Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
817
116.620.367
 
Bọn Bốn Đứa
Võ Xuân Phương

 

Đó là Lan, Chi, Thương, Hoàng. Nhóm con gái 12C2 học giỏi, có chút nhan sắc. Trong đó có nhiều đứa dễ ghét, thường chơi chung, đi chung, lúc nào cũng thấy bọn chúng nhí nha nhí nhảnh. Thằng Tùng ghét nhất là con Hoàng, cha nó làm thầy thuốc Bắc, nhà có tiền, chưa giàu lắm mà bản mặt kênh kênh, nhưng phải nhận rằng chúng học giỏi, trong đó con Chi là đẹp và hiền nhất.

 

Nhớ năm lớp 10, thầy Bộ chủ nhiệm, là giáo viên ở miền Bắc mới vào, còn rất trẻ, giọng trọ trẹ. Buổi đầu bầu cán bộ lớp, khi bầu cán bộ phụ trách văn thể, thầy thấy con Chi khá xinh, nên chỉ định, và hỏi: Em tên chi? Nó đứng dậy, trả lời: Em tên Chi, làm thầy Bộ đỏ mặt và nghiêm giọng hỏi: Em tên chi? Nó run run và trả lời: Em tên Chi, cả lớp ém tiếng cười, con Chi tái mặt, sau đó bạn lớp trưởng mới được bầu đứng dậy nói thưa thầy bạn tên là Chi, thầy Bộ à và nói xuôi, đặt tên chi lạ! lúc này lớp mới  thở nhẹ.

 

Nhóm thằng Tùng có ba đứa, Tùng, Thông, Tấn, bọn con gái gọi nhóm 3T, con Hoàng gọi là nhóm tam tam, nhóm Tùng cũng học giỏi, bọn chúng ngoéo với nhau đứa nào điểm tổng kết học kỳ thua bọn bốn đứa là phải đãi một bữa chè ở quán gốc keo sau trường. Nơi khu tập thể của Thầy Cô. Đó là dãy nhà cấp bốn mới làm, dọc theo đường Hai Bà Trưng, nhiều phòng, phân cho Thầy Cô, Thầy Cô nào có gia đình được phân một phòng, những Thầy Cô chưa có gia đình phân bốn người một phòng, Vợ hoặc người nhà của Thầy Cô không có việc làm, thì nấu chè bán cho học sinh.

 

Trước đây là trường trung học đệ nhất và đệ nhị cấp Kỳ Ngoại Hầu. Sau 1975 đổi tên là trường cấp III Nguyễn Huệ, tên vị anh hùng của quê hương. Trước đây là trường của học sinh nam, trường học sinh nữ riêng, sau 1975 nhập chung, có con gái học chung cũng vui, nhưng cũng có nhiều rắc rối, nhất là lúc không thuộc bài, nhìn xuống thấy tụi nó cười tủm tỉm thấy ghét và ê mặt cả tuần, chỉ có thằng Thông giỏi toán và thằng Tấn giỏi tiếng Anh là thích, đến các giờ này là chúng nó ồn ào ra mặt, nhưng giờ các môn khác là tụi nó cũng im re.

 

Chiều thứ tư trực trường, nhóm Tùng dọn vệ sinh nhà cầu xong. Ngồi trên lề đường cổng vào tán chuyện, thấy bọn bốn đứa đi tới. Tùng nói để tao chọc bọn này một câu cho tụi nó quê mặt chơi. Thằng Tấn can, coi chừng con Hoàng đanh đá lắm đấy, Tùng nói không sao, khi thấy bọn bốn đứa tới gần thằng Tùng đọc:-Tứ nữ đồng hành tung hoành bát khẩu. Rồi cười hả hả, Thông và Tấn cũng tủm tỉm cười theo, con Chi nép vào con Thương nói đi nhanh, còn con Hoàng dừng lại quắt mắt. -À, nhóm tam tam nghe bà chị đối đây. Con Lan can nói thôi kệ tụi nó, con Hoàng nói không được phải dạy tụi nó biết thế nào là lễ độ, và đọc: - Tam nam cọng tọa thượng hạ lục đầu. Xong, cười và nói chết chưa! Em út mà bày đặt chơi chữ với bà chị!

