Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
626
115.982.002
 
Hồng Mây
Võ Anh Cương

Những cơn mưa đầu mùa bao giờ cũng báo hiệu bằng một bầu trời đen và tiếng sấm động. Mưa đến thật nhanh như cố làm dịu đi không khí oi bức đến khô nỏ cả người. Có tiếng sấm từ xa, ùng oằng. Chớp. Chớp vạch lên trời những tia loằng ngoằng rồi biến mất. Mưa như trút nước xuống mặt đất đang hả hê đón nhận quà tặng của trời. Một màn mưa trắng xoá che mờ đường phố, cỏ cây. Thôi chết, phải tìm chỗ nấp chứ cái áo mưa mỏng dính mang theo sẽ không chịu đựng được những hạt mưa to như hạt đậu khiến da mặt rát như phải bỏng. Tấp đại vào một quán ven đường, hoá ra lại là một quán cà phê. Cậu bảo vệ đưa ô ra đón tận nơi và che cho khách đến mái hiên kèm một nụ cười chiêu đãi. “Cám ơn anh!”. Miệng nói nhưng mắt không nhìn, khuôn mặt của cánh con trai, đặc biệt là những người mặc đồng phục đều nhàn nhạt như nhau thôi, có gì mà phải để ý? Lại một bộ đồng phục đến với một cuốn Menu cũng kèm một nụ cười. Một ly cà phê đá không đường pha sẳn theo thói quen khiến cậu trai phải hỏi lại. “Không đường à? Cà phê đen đá không đường à?”. Có gì là lạ chứ, ai muốn uống sao thì tuỳ chứ có gì lạ mà phải gặng hỏi lại nhỉ, nhưng cũng phải trả lời. “Đúng vậy, cà-phê-đen-đá-không-đường-pha sẳn”. Gằn giọng nói, gằn giọng trả lời như muốn thụi vào tai người ta ấy à. Ta thật tức cười, sai rồi, có gì đâu mà căng thẳng? Vậy là cầu hoà bằng một nụ cười nửa miệng cộng với một cặp mắt ngước lên. Trong veo. Một chút sững sốt trong đôi mắt cậu chàng. Đó là sự ngưng đọng giữa hai cái chớp nhưng sao mà thấy lâu ghê quá. Mắt giao nhau, không còn nghe thấy tiếng mưa, chỉ đọc ở trong ấy điều gì đó như là thăm thẳm, vậy thôi. Không biết đằng ấy nghĩ gì mà trông mặt cứ đực ra như ngỗng…ỉa. Lại lây cách nói của ông anh rể mất thôi, ông anh người xứ Quảng lai một chút giọng Bắc khiến người nghe thấy buồn cười, nhưng rồi nghe riết cũng quen đi. Cậu chàng đỏ mặt, một chút thôi cũng không qua mắt của ta đâu, cậu chàng đi vào trong với những bước chân hơi vội. Quán vắng có nhiều khách đâu mà vội vã như thế hử, mà thôi để ý làm gì những chuyện thế gian?

Mưa vẫn như con ngựa bất kham, ào ạt xối nước xuống đất. Đất oằn mình vì những con nước chảy. Nước chảy về đâu? Ta chảy về đâu? Sao hôm nay ta bỗng thấy mình lạ quá, không lạ mới là điều đáng nói đó chứ, có phải vậy không? Ngồi một mình để mặc cho tư tưởng chạy lung tung, tư tưởng quả đúng là một con ngựa bất kham, không có một sợi dây nào cột nó lại được chăng? Chắc là có mà ta chưa biết….

Ly cà phê đá óng ánh những giọt nước buồn, con bé này hôm nay sao lạ quá, giọt nước buồn sau khi ta chảy về đâu! Ừ cũng được, sao cũng được có gì là lạ? Cái lạ là anh chàng phục vụ kia vẫn lén nhìn ta qua cửa kính. Một chút khó chịu khi ta bị người khác săm soi, anh bạn của ta ơi, anh mình có biết điều đó không hả? Thí dụ là không thì ta tha thứ, còn như là biết? Biết mà vẫn cố tình là tội cố ý đấy anh mình ạ. Tiếng “anh mình” nghe vui vui, nó rơi tõm vào trong hồn như khi ta nghe tiếng đá rơi vào giếng. Vậy là cười, một nụ cười mím chi chắc khiến anh mình bạo dạn. Anh mình tiến lại bàn:

- Xin lỗi, tôi muốn nói chuyện với bạn được không?

