tế, qua hai tập nhạc cải lương của các tác giả Thanh Nha, Triệu Quang Vinh, Hoàng KimToan đã công bố. Tập nhạc của Thanh Nha có 68 điệu và bài bản cải lương đã trở thành bí kíp “cửu âm chân kinh” của các nhà chuyển thể, biên kịch cải lương, giữ kín thành “báu vật” gia truyền để soạn kịch bản cải lương. Nếu ai đó đi sưu tầm chắc chắn họ sẽ trả lời không có, nhưng thực tiễn nhiều tác giả đã lưu giữ tập bản đàn cải lương do Thanh Nha sưu tâm, xuất bản năm 1959, tại Hà Nội. Những điệu, bài bản, đã giúp các nhà soạn kịch bản cải lương suốt trên 40 năm qua, họ chỉ sử dụng nguyên xi, nguyên bản thang âm, điệu thức, giai điệu những bản đàn ấy. Nhưng nói như thế không có nghĩa là không có cải tiến, cách tân gì về điệu và bài bản. Sự cách tân ấy, nằm ở việc đặt lời ca mới vào những bài bản cổ, khi đặt lời ca mới vào nghĩa là đã có sự cải cách giai điệu âm nhạc những điệu và bài bản cổ. Cứ mỗi vở mới, lại đặt lời mới vào mỗi điệu, mỗi bài bản, thế là không biết những điệu, những làn ấy đã cách tân bao nhiêu lần. Nhưng dù cách tân đến đâu vẫn không thay đổi những nguyên tắc cấu trúc thang âm, điệu thức của điệu, bài bản. Sự cách tân làn, điệu, bài bản là một lẽ tự nhiên của ca nhạc cải lương, bởi lời ca mới cho vào một hình thức giai điệu âm nhạc cổ, là không phù hợp giữa “bình cũ, rượu mới”. Cách là đây có sử dụng sẽ làm hỏng rượu mới, và “mùi mốc” những tạp chất của cái bình cũ sẽ làm hỏng rượu mới, hoặc ít nhất rượu mới sẽ kém chất lượng. Nhưng đó là suy đOán trên lý thuyết vật chất, con ca nhạc cải lương ai cũng biết đặc tính độc đáo là nghệ thuật ca, kỹ thuật nắn chữ, để biến cái xa lạ thành quen thuộc, biến những cái quen thuộc thành mới lạ của ca nhạc cải lương. Kỹ thuật ca nắn chữ là tạo ra nhiều âm phụ để trung hoà các từ ngữ mới lạ. Nét giai điệu này không ghi ra trên bản phổ, mà nằm ở kỹ thuật đã có. Sự cách tân này làm cho làn điệu luôn mới, luôn hoà nhập với các hình thức ca nhạc hiện đại, nhưng không phá vỡ cấu trúc thang âm, điệu thức hơi nhạc cải lương. Nên bảo tồn đặc điểm ca nhạc cải lương là bảo tồn nguyên bản làn, điệu, bài bản cải lương trong những kịch bản cải lương hiện đại, là bảo tồn phong cách sân khấu cải lương. Những kịch bản cải lương bị coi là kịch cắm bài ca, hay ca kịch cải lương, kịch nói hát cải lương, vì đã bỏ bớt vốn làn, điệu, bài bản trong kịch bản cải lương.

Bảo tồn cái bi là một đặc trưng kịch bản đã thành một tiền lệ, trong cải lương có tính truyền thống. Nội dung vở nào dù là kịch chính luận, luận đề…vẫn có những mối tình trắc trở, tình cảnh éo le trên sân khấu cải lương như một nguyên tắc kết cấu câu truyện kịch: tử biệt, sinh ly, chia lìa gặp lại. Đây là hình thức kết cấu có tính truyền thống kịch bản cải lương. Ngày nay, có những thay đổi về cấu trúc kịch, nhưng có thay đổi đến đâu vẫn có cái bi, sự chia lìa, còn gặp lại hay không thì tuỳ. Nhưng thiếu cái bi, chia ly, tan vỡ, bất thành kịch bản cải lương. Cái bi của kịch bản cải lương, thể hiện bằng bài ca, làn, điệu, bài bản, bằng ấy bài còn chưa đủ, có những nhạc sĩ sáng tác ca khúc mới để nói về sự mất mát, đau thương. Cái bi của cải lương là một mảng mầu tối, nhưng để làm nổi bật những điểm sáng, không có những mảng mầu tối thì mảng sáng đặt ở đâu để người xem thấy rõ cái đau thương và vui sướng. Chất trữ tình trong sáng, đặt cạnh cái bi là sự tương phản ánh sáng và bóng tối như những khó khăn, thất bại, vấp ngã trong số phận mỗi người và từ trong sâu thẳm tâm linh họ .