 

Thằng Tùng lúng túng, con này ghê thật, không rõ nó đọc ở đâu hay nghe ai kể mà ứng đối nhanh, chuyển hay. Ba nó làm thuốc Bắc, và nghe có ông anh trước học văn khoa Sài Gòn, sau trốn lính ở nhà, rất ham đọc sách và có nhiều sách văn học. Con này đọc lén, có lần Tùng vào nhà con Hoàng chơi gặp ông anh này, đang làm ở hợp tác xã nuôi heo. Tùng hỏi anh làm gì, ông này nói anh đang sinh hoạt trong câu lạc bộ “khoái ăn sang”, Tùng biết anh này chán đời chơi chữ.

 

Mà con Hoàng cũng giỏi văn, được Thầy Phúc khen luôn, nói đến Thầy  Phúc, Tùng liếc qua thằng Thông, nó giỏi toán nhưng dốt văn. Có lần không thuộc bài, Thầy Phúc cho điểm không và bắt chép phạt, làm nó quê quá, nhất là với bọn bốn đứa. Không rõ ma đưa lối quỉ dẫn đường sao mà bức thư thằng Thông gởi con Chi lại lọt vào tay con Hoàng. Con Hoàng cầm đến trả lại cho thằng Thông và nói văn ăn hột vịt, mà bày đặt viết thư tình! Làm thằng Thông chết điếng, thư này do thằng Tùng viết dùm, kẹp vào vở con Chi. Tùng xấu hổ than - Hỡi ơi con gái nhiều vô kể, nào biết tìm đâu một mụ hiền.

 

Hôm giờ ra chơi, ba đứa dung giăng dung dẻ trên hành lang, thằng Tấn nói tý nữa giờ văn, thằng Thông coi chừng, Tùng xía vô tao cũng ngán ông Quỷ Kiến Sầu nữa là thằng Thông, vô tình Thầy Phúc đi sau, bước trờ tới, hỏi cậu vừa nói gì? Tùng tái mặt, tụt ra sau, trong giờ văn nó cúi gầm mặt xuống bàn sợ hết hồn, cái thằng ngoài lớp thì tía lia, Thầy Phúc dạy văn, nhỏ người, trắng, cũng đẹp trai, do mặt mụn nhiều, lại thường nặn nên nổi sần, có cặp mày xếch, dạng chổi xể, nhất là khi Thầy không hài lòng điều gì thì nhăn mặt thấy sợ, giống nhân vật Quỉ Kiến Sầu trong phim kiếm hiệp của Hồng Kông, quỉ thấy cũng sầu huống chi học trò!

 

Nhớ năm lớp 10 đi lao động vỡ hóa ở Cát Chánh, Phù Cát, Thầy Thân làm trưởng đoàn, Thầy Hoàng làm phó đoàn kỷ luật. Hai hướng, hướng ra bến Đống Đa đi đò lên, hướng đi xe đạp lên Gò Bồi đi ra. Cả trường vui như đi hội, như là cuộc picnic, bọn con gái, tất tay, tất chân ồn ào, bọn con trai đem theo cà phê. Đến nơi, tối đó có trăng, vui ơi là vui, đom đóm bám đầy trên các cây chưn bầu, như sao nhấp nháy. Cả trường khi đi chỉ biết đi lên giúp xã vỡ hóa, nhưng chưa biết làm gì. Đến nơi mới biết là cắt và nhổ lác. Thầy Bộ đi họp về phổ biến, nói gay nhất là khâu liêm, không có. Con Chi quê ngoại nó ở chợ Dinh thường về chơi, biết cu liêm dùng cắt lúa, nên nói không cần khâu cũng dùng được ta cầm sát vào. Thầy Bộ ngơ ngác, cả lớp ngơ ngác. Té ra con Chi hiểu khâu liêm là cái vòng sắt giữ cán dao không cho nứt, còn Thầy Bộ nói khâu liêm là một mắc xích trong công việc đó là cái cu liêm. Sau đó xã đi muợn của dân một ít, còn lại dùng tay nhổ, ngày đầu rất vui, vì lạ, cả vùng ruộng chạy dài, lác, cỏ mọc um tùm. Xa xa là Núi Bà, căn cứ cách mạng, nơi bộ chỉ huy của tỉnh trong chiến tranh

 

Đêm thứ hai, sau một ngày lao động, không còn không khí ồn ào, ca hát như đêm đầu tiên, cả dãy trại dọc theo đụn cát im lìm, trăng vẫn trong, lên từ từ, đâu đó có tiếng mớ, một số em nam, ra xa trại ngồi uống cà phê ngắm trăng.

