Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
668
116.539.683
 
Ngài Tả Dinh Đô Thống Chế Lê Văn Phong Đã Về Với Cháu Con
Diệp Hồng Phương

Tả dinh Đô Thống chế Lê Văn Phong sinh năm Kỷ Sửu (1769) tại làng Long Hưng, huyện Kiến Hưng, đạo Trường Đồn, dinh Trấn Định (nay là xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), là người con thứ tư của ông Lê Văn Toại và bà Nguyễn Thị Lập; và là bào đệ của Đức Tả quân-Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt.  

 

Hai anh em Lê Văn Duyệt và Lê Văn Phong lớn lên lúc đất Gia Định rơi vào cảnh binh đao, nhân dân đồ thán, chúa Nguyễn Phúc Ánh cùng gia quyến và quần thần phải bôn tẩu tránh sự truy đuổi của Tây Sơn.

 

Năm 1781, nhờ duyên may mà Lê Văn Duyệt được theo phò chúa Nguyễn, rồi bôn ba khắp nơi, sang tận Vọng Các (Thái Lan), nhiều năm sau trở về lấy lại đất Gia Định. Lúc được chúa Nguyễn Phúc Ánh tin cậy, giao tổ chức đội quân Thần sách, Lê Văn Duyệt tiến cử em mình là Lê Văn Phong theo phò chúa Nguyễn. Sau nhiều năm xông pha trận mạc, Lê Văn Phong lập nhiều công trận, được phong đến chức Tả dinh Đô Thống chế.

 

Năm Nhâm Tuất (1802), Tả dinh Đô Thống chế Lê Văn Phong phụng mệnh chúa Nguyễn dẫn quân lên đánh Lạng Sơn khiến tướng Tây Sơn trấn thủ Lạng Sơn là Hoàng Văn Kim và Hiệp trấn Trương Văn Luyện phải mở cửa thành mà hàng.

 

Triều đại Tây Sơn chấm dứt vào năm 1802. Đất nước yên bình, sơn hà thu về một mối.

Chúa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi lấy hiệu là Gia Long.

 

Triều nhà Nguyễn đã mở ra kỷ nguyên mới: mở mang bờ cõi, ổn định dân cư, phát triển kinh tế; mở các kỳ thi Hương, thi Hội kén chọn nhân tài, bang giao với các nước lân bang, giữ vững cương thổ. Tả quân Lê Văn Duyệt hai lần được giao làm Tổng trấn Gia Định thành, cai quản và mở mang kinh tế vùng đất từ Bình Thuận vào đến Cà Mau, phát triển giao thương, giữ vững kỷ cương phép nước…

 

Năm 1818, ông Lê Văn Phong được cử ra miền bắc giữ chức Phó Tổng trấn Bắc thành, cùng với Lê Chất là Tổng trấn, coi việc quân cơ, cai quản vùng đất từ Ninh Bình ra đến Lạng Sơn.

Lúc đó đã có lời tán tụng:

 

Huynh Nam, đệ Bắc oai danh chấn.

Tử hiếu, thần trung tiết nghĩa cao.

 

Anh trấn trong Nam, em trấn ngoài Bắc, lừng lẫy uy danh

Con tròn đạo hiếu, tôi vẹn lòng trung, nêu cao tiết nghĩa.

 

Trong bốn anh em trai Lê Văn Duyệt, Lê Văn Oai,  Lê Văn Phong và Lê Văn Đến; duy chỉ có Tả dinh Đô thống chế Lê Văn Phong đã truyền tiếp đời sau cho họ tộc Lê Văn 27 người con trai, 4 người con gái và những người con khác.

 

Biết mình là tướng võ chỉ quen xông pha trận mạc, chữ nghĩa không nhiều, nay ở vào thời bình, biết có đóng góp được gì không, cho nên Phó Tổng trấn Lê Văn Phong đã đôi lần tâu với vua Minh Mạng xin được từ quan, lui về quê sống cảnh điền viên. Nhưng, vua Minh Mạng cương quyết giữ lại.

 

Năm Giáp Thân 1824, Lê Văn Phong về thăm quê, trở bệnh rồi qua đời tại Gia Định ngày 15 tháng 9 âm lịch. Lăng mộ Ngài được anh mình là Lê Văn Duyệt xây tại thôn Tân Sơn Nhứt, quận Bình Dương, phủ Tân Bình, thành Gia Định.

 

Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt mất năm 1832. Năm sau, xảy ra vụ Lê Văn Khôi chiếm thành Phiên An chống lại triều đình, mãi đến năm 1835 mới yên sóng gió.

