Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
518
116.488.455
 
Bọt Biển
Diệp Hồng Phương

 

-  Hồi chiều… hinh như… tui… có thấy bà… - Ông Thứ nâng cặp kính lão lên sống mũi nhìn ra biển chậm rãi nói với bà Minh đang đứng cạnh bên. Bà Minh khép hai vạt áo khoác lại che ngực vì sợ gió. Bà ho húng hắng, trả lời:

-  Có thấy tui sao? Tui ra biển… chơi với mấy… đứa cháu nội!

 

Ban đêm biển rất đẹp. Nhìn ra xa biển là bóng tối lờ mờ lấp lánh từng lớp sóng xô bờ bọt nước tung trắng xóa. Trên bãi biển rộng thênh thang có nhiều nhóm người ngồi chơi, vài đôi bạn tâm tình và có hai ông bà già đang đứng nhìn ra biển… Thủy triều đang lên nên mép nước cứ loang dần lên sủi bọt nước thấm sâu vào cát…

-  Vậy là phải rồi. Tui cứ ngờ ngợ không biết… có phải là bà hay không? Mà…bà ngồi với ai …chớ đâu phải ngồi với… cháu nội? – Ông Thứ day qua nhìn bà Minh hỏi vừa đủ bà nghe. Bà Minh gật đầu:

-  Mấy đứa cháu tắm biển. Tui ngồi với con dâu của tui. Nó ăn bún riêu cua… người ta gánh bán ngoài bãi…

Ông Thứ mỉm cười:

- Món đó là món ruột của bà! Bà ăn thấy ngon không?

-  Con dâu tui nó ăn, tui nhìn mà thèm. Bây giờ đâu có được ăn. Bác sĩ nói tui máu cao, phải cữ đủ thứ…

-  À ra vậy! Nhớ hồi xưa bà… - Ông Minh bỏ lửng câu nói rồi buông tiếng thở dài. Ông biết người bạn của mình sức khỏe đang suy giảm không chỉ thể hiện qua giọng nói mà còn kiêng cữ ăn uống. Ông do dự một lát mới lên tiếng – Bây giờ trái tim bà…ổn chưa?

Biển đêm nhấp nháy ánh đèn của thuyền câu mực ngoài xa và trên bầu trời là hàng vạn ngôi sao sáng tạo cho khung cảnh trời và biển về đêm vô cùng rực rỡ. Bà Minh nhìn biển, rồi nhìn bầu trời đêm như nghĩ ngợi điều gì đó đã xa, rất xa.

-  Bác sĩ khuyên tui…đừng quá xúc động!

-  Hồi xưa bà nói… trái tim bà nó đập… không đúng nhịp. Còn bây giờ? Bà Minh không đáp. Có lẽ bà không muốn nói ra điều gì đó về trái tim bà đang có nhiều dấu hiệu bất ổn. Mấy chục năm rồi nó đập lỗi nhịp, cho nên…

-  Tui hỏi câu này có gì không phải thì bà…bỏ qua cho tui! Tại tui quên…bà vui lòng nhắc lại…- Ông Thứ ngập ngừng mãi mới nói được hết câu.

-  Ông sống ở nước ngoài lâu nên khách sáo quá… Ông cứ hỏi đi miễn là câu hỏi phù hợp…với tuổi già- Trong giọng nói của bà Minh có chút giận dỗi, trông chờ. Bà nghiêng đầu để nghe ông nói giống như hồi xưa bà đã nghiêng đầu lắng nghe ông nói tiếng yêu dù đã muộn màng…

-  Tại tui quên nên… muốn hỏi lại – Ông Thứ tỳ hai bàn tay lên phần trên của cây gậy như tạo một điểm tựa cho tinh thần - Lâu quá rồi tui với bà… không gặp nhau. Ba mươi mốt năm rồi chớ ít ỏi gì! À… Tui muốn hỏi bà…năm nay bà… được mấy mươi rồi?

-  Sáu mươi tám!- Bà Minh thở ra sau câu trả lời – Tui già rồi phải không ông? Thời gian và bệnh hoạn làm con người ta mệt mỏi …

-  Còn tui thì bảy mươi lăm coi như đã sống quá một đời người. Hồi xưa tui không chịu nói đến chữ già. Còn bây giờ thì phải chấp nhận.