 

Chiều ngày thứ hai xảy sự cố có một học sinh, sau khi đi làm về ra tắm sông bị chết đuối. Bọn con gái nghe xanh mặt, chỉ rửa sơ ở gần bờ rồi về, tối đó không khí trại thê lương, không cần thông báo mà mới xẩm tối học sinh đã ở yên trong trại rồi.

- Mới đó mà đã hai mươi lăm năm rồi mầy hả? Tấn đưa ly cà phê lên môi nhắp, nhìn ra biển nói, Tùng ừ, một phần tư thế kỷ, mau thật. Thời gian không để ý thì qua nhanh.

 

Ngồi nơi nhà hàng Hoàng Hậu, nhìn ra biển Gềnh Ráng, chiều xuống chậm, bóng núi in đậm xuống biển, gió vẫn mát. Hè năm 1978, thằng Thông đậu bách khoa, nhưng phòng tuyển sinh không cho đi học vì lý lịch gia đình xấu, năm 1980 vượt biên, cùng cô em gái, nghe có người kể lại thuyền nó bị bọn cướp biển chận lấy hết, em nó bị hiếp, nó vùng chống cự thì bị bắn vứt xác xuống biển, em nó nhảy theo.Tấn đậu sư phạm tiếng Anh, nhưng cùng số phận với Thông, sau theo gia đình dạng HO, Tùng có ông bác làm ban giám hiệu trường đại học y nên được vào học, nay làm lãnh đạo một bệnh viện. Tấn nói

- Lúc tao ra đi Qui Nhơn mới là thị xã, nay đã thành phố. Mầy biết không, ngồi trên máy bay, khi nghe thông báo máy bay ra khỏi không phận Việt Nam tao buồn da diết, nhớ tụi mầy, nhớ các bạn học phổ thông, nhớ bà con, nhớ phố phường, tao đã khóc! Bọn con Lan, con Hoàng giờ sao rồi? Tùng búng tàn thuốc bay vèo xuống biển,

- Con Hoàng đậu sư phạm sinh ở Huế, cô em hách lắm chả coi ai ra gì, sau ưng anh chàng học cùng khóa, đẹp trai con nhà giàu, nhưng chưa đầy năm là đổ vỡ, ai mà chịu nổi tính đanh đá của ả được chớ, qua năm sau ưng thằng Tính học A2 là Việt Kiều Mỹ, không rõ giờ ra sao. Con Lan học bách khoa điện, được giữ lại trường, sau ưng giáo viên dạy nhạc rồi cũng đổ vỡ, giờ sống với anh chồng dạy nhảy, dân văn nghệ mà. Con Thương học kinh tế, ra trường, không làm cho nhà nước. Mà tham gia buôn bán cố phiếu, bất động sản. Lúc đầu là đại gia đấy, sau trật vài vụ tụt luôn. Giờ làm kế toán cho công ty gỗ ở Phú Tài. Chưa chồng. Ông có muốn đến thăm không! Tấn cười. Con Chi thì an phận, thi vào cao đẳng toán lý, xin về dạy cấp I Hải Sơn, gần nhà để chăm sóc ba má nó. Sau ưng anh chàng giáo viên cùng trường, cô nàng có 2 con, đứa đầu con gái đang học năm thứ nhất sư phạm sinh Qui Nhơn, đứa thứ hai con trai học lớp 11 chuyên toán Lê Quí Đôn.

 

Với con người tâm tính chỉ đạo hạnh phúc gia đình! Tấn nhắp ly cà phê. Hôm nào tao với mầy đến thăm nhà con Chi.