 

Trong số các người con của Ngài Tả dinh, có ông Lê Văn Dược sau biến cố Lê Văn Khôi, để tránh họa tru di, đã trốn lên vùng rừng hoang phía bắc Gia Định, mai danh ẩn tích, giấu kín nguồn gốc, đổi sang họ Nguyễn. Ông và các con khai khẩn đất hoang, lập làng và là tiền hiền khai khẩn của vùng đất Thái Mỹ, Củ Chi ngày nay.

 

Cũng từ sau binh biến 1833-1835 mà con cháu họ tộc Lê Văn ở các nơi chịu cảnh ly tán, trốn tránh quan quyền, nên lăng mộ Tả dinh Đô Thống chế Lê Văn Phong rơi vào hoang phế. Hơn một trăm năm sau, vùng đất Tân Sơn Nhứt, quận Bình Dương, phủ Tân Bình, thành Gia Định nơi có lăng mộ Ngài Tả dinh, đã lọt vào đất quân sự của quân đội chế độ Sài Gòn (Bộ Tổng Tham mưu). Năm 1961, do mở rộng khu quân sự mà mộ ông được cải táng về một khu đất ở xã Phú Nhuận, quận Tân Bình, rồi mất luôn dấu tích.

 

Sau năm 1975, con cháu Ngài Tả dinh ở Thái Mỹ, Củ Chi và Tây Ninh lấy lại họ tộc Lê Văn, dốc lòng tìm kiếm ngôi mộ tổ tiên nhưng chưa có duyên may tìm gặp.

 

Cho đến tháng 3 năm 2011, tức 50 năm sau lần cải táng, nhờ sự tìm kiếm và hướng dẫn của Ban Quý tế Lăng Lê Văn Duyệt tại TP. Hồ Chí Minh, con cháu họ tộc Lê Văn ở Thái Mỷ, Củ Chi đã tìm được ngôi mộ Ngài Đô Thống chế Lê Văn Phong nằm lạc trong ngàn cây cỏ, phía sau lăng Hoài quốc công Võ Tánh (số 17 đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh; thuộc đất của Quân khu 7). Ngôi mộ Ngài Tả dinh Đô Thống chế Lê Văn Phong vách xi măng nứt nẽ, bia đá ghi rõ “Việt Nam Đại thần Lê Văn Phong chi mộ. Cải táng ngày 27 tháng 10 Tân Sửu – 4 tháng 12 năm 1961”.

 

Hậu duệ của Ngài Tả dinh trong Nam, ngoài Bắc đều rất xúc động khi biết được tin nầy.

 

Ngày 9 tháng 4 năm 2012, tức 19 tháng 3 âm lịch vào đúng vào tiết Thanh Minh năm Nhâm Thìn, tròn một năm sau ngày gặp mộ Ngài, con cháu họ tộc Lê Văn đời thứ Mười, thứ Mười một từ Thái Mỹ huyện Củ Chi, Tây Ninh, Quảng Ngãi, Huế … đã hội tụ về và long trọng tổ chức lễ rước di cốt Ngài Việt Nam Đại thần Lê Văn Phong về ấp Tháp, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi; là tổ quán của họ tộc Lê Văn với ông Tổ Đời Sáu Lê Văn Dược, con trai của Ngài Tả dinh Đô Thống chế Lê Văn Phong./.

 

 

Diệp Hồng Phương
Số lần đọc: 3096
Ngày đăng: 13.04.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhà Mạc diệt vong - Hồ Bạch Thảo
Bước Đầu Xác Định Danh Hiệu Các Tiểu Quốc Thuộc Miền Bắc Vương Quốc Cổ Chiêm Thành / Champa Khoảng Thế KỶ 11-15 - Trần Kỳ Phương
Từ Chi và Phương pháp sử học phi chính thống - Lê Hải*
Sông Ðỗ Chú: biên giới lịch sử qua tư liệu Việt-Hoa - Hồ Bạch Thảo
Câu Chuyện Thất Sơn - Nguyễn Kim Nương
95 Năm Hàm Oan* - Nguyễn Kim Nương
Nhận Diện Bọn Sát Nhân Và Những Kẻ Giấu Mặt 2- hết - Nguyễn Đoàn Bảo Tuyền
Nhận Diện Bọn Sát Nhân Và Những Kẻ Giấu Mặt 1 - Nguyễn Đoàn Bảo Tuyền
Việt Nam Trong Thế Kỷ XIX - Một Cách Nhìn Khác (*) - Đinh Kim Phúc
Vua Càn Long tìm cách từ chối giao trả Hoàng Công Toản cho An Nam - Hồ Bạch Thảo