Chín điểm, chấm cho cái sự lịch sự của anh mình. Ngước mắt lên nhìn và lại cười:

- Quán vắng, trời mưa anh cứ tự nhiên!

Định nói tự nhiên như người…mà thôi để xem anh mình muốn cái gì?

- Hình như tôi gặp bạn ở đâu rồi thì phải?

Một câu tán gái dở ẹc, ta cho năm điểm. Xưa quá Diễm ơi, lấy cái cớ “trông quen quen” để mà làm quen con gái thì xưa như trái đất rồi còn gì. Nghĩ vậy nhưng ta vẫn trả lời:

- Vậy à, tui thì không, anh là một người lạ hoắc?

- Nãy giờ tôi cố nhớ nhưng mà chưa nhớ ra đã gặp bạn chỗ nào, trí nhớ tôi hồi này kém quá!

Giọng nói anh mình nghe có chút thật, thật như thằng trai Nhật, ô hô lại nhiễm ngôn ngữ sát thủ đầu mưng mủ rồi (hi hi…). Anh mình lại không để ý gì đến câu trả lời dấm dẳng của ta mới thật lạ lùng. Anh mình nói tiếp:

- Bạn người đâu ta?

Lại một câu tò mò kiểu lý lịch trích ngang đây, lần này ta không cho điểm nữa bởi không có khung điểm nào để chấm cho anh mình trong câu hỏi khá…vô duyên. Ta nghĩ như vậy, còn anh mình chắc không bởi trán anh cau lại, vầng trán cũng rộng đấy nhỉ, hơi có chút thông thái, chắc là sinh viên, sinh viên ưa làm thêm ở mấy quán cà phê như quán này. Ta cố tạo một nụ cười nhỏ, với anh mình chắc có chút ngây thơ:

- Anh hỏi làm chi, tui đâu có đi xin việc?

Anh mình chắc mắc cỡ, giọng có chút hối hả:

- Không phải vậy, tôi xin lỗi, xin lỗi, xin lỗi….

Có một chút vậy mà đến ba lần xin lỗi, ta che miệng cười, anh mình vụt đứng lên rồi ngồi ngay xuống:

- Tôi biết rồi, bạn là người Đà Lạt, tôi chắc chắn như vậy!

Mắt anh mình sáng lên, ta hơi sững, nhưng cố làm tĩnh để xem anh mình nói gì, nói gì nào, anh mình!

Anh mình giọng thật trầm:

- Bây giờ tôi biết bạn là ai rồi, cuối cùng trí nhớ cũng không phản bội tôi mà.

Cái gì vậy nhỉ, anh mình nói chắc lắm, mà chắc vì cái gì cơ chứ. Câu chuyện bắt đầu có chút thú vị rồi. Cố lên, cố lên anh mình, hãy đem một chút vui vẻ chiều nay đến với ta đi.

- Bạn người Cầu Đất, thôn Xuân Sơn, đúng không?

Anh mình tiếp:

- Nếu bạn trả lời là đúng, tôi sẽ nói tiếp, còn không thì hãy dừng lại đây, tôi hé chút chi tiết cho bạn tò mò chơi, đó là một chuyện tình thú vị?

Giật mình, hay chỉ là một sự trùng hợp thôi? Không biết ta có giấu được vẻ sững sốt của ta không, anh mình lại nhìn chằm chằm vào mắt, ta đành phải gật:

- Cứ cho là như vậy, anh …nói tiếp đi?

Ta cũng tò mò chứ nhỉ? Mà thôi để nghe anh mình nói sao đã:

- Cô tên Mây, đúng không?

Ta nhìn vào mắt anh mình, trong đó toát lên vẻ tự tin, ta buột miệng:

- Mây à, cái tên gợi nhớ đến chiều mưa này.

- Sao cơ?

- Cứ cho là như vậy đi, nào anh…nói tiếp đi chứ?

Anh mình cười (trông cũng điển trai chứ nhỉ):

- Tôi tên là Hoàng, chứ không phải là anh …”ngắc ngứ” không có tên đâu!

Ôi buồn cười quá đi mất, nếu một mình ta, ta sẽ cười ngặt nghẽo đến ràn rụa nước mắt thôi, nhưng lại trước mặt anh mình nên cố nén, tức thở dễ sợ! Nếu đằng ấy biết ta định gọi đằng ấy là “anh mình” thì sao hả?

- Mây này, bạn không thắc mắc vì sao tôi biết tên bạn à?

