Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
547
116.489.998
 
Kiều
Nguyễn Đình Bổn

Trong miền ký ức u buồn,

Còn nghe tiếng vọng những hồn oan xưa!

 

Tuấn nói: “Lát nữa sẽ có người mời  anh em mình đi cà phê. Một cô gái chắc chắn sẽ làm hai anh ngạc nhiên”.  Dũng hồ hỡi: “Vậy hả. Nghe hồi hộp quá. Gái đẹp hả?”

“Bạn thằng Tuấn đứa nào không đẹp”, anh nhìn Dũng, cười khì khì.

 

Tám giờ tối. Trung tâm Cần Thơ vẫn khá yên bình. Không có những dòng xe máy lao ào ạt giống những đàn linh dương di cư trên thảo nguyên Châu Phi như tại Sài Gòn. Anh, Tuấn và Dũng đang trong một chuyến đi “tùy hứng” khi muốn trốn cái không khí ngột ngạt tại cái thành phố gần 10 triệu dân mà mình đang sống. Tuấn, một nhạc sĩ đang nổi danh. Dũng cũng được biết đến nhiều như một nhà thơ cách tân chỉ có anh là viết lách lai rai. Tuấn lại còn khá trẻ, đang độc thân, ăn nói hoạt bát, kiến thức khá rộng nên giống như một thỏi nam châm trước các em chân ngắn, chân dài…

 

Điện thoại Tuấn nhấp nháy tín hiệu. Hắn nói: “Rồi, giờ anh em mình đi” . Họ ra trước cổng khách sạn bắt taxi. Cảm giác của anh thật dễ chịu. Ngay cả taxi ở đây cũng nhanh chóng. “Cà phê Thủy Mộc nha anh”, Tuấn nói với người lái xe, và không cần nói địa chỉ, chiếc xe êm ái lăn bánh.

 

Thành phố nhỏ nên taxi chỉ chạy vài cây số là đến. Đó là một quán cà phê dạng vừa sân vườn vừa máy lạnh mà Sài Gòn có rất nhiều. Tuấn nói: “Mình vô trước đi, “cô em” đi xe máy từ Bình Thủy xuống nên chưa tới đâu”. Họ chọn một cái bàn ngoài sân. Anh tiếp tục kêu cà phê. Ly cà phê thứ năm hay thứ sáu gì đó trong ngày. Đêm nay có mất ngủ cũng không sao. Với anh, Cần Thơ có rất nhiều kỷ niệm…

 

Cà phê khá ngon, nhạc Lê Uyên Phương. Quả là một đêm để thư giãn tuyệt vời. Một đêm của những năm trước, cũng tại thành phố này… “Đến rồi đây!”. Tiếng của Tuấn lôi anh trở về thực tại. Một cô gái chạy xe gắn máy từ cổng vào chỗ gửi xe. Tuấn lịch sự rời khỏi ghế ra đón bạn. Cô gái có vóc dáng thanh mảnh đang cởi bỏ nón bảo hiểm, khẩu trang chống bụi. Khoảng sân thiếu ánh đèn nên không nhìn rõ mặt nhưng khi cô quay lại, cùng Tuấn bước vào anh bỗng nghe như có một luồng điện chạy dọc theo người. Bất chợt anh đưa tay vịn thành ghế và vin vào sức mạnh đó đứng lên. Cô gái đã lên tiếng: “Em chào hai anh!”. Dũng nhanh miệng: “Chào em, em đẹp quá”. Anh cũng gật đầu nói khá nhỏ: “Chào em” . Họ ngồi xuống. Cô gái kêu một ly sinh tố mãng cầu. Giờ thì anh mới kín đáo quan sát cô. Khuôn mặt không giống lắm nhưng mũi, cằm và dáng người thì y hệt. Đã ba mươi năm, không hiểu vì sao anh không thể quên…

 

“Đây là Kiều! Em gái miền Tây của em”. Tuấn hài hước giới thiệu. Kiều! Lại một lần nữa anh bàng hoàng. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên lạ lùng. Người con gái ấy, người con gái ba mươi năm ám ảnh anh bằng hình dáng đó cũng tên Kiều. Anh hỏi, giọng hơi run: “Em là… gì Kiều?”. Cô gái cười tươi: “Dạ Ngọc Kiều”. Anh thở ra, giờ thì không có sự trùng hợp nữa, vì ngày xưa, cô tên là Thục Kiều!