- Thôi, thằng chồng nó ghen lắm, hơn nữa ông là Việt kiều, nó lại ghen nhiều hơn, để cho chúng nó yên. Tùng nhớ có lần thằng con của Chi sốt cao co giật, đưa vào bệnh viện, có đến nhờ, hôm đó đúng ca bác sĩ Hương trực, trong bệnh viện ai cũng ngán bà này, được gọi là bác sĩ năm trăm, đanh đá số một, lúc đó nó cũng là bác sĩ bình thường, khó quá, sau đó Tùng rất ngại gặp mặt Chi.

- Cầu Thị Nại khởi công hơn năm, nghe cây cầu vượt biển dài nhất nước, Tấn lơ đãng nhìn ra biển, nói trổng. Cây cầu bắt qua khu kinh tế Nhơn Hội, bên đó rộng mênh mông, ông về đầu tư vào, để phát triển kinh tế địa phương. Tấn cười. Sau gần hai mươi năm tao về lại, thiên nhiên Qui Nhơn ít thay đổi, mà bên trong nó thay đổi nhiều quá. Tùng liếc nhìn Tấn dò xét! Nhà mới nhiều tầng, chen với xóm lao động cũ nghèo nàn. Vùng phi trường là nhà, là quán. Bãi biển từ eo nín thở chạy xuống khu một, trước là nhà lụp xụp, rác là rác, chiều tối hay mờ sáng người ra ỉa đầy. Nay là đường Xuân Diệu thơ mộng, pha chút lãng mạng. Mộ Hàn Mặc Tử hồi đó muốn lên chơi, phải đi bộ, đến nơi, còn bị mấy người lạ chận hỏi tiền chăm sóc mộ. Giờ xe lên đến nơi, chỉ mua vé vào cổng, nơi này xưa là triền núi, nay là nhà hàng. Những năm tụi mình học lớp sáu vẫn còn suối Tiên chảy mát, nay mất rồi, thay vào đó con đường Qui Nhơn - Sông Cầu, đẹp chạy dọc biển. Tùng nói dọc đường đó có khu du lịch suối Vàng, ông có muốn đến đấy chơi không? Tấn cười. Hẳn có lúc, tụi mình cũng phải đến chơi suối Vàng! Tùng ực ly bia, mãn nguyện, có nhà, có xe, vợ kế toán một công ty, con 2 đứa, đang học trường chuyên. Tùng nói Qui Nhơn nới rộng, phát triển vùng bắc Hà Thanh, nhà mới xây dọc đường ra cầu Thị Nại. Tấn đề nghị giờ mầy chở tao chạy vòng ra chỗ cầu Thị Nại xem cho biết, Tùng giả bộ lấy điện thoại nghe,

- Tao phải về khám bệnh rồi, hẹn ông ngày mai!

 

Võ Xuân Phương
Số lần đọc: 1444
Ngày đăng: 20.04.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhân vật không biết nói dối - Hòa Văn
Quán Bên Sông - Mang Viên Long
Tình Quê Xa Khuất - Lê Văn Thiện
Tiếng động - Nguyễn Đạt
Đêm phương Nam cuối cùng - Lưu Thuỷ Hương
Lỗi Tại Ai - Lan Hương
Không Môt Chỗ, Để Về - Trần Yên Hòa
Con chim nhỏ trong lồng. - Trương Văn Dân
Bữa tiệc ốc đêm mưa - Lưu Thuỷ Hương
Hồng Mây - Võ Anh Cương
Cùng một tác giả
Đêm Nghe Gà Gáy (truyện ngắn)
Hoa Mai Nở Muộn (truyện ngắn)
Gió Chướng *** (truyện ngắn)
Đường Chỉ Tay (truyện ngắn)
Ông Ba Say (truyện ngắn)
Chợ Hoa Ngày Tết (truyện ngắn)
Đêm Nghe Gà Gáy (truyện ngắn)
Mùi Lạ (truyện ngắn)
Rượu Người (truyện ngắn)
Hơn - Sức (truyện ngắn)
Bọn Bốn Đứa (truyện ngắn)
Bông Sen Trắng (truyện ngắn)
Hương Bùn (truyện ngắn)