Ta lắc đầu, cục tò mò bắt đầu to hơn một chút rồi đó, “anh…nói đi?”.

Và tiếp:

- Anh nói gọn thôi, trời bắt đầu bớt mưa rồi, tui phải đi học không khéo lại trễ giờ vào lớp!

Anh mình (mặc kệ, ta cứ gọi thế đấy) cũng nhìn ra ngoài trời rồi nói một thôi:

- Tôi biết tên bạn là Mây, nhưng không thể nào xác định tên lót của bạn. Nghe đây (chà, ghê quá!) năm 1972, nghĩa là cách đây lâu lắm, lúc đó chẳng có bạn mà cũng chẳng có tôi, nhưng chú Út tôi lại có mặt ở thôn Xuân Sơn, nhà bạn ở đó, đúng không? Nhà ông nội tôi ở đây, quận Bình Thạnh, ông nội có 3 người con trai thôi, chú Út thoát lý năm 68, không biết vì sao lại lên cái xứ Thượng của bạn!

- Cái gì, xứ Thượng à?

Ta tròn mắt tức tối, anh mình tiếp:

- Cứ cho là như vậy, tôi kể tiếp nghe. Chú Út tôi bị thương khi đi công tác một mình, một quả lựu đạn gài may mà không giết chết chú. Chú viết, đó là một con dốc, khi dính lựu đạn, chú té nhào và trượt luôn xuống suối khi quả lựu đạn nổ. Một bên chân và cả phía sườn trái nát bét, chú cố lết lên bờ khi nước cuốn trôi chú một đoạn khá xa trước khi bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, chú Út thấy mình nằm trong một ngôi nhà vắng lặng, vết thương được băng bó đàng hoàng, cái túi “xắc cốt” đựng tài liệu nằm bên cạnh. Lúc đó khoảng 8 giờ tối. Trong nhà không có ai, tối thui. Chú nén đau lò dò bước xuống giường sau khi cố dùng cánh tay không bị thương “củ soát” khắp mình mẫy tay chưn. Chú vớ phải cái đèn pin bằng sắt. Chú bật đèn. Một bức thư để trên đầu giường. “Anh bộ đội. Anh bị thương nặng lắm, tôi đã đưa anh về đây an toàn. Đây là thôn Xuân Sơn, nhưng không phải chỗ tập trung đâu, thôn cũ đó. Buổi tối không ai được ở lại, vậy nên tôi phải về trước 5 giờ chiều. Tôi để cho anh gà men cháo trên bàn. Anh ráng ăn và uống thuốc đi, đó chỉ là thuốc giảm đau và trụ sinh tránh làm độc, nhiễm trùng. Có động, anh chui xuống gầm giường, sát vách là cửa vô hầm, chốt lại bên trong không ai biết đâu. Nhớ mang vô mấy thứ tôi để lại cho anh, chắc anh biết vì sao và phải làm gì. Mai tôi vô, chắc không sớm được đâu. Mây.”

Đêm ấy chú Út tôi biết mình được cứu bởi một cô gái. Điều ấy khiến chú thao thức cả đêm, phần vì vết thương, phần thì chú đoán già đoán non ân nhân của mình. Chú chui vào hầm cho an toàn, theo lời dặn trong thư và chỉ chui ra khi cô gái đến. Chú Út dưỡng thương đến 1 tháng trong nhà cô Mây. Cô Mây đang theo học lớp đệ tam trường Bùi Thị Xuân, ngày hè cô về Xuân Sơn làm vườn giúp cha mẹ thì gặp và cứu được chú Út tôi. Khi chú Út tôi lành vết thương, cũng là thời gian nghỉ hè đã hết, cô Mây phải đi học lại và dĩ nhiên là họ yêu nhau rồi. Trước khi chia tay, cô Mây tặng chú tôi chiếc khăn tay thêu hình chim phượng hoàng, chú tôi nói đó là cách tỏ bày tình cảm của các cô gái thời ấy và một tấm hình “xít nớp”.

Ta bất chợt cắt ngang:

- Xít nớp là gì?

Anh mình cười:

- Khi đọc nhật ký của chú Út, tôi cũng tự hỏi như cô vậy, tôi mới giải mã được điều ấy năm ngoái. Xít nớp phải viết chính xác là six – neuf, là 6 x 9 centimet tiếng Pháp đó mà. Nghe tiếp đây (dễ sợ chưa?), trong cuốn nhât ký chú Út có kể lại chuyện …liên quan đến bạn?