 

*

 

Đó là những ngày cuối cùng của thời học sinh. Anh ở trọ tại một thị trấn nhỏ để học trung học. Kiều ngồi ngay trước bàn anh. Cô là người Hoa, gia đình buôn bán trong thị tứ. Ngay từ năm lớp 11 họ đã thân nhau, Kiều có nước da trắng đặc trưng của các cô gái gốc Hoa sống ở chợ. Nhưng cô lại một dáng người thanh mảnh và đôi mắt khá to, hơi buồn. Anh học giỏi nhưng lười. Kiều chăm chỉ và rất thích môn Anh văn. Sau mấy đợt “đánh tư sản” Kiều đi học vẫn mang giày sandal và mặc áo sơ mi bằng vải KT trắng. Hồi đó đang thời kỳ cả nước đều đói rách vì những “ngụy sách” ngu đần nên khộng có chuyện đồng phục. Anh chỉ có hai bộ đồ vải sản xuất trong nước, chân mang dép mủ. Nói là ở trọ chứ thật ra anh và hai người bạn đồng cảnh ngộ được một gia đình tốt bụng cho ở không lấy tiền tại một căn nhà nhỏ mà họ bỏ không, cách thị trấn chừng một cây số. Mười tám tuổi, anh vẫn cảm nhận cái không khí ngột ngạt quanh mình và những buổi lên lớp tẻ nhạt vì luôn phải đối mặt với những lời giáo huấn xảo trá của cái gọi là hệ thống giáo dục xã hội chủ nghĩa. Thị trấn nơi anh trọ học hoang tàn với những căn nhà phố chợ không được tu sửa, những mái tôn rách nát đìu hiu và cây cầu nhỏ bắt qua sông chỉ còn trơ lại cốt sắt nhưng người ta vẫn phải liều mạng đi qua vì sợ tốn tiền đò. Cạnh chân cầu là nhà Thục Kiều, nơi có những chiều chủ nhật, chàng trai mười tám tuổi lại ra đó ngồi chỉ để chờ nhìn cô bạn gái tình cờ xuống bến sông.

 

Đó không phải là mối tình học trò đầu tiên của anh. Hình như cái nòi tình phát triển trong những tâm hồn nhạy cảm rất sớm, nhưng chuyện của anh và Thục Kiều không chỉ êm đềm lãng mạn, nó còn mang một dư vị cay đắng mà ngay từ thời non trẻ ấy anh đã biết ai là người tạo ra những mối hận tử biệt sinh ly của cả một lớp người…

 

Dũng vỗ vai anh: “Sao ngồi chết trân vậy? Bị người đẹp hớp hồn hả?”. Tỉnh mộng, anh nhìn Kiều: “Ừ, bị hớp hồn thiệt rồi. Ngày xưa bạn gái anh cũng có tên giống em”. Cô gái cười, bàn tay nhỏ có những chiếc móng chăm sóc kỹ khuấy nhẹ ly nước. Có lẽ cô nghĩ anh nói chơi, hoặc là một cách tán tỉnh cô. Anh vẫn nhớ cái lần đầu anh nắm tay Thục Kiều là ngày thứ năm. Trưa đó gần giờ tan học, cô nói nhỏ: “Chiều ba giờ đi học thêm ha!”. Anh ngạc nhiên: “Ủa, chiều nay nghỉ mà, đâu có…”, nhưng rồi như chợt hiểu anh vội vàng: “Ừ, chiều tui đến chờ Kiều từ hai giờ rưởi” “Xạo quá!” Cô cười khúc khích.

 

Đang những ngày sắp thi tốt nghiệp phổ thông, cả khối 12 phải học thêm 3 buổi một tuần nhưng không phải chiều thứ năm. Lòng anh tràn ngập một cảm giác hạnh phúc. Đó chính là lời hò hẹn đầu tiên mà anh chưa dám nói và nó lại bất ngờ được cô nói ra.  Mới hơn hai giờ anh đã đến, cầm theo cuốn tập. Chiều đó cả trường được nghỉ. Anh đứng trước cửa lớp của mình nhìn những cây phượng ra hoa đỏ rực, lòng xốn xang. Chưa đến ba giờ, anh nhìn thấy cô đến, cũng cầm trên tay một cuốn tập nhưng mặc một bộ đồ “xẩm” màu xanh sậm có in hoa lộ ra hai cánh tay tròn và trắng ngần. Sân trường vắng ngắt. Khi Thục Kiều đến gần, anh nghe cô nói nhỏ: “Đến sớm ha!”. Má cô đỏ bừng, có lẽ vì nắng và mắc cỡ. Họ đi vào lớp, ngồi vào cái bàn của Kiều. Không ai nói với ai lời nào. Bàn tay cô cuốn tròn cuốn tập, không dám nhìn anh. Thật lâu, cô nói: “Chắc Kiều không thi tốt nghiệp đâu!” Anh giật mình: “Không thi? Sao vậy? Chỉ còn một tháng nữa mà”. “Ừ, không thi. Thi đậu cũng đâu làm gì được. Nguyên thấy anh Công không. Ảnh đâu được thi đại học, số phận Kiều cũng vậy!”.