-  Hồi xưa ông ưa nói “Mình không còn trẻ nữa” chớ gì! – Bà Minh cười nhẹ nhắc lại câu nói ông từng nói với bà. Ngày xưa, cũng tại đây, hai người đứng nhìn biển đêm vắng vẻ, ông Thứ nói với bà “mình không còn trẻ nữa”. Lúc đó bà Minh ba mươi bảy tuổi, ông Thứ bốn mươi bốn. Họ không còn trẻ như đám thanh niên yêu ồn ào, sống sôi động mà đã chững lại với cuộc đời, biết suy nghĩ, biết cân nhắc trước khi quyết định một điều gì. Họ yêu dè dặt vì cả hai đều có gia đình, có con cái. Hai trái tim họ có thể cùng chung nhịp đập, tâm hồn họ có thể đồng cảm và hướng về nhau nhưng họ không thể là của nhau. Họ chỉ hôn nhau trong cái đêm ngắm biển xa xưa ấy rồi thì xa nhau cho tới bây giờ.

 

Đó cũng là định mệnh!

 

Thời gian trôi qua lạnh lùng. Nhìn lại đã ba mươi mốt năm…

-    Ông ơi. Sóng nó vô… coi chừng ướt cây gậy – Bà Minh chợt nói rồi nắm tay áo ông Thứ kéo nhẹ. Ông Thứ nhấc cây gậy lên khỏi lớp nước biển, bật cười:

-    Gậy bằng nhôm ướt có sao đâu… Mà bà lo một mình cây gậy ướt… thôi sao?

Bà Minh cười nhẹ:

-    Tại chân ông… thì ướt lâu rồi…nhắc cũng vậy thôi. Hồi xưa mình đứng ở đây…sóng biển tràn lên làm chân của tui, chân của ông đều ướt… Lúc đó…không có cây gậy này!

-    Cũng phải. Sóng tràn qua chân mình lâu rồi mà tui đâu có biết. Muộn màng quá phải không?

Bà Minh nghe không rõ, hỏi lại.

-    Ông nói muộn… chuyện gì?

-    Chuyện con sóng nó tràn vô bãi quá chỗ mình đang đứng.

-    Chớ gì nữa? Thủy triều lên chậm mà ông …còn chậm hơn nó.

-    Bởi vậy tui mới nói tới hai chữ muộn màng… Muộn tới ba mươi mốt năm trời…

Bà Minh và ông Thứ cùng lùi lại sau mép nước rồi vô tình họ đứng nép vào nhau. Bà Minh nói thì thầm trong tiếng sóng biển:

-    Ba chục lần tui ra đây nhìn biển ban đêm…nhớ ông mà ông đâu có biết? Tui đứng đây thiệt lâu cho tới lúc sóng tràn vô ướt hết hai bàn chân tui, bọt biển tan ra trắng xóa… Tôi ngẫm nghĩ… tình cảm của mình cũng như bọt biển. Nó trào lên mạnh vậy đó, rồi tan mất tức thì… Ba chục năm rồi…năm nào bọt biển cũng tan như vậy!

-    Bà chờ tui lâu vậy sao? – Ông Thứ xúc động.

 

Bà Minh lắc đầu buông lời trách móc nhẹ nhàng:

- Tui có chờ, có đợi ông đâu. Sinh nhựt tui thì tui ra đây. Sinh nhựt mình mà được đứng nhìn biển ban đêm là một hạnh phúc lớn lao. Không ai biết điều này…chỉ trừ một mình tui. À mà ông cũng biết nữa chớ phải không? Năm nào sóng cũng làm tui ướt hai bàn chân, nước mắt ướt hai go má!

Bàn tay ông Thứ tìm lấy bàn tay bà Minh. Tay trong tay hình như họ thấy ấm hơn một chút. Ông Thứ nói như để giãi bày, biện bạch lý do vì sao ông ra đi, vì sao ông tìm ra đây trong đêm nay đúng lần sinh nhựt thứ sáu mươi tám của người bạn cũ:

-    Sau đêm đó không lâu tui bỏ gia đình theo người ta trốn ra nước ngoài. Thấm thoát mà… tui sống ở xứ người ba mươi mốt năm trời. Lần này tui về nước là về…ở luôn. Sống thì ở xứ người, chết …phải quy cố hương! Nhìn tờ lịch, tui nhớ kỷ niệm xưa nên mới ra tận đây mong gặp lại bà. Ông trời có mắt còn cho mình gặp nhau. Vậy bà đừng trách tui vô tình nữa nghe?

Bà Minh im lặng. Trong trái tim bà hình như có tiếng sóng rì rào và có lời thổn thức của ba mươi năm một mình ra đây nhìn biển vắng.           Sau giọt nước mắt nóng hổi lăn dài trên má là tiếng thở dài:

-    Ông không vô tình thì còn ai vô đây…?