 

Sách tham khảo

 

  1. Chiếc Lexus và cây ô liu – Thomas. Friedman – NXB Trẻ 2005.
  2. Thế giới phẳng - Thomas. Friedman – NXB Trẻ 2006.
  3. Hình thái học nghệ thuật – Mcagan – NXB – Hội Nhà văn 2004.
  4. Tìm hiểu các nền văn minh thế giới – Braudel – NXB khoa học.
  5. Lịch sử nghệ thuật – XaVier Barraliatet NXB Thế giới 2003.
  6. … Tuồng chèo truyền thống - Đình Quang – NXB Sân khấu 2004.
  7. 150 làn điệu chèo cổ – Bùi Đức Hạnh – NXB Văn hoá dân tộc 2006.
  8. Giáo trình hát chèo – Nguyễn Thị Tuyết – Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh – Viện Điện ảnh Hà Nội – 2000.
  9. Tìm hiểu các làn điệu chèo cổ – Hoàng Kiều – NXB Sân khấu 2002.
  10. Đến với nhạc chèo - Đôn Truyền – Viện Sân khấu 2001.
  11. Tuyển tập chèo cổ – NXB Sân khấu 1999.
  12. Nguyễn Đình Nghị – sự phát triển chèo – Viện Sân khấu 1995.
  13. Bàn về làn điệu chèo mới – Viện Sân khấu 2002.
  14. Bình diện kỹ thuật diễn xuất chèo – Hà Văn Cầu – NXB Sân khấu 2004.
  15. Khái luận về chèo – Trần Bảng Viện Sân khấu 1999.
  16. Tiếng nói sân khấu – Nguyễn Đình Thi – Lê Mạnh Hùng – NXB Văn học 2008.
  17. Nghệ thuật chèo nhìn từ một phía – Tất Thắng – NXB Văn học 2007.
  18. Nghệ thuật tuỳ hứng… Phạm Duy Khuê – NXB Văn học 2007.
  19. Dân ca Việt Nam – NXB Hà Nội 2004.
  20. Hát xoan – Tú Ngọc – NXB Âm nhạc 1997.
  21. Diện mạo sân khấu… Tất Thắng – NXB Sân khấu 1996.
  22. Xuất xứ thơ lục bát – Nhóm nghiên cứu.
  23. Xuất xứ văn biền ngẫu – Nhóm nghiên cứu.
  24. Xuất xứ thể hát nói Việt Nam – Nhóm nghiên cứu.
  25. Thơ văn Lý Trần - NXB Văn học 1998.
  26. Ngôn ngữ thơ Việt Nam – NXB Văn học.
  27. Văn học dân gian Việt Nam – NXB Văn học 1998.
  28. Sự nghiệp – giai thoại thơ văn Lý Bạch – Nhóm nghiên cứu.