 

Anh chợt hiểu. Công là anh ruột Kiều. Học hơn anh hai lớp. Công học giỏi thuộc loại nhất trường nhưng sau khi đậu tốt nghiệp lại bị cấm thi đại học chỉ vì gia đình là người Hoa. Bất chợt anh nắm tay cô. Bàn tay Kiều run nhẹ một cái rồi để yên. Anh cảm giác tay cô thật ẩm ướt và tay mình cũng vậy. Đến bây giờ anh vẫn còn cảm nhận cái mềm mại của bàn tay nhỏ nhắn run rẩy đó. Họ cứ ngồi yên, cùng nhìn ra phía sân trường nơi nắng mùa hè vẫn còn chói chang rồi nhạt dần. Có cảm giác thời gian trôi qua mà không hiện hữu. Rồi cô rút tay ra, má vẫn còn ửng đỏ: “Kiều về đây. Nói vậy chứ chưa nghỉ học đâu, cho Nguyên cây viết này nè!”. Cô lấy ra cây viết paker trao cho anh, nói thêm: “Anh Công cho Kiều trước khi đi, giờ cho Nguyên”. Anh lặng lẽ nhận cây viết, không nói gì, cũng không hỏi Công đã đi đâu…

 

Buổi cà phê có vẻ đã kết thúc. Tuấn kêu tính tiền. Họ còn hẹn đi ăn ở đâu đó. Anh thoái thác, nói không khỏe và muốn về khách sạn. Hai người bạn và cô gái trẻ nhìn anh ái ngại, Tuấn đề nghị đưa anh về, nhưng anh cười, trấn an: “Không sao mà, nhức đầu chút thôi, lát hết.”. 

 

Trên xe anh hỏi người lái taxi: “Giờ mà đi thị trấn G. bao nhiều tiền hả em?” “Anh muốn đến đó giờ này sao? Xa mà!”. Anh cười: “Hỏi chơi thôi, cho anh về khách sạn H.”

 