Ta ngạc nhiên quá chừng chừng:

- Tui ư?

Anh mình khẳng định:

- Đúng, vì sao? Vì cô Mây tâm sự với chú Út rằng sau này hai người lấy nhau, con gái theo truyền thống gia đình cô Mây sẽ đặt tên cho con gái là Mây, như nhà cô có hai chị em, cô là chị, Song Mây, còn cô em là Tam Mây. Chú Út tôi hỏi, nếu không lấy được nhau, cô Song Mây phải đi lấy chồng khác thì sao? Cũng vậy thôi, con gái Song Mây sẽ là Hồng Mây, Thanh Mây,  chú Út tôi viết vậy. Vậy bạn là Hồng Mây hay Thanh Mây?

Giật mình ta hoảng hốt:

- Tui à?

Hít một hơi dài ta nói tiếp:

- Cứ cho là như vậy đi, rồi sao nữa, chú Út bây giờ ở đâu?

Giọng anh mình trở nên buồn thiu:

- Năm 2010, một người bạn cùng tiểu đoàn 840 của chú Út từ Bắc tìm vào nhà tôi, trao cho ba tôi cuốn nhật ký, trong đó có bức hình của cô Mây, chú Út chết năm bảy tư ở núi Voi, không tìm thấy xác, chắc hồn chú hoà cùng cỏ cây sông núi.

Ta im lặng tôn trọng phút chạnh lòng của anh mình. Hoàng nói tiếp:

- Bạn giống cô Mây như tạc, chắc bạn là hiện thân của cô Song Mây quá, tôi nói có đúng không? Mà này lần nữa tôi hỏi, bạn là Hồng hay Thanh vậy?

Ta cười mỉm, nhìn vào mắt anh …Hoàng:

- Tui chẳng phải Hồng và cũng chẳng phải Thanh!

- Vì sao?

- Vì tôi là Vân, Thu Vân, đủ chưa…(hả ông ngố, ta định nói thế).

- Còn cô Song là gì của bạn vậy, không lẽ tôi lầm?

Một sự thất vọng trong mắt Hoàng, ta trang trọng:

- Anh không lầm, đó là cô Hai của tui mà?

Hoàng mừng rỡ, ta đọc thấy trong mắt thông minh của người đối diện:

- Vậy cô Song Mây ở đâu?

Ta mím môi:

- Cô hai chết rồi, hồi bảy lăm, cô thoát ly vô cứ sau khi chú Hùng lành vết thương về đơn vị!

Im lặng. Ngoài trời mưa cũng hết, ta cũng không muốn đi học như doạ Hoàng lúc nãy. Ngậm ngùi, Hoàng nói:

- Mình ngồi đây, tôi nghĩ chắc chú Út và cô Song dun dũi, phải vậy không? Mà kìa, đã hết mưa rồi!

-----

- Ta kể xong rồi, mi còn không đưa nữa à?

Hằng chọc:

- Và  dĩ nhiên mi và anh mình yêu nhau sau lần đó?

- Còn lâu! Đưa đây?

Tôi hồi hộp mở lớp giấy bọc ngoài. Một bức tranh sơn dầu chân dung hiện ra, mắt người con gái trong tranh nhìn xa vắng, mái tóc đen dài lượn sóng. Bên dưới là dòng chữ “tôi vẫn gọi em là Hồng Mây”.

Có lẽ đó là tên bức tranh.

Cứ cho là như vậy?./.

 

02/2012

 

 

Võ Anh Cương
Số lần đọc: 2045
Ngày đăng: 12.04.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ở phố nghe gà gáy - Hòa Văn
Ngân Áy Ươc Mong - Đặng Hồng Quang
Những Nàng Tiên Múa Hát - Nhã Nguyên
Tình Xưa - Đặng Kim Côn
Tình bén duyên trâu - Mặc Tuyền
Chuyện ở hãng. - Trần Yên Hòa
Bàn tay trong một bàn tay - Trương Văn Dân
Đón Ba Về - Vĩnh Thông
Mộng trong giấc mộng - Trương Văn Dân
Những Mảnh Vỡ (30) - Nguyễn Thị Hậu
Cùng một tác giả
Hồng Mây (truyện ngắn)
Về xứ sương giăng (truyện ngắn)
Hàm Luông (truyện ngắn)
Thung lũng tình yêu (truyện ngắn)
Ma xó núi (truyện ngắn)
Hai ốm (truyện ngắn)
Sương khói quê nhà (truyện ngắn)