29. Lịch sử Việt Nam – Tập 1 – NXB Khoa học Xã hội 1971

30.Nghệ thuật Khmer Cửu Long – Phòng Văn hoá Thông tin – phát hành 1985

31. Từ điển tiếng Việt thông dụng – NXB Giáo dục – 2001

32. Lòng bản – Yếu tố mô hình trong âm nhạc truyền thống Việt Nam – Thế Bảo (chưa xuất bản)

33. Nghệ thuật cải lương Nam Bộ - Đỗ Dũng – NXB Trẻ – 2003

34. Xã hội học – Phạm Tất Dong – Ngọc Hùng – NXB Giáo dục – 1999

35. Không gian sân khấu – Nguyễn Thị Hợp – NXB Sân khấu – 2004

36. Phương pháp luyện giọng – An Nepel Kham – NXB Âm nhạc – 2002

37. Nghệ thuật sân khấu cải lương – Trần Văn Khải – Nhà sách Khai Trí – 1966

38. Giáo trình thanh nhạc – Trung Kiên – Nhạc viện Hà Nội – 2001

39. Lịch sử Việt Nam tập 1, 2 – Trần Trọng Kim – Trường Đại học Bách khoa Tự nhiên – 2000

40. Thể loại âm nhạc – Trần Thị Nhung – Nhạc viện Hà Nội – 1996

41. Lý luận kịch từ Aristốt đến Lessin – Anh. ST. Người dịch: Tất Thắng – NXB Văn học – 2003

42. Nghệ thuật cải lương những trang sử – Trương Bỉnh Tòng – Viện Sân khấu – 2000

43. Giáo trình hát chèo – Nguyễn Thị Tuyết – Trường Sân khấu Điện ảnh – 2001

44. Nửa thế kỷ tiếng nói Việt Nam – Nhiều tác giả - NXB Chính trị Quốc gia - 1995

45. 30 tập nhạc bài ca tân cổ hay – NXB Âm nhạc - 2004

46. Lịch sử thế giới hiện đại – Nguyễn Anh Thái (chủ biên) – NXB Giáo dục – 2002

47. Giáo trình cải lương – Triệu Quang Vinh, Hoàng Kim Loan – Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh – 2001

48. 50 năm mê hát cải lương – Vương Hồng Sến – NXB Phạm Quang Khải – 1968

49.Việt Nam sử lược – Trần Trọng Kim – NXB Đà Nẵng: 2003

  1. Việt Nam sử lược – Trần  Trọng Kim quyển 1 – 2 NXB TP Hồ Chí Minh: 1997
  2. Lịch sử Việt Nam – UBKHXH Việt Nam – năm 1971
  3. Đại Việt sử ký toàn thư quyển 1 – 2 NXBKH xó hội 1971
  4. Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc… Phan Quang – Xuân Đán – NXB TPHCM: 2000
  5. Lịch sử thế giới cổ đại – NXB Giáo dục năm 2002
  6. Lịch sử thế giới trung đại – NXB Giáo dục năm 2003
  7. Lịch sử thế giới cận đại – NXB Giáo dục năm 2001
  8. Lịch sử thế giới hiện đại – NXB Giáo dục năm 2000
  9. Những sự kiện lịch sử thế giới… Trung tõm khoa học xó hội và nhõn văn 2002
  10. Nghệ thuật sân khấu Việt Nam – Trần Văn Khải – NXB Khải Trí   Sài Gũn - 1967
  11. Nghệ thuật sân khấu hát bội – Lê văn Chiêu – NXB Trẻ - 2007
  12. 150 Làn điệu chèo – Bùi Đức Hạnh – NXBVH Dân tộc – 2006
  13. Những điệu hát tuồng – NXB Âm nhạc – 1958
  14. Phương pháp luyện giọng – PecKham – NXB Âm nhạc – 2002
  15. Âm nhạc tuồng – Lờ Yờn – NXB Thế giới – 1994
  16. Công nghệ sinh học hiện đại – Cử nhân – Đỡnh Miờu – NXB Giỏo dục 2006.

Hậu hiện đại – Chriscohot – NXB Trẻ 2006

 

MỤC LỤC

 

Phần I: Ca nhạc tuồng                                                  

Chương I:         Nguồn gốc ca nhạc tuồng                                              

Chương II:         Đặc điểm ca nhạc tuồng                                                

Phần II:             Ca nhạc chèo                                                               

Chương I:         Nguồn gốc làn điệu chèo                                               

Chương II:         Cấu trúc thang âm làn điệu chèo                        

Chương III:        Đặc điểm làn điệu chèo                                                 

Phần III:            Ca nhạc tài tử cải lương                                                           

Chương I:         Sự hình thành và phát triển ca nhạc cải lương    

Chương II:         Mối quan hệ làn, điệu bài bản, hơi cải lương                  

Chương III:         Đặc điểm ca nhạc cải lương                                         

Chương IV:       Những ưu điểm hạn chế của ca nhạc cải lương 

Sách tham khảo                                                                                               

Mục lục                                                                                                

 

Tuấn Giang
Số lần đọc: 2822
Ngày đăng: 13.03.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 12 - Tuấn Giang
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 11 - Tuấn Giang
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 10 - Tuấn Giang
Sống Chụ Son Sao 7 - Nguyễn Khôi
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 12 - hết - Tuấn Giang
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 12 - Tuấn Giang
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 11 - Tuấn Giang
Bài Phú Tặng Vợ - Kha Tiệm Ly
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 10 - Tuấn Giang
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 9 - Tuấn Giang
Cùng một tác giả
Đặc trưng xiếc (nghệ thuật)
Thực trạng xiếc. (đối thoại)
Tổng luận ca trù (nghệ thuật)
Hát Cung văn (văn hóa)