Sau cái lần nắm tay nhau trong buổi chiều chỉ có hai đứa, Thục Kiều bỗng thân thiết với anh một cách dạn dĩ trước những ánh mắt ganh tỵ của bạn bè vì trong lớp Kiều là người đẹp nhất, học cũng giỏi. Thế nhưng chỉ có một mình anh biết và một mình anh lo sợ khi ngày thi tốt nghiệp đã gần kề. Anh vẫn cố học vì dù sao sau 12 năm mà thi rớt chắc cũng ê chề. Giữa tháng năm, mưa đã bắt đầu rơi xóa dần cái không khí nóng bức mùa hè nhưng lòng anh ngổn ngang trăm ngàn cảm giác. Năm học sắp sửa kết thúc. Một chiều thứ bảy đang ngồi nhà một mình với cuốn bài tập toán anh nghe tiếng ai kêu tên mình từ ngoài đường. Tiếng của Kiều! Tim anh đập rộn ràng. Sao cô lại đến đây? Anh vội vàng chụp lấy cái quần dài mặc vào rôi chạy ra sân. Thục Kiều đứng đó, trên tay là một bịch sơri chín đỏ. Cô cười: “Đến thăm Nguyên, được hôn?”. Anh sững sờ nhìn cô. Hôm nay Kiều mặc một bộ đồ ở nhà trông rất lạ, như thể cô đã bước qua lứa tuổi học trò, trở thành một cô gái xinh đẹp đã trưởng thành. Anh ấp úng: “Ừ, Kiều vô đi, Nguyên ở nhà có một mình”. Căn nhà anh trọ trống hoác. Chỉ có một chiếc giừơng vứt đầy sách vở, không có ghế. “Kiều ngồi xuống đây đi!”, anh nói và ngồi xuống ở một đầu giường.  Cô ngồi xuống, thật gần bên anh, mở bịch sơri ra, lấy gói muối ớt, nói: “Nguyên ăn với Kiều, Nguyên cầm muối”. Anh để gói muối trong lòng bàn tay, khi ngón tay cái và ngón trỏ nhỏ nhắn cầm trái sơ ri chạm vào anh nhẹ nhàng khép tay mình lại. Họ nhìn nhau thật lâu, thật lâu… Bỗng nhiên trong đôi mắt u buồn lăn ra từng dòng nước mắt trong vắt. Anh hốt hoảng: “Có chuyện gì vậy Kiều?”. Cô bỗng bật khóc, buông bịch sơri, dựa hẳn vào anh: “Kiều sắp đi rồi! Kiều sắp bỏ Nguyên! Kiều chỉ nói điều này cho một mình Nguyên biết”. Giây phút ấy anh thấy mình lóng ngóng, hụt hẩng. Lần đầu tiên anh choàng tay qua vai một cô gái. Họ lại ngồi im lặng thật lâu, rồi Kiều nói: “Nguyên ơi, người ta nói đi vượt biên sợ nhất là cướp biển Thái Lan, đúng không Nguyên?” “Ừ, Nguyên cũng nghe vậy. Tụi nó đón người dân mình ngoài biển, cướp vàng”. “Kiều không sợ mất vàng, Kiều chỉ sợ…”. Cô vẫn khóc, giấu cặp mắt đầy lệ vào vai anh. Anh bàng hoàng. Đúng rồi. Một cô gái trẻ như Kiều khi rơi vào tay bọn cướp biển thì chúng đâu chỉ lấy vàng, chúng sẽ hảm hiếp cô. Anh rùng mình, ôm chặt lấy cô: “Đừng đi, Kiều ơi, đừng đi” “Không, Kiều không thể ở lại đất nước này, gia đình Kiều đã chung tiền. Sáng mai Kiều đi Rạch Giá, và tối…”.

 

Bất chợt cô ôm chầm lấy anh, bàn tay quàng qua cổ, hôn như mưa trên gò má anh, cô nấc lên: “Nguyên ơi, người ta nói rằng những cô gái đồng trinh khi chết sẽ không siêu thoát. Kiều sợ, Kiều sợ lắm”.

 

Phải mấy năm sau anh mới hiểu câu nói đó của cô. Nhưng buổi chiều hôm đó anh chỉ biết ôm cô vào lòng, cùng khóc với cô, không hề có một hành động xác thịt nào, ngay cả nụ hôn môi cũng không… cho đến khi nắng tắt…

 

Ngay hôm sau, chỉ có anh biết trước là Kiều sẽ biến mất. Trường lớp xôn xao vài ngày rồi cũng thôi.

 

Mới đó mà đã ba mươi năm hả Kiều?

 

Saigòn 3.2012

 

Nguyễn Đình Bổn
Số lần đọc: 1799
Ngày đăng: 26.03.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ví Dụ 1 - Đoàn Thạch Biền
Đẹp Và Ảo - Lê Văn Thiện
Chuyện mơ ngủ - Hòa Văn
Ở Một Nơi Nào - Nguyễn Đạt
Nguyễn Ơi - Đặng Hồng Quang
Chuyện Tình Xóm Ven Sông - Nguyễn Hữu Duyên
Quê Cha - Trần Yên Hòa
Lộn Ngược - Mang Viên Long
Hơn - Sức - Võ Xuân Phương
Liều Thuốc Điện Tử - Đặng Hồng Quang
Cùng một tác giả
Độc huyền (truyện ngắn)
Khoảng đời ngụ cư (truyện ngắn)
Chim vịt kêu chiều (truyện ngắn)
Mùa nước son (truyện ngắn)
Vãn tuồng (truyện ngắn)
Kiếp bèo (truyện ngắn)
Chuyện mèo (truyện ngắn)
Đuổi quỷ (truyện ngắn)
Chim giấy (truyện ngắn)
Người và quỷ (truyện ngắn)
Con quỷ và tôi (truyện ngắn)
Tướng cụt đầu (truyện ngắn)
Truyền kỳ (truyện ngắn)
Gà nhập (truyện ngắn)
Tình hoa (truyện ngắn)
Tình nhân (truyện ngắn)
Con Rồng (truyện ngắn)
Kiều (truyện ngắn)
Bão Magic (truyện ngắn)