-    Tui xin lỗi…Tui xin lỗi! - Bàn tay ông Thứ không nắm bàn tay bà Minh mà đặt nhẹ lên vai bà - Tui sống bên đó cũng vất vả chớ có khỏe khoắn gì đâu. Cuộc sống của tui nó cô độc, lạnh lùng. Tôi có muốn về đây tìm bà cũng không được. Nhưng mà lần này… là tui về luôn. Tui hứa từ nay trở đi …hàng năm tui sẽ…

-    Hồi xưa ông cũng hứa… - Câu nói của bà Minh như lưỡi dao cứa vào trái tim già nua của ông Thứ. Ông thấy nhói đau…

 

Trời đã khuya. Gió nhiều hơn. Mực nước một lần nữa tràn lên chân hai người. Bà Minh khoanh tay trước ngực để ngăn gió lạnh. Ông Thứ ho khẽ vài tiếng. Nghe ông ho, bà hỏi:

-  Ông bỏ… thuốc lá chưa?

-    Rồi! – Ông Thứ ôm ngực cố nén cơn ho.

-    Giữ gìn sức khỏe nghen ông! Thôi mình về đi. Mấy đứa nhỏ chờ kia cà!

Con dâu bà Minh đến đón bà về. Hai đứa cháu nội của bà cứ đứng nhìn ông già chống gậy quên lời mẹ chúng bảo phải chào ông.

-  À… Bà …bà Minh.. – Lúc bà Minh đi khá xa, ông Thứ mới sựt nhớ vói kêu.

Bà Minh dừng bước, day lại, chờ đợi. Ông Thứ chống gậy bước nhanh tới. Ông lấy trong túi áo chiếc hộp dài trong đó có con cọp nhỏ bằng gỗ do ông khắc trong những ngày ở đảo Bu-đong. Đó cũng là hình ảnh của bà Minh –người đàn bà tuổi Dần – ông lưu giữ từ bấy lâu nay.

Ông trao cho bà Minh chiếc hộp và run run nói:

-  Quà… sinh nhựt…của ..của… em! Happy…birthday!

 

Gần một năm sau ông Thứ trở bệnh nặng. Con cái đưa ông vào bệnh viện. Bác sĩ hết lòng điều trị, chăm sóc… Hai tháng sau, bác sĩ nói với cô con gái út của ông là bệnh tình ông Thứ khó qua khỏi, gia đình liệu bề lo tính cho ông.

Cô con gái út bỏ ra ngoài hành lang khóc một mình.

 

Lúc tỉnh lại, dù sức  đã cạn, ông cũng cố thều thào nói với vợ chồng đứa con gái út:

-  Cuốn nhật ký…tía …để trong tủ. Mấy đứa… giúp tía…lo dùm… trang cuối!

Thằng rể út về nhà tìm được quyển sổ nhật ký của ông. Ở trang cuối ông có ghi tên bà Minh, số điện thoại nhà và dòng chữ: Niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của tôi là được gặp Minh vào phút cuối của cuộc đời. Muốn thì muốn vậy… mà biết có được không?

Thằng rể hiểu ý bàn với vợ mình rồi tức tốc đi gọi điện thoại cho bà Minh để mong sẽ giúp tía mình có được “niềm hạnh phúc nhỏ nhoi” trước lúc ra đi.

Cô con gái út nắm bàn tay gầy guộc của ông nói để ông yên lòng:

-  Tía ơi… bà Minh sẽ đến. Tía… ráng… chờ nghen!

Nghe nhắc đến bà Minh, ông Thứ  nở nụ cười héo hắt.     Ông nói tiếng được tiếng mất với con gái là muốn tặng bà Minh cây gậy của ông. Ông biết bà sẽ cần nó trong lúc tuổi già…

Rồi ông nhắm mắt ra đi nhẹ nhàng, thanh thản.

 

Thằng rể út đi gọi điện thoại về cho vợ mình biết bà Minh đã “đi” một tháng trước đây vì bị nhồi máu cơ tim. Người nhà bà Minh biết ông Thứ đang nằm bệnh viện nên ngại báo tin…

Vậy là trong chuyến xe cuối của cuộc đời, ông Thứ…lại cũng muộn màng!./.

 

Vùng biển, 2006

 

Diệp Hồng Phương
Số lần đọc: 1921
Ngày đăng: 22.04.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lời Thú Nhận Cuối Cùng - Đặng Hồng Quang
Bọn Bốn Đứa - Võ Xuân Phương
Nhân vật không biết nói dối - Hòa Văn
Quán Bên Sông - Mang Viên Long
Tình Quê Xa Khuất - Lê Văn Thiện
Tiếng động - Nguyễn Đạt
Đêm phương Nam cuối cùng - Lưu Thuỷ Hương
Lỗi Tại Ai - Lan Hương
Không Môt Chỗ, Để Về - Trần Yên Hòa
Con chim nhỏ trong lồng. - Trương Văn Dân